Vụ Skripal : Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt lãnh đạo quân báo Nga (RFI, 21/01/2019)
Hôm nay, 21/01/2019, Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với 9 quan chức Nga và Syria, trong đó có lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Nga GRU.
Cảnh sát canh gác trước nơi ở của cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Salisbury, Anh Quốc. Ảnh 9/01/2019. Reuters/Peter Nicholls
Theo Liên Hiệp Châu Âu, một nhóm người Nga, bao gồm hai nhân viên và phó giám đốc cơ quan GRU, đã "tàng trữ, vận chuyển và sử dụng" chất độc thần kinh Novichok được dùng trong vụ tấn công tại Salisbury, Anh Quốc, tháng 03/2018, đầu độc cha con cựu điệp viên Nga Serguei Skripal. Hội đồng các bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định trừng phạt những người nói trên bằng cách phong tỏa tài sản của họ trong Liên Hiệp Châu Âu và cấm họ đi vào Liên Âu.
Vụ tấn công ở Salisbury, vụ đầu tiên sử dụng vũ khí hóa học ở Châu Âu kể từ sau thế chiến thứ hai, đã bị quốc tế lên án, và đã dẫn đến việc các quốc gia Tây phương trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Nga. Cho tới nay, Moskva vẫn khẳng định không có liên quan gì đến vụ đầu độc Skripal, đưa ra nhiều giải thích khác nhau, thậm chí cáo buộc trở lại phương Tây.
Ngoài Serguei Skripal, con gái Ioula và một cảnh sát, hai người khác cũng đã bị nhiễm độc chất Novitchok vào tháng 6 trong vùng Salisbury, trong đó có một phụ nữ đã tử vong.
Các biện pháp trừng phạt tương tự cũng đã được ban hành đối với một cơ quan của Syria tham gia sản xuất vũ khí hóa học, SSRC, cũng như đối với 5 quan chức Syria có liên quan trực tiếp với các hoạt động của SSRC.
Trong cuộc họp báo hôm nay, lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini nhấn mạnh các quyết định trừng phạt nói trên "góp phần vào các nỗ lực của của Liên Hiệp Châu Âu nhằm chống phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học, một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế".
Thanh Phương
********************
Nga : Biểu tình chống trao trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản (RFI, 21/01/2019)
Chủ nhật 20/01/2019 tại Moskva, hàng trăm người dân Nga biểu tình chống nguy cơ trao trả một số đảo cho Nhật Bản để đánh đổi một hiệp định hoà bình.
Từ 300 đến 500 người tập hợp dưới chân bức tượng tướng Souvorov, Moskva, Nga, ngày 20/01/2019, để phản đối mọi ý định trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản Alexander NEMENOV / AFP
Cuộc biểu tình do các phong trào cộng sản và dân tộc chủ nghĩa tổ chức. Tokyo đòi chủ quyền trên 4 đảo thuộc quần đảo Kuril bị Liên Xô sáp nhập vào cuối Thế chiến thứ hai, 1945. Bất đồng kéo dài cản trở hai bên ký kết một hiệp định hoà bình. Người biểu tình cáo buộc chính quyền Putin đang âm thầm chuẩn bị trao trả một số đảo cho Nhật trong bối cảnh lãnh đạo hai nước gặp nhau vào thứ Ba tới.
Từ Moskva, thông tín viên Etienne Bouche tường thuật :
"Điểm hẹn tập họp được thông báo dưới tượng đài tướng Souvorov. Địa điểm này có ý nghĩa biểu tượng và tướng Souvorov là vị anh hùng đem lại nhiều chiến thắng cho đế chế Nga. Đối với những người biểu tình, nhượng quần đảo Kuril cho Nhật là hành động bán nước. Một phụ nữ giải thích : Tôi không muốn để lại cho con cháu tôi một nước Nga bị cắt mất một phần lãnh thổ. Vì vậy mà tôi có mặt tại đây vào ngày hôm nay. Ông có biết không, một Nhà nước có thể thay đổi nhưng chiếm lại lãnh thổ bị mất là chuyện vô vọng. Tại sao ngày nay người ta phải nhượng một vùng đất mà cha ông của tôi vì nó mà chiến đấu ?.
Bay phất phới trên đầu đoàn biểu tình là cờ búa liềm và chân dung của Stalin. Nhiều người biểu lộ lòng hoài niệm thời hùng mạnh của siêu cường quân sự xô-viết không ai dám phản đối.
Một cựu dân biểu cộng sản Nga lý giải : Những đảo này là của Liên Bang Xô Viết, bây giờ là của Liên Bang Nga. Bất cứ một chuyển nhượng nào, dù nhỏ, cho Nhật Bản cũng là nhượng bộ cho một nước thân Mỹ lúc nào cũng hành động cũng phối hợp với Mỹ. Trong bối cảnh người Nhật ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga, đưa đảo cho Tokyo là bán đứng quyền lợi nước Nga. Tại sao phải làm thế ? Nhân danh ai ?
Những người biểu tình nói là họ muốn đánh động công luận Nga về vấn đề sẽ được tổng thống Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe thảo luận trong ngày thứ Ba 22/01/2019. Một cách chính thức, lãnh đạo hai bên mong muốn nhanh chóng đạt được một hiệp định hoà bình."
Tú Anh
**********************
Hoa Kỳ hôm 21/1 mới lên tiếng kêu gọi Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình mới mà Washington nói là một "sự vi phạm trực tiếp" Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF).
Theo Reuters, Mỹ cũng cáo buộc Moscow gây bất ổn an ninh toàn cầu.
Ông Robert Wood, đại sứ về giải trừ vũ khí của Mỹ, nói tại một cuộc hội thảo về giải trừ vũ khí, do Liên Hiệp Quốc tài trợ, rằng "Hoa Kỳ ngày càng thấy rằng Nga không đáng tin để tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí".
Quan chức này cũng nói thêm rằng "các hành động ác ý và ép buộc trên toàn cầu của nước này đã gây căng thẳng".
Ông Wood nói tiếp rằng "Nga phải thực hiện việc phá hủy có thể kiểm chứng được đối với các tên lửa SSC-8, bệ phóng và các thiết bị liên quan để quay lại tuân thủ Hiệp ước INF".
Reuters dẫn lời ông nói rằng hệ thống tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng như thông thường và có thể gây ra "mối đe dọa lớn và trực tiếp đối với Châu Á và Châu Âu" vì nó có tầm bắn từ 500 tới 1.500 km.
Đại sứ về giải trừ vũ khí của Mỹ cũng nhấn mạnh lại kế hoạch của chính quyền của ông Trump, rút khỏi hiệp ước đạt được năm 1987 vào đầu tháng Hai.
Hoa Kỳ tuần trước bác bỏ đề nghị của Nga nhằm cứu vãn Hiệp ước INF.
*****************
Cơ quan giám sát truyền thông của Nga hôm 21/1 cho biết đã bắt đầu xem xét các biện pháp hành chính đối với Facebook và Twitter vì không giải thích cách thức hai công ty này tuân thủ với các điều luật về dữ liệu của Nga, hãng tin Interfax đưa tin.
Theo Reuters, cơ quan có tên gọi Roskomnadzor được dẫn lời nói rằng Facebook và Twitter đã không giải thích cách thức cũng như thời điểm sẽ tuân thủ với một điều luật, theo đó yêu cầu đặt tại Nga tất cả các máy chủ sử dụng để lưu trữ dữ liệu cá nhân của người Nga.
Ông Alexander Zharov, người đứng đầu Roskomnadzor, được trích lời nói rằng các công ty có một tháng để cung cấp thông tin, và nếu không, sẽ phải đối mặt với các hệ quả.
Theo Reuters, Nga đã thi hành các điều luật cứng rắn hơn về Internet trong vòng 5 năm qua, yêu cầu các công cụ tìm kiếm xóa một số kết quả, các công ty nhắn tin trên mạng phải chia sẻ khóa mã hóa với cơ quan an ninh hay các mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người sử dụng Nga trên các máy chủ đặt tại nước này.
Hiện thời, tin cho hay, các công cụ mà Nga áp dụng để thi hành các điều luật về dữ liệu là các khoản tiền phạt hàng nghìn đôla hoặc chặn các dịch vụ trên mạng bị coi là vi phạm luật lệ, nhưng điều này gặp khó về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Reuters hồi tháng 11 năm ngoái rằng Moscow có kế hoạch áp đặt các khoản tiền phạt lớn hơn đối với các công ty công nghệ không tuân thủ pháp luật của Nga.
Trung Quốc xây đập ngay núi lửa, Ecuador ôm nợ tỉ đô (RFI, 16/01/2019)
Trong bài điều tra mang tựa đề "Con đập đắt giá làm Ecuador chìm sâu trong nợ nần với Trung Quốc", New York Times tuần này thuật lại chi tiết về một công trình thủy điện tệ hại đã làm Ecuador bị ràng buộc với Bắc Kinh qua khối nợ lớn, cộng với tai tiếng tham nhũng.
Đập thủy điện Coca Codo Sinclair do Trung Quốc đầu tư xây dựng tại khu vực núi lửa Reventador ở Ecuador.flickr/Bộ Du lịch Ecuador
Xây đập thủy điện ngay dưới núi lửa đang hoạt động
Đập thủy điện này được xây ngay dưới chân một ngọn núi lửa đang hoạt động, với những cột tro xám phun lên bầu trời. Các viên chức từ nhiều thập niên qua đã cảnh báo việc xây đập tại đây, và các nhà địa chất nói rằng một trận động đất có thể phá hủy tất cả.
Nay chỉ mới hai năm sau khi khánh thành, hàng ngàn vết nứt đã xuất hiện. Hồ trữ nước bị cát và cây cối phủ lấp, và trong lần duy nhất mà các kỹ sư cố gắng khai thông toàn bộ, con đập bị rung chuyển mạnh, làm mạng lưới điện quốc gia bị cúp.
Đập thủy điện khổng lồ trong rừng rậm do Trung Quốc cho vay tiền và xây dựng lên, được cho là nhằm giải quyết nạn thiếu điện tại Ecuador, với tham vọng đưa đất nước Nam Mỹ này ra khỏi nạn nghèo khó. Thế nhưng nay con đập này lại nằm trong số các xì-căng-đan tầm quốc gia, khiến Ecuador phải đối mặt với khối lượng nợ nguy hiểm, tạo ra nguy cơ bị lệ thuộc lâu dài vào Trung Quốc.
Hầu như tất cả các quan chức cao cấp Ecuador có liên quan đến việc xây dựng đập thủy điện này đều bị vào tù hoặc lãnh án tham nhũng, trong đó có một cựu phó tổng thống, một cựu bộ trưởng Điện Lực, và cựu quan chức chống tham nhũng phụ trách dự án trên.
Ra sức bơm dầu, cắt phúc lợi xã hội để trả nợ Trung Quốc
Ecuador đang nợ Trung Quốc đến 19 tỉ đô la, không chỉ vì đập thủy điện mang tên Coca Codo Sinclair trên đây, mà còn do xây cầu đường, hệ thống tưới tiêu, trường học, bệnh viện và nhiều con đập khác. Mặc kệ cho Ecuador xoay sở để trả nợ, Bắc Kinh xoa tay hài lòng. Trung Quốc nắm trong tay đến 80% món hàng xuất khẩu giá trị nhất của Ecuador, đó là dầu lửa, vì đa số các hợp đồng xây dựng được trả bằng dầu với giá rất rẻ.
Làm thế nào bơm lên đủ dầu để trả cho Trung Quốc là mối đau đầu của chính quyền Ecuador hiện nay. Họ phải khoan dầu sâu trong vùng Amazon, gây thêm mối nguy phá rừng. Nợ ngập đầu, tổng thống Lenin Moreno đành cắt giảm thẳng tay nhiều món trợ cấp xã hội, nhiều cơ quan Chính phủ, sa thải trên 1.000 công chức. Đa số nhà kinh tế dự báo Ecuador đang rơi dần vào suy thoái.
Bộ trưởng Năng Lượng Ecuador, ông Carlos Pérez tuyên bố : "Trung Quốc thủ lợi từ Ecuador. Chiến lược của họ rất rõ : họ muốn nắm quyền kiểm soát nền kinh tế của các nước".
Bắc Kinh vừa thành chủ nợ lớn, vừa cô lập được Đài Loan
Trung Quốc đã nung nấu ý đồ từ hàng chục năm trước, khi nhảy vào châu Mỹ la-tinh trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, đưa ra củ cà rốt tín dụng với lời khuyến dụ là sẽ quan hệ bình đẳng với các đối tác – hàm ý bán cầu này sẽ không còn bị Mỹ "thống trị". Và Bắc Kinh đã thành công.
Nay Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước Nam Mỹ - sân sau của Hoa Kỳ - xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đồng thời với việc rải đầy các món nợ trong khu vực. Bên cạnh đó còn là lợi ích chính trị : một số nước châu Mỹ la-tinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để trở thành đối tác của Bắc Kinh.
Tuy nhiên đập thủy điện Coca Codo Sinclair đã chứng tỏ quan hệ đôi bên không hề bình đẳng. Là người đi vay nợ, Ecuador đành chấp nhận con đập có nhiều khiếm khuyết trong thiết kế, nghiên cứu kỹ thuật lỗi thời đến mấy chục năm.
Bất chấp nguy cơ núi lửa phun, hạn hán...
Khi Fernando Santos, cựu bộ trưởng Năng Lượng trong thập niên 80 biết được đập thủy điện khổng lồ này đang được xây dựng, ông không thể tin nổi. Trong thời kỳ ông còn tại chức, Chính phủ đã bác bỏ phiên bản quy mô nhỏ hơn của dự án này, vì lý do núi lửa. Một trận động đất đã vùi lấp cơ sở hạ tầng dầu khí trong khu vực vào năm 1987.
Ngoài ra còn có những cảnh báo khác. Một nghiên cứu độc lập năm 2010 báo động rằng lượng nước có thể cung cấp cho con đập đã không được nghiên cứu từ 30 năm qua, và Ecuador đã phải chịu đựng nhiều trận hạn hán.
Luciano Cepeda, cựu tổng công trình sư kể lại, các quan chức vẫn thúc đẩy dự án vì "một nghiên cứu mới sẽ làm mất thêm nhiều năm". Một yếu tố quan trọng hơn về địa chính trị : tổng thống thời đó là Rafael Correa, thiên tả và dân túy, muốn nhanh chóng hiện đại hóa đất nước và ra khỏi quỹ đạo của Mỹ.
Ông Correa tố cáo các định chế tài chính phương Tây, chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạn chế chi tiêu của mình. Năm 2008, ông không chịu trả 3,2 tỉ nợ vay, quay sang nhờ Trung Quốc giúp. Tổng thống có được tiền, nhưng đất nước lại bị một cuộc khủng hoảng mới : hạn hán làm nhiều đập thủy điện không hoạt động được. Thay vì tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, ông Correa lại tăng gấp đôi thủy điện.
È cổ trả nợ cho đập thủy điện dỏm khi chạy, khi không
Coca Codo Sinclair được cho là sẽ cung cấp một phần ba lượng điện cho toàn quốc, được xây dựng ngay dưới chân núi lửa Reventador, với quy mô lớn gấp đôi so với các dự án đã bị bác nhiều thập niên trước.
Khi đập này được đưa vào hoạt động cuối năm 2016, Tập Cận Bình đã bay đến Ecuador để dự lễ khánh thành. Chỉ hai ngày trước chuyến viếng thăm của chủ tịch Trung Quốc, tình hình con đập rơi vào hỗn loạn. Các kỹ sư rất cố gắng, nhưng công trình có công suất thiết kế 1.500 megawatt không thể vận hành với mạng lưới điện quốc gia. Con đập rung chuyển một cách nguy hiểm, gây ra nạn mất điện tại nhiều vùng trên toàn quốc.
Ngày nay, đập Coca Codo Sinclair chỉ chạy được một nửa công suất. Theo các chuyên gia, với thiết kế cổ lỗ sỉ như thế cũng như theo chu kỳ mùa mưa và mùa khô, đập này chỉ phát điện được vài giờ mỗi ngày, và sáu tháng trong một năm – với điều kiện mọi sự đều tốt đẹp.
Tuy vậy Ecuador vẫn phải è cổ trả nợ. Món vay xây đập 1,7 tỉ đô la rất béo bở cho Trung Quốc : lãi suất đến 7% trong vòng 15 năm, tính ra mỗi năm Ecuador phải trả 125 triệu đô la tiền lãi. Ngày nay nhiều người dân Ecuador phàn nàn gánh nặng đang đè lên vai họ : một gia đình cho biết hàng tháng phải trả 60 đô la tiền điện tuy Chính phủ hứa giảm giá năng lượng.
"Nghiện" vay nợ cho những dự án không cần thiết
Ở ngay lối vào con đập vẫn còn tấm bảng ghi "Jorge Glas Espinel, phó tổng thống, đã thúc đẩy công trình đại quy mô này".
Ông Glas đang ngồi tù, với bản án sáu năm tù giam do tham nhũng. Tư pháp Ecuador xác nhận có băng ghi âm trong đó phó tổng thống cùng với Carlos Pólit, phụ trách cơ quan chống tham nhũng đang bàn bạc về món tiền hối lộ của Trung Quốc. Một cuộc điều tra khác cho thấy một người thân cận của ông Glas đã chuyển 17,4 triệu đô la vào một tài khoản HSBC ở Hồng Kông.
Món nợ khổng lồ khiến các nhà lãnh đạo mới ở Ecuador tỏ ra bất mãn đối với Trung Quốc. Tân bộ trưởng Năng Lượng đe dọa không trả nợ xây đập thủy điện, và Bắc Kinh đã có một ít nhượng bộ, chẳng hạn trả thêm 92 xu cho mỗi thùng dầu, và chỉ thu nợ bằng 80% lượng dầu xuất khẩu của Ecuador thay vì 90% như trước. Nhưng Chính phủ vẫn còn đến 11,7 tỉ đô la phải trả.
Tháng trước, tổng thống Moreno phải bay sang Trung Quốc để thương lượng lại một số món nợ và vay thêm 900 triệu đô la nữa. Tân Chính phủ cũng quay sang các định chế từng bị cựu tổng thống Correa chê bai là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ông Santos, cựu bộ trưởng Năng Lượng than thở : "Chúng tôi đã nghiện vay nợ". Một người khác nói thêm : "Giờ thì chúng tôi đã nhận ra rằng có nhiều thứ thật ra không cần đến, như con đập này chẳng hạn !".
Thụy My
*********************
Bắc Triều Tiên tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa (RFI, 16/01/2019)
Trang Meari, cơ quan tuyên truyền của Bắc Triều Tiên, ngày 16/01/2019, đã tái khẳng định cam kết của Bình Nhưỡng trong tiến trình giải trừ hạt nhân.
Ảnh vệ tinh chụp cơ sở thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên (chụp ngày 14/05/2018) Reuters
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh một cuộc họp cấp cao giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ diễn ra vào tuần này tại Washington để giải quyết bất đồng trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Bài viết của trang Meari nhấn mạnh : "Không nên nhìn qua lăng kính bóp méo quan điểm ủng hộ hòa bình của nước Cộng Hòa chúng ta cũng như mong muốn giải trừ hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. (Bắc Triều Tiên) làm hết khả năng của mình để phi hạt nhân hóa... ngăn ngừa một thảm họa nguyên tử kinh hoàng trước khi thảm họa giáng xuống đất nước chúng ta".
Theo hãng tin Yonhap, lời trấn an về cam kết giải trừ hạt nhân được Bình Nhưỡng đưa ra vào lúc có nhiều khả năng sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh thứ hai giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mỹ-Hàn Quốc họp bàn về Bắc Triều Tiên
Song song với cuộc họp giữa lãnh đạo ngoại giao Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ tại Washington, có thể vào thứ Năm 17 hoặc thứ Sáu 18/01, nhóm làm việc chung Mỹ-Hàn cũng tổ chức họp qua phương tiện truyền hình (visioconference) vào ngày 17/01 để trao đổi quan điểm về một số chủ đề như đoàn tụ gia đình ly tán, cung cấp thuốc kháng virus cúm Tamiflu, tìm kiếm hài cốt lính tử trận trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Mỹ và Hàn Quốc thành lập nhóm làm việc chung này vào tháng 11/2018 để phối hợp cách tiếp cận của hai nước về vấn đề phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, áp dụng lệnh trừng phạt và hợp tác Liên Triều.
Thu Hằng
*****************
Quần đảo Kuril : Nga thẳng thừng bác đòi hỏi của Nhật (RFI, 15/01/2019)
Nga và Nhật tiếp tục bế tắc trong các thương lượng về một nhóm đảo thuộc quần đảo Kuril, khu vực mà Tokyo gọi là "vùng lãnh thổ phương Bắc". Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trong cuộc gặp đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono hôm qua, 14/01/2019, đã thẳng thừng từ chối việc thương lượng về chủ quyền quần đảo Kuril, căn cứ trên Tuyên bố chung Liên Xô – Nhật Bản năm 1956.
Lãnh đạo Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono (T) và đồng nhiệm Nga Sergueï Lavrov tại Moskva, ngày 14/01/2019. Reuters/Maxim Shemetov
Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Serguei Lavrov và Taro Kono hôm qua nhằm chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Nga và thủ tướng Nhật ngày 22/01/2019 tại Moskva. Sau buổi làm việc hôm qua với ngoại trưởng Nga, bộ trưởng Nhật cho biết giữa hai bên có "nhiều bất đồng đáng kể".
Thông tín viên Daniel Vallot từ Moskva giải thích :
"Các thảo luận giữa ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono chỉ kéo dài vài giờ, nhưng rõ ràng là hai bên đã không đạt được bất cứ tiến bộ nào sau cuộc gặp này.
Tâm điểm của căng thẳng song phương là quần đảo Kuril. Bốn hòn đảo trên Thái Bình Dương, ở phía bắc Nhật Bản, bị Liên Xô sáp nhập sau Thế chiến Hai. Ngoại trưởng Nga tuyên bố kiên quyết không trả lại cho Nhật Bản :
"Chúng tôi đã khẳng định sẵn sàng làm việc trên cơ sở Tuyên bố 1956. Điều đó có nghĩa là quốc gia láng giềng Nhật Bản ngay từ đầu đã công nhận hiện trạng lãnh thổ sau Thế chiến Hai, và điều này là không thể thương lượng. Trong đó có vấn đề chủ quyền của nước Nga đối với toàn bộ quần đảo Kuril. Đây là lập trường căn bản của chúng tôi. Nếu không có một bước tiến nào theo hướng này, thì sẽ rất khó có các tiến bộ trong những vấn đề còn lại".
Hồi tháng 11/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cam kết sẽ có tiến bộ trong hồ sơ này, và Moskva và Tokyo sẽ đạt được một hiệp định hòa bình trong năm 2019. Tuy nhiên, kể từ đó, quan hệ Nhật – Nga đã xấu đi rõ rệt. Việc Nga thông báo xây dựng một số doanh trại trên quần đảo Kuril khiến Nhật khó chịu. Về phần mình, điện Kremlin bực tức về những tuyên bố mới đây của thủ tướng Nhật, hứa hẹn sẽ có thay đổi chủ quyền tại quần đảo nói trên".
Theo AFP, Tuyên bố chung 1956 cho phép thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Nhật Bản, có nhắc đến việc sẽ trả lại cho Tokyo hai trong số bốn đảo thuộc quần đảo Kuril mà Nga kiểm soát, một khi hiệp ước hòa bình song phương được ký kết. Tuy nhiên, văn bản này đã bị Liên Xô hủy bỏ năm 1960, sau khi Nhật - Mỹ ký một hiệp ước hợp tác song phương.
Trọng Thành