Sau khi quân Mỹ chiếm được Kabul, tháng 11 năm 2001, giáo sĩ Muhammad Omar lãnh tụ Taliban đang ở Kandahar, liên lạc với Hamid Karzai, người sắp được Mỹ đưa lên làm tổng thống lâm thời. Omar xin đầu hàng. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld tuyên bố không chấp nhận.
Quân đội Mỹ hướng dẫn di tản tại phi trường Hamid Karzai, Kabul, 24 tháng Tám (US Air Force photo)
Muhammad Omar chạy qua Pakistan rồi chết năm 2013. Donald H. Rumsfeld mới qua đời ngày 29 tháng Sáu năm 2021. Ngày 15 tháng Tám quân Taliban trở lại chiếm thủ đô Kabul. Vai trò ở Afghanistan đã đảo ngược, bây giờ Mỹ cần Taliban hơn là Taliban cần Mỹ.
Ngày 22 tháng Tám, giám đốc Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) William Burns phải tìm gặp Abdul Ghani Baradar, người đại diện cho Taliban thương thuyết với chính phủ Mỹ từ năm 2018. Cuộc gặp gỡ bí mật, có lẽ để yêu cầu họ giúp cho dân Mỹ và các nước NATO có thể đến phi trường Kabul nhanh chóng hơn, trước kỳ hạn 31 tháng Tám. Hai ngày sau, phát ngôn viên Zabihullah Myjahid của Taliban tuyên bố Mỹ có đủ khả năng đưa hết người của mình ra đi trước ngày hẹn. Cùng lúc đó, ông Joe Biden nói với các nước đồng minh G-7 rằng cuộc rút lui sẽ giữ đúng hẹn, dù chính phủ Anh và Đức, lo lắng cho kiều dân của họ, đang muốn Mỹ trì hoãn.
Cả thế giới kinh ngạc trước cảnh sụp đổ của một chính quyền Afghanistan được Mỹ xây dựng và hỗ trợ gần 20 năm. Uy tín của nước Mỹ sụp đổ không khác gì sau thất bại ở Việt Nam.
Những người Hồi giáo cực đoan khắp nơi sẽ nức lòng. Các nước đối nghịch, Nga, Trung Quốc, Iran được cơ hội lấp vào chỗ trống Mỹ để lại trong vùng Trung Đông và Trung Á.
Các nước đồng minh cảm thấy người Mỹ chỉ lo cho chính mình theo chủ trương "Mỹ trước hết". sẵn sàng bỏ rơi bè bạn. Armin Laschet, người có thể sẽ làm thủ tướng Đức kế vị bà Merkel, nói thẳng, "Đây là vụ thất bại lớn nhất của khối NATO kể từ khi thành lập". Tom Tugendhat, một dân biểu Anh đã từng chiến đấu ở Afghanistan, đề nghị Anh phải tăng cường hợp tác với các nước Châu Âu để không tùy thuộc vào một ông tổng thống Mỹ nào cả. Nirupama Rao, cựu nhân viên ngoại giao Ấn Độ thấy trong vùng này nước Mỹ không còn được tin tưởng nữa. Thủ tướng Pakistan, Imran Khan, còn ca ngợi Taliban đã phá vỡ những "xiềng xích nô lệ" cho dân Afghanistan.
Mỹ đã nhiều lần khiến các đồng minh thất vọng như vậy. Các nước Châu Âu bất bình khi Tổng thống Barack Obama không muốn can thiệp vào cuộc nội chiến ở Libya năm 2011 ; và năm 2013 không trừng phạt khi Syria vẫn dùng vũ khí hóa học, như đã đe dọa. Năm 2019, các đồng minh Á Rập thấy Tổng thống Donald Trump phản ứng quá yếu ớt khi không ném bom trả đũa vụ Iran phá nhà máy lọc dầu của Saudi. Cuộc rút quân vội vàng và hỗn độn của Tổng thống Joe Biden cho thấy cảnh nước Mỹ lúng túng, bất lực, tất cả đã bắt nguồn từ những chiến lược bất nhất trong bốn đời tổng thống.
Nhưng Afghanistan không phải là nơi mang quyền lợi thiết yếu của nước Mỹ. Rút khỏi Afghanistan, Mỹ có thể chú tâm đến các vùng sinh tử hơn.
Nghĩ đến cùng, các đồng minh vẫn không thay thế được vai trò của Mỹ. Giáo sư Michael Fullilove, đứng đầu viện nghiên cứu Lowy Institute ở Sydney thú nhận vụ Afghanistan "không thay đổi những tính toán của Australia". Nước Nhật có lo lắng bị Mỹ bỏ rơi như Afghanistan không, một viên chức cao cấp trả lời : "Không ! Vì Nhật khác Afghanistan !". Nam Hàn, nhất là Đài Loan, chắc cũng nghĩ như vậy, mặc dù Bắc Kinh tìm đủ cách nói ngược lại.
Trung Quốc đồng ý với Tổng thống Trump khi ông kết án ông Biden làm cho người Trung Quốc tha hồ chế nhạo nước Mỹ. Dân trên mạng trong lục địa khuyên nhau : "Nếu bạn chán đời thấy mình không làm được gì nên hồn, thì... hãy nhớ lại rằng bốn đời tổng thống Mỹ tiêu hàng ngàn tỷ đô la, mất mấy ngàn người trong 20 năm… lật đổ Taliban chỉ để thay bằng Taliban !". Chủ bút Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times 环球时报) ở Bắc Kinh, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin, 胡锡进) viết, "Sau khi chế độ ở Kabul sụp đổ, chính quyền Đài Loan đang run sợ ! Thôi đừng trông cậy được Mỹ bảo vệ nữa !". Dân và chính phủ Đài Loan tỏ ra không hề nao núng !
Điều làm Bắc Kinh hãnh diện nhất là quân Taliban đã theo đúng sách lược Mao Trạch Đông : "Dùng nông thôn bao vây thành thị". Trong 19 năm, quân Taliban chỉ chiếm một thành phố Kunduz một lần, rồi bỏ đi. Nhờ tuyên truyền và du kích chiến, cuối cùng đánh một đòn chí tử : Bắt đầu ở Zaranj ngày 6 tháng Tám, ngày 15 chiếm Kabul. Nhanh hơn thời hạn Mao Trạch Đông chiếm Bắc Kinh.
Taliban làm chủ nước Afghanistan thay đổi bàn cờ vùng Trung Á. Trong 20 năm họ đã tuyển mộ được những người Hồi giáo cực đoan, những quân tình nguyện từ vùng Chechnya, nước Nga và Tân Cương, Trung Quốc và Phong trào Hồi giáo Đông Turkmenistan. Tổng thống Vladimir Putin đã báo động "quân khủng bố" đang theo các dân tị nạn chạy qua các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ để chuẩn bị xâm nhập Nga. Trung Quốc đã yêu cầu Taliban không để cho các chiến binh gốc Uyghur quay trở về Tân Cương.
Trung Quốc đã có thứ vũ khí khác, theo kinh nghiệm dùng tiền để mua chuộc các nước trên "Một vòng đai, Một con đường". Phát ngôn viên ngoại giao Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên,赵立坚) hứa hẹn Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các kế hoạch tái thiết kinh tế, xã hội cho Afghanistan.
Nhưng Taliban, theo đúng tên gọi, là những "chủng sinh" xuất thân từ các trường đạo Hồi giáo (madrasah) ở Pakistan. Thời 1990 các sinh viên này được Osama bin Laden tài trợ tổ chức kháng chiến chống quân Nga. Họ quan tâm đến lý tưởng tôn giáo hơn là kinh tế. Taliban có chịu bỏ rơi những người đồng đạo ở Chechnya, Tân Cương để mở đường xe lửa hay khai thác "khoáng chất hiếm" (rare earth) hay không ?
Cũng như các ông tổng thống Mỹ không hiểu xứ Afghanistan thế nào, Putin và Tập Cận Bình không thể đoán Taliban sẽ hành động ra sao.
Đoán vận mệnh nước Mỹ rất khó. Sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, trong 15 năm, chế độ cộng sản sụp đổ ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Trong 20 năm kế tiếp, Mỹ đưa kinh tế cả thế giới tiến từ thời kỳ dầu lửa sang thời kỳ chất bán dẫn ; thông tin và tri thức trở thành động lực phát triển thay vì năng lượng và nguyên liệu. Sau 40 năm, chế độ cộng sản Việt Nam chỉ muốn kết thân với Mỹ để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.
Cuối cùng, sức mạnh của nước Mỹ dựa vào khả năng vận dụng các nguồn lực kinh tế tiến tới mãi không ngừng. Thể chế chính trị trông từ bên ngoài chỉ thấy tranh chấp và chia rẽ, nhưng ở bên trong đã tạo cơ duyên cho óc sáng tạo cạnh tranh, thi đua không ngừng, được luật pháp bảo đảm.
Cơn đại dịch Covid-19 làm người Mỹ chết nhiều nhất thế giới. Giữa lúc đó, một cuộc bỏ phiếu chia dân Mỹ thành hai phe kình chống nhau kịch liệt. Nhưng các công ty Mỹ vẫn sản xuất các loại vaccine mà cả thế giới muốn được cung cấp. Người điều khiển những công ty đó đều là di dân từ nước khác đến Mỹ. Sau cơn bệnh dịch, Mỹ sẽ hồi phục để kéo kinh tế thế giới lên theo. Các nước vẫn tranh nhau bán hàng cho Mỹ khiến cho cước phí chuyên chở một "công" (container) từ bờ Tây Thái Bình Dương qua Mỹ đắt gấp đôi giá đưa qua Châu Âu.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 25/08/2021
Pháp - Mỹ : Trump chỉ trích Macron về kế hoạch phòng vệ Châu Âu (RFI, 10/11/2018)
Đối thoại Pháp - Mỹ ngày 10/11/2018 dự trù có "nhiều sóng gió". Vừa đặt chân đến Paris chuẩn bị dự 100 năm kỷ niệm Hòa Ước kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích dự án thành lập liên minh quân sự Châu Âu. Đây là sáng kiến của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tại điện Eélysée, ngày 10/11/2018. Christophe Petit Tesson/via Reuters
Sau các hồ sơ thương mại, Iran hay khí hậu, dự án thành lập một lực lượng phòng thủ chung Châu Âu trở thành mối bất đồng mới giữa Washington và Paris. Trong tin nhắn trên Twitter ngày 09/10/2018 ông Trump trực tiếp nhắm vào tổng thống Pháp : "Tổng thống Macron đề nghị Châu Âu thành lập một lực lượng quân sự chống lại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga (...) Một sự sỉ nhục nhưng có lẽ trước hết Châu Âu cần đóng góp cho NATO, một tổ chức phần lớn do Mỹ tài trợ !"
Tổng thống Macron là người đề xuất dự án thành lập liên minh quân sự Châu Âu nhằm tăng cường khả năng can thiệp của Châu lục này trong bối cảnh đe dọa từ phía Nga ngày càng gia tăng, còn Hoa Kỳ thì lơ là với các đồng minh tây Âu và nhất là ông Trump không bỏ lỡ một cơ hội nào đòi các đối tác Châu Âu tăng các khoản đóng góp cho hòa bình và an ninh chung của thế giới.
Thông tín viên đài RFI từ Washington, Anne Corpet tường thuật :
"Kễ kỷ niệm một trăm năm kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến sẽ là một khoảnh khắc rất đẹp. Tổng thống Mỹ đã cho biết như trên trước khi lên lên đường sang Paris. Luôn thu hút mọi chú ý về mình, Donald Trump nói thêm : Các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ đến Paris và nhất là họ biết rằng nước Mỹ cũng sẽ hiện diện ở đó. Chủ nhân Nhà Trắng sẽ tham gia buổi tại Khải Hoàn Môn vào ngày 11 tháng 11 nhưng ông sẽ không dự Diễn Đàn Hòa Bình. Đây là nơi mà đối thoại đa phương là kim chỉ nam trong quan hệ quốc tế.
Donald Trump đánh cược trên tương quan lực lượng và ông thích áp đặt quan điểm trong các cuộc đối thoại song phương hơn là tìm kiếm đồng thuận với nhiều đối tác cùng một lúc.
Tổng thống Hoa Kỳ làm việc với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron vào sáng nay. Ngoài ra, Nhà Trắng không dự trù họp song phương với tổng thống Nga. Thế nhưng Donald Trump cho biết ông sẽ gặp Vladimir Putin trong bữa ăn trưa cùng với nhiều vị lãnh đạo khác.
Theo lời một quan chức Mỹ, sự hiện diện của tổng thống Trump tại Paris lần này nhằm nhắc nhở đến vai trò quan trọng của Washington đối với Châu Âu trong qua khức và ngày nay, Hoa Kỳ vẫn chiếm một vị trí quan trọng đối với hòa bình và an ninh của Châu Âu. Dù vậy chắc chắn là Donald Trump sẽ nhân cơ hội này nhắc lại với các đồng minh rằng bảo vệ Châu Âu đè nặng lên túi tiền của người dân Mỹ".
Thanh Hà
********************
Trump, Macron nhất trí về phòng thủ sau lùm xùm về đạo quân Châu Âu (VOA, 11/11/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Bảy nhất trí về việc Châu Âu cần chi tiêu nhiều hơn cho phòng thủ, khỏa lấp tình hình căng thẳng trước đó khi ông Trump lên Twitter mô tả lời kêu gọi của ông Macron cho một đạo quân Châu Âu là "rất xúc phạm".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong Điện Élysée, ngày 10 tháng 11, 2018
Gặp nhau để hội đàm tại Điện Élysée một ngày trước các hoạt động kỉ niệm đánh dấu 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc, ông Macron chào đón ông Trump tới Paris vào một ngày mưa. Ngồi trên ghế thếp vàng trong dinh tổng thống, ông Macron đặt tay lên đầu gối của ông Trump và gọi ông là "bạn tôi", trong khi ông Trump giữ khoảng cách xa hơn dù ông cũng nêu bật những điểm chung về một vấn đề mà trước đó đã gây nên xích mích.
"Chúng tôi muốn có một Châu Âu cường thịnh, điều đó rất quan trọng với chúng tôi, và bất cứ cách nào mà chúng tôi có thể làm điều đó tốt nhất và tiện lợi nhất sẽ là điều mà cả hai chúng tôi đều muốn", ông Trump nói.
"Chúng tôi muốn giúp Châu Âu nhưng phải công bằng. Hiện tại Mỹ chịu phần lớn gánh nặng".
Ông Macron nhắc lại ý đó, nói rằng ông muốn Châu Âu gánh thêm chi phí quốc phòng trong khối NATO, một luận điểm mà ông đã liên tục nêu ra kể từ khi nhậm chức, cùng với tham vọng của ông là Châu Âu có năng lực quân sự của riêng mình.
"Đó là lí do tại sao tôi tin rằng các đề xuất của tôi cho phòng thủ của Châu Âu là hoàn toàn nhất quán với điều đó", ông Macron nói bằng tiếng Anh.
Chuyến thăm của ông Trump nhằm mục tiêu củng cố liên minh Mỹ-Âu vào một thời điểm mang tính biểu tượng trong khi thế giới đánh dấu kỉ niệm một trăm năm Thế chiến thứ nhất kết thúc.
Nhưng trong một dòng tweet trước khi hạ cánh tại Paris, ông Trump tỏ ra bực bội về những bình luận mà ông Macron đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1 trong tuần này, trong đó ông dường như mô tả Mỹ là một mối đe dọa.
Bàn về những nguy cơ ngày càng lớn từ tấn công tin tặc, can thiệp vào các tiến trình bầu cử và quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp ước phi đạn, ông Macron nói Châu Âu cần phải tự vệ trước Trung Quốc, Nga "và thậm chí cả Mỹ nữa".
Sau đó trong cuộc phỏng vấn, ông nói về sự cần thiết của một đạo quân Châu Âu, nói rằng :
"Đối mặt với Nga, nước nằm sát biên giới của chúng ta và nước đã cho thấy họ có thể đe dọa... chúng ta cần một Châu Âu có thể tự vệ tốt hơn, mà không lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ".
Ông Trump, người đã hối thúc các đồng minh NATO chi nhiều tiền hơn cho phòng thủ chung và không dựa dẫm vào Mỹ, lên Twitter than phiền.
"Rất xúc phạm, nhưng có lẽ Châu Âu trước hết phải trả cho đủ phần của NATO mà Mỹ trợ cấp rất nhiều", ông Trump nói trên Twitter.
Điện Élysée nói sự hiểu lầm, điều mà họ nói là do các bản tin của báo chí Mỹ "phóng đại", đã được làm sáng tỏ trong hơn một giờ hội đàm mà họ mô tả là "đáng kể" và "rất có tính xây dựng".
"Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất tốt và chúng tôi đồng quan điểm", Điện Élysée dẫn lời ông Trump nói trong cuộc họp, bàn về thương mại, quốc phòng, Syria và hệ quả từ vụ sát hại nhà báo người Ả-rập Saudi Jamal Khashoggi ở Istanbul vào tháng trước.
********************
Tổng thống Pháp kêu gọi xây dựng 'Quân đội Âu châu' đối phó với Mỹ, Trung Quốc và Nga (BBC, 10/11/2018)
Trong cuộc phỏng vấn với kênh radio Europe 1 vào đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với tình hình quốc tế hiện nay, khi Mỹ rút khỏi một số hiệp ước quốc tế bao gồm hiệp định biến đổi khí hậu Paris và gần đây nhất là hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung năm 1987 với Nga, có nghĩa là Châu Âu cần phải tự bảo vệ bản thân.
Tổng thống Emmanuel Maccron ngồi đối diện ông Donald Trump tại Hội nghị G7 tại Canada hồi tháng 6.
"Chúng ta sẽ đang không bảo vệ người Châu Âu trừ khi chúng ta có một quân đội Âu Châu thực sự".
"Chúng ta cần một Châu Âu mà có thể tự bảo vệ chính mình, mà không cần phụ thuộc vào Hoa Kỳ, theo một cách có chủ quyền hơn".
Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ và có tiếng nói nhất về việc xây dựng quân đội u Châu nhưng nhiều quốc gia khác vẫn còn đang do dự về cách làm thế nào để các quốc gia Âu Châu có thể hợp tác mật thiết về quân sự.
Tuy nhiên, lời tuyên bố trên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có vẻ đã làm Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận.
Ông Trump đang trên đường sang Pháp để dự sự kiện kỷ niệm 100 năm kể từ Thế chiến thứ nhất kết thúc.
Ông Trump giận dữ đăng trên Twitter rằng :
"Tổng thống Macron của Pháp vừa đề nghị Châu Âu xây dựng quân đội riêng để bảo vệ nó khỏi Mỹ, Trung Quốc và Nga. Rất xúc phạm, nhưng có lẽ Châu Âu trước tiên nên trả khoản phí công bằng của nó vào Nato, vốn đã được Hoa Kỳ trợ cấp rất nhiều !".
Ông Trump trước đó đã kêu gọi các quốc gia Nato đóng góp tối thiểu 2% GDP vào chi phí liên minh nhưng chỉ một số thành viên đạt được cam kết này.
"Có phải Trump đang bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ ?"
Phóng viên Paul Adams đã đặt câu hỏi như vậy trên trang BBC News khi có tin Tổng thống Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.
Lãnh đạo Mỹ và Anh tại hội nghị NATO cuối tháng 5. Không rõ ông Trump ngủ gật hay nhắm mắt vì chói nắng
"NATO tạo ra bộ khung cho mối liên hệ mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương nên không thể nào hình dung được NATO không có Hoa Kỳ," Tổng thư ký Liên minh quân sự Jens Stoltenberg nói với đài CNBC.
Điều "không ai dám nghĩ đến sau Thế Chiến 2" là Hoa Kỳ bỏ vai trò lãnh đạo an ninh - quân sự Châu Âu, đã trở thành điều được nói ra công khai.
Các động thái liên tiếp của Tổng thống Donald Trump đang nêu chỉ dấu Hoa Kỳ không coi trọng các cam kết từ nhiều năm qua với những định chế quốc tế.
Với Châu Á, ông cũng bỏ Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), để cho một nước nhỏ như New Zealand quyết định phê chuẩn một mình và kêu gọi các nước từng cùng đàm phán "đi tiếp" bằng TPP mà không cần Mỹ.
Tỷ phú Donald Trump và con gái Ivanka
Tại Châu Âu, hôm 25/05, ông Trump không cam kết về Điều 5 Hiến chương NATO về "đồng thuận phòng phủ", coi mọi tấn công vào một thành viên là tấn công vào mọi thành viên NATO.
Sau đó, các quan chức Mỹ phải "thanh minh" rằng tổng thống nước họ vẫn mặn mà với NATO nhưng cảm giác đắng ngắt đã có ở đó.
Sau đây là một số ý kiến :
Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia thời Obama :
"Tác động cộng hưởng từ các chính sách của Trump, cộng với quyết định tai hại và ngu dốt về Thỏa thuận Paris, có nghĩa là Hoa Kỳ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu. Thật xấu hổ !"
G John Ikenberry, Giáo sư chính trị Đại học Princeton :
"Bản năng của Donald Trump là đi ngược lại các ý tưởng là xương sống cho hệ thống quốc tế sau Thế Chiến 2".
HR McMaster, cố vấn an ninh và Gary Cohnin, cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ :
"Nước Mỹ trên hết không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc (America First does not mean America alone)".
Lính NATO tập trận
Tuy thế, điều chắc chắn là trong con mắt của Donald Trump, thế giới không còn là "cộng đồng toàn cầu" (global community), mà đơn giản là sân khấu của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, của doanh nghiệp cùng giao lưu nhưng cũng cùng cạnh tranh để giành ưu thế, phóng viên BBC Paul Adams trích thuật các ý kiến.
Angela Merkel, Thủ tướng Đức :
"Người Châu Âu chúng ta nay thực sự cần phải tự quyết định số phận của mình".
"Chúng ta sống trong thời đại bất định toàn cầu...".
David Frum, tác giả nghiên cứu chính trị :
"Hoa Kỳ không còn là nước lãnh đạo các đối tác kính trọng mà trở thành thế lực bất trắc, nguy hiểm trong chính trị quốc tế, và cần được kiềm chế, nhắc nhở bởi một liên minh mới gồm các đồng minh cũ".