Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 07 septembre 2021 14:22

Đạo đức như quỷ !

Cứ mỗi lần nghĩ đến Afghanistan, tôi lại thấy hiện ra chiếc áo Burqa trùm kín người phụ nữ từ đầu đến chân. Nếu bóng tối đang phủ trùm lên xã hội Afghanistan, thì số phận của người phụ nữ càng tăm tối hơn. Người phụ nữ trong chế độ Taliban chẳng khác nào những thây người biết đi. Bị khinh miệt và đẩy ra bên lề xã hội, họ có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Sáng nay, (thứ Hai 6/9/2021), đọc một bản tin trên BBC, thấy buồn quá. Theo bản tin, hôm thứ Bảy 4/9 vừa qua, một phụ nữ có mang tám tháng tại thủ phủ của tỉnh Ghor, miền trung Afghanistan, đã bị ba tay súng bắn hạ ngay trước mặt người chồng và con cái của bà. Được biết người phụ nữ này là một cảnh sát viên đã từng làm việc trong một nhà tù tại địa phương dưới thời chế độ cũ (1).

quy1

Người phụ nữ trong chế độ Taliban chẳng khác nào những thây người biết đi. Bị khinh miệt và đẩy ra bên lề xã hội, họ có thể bị giết chết bất cứ lúc nào.

Cái chết của người nữ cảnh sát viên trên đây quả là thê thảm. Nhưng cứ nghĩ đến những vụ ném đá những người phụ nữ bị bắt vì ngoại tình trong chế độ Taliban, tôi không thể không cảm thấy rùng mình. Bị chặt đầu, treo cổ, xử bắn hay chích thuốc độc... ít ra cuộc sống có thể được kết liễu một cách nhanh chóng. Nhưng bị một đám đông đàn ông dùng đá ném vào tứ chi cho đến tắt thở, có lẽ chẳng có cuộc hành quyết nào dã man và khủng khiếp hơn. Biết đâu, nhìn lên cái đám lý hình đang ném đá mình, người phụ nữ lại chẳng thấy có thủ phạm của hành động ngoại tình ?

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, một chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt đã từng làm việc nhiều năm tại Afghanistan, cho rằng xã hội Taliban là một xã hội thời Trung Cổ bên Châu Âu. Thật ra, xã hội Taliban còn thụt lùi đến cả hơn 2 ngàn năm trước. Có lẽ người tín hữu Kitô nào cũng đều thuộc nằm lòng câu chuyện được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan 8, 1-11. Cũng có một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Cũng có một đám đông hậm hực chờ đợi để được ném đá người phụ nữ. Chỉ khác một điều là sau khi Chúa Giêsu nêu lên một câu hỏi xoáy vào tim gan của đám đông : "Ai trong các ngươi là người sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi", mọi người đều từ từ rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi hơn cả.

Tôi luôn xem câu chuyện trên đây là cốt lõi của Kitô giáo. Khoan nhượng, cảm thông, bao dung, tha thứ... suốt cuộc đời của Ngài và nhứt là qua cái chết của Ngài, có lẽ Chúa Giêsu chỉ muốn dạy có thế. Nhưng dường như đó là món ăn tinh thần khó tiêu hóa nhứt đối với Kitô giáo.

Cho đến giữa thập niên 1950, tức lúc tôi vừa có trí khôn, qua các sinh hoạt tôn giáo trong xóm đạo của tôi, tôi nhận thấy dường như Giáo hội của tôi vẫn còn dậm chân ở thời Trung Cổ hay ngay cả quay trở lại cái thời mà chuyện người phụ nữ bị ném đá vẫn còn thịnh hành. Tôi vẫn nhớ rõ như in cái cảnh sau những buổi đọc kinh trưa ngày chúa nhựt, một người phụ nữ nào đó rụt rè bước ra giữa nhà thờ để lí nhí một câu gì đó mà chẳng ai nghe được, nhưng từ lớn chí bé, ai ai cũng hiểu rằng người phụ nữ đó xưng thú rằng mình đã trải qua cái cảnh "không chồng mà chửa mới ngoan". Dường như cả cộng đồng lấy làm thích thú để nghe một lời tự thú như thế và già trẻ lớn bé, chẳng ai thắc mắc tự hỏi : thế còn người đàn ông, cha của đứa con ngoại hôn là ai và đang ở đâu ? Trong xóm đạo của tôi, chửa hoang hay ngoại tình là một tội rất nặng và chỉ là tội của người phụ nữ mà thôi. Nếu lỡ có mang ngoài hôn phối thì hoặc là phải cuốn gói trốn đi một nơi khác hoặc gồng mình ra đầu thú trước mặt cộng đồng. Mãi cho đến năm 1965, một linh mục người Pháp được cử về làm quản xứ mới bãi bỏ cái tập tục dã man này.

Ra đầu thú trước cộng đồng là một cuộc "ném đá" tương đối nhẹ. Mẹ tôi kể rằng thời xa xưa, việc chửa hoang của người phụ nữ được phát giác rất sớm và chính mấy ông "chức việc", tức các "cảnh sát tôn giáo" trong xóm đạo, đã lôi người phụ nữ đến một bãi đất công trước nhà thờ, rồi đào một cái lỗ vừa khít cho cái bụng chửa để người phụ nữ có thể nằm sấp và dùng roi đánh vào mông của thai phụ. Dĩ nhiên, với sự chứng kiến hào hứng và vui thích của đám đông. Chuyện có khác gì những "tòa án nhân dân" xử những người đàn bà phạm tội ngoại tình thời Chúa Giêsu hay trong xã hội Taliban đâu.

Chuyện người phụ nữ ngoại tình bị kết án, ruồng rẫy và loại trừ ra khỏi xã hội có lẽ là chuyện thường ngày ở huyện trong các cộng đồng Kitô giáo tại các nước phương Tây trong các thế kỷ trước. Nhà văn Mỹ Nathanael Hawthorne (1804-1864) đã lên án thói tục dã man ấy trong quyển tiểu thuyết có tựa đề "Chữ đỏ thẫm" (The Scarlet Letter). Cộng đồng Kitô giáo được tác giả dùng làm bối cảnh cho câu chuyện là giáo phái Thanh giáo (Puritans). Xuất phát từ Giáo hội Anh giáo tại Anh Quốc vào Thế kỷ 17, các cộng đồng Thanh giáo cho rằng Giáo hội Anh giáo quá gần gũi với Giáo hội Công giáo La Mã. Họ muốn loại bỏ những thực hành và nghi lễ nào không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Và một trong những thực hành theo Kinh Thánh Cựu Ước mà họ muốn tái lập là loại trừ những người phụ nữ ngoại tình ra khỏi cộng đồng. Nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết "Chữ đỏ thẫm" là một thiếu phụ trẻ mà người chồng bị xem là mất tích trên biển. Trong thời gian chờ chồng, chị đã đi lại với chính vị mục sư trẻ trong cộng đồng. Kết quả của cuộc tình này là một đứa trẻ đã ra đời mà không ai biết được cha nó là ai. Người thiếu phụ đã bị "tòa án" của cộng đồng kết án phải đứng dựa vào một cột cờ ba tiếng đồng hồ để cho đám đông đến sỉ vả. Ngoài ra, chị còn bị bắt phải suốt đời mang trên áo mình một tấm vải có viết chữ "A". "A" có nghĩa là "Adulterer", kẻ ngoại tình. Điều oái oăm là vị mục sư trẻ, cha của chính đứa bé, lại là người đã cùng với vị mục sư chính của cộng đồng thẩm cung người thiếu phụ để tìm cho ra ai là cha của nó. Nhưng chị cương quyết không tiết lộ danh tánh của người tình của mình và chấp nhận sống lưu vong trong một khu ngoại ô của thành phố. Không một người nào, ngay cả người cha của đứa trẻ, tức vị mục sư trẻ được xem là một nhà "thuyết giảng thánh thiện" trong cộng đồng, muốn tiếp xúc với chị (2).

quy2

Một cặp tình nhân ngoại tình thời Trung Cổ bị đánh đập và xua đuổi ra khỏi cộng đồng Tranh minh họa của họa sĩ Jules Arsène Garnier

Mặc dù đã cáo chung vào khoảng năm 1740, Thanh giáo vẫn tiếp tục tạo được một ảnh hưởng lớn trên rất nhiều Giáo hội Tin lành và nền văn hóa Mỹ. Nhà chính trị học nổi tiếng của Pháp là Alexis de Tocqueville (1805-1859), sau một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong thập niên 1830 đã ghi nhận : "Tôi nghĩ rằng tôi có thể nhìn thấy toàn bộ định mệnh của Hoa Kỳ trong những tín đồ Thanh giáo đầu tiên đã đặt chân đến vùng đất này". Hai thế kỷ sau, nếu trở lại Hoa Kỳ, có lẽ ông de Tocqueville vẫn giữ nguyên nhận định của ông về ảnh hưởng của Thanh giáo trong văn hóa và nhứt là chính trị Mỹ ngày nay (3), nhứt là kể từ khi một người như ông Donald Trump được bầu làm nguyên thủ quốc gia.

Donald Trump, một người mà luật sư Nguyễn Hoàng Duyên ở Mỹ thường gọi là kẻ phạm không trừ một "giới răn" nào trong Mười giới răn mà Thiên Chúa đã truyền dạy cho tổ phụ Môi Sen của người Do Thái vào Thế kỷ thứ 13 trước Công nguyên, không ngừng rêu rao chấn hưng đạo đức và những giá trị truyền thống. Một trong những lá bài thu hút nhứt trong chương trình chấn hưng đạo đức của ông là chống phá thai. Các cử tri bảo thủ như Tin lành và ngay cả Công giáo đã tung hô ông như người được Thiên Chúa "tuyển chọn".

Hiện các chính trị gia Mỹ cũng đang "ăn theo" chiêu bài này. Điển hình là mới đây Tiểu bang Texas do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã ban hành một luật chống phá thai gây nhiều tranh cãi. Một trong những điểm trong luật chống phá thai này khiến tôi liên tưởng đến luật Hồi giáo Sharia của Taliban và những thực hành của giáo phái Thanh giáo : luật hứa một phần thưởng hậu hĩ cho những người chỉ điểm. Cụ thể, bất cứ ai nộp đơn kiện một trung tâm phá thai đều có thể được thưởng 10.000 Mỹ kim. Luật cũng khuyến khích người dân tố cáo bất kỳ ai giúp đỡ người phụ nữ phá thai, kể cả những người chỉ đưa người phụ nữ đi phá thai hoặc trợ giúp chi phí cho việc phá thai... (4).

Là một tín hữu Kitô, tôi tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống con người từ lúc được cưu mang trong lòng mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Tuy nhiên, là một tín hữu Kitô, tôi cũng được Chúa Giêsu dạy phải luôn biết tỏ ra cảm thông với người phụ nữ, khi vì một lý do bất khả kháng mà chỉ có họ mới biết được, đành phải cắn răng chọn lựa chấm dứt việc mang thai. Mới đây, khi được phỏng vấn trên đài EWTN (Eternal Word Television Network), một đài truyền hình công giáo nổi tiếng tại Mỹ, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc là bà Jane Psaki đã trả lời cho một nam ký giả chống phá thai như sau : "Tôi biết ông đã không bao giphải đối diện với những chọn lựa đó, ông cũng đã chẳng bao giờ mang thai. Còn những người phụ nữ kia, họ đã phải đứng trước những chọn lựa đó. Đây là một chọn lựa vô cùng khó khăn"(5).

Từ chuyện Taliban xử ném đá phụ nữ ngoại tình đến chủ trương loại trừ và bêu diễu họ trong giáo phái Thanh giáo đến luật cấm phá thai của Tiểu bang Texas, tôi nghĩ đến hai chữ "đạo đức". Cũng như Tự Do, "đạo đức" là một từ bị lạm dụng nhiều nhứt. Độc ác và giả nhân giả nghĩa như mấy ông cộng sản Việt Nam mà lúc nào cũng ra rả nào là "đạo đức cách mạng", nào là tấm gương "đạo đức"của Bác Hồ.

Với tôi, cốt lõi của Đạo, dù là đạo nào, phải là sự cảm thông. Thiếu sự cảm thông, thì dù có "đạo đức" cỡ nào đi nữa, tôi e phải mượn lời của một người quen để thốt lên : "đạo đức như quỷ" !

Chu Văn

(07/09/2021)

Chú thích :

1. Taliban accused of killing pregnant police officer

 2. The New Puritans

3. Still Puritan after all these years

4. What the Texas abortion ban does and what it means for other states

5. Psaki brushed off a male reporter’s abortion question : "I know you’ve never faced those choices"

Additional Info

  • Author Chu Văn
Published in Văn hóa

Nữ quyền, cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ

08/03, ngày Quốc tế nữ quyền, đây là sự kiện không thể thiếu trên các trang báo Pháp ra hôm nay. Với Libération đây không chỉ là ngày tôn vinh phái nữ, mà còn là ngày tiếp tục cuộc đấu tranh cho nữ quyền. Libération ghi nhận, "trong bối cảnh chính trị phản động, quyền nạo thai bị đe dọa và Donald Trump đắc cử tổng thống… Năm nay, hơn bao giờ hết ngày Quốc tế nữ quyền là ngày đấu tranh". Trang nhất tờ báo chạy tựa "ngọn đuốc cháy lại" như một lời kêu gọi cuộc đấu tranh các quyền của phụ nữ không bao giờ tắt.

nuquyen1

Một biểu tượng của cuộc chiến vì phụ nữ.DR

Theo Libération, "đòi quyền cho nữ giới, đó là cuộc đấu tranh bất tận". Đó là cuộc đấu tranh đòi các quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đòi quyền được tôn trọng không phải bằng những lời ca tụng mà là bằng hành động thực tế.

Bởi vậy mà dịp kỷ niệm 8/3 năm nay, hàng loạt các công đoàn, hiệp hội phụ nữ tại Pháp kêu gọi tổng đình công bắt đầu chính xác từ 15g40. Cùng lúc, Tổng Liên Đoàn các Nghiệp Đoàn Quốc Tế, tổ chức quy tụ đa số các công đoàn trên thế giới, cũng ra lời kêu gọi biểu tình. Lời kêu gọi đã được phổ biến và hưởng ứng ở gần 35 nước. Không chỉ có ngày 8/3, cả một năm qua, trên thế giới đã chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình đòi nữ quyền, Libération nhắc lại.

"Ngày 21 tháng Giêng vừa qua, tức là ngay sau ngày ông Donald Trump nhậm chức, hàng triệu phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới, từ Washington đến Paris, từ Sydney đến Luân Đôn, đã nhất loạt xuống đường phản đối vị tổng thống có nhiều hành vi và phát ngôn coi thường phụ nữ. Trước đó, hồi mùa thu năm ngoái, tại Ba Lan, một phong trào rộng lớn của phụ nữ bảo vệ các quyền được nạo thai đã thu được thắng lợi, buộc chính quyền nước này rút lại các đạo luật về nạo thai".

Cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng nam nữ đã có từ cả thế kỷ qua, giờ vẫn còn cả một chặng đường dài, cho dù người ta cũng ghi nhận không ít tiến bộ trong "cuộc đấu tranh bất tận" này.

Ngày Quốc tế phụ nữ bắt nguồn từ đâu ?

Có lẽ ít ai biết chính xác ngày mùng 8/3, ngày vì nữ quyền, bắt đầu thế nào ? từ khi nào ? Nhà sử học nữ Mathilde Larrère, người Pháp, phó giáo sư, chuyên nghiên cứu về các cuộc cách mạng và quyền công dân, giải đáp các câu hỏi qua bài viết ngắn trên Libération "Ngày 8/3, một huyền thoại và một biểu tượng".

Theo nhà sử học Pháp, nhiều người vẫn nghĩ xuất xứ của ngày Quốc tế phụ nữ là ngày 8/3/1857, tức ngày đánh dấu cuộc biểu tình của các nữ công nhân ngành dệt ở New York. Nhưng thực tế dự định lấy ngày phụ nữ quốc tế có từ năm 1910. Vào năm đó một nữ nhà báo cũng là nhà hoạt động chính trị người Đức Clara Zetkin đã đưa ra ý tưởng trong một hội nghị quốc tế về phụ nữ tại Copenhagen. Mục tiêu là đấu tranh để phụ nữ được quyền bỏ phiếu, quyền được làm việc và chấm dứt tệ kỳ thị nữ giới. Tháng 3 một năm sau đó, hàng triệu người cả nam và nữ đã xuống đường biểu tình đòi các quyền cho phụ nữ ở khắp nước Đức, Đan Mạch và Thụy Sĩ.

Thế nhưng, theo nhà sử học Mathilde Larrère, chính Lenin vào năm 1921 là người ấn định mùng 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ, nhằm tôn vinh điểm khởi đầu của cuộc cách mạng Nga 1917, ngày 23 tháng hai năm 1917, theo lịch của Nga, còn theo công lịch chính là ngày 8/3. Hàng loạt các nữ công nhân ở Saint-Petersburg ngày đó đã xuống đường đòi "bánh mỳ và hòa bình", lãnh đạo của cách mạng Xô Viết liền có sáng kiến lấy ngày đó là ngày phụ nữ quốc tế. Sau thế chiến thứ 2, mùng 8 tháng 3 trở thành ngày kỷ niệm chính thức của các nước Cộng sản rồi phong trào này lan rộng khắp thế giới trong những thập niên 1960 -1970. Đến năm 1977, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia hãy dành ngày 8/3 là ngày vì nữ quyền và hòa bình trên thế giới. Phải 5 năm sau đó Pháp mới chính thức hóa 8/3 là ngày Quốc tế nữ quyền.

Bầu cử tổng thống Pháp : Hai đảng chính trị lớn tiếp tục sa lầy

Tất cả các báo Pháp vẫn đang rất nhộn nhịp với chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2017. Các ứng cử viên của hai đảng chính trị truyền thống lớn là cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR-Les Républicains) và Đảng Xã Hội đều đang gặp khó khăn.

Đề cập đến đảng cánh hữu LR, Le Monde có bài : "Lau rửa mặt tiền để cứu Fillon". Tờ báo nhận định, ở cánh hữu, cuộc bầu cử tổng thống mỗi ngày lại càng thêm giống một vở bi hài kịch …

Chỉ còn tuần nữa là diễn ra vòng đầu của cuộc bầu cử, ứng cử viên của cánh hữu François Fillon mặc dù bị cuốn sâu vào các rắc rối pháp lý liên quan đến nghi vấn tuyển dụng khống người thân làm trợ lý cho mình, vẫn kiên quyết không chấp nhận nhường cuộc đua cho bất kỳ ai. Sau liên tiếp các sức ép không thành, đảng LR đành chơi bài đoàn kết. Theo Le Monde, "đó là sự đoàn kết giả tạo che giấu một cánh hữu đang bị chia rẽ sâu sắc", vì vụ bê bối của ứng viên Fillon.

Trong khi đó Le Figaro ghi nhận : "Fillon đang cố gắng thụ nhặt từng mẩu trong Những Người Cộng Hòa" đang vỡ nát do chính vụ việc của ông. Ông Fillon vẫn khăng khăng không rút lui, từ chối mọi dàn xếp trong đảng để rút ông khỏi cuộc đua.

Còn nhật báo thiên tả Libération cũng có chung nhận định về sự đoàn kết giả tạo của lãnh đạo đảng với ông Fillon qua tựa đề bài viết đầy hàm ý : "Tất cả đằng sau Fillon nhưng thực xa phía sau". Bài viết cho thấy mặc dù cố kháng cự theo kiểu còn nước còn tát tìm kiếm mọi sự ủng hộ còn lại, nhưng ông Fillon đang nhìn thấy số người ủng hộ ông đang giảm đi từng ngày. Chưa hết, hôm nay tờ báo Canard Enchainé vừa mới tung thêm một cáo giác : hồi năm 2013, ông Fillon có một khoản vay 50 nghìn euro của một người bạn tỷ phú Marc Ladreit de Lacharrière, nhưng ông cũng dấu nhẹm không khai báo gì về khoản vay, mà các chi tiết liên quan trong vụ vay mượn này có thể ẩn chứa những vụ việc khác.

Bên cánh tả cũng không khá hơn, ứng cử viên tổng thống của đảng Xã Hội cũng đang ngày càng bị các nhân vật có uy tín trong đảng bỏ rơi trong cuộc vận động tranh cử. Le Figaro ghi nhận : Những nhân vật hàng đầu trong PS đổ xô về với Macron, người đã rút khỏi đảng Xã Hội lập phong trào En Marche ra ứng cử.

Theo Le Figaro, "Giữa ứng viên Benoit Hamon và sức hút của Emmanuel Macron, các tên tuổi lớn trong đảng Xã Hội đang dần chuyển sang ủng hộ ứng viên Macron. Tương quan lực lượng đang ngả về ứng viên tự do thuộc phong trào "Tiến bước – En Marche"". 

Nhật báo kinh tế Les Echos khẳng định xu hướng của cuộc đua bằng một kết quả thăm dò dự định bỏ phiếu của cử tri Pháp, 46 ngày trước vòng 1 : Ứng viên đảng Mặt Trận Quốc Gia FN, Marine Le Pen vẫn dẫn đầu với 26%, bám sát bà là ông Emmanuel Macron thu được 25%, ứng viên Fillon vẫn bị bỏ xa với 20%, xa nữa là ứng viên của đảng Xã Hội Benoit Hamon với nhỉnh hơn 10%.

Châu Âu lo ngại kế hoạch Made in China 2025 của Trung Quốc

Một lần nữa tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế lại khiến Châu Âu lo ngại. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài : "Công nghiệp : Châu Âu lo ngại các tham vọng của Trung Quốc".

Liệu các doanh nghiệp nước ngoài có phải gánh chịu hậu quả của các tham vọng trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc ? Theo Les Echos, câu hỏi này ẩn chứa mối lo của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh sau khi soi xét kỹ kế hoạch Made in China 2025, được đánh giá là lộ trình lớn của chính phủ Trung Quốc nhằm biến nước này từ một "công xưởng thế giới" thành một "đại cường công nghiệp".

Kế hoạch này đang đe dọa lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc. Bắc Kinh triển khai một loạt biện pháp tăng cường hạn chế sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài, đổ hàng tỷ đô la để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa. Một mục tiêu khác là giảm dần sự lệ thuộc công nghệ nước ngoài, ưu tiên dành thị trường nội địa cho sản phẩm Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Châu Âu lo ngại sẽ bị cạnh tranh bất bình đẳng tại thị trường Trung Quốc. Báo cáo của Phòng Thương Mại Châu Âu ghi nhận : Bắc Kinh trong những năm qua đã tiến hành hàng loạt các biện pháp : "trợ giá, kích thích thuế liên tục hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, hạn chế doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường trong nước, thúc đẩy mua công nghệ Châu Âu …". .

Cơ quan thương mại Châu Âu nhận định kế hoạch Made in China 2025 "thực ra là kế hoạch trợ giá quy mô lớn đối với nhập khẩu nhằm quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt hoặc thu hẹp vị thế của các doanh nghiệp nước ngoài".

Les Echos kết luận, đó chính là lý do vì sao quan hệ làm ăn giữa Bruxelles và Bắc Kinh luôn căng thẳng, đặc biệt trong việc thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường.

Trung Quốc : Cha mẹ đi kiếm vợ cho con

Liên quan đến vấn đề xã hội Trung Quốc, Le Figaro có bài phóng sự dài mang tiêu đề : "Các bậc cha mẹ người Trung Quốc cuống cuồng đi kén chàng rể lý tưởng".

Theo bài phóng sự, giờ đây ở trong nhiều công viên ở Bắc Kinh cũng như ở nhiều nơi khác ở Trung Quốc, vẫn thường diễn ra các phiên "chợ độc thân" rất kỳ lạ, do các bậc cha mẹ đang mong ngóng dựng vợ gả chồng cho con cái mình tổ chức để duy trì hậu thế. Bài phóng sự cho thấy, dù hiện tượng dàn xếp dựng vợ gả chồng cho con từ vài thập kỷ gần đây đã giảm nhiều trong xã hội Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng của gia đình đối với cuộc sống tình cảm trong giới trẻ Trung Quốc vẫn còn nhiều.

Trong khi đó xã hội ngày nay ở Trung Quốc đã thay đổi, thanh niên lập gia đình muộn hơn so với cha mẹ rất nhiều. Vì thế mà các ông bố bà mẹ, về già vẫn canh cánh một nỗi lo làm sao để con cái mình yên bề gia thất, sinh con đẻ cái để họ được có cháu bồng, cháu bế. Thế là các ông bố bà mẹ đó tự phát hội tụ ở các khu công viên, đưa các số liệu về con mình ra giới thiệu hy vọng các phụ huynh khác cũng cùng nhu cầu tìm đến con mình, cho dù con cái họ không hay biết gì về các cuộc trao đổi như thế. 

Anh Vũ

Published in Quốc tế