Thế giới tăng cường ứng phó với coronavirus mới (VOA, 22/01/2020)
Các quốc gia Châu Á và các nơi khác đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt tại các phi trường, nhà ga và dọc theo các xa lộ với hy vọng chặn được những người mang coronavirus mới, được biết là đã lây lan từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc và làm hơn 290 người nhiễm bệnh tại nước này. Việc xác nhận mới đây là bệnh này có thể lây lan từ người sang người đã làm gia tăng sợ hãi giữa lúc hàng triệu người Trung Quốc du hành trong mùa nghỉ Tết Âm lịch năm nay.
Hành khách được kiểm tra thân nhiệt tại Sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền nam Trung Quốc, ngày 21/1/2020.
Các biện pháp này nằm trong khuôn khổ của một nỗ lực sâu rộng nhằm ngăn ngừa sự lặp lại của đợt bùng phát bệnh SARS năm 2002-2003, cũng là một loại coronavirus khởi sự từ Trung Quốc và giết chết gần 800 người, làm tê liệt giao thông và làm tổn hại nền kinh tế các nước Châu Á.
Nhật Bản
Một trường hợp đã được phát hiện tại Nhật Bản, và Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu các giới chức tăng cường kiểm soát cách ly tại các phi trường và những cửa khẩu khác, với nhiều du khách từ Trung Quốc đến nhân dịp nghỉ Tết Âm lịch năm mới. Con số du khách Trung Quốc đã gia tăng đều đặn trong những năm gần đây, với hơn 9 triệu người trong năm ngoái. Nhật Bản sẽ yêu cầu du khách từ Vũ Hán đến phải điền vào các mẫu y tế, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói. Nhật Bản xác nhận bệnh nhân đầu tiên vào tuần trước, một người đàn ông khoảng 30 tuổi, thử nghiệm dương tính với coronavirus sau khi từ Vũ Hán trở về. Bộ Y tế, Lao động và An sinh cho biết đã lần ra được 41 người có tiếp xúc với bệnh nhân và đang theo dõi họ và nói thêm là không có người nào có triệu chứng sưng phổi.
Australia
Giới chức đầu ngành y tế Australia Brendan Murphy nói các chuyến bay từ Vũ Hán được các nhân viên an ninh sinh học và các giới chức y tế bang New South Wale kiểm tra. Các giới chức này cũng phân phát tờ rơi bằng tiếng Anh và tiếng Hoa cho các hành khách mô tả triệu chứng của bệnh và yêu cầu họ cho biết nếu có triệu chứng nào hay không. Các giới chức y tế Australia nói một người đàn ông được cách ly tại Brisbane vì mắc bệnh về đường hô hấp sau khi đến Vũ Hán nhưng hiện nay đã hồi phục.
Mỹ
Hoa Kỳ ngày 21/1 báo cáo một cư dân bang Washington đã bị nhiễm coronavirus mới. Đây là ca xác nhận đầu tiên tại Mỹ bị nhiễm virus ‘bí ẩn’ vốn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người và khiến hàng trăm người khác bị bệnh ở Châu Á.
Người đàn ông cư dân quận hạt Snohomish, bang Washington, có các triệu chứng bệnh sau khi trở về từ chuyến đi tới khu vực gần Vũ Hán, Trung Quốc, nơi bùng phát dịch.
Bệnh nhân tuần trước đã được nhập viện vì viêm phổi và đầu tuần này được xác nhận bị nhiễm coronavirus.
Mỹ đã bắt đầu kiểm tra hành khách trên những chuyến bay từ Vũ Hán đến Phi trường Quốc tế John F. Kennedy, Phi trường Quốc tế San Francisco và Phi trường Quốc tế Los Angeles là 3 cửa khẩu chính của Mỹ. Kiểm tra sơ khởi có thể liên hệ đến khoảng 5.000 hành khách, theo như Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh CDC. Trung tâm này cho biết đã phát triển một loại thử nghiệm để chẩn đoán coronavirus mới và sẽ chia sẻ với các đối tác trong nước và nước ngoài. "Tuy nhiên, căn cứ trên những tin tức hiện nay, những rủi ro vế sức khỏe ngay tức thì đối với công chúng Mỹ vào lúc này thì thấp. Tuy nhiên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đang có những biện pháp phòng ngừa cẩn thận," Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nói.
Hong Kong
Thành phố bán tự trị của Trung Quốc là một trong những điểm đến được ưa chuộng của người dân Hoa lục. Cùng với việc tăng cường theo dõi, các biện pháp vệ sinh và tẩy trừ đã được lệnh thi hành đối với máy bay, tàu hỏa từ Vũ Hán đến cũng như tại các nhà ga và phi trường. Thiếu thông tin và cảnh giác thấp được xem là nguyên nhân để Hong Kong trở thành nơi thứ hai chịu ảnh hưởng năng nề nhất của SARS sau Hoa lục. Các giới chức quyết tâm không để việc này lặp lại. Bí thư thành phố Hong Kong, Matthew Cheung, ngày 21/1 nói nhà cầm quyền sẵn sàng đối phó với kịch bản tệ hại nhất và đang báo động cao độ. Cũng như Hoa lục, cư dân Hong Kong thích những chợ truyền thống nơi gà vịt và các gia súc khác được bày bán. Cơ quan y tế chính phủ khuyến cáo dân chúng không nên đến những ngôi chợ như vậy và tiếp xúc với gia súc hoặc phân của chúng. Vụ bùng phát dịch bệnh được biết là phát xuất tại một khu chợ ở Vũ Hán.
Hàn Quốc
Hàn Quốc ngày 20/1 báo cáo trường hợp coronavirus đầu tiên, đã ban hành các biện pháp theo dõi nghiêm ngặt tại các phi trường. Tại phi trường Incheon gần Seoul, phi trường duy nhất tại Hàn Quốc có những chuyến bay trực tiếp từ Vũ Hán đến, nhà cầm quyền đã điều hành hai cửa đặc biệt dành cho hành khách từ Vũ Hán đến kể từ 3/1. Các giới chức dùng nhiệt kế đo tai để kiểm tra thân nhiệt của hành khách. Kể từ ngày 2/1, các nhân viên phi trường cũng phun thuốc sát trùng tại ga đến hai lần một tuần, so với một lần một tuần trước đây. Tay vịn của những đường đi bộ chuyển động và thang cuốn, nút bấm và cửa thang máy, vòi nước uống và những khu vực nhạy cảm khác cũng được lau chùi với thuốc sát trùng một ngày hai lần, phi trường nói. Vào năm 2015, Hàn Quốc gánh chịu vụ bùng phát Triệu chứng Hô hấp Trung Đông làm 36 người thiệt mạng và gần 200 người lâm bệnh.
Nigeria
Chính phủ Nigeria nói nhà chức trách y tế tại các cửa khẩu đang báo động về những trường hợp coronavirus đến quốc gia đông dân nhất Châu Phi này. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria yêu cầu các hành khách từ Vũ Hán đến trình diện các cơ sở y tế và trung tâm nếu cảm thấy mắc bệnh. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nigeria. Viện Quốc gia về các Bệnh Truyền nhiễm Nam Phi nói bất cứ người nào bị bệnh hô hấp nặng nên đi thử nghiệm nếu họ đến Vũ Hán trong vòng hai tuần lễ và tiếp cận với bệnh nhân coronavirus hay được chữa trị tại một cơ sở mà một trường hợp mắc bệnh được báo cáo. Có hơn 200.000 công nhân Trung Quốc tại Châu Phi vào cuối năm 2017, chưa kể nhiều di dân không chính thức như là các thương buôn và chủ tiệm, theo Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi Trung Quốc thuộc trường đại học Johns Hopkins.
Singapore và Malaysia
Singapore sẽ mở rộng việc kiểm tra thân nhiệt tại Phi trường Changi, một trong những trung tâm du hành bận rộn nhất Châu Á, đối với tất cả các hành khách trên những chuyến bay từ Trung Quốc bắt đầu vào ngày 22/1. Bộ Y tế nói những cá nhân bị bệnh sưng phổi và đến Vũ Hán trong vòng 14 ngày với những triệu chứng tương tự sẽ được cách ly tại bệnh viện như là một biện pháp phòng ngừa và được điều tra. Nước láng giềng Malaysia cũng tăng cường kiểm tra tại Phi trường Quốc tế Kuala Lumpur. Thứ trưởng Bộ Y tế Lee Boon Chye, thanh sát việc kiểm tra tại phi trường ngày 21/1, nói nhân viên đã được huấn luyện để đối phó những trường hợp có thể xảy ra. Ông Lee nói với các phóng viên "Nếu một trường hợp xảy ra, chúng tôi có thể có những biện pháp tích cực hơn, nhưng hiện nay, chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể chặn đứng ngay tại cửa khẩu."
Bangladesh
Nhà chức trách hàng không dân dụng Bangladesh ra lệnh cho các quản lý viên các phi trường bắt đầu kiểm tra các hành khách từ Trung Quốc đến. Ông A.H.M. Touhid-ul Ahsan, giám đốc Phi trường Quốc tế Shahjalal, nói các bác sĩ tại phi trường sẽ truy tìm sốt, ho, khó thở và đau cổ. Viện Dịch tể, Kiểm soát và Nghiên cứu Dịch bệnh sẽ được thông báo về những hành khách có triệu chứng để xem xét thêm, ông nói.
Hoa lục
Chính phủ Cộng sản Trung Quốc thường xuyên giữ bí mật đã bị quy trách nhiệm làm cho bệnh SARS tệ hại hơn nữa che đậy thông tin lúc đầu và ngăn chặn việc làm của Tổ chức Y tế Thế giới. Lần này nhà lãnh đạo Tập Cận Bình dẫn đầu trong việc kêu gọi có những biện pháp mạnh mẽ, ra lệnh "các uỷ ban đảng, chính phủ và những nha sở liên hệ tại mọi cấp bậc nên đặt đời sống và sức khỏe của người dân lên hàng đầu." Tại phi trường Vũ Hán, thân nhiệt của các hành khách đi được kiểm tra và những toán du lịch ra bên ngoài bị cấm rời khỏi thành phố. Tất cả các nhân viên công quyền từ cảnh sát giao thông cho đến nhân viên ngân hàng cùng với những người sử dụng phương tiện công cộng đều phải mang khẩu trang.
(AP, WSJ, NYT)
*****************
Các nước Châu Á "báo động tối đa" về virus viêm phổi từ Trung Quốc (RFI, 21/01/2020)
Từ Bangkok đến Hà Nội, từ Hồng Kông đến Sydney, nhiều nước vùng Châu Á-Thái Bình Dương đang được đặt trong tình trạng báo động tối đa, tăng cường các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp tính, tương tự như dịch SARS năm 2003. Cho tới nay đã có 6 ca tử vong tại Trung Quốc do con virus bí ẩn, mà nay được xác nhận là có thể lây từ người sang người. Hiện giờ, các ca nhiễm bệnh đã được phát hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới nhất là Đài Loan.
Một tấm bảng thông báo cho hành khách về nguy cơ dịch bệnh từ Vũ Hán tại sân bay Narita, Nhật Bản ngày 16/01/2020. STR / JIJI PRESS / AFP
Đầu tiên là ngay tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố xem dịch viêm phổi lần này như là dịch SARS (Viêm phổi cấp tính nặng) năm 2003, có nghĩa bất cứ người nào có triệu chứng bệnh đều phải bị cách ly.
Tại Hồng Kông, nơi mà người dân vẫn còn bị ám ảnh bởi dịch SARS năm 2003 khiến hàng trăm người chết, nhà chức trách cho biết họ đang trong tình trạng "báo động cực kỳ cao". Sân bay Hồng Kông, một trong những sân bay có đông hành khách nhất thế giới, thì vẫn có máy đo thân nhiệt toàn bộ những người đến sân bay này. Nhưng bây giờ họ yêu cầu mọi hành khách đến từ Vũ Hán phải điền một bản khai tình trạng sức khỏe, và những người nào che giấu các triệu chứng sẽ bị phạt 6 tháng tù. Đường biên giới trên bộ giữa Trung Hoa lục địa và Hồng Kông cũng đang được giám sát chặt chẽ hơn bình thường.
Trong khi đó tại Thái Lan, nhà chức trách đã đặt máy đo thân nhiệt toàn bộ các hành khách từ những nơi có nguy cơ cao ở Trung Quốc nhập cảnh tại các sân bay Bangkok, Chiang Mai, Phuket và Krabi. Những hành khách nào có dấu hiệu bị sốt sẽ bị cách ly trong 24 tiếng đồng hồ để theo dõi. Chính quyền Bangkok đặc biệt lo ngại là vì một phần tư số chuyến bay quốc tế từ Vũ Hán, trung tâm điểm của dịch bệnh, là đến Thái Lan. Theo dự kiến, mỗi ngày có khoảng 1.300 hành khách từ Vũ Hán đến Thái Lan vào dịp Tết Nguyên Đán và chính phủ Bangkok muốn bằng mọi giá tránh dịch bệnh ảnh hưởng đến mùa du lịch cao điểm tại Thái Lan.
Những nước khác có các chuyến bay từ Vũ Hán cũng đang thi hành các biện pháp tương tự như Singapore, Úc, nơi vừa phát hiện trường hợp đầu tiên nghi bị lây nhiễm virus corona mới tại bang Queensland.
Cho dù không có đường bay trực tiếp từ Vũ Hán đến Hà Nội, tình hình cũng rất đáng quan ngại đối với Việt Nam. Vì Việt Nam tiếp đón rất nhiều du khách Trung Quốc, mỗi ngày có hàng chục chuyến bay từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, cho nên nguy cơ lây lan rất lớn. Theo báo chí trong nước, hiện nay sân bay Nội Bài bố trí nhân viên trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h, sử dụng 4 máy đo thân nhiệt tại khu vực nhập cảnh và xuất cảnh quốc tế. Ngoài biện pháp đối với các hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay, bộ Y Tế Việt Nam còn ra lệnh tăng cường giám sát được biên giới phía Bắc, nơi có nhiều người qua lại giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Các nước Châu Á-Thái Bình Dương buộc phải thi hành những biện pháp phòng ngừa gắt gao như vậy, bởi vì nếu để lọt một người từ Trung Quốc mang virus vào trong nước thì sẽ rất khó ngăn chận sự lây lan. Theo một bác sĩ ở đại học King’s College London, dường như là virus có thể lan truyền qua không khí khi người bệnh hắt xì hơi hoặc ho. Mặt khác, theo nhận định của các bác sĩ tại University of Hong Kong, số người nhiễm bệnh ở thành phố Vũ Hán trên thực tế rất có thể đã lên tới hơn 1.300 ca, cao hơn rất nhiều so với con số chính thức là gần 300. Bây giờ lại sắp đến Tết, với cả trăm triệu người sẽ di chuyển trên toàn Trung Quốc để về sum họp với gia đình, như vậy là nguy cơ lây lan sẽ rất cao.
Hiện giờ, theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ tử vong của virus corona mới có vẻ tương đối thấp so với dịch SARS trước đây. Nhưng đây là một chủng virus hoàn toàn mới, còn nhiều bí ẩn và dịch bệnh chỉ mới bộc phát, chưa biết là nó sẽ tiến triển như thế nào.
Thanh Phương
*******************
Trung Quốc : Virus viêm phổi cấp tính mới có thể lây từ người sang người (RFI, 21/01/2020)
Hôm 21/01/2020, Trung Quốc vừa thông báo tổng cộng đã có 6 người chết do virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp tính và xác nhận là virus này có thể lây từ người sang người.
Nhân viên y tế một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi có các bệnh nhân bị nhiễm viêm phối lạ. Reuters/Stringer
Theo cơ quan y tế Trung Quốc, 3 trường hợp tử vong mới là tại thành phố Vũ Hán (miền trung của Trung Quốc), nơi tập trung phần lớn ca bệnh. Trên toàn Trung Quốc, hiện đã có gần 300 người bị nhiễm virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp tính tương tự như SARS. Riêng tại Vũ Hán, số người bị lây nhiễm là 258, theo thông báo của thị trưởng thành phố này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài tường trình :
"Sự lây lan giữa người với người của "2019-nCov" (tên của con virus corona quái ác này) chính là nguyên nhân của ít nhất một ca tử vong được xác nhận ở Vũ Hán, cũng như tại hai ổ dịch ở tỉnh Quảng Đông.
Đó là khẳng định của ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), giám đốc một viện bào chế của nhà nước và là người phát hiện virus SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vào tháng 02/2003.
Ông đã xác nhận như vậy vào lúc khoảng 15 nhân viên y tế ở Vũ Hán có những triệu chứng của căn bệnh này : sốt cao và khó thở. Điều này rất đáng quan ngại, bởi vì trong những bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân, người ta đã thi hành những biện pháp ngăn ngừa rất chặt chẽ.
Một điều đáng quan ngại khác, đó là sắp đến kỳ nghỉ Tết tại Trung Quốc và theo các chuyên gia, đây quả là một quả bom nổ chậm. Thật vậy, số người đi lại càng đông thì nguy cơ lây từ người sang người càng lớn. Vào thứ sáu này, ở khắp nơi, hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ về nhà ăn Tết với gia đình.
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ dồn mọi nỗ lực để ngăn chận dịch bệnh lan rộng. Theo một số chuyên gia, khả năng lây lan và thích ứng của virus là gần giống như virus SARS vào lúc khởi đầu dịch viêm phổi cấp tính vào năm 2003, xuất phát từ Hồng Kông và sau đó lan ra toàn cầu".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua thông báo sẽ họp khẩn cấp tại Genève ngày mai để bàn cách đối phó với con virus bí ẩn này. Một ủy ban chuyên trách của WHO sẽ quyết định có thể tuyên bố " tình trạng khẩn cấp y tế công cộng ở cấp độ quốc tế " hay không. WHO chỉ sử dụng cụm từ nói trên khi nào có những dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng, như dịch Ebola ở Tây Phi từ năm 2014 đến 2016 và ở Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 2018.
Thanh Phương
********************
Bệnh viêm phổi lạ tại Trung Quốc : Ca tử vong thứ ba và virus lan rộng (RFI, 20/01/2020)
Trước các thực tế không thể chối cãi, chính quyền Bắc Kinh ngày hôm nay 20/01/2020 đã phải xác nhận một ca tử vong thứ ba vì một con virus lạ gây bệnh viêm phổi cấp tính, mới phát hiện cách nay một tháng ở miền trung Trung Quốc, nhưng hiện đã lan lên miền bắc và xuống miền nam.
Hành khách đeo khẩu trang đi vào nhà ga Tây Bắc Kinh, ngày 20/01/2020 - Reuters/Stringer
Dù lên tiếng trấn an về khả năng phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, nhưng chính quyền Trung Quốc đã lo ngại trước khả năng lây nhiễm rộng do việc hàng trăm triệu người sẽ di chuyển nhân dịp Tết âm lịch.
Theo thống kê chính thức và tạm thời, dịch bệnh xuất hiện ở một khu chợ ở Vũ Hán (miền trung Trung Quốc) vào tháng 12 vừa qua, hiện đã bị phát hiện tại Thâm Quyến, miền nam (1 ca) và Bắc Kinh, miền bắc (2 ca). Ở ngoài nước, ba quốc gia Châu Á khác bị ảnh hưởng là Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.
Số liệu chính thức của Trung Quốc tính đến nay là đã có tổng cộng 205 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận, với 201 ca ở Trung Quốc.
Do tính chất thiếu minh bạch về thông tin thường thấy tại Trung Quốc, giới quan sát cho rằng số người bệnh thực tế có khả năng cao hơn gấp bội con số được chính quyền Bắc Kinh công bố.
Một trung tâm nghiên cứu Anh Quốc có uy tín, chuyên tham vấn cho các định chế quốc tế như tổ chức Y Tế Thế Giới, dựa trên các thông tin thu thập được cho đến ngày 12/01 vừa qua, đã cho rằng con virus gây bệnh viêm phổi lạ tại Trung Quốc có khả năng là đã lây nhiễm cho 1723 người.
Theo thông tín viên RFI Stéphan Lagarde tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đang rất lo ngại bệnh dịch bùng nổ với hiện tượng người dân nước này đổ xô về quê hay đi du lịch nhân dịp Tết sắp đến.
"Do tốc độ lây lan nhanh chóng của căn bệnh vào cuối tuần qua, và cũng do thực tế là nhiều trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện ở nước ngoài, chính quyền Trung Quốc đã không thể giữ im lặng được nữa.
Tương tự như Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc, các phương tiện truyền thông Nhà nước vào hôm nay đều xác nhận rằng số người nhiễm bệnh đã tăng gấp đôi tại Vũ Hán, thành phố miền trung của Trung Quốc, nơi xuất phát của con coronavirus gây bệnh, và đà lan rộng của những vụ lây nhiễm.
Điều mà Nhà nước Trung Quốc gọi chính thức là bệnh dịch "viêm phổi" hiện đã lan đến Thâm Quyến ở phía đông nam đất nước, cũng như lên Bắc Kinh ở phía bắc. Theo ủy ban y tế quốc gia, hai trường hợp đã được xác nhận tại thủ đô của Trung Quốc.
Báo Tin Tức Bắc Kinh ghi nhận là hai người bệnh bị sốt nặng, ho và khó thở đang được theo dõi tại bệnh viện và trong tình trạng ổn định. Trước đây không lâu, họ đều đã ghé Vũ Hán.
Một tháng sau khi dịch bệnh do con coronavirus bùng phát, các quan chức y tế trung ương đang cố trấn an. Vào hôm qua, họ khẳng định rằng dịch bệnh hoàn toàn "có thể phòng ngừa và kiểm soát được", nhưng đồng thời cũng thừa nhận nguy cơ căn bệnh đột biến.
Nguồn gốc của con virus vẫn chưa được tìm thấy trong lúc hàng trăm triệu người Trung Quốc đang lên kế hoạch đi du lịch hay về quê nhân dịp Tết Nguyên Đán, với năm Tý mở ra vào ngày thứ Bảy tới đây".
Dịch viêm phổi lạ bùng lên tại Trung Quốc đã buộc các nước trên thế giới đề cao cảnh giác.
Hàn Quốc vào hôm nay cho biết đã phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Bệnh nhân là một phụ nữ Trung Quốc 35 tuổi, cư ngụ tại Vũ Hán (Trung Quốc) và đã bay đến sân bay quốc tế Incheon ở Seoul vào hôm qua Chủ nhật. Phụ nữ này đã bị cách ly ngay lập tức khi nhập cảnh Hàn Quốc với các triệu chứng của căn bệnh trong đó có tình trạng bị sốt cao.
Trọng Nghĩa