Vụ Skripal : Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt lãnh đạo quân báo Nga (RFI, 21/01/2019)
Hôm nay, 21/01/2019, Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với 9 quan chức Nga và Syria, trong đó có lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Nga GRU.
Cảnh sát canh gác trước nơi ở của cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Salisbury, Anh Quốc. Ảnh 9/01/2019. Reuters/Peter Nicholls
Theo Liên Hiệp Châu Âu, một nhóm người Nga, bao gồm hai nhân viên và phó giám đốc cơ quan GRU, đã "tàng trữ, vận chuyển và sử dụng" chất độc thần kinh Novichok được dùng trong vụ tấn công tại Salisbury, Anh Quốc, tháng 03/2018, đầu độc cha con cựu điệp viên Nga Serguei Skripal. Hội đồng các bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định trừng phạt những người nói trên bằng cách phong tỏa tài sản của họ trong Liên Hiệp Châu Âu và cấm họ đi vào Liên Âu.
Vụ tấn công ở Salisbury, vụ đầu tiên sử dụng vũ khí hóa học ở Châu Âu kể từ sau thế chiến thứ hai, đã bị quốc tế lên án, và đã dẫn đến việc các quốc gia Tây phương trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Nga. Cho tới nay, Moskva vẫn khẳng định không có liên quan gì đến vụ đầu độc Skripal, đưa ra nhiều giải thích khác nhau, thậm chí cáo buộc trở lại phương Tây.
Ngoài Serguei Skripal, con gái Ioula và một cảnh sát, hai người khác cũng đã bị nhiễm độc chất Novitchok vào tháng 6 trong vùng Salisbury, trong đó có một phụ nữ đã tử vong.
Các biện pháp trừng phạt tương tự cũng đã được ban hành đối với một cơ quan của Syria tham gia sản xuất vũ khí hóa học, SSRC, cũng như đối với 5 quan chức Syria có liên quan trực tiếp với các hoạt động của SSRC.
Trong cuộc họp báo hôm nay, lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini nhấn mạnh các quyết định trừng phạt nói trên "góp phần vào các nỗ lực của của Liên Hiệp Châu Âu nhằm chống phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học, một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế".
Thanh Phương
********************
Nga : Biểu tình chống trao trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản (RFI, 21/01/2019)
Chủ nhật 20/01/2019 tại Moskva, hàng trăm người dân Nga biểu tình chống nguy cơ trao trả một số đảo cho Nhật Bản để đánh đổi một hiệp định hoà bình.
Từ 300 đến 500 người tập hợp dưới chân bức tượng tướng Souvorov, Moskva, Nga, ngày 20/01/2019, để phản đối mọi ý định trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản Alexander NEMENOV / AFP
Cuộc biểu tình do các phong trào cộng sản và dân tộc chủ nghĩa tổ chức. Tokyo đòi chủ quyền trên 4 đảo thuộc quần đảo Kuril bị Liên Xô sáp nhập vào cuối Thế chiến thứ hai, 1945. Bất đồng kéo dài cản trở hai bên ký kết một hiệp định hoà bình. Người biểu tình cáo buộc chính quyền Putin đang âm thầm chuẩn bị trao trả một số đảo cho Nhật trong bối cảnh lãnh đạo hai nước gặp nhau vào thứ Ba tới.
Từ Moskva, thông tín viên Etienne Bouche tường thuật :
"Điểm hẹn tập họp được thông báo dưới tượng đài tướng Souvorov. Địa điểm này có ý nghĩa biểu tượng và tướng Souvorov là vị anh hùng đem lại nhiều chiến thắng cho đế chế Nga. Đối với những người biểu tình, nhượng quần đảo Kuril cho Nhật là hành động bán nước. Một phụ nữ giải thích : Tôi không muốn để lại cho con cháu tôi một nước Nga bị cắt mất một phần lãnh thổ. Vì vậy mà tôi có mặt tại đây vào ngày hôm nay. Ông có biết không, một Nhà nước có thể thay đổi nhưng chiếm lại lãnh thổ bị mất là chuyện vô vọng. Tại sao ngày nay người ta phải nhượng một vùng đất mà cha ông của tôi vì nó mà chiến đấu ?.
Bay phất phới trên đầu đoàn biểu tình là cờ búa liềm và chân dung của Stalin. Nhiều người biểu lộ lòng hoài niệm thời hùng mạnh của siêu cường quân sự xô-viết không ai dám phản đối.
Một cựu dân biểu cộng sản Nga lý giải : Những đảo này là của Liên Bang Xô Viết, bây giờ là của Liên Bang Nga. Bất cứ một chuyển nhượng nào, dù nhỏ, cho Nhật Bản cũng là nhượng bộ cho một nước thân Mỹ lúc nào cũng hành động cũng phối hợp với Mỹ. Trong bối cảnh người Nhật ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga, đưa đảo cho Tokyo là bán đứng quyền lợi nước Nga. Tại sao phải làm thế ? Nhân danh ai ?
Những người biểu tình nói là họ muốn đánh động công luận Nga về vấn đề sẽ được tổng thống Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe thảo luận trong ngày thứ Ba 22/01/2019. Một cách chính thức, lãnh đạo hai bên mong muốn nhanh chóng đạt được một hiệp định hoà bình."
Tú Anh
**********************
Mỹ kêu gọi Nga phá hủy hệ thống tên lửa mới (VOA, 21/01/2019)
Hoa Kỳ hôm 21/1 mới lên tiếng kêu gọi Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình mới mà Washington nói là một "sự vi phạm trực tiếp" Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF).
Theo Reuters, Mỹ cũng cáo buộc Moscow gây bất ổn an ninh toàn cầu.
Ông Robert Wood, đại sứ về giải trừ vũ khí của Mỹ, nói tại một cuộc hội thảo về giải trừ vũ khí, do Liên Hiệp Quốc tài trợ, rằng "Hoa Kỳ ngày càng thấy rằng Nga không đáng tin để tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí".
Quan chức này cũng nói thêm rằng "các hành động ác ý và ép buộc trên toàn cầu của nước này đã gây căng thẳng".
Ông Wood nói tiếp rằng "Nga phải thực hiện việc phá hủy có thể kiểm chứng được đối với các tên lửa SSC-8, bệ phóng và các thiết bị liên quan để quay lại tuân thủ Hiệp ước INF".
Reuters dẫn lời ông nói rằng hệ thống tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng như thông thường và có thể gây ra "mối đe dọa lớn và trực tiếp đối với Châu Á và Châu Âu" vì nó có tầm bắn từ 500 tới 1.500 km.
Đại sứ về giải trừ vũ khí của Mỹ cũng nhấn mạnh lại kế hoạch của chính quyền của ông Trump, rút khỏi hiệp ước đạt được năm 1987 vào đầu tháng Hai.
Hoa Kỳ tuần trước bác bỏ đề nghị của Nga nhằm cứu vãn Hiệp ước INF.
*****************
Moscow tính xử lý Facebook về chuyện đặt máy chủ ở Nga (VOA, 21/01/2019)
Cơ quan giám sát truyền thông của Nga hôm 21/1 cho biết đã bắt đầu xem xét các biện pháp hành chính đối với Facebook và Twitter vì không giải thích cách thức hai công ty này tuân thủ với các điều luật về dữ liệu của Nga, hãng tin Interfax đưa tin.
Theo Reuters, cơ quan có tên gọi Roskomnadzor được dẫn lời nói rằng Facebook và Twitter đã không giải thích cách thức cũng như thời điểm sẽ tuân thủ với một điều luật, theo đó yêu cầu đặt tại Nga tất cả các máy chủ sử dụng để lưu trữ dữ liệu cá nhân của người Nga.
Ông Alexander Zharov, người đứng đầu Roskomnadzor, được trích lời nói rằng các công ty có một tháng để cung cấp thông tin, và nếu không, sẽ phải đối mặt với các hệ quả.
Theo Reuters, Nga đã thi hành các điều luật cứng rắn hơn về Internet trong vòng 5 năm qua, yêu cầu các công cụ tìm kiếm xóa một số kết quả, các công ty nhắn tin trên mạng phải chia sẻ khóa mã hóa với cơ quan an ninh hay các mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người sử dụng Nga trên các máy chủ đặt tại nước này.
Hiện thời, tin cho hay, các công cụ mà Nga áp dụng để thi hành các điều luật về dữ liệu là các khoản tiền phạt hàng nghìn đôla hoặc chặn các dịch vụ trên mạng bị coi là vi phạm luật lệ, nhưng điều này gặp khó về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Reuters hồi tháng 11 năm ngoái rằng Moscow có kế hoạch áp đặt các khoản tiền phạt lớn hơn đối với các công ty công nghệ không tuân thủ pháp luật của Nga.