Mỹ trừng phạt thêm các hoạt động phá an ninh mạng của Nga (VOA, 21/08/2018)
Hôm 21/8, Hoa Kỳ áp dụng thêm các lệnh trừng phạt mới đối với hai người Nga, một công ty Nga và một công ty Slovakia vì các đối tượng này đã giúp một công ty khác của Nga lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Thông cáo của Bộ Tài chánh Mỹ nói rằng các công ty bị xử phạt - Vela-Marine Ltd có trụ sở tại Saint Petersburg và Lacno S.R.O. có trụ sở ở Slovakia - và hai cá nhân đã giúp Divetechnoservices né tránh các biện pháp trừng phạt trước đó.
Hoa Kỳ ra lệnh trừng phạt công ty Divetechnoservices hồi tháng Sáu vì công ty này đã mua các thiết bị dưới nước và hệ thống lặn cho các cơ quan chính phủ Nga, trong đó có cơ quan tình báo FSB của Nga.
Chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã phạt FSB hồi tháng 12 năm 2016, với lý do chính phủ Nga luôn tìm cách quấy rối các quan chức Mỹ và các hoạt động trên mạng nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong thông cáo, Bộ Tài chánh Mỹ nói hai cá nhân bị lệnh trừng phạt hôm thứ 21/8 -- Marina Igorevna Tsareva và Anton Aleksandrovich Nagibin - đã giúp công ty Divetechnoservices tìm cách vô hiệu hóa các lệnh chế tài của Mỹ.
(theo Reuters)
****************
Người Czech kỉ niệm 50 năm ‘Mùa Xuân Praha’ bị đàn áp (VOA, 21/08/2018)
50 năm trước xe tăng của Liên bang Soviet tiến vào Praha để đè bẹp các cuộc cải cách dân chủ của chính phủ Cộng sản Tiệp Khắc, đưa tới một giai đoạn chiếm đóng đẫm máu mà nhiều người Czech lo sợ những bài học của nó đã bị lãng quên.
Một người biểu tình phản đối Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis trong một buổi lễ kỉ niệm 50 năm xe tăng Soviet xâm lược nước này, ở Praha, Cộng hòa Czech, ngày 21 tháng 8, 2018.
Sự kiện này được kỉ niệm ở thủ đô Praha của Cộng hòa Czech và thủ đô Bratislava của Slovakia bằng những buổi lễ, triển lãm, phim ảnh về 'Mùa xuân Praha' và cuộc đàn áp tàn bạo phong trào này bắt đầu vào ngày 21 tháng 8 năm 1968. Dịp kỉ niệm này diễn ra vào lúc tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Czech, vốn đã bị gạt ngoài rìa chính trị quốc gia, giờ đang hồi sinh.
Các chính trị gia của Liên minh Châu Âu nói dịp kỉ niệm nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tự do và dân chủ ngày nay trên một lục địa đang đối mặt với làn sóng chủ nghĩa độc tài mới ở Đông Âu, cũng như một nước Nga quyết đoán hơn.
Giới lãnh đạo Cộng sản ở Moscow đã ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược nhằm chấm dứt những cải cách của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Những cải cách này nới lỏng những hạn chế du hành và kiểm duyệt, cho phép tự do truyền thông lớn hơn và khơi ra những cáo buộc chế độ cộng sản hủ bại.
Cuộc xâm lược bất ngờ đưa tới sự cáo chung của chính sách ‘Chủ nghĩa Xã hội mang bộ mặt con người’ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Alexander Dubcek và đưa tới thêm hai thập niên chế độ toàn trị cho đến khi các cuộc biểu tình ôn hòa vào năm 1989 cuối cùng lật đổ chế độ Cộng sản.
Hàng ngàn người tập trung tại Quảng trường Wasceslas ở trung tâm thủ đô Praha của Tiệp khắc phản đối Liên bang Soviet xâm lược, ngày 20 tháng 8, 1968.
Binh lính Nga trên xe tăng tiến vào thủ đô Praha của Tiệp Khắc, ngày 21 tháng 8, 1968.
Một người đàn ông cố gắng cứu giúp người bị thương và tử vong ở trung tâm thủ đô Praha, ngày 21 tháng 8,1968.
Nhưng lần đầu tiên sau gần 30 năm, những người theo Đảng Cộng sản ở Czech đang một lần nữa sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình.
Vào tháng 7, những người Cộng sản chống NATO và thân Nga, một thành phần vẫn duy trì sự hiện diện trong nghị viện Czech, đã giúp chính phủ thiểu số của Thủ tướng Andrej Babis vượt qua được cuộc biểu quyết tín nhiệm.
"Đó là một trong những nghịch lí lớn của ngày hôm nay, những người Cộng sản đang một lần nữa đang tiến thẳng về phía trước và mọi người không quan tâm", ông Vladimir Hanzel nói với Reuters. Ông Hanzel từng là thư kí riêng của ông Vaclav Havel, tổng thống đầu tiên thời hậu cộng sản của Czech.
Ông Babis nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước rằng những người cộng sản ngày nay là một đảng dân chủ và không có đối tác nước ngoài nào nêu lên mối lo ngại.
Ông Babis, một doanh nhân tỉ phú, đang chống lại các cáo buộc tại tòa án rằng bản thân ông là một người chỉ điểm cho cảnh sát mật vụ Cộng sản. Người biểu tình huýt gió và hô to "Xấu hổ !" khi ông đến dự một buổi lễ kỉ niệm vào ngày thứ Ba.
"Tôi không đồng ý là tự do đang bị đe dọa ngày hôm nay", ông Babis nói trong một bài diễn văn. "Tự do và dân chủ có nghĩa là trên hết thảy tôi có thể chấp nhận rằng ai đó có quyền có những ý kiến và sở thích khác của tôi".
Dịp kỉ niệm hôm thứ Ba diễn ra trong bối cảnh lo ngại đang gia tăng ở Brussels và các thủ đô Tây Âu khác về sự bền bỉ của nền dân chủ ở các nước thành viên hậu cộng sản. EU và các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích các cải cách tư pháp ở Ba Lan và Romania và tình trạng hạn chế các quyền tự do truyền thông ở Hungary.
Một di sản khác của cuộc xâm lược do Liên bang Soviet dẫn đầu là sự ngờ vực sâu sắc đối với Nga trong người ở Czech và Slovakia - hai nước tách khỏi Tiệp Khắc một cách hòa bình vào năm 1993 - dù một số chính trị gia hàng đầu ủng hộ quan hệ kinh tế.
Tổng thống Czech Milos Zeman, người phản đối các chế tài của EU đối với Moscow, đã thu hút những chỉ trích về việc ông từ chối phát biểu hôm thứ Ba nhân dịp kỉ niệm.
Cơ quan tình báo Czech thường nêu bật hoạt động gián điệp của Nga trong chính trị và kinh doanh ở nước này.
Vụ Donald Trump : Nước Mỹ cần "người giữ trẻ"
Tân chính phủ Pháp sẽ gồm những khuôn mặt nào, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại sắp tới sẽ là gì… Đó là chủ đề được các báo Paris bàn bạc nhiều nhất hôm nay. Bên cạnh đó là Liên hoan phim Cannes khai mạc, và sự cạnh tranh quyết liệt giữa Paris và Los Angeles đề giành vai trò chủ nhà Thế Vận Hội 2024. Đặc biệt sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ thông tin mật cho Nga được hầu như tất cả các báo đề cập đến.
Ảnh bìa báo Libération ngày 17/05/2017 (Ảnh chụp màn hình) - RFI Tiếng Việt
"Đứa bé lên năm" ở Nhà Trắng
Le Mondeđặt câu hỏi "Trump có lắm mồm với người Nga không " ? Le Figaro ghi nhận "Trump lại bị tai tiếng sau khi thổ lộ với ngoại trưởng Nga". Tương tự với Les Echos "Trump bị cáo buộc đã chuyển giao thông tin mật cho Nga". Riêng Libération đăng ảnh tổng thống Mỹ trên nền đen, chạy tựa lớn "Nước Mỹ tìm kiếm người giữ trẻ". Tờ báo nhận định, khi tiết lộ các thông tin bí mật cho Nga, ông Trump lại gây ra xì-căng-đan mới, làm dấy lên lại cáo buộc về sự bất tài, ngay cả trong phe Cộng Hòa.
Trong bài xã luận gay gắt, Libération nhắc lại, cách đây hơn một năm, Donald Trump chỉ mới là ứng cử viên ngấp nghé ngưỡng cửa Nhà Trắng. Như thường lệ, ông đả kích bà vợ của đối thủ cạnh tranh là Ted Cruz, chế giễu ngoại hình của bà trên Twitter. Được CNN yêu cầu giải thích, ông Trump biện bạch : "Ai biểu ông ấy (Cruz) kiếm chuyện trước !". Người phỏng vấn ngao ngán : "Lý lẽ của một đứa bé lên năm !".
Một năm sau, hơn một trăm ngày sau khi trở thành tổng thống nước Mỹ, nhận xét này lại vang bên tai. Các nhà quan sát, nhà báo, chuyên gia, chính khách, đối thủ đều phải mở to mắt mỗi lần tổng thống "xuất chiêu". Ngày lại ngày, người ta khám phá rằng Trump thiếu chuẩn bị, thiếu văn hóa, thiếu chuyên nghiệp, dối trá v.v… Và giờ thì biết thêm Trump còn "tài lanh" khoe cơ bắp như một đứa bé 5 tuổi, tiết lộ các thông tin lẽ ra phải giữ kín.
Hành xử như một đứa trẻ lên năm cũng có mặt tốt : Trump làm cho các đối thủ không biết đâu mà lường. Nhưng một kid (chú bé) lắm trò và ưa phỉnh nịnh trở thành vấn đề, khi căn phòng cho trẻ lại là Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng.
Libération kết luận, nếu thông tin trên Washington Post là chính xác, thì đây sẽ là hai tín hiệu quan trọng cho các đồng minh và đối tác của ông Trump.
Thứ nhất : Nếu đưa thông tin cho tổng thống Mỹ, có nguy cơ là các tin tức ấy sẽ lọt vào tai những kẻ xấu. Thứ hai : Điều khiển một em bé 5 tuổi cũng dễ dàng như như thao túng ông chủ Nhà Trắng.
Tiết lộ thông tin mật cho cường quốc đối địch
Trong bài viết "Donald Trump, người gieo rắc rối ở Hoa Kỳ", thông tín viên Frédéric Autran của Libération tại New York cho biết theo báo chí Mỹ thì thông tin mật bị tiết lộ là của Israel, đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ và ông Trump sẽ viếng thăm vào tuần tới.
Theo Washington Post, đó là những chi tiết về âm mưu khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daesh, IS) nhắm vào các phi cơ dân dụng, nhờ chất nổ giấu trong các máy tính xách tay và máy tính bảng. Được cảnh báo cách đây nhiều tuần lễ, đó là lý do khiến hồi tháng Ba Hoa Kỳ cấm mang hai loại thiết bị trên lên máy bay từ hơn một chục sân bay ở Trung Đông và Bắc Phi, và còn định mở rộng lệnh cấm sang Châu Âu.
New York Times cho biết thêm, thông tin này đến từ Israel, được xếp loại "code word" tức "bí mật quốc phòng", "nhạy cảm cho đến nỗi các quan chức Mỹ chỉ chia sẻ rất hạn chế trong nội bộ, và không thông báo cho đồng minh nào khác". Benjamin Wittes, chuyên gia về luật và an ninh của Brookings Institution than thở : "Tổng thống rõ ràng đã tiết lộ các thông tin tuyệt mật cho một cường quốc đối địch".
Các nhà quan sát khác nhấn mạnh, sự kiện này có thể làm các đồng minh của Mỹ tức giận, trước hết là Israel. Ông Leon Panetta, cựu Bộ trưởng quốc phòng, cựu giám đốc CIA lo lắng : "Israel có thể cắt đứt tất cả những trao đổi thông tin tình báo với Mỹ về những chủ đề rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh của Hoa Kỳ. Khả năng tai hại này, tổng thống phải hiểu". Được hãng thông tấn AP hỏi, một viên chức tình báo Châu Âu khẳng định nếu đặt mình vào trường hợp tương tự, nước mình sẽ chấm dứt chia sẻ thông tin với Mỹ vì nguồn tin sẽ bị nguy hiểm.
Tuy Donald Trump không nói với Sergey Lavrov về xuất xứ của nguồn tin, nhưng lại cung cấp những chi tiết rất cụ thể, chẳng hạn tên thành phố mà mối nguy hiểm trên được phát hiện. Nhờ đó Nga có thể lần ra được nguồn tin địa phương, trong khi cơ sở này còn rất cần thiết cho các chủ đề khác ngoài IS, như sự hiện diện của Nga ở Syria.
Trump vi phạm nguyên tắc bất thành văn của giới tình báo
Theo Les Echos, khi tiết lộ thông tin của một đồng minh, ông Trump đã vi phạm quy luật bất thành văn lâu nay của giới tình báo. Dưới mắt họ, điều quan trọng không phải vì ông đã chia sẻ cho Nga - tổng thống Mỹ có quyền đánh giá đâu là thông tin có thể "giải mật" - nhưng trên thực tiễn, không bao giờ tiết lộ tin tức cho bên thứ ba mà chưa có sự đồng ý của đồng minh. Tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới đều tôn trọng nguyên tắc này.
Ngoài mạng tình báo riêng của Mỹ, Washington còn dựa vào mạng lưới rộng rãi của các nước đồng minh để thu thập tin tức. Trước tiên là liên minh Five Eyes của các nước nói tiếng Anh có từ Đệ nhị Thế chiến, ngoài Hoa Kỳ còn có Anh, Úc, New Zealand và Canada, đã làm việc với nhau suốt 70 năm qua. Việc trao đổi thông tin dựa trên hệ thống Echelon bao phủ toàn cầu. Riêng giữa NSA của Mỹ và tình báo GCHQ của Anh quan hệ rẩt mật thiết, thường tham khảo ý kiến của nhau.
"Khi thế giới được một đứa trẻ lãnh đạo"
Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Lélia Rousselet khi trả lời phỏng vấn của Libération nhận định, trong xì-căng-đan mới này, chỉ có tổng thống phải chịu trách nhiệm, chứ không phải cơ quan tình báo Mỹ. Các nước đều biết rằng những nhân viên rất chuyên nghiệp vẫn quản lý các hồ sơ này trong chính quyền Trump. Les Echos cho biết thêm, các nhân viên tình báo Mỹ đã có quyết định vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, là giấu đi một số thông tin tuyệt mật không báo cáo cho Donald Trump, và sự cố vừa qua cho thấy họ có lý.
Dấu hiệu cho thấy rõ sự bối rối của phía Cộng Hòa, là có rất ít đại biểu lên tiếng bênh vực ông Trump. Còn thủ lãnh đối lập ở Thượng Viện đòi hỏi biên bản cuộc gặp giữa Donald Trump với Sergey Lavrov và đại sứ Kislyak của Nga phải được giao cho Ủy ban Tình báo Hạ Viện. Xì-căng-đan này sẽ làm u ám vòng công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump kể từ thứ Sáu này, đi Ả Rập Xê Út, Israel, Bỉ và Ý.
Một số người coi đây là một bằng chứng mới cho sự bất tài của Donald Trump. Trong một bài bình luận nảy lửa mang tựa đề "Khi thế giới được một đứa trẻ lãnh đạo", cây bút bảo thủ David Brooks của New York Times cũng chỉ trích sự thiếu chín chắn của ông chủ Nhà Trắng. Ông viết : "Trump đã phản bội một nguồn tin tình báo và tiết lộ bí mật cho các người khách Nga. Theo những gì chúng ta biết, không phải ông ấy làm như thế vì ông là gián điệp Nga hay là có tà ý. Trump làm vậy vì ẩu tả, vì không thể tự kiềm chế và nhất là, ông ta là một đứa trẻ 7 tuổi đang hết sức cần được người khác khen ngợi".
Giọt nước tràn ly cho đảng Cộng Hòa
Liệu đây có phải là "giọt nước tràn ly" đối với phía Cộng Hòa ? Cũng theo Libération, đảng của tổng thống Mỹ lâu nay vẫn đứng sau bênh vực ông, nay bắt đầu rạn nứt.
"Liệu có một ngày nào không có xì-căng-đan hay không ? Tôi chỉ mong mỏi có thế !". Nữ thượng nghị sĩ Cộng Hòa Susan Collins cố nói đùa trước các nhà báo tại Quốc Hội. Người thì im lặng, người lúng túng, các phản ứng hiếm hoi của các đại biểu Cộng Hòa cho thấy, lần đầu tiên họ không vội vã bảo vệ tổng thống. Theo một cố vấn hàng đầu của đảng Cộng Hòa, thì đây là "giọt nước đã làm tràn ly". Nhân vật này nhấn mạnh : "Tỉ lệ ủng hộ tổng thống chỉ có 40%, không sao cả. Một Nhà Trắng không thể tiên liệu, lệch lạc, không có chiếc đầu lãnh đạo mới là vấn đề".
Trong khi những tháng cầm quyền đầu tiên của ông Trump đầy xáo động, thì các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa đang phải cố gắng giữ chiếc ghế của mình, trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018. Toàn bộ 435 ghế ở Hạ Viện và một phần ba trong số 100 ghế ở Thượng Viện sẽ được bầu lại.
Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện nói : "Tiết lộ nguồn tin là điều cấm kỵ", và cho rằng chính quyền đang "trong vòng xoáy tự hủy". Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan thông qua phát ngôn viên nhận định "Bảo vệ các bí mật của đất nước là điều quan trọng hàng đầu". Còn thượng nghị sĩ John McCain, người lâu nay không ngần ngại chỉ trích ông Donald Trump thì cho biết "hết sức quan ngại". Ông lo rằng "vụ này sẽ là một dấu hiệu đáng ngại cho các đồng minh của Mỹ trên thế giới, có thể giảm đi ý định chia sẻ thông tin tình báo cho chúng ta trong tương lai".
Gậy ông đập lưng ông
Trong bối cảnh đó, báo chí Mỹ đã mỉa mai lôi ra những phát biểu trước đây của các nhân vật Cộng Hòa tháng 7/2016, chỉ trích vụ email của bà Clinton. Reince Priebus, nay là chánh văn phòng Nhà Trắng lúc đó đắc chí : "Những ai quản lý kém các thông tin mật đã mất việc, bị trừng phạt và tống vào nhà tù". Còn ông Trump, trong một diễn văn đọc ở Bắc Carolina nhấn mạnh : "Cũng như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chúng ta phải lao vào cuộc chiến qua việc thu thập các tin tình báo và bảo vệ các bí mật quân sự".
Thông tín viên Le Figaro ở New York cũng cho rằng "gậy ông đã đập lưng ông". Noah Feldman, giáo sư luật đại học Havard nhận xét, bất kỳ ai khác trong chính phủ mà tiết lộ tin tuyệt mật như thế có thể phải vào tù, có lẽ trừ phó tổng thống. Lưỡi gươm Damoclès tương tự đã từng treo lơ lửng trên George W.Bush năm 2003, khi tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ bị nghi ngờ đã để cho một cố vấn thân cận là Lewis "Scooter" Libby tiết lộ cho báo chí tên một sĩ quan CIA, Valerie Plame.
Theo tờ báo, nguy cơ bị truất phế tuy vẫn còn xa, nhưng tình thế ngày càng trầm trọng. Giáo sư Feldman nhấn mạnh : "Vào thời điểm bản lề này của lịch sử nước Mỹ, việc tranh luận về trách nhiệm của tổng thống và sự thiếu vắng định chế đối trọng hiệu quả, là vấn đề căn cơ. Bởi vì từ thời Nixon cho đến nay, việc phân quyền chưa bao giờ đè nặng lên số phận của quốc gia đến như thế".
Thụy My