Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn Hiệp định thương mại với Việt Nam (RFA, 05/02/2020)
Gần 30 tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 4/2 đã gửi một bức thư đến Nghị viện Châu Âu, thúc giục EU bỏ phiếu hoãn thông qua Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) cho đến khi Việt Nam đáp ứng các đòi hỏi về nhân quyền và lao động.
Hình minh họa. Người Việt biểu tình bên ngoài Nghị viện Châu Âu hôm 21/1/2020 để phản đối việc thông qua EVFTA với Việt Nam - Photo : RFA
Theo lịch trình, Nghị viện Châu Âu sẽ nhóm họp và bỏ phiếu thông qua EVFTA vào ngày 11/2 tới đây.
Bức thư có đoạn viết : "Bất chấp những thất bại của Việt Nam trong việc đáp ứng một cách có ý nghĩa những đòi hỏi được lặp đi lặp lại về cải thiện nhân quyền đã được các Dân biểu Nghị viện Châu Âu đưa ra, hôm 21 tháng Một vừa qua, số đông trong Ủy ban Thương mại Quốc tế (của Nghị viện) đã bỏ phiếu đồng ý với các thỏa thuận này, ngược lại với ý kiến đã được Ủy ban Đối ngoại đưa ra trước đó và lờ đi những cam kết đã được đề nghị bởi nhiều tổ chức phí chính phủ quốc tế và Việt Nam".
Vì lý do này, các tổ chức nhân quyền tham gia vào bức thư kêu goi các dân biểu Châu Âu sẽ sửa sai trong cuộc họp sắp tới.
Theo nội dung bức thư, trong quá khứ EU cũng đã từng gây sức ép lên các nước Uzbekistan và Turkmenistan về vấn đề nhân quyền cho đến khi đồng ý thông qua các thỏa thuận thương mại. Vì vậy, các tổ chức nhân quyền cho rằng EU cũng có thể áp dụng hướng tiếp cận tương tự với Việt Nam.
Cụ thể, những điều kiện mà các tổ chức nhân quyền đưa ra đối với Việt Nam bao gồm :
- Cam kết và có lộ trình sửa đổi hoặc bỏ những điều khoản trong Bộ Luật Hình sự bao gồm điều 109, 116, 117, 331 và 318 mà chính quyền thường dùng để bỏ tù những nhà hoạt động ôn hòa.
- Trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị, bao gồm cả những người đang bị tạm giữ để điều tra bao gồm nhà báo Phạm Chí Dũng, người đã kêu gọi EU hoãn thông qua EVFTA với Việt Nam.
- Cam kết với một khoảng thời gian để thông qua Công ước số 87 của ILO về người lao động
- Thiết lập một cơ chế giám sát và khiếu nại để những người dân bị bách hại bởi chính quyền có thể tiếp cận với các nguồn, công cụ để đề cập đến những vấn đề của họ.
Hồi tháng 11 năm ngoái, một loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế bao gồm Human Rights Watch cũng gửi bức thư đến Nghị viện Châu Âu với các yêu cầu tương tự, thúc giục Châu Âu gây sức ép về vấn đề nhân quyền lên Việt Nam trước khi bỏ phiếu về EVFTA.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Châu Âu ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Kim ngạch thương mại hai chiều một năm là hơn 47 tỷ Euro. Nếu được thông qua, EVFTA sẽ chính thức đi vào hiệu lực 1 tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất các quá trình pháp lý.
******************
28 NGO đề nghị EU hoãn thông qua Hiệp định thương mại với Việt Nam (RFI, 05/02/2020)
Một lá thư ngỏ đề ngày 04/02/2020 được 28 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ký tên đã được gởi đến các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU), yêu cầu hoãn ký kết Hiệp định tự do mậu dịch EU-Việt Nam (EVFTA) cho đến khi Hà Nội đáp ứng các đòi hỏi về nhân quyền.
Ủy viên Thương mại UBCA Cecilia Malmstrom (trái), bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea (giữa) và bộ trưởng Thương Mại Việt Nam Trần Tuấn Anh (phải) trong lễ ký kết các Hiệp định, Hà Nội, ngày 30/06/2019. Tien TUAN / AFP
Vào thời điểm sắp đến ngày 11/02, khi đó hai hiệp định EVFTA và IPA (bảo vệ đầu tư) sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể, 28 tổ chức xã hội dân sự tỏ ý tiếc rằng Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của Nghị Viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định trên hôm 21/1, dù đã có những khuyến nghị dựa trên các bằng cớ về đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.
Đồng thời, các tổ chức này yêu cầu Nghị Viện nên có cách tiếp cận tương tự như với Uzbekistan và Turkmenistan trước đây, hoãn lại Hiệp định cho đến khi chính quyền Việt Nam thỏa mãn các đòi hỏi về bảo vệ nhân quyền và các quyền của người lao động "một cách cụ thể và có thể kiểm chứng được".
Thư ngỏ đề nghị EU đưa ra một nghị quyết song song, đặt ra các điều kiện mà Hà Nội phải đáp ứng. Trong đó có việc đưa ra lộ trình sửa đổi những điều khoản khắc nghiệt trong Luật Hình sự như điều 109, 116, 117, 318 thường được vận dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến ; trả tự do cho các tù nhân chính trị trong đó có nhà báo Phạm Chí Dũng, người đã bị bắt giam sau khi kêu gọi EU không phê chuẩn Hiệp định.
Bên cạnh đó Nghị Viện Châu Âu cần đòi hỏi Việt Nam cam kết phê chuẩn Công ước ILO số 87 (về quyền tự do hội họp và lập hội) trễ nhất là năm 2021 ; thành lập một cơ chế độc lập để giám sát.
Trong số các tổ chức phi chính phủ ký tên vào thư ngỏ có Human Rights Watch (HRW) hôm 14/01 đã ra báo cáo lên án Việt Nam cầm tù ít nhất 30 người bất đồng chính kiến trong năm 2019.
Thụy My
*********************
26 tổ chức NGO kêu gọi EP hoãn phê chuẩn EVFTA (VOA, 04/02/2020)
26 tổ chức phi chính phủ (NGO) vừa ký chung một lá thư kiến nghị, kêu gọi Nghị viên Châu Âu (EP) hoãn phê chuẩn thoả thuận thương mại tham vọng nhất giữa Châu Âu và Việt Nam. Dự kiến, phiên họp phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư (IPA) sẽ diễn ra vào ngày 11/2.
EVFTA sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu từ ngày 10/2 - 14/2/2020.
Trong lá thư công bố ngày 4/2, 26 tổ chức – bao gồm tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) – nói rằng việc đa số nghị viên trong Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã bỏ phiếu ủng hộ thông qua thoả thuận vào ngày 21/1 vừa qua là một điều "đáng tiếc" vì nó đi ngược lại với quan điểm của Ủy ban Đối ngoại (AFET) của Nghị viện Châu Âu và "làm ngơ" với các cam kết đã được lặp đi lặp lại trong vấn đề bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Các tổ chức trên cho rằng phiên họp ngày 11/2 sắp tới là một cơ hội để các nghị viên Châu Âu "sửa chữa sai lầm".
Được chính thức khởi động đàm phán từ năm 2012, EVFTA được xem là thoả thuận thương mại "tham vọng nhất" giữa Châu Âu và Việt Nam. Nếu các thủ tục hoàn tất và chính thức có hiệu lực, hiệp định ước tính sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Ngược lại, GDP của EU cũng sẽ hưởng lợi thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.
Để được thông qua EVFTA, ngoài cam kết bảo đảm một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, tuân thủ những quy định cụ thể về thuế quan, mở cửa thị trường… Việt Nam cũng phải cam kết cải thiện nhân quyền và thực thi các điều khoản cụ thể trong việc bảo vệ nhân quyền và quyền lợi của người lao động.
Trong thư kiến nghị, 26 tổ chức phi chính phủ cho rằng Việt Nam cho tới nay chưa thực hiện yêu cầu cải thiện nhân quyền mà các nghị sĩ Châu Âu đã đề ra.
Các tổ chức này kêu gọi Nghị viên Châu Âu tiếp tục đòi hỏi Việt Nam phải công bố lộ trình về cam kết cải cách Bộ Luật Hình sự, vì bộ luật khắc nghiệt này đã được nhà nước Việt Nam sử dụng để "hình sự hoá" việc chỉ trích chính quyền và bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến.
Các tổ chức cũng yêu cầu các nghị viên đòi hỏi Hà Nội phải thả các tù nhân chính trị, trong đó có nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và nhiều "tù nhân lương tâm" đang bị giam giữ khác ; đưa ra cột mốc thời gian cụ thể về việc phê chuẩn Công ước ILO số 87 (về tự do thành lập công đoàn, bảo vệ quyền lợi của người lao động và nhân quyền) trong năm 2021 ; thành lập cơ chế giám sát và khiếu nại độc lập cho những người bị tổn hại trong trường hợp các cam kết trên bị vi phạm.
Trước đó, hôm 28/1, Việt Nam đã cử Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh sang Bỉ để tham dự một hội nghị cấp cao của Nghị viện Châu Âu về EVFTA/EVIPA.
Tại đây, đại diện của Việt Nam đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến lợi ích của hiệp định và những nỗ lực của Việt Nam trong việc chuẩn bị thực thi hiệp định.
Theo trang tin của Bộ Công Thương Việt Nam, "bối cảnh" hội nghị lần này "tương đối thuận lợi" nhờ việc INTA bỏ phiếu ủng hộ thông qua hiệp định vào ngày 21/1.
Vẫn theo bộ này, hội nghị ngày 28/1 được tổ chức theo sáng kiến của INTA "nhằm thúc đẩy sự đồng thuận cao hơn đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA" trước khi hai hiệp định này được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu vào tuần tới.
**********************
18 cuộc đình công của công nhân trong tháng 1/2020 (05/02/2020)
Hàng ngàn công nhân tại Việt Nam tham gia 18 cuộc đình công tính đến ngày 20/1/2020, tăng 3 vụ so với dịp Tết năm 2019.
Hơn 1000 công nhân đình công tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Ever Great International Việt Nam, tỉnh Ninh Bình trong hai ngày 4-6/02/20. baogiaothong.vn
Truyền thông trong nước, vào ngày 5/2, dẫn nguồn từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thông tin vừa nêu. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công xảy ra là do công nhân phản đối các chế độ lương, thưởng Tết, đóng bảo hiểm xã hội, chất lượng bữa ăn…
Các cuộc đình công có sự tham gia của đông đảo công nhân và kéo dài nhiều ngày trong tháng 1 năm 2020 điển hình như tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Highvina Apparel ở tỉnh Tây Ninh với hơn 1300 công nhân, diễn ra trong 4 ngày từ ngày 2 đến ngày 6/1 và tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Knitpassion ở tỉnh Tiền Giang với 2400 công nhân, diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/1.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết các cuộc đình công của công nhân trong tháng 1 năm 2020 có quy mô và tính chất không phức tạp so với các năm trước. Và cơ quan này còn cho biết thêm rằng đã phối hợp với chủ lao động để đối thoại cùng công nhân nhằm tìm ra các giải pháp ổn định mối quan hệ lao động.
Vào ngày 7/1/20, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong năm 2019, đã có hơn 120 cuộc đình công, ngừng việc tập thể của công nhân trên cả nước, giảm 50% so với năm 2018.
Mới đây, Việt Nam đã ký kết hai hiệp định thương mại với các nước bao gồm Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPCPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA). Các hiệp định này yêu cầu Việt Nam cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập.