Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc lại cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine
Trong báo cáo trình bày trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve, Thụy Sĩ, ngày hôm qua, 25/09/2023, các chuyên gia độc lập thuộc Ủy ban điều tra lại cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Hơn một năm rưỡi sau khi bắt đầu cuộc xung đột, quân đội Nga tiếp tục thực hiện các hành vi tội ác. Từ "diệt chủng" thậm chí còn được nhắc tới, nhưng cho đến lúc này, các nhà điều tra vẫn rất thận trọng về cáo buộc này.
Chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập quốc tế về Ukraine, Erik Mose (G), trong cuộc họp báo công bố báo cáo điều tra tội ác chiến tranh của Nga, tại trụ sở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Geneve, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2023. AP - Martial Trezzini
Từ Geneva, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :
Các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến những khu vực đã và đang bị lực lượng Nga chiếm đóng. Đáng chú ý là Kherson và Zaporijia. Ở đó, tất cả những ai bị cáo buộc là chỉ điểm cho quân đội Ukraine đều bị tra tấn. Có thể bị tra tấn đến chết. Các nhà điều tra cũng đề cập đến nhiều vụ cưỡng hiếp phụ nữ, có người trên 80 tuổi, ngay trước mặt gia đình họ. Có lẽ, những tội ác chiến tranh này diễn ra trong khuôn khổ một cuộc diệt chủng.
Erik Møse, chủ tịch ủy ban điều tra, thừa nhận rằng vấn đề vẫn chưa được làm rõ ràng : "Chúng tôi nghi vấn nhiều yếu tố. Có những lời kích động diệt chủng được tuyên truyền bởi một số phương tiện truyền thông Nga. Cũng có việc cưỡng bức trẻ em sang Nga. Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng đó là các vi phạm những chuẩn mực quốc tế. Nhưng liệu đây có phải là yếu tố cấu thành tội diệt chủng không ? Chúng tôi vẫn tiếp tục điều tra".
Nếu như các nhà điều tra không che giấu việc lực lượng Ukraine cũng vi phạm nhân quyền - đặc biệt là chống lại các lực lượng vũ trang của đối phương, họ nói ngay là số các vụ vi phạm thấp hơn rất nhiều so với quân đội Nga. Và theo ủy ban điều tra, chiến tranh càng kéo dài, thì sự chênh lệnh này càng lớn.
Hôm qua, 25/09, Nga ra lệnh truy nã chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) vì đã ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên phụ trách nhân quyền trẻ em của Nga, bà Maria Lvova Belova, hồi tháng 3 năm ngoái. CPI cáo buộc hai người này phạm tội ác chống nhân loại vì đã cưỡng bức trẻ em Ukraine sang Nga.
Thanh Hiếu
Mỹ đặt công ty Wagner của Nga trong các tổ chức tội phạm quốc tế
Thùy Dương, RFI, 21/01/2023
Sau khi thông tin công ty lính đánh thuê Wagner được Nga công nhận tư cách pháp nhân và được phép tuyển quân tại các nhà tù ở Nga được loan báo, hôm 20/01/2023 Mỹ xếp Wagner vào danh sách các tổ chức tội phạm quốc tế.
Cố vấn An ninh Mỹ trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 20/03/2023, trong đó ông thông báo xếp Wagner là tổ chức tội phạm quốc tế. AP - Evan Vucci
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby, phát biểu với báo giới : "Wagner là một tổ chức tội phạm thực hiện nhiều hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền". Theo AFP, John Kirby cũng khẳng định Washington sẽ sớm áp dụng các biện pháp trừng phạt khác nhắm vào công ty bán quân sự Wagner.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm chi tiết :
"Quyết định này đã đặt nhóm Wagner ngang ang với mafia hoặc bất kỳ thực thể tội phạm có tổ chức nào khác. Đó là bởi vì công ty do Evgueni Prigojine đứng đầu, hành động giống kiểu như vậy. Vì thế, theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, nhóm này sẽ bị đối xử theo cùng cách. Ông nói : "Wagner là một tổ chức tội phạm đã tiến hành nhiều tội ác tàn bạo và vi phạm nhân quyền. Và chúng tôi sẽ làm việc không mệt mỏi để xác định, cản trở, vạch trần và nhắm vào những ai giúp đỡ Wagner".
Theo ông John Kirby, tại Bakhmout và Soledar, theo đúng nghĩa đen, nhóm Wagner đã quẳng nhiều người vào một cỗ máy xay thịt thực thụ nhằm chiếm lấy những thị trấn, vốn dĩ đã trở thành các biểu tượng. Phải nói rằng dĩ nhiên là Wagner không quan tâm đến tất cả người của họ.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói tiếp : "Chúng tôi vẫn nghĩ rằng Wagner hiện có 50.000 người ở Ukraine, gồm 10.000 nhân viên và 40.000 người bị kết án. Thông tin của chúng tôi cho thấy bộ quốc phòng Nga có những ngần ngai về các phương pháp chiêu mộ của Wagner. Thế nhưng, chúng tôi tin rằng có nhiều khả năng Wagner sẽ tiếp tục chiêu mộ từ các nhà tù tại Nga".
Tình báo Mỹ ghi nhận có những căng thẳng ngày càng tăng giữa quân đội Nga và tổ chức bán quân sự. Wagner bị Mỹ tố cáo đang bảo vệ lợi ích của Nga. Hồi đầu tuần này, điện Kremlin đã bác bỏ thông tin nói trên và phát ngôn viên điện Kremlin đã tố cáo đó là trò xảo trá".
Thùy Dương
**********************
Chủ tịch Liên Âu : Phải truy tố Nga phạm "tội ác chiến tranh" khi oanh kích nhà dân ở Dnipro Ukraine
Thùy Dương, RFI, 17/01/2023
Cướp đi mạng sống của 40 người và làm 75 người bị thương, vụ tấn công của quân Nga nhắm vào một tòa nhà dân cư tại Dnipro, Ukraine, là một trong những vụ oanh kích tang thương nhất từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Thụy Điển, chủ tịch luân phiên Liên Âu hôm 16/01/2023 tố cáo Nga phạm "tội ác chiến tranh" và tuyên bố các thủ phạm phải bị truy tố.
Một phụ nữ đang phát lương thực và đồ cứu trợ khác cho người dân ở khu nhà bị Nga oanh kích, Dnipro, Ukraine, ngfay 16/01/2023. Reuters - CLODAGH KILCOYNE
Trong khi đó, phát biểu tại La Haye, Hà Lan, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 16/01 cho biết bà ủng hộ việc thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh "một cuộc chiến tranh xâm lược không thể không bị trừng phạt". Còn tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu ý vụ oanh kích tòa nhà dân sự ở Dnipro là một ví dụ mới minh họa cho hành động vi phạm luật chiến tranh.
Nhìn sang Moskva, phải 2 ngày sau vụ oanh kích Dnipro, điện Kremlin mới đưa ra phản ứng. Và vẫn theo thường lệ, Moskva chối bỏ trách nhiệm. Theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin Peskov khẳng định : "Các lực lượng vũ trang Nga không oanh kích các tòa nhà dân sự và các cơ sở hạ tầng dân sự, mà pháo kích các mục tiêu quân sự". Về phía tổng thống Nga, hôm qua, khi điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Vladimir Putin chỉ trích việc phương Tây cung cấp ngày càng nhiều vũ khí cho Kiev.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ thăm Ukraine
Cũng trong ngày thứ Hai, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến Kiev. Trong thông cáo, phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã gặp ông Zelensky và các quan chức cấp cao của Ukraine để "tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và vững chắc của Mỹ dành cho Ukraine và việc Ukraine phòng thủ trước sự gây gấn vô cớ của Nga".
Bà Sherman và phái đoàn Mỹ cũng có cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng Ukraine, Oleksiy Reznikov, để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine củng cố hệ thống an ninh, kinh tế và phát triển quan hệ đối tác thương mại song phương lâu dài.
Thùy Dương
Amnesty International hôm nay 29/05/2019 tố cáo : Quân đội Miến Điện đã phạm các "tội ác chiến tranh", "hành quyết không thông qua xét xử" và "tra tấn" đối với một nhóm quân nhân nổi dậy ở bang Rakhine.
Một chục người Rohingya bị bắt, tay bị trói, dưới sự canh gác của lực lượng an ninh Miến Điện, tại làng Inn Din, bang Rakhine, ngày 02/09/2017-Handout via Reuters
Báo cáo của Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế) dựa trên nhiều lời chứng của các nhóm thiểu số khác nhau, những hình ảnh, video và ảnh chụp từ vệ tinh, cho thấy có bảy vụ người Rakhine bị quân đội tấn công làm 14 thường dân thiệt mạng. Tổ chức quốc tế này cũng tố cáo chính quyền của bà Aung San Suu Kyi im lặng trước hiện trạng, và không cho đưa thuốc men, thực phẩm cứu trợ vào khu vực.
Trong khi đó, cảnh sát Miến Điện tối qua ban hành lệnh truy nã nhà sư cực đoan Wirathu, nhưng ông này hôm nay đã biến mất. Từ Rangoun, thông tín viên Sarah Bakaloglou cho biết thêm chi tiết :
"Nhân vật được tạp chí Time mệnh danh là "khuôn mặt của khủng bố Phật giáo" có nguy cơ lãnh án ba năm tù giam. Nhà sư cực đoan Wirathu bị truy nã vì tội kích động hận thù và phản đối Nhà nước.
Từ nhiều tuần qua, chính quyền tìm cách truy tố nhà sư dân tộc chủ nghĩa, nổi tiếng với các bài diễn văn đầy thù hận đối với thiểu số người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện. Bị Facebook đóng tài khoản mang tên chính thức, ông ta còn bị cấm phát biểu công khai tại Miến Điện trong vòng một năm.
Những tháng gần đây, Wirathu tham gia những cuộc biểu tình, chủ yếu tại thành phố Rangoon, với giọng điệu mang tính chính trị nhiều hơn. Nhà sư chống đối mọi sự sửa đổi bản Hiến pháp 2008 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi mong muốn, trong đó quân đội được trao cho quyền lực lớn. Wirathu kêu gọi phải kính trọng các quân nhân là dân biểu Quốc hội. Theo ông, chính phủ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) cần phải thay đổi thái độ, vì không mang tính dân chủ.
Những từ ngữ này có thể là nguyên nhân khiến Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và chính quyền dân sự muốn trấn áp nhà sư cực đoan, và phải thật nhanh chóng hành động, vì cuộc bầu cử tại Miến Điện dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2020."
Thụy My
Cách nay tròn đúng 50 năm, vào thời điểm Tết Nguyên Đán Mậu Thân, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký thỏa thuận ngừng bắn 36 giờ đồng hồ để cho dân chúng đón tết cổ truyền. Thế nhưng Quân đội Bắc Việt, dưới danh nghĩa Mặt trận Giải phóng miền Nam đã đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm thị xã miền Nam Việt Nam. Thời điểm cuộc tấn công diễn ra vào lúc giao thừa và hàng ngàn người dân bị thiệt mạng, trong đó cuộc thảm sát ở Huế vẫn là vết thương chưa lành.
Hai cựu phóng viên của UPI, Ký giả Dan Southerland và Ký giả Bob Kaylor tại văn phòng Đài RFA tháng 01/2018. RFA
Cựu Tổng biên tập đài RFA, Ký giả Dan Southerland và Ký giả Bob Kaylor, cả hai vị đều là cựu phóng viên của hãng thông tấn UPI, chia sẻ nhân dịp đánh dấu 50 năm biến cố lịch thảm sát Mậu Thân.
Hòa Ái : Xin chào hai Ký giả Dan Southerland và Bob Kaylor. Tôi được biết hai vị đã có mặt ở Việt Nam trong thời điểm biến cố Tết Mậu Thân xảy ra hồi năm 1968. Bây giờ đã 50 năm trôi qua, khi nhắc đến biến cố này, điều gì khiến cho hai vị nhớ nhất ?
Bob Kaylor : Tôi đã ở Nha Trang trong lúc xảy ra cuộc tấn công, một đêm trước khi bắt đầu ở Sài Gòn. Quân đội Bắc Việt và Việt Cộng tấn công 5 đồn cảnh sát khác nhau trong thành phố và vanh đai của Nha Trang. Đây là một vụ lớn. Nhưng ngay lúc đó tôi không lường được vụ tấn công này lớn đến mức độ nào, bởi vì nó diễn ra ở Nha Trang và vào đêm sau đó, diễn ra ở Sài Gòn và nhiều nơi khác ở Việt Nam. Cho nên mọi thứ thật sự bị quá sức vì quá nhiều người tấn công vào nhiều nơi. Đối với giới báo chí, chúng tôi cho là có thể dẫn đến một trận đánh lớn cần phải quan tâm.
Hòa Ái : Thưa Ký giả Dan Southerland, qua chia sẻ của ông với khán thính giả RFA nhân dịp 40 năm cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, tôi nhớ ông đã ở Sài Gòn khi biến cố Tết Mậu Thân xảy ra. Những hình ảnh nào của biến cố này đọng lại trong hồi ức của ông ?
Dan Southerland : Tôi thức dậy vào sáng ngày 30 tháng Giêng, tôi nghe như là tiếng pháo nổ, người ta đốt để đón Tết. Khi tôi nhận ra tôi tiếng súng liên thanh nổ, thì tôi thật cẩn thận trên đường đến văn phòng để đưa tin về cuộc tấn công. Tôi vừa kết hôn nên tôi chọn công tác ở Sài Gòn vì tôi cho rằng đây là một nơi an toàn. Nhưng ngay lúc đó, tôi nhanh chóng nhận ra Sài Gòn không còn an toàn nữa.
Hòa Ái : Tôi được biết Ký giả Dan Southerland lúc đó còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học ngành báo chí được vài năm. Những gì ông chứng kiến trong biến cố Tết Mậu Thân tác động đến nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống của ông như thế nào ?
Dan Southerland : Tôi nhận thấy đây chính là công việc mà tôi muốn làm, cuộc tấn công này là một dịp để tôi thực hiện nghề nghiệp làm báo của mình. Và, tôi cũng nhận ra tôi không thể chỉ ngồi đợi ở Sài Gòn để chờ xem chuyện gì xảy ra, nên tôi tình nguyện đi ra khỏi thành phố Sài Gòn và tôi đã chứng những tổn thất của cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Tôi đã học được nhiều bài học từ biến cố này.
Hòa Ái : Thưa Ký giả Bob Kaylor, ông có còn nhớ phản ứng của chính giới và dân chúng Hoa Kỳ ra sao khi UPI và các cơ quan báo chí nước ngoài khác, đặt tại Việt Nam loan tin về biến cố tết Mậu Thân, đặc biệt về các cuộc thảm sát tại Huế, thưa ông ?
Bob Kaylor : Tôi là người đang có mặt tại hiện trường và là một trong những người tích cực đưa nhiều tin tức về cuộc tấn công, nên tôi không có chú ý đến thế giới và nước Mỹ phản ứng như thế nào. Nhưng tôi tập trung đưa tin về những trận đánh và tôi còn nhớ những bản tin liên quan đến các cuộc hành quyết mà mãi mấy tuần sau mới biết được. Có những câu chuyện được kể lại quân đội Cộng sản vào trong thành phố, đi đến từng nhà ghi tên từng người và bắt họ đi, rồi họ bị mất tích luôn vào thời điểm đó. Không ai biết việc gì đã xảy ra với những người này. Sau cuộc tấn công nhiều tuần lễ, những hố chôn tập thể được khám phá và các cuộc thảm sát ghê rợn mới được phơi bày.
Hòa Ái : 50 năm biến cố Mậu Thân đã trôi qua, báo chí Việt Nam đưa tin về một sự kiện các cựu chiến binh giao lưu với học sinh ở một trường trung học cơ sở, tại phường Đa Kao, Sài Gòn hồi hạ tuần tháng 12 năm 2017. Tại cuộc gặp gỡ đó, một cựu chiến binh đã nói với học sinh rằng "giết kẻ địch trong chiến tranh không phải là tội ác", nhưng người cựu chiến binh này cũng nhấn mạnh việc giết người vô tội như Pol Pot đã làm ở Campuchia là tội ác chiến tranh. Thưa ký giả Dan Southerland, những người dân thường ở Huế bị giết hại trong biến cố Mậu Thân lên đến con số hàng ngàn người, mà lịch sử ghi chép do quân đội Bắc Việt gây ra, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em, ông có cho rằng các cuộc thảm sát này là tội ác chiến tranh hay không ?
Dan Southerland : Vâng. Tôi nghĩ có thể xem đây là tội ác chiến tranh. Các cuộc thảm sát đó thực sự là khủng khiếp. Chúng ta không thể biết được con số thật sự bao nhiêu người đã biệt giết. Các ngôi mồ tập thể chứa khoảng từ 2800 đến 3000 nạn nhân. Như Ký giả Bob Kaylor đã kể thì không ai có thể biết con số cụ thể bao nhiêu người bị mất tích, nên số liệu người bị sát hại có thể cao hơn. Rất nhiều người bị mất tích.
Hòa Ái : Cũng vào cuối tháng 12 năm 2017, truyền thông Việt Nam đăng bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân 50 năm tổng tiến công Mậu Thân 1968, khẳng định cuộc tổng tiến công có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, dẫn đến đàm phán tại Hội nghị Paris để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thưa Ký giả Bob Kaylor, là nhân chứng lịch sử và là một nhà báo, ông ghi nhận một cách tổng quát cuộc tổng tiến công Mậu Thân của quân đội Bắc Việt như thế nào ?
Bob Kaylor : Chúng tôi đã không biết được tầm ảnh hưởng của cuộc tấn công Mậu Thân cho đến một thời gian sau khi nó xảy ra. Thật sự các cuộc tấn công xảy ra ở Việt Nam đều do quân đội Cộng sản thực hiện và chiến thắng thuộc về họ. Nhưng trong các trận đánh, lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ cho thấy quân đội Cộng sản bị tổn thất nặng nề. Theo cách nói của quân đội thì đó không phải chiến thắng vang dội. Nhiều năm sau nữa, tôi được gặp một ông Đại tá của Mỹ, người có liên hệ trong cuộc đàm phán đình chiến và ông đã kể lại cho tôi nghe những gì ông bàn thảo với đối tác, là một Đại tá của quân đội Bắc Việt. Trong ngày hai ông đại tá gặp nhau, Ông Đại tá Mỹ đã nói rằng "Các anh không bao giờ thắng chúng tôi trên trận chiến được". Ông Đại tá của quân đội Bắc Việt nhìn vào mắt của ông Đại tá Mỹ và nói "Điều đó không liên quan gì cả". Ông Đại tá Mỹ nói với tôi là sau đó ông nhận ra lời của ông Đại tá Bắc Việt nói đúng vì quân số của quân đội Bắc Việt bị tổn thất, nhưng trong thời gian dài họ thắng về mặt tâm lý và đã dẫn đến thế giới thay đổi quan điểm về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Hòa Ái : Chúng tôi cũng được dịp trao đổi với một số gia đình có thân nhân là nạn nhân bị giết hại trong biến cố Mậu Thân. Nỗi sợ hãi và ám ảnh vẫn còn nguyên vẹn dù đã 50 năm trôi qua. Hai vị nghĩ rằng Nhà nước Việt Nam nên làm gì đối với những gia đình này để nỗi đau mất mát phần nào được xoa dịu ?
Dan Southerland : Tôi nghĩ đó là ý tưởng hay. Nhưng tôi không nghĩ Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện điều đó. Họ không phải là những người tốt đang điều hành quốc gia. Tôi nghi ngại họ sẽ không làm như vậy. Bởi vì, nếu họ làm thì sẽ rất tuyệt vời. Đã quá trễ để làm việc này đối với những người có liên quan trong biến cố Mậu Thân, cách đây 50 năm.
Tôi muốn thêm vào nhận định của Ký giả Bob Kaylor về biến cố Mậu Thân. Tôi nghĩ một trong những thất bại lớn nhất của biến cố này là quân đội Bắc Việt chú trọng vào việc kích động hoặc làm cho lớn chuyện lên. Họ nghĩ rằng sẽ được dân chúng hỗ trợ khi vào đến các thành phố, trị trấn, làng ấp, nhưng họ đã thất bại vì thực tế không phải như vậy. Đây là một khía cạnh quan trọng.
Điều thứ hai quan trọng nữa là họ muốn hủy diệt lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Các quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa được về nhà đón Tết trong thời gian ngưng bắn, nhưng quân đội Bắc Việt đã vi phạm thỏa hiệp ngưng bắn đó. Tôi đã đến Bến Tre, một nơi bị tàn phá nặng nề sau cuộc tấn công Mậu Thân. Tôi thẩn thờ trước cái chết của hàng ngàn thường dân, đã bị giết trong thời gian ngưng bắn. Quân số của quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào thời gian nghỉ Tết Mậu Thân có lẽ chỉ còn 1/6, và họ đã chiến đấu để chống trả lực lượng tấn công của đối phương.
Tướng Westmoreland, Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam báo cáo đã thắng trận Mậu Thân. Tuy nhiên, Tổng thống Johnson lúc bấy giờ bị sốc khi xem được hình ảnh Việt Cộng tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ. Truyền thông Hoa Kỳ đưa tin cuộc chiến ở Việt Nam bị sa lầy và phong trào kêu gọi rút quân. Tổng thống Johnson đã ra lệnh ngưng bỏ bom ở miền Bắc và kêu gọi Bắc Việt ngồi vào bàn Hội nghị Paris.
Bob Kaylor : Như Ký giả Dan Southerland đã trình bày, thì người dân Mỹ đã quá mệt mỏi với các thông tin về người thân chiến đấu và bị mất mạng ở Việt Nam. Họ không thấy được lối thoát cho cuộc chiến này. Họ không muốn các chính trị gia tiếp tục hỗ trợ cho cuộc chiến tranh Việt Nam nữa và những lời kêu gọi của họ cuối cùng đã dẫn đến quyết định chấm dứt chiến tranh.
Hòa Ái : Xin được cảm ơn Ký giả Dan Southerland và Ký giả Bob Kaylor dành thời gian cho cuộc phỏng vấn với RFA nhân dịp 50 năm biến cố Mậu Thân.
Hòa Ái thực hiện
Nguồn : RFA, 30/01/2018