Phân nửa số tài phiệt Nga vẫn thủ lợi nhờ chiến tranh Ukraine
Le Monde ngày 03/08/2023 nói về "Các tài phiệt Nga thủ lợi từ chiến tranh Ukraine" qua việc bán kim loại, hóa chất, nhiên liệu… hay làm dịch vụ cho quân đội, dù một số người cố biện bạch để thoát khỏi trừng phạt. Theo điều tra của trang web độc lập Proekt, có ít nhất 81 cái tên trong danh sách 200 người giàu nhất nước Nga (theo bảng xếp hạng Forbes năm 2021) rõ ràng có liên can đến cuộc xâm lăng Ukraine.
Ảnh minh họa : Du thuyền sang trọng "Pelorus" của tỉ phú Nga Roman Abramovich trên sông Neva ở Saint-Petersburg, phía sau là nhà thờ chính tòa Thánh Isaac, ngày 05/06/2008. Associated Press - Dmitry Lovetsky
Chiến tranh và những đồng tiền nhuốm máu
Những công ty của họ thu lợi nhờ bán hàng cho quân đội Nga hoặc các nhà máy vũ khí. Hoàn toàn logic : các tỉ phú làm giàu nhờ mối quan hệ cá nhân với Vladimir Putin đều hưởng lợi từ cuộc chiến. Đó là Guennadi Timshenko (công ty Novatek, Sibur), hai anh em Arkadi và Boris Rotenberg, Yuri Kovalchuk (ngân hàng Rossia). Cũng có các tài phiệt đã giàu lên trong thập niên 90 trước khi Putin lên nắm quyền, như Alexei Mordachov (Severstal), Vladimir Potanin (Nornickel), Vaguit Alekperov (Lukoil), Alicher Usmanov (USM), Vladimir Evtuchenkov (AFK Sistema), Oleg Deripaska (Rusal).
Tập đoàn mỏ Evraz của Roman Abramovich cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy xe tăng và hóa chất để sản xuất chất nổ, hỏa tiễn. Vào đầu cuộc xâm lăng, Roman Abramovich không đến dự cuộc họp với ông chủ điện Kremlin, chỉ muốn thủ vai "trung gian hòa giải" giữa Kiev và Moskva để tìm ra "giải pháp hòa bình". Sáng kiến này nhanh chóng thất bại khiến nhà tài phiệt không tránh được hoàn toàn sự trừng phạt của phương Tây.
Mikhail Fridman, cổ đông Alfa Group chọn cách than thở với báo chí Anh ngữ mình là nạn nhân liên đới, thuyết phục được cả đối lập Nga ký tên để nghị bỏ trừng phạt ông ta, và rốt cuộc được Luân Đôn giải tỏa 300.000 bảng Anh. Được biết Alfa Bank và Alfa Assurance của Fridman và đối tác Piotr Aven cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn vũ khí Nga. Họ đã rút khỏi các vị trí lãnh đạo sau cuộc xâm lăng, tuy nhiên do không bán lại phần vốn góp, vẫn được hưởng lợi.
Các nhà báo của Proekt lưu ý rằng trong số 81 tài phiệt trên, chỉ có 14 người bị tất cả các đồng minh của Kiev cấm vận ; 34 người chỉ bị một mình Ukraine trừng phạt. Chẳng hạn Mikhail Chelkov, chủ tập đoàn VSMPO-Avisma chuyên về titan, một kim loại thiết yếu trong ngành hàng không mà Airbus hiện vẫn chưa thể bỏ qua.
Ngũ cốc Ukraine : Đã chận đường biển, Nga còn muốn triệt cả đường sông
Trong khi đó, "Nga nhắm vào xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine". Les Echos cho biết các vụ oanh kích đã gây thiệt hại cho những cảng của Ukraine dọc theo sông Danube, đã trở nên vô cùng chiến lược từ khi thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải kết thúc. Kiev và Paris đều tố cáo Moskva muốn nâng giá ngũ cốc thế giới.
Sáng sớm hôm qua, đến lượt cảng Izmail bị tấn công và trước đó hôm 24/07 là thành phố Reni bên cạnh, cùng nằm bên dòng sông dài thứ nhì Châu Âu. Chính quyền Ukraine loan báo "Các thiết bị của cảng và cơ sở hạ tầng kỹ nghệ trên sông Danube" đã bị hư hại, công bố những tấm ảnh kho hàng, hệ thống thang máy, tòa nhà còn bốc khói. Gần 40.000 tấn ngũ cốc chuẩn bị giao cho Trung Quốc, Châu Phi và Israel "đã bị hư hại" trong vụ oanh kích hôm qua. Theo các nhà buôn ngũ cốc được Bloomberg dẫn lời, cảng Izmail vẫn hoạt động, nhưng con kênh dọc theo biên giới Ukraine và Romania không còn an toàn, có thể khiến tàu bè không dám vào các cảng trong khu vực.
Tuy không có thương vong, nhưng ảnh hưởng khá lớn vì từ khi không xuất khẩu được bằng đường biển, dòng sông Danube trở thành con đường chính để đưa ngũ cốc Ukraine ra thế giới.Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gọi điện cho Vladimir Putin để yêu cầu "không nên có biện pháp nào tạo nguy cơ leo thang căng thẳng" trong khu vực. Nước Romania láng giềng, mà dòng Danube là biên giới với Ukraine, tỏ ra lo ngại trước những vụ tập kích ngày càng đến gần lãnh thổ của mình.
Tổng thống Klaus Iohannis tuyên bố : "Những vụ tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine trên dòng Danube ở sát bên Romania là không thể chấp nhận được", tố cáo "tội ác chiến tranh". Về phía Pháp cáo buộc Moskva "một lần nữa gây nguy hại cho an ninh lương thực thế giới". Nga "chỉ tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, bất chấp thiệt hại đối với những dân tộc dễ tổn thương qua việc làm tăng giá nông sản, và cản trở những người cạnh tranh chính xuất khẩu sản phẩm của họ". Trước mắt, các vụ tập kích của Nga đã làm giá lúa mì và bắp tăng lên gần 5% trên thị trường Chicago hôm qua.
Nạn đói đe dọa Thượng Karabath vì Azerbaijan phong tỏa
Một nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến tranh Ukraine là Armenia. La Croix báo động "Tại Thượng Karabakh, người dân Armenia bị bóp nghẹt". Từ tháng 12/2022, con đường độc đạo nối vùng này với Armenia bị Azerbaijan cắt đứt, chỉ cho phép viện trợ nhân đạo đi vào. Nay thì Azerbaijan phong tỏa toàn bộ, khiến 120.000 cư dân tại đây có nguy cơ lâm vào nạn đói.
Một người dân gởi cho phóng viên bằng WhatsApp những hình ảnh các quầy hàng trống rỗng của một siêu thị thuộc loại tốt nhất Stepanakert, thủ phủ Thượng Karabakh. Giá thịt ngoài chợ đã tăng gấp 10, cà chua gấp 20 lần. Không còn xăng dầu, vài nông dân vận chuyển rau quả bằng ngựa hoặc xe đạp. Đã tám tháng, hành lang Latchine, nơi tiếp nhận 90% thực phẩm tiêu thụ bị phong tỏa. Một hiệp hội cho biết 700 kiện hàng viện trợ đã bị Azerbaijan chận lại ở Goris, thành phố Armenia gần nhất. Lính Nga hầu như chẳng hề can thiệp.
Bị truy tố lần thứ ba, Trump vẫn là ứng cử viên sáng giá
Nhìn sang nước Mỹ, các báo đều dành nhiều đất cho sự kiện cựu tổng thống Donald Trump bị truy tố lần thứ ba vì vai trò trong vụ bạo loạn ngày 06/01/2021. Le Figaro nhận định, vụ truy tố thứ ba cũng là vụ nặng nề nhất về mặt chính trị. Loan báo hôm thứ Ba 01/08 với cáo buộc mưu toan lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 đã được chờ đợi từ nhiều tuần qua, là kết quả cuộc điều tra kéo dài hơn 8 tháng của công tố viên đặc biệt Jack Smith. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Cáo trạng dài 45 trang công nhận cựu tổng thống có quyền phản đối cuộc bầu cử vì tự do ngôn luận, nhưng cáo buộc ông Trump vi phạm luật pháp khi cố gắng thay đổi kết quả bằng các phương tiện bất hợp pháp. Cựu tổng thống ra tòa hôm nay tại Washington trước thẩm phán Tanya Chutkan, được chọn ra bằng cách rút thăm. Bà này do Obama bổ nhiệm năm 2014, có tiếng là khắt khe, đã từng chủ tọa khoảng mấy chục vụ liên quan đến những người tham gia sự hiện hôm 06/01/2021. Les Echos nhắc lại, trong hai vụ trước ông Donald Trump đều không nhận tội, tố cáo âm mưu chính trị, "lạm dụng quyền lực".
Trả lời câu hỏi của La Croix về hậu quả đối với việc ông Trump tái ứng cử, nhà nghiên cứu Laurence Nardon của IFRI dự báo, các luật sư của cựu tổng thống sẽ làm mọi cách để kéo dài thời gian, tuy phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Có khả năng trong kỳ bầu cử tới, một ứng cử viên đang bị nhiều cáo buộc khác nhau nhưng chưa chính thức bị kết án, tố cáo việc "săn lùng phù thủy". Trump sẽ lợi dụng vụ này để vận động tầng lớp cử tri vẫn ủng hộ ông, cho rằng đây là sự trả thù của "Deep State". Chiến lược này hiện mang lại kết quả, Donald Trump luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, vượt qua Ron DeSantis, Mike Pence, và thậm chí có thể thắng cử trước Joe Biden. Về phía đảng Dân Chủ, Biden và chính quyền của ông giữ im lặng để tránh bị Cộng Hòa coi là giựt dây cho các cáo buộc trên.
JMJ, luồng gió lạc quan
Tại Lisboa, nơi đang diễn ra Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới (JMJ), Le Figaro trong bài xã luận "Muối của đất" nhận thấy Giáo hoàng Francis khi đặt chân lên Bồ Đào Nha đã bắt đầu chuyến đi với tư cách nguyên thủ hơn là người đứng đầu giáo hội : trước hết ngài gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo. Giáo hoàng bày tỏ quan ngại về tương lai của một Châu Âu mất phương hướng, không thể bảo đảm vai trò "người xây dựng những chiếc cầu và kiến tạo hòa bình" ở sườn phía đông (tức Ukraine), và ở Châu Phi, Trung Đông, "ngôi nhà chung" đang bị đe dọa vì môi trường xuống cấp.
Hôm nay diễn ra cuộc tiếp xúc đầu tiên của ngài với giới trẻ - người đối thoại khác, không khí cũng khác. Các thành viên tham gia JMJ Lisboa chưa sinh ra đời lúc Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi đầu sáng kiến này cách đây 40 năm. Nhưng cũng như ở Krakow, Madrid, Kohl (Kölle) trước đó, tinh thần lạc quan mang lại một luồng gió mát cho châu lục. Người đứng đầu giáo hội Công giáo nói với chính quyền Bồ Đào Nha, những người trẻ đến đây "không phải để kêu gào phẫn nộ, mà để chia sẻ Tin mừng Phúc Âm".
Vào đầu tuần, một thành viên ngôi sao là cầu thủ Pháp Olivier Giroud đã có phát biểu đơn sơ gây xúc động. Theo Le Figaro, những thanh niên tham gia đại hội vốn đã là nhân tố trong cuộc sống tại đất nước mình, họ là "muối của đất" : tương lai của giáo hội và của thế giới. Riêng đối với nước chủ nhà, La Croix nhắc nhở một "tôn giáo" khác : người Bồ Đào Nha còn là tín đồ của quả bóng tròn. Đất nước này chỉ có 10 triệu dân, nhưng đã có đến ba nhật báo chuyên về thể thao !
Geneviève de Fontenay, khuôn mặt của Miss France từ nửa thế kỷ
Trên lãnh vực văn hóa, Le Figaro, Libération, Les Echos đều có bài viết tưởng niệm bà Geneviève de Fontenay, khuôn mặt gắn bó với các cuộc thi hoa hậu Pháp hơn 50 năm qua, vừa qua đời ở tuổi 90. Sinh ra trong một gia đình công giáo có đến 10 người con, Geneviève Mulmann từ thời trẻ vẫn có tiếng là ăn mặc quý phái, trang nhã. Trở thành "Hoa hậu duyên dáng" năm 1957, cô gái cao 1,77 m có thời gian làm người mẫu cho thương hiệu hàng xa xỉ Balenciaga.
Gặp gỡ Louis de Fontenay, người đã tổ chức lại cuộc thi hoa hậu Pháp (Miss France) sau chiến tranh, trở thành Geneviève de Fontenay, bà xuôi ngược khắp nước Pháp để tổ chức sự kiện. Bà luôn gắn bó với các giá trị truyền thống và bản sắc những vùng miền nước Pháp. Khi người chồng qua đời năm 1981, bà tiếp tục sự nghiệp và từ năm 1987 Miss France được truyền hình trực tiếp, Geneviève de Fontenay là khuôn mặt quen thuộc với nhiều triệu khán giả trong những thập niên qua.
Năm 2002, công ty Miss France được bán lại cho nhà sản xuất Endemol nhưng bà vẫn giữ chức chủ tịch. Không chịu được những thay đổi quá "hiện đại", nhất là khi xuất hiện những tấm hình đầy khiêu khích của Valérie Bègue, hoa hậu năm 2007, Geneviève de Fontenay quyết định ra đi. Được coi là đại diện cho sự trang nhã, lịch thiệp đặc Pháp, người phụ nữ cá tính ấy có những phát biểu thẳng thắn, và mặc dù vẻ ngoài trưởng giả, bà luôn đấu tranh chống lại bất công xã hội.
Trang nhất báo Pháp dành cho các vấn đề xã hội
Tựa chính các nhật báo hôm nay chủ yếu về các vấn đề của nước Pháp. Les Echos quan tâm đến "Sự sụt giảm sinh suất đáng lo ở Pháp", có thể xuống đến mức thấp nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Le Monde chạy tựa "Cái giá xã hội hết sức cao của nạn nghiện ngập" : Pháp không có ý định hợp pháp hóa cần sa. Bên cạnh đó cơ quan giám sát ma túy nhận định rượu và thuốc lá gây nhiều tác hại cho xã hội hơn cả các loại chất cấm.
Nhân hôm nay tư pháp xét đơn kháng cáo của một cảnh sát ở Marseille về việc bị tạm giam, La Croix có bài phóng sự liên quan với nhận xét trên trang nhất "Ngày nay rất phức tạp khi là cảnh sát". Libération chú ý đến hiện tượng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Mont-Blanc với dòng tít "Băng tan gây lo ngại cho vùng thung lũng". Riêng Le Figaro nói về "Bị tư pháp bao vây, Trump luôn tin tưởng sẽ quay lại".
Thụy My
14 triệu phú chết đầy bí ẩn
Năm 2022 là "năm đại hạn" cho giới tài phiệt Nga. Trong mười hai tháng tổng cộng đã có đến 14 triệu phú bị thiệt mạng, riêng trong tháng 12 có hai người người chết một cách bí hiểm ở Ấn Độ : triệu phú Pavel Antov "nhảy lầu" ở khách sạn nơi ông tổ chức sinh nhật 66 tuổi, được cho là "trầm cảm sau khi bạn của ông" là triệu phú Vladimir Budanov bị chết vì "đau tim" trong phòng ngủ.
Ảnh chụp màn hình Chương trình C dans l'air : Những cái chết bí ẩn của tài phiệt Nga trong cuộc chiến Nga - Ukraine 2022 - Đài truyền hình France 5/Pháp
Đa số các nhà tài phiệt Nga được phát hiện chết trong hoàn cảnh và tư thế rất đáng ngờ, như phim trinh thám : treo cổ trên cây, chết ở bể bơi, bị ngộ độc, hay ngã từ cầu thang… Trước khi xảy ra hai vụ chết bí ẩn ở Ấn Độ, nhà tài phiệt Nga Dmitry Zelennov cũng bị sảy chân, rơi qua lan can cầu thang và chết sau bữa tối ở thành phố Antibes, miền nam Pháp.
Trong bài viết ngày 27/12/2022 tổng hợp chân dung 12 nhà tài phiệt Nga chết một cách kỳ lạ kể từ khi điện Kremlin phát động chiến tranh Ukraine, nhật báo Pháp Le Figaro thắc mắc về số ca tử vong xảy ra trong thời gian ngắn, mối quan hệ của những nhà tài phiệt xấu số này với các tập đoàn Nga trong lĩnh vực dầu khí, như Gazprom hay Lukoil.
Ông Leonid Shulman là người đầu tiên trong danh sách những cái chết bí hiểm. Ông là tổng giám đốc tập đoàn Nga Gazprom, chuyên khai thác, xử lý và vận chuyển khí đốt. Ông từng đứng đầu dịch vụ vận chuyển của Gazprom Invest, chuyên quản lý những dự án đầu tư của tập đoàn Nga. Doanh nhân 60 tuổi được cho là tự tử trong phòng tắm của căn biệt thự ở vùng Saint-Petersburg ngày 30/01/2022 (một tháng trước khi tổng thống Putin phát động chiến dịch xâm lăng Ukriana). Một bức thư tuyệt mệnh được tìm thấy bên cạnh thi thể ông.
Lãnh đạo thứ hai của Gazprom qua đời hôm 25/02. Giám đốc tài chính Alexander Tyulyakov được phát hiện treo cổ trong gara ở tư dinh gần thành phố Saint-Petersburg. Trang Novaya Gazeta thuật lại chi tiết như phim trinh thám là khi bác sĩ pháp y đang thu thập bằng chứng thì nhiều ô tô lớn chở nhân viên an ninh của tập đoàn Gazprom đã đến, đuổi cảnh sát ra khỏi hiện trường và phong tỏa toàn bộ khu vực.
Chỉ ba ngày sau, đến lượt Mikhail Watford, một tỉ phú Nga trong ngành dầu khí, cũng được phát hiện treo cổ trong nhà xe ở tư dinh, ở ngoại ô phía tây Luân Đôn, Anh. Theo báo Guardian, cảnh sát nêu cái chết "không thể giải thích được", nhưng không đánh giá là "khả nghi". Cảnh sát cũng không tìm được bất kỳ dấu vết nào khác ngoài khả năng tự tử. Tỉ phú 66 tuổi, sinh tại Tolstosheia, đã chuyển đến sống ở Anh trong thập niên 2000. Một bài viết phác họa chân dung tỉ phú người Nga của tờ Sunday Times năm 2015 cho biết ông Watford rời Luân Đôn đến hạt Surrey (ngoại ô Luân Đôn) sống cùng vợ là người Estonia.
Gần một tháng sau, tỉ phú người Nga Vasily Melnikov dường như đã tự sát trong căn hộ ở Nijni-Novgorod, phía tây Nga, bên cạnh còn có thi thể của vợ và 2 con. Ông bị nghi ngờ là thủ phạm ba vụ sát hại trên. Tuy nhiên, hàng xóm của gia đình, được trang Kommersant trích dẫn, thì không nghĩ như vậy, vì theo họ đó là một gia đình gắn bó. Một số cơ quan truyền thông khác giải thích doanh nhân 43 tuổi, điều hành tập đoàn dược phẩm Medsom, dường như gặp khó khăn tài chính. Báo mạng Glavred cho rằng công ty của ông bên bờ phá sản do các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Thi thể của cựu chủ tịch Gazprombank, từng là công chức cấp cao của tổng thống Putin tại điện Kremlin và tại Hạ Viện, được phát hiện bên trong căn hộ ở Moskva, bên cạnh người vợ đang mang thai và con gái 13 tuổi bị găm đầy đạn. Theo các nhà điều tra Nga, ông Vladislav Avaev, 51 tuổi, có lẽ đã giết gia đình rồi sau đó tự sát. Tạp chí Mỹ Newsweek viết là người đàn ông mang súng và căn hộ bị khóa cửa ở bên trong. Tuy nhiên, ông Igor Volobuev, phó chủ tịch ngân hàng Gazprom, hiện tị nạn ở Ukraine, khẳng định với trang Insider rằng đồng nghiệp đã bị sát hại : "Vụ tự tử được dàn dựng".
Tỉ phú Nga Sergey Protossenya, 53 tuổi, treo cổ trên cây trong khu vườn tòa biệt thự bên bờ biển Lloret de Mar, Tây Ban Nha, hôm 19/04 nơi cả gia đình đang đi nghỉ. Vợ và con gái 18 tuổi của ông bị đâm đến chết, bên cạnh là một cái rìu, một con dao dình đầy máu. Cảnh sát điều tra nghi ngờ doanh nhân Nga đã sát hại vợ con lúc họ ngủ, sau đó tự vẫn. Truyền thông Tây Ban Nha nêu giả thuyết ba vụ ám sát và được dàn dựng thành thảm kịch gia đình. Tài sản của cựu giám đốc Novatex, tập đoàn khí đốt lớn thứ hai của Nga, lên đến 400 triệu euro. Cả gia đình sống ở Bordeaux, Pháp. Theo hàng xóm, gia đình tỉ phú Nga sống kín tiếng.
Doanh nhân Nga 61 tuổi đứng đầu một doanh nghiệp đối tác của tập đoàn Gazprom. Xác ông được tìm thấy trong bể bơi tư dinh ở Saint-Peterburg hôm 04/07, với một viên đạn găm vào đầu. Khẩu súng lục được tìm thấy dưới đáy bể. Các nhà điều tra không xác định được là do tự sát hay bị sát hại. Cuộc điều tra của ủy ban Nga thì hướng đến khả năng tranh chấp "với các đối tác thương mại". Vợ của ông cho rằng ông là nạn nhân một vụ lừa đảo của các đối tác.
Alexander Subbotin là một cựu quan chức cấp cao của tập đoàn Lukoil, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất của Nga. Lukoil nằm trong số hiếm hoi doanh nghiệp phản đối chiến tranh Ukraine. Ngày 19/05, sau buổi tối uống say, doanh nhân 43 tuổi đến nhà một pháp sư mà ông biết, được gọi là Magua Flores, ở ngoại ô Moskva. Người này đã cứa da của ông để nhỏ nọc cóc vào. Ông Alexander Subbotin bị ngộ độc và chết vì đau tim.
Doanh nhân người Nga xấu số cũng là một trong những nhà lãnh đạo lâu năm của tập đoàn Lukoil mà ông đồng sáng lập cách đây 30 năm. Theo tập đoàn, ông Ravil Maganov qua đời ngày 01/09 vì bệnh nặng. Tuy nhiên, một số hãng tin như Tass và Interax khẳng định ông tự tử bằng cách nhảy từ cửa sổ tầng 6 của bệnh viện nơi ông điều trị bệnh tim.
Ivan Pechorin là giám đốc công ty phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga khi mới 39 tuổi. Ông được tổng thống Vladimir Putin giao nhiệm vụ khai thác các nguồn năng lượng và mỏ ở phía đông Nga để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây kể từ khi Moskva phát động chiến tranh Ukraine. Ngày 10/09, thi thể của ông được phát hiện ở biển Nhật Bản, dường như do ngã từ thuyền buồm mà ông thì không biết bơi. Truyền thông Nga thuật lại là ông say rượu và bị ngã xuống biển.
Chuyên gia 72 tuổi và là nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực hàng không chết trong hoàn cảnh đầy nghi ngờ hôm 21/09, theo Viện Moskva nơi ông làm việc. Trang Moskovsky Komsomolets cho biết khi đi thăm một công trường, dường như ông bị ngã cầu thang trong khi lan can chưa được lắp. Nhật báo Nga cho biết ông gần như mù một mắt từ khá lâu.
Tài phiệt ngành bất động sản Nga chết trong đêm 09/12 sau bữa tối với bạn bè ở thành phố Antibes, miền nam Pháp. Dường như doanh nhân 50 tuổi bị chóng mặt khi đi trên cầu thang và bị ngã nhào khỏi lan can. Trang Baza của Nga cho biết ông Dmitry Zelenov có vấn đề về tim mạch và từng phải phẫu thuật mạch ít lâu trước khi chết. Theo báo chí Ý, trước đó, ông Zelenov chỉ trích cuộc xâm lược Nga ở Ukraine.
Thu Hằng