Bóng dáng Việt Nam trong phát biểu của Tổng thống Trump (VOA, 20/09/2017)
Dù ông Donald Trump không trực tiếp nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, bóng dáng Việt Nam vẫn hiển hiện trong các vấn đề tỷ phú Mỹ nêu lên, theo giới quan sát.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tới các nghĩa vụ "phải bảo vệ quốc gia, các quyền lợi và tương lai của chúng ta" tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 20/9.
Tranh chấp ở Biển Đông, mà Việt Nam là một nước tuyên bố chủ quyền, đã được ông Trump nêu lên hôm 19/9, khi nói tới các nghĩa vụ "phải bảo vệ quốc gia, các quyền lợi và tương lai của chúng ta".
Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].
Tổng thống Trump phát biểu.
"Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]", ông Trump phát biểu, đồng thời nói thêm rằng "chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng văn hóa và sự giao tiếp hòa bình".
Tổng thống Mỹ nói tiếp rằng "chúng ta phải hợp tác và cùng nhau đối phó với những ai đe dọa chúng ta bằng sự hỗn loạn và khủng bố".
Cuối năm 2015, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Việt Nam khi ấy, cũng nhắc tới vấn đề Biển Đông, nhất là việc "giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế", nhưng lần này, sau khi ông Trump đề cập tới cuộc tranh chấp lãnh hải, Bắc Kinh mới phản ứng mạnh.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/9 nói rằng "một số quốc gia đã sử dụng cái cớ tự do hàng hải để mang máy bay và đội tàu tới gần Biển Nam Trung Hoa". Washington từng thực hiện các cuộc tuần tra như vậy dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump và của cả người tiền nhiệm Barack Obama.
Ông Khảng nói thêm rằng "thực sự thì chính đây là thái độ đe dọa tới chủ quyền của các quốc gia ở Biển Nam Trung Hoa", và rằng tình hình ở vùng này "đã nguội bớt" nhờ các nỗ lực của Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông cũng kêu gọi các nước liên quan thể hiện sự "tôn trọng".
Dù Hà Nội chưa có phản ứng về tuyên bố Biển Đông của tổng thống Mỹ, báo chí nhà nước đã đưa tin về điều gọi là "dấu ấn của Donald Trump trong lần đầu xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc".
Trong một tuyên bố mà nhiều nhà phân tích nói là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của một tổng thống Mỹ tại phiên họp khoáng đại của tổ chức lớn nhất thế giới, Tổng thống Trump tuyên bố rằng nếu cần phải bảo vệ Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Mỹ, "chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải hủy diệt Bắc Hàn".
Ông Trump nêu dẫn chứng về sự tàn bạo của chính quyền Bắc Hàn qua vụ "ám sát người anh em cùng cha khác mẹ của kẻ độc tài [Kim Jong-un] tại một sân bay quốc tế bằng chất độc thần kinh bị cấm".
Dù tuyên bố bị lừa, nghi can người Việt Đoàn Thị Hương cùng một nữ công dân Indonesia đã bị truy tố và phiên tòa xử hai người Đông Nam Á này sẽ tái tục vào đầu tháng sau.
Trong một động thái gợi nhắc tới khả năng trừng phạt các quốc gia có liên hệ kinh tế với Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump cũng nói về "sự phẫn nộ" khi thấy "một số quốc gia không những làm ăn với một chế độ như vậy mà còn cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho một quốc gia đẩy thế giới tới xung đột hạt nhân".
Việt Nam mới đây bị cáo buộc trong một phúc trình của Liên Hiệp Quốc là điểm đến của than đá, một trong các mặt hàng bị cấm từ Bắc Hàn, bất chấp lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn của tổ chức lớn nhất thế giới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó nói với VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội "luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Tin chính thức cho hay, đầu năm nay, "Đại sứ Phạm Việt Hùng thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên đã trao số tiền 1.000 USD (tương đương 7,5 tấn phân bón) ủng hộ Nông trường Hữu nghị Mi Cốc". Ngoài ra, từ năm 2000 tới 2005, Hà Nội tặng Bình Nhưỡng tổng cộng "12 nghìn tấn gạo".
Tuyên bố chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng hồi tháng Năm, đôi bên cũng nhắc tới Bắc Hàn, "bày tỏ quan ngại đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Cộng hòa DCND Triều Tiên". Động thái này được nhận định rằng nó cho thấy Hà Nội đóng một vai trò nào đó đối với tiến tình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngoài vấn đề Biển Đông và Bắc Hàn có liên quan tới Việt Nam, ông Trump cũng nhắc tới các thỏa thuận thương mại đa phương mà ông cho rằng đã làm người Mỹ "mất hàng triệu việc làm" và làm "hàng nghìn nhà máy biến mất".
Ông nói rằng Hoa Kỳ "mưu tìm mối quan hệ thương mại vững mạnh hơn với tất cả các quốc gia có nhã ý, nhưng thương mại kiểu này phải công bằng và có đi có lại".
Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, ngay sau khi mới nhậm chức, gây đình trệ thỏa thuận thương mại đa phương này, giữa lúc Việt Nam kỳ vọng sẽ có được "cú hích" cần thiết từ TPP.
Không chỉ lần này, hình bóng Việt Nam mới hiển hiện khi ông Trump phát biểu mà trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, tỷ phú này còn nhiều lần chỉ đích danh Việt Nam.
Ông từng cáo buộc Việt Nam là"một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới" và "đánh cắp" việc làm tại Mỹ.
Việt Nam xuất sang Mỹ các sản phẩm trị giá hơn 38 tỷ đôla trong năm 2016 và nhập từ Hoa Kỳ tổng giá trị hàng hóa gần 9 tỷ đôla, đẩy Hà Nội vào danh sách các quốc gia Châu Á mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn, và gây quan ngại về "chiến tranh thương mại". Hiện chưa rõ là đôi bên đã đàm phán để xử lý vấn đề này ra sao.
Viễn Đông
*****************
Canh tân Liên Hiệp Quốc : cuộc mặc cả giữa Trump và Guterres (RFI, 19/09/2017)
Bắc Triều Tiên, Iran, Miến Điện, Syria, làn sóng tị nạn, khủng bố quốc tế… Từ ngày thành lập, chưa bao giờ Liên Hiệp Quốc đối phó với nhiều khủng hoảng nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, trong kỳ họp Đại Hội Đồng lần thứ 72 khai mạc vào ngày 19/09/2017 tại New York, Liên Hiệp Quốc đối đầu trước khủng hoảng của chính mình : Cạn nguồn tài chính. Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định gây sức ép để định chế quốc tế này phải cải cách và giảm chi ngân sách.
Tổng thư ký Antonio Guterres (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump trong diễn đàn thảo luận về cải cách Liên Hiệp Quốc tại trụ sở New York ngày 18/09/2017. Reuters/Lucas Jackson
Tại New York, cuối cùng Mỹ cũng thuyết phục được nước Pháp, bất bình vì không được tham khảo ý kiến, ký vào bản tuyên bố chính trị 10 điểm bên cạnh 130 thành viên thúc giục Liên Hiệp Quốc cải tổ guồng máy hoạt động vài giờ trước khi Đại Hội Đồng lần thứ 72 khai mạc phiên họp khoáng đại.
Về phần Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres, nhà chính trị lão luyện của Bồ Đào Nha cũng tung ra một loạt biện pháp cải thiện hoạt động từ quản trị nhân sự, điều hợp các cơ quan khác nhau đặc trách lãnh vực an ninh và hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa cắt giảm phần đóng góp của Mỹ từ ngân sách hoạt động cho đến các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Theo vị tổng thống doanh nhân này thì cơ quan quốc tế có hai căn bệnh trầm kha : Một là quản lý kém và hai là bộ máy điều hành thiếu hiệu năng, tiền chi ra thì nhiều mà hiệu quả chẳng bao nhiêu.
Theo AFP, 130 nước ký vào tuyên bố chính trị 10 điểm cam kết làm cho Liên Hiệp Quốc có hiệu năng cao và hiệu quả tốt.
Donald Trump dường như bỏ qua lời lẽ phê phán trịch thượng coi Liên Hiệp Quốc là một "câu lạc bộ giải lao". Một ngày trước khi đọc thông điệp ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ ca ngợi và ủng hộ "những mục tiêu chân thành và cao thượng" nền tảng của Liên Hiệp Quốc. Sau đó ông mới định bệnh "do thiếu hiệu năng và do tình trạng quan liêu" cho nên dù ngân sách tăng 140%, dù nhân lực tăng gắp đôi từ năm 2000, Liên Hiệp Quốc không đem lại kết quả như mong muốn.
Chủ nhân Nhà Trắng đề nghị tập trung vào nạn nhân cần được cứu trợ hơn là bổ sung nhân sự. Trong phần trình bày dự án cải cách Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ cho biết là muốn giảm phần đóng góp "quá cao" của Mỹ để "không một thành viên nào bị thiệt thòi khi đứng ra gánh vác trách nhiệm quân sự hay tài chính".
Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp cao nhất cho Liên Hiệp Quốc bỏ xa Trung Quốc và Nga cũng như Anh, Pháp, Đức, Nhật. Một mình Washington cung cấp 28,5% trong số 7,3 tỷ đôla chi phí cho các chiến dịch quốc tế và 22% trong số 5,4 tỷ cho ngân sách hoạt động.
Sự kiện bản tuyên bố do Washington soạn thảo không nói rõ là sẽ cắt giảm bao nhiêu mà chỉ đề cập đến nguyên tắc tiết kiệm là một chiến thuật khôn khéo, vận động được sự đồng thuận của các nước ký kết và của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Chiến thuật này cho phép hóa giải xung khắc giữa chính quyền Trump và Liên Hiệp Quốc, thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau "với giá thấp" theo nhận định của tổng thư ký Guterres. Nhất cử lưỡng tiện, tổng thống Mỹ có thể chứng minh với cử tri bảo thủ là ông đã thành công buộc Liên Hiệp Quốc giảm chi để bớt gánh nặng tài chính cho công dân Mỹ.
Trên thực tế, theo một nhà ngoại giao Tây phương, Hoa Kỳ thực tâm không muốn giảm nhiều phần đóng góp vì như thế sẽ giảm ảnh hưởng đối với Trung Quốc trong thế trận đa cực. Giải pháp tối ưu là thương lượng nâng cao mức trần đóng góp của tất cả 193 thành viên.
Tú Anh