Trong tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump vẫn miệt mài gia tăng hành động chống lại Trung Quốc khi vừa đưa vào sổ đen hàng chục công ty Trung Quốc được cho là có liên hệ với quân đội nước này đồng thời tăng thêm lệnh hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc.
Ảnh chụp màn hình thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc đưa vào sổ đen các công ty Trung Quốc và Nga dính líu tới quân đội các nước này trên trang web của bộ này hôm 21/12
Hoa Kỳ vừa áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với hơn 100 công ty Trung Quốc và Nga được cho là có liên hệ với quân đội các nước này.
Các công ty xuất khẩu Mỹ được yêu cầu phải xin giấy phép trước khi họ giao "các mặt hàng quy định" cho các công ty trong danh sách đen.
Có tên trong danh sách là nhiều công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc cũng như cơ quan tình báo Nga.
Danh sách mới áp dụng cho các công ty "đại diện cho rủi ro không chấp nhận được về việc sử dụng hay thay đổi mục đích sử dụng" cho các mục đích quân sự ở Trung Quốc, Nga và Venezuela.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói trong một thông cáo rằng : "Bộ Thương mại Hoa Kỳ hiểu tầm quan trọng của việc tận dụng sự hợp tác với các công ty Mỹ và toàn cầu để chống lại nỗ lực từ Trung Quốc và Nga để dùng công nghệ Mỹ phục vụ cho các chương trình quân sự gây bất ổn định của họ".
Danh sách ban đầu bao gồm 103 công ty, nhưng một cơ quan liên bộ có thể đưa thêm hoặc xóa tên các công ty từ danh sách này.
Đây không phải đòn trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với các công ty dính líu đến quân đội Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Mới tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc mà chính phủ xác định có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Trong sắc lệnh này, ông Trump cáo buộc Trung Quốc "ngày càng bóc lột" các khoản đầu tư của Mỹ "để cấp vốn cho sự phát triển và hiện đại hóa quân đội".
Lệnh này áp lên 31 công ty được Mỹ xác định vào đầu năm nay là có sự hậu thuẫn của quân đội Trung Quốc, một danh sách bao gồm các công ty công nghệ và các công ty xây dựng lớn thuộc sở hữu nhà nước cùng những công ty khác.
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 01/2021. Các nhà đầu tư của Mỹ có thời hạn một năm để tuân thủ các quy tắc.
Lệnh này được dự đoán là sẽ gây ảnh hưởng đến một số tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc đã lên sàn chứng khoán, bao gồm China Telecom và công ty công nghệ Hikvision.
Thêm vào đó, đầu năm nay, ông Trump cũng ra lệnh các quỹ hưu trí liên bang bỏ kế hoạch đầu tư vào công ty Trung Quốc.
Ngoài những công ty có thể có dính líu tới quân đội, chính phủ Hoa Kỳ gần đây còn đặt thêm chế tài cho các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tuần trước, Mỹ đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào một danh sách đen thương mại khác, trong đó có nhà sản xuất chip hàng đầu SMIC, và nhà sản xuất máy bay không người lái SZ DJI Technology.
Hồi đầu tháng, Ủy Ban Viễn thông Liên bang (FCC) cũng ra lệnh cho các hãng viễn thông Mỹ gỡ bỏ thiết bị do Huawei sản xuất khỏi mạng lưới của họ.
FCC cũng bắt đầu quá trình thu hồi giấy phép hoạt động của China Telecom tại Mỹ.
Lệnh "thay toàn bộ" này là động thái mới nhất của Mỹ chống lại Huawei với lý do an ninh quốc gia.
Ảnh chụp màn hình thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc bổ sung công ty SMIC của Trung Quốc vào Danh sách thực thể, hạn chế quyền truy cập vào công nghệ then chốt cho phép Hoa Kỳ hôm 18/12
Cùng với đó, hôm 18/12, Tổng thống Donald Trump đã kí đạo luật cho phép loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ .
Đây là những nỗ lực của chính quyền Donald Trump nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của các công ty niêm yết trên các sàn Trung Quốc đối với Mỹ.
"Đạo luật Buộc Công ty Nước ngoài Chịu Trách nhiệm" cấm chứng khoán của các công ty nước ngoài được niêm yết trên bất kì sàn giao dịch nào của Mỹ nếu họ không để cho Ban Giám sát Kế toán Công Hoa Kỳ kiểm toán trong ba năm liên tiếp.
Dù đạo luật áp dụng cho các công ty từ bất cứ quốc gia nào, song những người bảo trợ nhắm mục tiêu chủ yếu vào các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, như tập đoàn Alibaba, công ty công nghệ Pinduoduo hay tập đoàn dầu mỏ PetroChina.
Đạo luật này, giống như nhiều đạo luật khác có chủ trương cứng rắn hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc, đã được Quốc hội thông qua với cách biệt lớn vào đầu năm nay.
Các nhà lập pháp – những người theo Đảng Dân chủ lẫn những thành viên đồng Đảng Cộng hòa của ông Trump – thể hiện lập trường cứng rắn giống như Tổng thống chống lại Bắc Kinh.
Đạo luật này cũng sẽ bắt buộc các công ty công cộng tiết lộ họ thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không.
Truyền thông quốc tế cho hay các quan chức Trung Quốc đã mô tả đạo luật này là một chính sách kì thị nhằm áp chế các công ty Trung Quốc về mặt chính trị.
Ảnh chụp màn hình thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/12 về việc tăng thêm lệnh hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền
Không dừng lại ở đó, ngày 21/12 vừa qua, Hoa Kỳ còn áp đặt thêm các biện pháp hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết những hạn chế sẽ được áp dụng đối với các quan chức được xem là bị quy trách hoặc đồng lõa trong chiến dịch đàn áp tôn giáo, các nhóm dân tộc thiểu số, những người bất đồng chính kiến và những người khác.
Ông Pompeo nói trong một tuyên bố : "Nhà cầm quyền độc tài của Trung Quốc áp đặt những biện pháp hà khắc đàn áp quyền tự do ngôn luận, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, quyền lập hội và quyền tụ tập trong ôn hòa của người dân Trung Quốc. Hoa Kỳ đã nêu rõ rằng những kẻ vi phạm nhân quyền như thế không được hoan nghênh ở đất nước chúng tôi".
Cũng trong ngày 21/12, Giám đốc Bộ An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf cho biết Washington đang xem xét các biện pháp bổ sung đối với Trung Quốc, mà ông gọi là mối đe dọa ngày càng tăng đối với Hoa Kỳ.
Ông Wolf cho biết Bộ An ninh Nội địa đang "tiếp tục xem xét và hy vọng sẽ sớm ban hành" lệnh cấm áp dụng trên toàn khu vực đối với "các sản phẩm chính được sản xuất bằng lao động cưỡng bức" ở vùng Tân Cương, và lệnh cấm nhập khẩu rộng rãi đối với tất cả các sản phẩm vải bông và cà chua đến từ Tân Cương mà chính quyền Trump đã xem xét trong năm trước khi chọn các biện pháp cấm vận ở mức giới hạn hơn nhắm vào các sản phẩm từ các thực thể cụ thể.
Ngoài ra, ông Wolf còn cho biết Bộ An ninh Nội địa sẽ sớm đưa ra cảnh báo kinh doanh chống việc sử dụng các dịch vụ dữ liệu và thiết bị từ các công ty có liên kết với Trung Quốc, và cho biết Mỹ đang "thẩm định lại các thực thể như TCL", nhà sản xuất TV lớn thứ ba thế giới.
Ông Wolf nói Bộ An ninh Nội địa sẽ sớm công bố "Kế hoạch Hành động Chiến lược chống lại Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" dựa trên chiến lược an ninh quốc gia của Tổng Thống Trump năm 2017 và một văn kiện năm 2020 vạch ra hướng đi chiến lược của Mỹ đối với Bắc Kinh.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân
Trung Quốc đã lên án các biện pháp hạn chế của Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/12, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói : "Chúng tôi sẽ có các biện pháp trả đũa. Chúng tôi sẽ đề ra các biện pháp chống lại những ai chịu trách nhiệm đã phương hại tới các quan hệ song phương của chúng ta".
Trung Quốc gần đây cũng ban hành luật mới nghiêm ngặt hơn để hạn chế xuất khẩu "các mặt hàng được kiểm soát". Luật này chủ yếu áp dụng cho xuất khẩu công nghệ quân đội và các sản phẩm khác được coi là có thể làm tổn hại đến an ninh quốc gia Trung Quốc.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Doanld Trump đã nỗ lực gỡ Mỹ ra mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.
Ông đã tăng thuế biên giới đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ đôla của Trung Quốc và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số công ty công nghệ của nước này.
Quan hệ Mỹ – Trung đã xuống dốc tới mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tranh cãi về nhiều vấn đề, từ vụ bộc phát virus Covid-19, cho đến luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, tranh chấp về thương mại và gián điệp.
Lập trường của ông Trump về Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi mà đôi khi ông nhận được sự ủng hộ từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Trung Kiên (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 24/12/2020
Trọng Nghĩa, RFI, 18/12/2020
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, chính quyền Donald Trump chuẩn bị đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.
Một số nguồn thạo tin vào hôm qua 17/12/2020 đã tiết lộ với hãng tin Anh Reuters là khoảng 80 công ty và chi nhánh lớn nhỏ của Trung Quốc được bổ sung vào danh sách trừng phạt của bộ Thương Mại Mỹ.
Quyết định chính thức có thể được đưa ra hôm nay, 18/12. Đó là những doanh nghiệp bị Mỹ cáo buộc có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc, tham gia vào việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng trên Biển Đông hay dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền. Nhiều tập đoàn trong số này đã nằm trong danh sách đen của bộ quốc phòng Mỹ như SMIC, nhà sản xuất chip số một của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phản ứng tức tối trước việc các công ty của họ bị Washington trừng phạt.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ ngừng các hành động mà họ cho là đàn áp "phi lý" đối với các công ty Trung Quốc. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Theo Reuters, đây là nỗ lực mới nhất của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump nhằm củng cố chính sách trừng phạt Trung Quốc, vài tuần trước khi tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Dân Chủ nhậm chức.
Trọng Nghĩa
*********************
Hoa Kỳ đưa thêm 60 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt
RFA, 18/12/2020
Hoa Kỳ sắp sửa đưa hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (Semiconductor Manufacturing International Corp-SMIC) vào danh sách trừng phạt thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross - AFP
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross xác nhận thông tin vừa nêu vào sáng ngày 18/12. Ông Ross nói rằng bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ đưa thêm 80 công ty, trong đó chủ yếu là các công ty của Trung Quốc, vào danh sách được gọi là vì lý do quốc phòng của quốc gia. Các công ty đó cũng sẽ tương tự như Huawei, nằm trong danh sách bị từ chối tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ. Ông Ross cho biết thêm có gần 700 công ty trong danh sách mà trong đó có đến 296 công ty của Trung Quốc và 150 công ty liên quan tới Huawei.
Trong cuộc phỏng vấn với FOX Business, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói rằng SMIC rõ ràng có thể sẽ bị cấm mua lại công nghệ để sản xuất chất bán dẫn ở mức độ tiên tiến, tức là có mạch 10 nanomet trở xuống. Và, ông Ross nhấn mạnh rằng tất cả những công ty đó có mối quan hệ chặt chẽ với Quân đội Nhân dân Trung Hoa.
SMIC được cho là công ty sản xuất con chip và cung cấp cho các công ty chuyên về công nghệ bao gồm Qualcomme và Broadcomm.
Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross khẳng định việc đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt là cần thiết nhằm "bảo đảm rằng Trung Quốc, thông qua SMIC, không thể tận dụng các công nghệ của Mỹ để cho phép các cấp độ công nghệ tiên tiến hỗ trợ các hoạt động quân sự gây bất ổn của Trung Quốc".
Quyết định đưa thêm 60 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong cuộc họp báo vào ngày 18/12 tại Bắc Kinh, tuyên bố rằng Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ cần phải ngưng những hành động sai trái trong việc đàn áp các công ty Trung Quốc.