Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thượng Viện Pháp : Quyền lực đối trọng với tổng thống Macron ?

Báo cáo của Thượng Viện Pháp nghiêm khắc đả kích sai sót của phủ tổng thống Pháp trong việc xử lý các hành vi "lộng quyền" của cựu cộng sự viên của tổng thống Macron là đề tài chính trên trang nhất hầu hết các báo Pháp ra hôm nay, 21/02/2019. Những động thái bị cho là nhằm che giấu sự thật, của nhiều quan chức cao cấp của điện Elysée, được nêu bật.

senat1

Ông Alexandre Benalla Ủy ban Tư Pháp, điện Luxembourg, Paris, 19/09/2018. Reuters/Charles Platiau

Có ba tờ báo lớn đã dành tựa chính trang nhất để nói về vụ Benalla. Trong lúc Le Monde mô tả : "Thượng Viện Pháp đả kích những sai sót trong việc vận hành Nhà Nước", thì Libération thẳng thừng tố cáo "những lời nói dối cấp Nhà Nước". Riêng Le Figaro thì nhận định : "Điện Elysée không thoát được vụ Benalla".

Hai tờ báo khác đã đề cập đến vụ việc trong trang Thời sự nước Pháp. Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa : "Vụ Benalla bộc lộ những trục trặc nghiêm trọng" của guồng máy lãnh đạo cao nhất ở Pháp, còn tờ báo kinh tế Les Echos thì cho rằng : "Điện Elysée đang chịu áp lực ngày càng tăng".

Vụ Benalla : Thượng Viện 1 – Điện Elysée 0

Một trong những nhận định lý thú nhất về diễn biến vụ Benalla được thấy trên Les Echos, với một bài viết ở trang Ý kiến : "Thượng Viện, quyền lực đối trọng duy nhất".

Đối với tờ báo, không còn hồ nghi gì cả, với bản phúc trình về hồ sơ Benalla, Thượng Viện Pháp đã ghi một bàn thắng trong cuộc đọ sức với điện Elysée, và tự cho mình quyền giám sát ngành hành pháp.

Les Echos nhắc lại rằng hồi đầu tháng Giêng, khi khởi động cuộc Đại Thảo luận Toàn quốc, tổng thống Macron đã đưa ra một loạt câu hỏi cho người Pháp, trong đó có các câu : "Vai trò của các hội đồng đại biểu của chúng ta, trong đó có Thượng Viện và Hội Đồng Kinh tế Xã hội và Môi trường (CESE), phải là gì để đại diện được cho các vùng lãnh thổ và xã hội dân sự ? Có phải thay đổi các cơ chế này hay không và bằng cách nào ?".

Đây là những câu hỏi mà Thượng Viện xem như một sự lăng nhục, vì không hề được phủ tổng thống tham khảo ý kiến, và bị đánh đồng với Hội Đồng CESE.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau đó, Thượng Viện đã tham gia theo kiểu cách của mình vào cuộc tranh luận. Không nhắm vào cá nhân tổng thống, không để bị lôi cuốn vào hành vi sai sót của cựu cố vấn Benalla, mà là tìm hiểu do đâu những sai lầm đó có thể xẩy ra. Thượng Viện đã tập hợp lại những sự kiện một cách chính xác và tỉ mỉ để đi đến kết luận : Phủ tổng thống đã phạm sai sót trong cách hoạt động, và vì vậy cần phải xem xét lại phương cách tổ chức.

Qua công việc tiến hành theo kiểu cách đúng là của các thượng nghị sĩ, trầm tĩnh và không to tiếng, Thượng Viện đã chứng minh được sự hữu dụng của mình. Hữu ích vì thực hiện được trách nhiệm "giám sát" hành pháp và đóng vai trò đối trọng.

Trong lúc mà nhiều nhân vật nặng ký của hành pháp, trong đó có thủ tướng, từng nêu việc làm sao bãi bỏ Thượng Viện và xem lại vấn đề Quốc hội lưỡng viện, với báo cáo hôm qua, Thượng Viện đã cho thấy là khó có thể đẩy họ ra bên lề.

MbS của Saudi Arabia hướng qua Châu Á, nơi nhân quyền bị xem nhẹ

Trên bình diện quốc tế, một hồ sơ tiếp tục được chú ý là vòng công du Châu Á của thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman (MbS), với chặng thứ ba là Trung Quốc mở ra hôm nay, sau hai chặng đầu là Pakistan và Ấn Độ.

Trong bài viết "Mohammad bin Salman xác nhận mối quan tâm của Saudi Arabia đối với Châu Á", báo Le Monde nêu bật hai mong muốn của nhân vật số một tại vương quốc dầu hỏa : Đó là tìm kiếm thêm liên minh và hợp đồng, vào lúc mà bản thân ông đang gặp khó khăn ở phương Tây, sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại ngay trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

MbS muốn chứng minh là trên chính trường quốc tế, vẫn có những nơi, nhất là ở Châu Á, mà những hồ sơ chiến lược và thương mại hoàn toàn che khuất vấn đề nhân quyền. Bị ghẻ lạnh ở phương Tây, MbS đã được đón tiếp trọng thể ở Islamabad, Pakistan, nơi mà ảnh của ông được treo đầy đường. Tại Ấn Độ cũng vậy, thủ tướng Ấn Độ Modi đã phá lệ ra tận sân bay New Delhi nghênh đón ông vào hôm thứ Ba.

Nhưng đâu chỉ hai quốc gia Nam Á, MbS hôm nay đã đến Trung Quốc, một nước mà quan hệ đối với Saudi Arabia còn mang tính chiến lược hơn. Trung Quốc chiếm 15% tổng lượng xuất nhập khẩu của Saudi Arabia năm 2018, so với 8% cách đây 10 năm, theo số liệu của Bloomberg.

Ngoài vấn đề năng lượng mà Trung Quốc rất cần, Saudi Arabia còn quan tâm đến Trung Quốc như một nguồn đầu tư, có thể giúp quốc gia này đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Ví dụ như trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới mà Ryadh cũng như các nước láng giềng đang xem xét kỹ lưỡng.

Nên trao thêm cho Donald Trump giải Nobel Văn Chương ?

Cũng liên quan đến Châu Á, nhật báo công giáo La Croix đã có một nhận định rất hóm hỉnh, nhân sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump khoe rằng đã được thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình.

Trong bài mang tựa đề "Cái gọi là Nobel", trích nguyên văn từ ngữ được ông Trump sử dụng, La Croix nhắc lại rằng : "Trước sự ngạc nhiên của mọi người, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã viết một lá thư rất hay đến Ủy Ban Nobel Hòa Bình, đề nghị trao giải này cho ông Donald Trump và ông Trump đã rất hoan nghênh, và cám ơn ông Abe đã gởi thư đến "những người phân phát cái được gọi là giải Nobel", với lý do "có những tên lửa bay qua Nhật Bản gây nên báo động. Và đột nhiên họ cảm thấy yên ổn, cảm thấy được an toàn. Tôi đã làm điều này".

La Croix giải thích, thật ra chỉ có ông Trump mới là người không ngạc nhiên về bức thư này, vì chính ông đã yêu cầu thủ tướng Abe viết và gởi đi.

Tác giả bài viết trên La Croix hóm hỉnh cho là "Tôi cũng sẵn sàng viết thư để người ta trao tặng cho Donald Trump giải Nobel Văn Chương, ngoài giải Nobel Hòa Bình. Bởi vì đóng góp của ông vào nền văn học đương đại cũng đáng chú ý".

Tác giả đã nêu ra con số hơn 2.000 tin nhắn Twitter một năm, từ ngày ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, "với từ ngữ sáng tạo và phong phú, triết lý sâu xa".

Đối với tác giả, "chỉ cần tập hợp hàng ngàn viên kim cương thô đó lại, in ra trên giấy quý thường dùng để in kinh thánh, với lời tựa chẳng hạn của Michel Houellebecq", là người ta sẽ thấy rằng ông Donald Trump hơn bất kỳ nhà văn nào khác, là một sự minh họa tuyệt vời cho câu nói của Buffon : "Văn tức là người".

Giáo hội Công giáo : Một hội nghị để tẩy rửa tai tiếng ấu dâm

Trong dòng thời sự quốc tế, vào hôm nay mở ra một hội nghị chưa từng thấy tại Tòa Thánh Vatican : Đó là hội nghị mang tên "Thượng đỉnh bảo vệ thiếu niên trong Giáo hội" bàn về một vấn đề nhức nhối hiện nay là nạn ấu dâm nơi các linh mục. Nhật báo công giáo La Croix dĩ nhiên đã dành hồ sơ lớn và trang nhất cho sự kiện này.

Bên trên bức ảnh chụp ảnh một số thành viên người Mỹ của hiệp hội Snap bảo vệ nạn nhân của các hành vi ấu dâm ở Hoa Kỳ trên quảng trường thánh Phêrô tại Vatican, tờ báo chạy tựa : "Lạm dụng, Giáo hội huy động lực lượng để đấu tranh". La Croix ghi nhận là hội nghị đã được triệu tập theo lời kêu gọi của Đức giáo hoàng và để chấm dứt tình trạng bê bối kéo dài.

Đối với La Croix, sau một năm 2018 bị đánh dấu bằng một loạt tai tiếng, người đứng đầu Giáo hội Công giáo muốn các giám mục nhận thức rõ về tầm mức hệ trọng của cuộc khủng hoảng đang diễn ra, một cuộc khủng hoảng đang đe dọa uy tín của toàn Giáo hội.

Theo tờ báo, hội nghị mở ra hôm nay là một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh chống lại tệ nạn lạm dụng tình dục thiếu nhi, và nhất là trong việc nghiêm trị những người phạm tội.

Nhân Hội Nghị tại Vatican, phóng viên La Croix đã tìm hiểu về tệ nạn ấu dâm trong giới chức sắc Công giáo tại Philippines và không ngần ngại nêu trong tựa đề bài phóng sự : "Bức màn bí mật bao trùm các vụ phạm tội ấu dâm trong Giáo hội".

Theo La Croix, Philippines - nơi có đến 80% của khoảng 105 triệu dân theo đạo Công giáo - là một ví dụ điển hình về những gì cần sửa đổi, vì tại quốc gia Đông Nam Á đó, các linh mục gần như là có rất nhiều đặc quyền, đơn kiện về tội ấu dâm rất ít và cho đến nay không một chức sắc Công giáo Philippines nào bị kết án về tội này.

Theo chính lời thú nhận của cả hai phóng viên La Croix, công cuộc điều tra của họ đã vấp phải biết bao khó khăn. Nào là những cú điện thoại, những bức e-mail mà không ai trả lời, nào là các nhân chứng gọi là đùn đẩy cho nhau, không ai muốn mình là người nêu lên vụ việc, thậm chí từ chối phát biểu…

Đối với người Philippines, nói về tệ nạn ấu dâm vốn đã là điều không dễ dàng, nay lại nói về tệ nạn liên quan đến các linh mục, thì quả là một điều khó khăn. Điều tra tìm hiểu vấn đề tại Philippines lại còn gặp nhiều trở ngại hơn, khi không hề có những hiệp hội bảo vệ các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng, và cũng không hề có những cơ sở lắng nghe các nạn nhân…

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Mỹ : Quyền lực đối trọng có thể chống lại Trump ?

Sắc lệnh đình chỉ nhập cư với công dân từ bảy nước Hồi giáo, ngày thứ Sáu 27/01/2017, của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp tục gây giận dữ trên toàn thế giới. Nhật báo Le Monde có bài "Trump gây hỗn loạn và phẫn nộ". Xã luận Le Monde cảnh báo : "Đối diện với Trump, cần các đối trọng quyền lực". Libération đặc biệt có hồ sơ : "Còn lại quyền lực nào trong cơ chế đối trọng quyền lực (tại Hoa Kỳ, có thể ngăn chặn được Trump) ?".

1doitrong1

Hình mẫu của Donald Trump là tổng thống Mỹ Andrew Jackson (trái), người ủng hộ chế độ nô lệ. Ảnh : Reuter

Xã luận Le Monde nhấn mạnh : "Sự vận hành của nền dân chủ Mỹ, với một hệ thống hành pháp mạnh của tổng thống, dựa trên cơ chế đối trọng quyền lực – checks and balances. Cơ chế này đã có, và chúng ta hy vọng các đối trọng quyền lực sẽ được thực thi cho đến cùng, bởi những gì diễn ra gây lo ngại sâu sắc. Sắc lệnh (về cấm dân từ bảy quốc gia Hồi giáo nhập cảnh) đã được thảo luận chỉ trong một nhóm nhỏ, những giới chức quan trọng của chính phủ Mỹ có liên quan đã không được tham gia, trong khi đó cố vấn Steve Bannon, một nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, với quá khứ đầy bê bối, lại có vai trò ngày càng quan trọng".

Trang nhất Libération chạy tựa : "Trump, liệu có phải là một nguy cơ với nền dân chủ ?". Hồ sơ của Libération "Còn lại quyền lực nào trong cơ chế đối trọng quyền lực ?" nhấn mạnh đến phản ứng không chỉ của các nhánh quyền lực lập pháp và tư pháp, mà đồng thời của xã hội dân sự và truyền thông Hoa Kỳ, đang được thế giới theo sát. Để biết được là liệu nền dân chủ Mỹ có đủ "các kháng thể" để đối mặt với tân tổng thống hay không ?

Bài báo tóm lược các nỗ lực của xã hội dân sự và tư pháp Mỹ kháng cự lại "sắc lệnh chống Hồi giáo" của Donald Trump.

Liên đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ ACLU ngay lập tức đã có đơn kiện chống lại sắc lệnh của tổng thống lên tòa án liên bang tại New York. Cũng ngay sau đó, một thẩm phán liên bang đã ra quyết định ngăn chặn việc áp dụng sắc lệnh trục xuất công dân bảy nước đã có mặt trên đất Mỹ. Tiếp bước New York, thẩm phán liên bang tại Boston, Seattle và Alexandria (Virginia) cũng ra quyết định ngăn chặn sắc lệnh nói trên. Bộ An Ninh Nội Địa Mỹ hôm Chủ nhật vừa qua cũng ra thông báo yêu cầu "thực thi các quyết định của tư pháp".

Cuộc chiến lâu dài của tư pháp và lập pháp

Theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống, và Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ có thể tuyên bố là "vi hiến" một luật do Quốc Hội thông qua, và được tổng thống ban hành. Tuy nhiên, theo Libération, cuộc chiến tư pháp còn lâu mới kết thúc, bởi để một sắc lệnh của tổng thống bị hủy bỏ, Tòa Án Tối Cao phải chứng minh luật này đi ngược lại Hiến Pháp, cụ thể như đi ngược lại "quyền tự do tôn giáo" và "quyền được hưởng một thủ tục pháp lý công bằng". Trong khi đó, "hôm nay thứ Ba, 31/01, Donald Trump sẽ bổ nhiệm thành viên thứ 9 của Tòa Án Tối Cao". Thành viên thứ 9 là người rất có thể sẽ làm cán cân của tòa nghiêng về phía tân tổng thống.

Về phía Quốc Hội, một loạt sắc lệnh của ông Trump, nhất là sắc lệnh chống người nhập cư từ bảy nước Hồi giáo bị nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa - chiếm đa số - lên án là tạo điều kiện cho khủng bố phát triển. Dù sao, đó cũng không phải là toàn bộ đảng Cộng Hòa. Giáo sư chính trị học Bruce Ackerman, đại học Yale, cảnh báo "rất ít khả năng phe Cộng Hòa sẽ đưa ra các biện pháp" điều chỉnh lại chính sách nói trên. Hiện tại lãnh đạo Hạ Viện Paul Ryan tỏ ra công khai ủng hộ quyết định của tân tổng thống.

Trong khi đó, nhà chính trị học Richard Arenberg, đại học Brown, nhấn mạnh nhiều hơn đến việc, nếu không được Quốc Hội ủng hộ, truyền thông và xã hội dân sự, tổng thống Mỹ khó lòng tiếp tục lâu dài các chính sách của mình, mà đây là "trường hợp hiện tại".

Chống Trump : Hiệp hội bảo vệ dân nhập cư được nhiều ủng hộ

Phản ứng rõ ràng nhất chống lại sắc lệnh của Donald Trump là các tập đoàn tin học. Google quyết định lập quỹ 4 triệu đô la để ủng hộ bốn hiệp hội hỗ trợ người nhập cư, và lên án chính sách "ngăn chặn các tài năng trên thế giới" tới làm việc tại Hoa Kỳ. Ông chủ Apple gửi thông điệp đến toàn bộ các nhân viên của tập đoàn khẳng định, không có người nhập cư Apple không tồn tại (Steve Job – nhà sáng lập Apple - là con của một người nhập cư Syria). Lyft, tập đoàn cạnh tranh với Uber, thông báo tặng một triệu đô la cho Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ ACLU, hiệp hội trụ cột trong cuộc kháng cự chống lại Trump.

Hiệp hội ACLU, được thành lập từ năm 1920, hiện có khoảng 750.000 thành viên. Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, hiệp hội bảo vệ quyền tự do dân sự Mỹ đã nhận được đợt quà tặng chưa từng có, với tổng số 24 triệu đô la. Ngay sau khi Trump đắc cử, ACLU tuyên bố sẽ hết sức cảnh giác trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống này.

Về các phản ứng quốc tế, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến các phản ứng chống Trump tại Anh Quốc. Kêu gọi hủy bỏ chuyến công du của tổng thống Mỹ, theo lời mời của thủ tướng Anh, đã nhận được hơn 500.000 chữ ký của dân Anh. Sau ba lần từ chối lên án chính sách chống dân nhập cư từ bảy nước Hồi giáo, thủ tướng Anh Theresa May phải chấp nhận ra thông báo khẳng định : "Luân Đôn không hưởng ứng" cách làm của chính quyền Trump.

Chỉ riêng có thủ tướng Israel là ca ngợi tổng thống Trump, khi so sánh quyết định của ông Trump với việc Israel xây dựng bức tường phía nam với Palestine.

"Ý thức hệ quái vật" của Donald Trump

Theo một số nhà phân tích, như nhà báo Tony Schwartz, tác giả cuốn "Trump : The art of Deal" (Nghệ thuật mặc cả của Trump) thì Donald Trump không hề có ý thức hệ, các quyết định của ông Trump hoàn toàn dựa vào "nhân cách lấy cá nhân làm trung tâm và rất bản năng của ông ta". Cuốn sách, xuất bản năm 1987, được sử dùng làm tư liệu cho bộ phim hài "Donald Trump's The Art of the Deal : The Movie", ra đời năm 2016. Tuy nhiên, theo Libération, "những hành xử triệt để của tổng thống Mỹ trong những quyết định đầu tiên cho thấy Donald Trump thừa hưởng một lập trường, ít nhiều được tiếp thu từ các lãnh đạo Mỹ trong quá khứ".

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về nguồn gốc của tư tưởng chính trị gây sốc của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Libération có bài "Quái vật ý thức hệ (l'hydre idéologique) của Trump, chính trị gia dân túy". Libération so sánh Trump với một loạt tổng thống Mỹ, trước hết là tổng thống Andrew Jackson.

So sánh Donald Trump với tổng thống Andrew Jackson cũng chính là điều mà "chiến lược gia" của tổng thống Mỹ, Steve Bannon, khẳng định. Theo cánh tay phải của tân tổng thống Mỹ, Donald Trump đã lấy cảm hứng từ tư tưởng của tổng thống thứ bảy, cũng là tổng thống dân túy đầu tiên của Hoa Kỳ. Phó tổng thống Mike Pence cũng cùng một nhận xét.

Theo Libération, Andrew Jackson, cầm quyền từ năm 1829 đến 1837, với tư tưởng lấy quyền lực ở Washington để chuyển giao cho dân chúng "đã để lại một dấu ấn sâu sắc và đau đớn" trong lịch sử nền dân chủ Mỹ. Trên thực tế, hứa hẹn bảo vệ an ninh cho người Mỹ, nhưng tổng thống Andrew Jackson, chính là người đã tiến hành cuộc đày ải người Da Đỏ, với chiến dịch được mệnh danh là "con đường nước mắt", làm diệt vong các bộ lạc Da Đỏ lớn ở miền đông nước Mỹ. Ủng hộ chủ trương kinh tế tự do, tổng thống Jackson đã để mặc cho chế độ nô lệ phát triển, mà bản thân ông ta là người hưởng lợi.

Di sản chính trị của Andrew Jackson bị lên án rất mạnh tại Mỹ. Năm 2016 đã nổ ra một chiến dịch lớn yêu cầu xóa bỏ hình ảnh ông Jackson trong tờ giấy bạc 20 đô la Mỹ từ năm 2020, để thay vào đó là hình ông Harriet Tubman, một nhà tranh đấu da đen chống chế độ nô lệ. Bộ Tài Chính Mỹ thời Obama đã chấp nhận yêu cầu này.

Philippines : Đến lượt cảnh sát chống ma túy trở thành đích ngắm của Duterte

Philippines với kế hoạch chống ma túy đẫm máu của tổng thống dân túy Duterte là một tâm điểm thời sự khác của Libération, với bài "Tại Philippines, cuộc chiến chống ma túy được kết hợp với chương trình chống cảnh sát tham nhũng".

Cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Duterte bị giới bảo vệ nhân quyền lên án mạnh, với hơn 7.000 người thiệt mạng, trong đó hơn 2.500 người là do cảnh sát hạ sát, đã bước sang một khúc quanh mới với biến cố một doanh nhân Hàn Quốc bị cảnh sát Philippines giết hại. Vụ việc được chính quyền Philippines thừa nhận ngày 18/01 mới đây.

Doanh nhân bị cảnh sát bắt cóc hồi tháng 10/2016. Nạn nhân đã bị thắt cổ chết ngay tại trụ sở cảnh sát quốc gia chống ma túy ở phía bắc Manila. Cảnh sát Philippines còn tìm cách lấy gần 200.000 euro tiền chuộc của gia đình nạn nhân, bằng cách tuyên bố doanh nhân này vẫn còn sống. Vụ việc phơi bầy tình trạng biến chất cao độ của cảnh sát Philippines, với khoảng 40% nhân viên tham nhũng, theo một số điều tra.

Hôm Chủ nhật vừa qua, tổng thống Philippines đã thừa nhận tình trạng này, và ra lệnh giải tán các đơn vị chống tham nhũng của cảnh sát quốc gia. Cơ quan chống ma túy của cảnh sát Philippines từ giờ được đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan quốc gia chống ma túy. Hôm qua, lãnh đạo cảnh sát chống ma túy Philippines tuyên bố tiến hành chiến dịch "thanh lọc nội bộ toàn diện" trong một tháng, và chấm dứt chiến dịch "Tokhang" chống ma túy, khởi sự từ ngày 01/07/2016, sau khi ông Duterte nhậm chức.

Tuy nhiên, tổng thống Duterte khẳng định cuộc chiến chống ma túy vẫn tiếp tục, cho đến khi ông hết nhiệm kỳ năm 2022, bất chấp các cam kết chỉ tiến hành trong vài tuần, được đưa ra hồi tranh cử.

Nguy cơ sập tiệm từ các vụ mua lại ồ ạt của Trung Quốc

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos đặc biệt "báo động về các nguy cơ gắn liền với việc Trung Quốc mua lại cổ phần nhiều công ty". Báo cáo của cơ quan thẩm định tài chính S&P nhấn mạnh : việc các công ty Trung Quốc – được Nhà nước hậu thuẫn - mua lại ồ ạt cổ phần của nhiều tập đoàn lớn gần đây sẽ có "tác động tiêu cực", trong đa số các trường hợp. Kết luận được đưa ra, sau khi S&P phân tích khoảng 20 trường hợp chuyển nhượng cổ phần, đặc biệt việc ChemChina mua lại tập đoàn hóa chất và thực phẩm Syngenta Thụy Sĩ với 46,5 tỉ đô la, hay việc Trung Quốc mua công ty công nghệ Mỹ Ingram Micro với giá 6 tỉ đô la.

S&P dự đoán, đây là các vụ mua bán không chắc chắn, bởi nếu các cơ sở kinh doanh này gặp khó khăn, rất nhiều khả năng là phía Trung Quốc sẽ rút bớt ủng hộ. Rất nhiều công ty Trung Quốc đang nợ nần đầm đìa vẫn bỏ ra rất nhiều tiền ra mua doanh nghiệp phương Tây (nhờ chính sách hết sức dễ dãi trước đây của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc và Quỹ Con Đường Tơ Lụa/Silk Road fund). Trong trường hợp các công ty này phá sản, hệ quả sẽ là trầm trọng.

Theo S&P, chính quyền Trung Quốc có chính sách "giảm dần việc công khai ủng hộ các doanh nghiệp công". Mới đây, Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiểm soát chặt các khoảng chuyển nhượng hơn 10 tỉ đô la, và tất cả các khoản mua bán hơn một tỉ đô la, không liên quan đến ngành nghề chính của cơ sở kinh doanh.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình tranh cử tổng thống Pháp là chủ đề chính của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Tờ báo dành hàng tựa trang nhất đến làn sóng ủng hộ từ đảng Xã Hội dành cho ứng cử viên Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế trong chính quyền đảng Xã Hội, nhưng tuyên bố là ứng cử viên không thiên tả, hay thiên hữu. Bài xã luận Le Figaro "Hollande, dù không phải Hollande" nhấn mạnh là ứng cử viên Macron, cho dù tuyên bố như trên, nhưng trên thực chất là người kế thừa nhiệm kỳ năm năm của chính phủ Hollande.

Tờ báo công giáo La Croix cũng dành trang nhất cho "cuộc tranh cử tổng thống Pháp còn nhiều ẩn số" đang diễn ra. Xã luận La Croix khẳng định "Dù sao cũng phải lựa chọn", trong bối cảnh hầu hết các ứng cử viên đã vào cuộc, nhưng "không khí đầy bất trắc", đặc biệt với các cáo buộc lạm dụng tài sản công nhắm vào cả ba ứng cử viên hàng đầu, Marine Le Pen, François Fillon và cả Emmanuel Macron.

Báo kinh tế Les Echos thì nhấn mạnh đến sự phục hồi của các doanh nghiệp Pháp, đặc biệt với số lượng các doanh nghiệp phá sản năm vừa qua rơi xuống mức thấp nhất kể từ khởi đầu cuộc khủng hoảng 2008. Tất cả các ngành nghề hiện đã khởi sắc trở lại, trừ nông nghiệp. Theo Les Echos, sự phục hồi này diễn ra ở các khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như doanh nghiệp lớn. Về mặt tài chính, việc cải thiện này có hai lý do chính là các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, và giá dầu mỏ và lãi suất ngân hàng giảm. 

Les Echos cũng lưu ý đến "EIT- các doanh nghiệp trung bình của Pháp – các nhà vô địch bị quên lãng". Với 4.500 doanh nghiệp – thuê từ 250 đến 4.999 nhân công, khối các EIT (Les entreprises de taille intermédiaire) sử dụng khoảng 24% lao động, chiếm 28 % doanh thu và 33% hàng xuất khẩu Pháp. Theo Les Echos, chính quyền cần "khẩn cấp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EIT phát triển", bởi nếu được hưởng các điều kiện thuế khóa ưu đãi như của Đức, doanh thu trung bình của EIT Pháp sẽ tăng lên đến 68%.

Trọng Thành

Published in Quốc tế