Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ : Mười dân biểu Cộng hòa cùng phe Dân chủ tán đồng luận tội phế truất Tổng thống Trump lần 2

Trọng Nghĩa, RFI, 14/01/2021

Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên hai lần bị luận tội truất phế. Hôm qua, 13/01/2021, đa số dân biểu thuộc cả hai đảng tại Hạ Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu buộc tội ông đã kích động bạo lực liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở Quốc hội trên đồi Capitol ở thủ đô Washington D.C. Ngày 06/01.

luantoi1

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi và bản luận tội theo thủ tục phế truất tổng thống Donald Trump được thông qua và sẽ được chuyển lên Thượng Viện, Đồi Capitol, Washington, Mỹ, ngày 13/01/2021.  AP - Alex Brandon

Đáng chú ý là có tổng cộng 232 dân biểu, trong đó có 10 người thuộc đảng Cộng hòa, bỏ phiếu thông qua quyết định luận tội truất phế ông với cáo buộc "kích động nổi dậy". Nổi bật trong nhóm dân biểu này là bà Liz Cheney, nhân vật số ba của thiểu số Cộng hòa tại Hạ Viện. Trong lần luận tội cách nay khoảng một năm, toàn bộ các dân biểu Cộng hòa đã bỏ phiếu chống.

Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ hiện vẫn nắm đa số tại Hạ Viện, nói về một ngày buồn cho đất nước. Về phần mình, Donald Trump không bình luận về bản cáo trạng. Tuy nhiên, trong một đoạn video, tổng thống Mỹ đã long trọng kêu gọi những người ủng hộ ông giữ bình tĩnh và tránh bạo lực.

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet, tường thuật về phiên họp lịch sử của Hạ Viện Mỹ :

"Tổng thống phải ra đi, ông đại diện cho một mối nguy hiểm rõ ràng và tức thời đối với đất nước mà tất cả chúng ta yêu mến". Bà Nancy Pelosi đã phát biểu như trên khi mở đầu các cuộc tranh luận. Trong hai tiếng đồng hồ, các nghị sĩ đảng Dân chủ đưa ra cùng một thông điệp : Donald Trump đe dọa nền dân chủ.

Cory Bush, nữ dân biểu gốc Châu Phi của bang Missouri nói thẳng thừng : "Để chấm dứt chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chúng ta phải truất phế lãnh đạo tối cao của chủ nghĩa này".

Đa số dân biểu đảng Cộng hòa tố cáo một thủ tục chính trị có nguy cơ chia rẽ người Mỹ nhiều hơn, nhưng một số nhỏ đã dám thách thức tổng thống ngay trên bục phát biểu, như ông Dan Newhouse, nghị sĩ bang Washington.

Ông nói : "Tuần trước, đã có một mối đe dọa ở cổng Điện Capitol và ông ta đã không làm gì để ngăn chặn. Đây là lý do tại sao với một trái tim nặng trĩu nhưng dứt khoát, tôi sẽ biểu quyết tán thành bản luận tội này"

Mười dân biểu đảng Cộng hòa rốt cuộc đã đồng ý đưa Donald Trump vào lịch sử thông qua một cánh cửa không mấy vinh quang. Chưa bao giờ nhiều nghị sĩ như thế của đảng cầm quyền ở Nhà Trắng lại bỏ phiếu để luận tội tổng thống của họ.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng Viện không loại trừ việc bỏ phiếu truất phế Donald Trump

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Thượng Viện Hoa Kỳ Mitch McConnell hôm qua 13/01, cho biết rằng ông không loại trừ việc bỏ phiếu cho việc luận tội truất phế Donald Trump trong trường hợp có một phiên xét xử ở Thượng Viện.

Tuy nhiên, trong một bức thư văn gởi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông cho biết "chưa đưa ra quyết định cuối cùng về lá phiếu của mình mà muốn lắng nghe trước đó các lập luận pháp lý khi được trình bày trước Thượng Viện".

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, sau khi Hạ Viện thông qua bản luận tội, đến lượt Thượng Viện phán xét, và việc truất phế chỉ được thông qua khi có 2/3 thượng nghị sĩ chấp thuận. Do việc ông Trump sẽ không còn tại vị khi Thượng Viện xem xét, hậu quả chính của cuộc bỏ phiếu đó chỉ là khiến ông Trump không còn tư cách được bầu trong tương lai.

Mitch McConnell là một nhân vật rất có ảnh hưởng. Cho đến gần đây, ông là một trong những đồng minh mạnh nhất của Donald Trump. Trong phiên luận tội đầu tiên vào đầu năm 2020, ông đã nắm chắc được đội ngũ của đảng Cộng hòa, và chỉ có duy nhất ông Mitt Romney là đã bỏ phiếu cùng với đảng Dân chủ để kết tội ông Trump.

Nhưng lần này, theo nhật báo Mỹ New York Times, ông McConnell cho là tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội và nhìn một cách thuận lợi khả năng loại ông Trump ra khỏi đảng Cộng hòa.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 14/01/2021

********************

Hạ Viện Mỹ khởi động thủ tục truất phế tổng thống Trump

Thu Hằng, RFI, 13/01/2021

Với sự ủng hộ của một số dân biểu đảng Cộng hòa, Hạ Viện Mỹ, nơi phe Dân chủ nắm đa số, ngày 13/01/2021 vào lúc 15 giờ, giờ Washington, chính thức khởi động thủ tục luận tội truất phế tổng thống Donald Trump. Quyết định được đưa ra sau khi phó tổng thống Mike Pence từ chối vận dụng Tu chính án 25 của Hiến pháp, truất quyền lãnh đạo của tổng thống vì không còn khả năng đảm đương chức vụ, sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol.

luantoi2

Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Hạ Viện Steny Hoyer phát biểu trước báo chí tại Đồi Capitol ngày 11/01/2021.  © Reuters – Joshua Roberts

Bị tố cáo "kích động nổi loạn", đúng một tuần sau vụ phe ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Capitol làm 5 người thiệt mạng, tổng thống Trump phải đối mặt với thủ tục truất phế lần thứ hai trong nhiệm kỳ 4 năm của ông.

Lần này, ông đã bị nhiều chính khách của bên đảng Cộng hòa bỏ rơi như ghi nhận của thông tín viên Anne Corpet từ Washington :

Liz Cheney, nhân vật số 3 trong hàng ngũ các dân biểu của đảng Cộng hòa tại Hạ Viện trong một thông cáo cho biết bà sẽ bỏ phiếu ủng hộ thủ tục truất phế Donald Trump. Lý do là vì nguyên thủ Mỹ đã kêu gọi đám đông và châm dầu vào lửa (…) Những gì xảy ra sau đó là do lỗi của ông. Bà Liz Cheney bồi thêm : chưa bao giờ có một vị tổng thống lại có hành động phản bội chức vụ và lời thề bảo vệ Hiến pháp nghiêm trọng đến như vậy. Ước tính có khoảng 20 dân biểu của bên đảng Cộng hòa sẽ đứng về phía đảng Dân chủ, bỏ phiếu ủng hộ việc truất phế ông Trump.

Còn theo báo New York Times, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, nhân vật thế lực nhất của bên đảng Cộng hòa ở Thượng viện, đã rất phẫn nộ về vụ bạo loạn diễn ra tại Điện Capitol làm 5 người tử vong. Mitch McConnell có thể cũng sẽ ủng hộ thủ tục truất phế Trump. Nếu đúng như vậy, Donald Trump thực sự bị bỏ rơi. Và điều này có thể báo hiệu là Donald Trump sẽ bị kết tội. Thế nhưng, để kết tội được Donald Trump, cần có thêm sự ủng hộ của 17 thượng nghị sĩ bên đảng Cộng hòa. Trong khi chờ đợi, điều chắc chắn duy nhất là Donald Trump sẽ là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ chính thức bị các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ buộc tội tới hai lần.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 13/01/2021

**********************

Báo chí Mỹ : Nhiều nhóm vũ trang đến Washington trước lễ nhậm chức của Biden

Trọng Thành, RFI, 12/01/2021

Có nhiều nguy cơ bạo lực bùng phát tại thủ đô nước Mỹ trước dịp lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/01/2021. Truyền thông Mỹ loan tải một tài liệu nội bộ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cảnh báo là nhiều nhóm vũ trang có thể tham gia biểu tình tại Washington DC.

luantoi3

Một nhóm người ủng hộ tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 06/01/2021. R euters – Leah Millis

Reuters ngày 12/01 dẫn lại nguồn tin của FBI, theo đó nhiều nhóm vũ trang sẽ tới Washington DC và thủ phủ 50 bang nước Mỹ trong kỳ nghỉ cuối tuần này và ngày 20/01. Một nhóm vũ trang cho biết sẽ cử lực lượng đến Washington ngay từ ngày 16/01 và hứa hẹn tổ chức một cuộc nổi dậy, nếu tổng thống mãn nhiệm Donald Trump bị buộc phải rời bỏ quyền lực, theo một phóng viên của ABC News. Hiện tại FBI chưa bình luận gì về thông tin nói trên.

Đô trưởng Washington, Muriel Bowser, thông báo đã được chính quyền Liên bang cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến lễ nhậm chức tổng thống sớm hơn dự kiến. Đề nghị kéo dài tình trạng khẩn cấp của thủ đô Washington, để có thêm nguồn tài chính bổ sung cho việc bảo đảm an ninh, cũng đã được tổng thống Trump chấp thuận tối qua.

Lo ngại trước nguy cơ bạo lực, cũng như tình hình đại dịch, khiến hơn 375.000 người chết, đô trưởng Washington đã kêu gọi người dân không đến thủ đô dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống, và theo dõi sự kiện này tại nhà, qua mạng Internet hoặc truyền hình.

Lầu Năm Góc đã cho phép triển khai 15.000 binh sĩ tại thủ đô vào ngày lễ nhậm chức, với 10.000 quân nhân sẽ có mặt ngay cuối tuần này.

Quyền bộ trưởng An ninh Nội địa từ chức

Mối lo ngại về an ninh trong ngày nhậm chức tổng thống càng gia tăng với việc quyền bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf thông báo từ chức vào hôm qua. Ông Chad Wolf được tổng thống Trump bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo bộ An ninh Nội địa hồi tháng 8/2020, nhưng Thượng Viện không phê chuẩn quyết định này. Ngày 03/01/2021, tổng thống Trump lại trình Thượng Viện để phê chuẩn nhưng ông đã rút lại đề nghị này ngày 06/01, vài giờ sau khi quyền bộ trưởng An ninh Nội địa lên án vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội là "bi thảm" và "đáng ghê tởm". Trong thư thông báo từ chức, ông Chad Wolf không nhắc đến vụ bạo loạn ở Điện Capitol.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 12/01/2021

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa, Thu Hằng, Trọng Thành
Published in Quốc tế

Làm thế nào phế truất Donald Trump ?

Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu Donald Trump thực sự có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ tổng thống hay không, và đến bao giờ. Financial Times nhận định về mặt luật pháp, thủ tục impeachment đối với Donald Trump ngày càng trở thành hiện thực. Nhưng vấn đề là về chính trị : liệu phe Cộng Hòa rốt cuộc có sẽ bỏ rơi ông Trump hay không ? The New York Times kêu gọi "Tống ông Trump đi bằng mọi cách". Tờ báo nêu ra Tu chính án số 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, cho phép bãi chức tổng thống vì thiếu năng lực.

impeach1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, sau khi loan báo quyết định rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định khí hậu Paris ngày 01/06/2017. REUTERS/Kevin Lamarque

L’Obs chạy tựa "Khủng bố : Sự mù quáng ngu ngốc của chúng ta", với những bài phân tích về thánh chiến kiểu mới, "lực lượng đặc nhiệm" của Emmanuel Macron. Nếu Le Point nói về "Jupiter Macron", L’Express cũng đăng ảnh tổng thống Pháp, dự báo trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này đảng của ông sẽ thắng lớn, với hàng tựa "Hiện tượng hâm mộ Macron".

Trên trang bìa của Le Courrier International tuần này, tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngồi duỗi dài chân, hai tay cầm hai khẩu súng lục đang bốc khói, những vết đạn lỗ chỗ trên hai chiếc giày của chính ông với dòng tựa "Trump – Ông ta sẽ còn đi đến đâu ?". Ở trang trong, là hình vẽ ông Donald Trump đang ngồi trên lưng voi mang màu cờ Mỹ tượng trưng cho đảng Cộng Hòa, với câu hỏi "Ai có thể dừng Trump lại ?"

Trong lúc cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 đang đe dọa Nhà Trắng, Donald Trump liên tục có những quyết định và phát biểu gây tranh cãi : sa thải giám đốc FBI, rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, viết vô tội vạ trên Twitter… Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu ông Trump thực sự có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ tổng thống hay không, và đến bao giờ.

Làm thế nào phế truất Donald Trump ?

"Thêm một bước tiến đến phế truất", Financial Times, có trụ sở tại Luân Đôn, nhận định. Theo tờ báo, về mặt luật pháp, thủ tục impeachment đối với Donald Trump ngày càng trở thành hiện thực. Nhưng vấn đề là về chính trị : liệu phe Cộng Hòa rốt cuộc có sẽ bỏ rơi ông Trump hay không ?

Những tuần lễ gần đây, khả năng Donald Trump bị truất phế không còn là ảo tưởng của cánh tả, mà đã trở thành hiện thực, dù hãy còn xa vời. Financial Times cho biết các luật gia như Laurence Tribe của Havard đã bắt đầu nghiên cứu các điều khoản của Hiến Pháp.

Điều khoản đầu tiên liên quan đến "cản trở tư pháp" như vụ Watergate năm 1974. Bản thân ông Trump đã nhìn nhận cách chức giám đốc FBI vì James Comey điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, còn Comey đang giữ các ghi chép cho thấy ông Trump muốn Comey "bỏ qua" cho Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia. Đây là những chứng cứ ban đầu.

Thứ hai là "xung đột lợi ích và tham nhũng". Donald Trump không công bố bản khai thuế, không giữ khoảng cách cần thiết với các cơ sở kinh doanh như khách sạn, sân gôn, sẽ hưởng lợi lớn trong nhiệm kỳ. Chẳng hạn ông đã tăng gấp đôi phí gia nhập câu lạc bộ ở Mar-a-Lago (200.000 đô la). Cái giá cao mà các nhà ngoại giao phải trả cho Trump International Hotel, chỉ cách Nhà Trắng có vài con đường, cũng có thể coi là "bổng lộc". Hiến Pháp Mỹ cấm các quan chức cao cấp liên can đến tiền bạc từ các chính phủ ngoại quốc.

Khái niệm "tội phạm" cũng được nhắc đến : ông Noad Feldman, dạy luật ở đại học Havard nhấn mạnh, khi tổng thống vu cáo ông Barack Obama nghe lén thì đã phạm một khinh tội (tuy không phải trọng tội) để có thể bị phế truất, cũng như khi vu khống báo chí một cách thù địch. Và tuy tổng thống có quyền tiết lộ các thông tin được cho là không cần thiết phải bảo mật, nhưng việc nói quá nhiều làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng phải được xét đến.

Tuy nhiên, thủ tục phế truất mang tính chính trị hơn là pháp lý, và một khi phe Cộng Hòa còn thống trị Hạ Viện, thì điều này khó diễn ra. Các dân biểu rất ý thức về lợi ích chính trị của chính mình. Chỉ khi nào họ cảm thấy nếu tiếp tục hỗ trợ ông Trump sẽ phải trả giá đắt, thì họ mới bắt đầu rời khỏi con tàu - trong khi tỉ lệ ủng hộ tổng thống trong phe Cộng Hòa hiện nay vẫn khoảng 80%. Các lãnh đạo đảng bảo thủ hiểu rằng sự ra đi quá sớm của ông Trump sẽ bất lợi cho họ.

Khả năng truất phế sẽ cao hơn nếu phe Dân Chủ giành phần thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, nhưng như vậy cần đến 2/3 số phiếu của Thượng Viện để ông Trump phải ra đi. Như vậy việc Donald Trump ở lại Nhà Trắng vẫn nằm trong tay của Cộng Hòa.

Trump, chú bé trên ngai vàng tổng thống

The New York Timeskêu gọi "Tống ông Trump đi bằng mọi cách". Tờ báo nêu ra Tu chính án số 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, cho phép bãi chức tổng thống vì thiếu năng lực, và đây là lúc để vận dụng điều khoản này.

Thái độ gần đây của Donald Trump khiến New York Times càng cảm thấy cần phải nhắc nhở phe Cộng Hòa về bổn phận phục vụ đất nước. Đừng quên rằng chiếc ghế tổng thống Mỹ có quyền lực chi phối đến sự sống chết của nhiều người trên thế giới. Không cần thiết phải là siêu nhân, chỉ cần những giá trị cơ bản : một mức độ thông minh hợp lý, tính nghiêm túc, khả năng quản trị, ý thức đạo đức, khả năng tự kềm chế. Tất cả hình như thiếu vắng nơi ông Trump.

Theo tờ báo, tổng thống Trump giống như một đứa trẻ ngồi bảnh chọe trên ngai vàng. Một đứa trẻ tiết lộ thông tin mật để khoe với khách, hỏi giám đốc FBI vì sao không bỏ qua cho bạn mình… Một đứa trẻ không thể là tổng thống. New York Times cho rằng nên viện đến Tu chính án 25 trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, dự kiến phế truất nếu phó tổng thống và đa số quan chức Nhà Trắng thông báo với Hạ Viện là tổng thống "không có khả năng nắm quyền", và 2/3 Hạ Viện đồng ý với chính phủ.

Được thảo ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tu chính án này không dự trù trường hợp như Donald Trump. Tuy không bị ám sát, không bị Alzheimer, nhưng ông không thể lãnh đạo, không thực hiện được những nhiệm vụ phức tạp. Bứng ông Trump đi, bà Hillary Clinton vẫn không thể trở thành tổng thống và Neil Gorsuch, thẩm phán Tối cao Pháp viện do Donald Trump bổ nhiệm vẫn tại vị, nghĩa là Cộng Hòa không thiệt gì nhiều. Theo tờ báo, để cho một nhân vật xuẩn ngốc và bất tài giữ chức vụ có quyền hành to lớn như vậy là một sai lầm lớn.

Không khí độc đoán tại Nhà Trắng

"Một chuyên gia tự hại mình", đó là nhận xét của Tony Schwartz, người chấp bút cuốn sách đầu tay của ông Trump, cuốn The Art of the Deal (Nghệ thuật thương lượng). Bài viết được minh họa bằng những hình vẽ ông Trump mặc tã như một em bé, cổ quấn chiêc cà-vạt dài quá khổ và tự ngã gây thương tích. Tác giả khẳng định, Donald Trump vẫn là một đứa trẻ lớn xác, thích được nịnh nọt.

Tony Schwartz cho biết cách đây 30 năm, ông biết Donald Trump rất rõ vì dành cả năm trời cùng với ông Trump soạn ra cuốn sách trên. Cả trăm giờ đồng hồ, ông lắng nghe và quan sát ông Trump hành động. Cho nên những gì xảy ra trong bốn tháng qua không làm ông ngạc nhiên chút nào.

Schwartz hiểu rằng ông Trump thường xuyên cảm thấy bị đe dọa, và phản ứng bằng cách sáng tác ra điều gì đó để biện minh, luôn đổ trách nhiệm cho người khác. Lúc nào Trump cũng thấy phải chiến đấu : hoặc là thống trị, hoặc là bị trị. Cả đời, Donald cố gắng lấn lướt người khác, bất kể cái giá phải trả. Trump chưa hề tỏ mặc cảm tội lỗi, hối hận, và dường như không gắn bó với một giá trị nào như lòng thương cảm, sự đại lượng, khả năng phân biệt thiện ác, và không có lý tưởng. Chính ông Trump mới đây xác nhận, cậu bé lớp 1 trước đây và Trump bây giờ không khác nhau.

Đa số các dự án nêu ra trong The Art of the Deal là những thất bại nặng nề (như các casino, lập liên đoàn bóng đá riêng…) nhưng theo lệnh của Trump, Schwartz phải vẽ vời thành các thành công vang dội. Ba mươi năm trước đây, từng nhận giùm hàng trăm cuộc gọi, tham dự hàng chục cuộc họp với Donald Trump, Schwartz chưa hề thấy ai dám phản đối Trump. Và giờ đây không khí sợ hãi này cũng đang ngự trị tại Nhà Trắng.

Không có Trump, trái đất vẫn quay

Le Courrier Internationaltrích dịch bài báo của Washington Post mang tựa đề "Thế giới phải tiếp tục tiến tới mà không có ông Trump", cho rằng việc rút lui khỏi hiệp định khí hậu một cách mù quáng chứng tỏ Hoa Kỳ đã từ chối vai trò chiến lược và tầm vóc của mình.

Theo tờ báo, chừng như Donald Trump đã làm mọi cách để thành công trong một việc chừng như bất khả, đó là tách rời nước Mỹ ra khỏi những tiến bộ trên thế giới. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chỉ là một ví dụ. Trump muốn phát triển than đá – một ngành gặp khó khăn vì sự tiến triển của thị trường, cũng như dầu khí, trong khi phần còn lại của thế giới đã đầu tư đáng kể vào năng lượng sạch.

Tổng thống Trump còn gây lo ngại hơn khi đặt lại vấn đề cam kết của Hoa Kỳ trong NATO, liên minh mà trong 70 năm qua đi đầu trong việc giữ gìn hòa bình và là động cơ chính của thịnh vượng trên thế giới. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định "Thời kỳ có thể trông cậy vào nước Mỹ đã qua rồi", trong khi bà Merkel vốn không phải là người thiếu cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Điều nghịch lý là Brexit và "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump khiến các thành viên Liên Hiệp Châu Âu gắn bó với nhau hơn. Hơn nữa, Châu Âu cho rằng đây là một cách để Donald Trump lấy lòng Vladimir Putin, người đang đe dọa một số nước NATO.

Ông Trump được đón tiếp nhiệt tình hơn và có thái độ đàng hoàng hơn tại Trung Đông. Bài diễn văn ông đọc trước các lãnh đạo Hồi giáo tuy không phải thật hay, nhưng lẽ ra có thể tệ hơn. Trump giao phó tiến trình hòa bình Israel-Palestine cho một người hoàn toàn nghiệp dư, là Jared Kushner, con rể. Tổng thống Mỹ từ chối bảo vệ dân chủ, nhân quyền, ủng hộ các nhà độc tài ở Saudi Arabia, Ai Cập. Với Donald Trump, Hoa Kỳ đã đánh mất mọi ảnh hưởng và giá trị đạo đức. Thế giới không có cách nào khác là tiến bước mà không cần có ông Trump.

Trump, "kẻ đần độn hữu ích" cho Tập Cận Bình

Trong bài "Trump và những cuộc phiêu lưu biện chứng" đăng trên Le Point, tác giả Bernard-Henri Lévy cho rằng việc ra khỏi hiệp định khí hậu Paris cũng như Brexit, còn phải mất nhiều năm, ít nhất là toàn bộ nhiệm kỳ của Donald Trump. Rất có thể chỉ đơn giản là tổng thống Mỹ không có đủ thời gian để phá hoại tiến trình đã được thỏa thuận ở Paris cách đây hai năm. Ngược lại, chính trị không thích có những khoảng trống, và đối thủ đáng ngại là Trung Quốc sẽ lợi dụng để khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới.

Tác giả nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn đang là nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Thế mà nay Bắc Kinh dám ngang nhiên đóng vai "người tốt việc tốt", muốn làm người ta quên đi thực tế. Gần như đồng thời, 64 nước họp tại Bắc Kinh bàn về dự án "Con đường tơ lụa mới". Ông Trump đã tạo cho địch thủ cơ hội bằng vàng để bước lên hàng siêu cường lãnh đạo thế giới. Theo tác giả Bernard-Henri Lévy, Donald Trump đã là "kẻ đần độn hữu ích" cho Putin, nay lại đóng đúng vai trò này với Tập Cận Bình.

Mỹ rút lui, nhưng Bắc Kinh không đột ngột thành "anh cả" thế giới

Nhưng "Trung Quốc không thể thay thế được Hoa Kỳ", đó là nhận xét của tờ Tài Kinh (Caijing) có trụ sở tại Bắc Kinh. Người Trung Quốc mừng rỡ trước quyết định của Donald Trump, tuy nhiên theo tác giả Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), nguyên phó tổng biên tập tạp chí Học Tập (Xuexi Shibao) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì chỉ có Châu Âu mới lãnh đạo được quốc tế trên lãnh vực môi trường, vì Bắc Kinh còn phải nỗ lực rất nhiều ngay tại nước mình.

Trung Quốc chưa hoàn toàn công nghiệp hóa, còn lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển. Tuy nhiên, là nền kinh tế thứ nhì thế giới, Trung Quốc phải chấp nhận các nghĩa vụ quốc tế. Bên cạnh đó, nhân dịp này cũng tìm cách nâng cấp công nghệ - một điều mà nếu không bị hiệp định Paris thúc hối thì không tiến bộ được.

Về sức mạnh quân sự và kinh tế, cũng như quyền lực mềm của các giá trị Mỹ, Trung Quốc không thể nào so sánh được với Hoa Kỳ. Tác giả tỉnh táo nhắc nhở, dù người Mỹ đang co cụm lại, nhưng không vì vậy mà bỗng chốc Bắc Kinh trở thành "anh cả" của thế giới.

Philippines : Bóng ma Daesh trùm lên Mindanao

Nhìn sang Đông Nam Á, Nikkei Asian Review nhận xét tại Philippines, "Cái bóng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bao trùm lên Mindanao". Vụ các nhóm Hồi giáo tấn công thành phố Marawi trên một hòn đảo miền nam Philippines nhấn mạnh tính dễ tổn thương của vùng đất, từ lâu là lãnh địa của quân nổi dậy. Nhưng lệnh thiết quân luật mà tổng thống Duterte tuyên bố, liệu có phải là giải pháp ?

Rodrigo Duterte đã từng bị các nhà bảo vệ nhân quyền đả kích vì chiến dịch bài trừ ma túy đã làm 7.000 người thiệt mạng, hầu hết là dân nghèo ngoại ô, bị cáo buộc là buôn bán hay tiêu thụ ma túy. Khi đe dọa mở rộng lệnh thiết quân luật trên toàn quốc, Duterte càng gây thêm lo lắng.

Theo tình báo Philippines, trong năm qua số tiền chuộc các con tin được ước tính tối thiểu 7,5 triệu đô la đã rơi vào túi các nhóm nổi dậy ở Sulu và Basilan - nơi có nhóm Abu Sayyaf. Quân nổi dậy nhận ra rằng khi liên minh với IS, họ thu hút thêm nhiều chiến binh mới. Quay lại cảnh chặt đầu những con tin không được trả tiền chuộc, bọn họ còn nhận được thêm tài trợ của IS từ Trung Đông, khi sử dụng các video này để tuyên truyền. Ở tầm khu vực, bạo lực gia tăng ở Mindanao và nhất là thánh chiến nước ngoài hoành hành ở Marawi càng chứng tỏ IS muốn cắm rễ tại Đông Nam Á. Những nhóm vũ trang trong rừng rậm nay chiến đấu trong thành thị, là chiến lược từng được IS áp dụng ở Syria và Iraq.

Ác tăng Wirathu, Hitler của Miến Điện

Cũng về Châu Á, L’Express dành bốn trang báo viết về nhà sư cực đoan bài Hồi giáo Ashin Wirathu, với tựa đề "Người ta gọi ông là Hitler của Miến Điện". Là mối đe dọa đối với chính quyền bà Aung San Suu Kyi, gần đây bị buộc phải im lặng, nhà sư dữ dằn này lại trở nên nguy hiểm hơn.

Từ bốn năm qua, Wirathu luôn tố cáo người Hồi giáo là "đạo quân thứ năm" cần phải diệt trừ. Năm 2015, phóng viên L’Express đã có dịp nghe ông giảng đạo tại Meiktila. Trước hàng trăm tín đồ, nhà sư hỏi : "Nên lấy một kẻ bụi đời hay một người Hồi giáo ?". Thính giả đồng thanh : "Bụi đời". "Lấy chó hay lấy người Hồi giáo ?"… Theo nhà sư, "chó không bao giờ buộc người khác phải cải đạo như Hồi giáo". Tại ngôi làng này, khoảng năm chục người đạo Hồi đã bị thảm sát hai năm trước đó.

Gần đây, ác tăng này lại càng công khai thóa mạ kalar – từ ngữ khinh bỉ chỉ những người đạo Hồi. Đó là vì kể từ ngày 11/3, Wirathu đã bị Ma Ha Na, cơ quan tối cao của Phật giáo Miến Điện, cấm thuyết pháp.

Trong nhiều năm trước đó, Wirathu tha hồ tự tung tự tác. Ủy ban bảo vệ sắc tộc và tín ngưỡng (Ma Ba Tha) mà ông ta thành lập cách đây bốn năm, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua đạo luật cấm những người khác tôn giáo kết hôn vào năm 2015. Đến ngày 23/5, Ma Ba Tha bị cấm hoạt động, nên Wirathu nghĩ đến việc lập đảng chính trị. Một tin rất xấu cho chính phủ do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đầu tư nước ngoài giảm sút, việc giải Nobel hòa bình 1991 làm ngơ trước tình cảnh của người Rohingya cũng bị quốc tế chỉ trích. Tháng 12/2016, khoảng 12 nhân vật được giải Nobel đã gởi thư cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê phán việc bà Suu Kyi không làm gì để bảo vệ quyền của dân tộc bị bức hiếp này. Thậm chí trong hậu trường, có người còn đòi bà phải trả lại giải Nobel.

Vì sao thần tượng một thời lại mù quáng như thế ? Trong giới ngoại giao, người ta nghi ngờ bà Suu Kyi đã thỏa hiệp với các tướng lãnh, tại đất nước 90% dân chúng theo đạo Phật. Hôm 29/1, một trong những cố vấn thân cận nhất của bà là Ko Ni bị ám sát, phải đợi cả tháng trời sau Aung San Suu Kyi mới dè dặt lên tiếng. Ko Ni là người Hồi giáo. Bà sợ mất uy tín chăng ? Nếu đây là sự thật, thì "Hitler Miến Điện" đã chiến thắng "nữ mệnh phụ Răngun".

Thụy My

Published in Quốc tế