Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/02/2019

Điểm báo Pháp - Quyền lực đối trọng với tổng thống Macron ?

RFI tiếng Việt

Thượng Viện Pháp : Quyền lực đối trọng với tổng thống Macron ?

Báo cáo của Thượng Viện Pháp nghiêm khắc đả kích sai sót của phủ tổng thống Pháp trong việc xử lý các hành vi "lộng quyền" của cựu cộng sự viên của tổng thống Macron là đề tài chính trên trang nhất hầu hết các báo Pháp ra hôm nay, 21/02/2019. Những động thái bị cho là nhằm che giấu sự thật, của nhiều quan chức cao cấp của điện Elysée, được nêu bật.

senat1

Ông Alexandre Benalla Ủy ban Tư Pháp, điện Luxembourg, Paris, 19/09/2018. Reuters/Charles Platiau

Có ba tờ báo lớn đã dành tựa chính trang nhất để nói về vụ Benalla. Trong lúc Le Monde mô tả : "Thượng Viện Pháp đả kích những sai sót trong việc vận hành Nhà Nước", thì Libération thẳng thừng tố cáo "những lời nói dối cấp Nhà Nước". Riêng Le Figaro thì nhận định : "Điện Elysée không thoát được vụ Benalla".

Hai tờ báo khác đã đề cập đến vụ việc trong trang Thời sự nước Pháp. Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa : "Vụ Benalla bộc lộ những trục trặc nghiêm trọng" của guồng máy lãnh đạo cao nhất ở Pháp, còn tờ báo kinh tế Les Echos thì cho rằng : "Điện Elysée đang chịu áp lực ngày càng tăng".

Vụ Benalla : Thượng Viện 1 – Điện Elysée 0

Một trong những nhận định lý thú nhất về diễn biến vụ Benalla được thấy trên Les Echos, với một bài viết ở trang Ý kiến : "Thượng Viện, quyền lực đối trọng duy nhất".

Đối với tờ báo, không còn hồ nghi gì cả, với bản phúc trình về hồ sơ Benalla, Thượng Viện Pháp đã ghi một bàn thắng trong cuộc đọ sức với điện Elysée, và tự cho mình quyền giám sát ngành hành pháp.

Les Echos nhắc lại rằng hồi đầu tháng Giêng, khi khởi động cuộc Đại Thảo luận Toàn quốc, tổng thống Macron đã đưa ra một loạt câu hỏi cho người Pháp, trong đó có các câu : "Vai trò của các hội đồng đại biểu của chúng ta, trong đó có Thượng Viện và Hội Đồng Kinh tế Xã hội và Môi trường (CESE), phải là gì để đại diện được cho các vùng lãnh thổ và xã hội dân sự ? Có phải thay đổi các cơ chế này hay không và bằng cách nào ?".

Đây là những câu hỏi mà Thượng Viện xem như một sự lăng nhục, vì không hề được phủ tổng thống tham khảo ý kiến, và bị đánh đồng với Hội Đồng CESE.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau đó, Thượng Viện đã tham gia theo kiểu cách của mình vào cuộc tranh luận. Không nhắm vào cá nhân tổng thống, không để bị lôi cuốn vào hành vi sai sót của cựu cố vấn Benalla, mà là tìm hiểu do đâu những sai lầm đó có thể xẩy ra. Thượng Viện đã tập hợp lại những sự kiện một cách chính xác và tỉ mỉ để đi đến kết luận : Phủ tổng thống đã phạm sai sót trong cách hoạt động, và vì vậy cần phải xem xét lại phương cách tổ chức.

Qua công việc tiến hành theo kiểu cách đúng là của các thượng nghị sĩ, trầm tĩnh và không to tiếng, Thượng Viện đã chứng minh được sự hữu dụng của mình. Hữu ích vì thực hiện được trách nhiệm "giám sát" hành pháp và đóng vai trò đối trọng.

Trong lúc mà nhiều nhân vật nặng ký của hành pháp, trong đó có thủ tướng, từng nêu việc làm sao bãi bỏ Thượng Viện và xem lại vấn đề Quốc hội lưỡng viện, với báo cáo hôm qua, Thượng Viện đã cho thấy là khó có thể đẩy họ ra bên lề.

MbS của Saudi Arabia hướng qua Châu Á, nơi nhân quyền bị xem nhẹ

Trên bình diện quốc tế, một hồ sơ tiếp tục được chú ý là vòng công du Châu Á của thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman (MbS), với chặng thứ ba là Trung Quốc mở ra hôm nay, sau hai chặng đầu là Pakistan và Ấn Độ.

Trong bài viết "Mohammad bin Salman xác nhận mối quan tâm của Saudi Arabia đối với Châu Á", báo Le Monde nêu bật hai mong muốn của nhân vật số một tại vương quốc dầu hỏa : Đó là tìm kiếm thêm liên minh và hợp đồng, vào lúc mà bản thân ông đang gặp khó khăn ở phương Tây, sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại ngay trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

MbS muốn chứng minh là trên chính trường quốc tế, vẫn có những nơi, nhất là ở Châu Á, mà những hồ sơ chiến lược và thương mại hoàn toàn che khuất vấn đề nhân quyền. Bị ghẻ lạnh ở phương Tây, MbS đã được đón tiếp trọng thể ở Islamabad, Pakistan, nơi mà ảnh của ông được treo đầy đường. Tại Ấn Độ cũng vậy, thủ tướng Ấn Độ Modi đã phá lệ ra tận sân bay New Delhi nghênh đón ông vào hôm thứ Ba.

Nhưng đâu chỉ hai quốc gia Nam Á, MbS hôm nay đã đến Trung Quốc, một nước mà quan hệ đối với Saudi Arabia còn mang tính chiến lược hơn. Trung Quốc chiếm 15% tổng lượng xuất nhập khẩu của Saudi Arabia năm 2018, so với 8% cách đây 10 năm, theo số liệu của Bloomberg.

Ngoài vấn đề năng lượng mà Trung Quốc rất cần, Saudi Arabia còn quan tâm đến Trung Quốc như một nguồn đầu tư, có thể giúp quốc gia này đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Ví dụ như trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới mà Ryadh cũng như các nước láng giềng đang xem xét kỹ lưỡng.

Nên trao thêm cho Donald Trump giải Nobel Văn Chương ?

Cũng liên quan đến Châu Á, nhật báo công giáo La Croix đã có một nhận định rất hóm hỉnh, nhân sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump khoe rằng đã được thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình.

Trong bài mang tựa đề "Cái gọi là Nobel", trích nguyên văn từ ngữ được ông Trump sử dụng, La Croix nhắc lại rằng : "Trước sự ngạc nhiên của mọi người, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã viết một lá thư rất hay đến Ủy Ban Nobel Hòa Bình, đề nghị trao giải này cho ông Donald Trump và ông Trump đã rất hoan nghênh, và cám ơn ông Abe đã gởi thư đến "những người phân phát cái được gọi là giải Nobel", với lý do "có những tên lửa bay qua Nhật Bản gây nên báo động. Và đột nhiên họ cảm thấy yên ổn, cảm thấy được an toàn. Tôi đã làm điều này".

La Croix giải thích, thật ra chỉ có ông Trump mới là người không ngạc nhiên về bức thư này, vì chính ông đã yêu cầu thủ tướng Abe viết và gởi đi.

Tác giả bài viết trên La Croix hóm hỉnh cho là "Tôi cũng sẵn sàng viết thư để người ta trao tặng cho Donald Trump giải Nobel Văn Chương, ngoài giải Nobel Hòa Bình. Bởi vì đóng góp của ông vào nền văn học đương đại cũng đáng chú ý".

Tác giả đã nêu ra con số hơn 2.000 tin nhắn Twitter một năm, từ ngày ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, "với từ ngữ sáng tạo và phong phú, triết lý sâu xa".

Đối với tác giả, "chỉ cần tập hợp hàng ngàn viên kim cương thô đó lại, in ra trên giấy quý thường dùng để in kinh thánh, với lời tựa chẳng hạn của Michel Houellebecq", là người ta sẽ thấy rằng ông Donald Trump hơn bất kỳ nhà văn nào khác, là một sự minh họa tuyệt vời cho câu nói của Buffon : "Văn tức là người".

Giáo hội Công giáo : Một hội nghị để tẩy rửa tai tiếng ấu dâm

Trong dòng thời sự quốc tế, vào hôm nay mở ra một hội nghị chưa từng thấy tại Tòa Thánh Vatican : Đó là hội nghị mang tên "Thượng đỉnh bảo vệ thiếu niên trong Giáo hội" bàn về một vấn đề nhức nhối hiện nay là nạn ấu dâm nơi các linh mục. Nhật báo công giáo La Croix dĩ nhiên đã dành hồ sơ lớn và trang nhất cho sự kiện này.

Bên trên bức ảnh chụp ảnh một số thành viên người Mỹ của hiệp hội Snap bảo vệ nạn nhân của các hành vi ấu dâm ở Hoa Kỳ trên quảng trường thánh Phêrô tại Vatican, tờ báo chạy tựa : "Lạm dụng, Giáo hội huy động lực lượng để đấu tranh". La Croix ghi nhận là hội nghị đã được triệu tập theo lời kêu gọi của Đức giáo hoàng và để chấm dứt tình trạng bê bối kéo dài.

Đối với La Croix, sau một năm 2018 bị đánh dấu bằng một loạt tai tiếng, người đứng đầu Giáo hội Công giáo muốn các giám mục nhận thức rõ về tầm mức hệ trọng của cuộc khủng hoảng đang diễn ra, một cuộc khủng hoảng đang đe dọa uy tín của toàn Giáo hội.

Theo tờ báo, hội nghị mở ra hôm nay là một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh chống lại tệ nạn lạm dụng tình dục thiếu nhi, và nhất là trong việc nghiêm trị những người phạm tội.

Nhân Hội Nghị tại Vatican, phóng viên La Croix đã tìm hiểu về tệ nạn ấu dâm trong giới chức sắc Công giáo tại Philippines và không ngần ngại nêu trong tựa đề bài phóng sự : "Bức màn bí mật bao trùm các vụ phạm tội ấu dâm trong Giáo hội".

Theo La Croix, Philippines - nơi có đến 80% của khoảng 105 triệu dân theo đạo Công giáo - là một ví dụ điển hình về những gì cần sửa đổi, vì tại quốc gia Đông Nam Á đó, các linh mục gần như là có rất nhiều đặc quyền, đơn kiện về tội ấu dâm rất ít và cho đến nay không một chức sắc Công giáo Philippines nào bị kết án về tội này.

Theo chính lời thú nhận của cả hai phóng viên La Croix, công cuộc điều tra của họ đã vấp phải biết bao khó khăn. Nào là những cú điện thoại, những bức e-mail mà không ai trả lời, nào là các nhân chứng gọi là đùn đẩy cho nhau, không ai muốn mình là người nêu lên vụ việc, thậm chí từ chối phát biểu…

Đối với người Philippines, nói về tệ nạn ấu dâm vốn đã là điều không dễ dàng, nay lại nói về tệ nạn liên quan đến các linh mục, thì quả là một điều khó khăn. Điều tra tìm hiểu vấn đề tại Philippines lại còn gặp nhiều trở ngại hơn, khi không hề có những hiệp hội bảo vệ các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng, và cũng không hề có những cơ sở lắng nghe các nạn nhân…

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)