Saudi Arabia bị đánh trúng tim, vùng Vịnh ngồi trên thùng thuốc nổ
Ai tấn công vào hai trung tâm lọc dầu chiến lược của Saudi Arabia ? Gây thêm căng thẳng Mỹ- Iran để làm gì và hậu quả ra sao cho khu vực và kinh tế thế giới ? Tất cả báo Pháp đều bi quan, lo ngại viễn cảnh bốc lửa khắp Trung Đông.
Nhà máy lọc dầu Aramco của Saudi Arabia bị bốc cháy đêm 14/9/2019 sau vụ tấn công bất ngờ. Reuters
"Saudi Arabia bị đánh trúng tim", "Mỹ-Iran ngồi trên thùng thuốc nổ", "Iran khiêu khích làm căng thẳng leo thang", "Viễn cảnh khủng hoảng dầu hỏa" : đó là những tựa lớn của Le Monde, Libération, Le Figaro và Les Echos phản ảnh mức độ bất trắc của tình hình khu vực.
Ai đánh Saudi Arabia ?
Trong lúc nhật báo công giáo La Croix kêu gọi thận trọng không nên vội vã quy kết cho Iran thì Libération trong bài "Tiểu Trân Châu Cảng" thu thập một số chi tiết về vũ khí sử dụng : Bị mất mặt vì vụ tấn công này, Riyadh nghi ngờ phe Houthi nổi dậy ở Yemen sử dụng cả tên lửa hành trình do Iran cung cấp.
Theo Liên Hiệp Quốc, Houthi có cả máy bay tự hành ném bom có thể mang 20 kg chất bổ, bay xa 1000 km, có tên lửa "Al Qods" các loại vũ khí do Trung Quốc bán cho Iran và Iran cung cấp cho đồng minh theo hệ phái Shia tại Yemen. Trái lại, nhật báo Le Monde cho biết có nhiều thông tin "phù hợp" xác định thủ phạm là các dân quân võ trang Shia thân Iran ở Iraq.
Theo các nguồn tin này, Hoa Kỳ đã biết dân quân Iraq thân Iran là thủ phạm vụ oanh tạc bằng "drone" vào một mỏ dầu Saudi Arabia hồi tháng 5. Đến cuối tháng 7, lần đầu tiên không quân Israel bay sang Iraq oanh kích một kho vũ khí, đạn dược của một liên minh Shia kẻ thù của Israel.
Phải chăng vì thế mà tập đoàn dầu hỏa Aramco, con gà đẻ trứng vàng của vương triều Riyadh đồng minh của Mỹ, bị chọn làm mục tiêu trả đũa ? Đó là câu hỏi được đặt ra ở Trung Đông. Nhiều nhân chứng tại Kuwait cũng nói là thấy nhiều "drone" bay ngang lãnh thổ.
Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào ?
Theo Le Monde, mọi dấu hiệu đều nghiêng về khả năng xung đột võ trang. Ngày Chủ nhật, Nhà Trắng vẫn để ngõ "đối thoại", thế nhưng, chính quyền Iran, qua phát ngôn viên bộ ngoại giao, dứt khoát bác bỏ khả năng tổng thống Mỹ và Iran gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Song song với lời từ chối này này, tư lệnh không quân Iran Amirali Hajizedeh tuyên bố tất cả các căn cứ quân sự Mỹ và hàng không mẫu hạm trong đường kính 2000 cây số "nằm trong tầm hỏa lực" của Iran và quân đội Iran đã "sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện".
Trong phần xã luận, Le Monde cho rằng "kẻ thù của Saudi Arabia và của đồng minh Hoa Kỳ đã tìm thấy điểm yếu trong bức tường thép phòng thủ".
Trái lại, Le Figaro, cảnh báo Iran coi chừng "tính lầm" :
Theo thẩm định của bài xã luận "Nguy hiểm mới tại vùng Vịnh", tác giả kế hoạch tấn công vào trung tâm đầu não của công nghiệp dầu hỏa Saudi Arabia là một kẻ mưu thâm kế độc. Saddam Hussein và Bin Laden không thể sánh bằng. Từ nhiều năm nay, Saudi Arabia đã trang bị đủ loại vũ khí chống khủng bố bằng xe bọc thép gài chất nổ, bố trí những dàn tên lửa phòng không tối tân Patriot. Tất cả các loại vũ khí này hoàn toàn vô hiệu trước loại máy bay tự hành giá rẻ. Kẻ thù của Riyadh và Washington dường như đã khám phá nhược điểm của đối phương. Nếu giá dầu trên thị trường tăng vọt trong những tuần lễ tới thì xem như họ thắng lớn : căng thẳng tại Trung Đông sẽ tác động đến túi tiền của hàng trăm triệu người có xe hơi trên khắp địa cầu.
Le Monde có một chút hy vọng : Thay vì cường điệu lời qua tiếng lại với nguy cơ xung đột trực diện, vụ tấn công hôm 14 tháng 9 tuy làm cho khủng hoảng nghiêm trọng bất ngờ, sẽ phải kích động đôi bên mở ra đối thoại. Bởi vì, nếu cứ tiếp tục đùa với lửa, cả khu vực Trung Đông sẽ bị hỏa thiêu.
Cũng cùng phân tích này, Le Figaro lưu ý, theo hình ảnh vệ tinh do Mỹ công bố, đợt tấn công đánh trúng 19 điểm ở hai mục tiêu, chỉ có thể xuất phát từ Iran hay Iraq. Vùng lãnh thổ do phe Houthi kiểm soát ở Yemen nằm rất xa ở tận bán đảo Ả rập. Trong bài "Tính lầm", nhật báo thiên hữu khuyến cáo : Iran đã tiến thêm một bước trong chiến lược trả thù phá vòng vây cấm vận. Từ thế đứng sau lưng phe Houthi và dân quân Iraq, lực lượng vệ binh cách mạng Iran tấn công vào hạ tầng cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia. Hôm nay sử dụng máy bay tự hành còn ném đá dấu tay được, ngày mai bấm nút tên lửa hành trình thì làm sao chối cãi ?
Cánh tay vũ trang của chế độ giáo quyền dường như đã tính rằng tổng thống thứ 45 của Mỹ là phiên bản âm của cố tổng thống Theodore Roosevelt, tức là "nói to mà dùng gậy nhỏ". Do vậy, Iran liên tục khiêu khích tổng thống Donald Trump mà họ chế nhạo là "to mồm nhưng cầm gậy nhỏ".
Donald Trump đã tính lầm khi xé hiệp định 2015. Nhưng nếu Iran cũng suy đóan lầm về đối thủ thì cái giá phải trả sẽ rất đắt. Đúng là chủ nhân Nhà Trắng không có nhiều giải pháp nên ông mới đồng ý đề nghị của tổng thống Pháp đối thoại với Iran. Cố vấn an ninh John Bolton mất chức càng tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi. Thế mà Tehran đã đóng lại cánh cửa đàm phán. Đừng quên là Donald Trump đang mùa tranh cử. Làm ông ấy mất mặt là có chuyện lớn.
Trong khi đó, trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo thiên tả Libération, chuyên gia Vincent Eiffling giải thích thái độ khiêu khích của Iran như sau : Tehran đánh cược Donald Trump sẽ thất cử nên chạy đua với thời gian, ghi bàn thắng trên thực địa trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới.
Kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản
Số liệu thống kê của Bắc Kinh cho thấy kinh tế Trung Quốc hụt hơi trong suốt mùa hè. Sản xuất công nghiệp tăng nhưng ở mức thấp nhất từ 17 năm nay. Tiêu dùng nội địa không đủ sức thay thế cỗ máy xuất khẩu giảm tốc lực. Các biện pháp vực dậy kinh tế không mang lại kết quả. Tin xấu thứ hai là hàng bán lẻ, chỉ số tình trạng tiêu dùng của các hộ gia đình không tăng đều như mong muốn.
Theo các chuyên gia tại Hoa lục, khó khăn thứ nhất của Trung Quốc là hệ quả của chiến tranh thương mại. Nhưng cùng lúc, dân chúng và giới doanh nghiệp cũng mất niềm tin : "thị trường nội địa lẽ ra phải là rường cột chống lại chiến tranh thương mại nhưng chưa đủ sức trở thành động cơ số một vực dậy nền kinh tế".
Tình hình xấu trong tháng 8, tiếp theo tháng 7 èo uột, càng làm giới phân tích thất vọng. Tuy cố gắng trấn an nhưng thủ tướng Lý Khắc Cường phải nhìn nhận "không thể duy trì tỷ số tăng trưởng 6%". Để yểm trợ sinh hoạt kinh tế, Ngân hàng trung ương Trung Quốc, ngày 16/09/2019 bơm thêm và thị trường 800 tỷ yuan (110 tỷ đôla) tiền mặt. Về phần doanh nhân, lần đầu tiên các xí nghiệp Hoa lục bán ra khoản 40 tỷ đôla cổ phần ở nước ngoài trong khi mua lại 35 tỷ. Xu hướng này hoàn toàn đảo ngược so với ba năm trước : bán 15 tỷ, mua vào 200 tỷ.
Xu hướng đảo ngược này là do tình hình suy sụp của doanh nghiệp. Tăng trưởng xuống thấp nhất từ 30 năm nay khiến xí nghiệp Trung Quốc không chịu đựng nổi gánh nặng tài chính và nợ nần.
Les Echos cũng dành một bài phân tích dài nói về ưu khuyết điểm của nước Nhật : nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, ngoại giao nhưng vị thủ tướng có "tuổi thọ chính trị" lâu dài nhất vẫn chưa thực hiện được các dự án cải cách cấu trúc kinh tế để cường quốc thứ ba thế giới duy trì thế mạnh trong thế kỷ 21. Les Echos hy vọng trong hai năm tới đây ông Abe sẽ thực hiện được mục tiêu này. Hiện giờ, thủ tướng Shinzo Abe tập trung tu chính hiến pháp để Nhật Bản chính thức thành lập quân đội đúng nghĩa đối đầu với Trung Quốc.
Trang Châu Á của La Croix ưu tư về số phận dân Bắc Triều Tiên chạy sang Trung Quốc tị nạn. Chính sách nhận diện kiểm soát dân chúng của Bắc Kinh khiến người Bắc Triều Tiên không thể tránh được cảnh sát Hoa lục. Các tổ chức thiện nguyện than phiền bị Trung Quốc đàn áp. Hệ quả là nhiều người Bắc Triều Tiên rơi vào hoàn cảnh khốn cùng biến thành mồi ngon cho các đường dây mãi dâm.
Pháp có nên cho cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tị nạn ?
La Croix nhắc lại quy định Công ước tị nạn Liên Hiệp Quốc 1951 thì Edward Snowden không nằm trong diện này : ông không bị kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo hay bị đàn áp vì chính kiến. Ông cũng không phải là nạn nhân của tình trạng chiến tranh hay bị đối xử một cách phi nhân, cũng không bị đe dọa bởi một bản án tử hình. Đáp lại nguyện vọng của đương sự muốn xin tị nạn tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron khuyên nên xin thẳng cơ quan lo về tị nạn Ofpra. Nhưng muốn được Ofpra nhận đơn thì phải qua Pháp.
Khả năng duy nhất là tổng thống Pháp cấp cho ông giấy cư trú như tổng thống François Mitterrand trước đây cho phép một thành viên tổ chức khủng bố Lữ đoàn Đỏ hết đất dung thân, cư trú. Nhưng liệu Paris có chịu nổi cơn thịnh nộ của Washington ?
Le Figaro nhắc lại cuộc khủng hoảng ngoại giao 2013. Hoa Kỳ căm giận nhân viên tình báo cũ đến mức chỉ có Nga, Trung Quốc hay những quốc gia công khai chống Mỹ như Venezuela hay Bolivia dám hứa tiếp Edward Snowden. Tháng 9/2013, một tin đồn Edward Snowden có mặt trên một chuyến bay mà đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Nghi ngờ tổng thống Evo Morales cho Edward Snowden quá giang máy bay từ Moskva về La Paz, bốn nước Châu Âu Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đóng cửa không phận. Chuyên cơ của tổng thống Bolivia bị chận ở Vienna 15 tiếng đồng hồ để cảnh sát lục soát. Tổng thống Evo Morales đưa vụ này ra Liên Hiệp Quốc. Tại La Paz, cờ Pháp bị đốt. Nhưng quan hệ Mỹ-Pháp được bảo toàn.
Nhật báo thiên hữu kết luận : cho dù bộ trưởng tư pháp Nicole Belloubet có thể tuyên bố "thuận" cho Edward Snowden "tị nạn", dù một dân biểu tầm cỡ của đảng cầm quyền khen ngợi "người hùng phục vụ lợi ích nhân loại", nhưng tổng thống Emmanuel Macron đã quyết : cựu nhân viên tình báo Mỹ đào thoát phải tôn trọng thủ tục xin tị nạn như mọi người khác và phải qua cơ quan Ofpra, ở ngoại ô Paris.
Tú Anh
Hòa bình tại vùng Cận Đông thêm xa vời vì Donald Trump (RFI, 06/12/2017)
Khi loan báo việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tổng thống Mỹ Donald chỉ công nhận một tình trạng đã tồn tại trong thực tế, nhưng hành động này có nguy cơ làm đổ vỡ tiến trình hòa bình mà chính quyền của ông đang muốn thúc đẩy, thậm chí càng làm cho vùng Cận Đông bùng nổ trở lại.
Cờ Mỹ và Israel trước đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tel Aviv, ngày 05/12/2017 - Reuters
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, hiện nay, Nhà nước Do Thái đã mặc nhiên chiếm hữu Jerusalem và chọn nơi này làm thủ đô của mình. Văn phòng của thủ tướng Israel Netanyahu, nhiều định chế Nhà nước như Quốc Hội, Toà Án Tối Cao hay bộ Ngoại Giao đều đã đặt trụ sở tại đấy. Khi đến thăm Israel, tất cả các lãnh đạo thế giới đều lập tức đến Jerusalem để tiếp xúc với các quan chức Israel.
Thế nhưng, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel lại mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, cho thấy rằng Hoa Kỳ thiên hẳn về phía Israel, đi ngược lại quan điểm chung của thế giới, vốn không hề công nhận việc Israel đơn phương chiếm đóng phần phía đông của thành phố này vào năm 1967, và cho rằng quy chế tối hậu của thành phố mà cả Israel lẫn Palestine đều muốn làm thủ đô của mình, phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa hai bên liên quan.
Từ khi nhậm chức, Donald Trump đã cố thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, và đầu tư rất nhiều nỗ lực để đặt nền tảng cho một sáng kiến hòa bình mà ông thường gọi là "thỏa thuận tối hậu". Con rể của ông đồng thời là cố vấn thân cận của ông là Jared Kushner đang cố thực hiện kế hoạch đó, trong lúc một phụ tá thân cận của ông là Jason Greenblatt, đã liên tục làm con thoi trong khu vực để đàm phán với Israel, Palestine và các nước Ả Rập khác.
Thế nhưng, Palestine đã từng cảnh báo rằng việc thay đổi quy chế của Jerusalem đồng nghĩa với việc phá vỡ những nỗ lực hòa bình mà Mỹ đang tiến hành, đồng thời lưu ý về nguy cơ dân Palestine biểu tình chống lại một quyết định bất công và thiên vị, với khả năng bạo động trở nên toàn diện.
Nguy cơ bạo động rất lớn vì lẽ cho đến nay, các vụ bạo động giữa người Palestine và Israel đều chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề Jerusalem. Trong thời gian qua, các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al Qaeda, Hezbollah hay Hamas đều dùng vấn đề Jerusalem để kích động tinh thần chống Israel và bài Mỹ.
Lãnh tụ phong trào Hồi giáo Palestine Hamas, Ismail Haniyeh, đã lên tiếng cảnh cáo rằng người Palestine khắp nơi sẽ không bỏ qua và sẽ dùng "mọi phương thức để bảo vệ lãnh thổ và thánh địa của mình".
Khi từ bỏ thái độ trung lập, ít ra là trên mặt hình thức, trong cuộc tranh chấp Israel-Palestine, tổng thống Trump cũng đã mặc nhiên đi ngược lại mong muốn chung của thế giới, và phớt lờ những khuyến cáo của các đồng minh Châu Âu hay Ả Rập.
Không được sự đồng tình của các nước Ả Rập, tiến trình hòa bình mà ông Trump muốn thúc đẩy bị cho là đã bị thất bại ngay từ trong trứng nước.
Theo các nhà phân tích, khi quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tiến đến việc di chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv qua Jerusalem, tổng thống Trump đã thực hiện một lời hứa lúc tranh cử, thỏa mãn giới cử tri đã ủng hộ ông, thế nhưng ông đã làm cho Mỹ bị cô lập thêm, và làm cho triển vọng hòa bình ở vùng Trung Đông thêm xa vời.
Trọng Nghĩa
***********************
Thế giới phản đối Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (RFI, 06/12/2017)
Theo thông báo, vào lúc 18 giờ quốc tế ngày 06/12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thông báo một quyết định có thể làm đảo lộn tình hình Trung Đông. Nếu Washington dời sứ quán về Jerusalem hay công nhận thành phố thánh của ba tôn giáo lớn là thủ đô của Israel thì vai trò trọng tài của Mỹ tại lò lửa này xem như chấm dứt từ đây. Không riêng gì thế giới Hồi giáo, từ Đông sang Tây, quốc tế đồng loạt khuyến cáo tổng thống Mỹ. Câu hỏi đặt ra là Donald Trump lý giải như thế nào ?
Toàn cảnh khu Đền Thờ Núi (mầu vàng) và bức Tường Than Khóc tại khu phố cổ Jerusalem. (Ảnh chụp ngày 06/12/2017) Reuters
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích :
Theo giải thích của Nhà Trắng, thông báo này sẽ không làm thay đổi gì về vấn đề biên giới giữa Israel và Palestine cũng như quy chế của khu thánh địa đền thờ. Nói cách khác, Donald Trump sẽ không nói Jerusalem là "thủ đô thống nhất" của Nhà nước Do Thái bởi vì một nguồn tin của Nhà Trắng vào chiều hôm qua giải thích rằng tổng thống Trump thông hiểu khát vọng của người Palestine và ông lạc quan về viễn cảnh hai bên, Israel và Palestine, đạt được một hiệp định hoà bình.
Theo chính quyền Mỹ, tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel chỉ là một động thái đơn giản nhìn nhận một thực tế bởi vì hầu hết các định chế, cơ quan của Israel đều tập trung ở thành phố thánh này. Mỹ không hề thay đổi chính sách. Một viên chức của Nhà Trắng đã tuyên bố như thế vào chiều hôm qua, dường như để làm giảm bớt tầm quan trọng hay hệ quả của thông báo này.
Làn sóng phản đối
Từ 24 giờ qua, cả thế giới lo ngại phản ứng của dân chúng Ả Rập cũng như của người Palestine. Nhiều tổ chức Palestine kêu gọi xuống đường. Tình hình căng thẳng được thấy rõ : bộ Ngoại Giao Mỹ cấm nhân viên đi lại ở Jerusalem và Cisjordanie.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoàn toàn im lặng.
Chủ tịch Palestine, Mahmoud Abbas, trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ, cảnh báo về hệ quả an ninh, hoà bình trong khu vực. trong khi đó, một đại diện của Cơ quan quyền lực Palestine ở Luân Đôn chỉ trích Mỹ "tuyên chiến với 1,5 tỷ tín đồ đạo Hồi".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bay sang Bruxelles để thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ nhưng gặp thái độ khước từ của 28 thành viên.
Ryad, đồng minh thân thiết của Mỹ, cảnh báo tổng thống Trump coi chừng "sự phẫn nộ" của người Hồi giáo. Ankara dự báo "nguy cơ bão lửa" trong lúc tổng thống Recep Erdogan thông báo triệu tập hội nghị các nước Hồi giáo ngày 13/12.
Trung Quốc lo ngại "bạo lực leo thang". Toà Thánh Vatican, qua tuyên bố của đức giáo hoàng, kêu gọi đến "sự khôn ngoan và thận trọng" nhắn nhủ các tác nhân tôn trọng "quy chế hiện trạng của Jerusalem, thánh địa của ba tôn giáo lớn Hồi giáo, Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo".
Tú Anh
**********************
Donald Trump : 'Jerusalem là thủ đô Israel' (BBC, 06/12/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố từ nay Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đảo ngược chính sách của Mỹ nhiều thập niên qua.
Ông Trump nói Mỹ vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột giữa Israel và người Palestine
Israel gọi đây là sự kiện "lịch sử" nhưng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.
Ông Trump nói Mỹ vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột giữa Israel và người Palestine.
Nhưng ông nói việc công nhận thủ đô Israel là "bước đi phải làm từ lâu".
"Hôm nay, chúng tôi rốt cuộc thừa nhận điều rõ ràng : rằng Jerusalem là thủ đô Israel".
"Đây chỉ là thừa nhận thực tế. Đây cũng là điều đúng phải làm", ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng hôm 6/12.
Lãnh đạo người Palestine Mahmoud Abbas lên án, nói Mỹ không còn có thể là phía giúp đàm phán hòa bình.
Người Palestine xem Đông Jerusalem là thủ đô cho một nhà nước tương lai.
Theo hiệp định hòa bình Israel-Palestine 1993, quy chế của Jerusalem sẽ chỉ được bàn sau này.
Quốc tế lâu nay không công nhận chủ quyền của Israel với Jerusalem, và mọi quốc gia - kể cả Mỹ - vẫn đặt sứ quán ở Tel Aviv.
Tại Nhà Trắng hôm 6/12, ông Trump tuyên bố việc công nhận phù hợp với "lợi ích của Mỹ, và sự theo đuổi hòa bình giữa Israel và người Palestine".
Ông nói bộ ngoại giao Mỹ sẽ bắt đầu chuẩn bị chuyển sứ quán sang Jerusalem.
Phản ứng
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh tuyên bố và nói Israel biết ơn Tổng thống Trump.
Còn lãnh đạo người Palestine, ông Mahmoud Abbas, nói Jerusaelm là "thủ đô vĩnh cửu của nhà nước Palestine".
Phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố quyết định của ông Trump sẽ "mở ra cánh cửa địa ngục" cho lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Thế giới Hồi giáo, kể cả những nước đồng minh của Mỹ, đã phản đối.
Vua Salman của Ả Rập Saudi nói việc này sẽ "khiêu khích người Hồi giáo toàn thế giới".
Thủ tướng Anh Theresa May nói bà không đồng tình với Mỹ, một quyết định mà bà nói "không có lợi cho triển vọng hòa bình khu vực".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Pháp không ủng hộ và kêu gọi bình tĩnh.
Kênh CNN của Mỹ dẫn nguồn "các viên chức cao cấp" nói rằng có sự chia rẽ trong cố vấn chính phủ Mỹ.
Theo các nguồn này, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis, Giám đốc CIA Mike Pompeo và Ngoại trưởng Rex Tillerson không đồng tình. Nhưng Phó tổng thống Mike Pence, Đại sứ ở LHQ Nikki Haley và Đại sứ Mỹ ở Israel David Friedman ủng hộ việc công nhận.
*******************
Ý định của Trump về Jerusalem bị quốc tế phản ứng (VOA, 06/12/2017)
Ngoại trưởng Rex Tillerson nói chuyện với Vua Ả rập Xê- út Salman trước cuộc họp tại Riyadh, Ả rập Xê- út, ngày 22/10/2017.
Vua Saudi Arabia Salman nói với Tổng thống Mỹ, Donald Trump, là bất cứ quyết định nào "dời tòa đại sứ Mỹ tại Israel đến Jerusalem trước khi đạt được một giải pháp hòa bình lâu dài sẽ khơi dậy bức xúc trong người Hồi giáo, truyền thông nhà nước Saudi Arabia loan báo ngày 5/12.
Truyền thông nhà nước cho biết là Vua Salman đã nhận được điện thoại của Tổng thống Trump về những phát triển trong vùng và trên thế giới.
"Bất cứ quyết đoán nào của Tổng thống Mỹ về quyền sở hữu Hai Ngôi đền Thiêng liêng và bất cứ loan báo nào của Hoa Kỳ liên hệ đến tình hình Jerusalem trước khi đạt được một giải pháp lâu dài sẽ làm tổn hại đến những cuộc đàm phán và gia tăng căng thẳng trong khu vực", thông tấn xã nhà nước SPA cho biết.
Thông tấn xã này trích lời của Vua Salman nói rằng Saudi Arabia ủng hộ người dân Palestine và những quyền lịch sử của họ và xác định là "một bước nguy hiểm như vậy sẽ làm bùng lên cảm xúc mạnh mẽ của người Hồi giáo trên toàn thế giới vì vị thế của Jerusalem và đền al-Aqsa…"
Trong khi đó cũng vào ngày 5/12, Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, thúc đẩy Đức Giáo Hoàng và các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, và Jordan can thiệp chống lại ý định của ông Trump dời tòa đại sứ Mỹ tại Israel đến Jerusalem, phát ngôn viên của ông Abbas cho hay.
"Tổng thống Abbas lên tiếng sau khi điện đàm với Tổng thống Nga, Tổng thống Pháp, Đức Giáo Hoàng và Vua Abdullah của Jordan. Ông nói với các nhà lãnh đạo này là ông bác bỏ một động thái như vậy và ông yêu cầu những người này can thiệp để ngăn việc này không xảy ra", ông Nabil Abu Rdainah nói với Reuters.
Ông nói thêm ông Abbas không được thông báo về thời điểm của kế hoạch dời tòa đại sứ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
********************
Quy chế Jerusalem : Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo Donald Trump (RFI, 05/12/2017)
Hoa Kỳ coi chừng "hệ quả nghiêm trọng" nếu tổng thống Mỹ Donald Trump xem Jerusalem là thủ đô của Israel và dời sứ quán Mỹ về thành phố này.
Khu phố cổ Jerusalem. Ảnh ngày 04/12/2017 - Reuters
Thông báo của văn phòng đại diện ngoại giao tối cao của Liên Hiệp Châu Âu công bố ngày 05/12/2017, kêu gọi "tập trung nỗ lực vực dậy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như phải tránh những hành động làm tan vỡ tiến trình này".
Lời cảnh báo của Liên Hiệp Châu Âu trực tiếp nhắm vào tổng thống Mỹ Donald Trump vào thời điểm Nhà Trắng, trong tuần này, thông báo quyết định, có hay không, chuyển tòa đại sứ từ Tel Aviv về Jerusalem.
Sau phản ứng chống đối của chính quyền Palestine và các đồng minh Ả Rập, ngày 04/12/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump để bày tỏ "quan ngại". Từ năm 1995, sau khi Quốc hội Mỹ biểu quyết một đạo luật dời sứ quán về thành phố thánh mà Israel tuyên bố là "thủ đô", cứ sáu tháng một lần, lãnh đạo hành pháp Mỹ phải quyết định.
Theo AFP, giới phân tích dự đóan ông Trump sẽ chọn giải pháp trung dung : gián tiếp nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhưng đình hoãn quyết định dời tòa đại sứ.
Tổ chức Hợp Tác Hồi giáo OCI từ Riyad thông báo sẽ triệu tập "thượng đỉnh" nếu tổng thống Mỹ loan báo công nhận Jeusalem là thủ đô của Israel. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, chủ tịch luân lưu của OCI đe dọa "cắt đứt quan hệ với Israel", nếu chuyện này xảy ra : "tổng thống Trump, Jerusalem là lằn ranh đỏ của người Hồi giáo".
Tú Anh
*********************
EU cảnh báo TT Trump định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (VOA, 05/12/2017)
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu, Federica Mogherini, hôm thứ Ba 5/12 nói "cần phải tránh hoàn toàn bất kỳ hành động nào làm suy yếu" nỗ lực hòa bình nhằm thành lập hai nhà nước cho người Israel và Palestine, theo hãng tin Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và bà Federica Mogherini, Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu, tại Brussels, Bỉ, ngày 5/12/2017.
Bà Mogherini phát biểu như vậy bên cạnh Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại Brussels, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Bà Mogherini nói "cần tìm ra giải pháp thông qua đàm phán để giải quyết tình trạng cho Jerusalem như là thủ đô tương lai của hai nhà nước", và bà nhấn mạnh rằng EU ủng hộ nỗ lực mở lại các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa.
Bà nói rằng 28 bộ trưởng ngoại giao của EU sẽ cùng nhau thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Brussels vào thứ Hai tới, sau đó sẽ có cuộc gặp tương tự với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào đầu năm 2018.