Trung Quốc cảnh báo sức ép của Mỹ có thể làm quan hệ song phương "xấu đi"
Thu Hằng, RFI, 26/04/2024
Trung Quốc và Hoa Kỳ nên là "đối tác, chứ không phải là đối thủ" và Washington nên "nhìn tích cực về sự phát triển của Trung Quốc". Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh như trên, khi tiếp ngoại trưởng Mỹ ngày 26/04/2024. Trước đó, ông Antony Blinken đã có cuộc hội đàm hơn 5 tiếng với đồng nhiệm Vương Nghị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2024. AP - Mark Schiefelbein
Ông Antony Blinken khẳng định đã có cuộc trao đổi "sâu sắc, mang tính xây dựng" với đồng nhiệm Trung Quốc về những bất đồng, như chủ đề Nga, hồ sơ Đài Loan và thương mại. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng hai nước cần phải "rõ ràng nhất có thể trong những lĩnh vực bất đồng, ít nhất là tránh để hiểu lầm và tính toán sai".
Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Mathew Miller, được AFP trích dẫn, ông Blinken đã bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc hỗ trợ cho "cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga", thông qua việc cung cấp thiết bị và công nghệ lưỡng dụng. Ngoại trưởng Mỹ cũng tìm cách xoa dịu Trung Quốc về vấn đề Đài Loan trong bối cảnh ngày 20/05, ông Lại Thanh Đức sẽ nhậm chức tổng thống và Quốc hội Mỹ vừa thông qua khoản viện trợ quân sự cho hòn đảo tự trị. Về Trung Cận Đông, ông Blinken đề nghị Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để khuyến khích Iran kiềm chế với Israel.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại cảnh báo rằng việc Hoa Kỳ liên tục gây sức ép có thể khiến mối quan hệ song phương "xấu đi". Bắc Kinh chỉ trích Washington gia tăng sức ép, trong đó có các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến (kinh kiện bán dẫn) sang Trung Quốc. Một chủ đề gây bất đồng khác là khả năng mạng xã hội TikTok, bị cáo buộc được sử dụng để do thám người dân Mỹ, bị cấm tại Hoa Kỳ nếu không cắt đứt liên hệ với công ty mẹ ByteDance. Bất chấp tối hậu thư của Mỹ, ngày 25/04, tập đoàn Trung Quốc cho biết không có ý định bán ứng dụng.
Dù vẫn còn nhiều căng thẳng và "yếu tố tiêu cực", ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới "bắt đầu được ổn định", nhưng không quên cảnh báo hai nước "nên tiếp tục theo hướng ổn định hay trở lại hướng xấu đi ?".
Chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm của ngoại trưởng Mỹ cho thấy dấu hiệu giảm bớt xung đột giữa hai đại cường, vốn lên đến đỉnh điểm dưới thời tổng thống Donald Trump. Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa cho biết sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn với Bắc Kinh nếu ông thắng cử vào tháng 11.
Thu Hằng
****************************
NATO : Trung Quốc phải ngưng hỗ trợ Nga nếu muốn giao hảo với phương Tây
Reuters, VOA, 26/04/2024
Trung Quốc phải ngừng hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine nếu muốn có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố ngày 25/4, cảnh cáo Bắc Kinh bằng những lời lẽ gay gắt rằng Trung Quốc không thể vừa được này, vừa được kia.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Trong chuyến thăm Berlin, người đứng đầu liên minh quân sự phương Tây cho biết sự giúp đỡ của Bắc Kinh rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Moscow vì Trung Quốc đang thúc đẩy nền kinh tế chiến tranh của Nga bằng cách chia sẻ công nghệ cao cấp như chất bán dẫn.
Ông Stoltenberg nói : "Năm ngoái, Nga đã nhập khẩu 90% thiết bị vi điện tử từ Trung Quốc, được sử dụng để sản xuất phi đạn, xe tăng và máy bay. Trung Quốc cũng đang nỗ lực cung cấp cho Nga khả năng và hình ảnh vệ tinh được cải thiện".
Ông cảnh báo : "Trung Quốc nói rằng họ muốn có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây. Đồng thời, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai. Họ không thể vừa được này, vừa được kia".
Ông Stoltenberg cảnh báo các đồng minh phương Tây chớ nên phụ thuộc vào Trung Quốc như họ đã từng phụ thuộc vào Nga.
Ông nói : "Trước đây, chúng ta đã phạm sai lầm khi trở nên phụ thuộc vào dầu khí của Nga".
"Chúng ta không được lặp lại sai lầm đó với Trung Quốc. Tùy thuộc vào tiền bạc, nguyên liệu thô, công nghệ của họ – sự phụ thuộc khiến chúng ta dễ bị tổn thương".
Trung Quốc đã tăng cường quan hệ thương mại và quân sự với Nga trong những năm gần đây khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các chế tài đối với cả hai, đặc biệt là Moscow vì hành động xâm lược Ukraine.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy thương mại Trung Quốc-Nga đạt kỷ lục 240,1 tỷ đô la vào năm 2023, tăng 26,3% so với một năm trước đó. Các lô hàng của Trung Quốc đến Nga đã tăng 46,9% vào năm 2023 trong khi nhập khẩu từ Nga tăng 13%.
Tháng trước, Reuters đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Trung Quốc vào tháng 5 để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây có thể là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Putin.
Nguồn : VOA, 26/04/2024
******************************
Trung Quốc thông qua luật thuế quan giữa những căng thẳng với các đối tác thương mại
Reuters, VOA, 26/04/2024
Hôm 25/4, Trung Quốc thông qua một đạo luật khiến các đối tác thương mại lớn nhất thấy rõ rằng Bắc Kinh có thể đáp trả nếu các nước áp thuế đối với hàng xuất khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới, theo Reuters. Động thái này diễn ra giữa lúc Mỹ và Liên hiệp Châu Âu công kích Bắc Kinh vì năng lực công nghiệp dư thừa.
Bắc Kinh đã tăng cường khả năng phòng vệ thương mại kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.
Luật Thuế quan nói trên, được cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc thông qua sau ba vòng cân nhắc từ năm 2022, là sự bổ sung mới nhất vào kho công cụ phòng vệ thương mại của Bắc Kinh khi nước này duy trì một thỏa thuận đình chiến mong manh với Mỹ sau cuộc chiến thương mại bắt đầu trong giai đoạn căng thẳng thương mại dưới thời chính quyền Tổng thống Donal Trump.
Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12, nêu ra một loạt quy định pháp lý liên quan đến thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, từ những định nghĩa về ưu đãi thuế quan cho đến quyền của Trung Quốc trong việc đáp trả các quốc gia vi phạm các hiệp định thương mại.
Bắc Kinh đã tăng cường khả năng phòng vệ thương mại kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, đưa ra luật trao quyền cho các quan chức có cách trả đũa các quốc gia có vấn đề với cách thức giao dịch của Trung Quốc bằng cách can thiệp vào việc di chuyển hàng hóa, dữ liệu và con người giữa những thị trường đó.
Các nhà phân tích nói rằng căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu (EU) chỉ càng củng cố niềm tin của Bắc Kinh rằng họ cần gia tăng và cải thiện các biện pháp mà họ có trong tay.
Ông Henry Gao, giáo sư tại Đại học Quản lý Singapore, nói : "Nó giống như một loại vũ khí hạt nhân : mục đích của việc sở hữu nó không phải là sử dụng nó mà là để ngăn chặn người khác sử dụng vũ khí tương tự để chống lại quý vị".
"Tôi nghĩ một ý mà Trung Quốc đang cố gắng đưa ra bằng cách đưa điều này vào Luật thuế quan mới đó là ai cũng có đặc quyền cả : Nếu quý vị có ý định đánh thuế chúng tôi, chúng tôi cũng có thể làm như vậy".
Báo động ngày càng tăng về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc tràn ngập Liên hiệp Châu Âu với các sản phẩm giá rẻ đang mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại của phương Tây với Bắc Kinh, khởi động bằng thuế nhập khẩu của Washington vào năm 2018.
EU hiện đang điều tra xem có nên áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc hay không, trong khi Bắc Kinh cũng đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh của EU.
Nguồn : VOA, 26/04/2024
*****************************
Tàu hàng Nga bị nghi vận chuyển vũ khí Nga-Triều neo đậu ở Trung Quốc
Reuters, VOA, 25/04/2024
Trung Quốc đang cho neo đậu cho một tàu chở hàng Nga bị Mỹ trừng phạt có liên quan đến việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga, theo hình ảnh vệ tinh mà Reuters có được, trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh ủng hộ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Một con tàu, được RUSI xác định là tàu chở hàng Angara đã đăng ký của Triều Tiên, được nhìn thấy cập cảng cùng với một tàu lớn hơn tại cầu cảng của Công ty đóng tàu Châu Sơn Hâm Á ở Trung Quốc ngày 11/22/2024 qua ảnh vệ tinh.
Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết tàu Angara của Nga, kể từ tháng 8 năm 2023 đã vận chuyển đến các cảng của Nga hàng nghìn container bị nghi là chứa đạn dược của Triều Tiên, đã neo đậu tại một xưởng đóng tàu của Trung Quốc ở phía đông tỉnh Chiết Giang kể từ tháng 2 năm nay.
Sự hiện diện của con tàu tại cảng Trung Quốc nhấn mạnh những thách thức mà Hoa Kỳ và các đồng minh phải đối mặt khi họ tìm cách ngăn chặn sự hỗ trợ quân sự và kinh tế của Bắc Kinh cho Nga.
Với việc Ukraine đang bị Nga tấn công trở lại trong lúc thiếu đạn dược, các quan chức Mỹ ngày càng đưa ra những cảnh báo rõ ràng về điều mà họ cho là sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc củng cố lại quân đội Nga sau những thất bại ban đầu trong cuộc chiến Ukraine.
Sự hỗ trợ đó dự kiến sẽ đứng đầu chương trình nghị sự trong tuần này khi Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Bắc Kinh.
Người đứng thứ hai của Bộ Ngoại giao Mỹ, Kurt Campbell, cho biết trong tháng này rằng Washington sẽ không "ngồi yên" nếu Bắc Kinh tăng cường ủng hộ Moscow.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã biết từ "các báo cáo nguồn mở, đáng tin cậy" rằng tàu Angara hiện đang neo đậu tại một cảng Trung Quốc và đã nêu vấn đề này với chính quyền Trung Quốc.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình theo UNSCR 2397", người phát ngôn nói, đề cập đến nghị quyết của Liên hợp quốc về hạn chế thương mại với Triều Tiên và yêu cầu các quốc gia Liên hợp quốc hủy đăng ký bất kỳ tàu nào liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
"Khi Ngoại trưởng Blinken gặp những người đồng cấp Trung Quốc trong tuần này, ông ấy sẽ nói đến một loạt mối quan ngại, bao gồm cả cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và mối quan hệ Nga-Triều Tiên", người phát ngôn cho biết.
Hình ảnh vệ tinh mà RUSI thu được trong những tháng gần đây từ các công ty, trong đó có Planet Labs PBC – công ty chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh về trái đất có trụ sở tại San Francisco, cho thấy tàu Angara neo đậu tại Nhà máy đóng tàu Châu Sơn Hâm Á ở Chiết Giang. Trang web của hãng cho biết đây là công ty sửa chữa tàu tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Con tàu được xác định nhờ bộ phát đáp của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) đã được bật lên trong thời gian ngắn, có thể vì lý do an toàn, khi đang di chuyển trên đoạn eo biển đông đúc trên đường đến Trung Quốc.
Theo RUSI, trước khi đến Trung Quốc vào ngày 9/2, dường như để sửa chữa hoặc bảo trì, tàu Angara đã cập cảng Triều Tiên và Nga vào tháng 1 và tắt bộ phát đáp. Nó lại tắt ngay sau khi đến Trung Quốc.
Ít nhất 11 chuyến giao hàng đến Nga
Con tàu, bị Mỹ chế tài vào tháng 5/2022, đã thực hiện ít nhất 11 chuyến giao hàng giữa cảng Rajin của Triều Tiên và các cảng của Nga từ tháng 8/2023, theo RUSI. Viện nghiên cứu này đang theo dõi hoạt động của con tàu như một phần của dự án sử dụng dữ liệu nguồn mở để giám sát các mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng họ không biết các chi tiết liên quan đến Angara, nhưng Trung Quốc "luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hoặc ủy quyền của Hội đồng Bảo an".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết họ không có thông tin gì về vấn đề này.
Mỹ và hàng chục quốc gia khác hồi đầu năm nay cho biết việc chuyển vũ khí của Triều Tiên sang Nga vi phạm "rõ ràng" nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Joseph Byrne, một nhà nghiên cứu của RUSI, cho biết chính phủ Trung Quốc nên biết rằng con tàu bị Mỹ trừng phạt đã cập cảng tại xưởng đóng tàu của họ.
"Nếu họ để (tàu Angara) rời cảng mà không được kiểm tra và mới được sửa chữa, thì điều đó cho thấy Trung Quốc có thể sẽ không có bất kỳ hành động nào đối với các tàu này của Nga", ông Byrne nói.
Washington đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc không hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022. Nga khởi động cuộc chiến chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố "quan hệ đối tác không giới hạn".
Tuần trước, Ngoại trưởng Blinken đã chỉ trích sự hỗ trợ của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nói rằng Bắc Kinh hiện là nhà cung cấp chính cho cuộc chiến của Moscow ở Ukraine qua việc cung cấp các bộ phận vũ khí quan trọng cho Nga.
Bộ Ngoại giao Nga và Nhà máy đóng tàu Châu Sơn Hâm Á không trả lời yêu cầu bình luận liên quan đến tàu Angara.
Trang web của công ty cho biết khách hàng của họ đến từ khắp Châu Á, Châu Âu và Mỹ và họ có "sự hợp tác chiến lược" với các công ty vận tải toàn cầu, bao gồm Maersk và Evergreen Marine Corp của Đài Loan, cũng như quan hệ đối tác với các công ty công nghệ Châu Âu.
Cả Nga và Triều Tiên đều nhiều lần bác bỏ những lời chỉ trích về cáo buộc chuyển giao vũ khí. Moscow cho biết họ sẽ phát triển quan hệ với bất kỳ đối tác nào mà họ muốn và sự hợp tác của họ với Bình Nhưỡng không trái với các thỏa thuận quốc tế.
Ông Campbell phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm 22/4 rằng mối quan hệ đối tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Triều Tiên với Nga là "trái ngược" với lợi ích an ninh của Mỹ ở Châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nguồn : VOA, 25/04/2024
*********************************
Ngoại trưởng Blinken : Trung Quốc là nhà cung cấp chính vật liệu công nghiệp vũ khí cho Nga
Reuters, VOA, 19/04/2024
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 19/4 lên án Trung Quốc hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nói rằng Bắc Kinh hiện là nhà cung cấp chính cho Moscow trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, bằng việc cung cấp những bộ phận vũ khí quan trọng cho Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu của nhóm G7 trên đảo Capri của Ý hôm 19/4.
Ông cho biết hành động này đang gây ra "mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị của các ngoại trưởng G7 trên đảo Capri của Ý, ông Blinken cho biết Washington đã nói rất rõ ràng với Bắc Kinh và các nước khác rằng họ không nên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
"Khi nói đến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, nước cung cấp chính vào thời điểm này là Trung Quốc. Chúng tôi thấy Trung Quốc cung cấp máy công cụ, chất bán dẫn và các mặt hàng có công dụng kép khác đã giúp Nga củng cố công nghiệp quốc phòng".
"Trung Quốc không thể có cả hai. Họ không thể có được điều đó. Bạn muốn có mối quan hệ tích cực, thân thiện với các nước ở Châu Âu, đồng thời, bạn đang tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc", ông Blinken nói.
Hoa Kỳ đã cảnh báo Trung Quốc không nên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022 -- chỉ vài tuần sau khi Nga và Trung Quốc tuyên bố "quan hệ đối tác không giới hạn".
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lặp lại những lo ngại của ông Blinken.
"Nếu Trung Quốc công khai theo đuổi mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Nga, quốc gia đang tiến hành cuộc chiến bất hợp pháp chống lại Ukraine,... thì chúng tôi không thể chấp nhận điều này", bà Baerbock nói sau cuộc gặp với những người đồng cấp G7 ở Capri.
Các quan chức Mỹ hồi đầu tháng này đã cho các phóng viên biết về những vật liệu mà Trung Quốc đang cung cấp cho Nga, bao gồm công nghệ máy bay không người lái và tên lửa, hình ảnh vệ tinh và máy công cụ, dù các mặt hàng này không trực tiếp tạo thành viện trợ sát thương nhưng đang giúp Nga củng cố quân đội để duy trì cuộc xâm lược Ukraine đã kéo dài hai năm qua của họ.
Một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc nói với Reuters vào thời điểm đó rằng Trung Quốc không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine và rằng thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga không nên bị can thiệp hoặc bị hạn chế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm hồi đầu tháng, và sau đó các quan chức Mỹ cho biết ông Blinken sẽ đi thăm Trung Quốc trong mấy ngày tới. Thông tin chi tiết về chuyến đi của ông Blinken vẫn chưa được công bố.
Reuters