Phong tỏa Covid bắt đầu được áp dụng trở lại tại hàng loạt tỉnh thành nước Pháp, vac-xin AstraZeneca được tiếp tục dùng tại Châu Âu, và căng thẳng ngoại giao Mỹ - Nga sau khi tổng thống Mỹ khẳng định đồng nhiệm Nga là "kẻ giết người", là các chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp số ra hôm nay, 19/03/2021.
Theo Le Figaro, phản ứng của tổng thống Mỹ Joe Biden sau câu hỏi của nhà báo, đồng ý coi ông Putin là "kẻ giết người", hoàn toàn không phải là một hành động bột phát. Nhật báo Pháp có bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề : "Chính quyền Mỹ rút ra các bài học từ chính sách reset (tức chủ trương gây dựng lại từ đầu trong quan hệ) với Nga". Bài phân tích của nhà báo Isabelle Lasserre nhấn mạnh đến hành động đi trước một bước trong chiến lược đối với Nga, của tân tổng thống Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã rút ra bài học, và quyết định tỏ thái độ cứng rắn ngay từ đầu đối với ông chủ điện Kremlin, không phải đợi đến khi chính sách "reset" bị thất bại, như những người tiền nhiệm, từ George W. Bush đến Barack Obama. Thái độ của ông Biden với tổng thống Nga cũng hoàn toàn tương phản với thái độ nhũn nhặn của người tiền nhiệm Donald Trump trước Putin.
Le Figaro ghi nhận, ngay khi tại vị ở Nhà Trắng, ông Bien đã thỏa thuận được với đồng nhiệm Nga về việc triển hạn 5 năm Hiệp ước vũ khí hạt nhân New Start, tuy nhiên, trong tất cả những vấn đề còn lại, tổng thống Mỹ tỏ ra "rất cứng rắn" với ông Putin. Tổng thống Biden dường như đã hoàn toàn từ bỏ "chính sách cởi mở" với Nga, với hy vọng Moskva sẽ thay đổi quan điểm.
Le Figaro điểm lại hàng loạt biến cố chính dẫn đến quan hệ Mỹ - Nga ngày càng tồi tệ trong những năm gần đây, từ can thiệp tại Ukraine, sáp nhập bán đảo Crimée, vụ cựu điệp viên Serguei Skripal bị đầu độc, đến các can thiệp tại Syria…, đặc biệt là các can thiệp của Nga vào hai cuộc bầu cử Mỹ. Vụ âm mưu ám sát nhà đối lập chủ yếu của điện Kremlin, ông Alexei Navalny, bằng thuốc độc, rồi sau đó bắt giam nhà đối lập, được coi là yếu tố giọt nước tràn ly, khiến quan hệ Mỹ - Nga "đột ngột xấu hẳn đi".
Về phía Châu Âu, Le Figaro nhấn mạnh là vụ Navalny cũng để lại những hệ quả sâu đậm trong quan hệ giữa Bruxelles và Moskva, đặc biệt sau chuyến công du tìm giải pháp ngoại giao với Nga của lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Joseph Borelle, với thất bại ê chề. Bài phân tích của Le Figaro cũng lưu ý đến sự khác biệt lớn trong thái độ với chính quyền Putin, giữa Pháp và Đức. Chính quyền của tổng thống Macron, một mặt cố gắng tái xây dựng quan hệ với Nga, nhưng mặt khác kiên quyết thực thi các trừng phạt. Trong khi đó, chính quyền của bà Merkel, tuy hoan nghênh thái độ cứng rắn của nước Mỹ, nhưng lại có nhiều nhân nhượng với điện Kremlin, vì lý do kinh tế.
Theo Le Figaro, thái độ của chính quyền Pháp với Nga cho đến nay là tiếp tục cố gắng, dù hy vọng rất nhỏ nhoi. Một nhà ngoại giao cao cấp của Pháp, gần gũi với hồ sơ này, cho biết quan hệ với Nga là "hoàn toàn bế tắc", tuy nhiên "vẫn phải cố gắng". Còn nước còn tát. Đặc biệt khi phải đối mặt với một nước "Trung Quốc hung hãn", trong bối cảnh nước Anh rời khỏi Liên Âu, và nước Mỹ quyết định cứng rắn hơn với Nga. Tuy nhiên theo Le Figaro, xét cho cùng Châu Âu trong một thời gian dài đã bị "mù quáng", giờ đây mới hiểu ra bản chất thực sự của chế độ Nga. Trên thực tế, Moskva không hề muốn cải thiện quan hệ với các nền dân chủ phương Tây, thời gian tìm kiếm reset (xây dựng lại từ đầu) "có thể đã qua", theo một nguồn tin ngoại giao Châu Âu.
Trên thực tế, Mỹ có thể vẫn cần đến Nga trong các hồ sơ khác, không chỉ là Hiệp ước về vũ khí hạt nhân. Libération chú ý đến hội nghị tìm lối thoát cho khủng hoảng Afghanistantại Moskva, khai mạc hôm qua. Hội nghị nói trên, được dự kiến từ nhiều tuần nay, đã không bị cản trở bởi sự cố ngoại giao Mỹ - Nga hôm qua. Bài "Afghanistan : Hoa Kỳ áp đặt phương án hòa bình và chuẩn bị rút quân", nhấn mạnh đến việc thành lập chính phủ lâm thời, với sự tham gia của Taliban, chính quyền Kabul dường như không còn khả năng từ chối.
Tham gia hội nghị, ngoài các bên Afghanistan, Hoa Kỳ và Nga, còn có các đặc phái viên Trung Quốc và Paksitan. Hôm qua, các nhà môi giới nước ngoài đã kêu gọi ngừng bắn, và yêu cầu Taliban ngưng chiến dịch phản công mùa xuân. Theo Libération, các thương lượng thực sự sẽ khai màn vào tháng Tư tới tại Thổ Nhĩ Kỳ, kéo dài ít nhất một tuần, với mục tiêu chính là thành lập chính phủ lâm thời.
Quyết định tái phong tỏa một phần nước Pháp lần thứ ba, đúng một năm sau đợt phong tỏa đầu tiên, bị nhiều phương tiện truyền thống chỉ trích mạnh. Libération thở dài với hàng tựa : "Tái phong tỏa. Ôi chao, lại thêm một tháng nữa". Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết rõ : "Cứ ba người Pháp có một bị phong tỏa". "Những người bị tái phóng tỏa" là tựa trang nhất Le Figaro.
Xã luận nhật báo thiên hữu, mang tựa đề "Sự dũng cảm thực sự", ghi nhận trước hết là đợt tái phong tỏa lần này là một "thử thách" mới không chỉ với cư dân tại các tỉnh trực tiếp liên quan, mà còn đối với tất cả mọi người, bởi dường như chính quyền đã không rút ra được các bài học từ những tháng đối phó với dịch bệnh vừa qua, trái ngược với tuyên bố của thủ tướng. Trong lúc chính phủ khẳng định, phong tỏa lần thứ ba là một quyết định "dũng cảm" và "khó khăn", thì Le Figaro phản bác lại, "dũng cảm" chính là phẩm chất của những người dân, từ một năm nay liên tục phải gánh chịu hậu quả của "các thất bại" trong chính sách phòng chống dịch.
Nhật báo thiên tả Libération, trong bài xã luận "‘Mandrake’ trở lại", chỉ trích trực diện tuyên bố bị đánh giá là "lừa dối" của thủ tướng Jean Castex (Mandrake là tên một loài thảo dược gây ảo giác). Theo Libération, trong bài phát biểu trước báo giới tối hôm qua, thứ Năm 18/03, thủ tướng Pháp đã thực sự thành công trong vai một nhà ảo thuật tài ba, thông báo về một đợt phong tỏa mới, nhưng tránh được cho người nghe cảm giác đây là phong tỏa, đồng thời duy trì quan điểm cho rằng chiến lược phòng chống dịch của nước Pháp là hiệu quả. Thủ tướng Pháp cũng được ca ngợi là đã "thành công" trong việc giúp cho tổng thống Emmanuel Macron không phải đối mặt với những phẫn nộ trong công luận, đúng vào dịp tròn một năm ngày phong tỏa chống Covid. Libération thừa nhận là thủ tướng Pháp đã thành thật khi thừa nhận trước dân Pháp đợt phong tỏa mới "không phải là tin vui". Nhưng Libération cũng ngay lập tức chế giễu thủ tướng Castex, đã đổ lỗi chính là do cái giống virus quái ác, "đã biến chuyển và thích nghi nhanh chóng, mà không chịu kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi Liên Hiệp Châu Âu hoàn tất các mặc cả, thương lượng về vac-xin".
Mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị" của Les Echos ưu tiên tìm hiểu quá trình ra quyết định phong tỏa lần thứ ba của tổng thống Pháp. Khác với Libération và Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos đưa ra một số phân tích để làm rõ quá trình ra quyết định của tổng thống, và ưu điểm của một số biện pháp được đưa ra trong hoàn cảnh đầy bó buộc hiện nay.
Bài "Macron, người quyết định đơn độc" khẳng định chính tổng thống là người đã một mình đưa ra quyết định cuối cùng về các biện pháp phong tỏa trong đợt thứ ba này. Sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng về phòng chống Covid-19 sáng thứ Tư, 17/03, nhiều bộ trưởng cho biết trong số các biện pháp chống dịch mới dự kiến, vùng thủ đô Paris cũng như một phần vùng Hauts-de-France, sẽ chuyển sang chế độ phong tỏa vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, trong một cuộc họp qua mạng với các thị trưởng, tổng thống Macron đã bày tỏ sự hoài nghi về tác dụng của biện pháp phong tỏa hai ngày cuối tuần. Quyết định cuối cùng được đưa ra là phong tỏa toàn bộ 7 ngày trên 7.
Les Echos khẳng định, cho dù các biện pháp phong tỏa đợt ba rõ ràng là nghiêm ngặt, nhưng có ưu điểm lớn là đã để rộng cửa cho các hoạt động thể dục, thể thao của người dân ở bên ngoài (có bán kính là 10 km và không bị khống chế về thời gian chỉ trong một giờ như hai đợt trước), dựa trên "ý thức trách nhiệm" của người dân (với giấy chứng nhận tự khai), kết hợp với các biện pháp kiểm tra từ phía chính quyền, chứ không theo chủ trương như "kiểu Đức", tức không kiểm soát, như dự kiến trước đó.
Les Echos kết luận, việc tổng thống Macron đã lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, đặc biệt là tư vấn của các nhà khoa học, và đưa ra kết luận cuối cùng dựa trên sự cân nhắc, cân bằng lợi hại, đã dẫn đến kết quả là có một chính sách phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng không quá khắc nghiệt.
Cũng Les Echos, trong một bài phân tích khác, cho biết "dân Pháp ngày càng khó chấp nhận các biện pháp siết chặt phòng dịch". Theo một thăm dò dư luận của Odoxa, một năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hiện tại hơn 35% người Pháp không còn chấp nhận các biện pháp do chính quyền áp đặt để ngăn dịch. Trước khi chính phủ thông báo các biện pháp phong tỏa đợt ba với đích ngắm là vùng thủ đô Ile-de-France, thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng báo trước là chính quyền hãy nên để cho người dân Paris "có chỗ để thở".
Theo các thăm dò dư luận, đông đảo người Pháp không đồng tình với các biện pháp xử lý khủng hoảng y tế của chính phủ, ngoại trừ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người làm công ăn lương. Người dân càng trở nên bất bình nhiều hơn, trong bối cảnh chương trình tiêm chủng liên tục có vấn đề, và cách thức truyền thông của chính phủ bị đánh giá là "lộn xộn", làm gia tăng cảm giác bất an, theo phó chủ tịch của viện thăm dò dư luận Opinion Way, ông Bruno Jeanbart. Ông Brice Teinturier, phụ trách Viện thăm dò dư luận Ipsos France cũng phê phán chính quyền thiếu nhất quán và rõ ràng trong các dự báo về tiến triển dịch bệnh.
Chiến dịch tiêm chủng với vac-xin Anh AstraZeneca được khởi động lại kể từ hôm nay tại Châu Âu, sau quyết định của cơ quan Dược phẩm Châu Âu chiều hôm qua, là một chủ đề trọng tâm khác. Theo Libération, bốn ngày sau khi tạm ngưng sử dụng vac-xin AstraZenena, nước Pháp lại tiếp tục tiêm chủng với loại vac-xin này. Libération nhấn mạnh là quyết định bật đèn xanh của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu đã giúp chính phủ Pháp "trút bỏ được một gánh nặng lớn".
Bởi đây là loại vac-xin chính có thể giúp cho nước Pháp thực hiện được kế hoạch tiêm chủng 10 triệu người tính đến giữa tháng tới, và 30 triệu đến cuối tháng 6, với ưu điểm là bảo quản dễ dàng hơn, và sử dụng cũng dễ dàng hơn là hai loại vac-xin Pfizer và Moderna. Cho đến ngày 14/3, tức trước khi bị tạm ngừng, vac-xin AstraZeneca chỉ chiếm 14,3% trong số §,5 triệu liều chích, nhưng dự kiến tỉ lệ này sẽ tăng mạnh, với quyết định. mở rộng sử dụng cho những người dưới 65 tuổi. Theo chủ tịch Hội đồng định hướng chiến lược tiêm chủng, cho đến giữa tháng tới, AstraZeneca sẽ chiếm khoảng 1/3 trong số liều chích ngừa. Sau khi Cơ quan Dược phẩm Châu Âu bật đèn xanh trở lại, khó khăn chính hiện nay nằm ở chỗ nhà sản xuất không cung cấp đủ lượng vac-xin đã cam kết.
Một khó khăn đáng kể khác là, đa số dân Pháp (58% theo một thăm dò dư luận của Elabe, thực hiện cho BFMTV), không tin tưởng vào vac-xin AstraZeneca, chỉ có 20% có ý kiến ngược lại. Nếu tâm lý này tiếp diễn, tốc độ tiêm chủng sẽ bị ảnh hưởng. Theo Libération, ý thức rõ được vấn đề này, hôm qua, thủ tướng Castex, trong bài phát biểu về đợt phong tỏa thứ ba, khẳng định chính ông sẽ chích ngừa với vac-xin AstraZeneca, ngay từ hôm nay, thứ Sáu 19/03.
Về lĩnh vực khí hậu, Libération chú ý đến phong trào của giới trẻ tại Pháp yêu cầu chính quyền áp dụng toàn bộ 149 biện pháp do Hội nghị Công dân vì Khí hậu đề xuất. Phong trào kêu gọi tuần hành ngày hôm nay, 19/03, vì khí hậu và vì các quyền lợi của giới trẻ.
Theo phong trào "Youth for Climate", chỉ có 20 trên tổng số 149 đề xuất của Hội nghị Công Dân về Khí hậu, được tổng thống Macron triệu tập cách đây 2 năm, là được chính phủ lấy lại toàn bộ. Tuy nhiên, phong trào giới trẻ Pháp nhấn mạnh là 149 biện pháp của Hội nghị Công dân về Khí hậu được soạn ra chỉ với mục tiêu là cắt giảm 40% khí thải trước 2030. Mà, kể từ đó đến nay, Liên Hiệp Châu Âu đã đồng thuận về mục tiêu cắt giảm nhiều hơn (55%). Đây là lý do chính khiến phong trào đòi hỏi chính phủ Pháp "tối thiểu" cũng phải áp dụng toàn bộ 149 đề xuất này.
Chủ đề chính của nhật báo công giáo La Croix hôm nay là Giáo hội và gia đình, nhân ngày đức giáo hoàng khai trương "Năm gia đình", kể từ hôm nay, 19/03. Theo La Croix, tông huấn mang tên "Niềm vui Yêu thương" (Amoris laetitia) đã được giáo hoàng Francis ban hành từ năm 2016, nhưng 5 năm sau, tông huấn Niềm vui Yêu thương về gia đình được coi là rất quan trọng này, vẫn chưa được nhiều cơ sở tôn giáo địa phương sẵn sàng đón nhận.
Theo Vatican, đã đến lúc toàn thể các thành viên của Giáo hội Công giáo toàn cầu hiểu rõ toàn bộ ý nghĩa của tông huấn Niềm vui Yêu thương, và đây không chỉ là vấn đề của những người tái ly hôn, như nhiều người lầm tưởng.
Trọng Thành
Nga tố cáo Mỹ gây áp lực buộc bán lại một số cơ sở ngoại giao (RFI, 04/09/2017)
Vào lúc căng thẳng ngoại giao Mỹ-Nga tiếp tục leo thang, Moskva công khai tiết lộ thông tin, theo đó Washington tỏ ý muốn mua lại các cơ sở ngoại giao Nga ở những vị trí tốt tại hai thành phố San Franciso và Washington.
Lãnh sự quán Nga tại San Francisco, ngày 01/09/2017. Reuters/Beck Diefenbach
Theo hãng tin Nga TASS ngày 03/09/2017, chính phát ngôn viên ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nga Rossiya 1. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, được TASS trích dẫn, thì đó là một thông tin "gây chấn động, khó tin", nhưng lại do chính "Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức nói ra một cách rõ ràng", khi nói thẳng rằng Mỹ "chờ đợi Nga bán lại các cơ sở đó".
Theo bà Zakharova, phía Mỹ còn cho rằng "phía Nga không thể làm gì" đối với các tài sản ngoại giao đó. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga không ngần ngại cho rằng tài sản của Nga đã bị xâm phạm trên một đất nước cứ luôn luôn cho là họ bảo vệ tài sản riêng tư.
Theo hãng tin TASS, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã ra thông cáo cho biết là ngày 02/09 chính quyền Mỹ đã ra lệnh đóng cửa trụ sở Tổng lãnh sự quán Nga ở San Francisco và cơ quan Đại diện Thương mại Nga ở Washington, hai bất động sản của Nga được quyền miễn trừ ngoại giao. Đây chính là hai cơ sở mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nhắc đến ở trên.Hai chi nhánh cơ quan đại diện thương mại Nga ở New York cũng bị đóng cửa.
Bộ Ngoại giao Nga tố cáo một hành động thù nghịch của Washington đã vi phạm luật quốc tế, công ước Vienna về ngoại giao và lãnh sự, và kêu gọi Mỹ nhanh chóng trả lại các cơ sở ngoại giao nói trên cho Moskva, nếu không thì Washington chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc bang giao hai bên xấu đi.
Ngày 02/09, nhân viên Nga đã phải rời các cơ sở ngoại giao của họ ở San Francisco, Washington, New York, để nhân viên an ninh Mỹ vào kiểm tra, đóng cửa. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết là nhân viên tình báo và cảnh sát Mỹ đang chiếm đóng những cơ sở này.
Hôm nay, phát biểu tại Hạ Môn (Trung Quốc) nơi ông tham dự Thượng Đỉnh nhóm BRICS, thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Sergei Ryabkov, trả lời báo chí, đã không tiếc lời cho là hành động của Mỹ đối với các cơ sở ngoại giao Nga là một "hành vi côn đồ Nhà nước".
Mai Vân
****************
Mỹ sẽ lục soát lãnh sự quán Nga (VOA, 02/09/2017)
Các dịch vụ đặc biệt của Mỹ cho biết sẽ tiến hành lục soát tòa nhà lãnh sự quán của Nga tại San Francisco, theo tin từ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga.
Tòa nhà Tổng Lãnh sự quán Nga tại San Francisco, bang California, Mỹ, 31/8/2017
Mỹ ra lệnh chậm nhất là ngày 2/9 Nga phải đóng cửa tòa lãnh sự này cùng các tòa nhà ở Washington và New York nơi tọa lạc các phái bộ thương mại của Nga, một hành động trả đũa các biện pháp tương tự của Moscow đối với Mỹ.
Tháng 7, Moscow yêu cầu Mỹ cắt nhân viên ngoại giao và kỹ thuật ở Nga hơn phân nửa để tương đương với số nhân viên ngoại giao của Nga tại Mỹ, sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga.
"Các dịch vụ đặc biệt của Mỹ định lục soát tòa tổng lãnh sự ở San Francisco vào ngày 2/9, kể cả nơi ở của các nhân viên sống trong tòa nhà dù họ có quyền miễn trừ ngoại giao", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết.
Thân nhân các nhân viên ngoại giao được thông báo phải rời tòa nhà này trong vòng 10-12 tiếng.
Người phát ngôn của Nga nói Moscow sẽ trả đũa.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được ban hành để đáp lại việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và sáp nhập Crimea của Ukraine.
***********************
Mỹ đóng cửa cơ quan lãnh sự Nga tại San Francisco (RFI, 01/09/2017)
Hôm 31/08/2017, chính quyền Hoa Kỳ đã ra lệnh đóng cửa cơ quan lãnh sự Nga tại San Francisco và hai cơ sở ngoại giao liên quan tại Washington và New York, kể từ ngày 02/09. Thông báo này được đưa ra nhằm trả đũa Nga vì quyết định của Moskva hạn chế số nhân viên Mỹ tại Nga bắt đầu có hiệu lực vào hôm nay.
Cơ quan lãnh sự Nga tại San Francisco, California, Mỹ bị đóng cửa. Ảnh ngày 31/08/2017. Reuters/Stephen Lam
Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier cho biết thêm thông tin :
"Tân đại sứ Nga tại Washington nhậm chức hôm qua, 31/08 và Hoa Kỳ đã chúc mừng ông bằng một món quà không hay ho gì.
Đại sứ Anatoli Antonov có tiếng là một nhân vật cứng rắn và ngay lập tức, ông đã phải đối mặt với một thời điểm căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Nga.
Nếu như lúc đầu, việc Donald Trump đắc cử tổng thống làm cho người ta nghĩ rằng quan hệ song phương sẽ nồng ấm lên, thì nay bang giao giữa hai nước, vốn đã xuống tới mức thấp nhất kể từ khi xẩy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, lại tiếp tục xấu đi.
Hoa Kỳ xem xét một cách nghiêm túc các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Cho dù tổng thống Trump muốn làm dịu tình hình, Quốc Hội và chính quyền Mỹ vẫn muốn bắt Nga phải trả giá.
Mặc dù Donald Trump tỏ ra vui mừng về các khoản tiết kiệm do việc Moskva yêu cầu giảm số nhân viên trong sứ quán và các cơ quan lãnh sự Mỹ tại Nga, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trả đũa.
Washington tuyên bố hy vọng rằng quyết định này, nhân danh nguyên tắc có đi có lại, ngang nhau, sẽ không làm dấy lên những biện pháp trả đũa mới, thế nhưng Moskva phàn nàn về tình trạng leo thang căng thẳng.
Tuy vậy, quyết định của Hoa Kỳ tỏ ra không triệt để lắm, bởi vì các nhân viên Nga ở những nơi bị đóng cửa có thể được tái phân bổ vào những cơ sở khác của Nga tại Hoa Kỳ".