Vụ ám sát Kim Jong-nam : Thủ tướng Malasyia biện minh cho việc thả Aisyah (RFI, 12/03/2019)
Hôm 12/03/2019, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố quyết định bất ngờ trả tự do cho nghi can Indonesia Siti Aisiyah trong phiên xử về vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên là theo đúng những nguyên tắc của "Nhà nước pháp quyền".
Siti Aisyah, bị can trong vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chụp ảnh cùng cha mẹ sau khi được trả tự do, ngày 11/03/2019. Antara Foto/Reno Esnir/via Reuters
Hôm 11/03, các công tố viên Malaysia đã bất ngờ rút lại cáo trạng về tội sát nhân đối với nghi can Indonesia Siti Aisyah mà không đưa ra một lời giải thích nào. Sau đó, tòa đã quyết định trả tự do cho Aisyah ngay trong ngày.
Aisyah trên nguyên tắc phải ra tòa cùng với nghi can Việt Nam Đoàn Thị Hương trong phiên xử về vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Cho tới nay, Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương đều kêu oan, khẳng định là họ cứ tưởng tham gia một trò chơi truyền hình, mà không ngờ là bị gián điệp Bắc Triều Tiên gài bẫy, để rồi họ trực tiếp phun chất độc thần kinh vào ông Kim Jong-nam tại sân bay Kuala Lumpur tháng 02/2017.
Theo hãng tin AFP, quyết định trả tự do cho nghi can Indonesia đã gây phẫn nộ trong dư luận tại Malaysia. Chính phủ Kuala Lumpur bị chỉ trích đã nhượng bộ trước áp lực của Jakarta và như vậy là đã không làm theo đúng những nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, tức là không tôn trọng tính độc lập của tư pháp.
Về phần Đoàn Thị Hương, cô đã bị sốc khi nghe tin Aisyah được tự do, còn mình thì không biết số phận sẽ ra sao. Theo AFP, các luật sư của Đoàn Thị Hương cũng đã làm đơn xin hủy bỏ cáo buộc đối với cô. Vào thứ Năm 14/03, các công tố viên sẽ thông báo cho tòa biết quyết định của họ.
Trả lời AFP hôm 11/03, ông Đoàn Văn Thạnh, bố của cô Đoàn Thị Hương tuyệt vọng nêu câu hỏi : "Vì sao trả tự do cho cô Indonesia mà không thả con gái tôi ?".
Thanh Phương
*****************
Việt Nam nói gì về trường hợp Đoàn Thị Hương sau khi cô Siti Aisyah được tự do ? (RFA, 13/03/2019)
Ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, vào chiều 12/3 điện đàm với người tương nhiệm Malaysia trao đổi về vấn đề công dân Đoàn Thị Hương. Ông cho biết lãnh đạo cấp cao và dư luận Việt Nam vô cùng quan tâm quá trình xét xử cũng như kết quả vụ này. Phía Việt Nam đề nghị Malaysia bảo đảm xét xử công bằng và trả tự do cho cô Đoàn Thị Hương.
Cô Đoàn Thị Hương trong một lần ra tòa ở Malaysia - AFP
Trước đó vào ngày 11/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng về trường hợp công dân Đoàn Thị Hương, sau khi cô Siti Aisyah, công dân Indonesia trong cùng vụ việc được trả tự do.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của Cục Lãnh Sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng, theo chỉ đạo trong suốt quá trình xét xử hai phụ nữ liên quan đến vụ ám sát người có tên trên hộ chiếu là Kim Chol mà tin tức quốc tế nói rõ là người anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia chủ động thực hiện các biện pháp bảo hệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương theo luật pháp, bảo đảm việc xét xử công bằng.
Sau khi công dân Indonesia trong cùng vụ việc được tòa tha tội, truyền thông quốc tế loan tin đó là do mối quan hệ tốt đẹp giữa hai phía Malaysia và Indonesia.
Sang ngày 12 tháng 3, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được dẫn lời rằng biện pháp trả tự do gây ngạc nhiên đối với trường hợp bị can Siti Aisyah là theo đúng luật pháp. Phát biểu của Thủ tướng Malaysia được đưa ra sau khi có nghi vấn về vận động can thiệp mạnh mẽ từ phía Indonesia cho công dân của mình.
Cô Đoàn Thị Hương và cô Siti Aisyah người Indonesia bị coi là nghi phạm trong vụ giết ông Kim Jong-nam bằng thuốc cực độc bôi vào mặt tại sân bay Malaysia vào ngày 13 tháng 2 năm 2017
Reuters vào ngày 11 tháng 3 loan tin khi có quyết định của thẩm phán đối với cô Sity Aisyah, luật sư của cô Đoàn Thị Hương cũng có yêu cầu hủy bỏ mọi cáo buộc đối với thân chủ Đoàn Thị Hương. Theo các luật sư bào chữa cho cả hai cô thì họ chỉ là những người bị mật vụ Bắc Hàn gài bẫy tham gia vào vụ ám sát mà họ không hề hay biết.
Theo lá thư của Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Indonesia về vụ cô Siti Aisyah nói rõ ‘cô Aisyah bị lừa dối và không biết gì về việc cô đang bị sử dụng như một công cụ tình báo của Bắc Hàn’.
Sau khi cô Siti Aisyah được trả tự do tại tòa, cô Đoàn Thị Hương bị sốc và luật sư của cô cũng có yêu cầu trả tự do cho thân chủ. Phiên tòa tiếp theo đối với Cô Đoàn Thị Hương được dự kiến diễn ra vào ngày 14/3/2019.
Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cho rằng đây có thể là chiến thuật của các luật sư với hy vọng phía Việt Nam sẽ có động thái gì đó nhằm cứu cô Đoàn Thị Hương.
***************
Ngoại trưởng Việt Nam yêu cầu Malaysia trả tự do cho Đoàn Thị Hương (VOA, 12/03/2019)
Phó Thủ tướng, cũng là Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, vừa tiếp xúc với vị tương nhiệm Malaysia, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah, và yêu cầu phía Malaysia xét xử một cách công bằng và trả tự do cho cô Đoàn Thị Hương, một trong hai nghi phạm bị cáo buộc đã giết ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kimg Jong-un.
Tư liệu : Phó Thủ tướng/ Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Reuters/Kham
Trong một thông báo ngắn công bố vào chiều ngày 12/3 giờ Việt Nam, Cổng Thông Tin Chính phủ cho biết ông Phạm Bình Minh đã điện cho vị tương nhiệm Malaysia để bàn về một số vấn đề trong quan hệ song phương, trong đó có vụ án xét xử công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.
Một ngày sau khi tòa án Malaysia bất ngờ ra quyết định ngừng truy tố và trả tự do ngay tại tòa cho nghi phạm người Indonesia, Siti Aisyah, đã có nhiều chỉ trích trên mạng, cho rằng không như lãnh đạo và chính phủ Indonesia, giới thẩm quyền Việt Nam đã thờ ơ, không dồn nỗ lực để bảo vệ công dân nước mình.
Cổng Thông Tin Chính phủ còn cho biết là trong cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định rằng lãnh đạo cấp cao, và công chúng Việt Nam rất quan tâm tới quá trình xét xử cô Đoàn Thị Hương. Ông đề nghị phía Malaysia phải bảo đảm xét xử công bằng, và trả tự do cho công dân Việt Nam này.
Cả hai nghi phạm bị cáo buộc đã sát hại ông Kim Jong-nam, cô Siti Aisyah và cô Đoàn Thị Hương, đều một mực cho rằng họ vô tội và không có ý sát hại ông Kim, mà bị lường gạt vì tưởng mình tham gia một trò chơi thực tế cho một đài truyền hình nước ngoài.
Tòa án thượng thẩm Malaysia hôm qua bất ngờ trả tự do cho Siti Aisyah sau khi phe công tố nói rằng họ rút lời cáo buộc, nhưng không đưa ra lý do nào.
Hôm 12/3 Malaysia bác bỏ việc thả cô Siti Asyah, công dân Indonesia, vì có "quan hệ tốt đẹp" hoặc vì bị áp lực. Trong một cuộc họp báo hôm 12/3, Thủ tướng Mahathir Mohamad nói Siti Aisyah được thả "theo đúng quy trình pháp luật".
Phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương sẽ được tiếp tục vào ngày Thứ Năm 14/3 tuần này.
*******************
Vụ ám sát Kim Jong-nam : Nghi can Indonesia được tự do (RFI, 11/03/2019)
Siti Aisyah, phụ nữ Indonesia đồng bị cáo với cô Đoàn Thị Hương trong nghi án ám sát anh cùng cha khác mẹ với chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Kuala Lumpur năm 2017 được tự do. Tư pháp Malaysia bất ngờ quyết định không truy tố Siti Aisyah về tội sát nhân và đã trả tự do cho nghi can ngay trong ngày 11/03/2019.
Cô Siti Aisyah, phụ nữ Indonesia đồng bị cáo trong nghi án ám sát Kim Jong-nam, được tự do ngày 11/03/2019. Reuters/Stringer
Siti Aisyah được tự do và có thể rời Malaysia. Đó là tuyên bố của thẩm phán Azmin Ariffin sau khi chấp thuận luận điểm của Viện công tố yêu cầu hủy bỏ bản cáo trạng buộc tội Siti Aisyah giết Kim Jong-nam. Với nụ cười rạng rỡ, cô gái Indonesia 25 tuổi tuyên bố không ngờ được thả, rồi bước lên xe chờ trước tòa thượng thẩm, đi thẳng về sứ quán Indonesia. Đại sứ Rusdi Kirana cho biết rất vui mừng và sẽ lo cho công dân nước mình lên chuyến máy bay sớm nhất trong ngày.
Theo AFP, quyết định của tư pháp Malaysia gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát, trong bối cảnh cũng trong ngày hôm nay, tòa thượng thẩm lấy lời khai của Đoàn Thị Hương, đồng bị cáo người Việt và luật sư biện hộ. Cho đến lúc này, chưa rõ số phận của cô Đoàn Thị Hương sẽ ra sao.
Cả hai phụ nữ đều bác bỏ cáo buộc tội giết anh của chủ tịch Bắc Triều Tiên. Họ cho là đã bị điệp viên Bắc Triều Tiên gài bẩy hạ độc giết người mà ngỡ là tham gia vào một trò chơi truyền hình vô hại.
Bốn người Bắc Triều Tiên bị tố cáo sát nhân đã trốn thoát được ngay sau khi vụ đầu độc xảy ra.
Tú Anh
*****************
Nghi phạm Indonesia được tự do nhờ ‘nỗ lực ngoại giao,’ Đoàn Thị Hương ‘bị sốc’ (VOA, 11/03/2019)
Hôm 11/3, Thẩm phán tại tòa án Malaysia đã hủy bỏ cáo trạng đối với Siti Aisyah và lập tức được trả tự do cho nghi phạm người Indonesia này tại tòa, trong khi nghi phạm Việt Nam Đoàn Thị Hương cho biết cô "bị sốc".
Cô Siti Aisyah sau cuộc họp báo hôm 11/3/2019.
Cả hai cô đều bị cáo buộc tội giết người trong vụ án Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un.
Hãng tin AP cho biết hôm 11/3, các công tố viên Malaysia đã bất ngờ hủy cáo trạng đối với Aisyah sau hai năm bị giam giữ.
Trước khi rời tòa án, cô Aisyah đã khóc và ôm lấy đồng nghi phạm Đoàn Thị Hương, và được đưa lên xe của một sứ quán rời khỏi tòa án, theo Reuters.
Ngay sau khi được trả tự do, cô Aisyah có cuộc họp báo tại sứ quán Indonesia ở Malaysia. Cô nói :
"Tôi rất mừng. Tôi không ngờ rằng hôm nay tôi được trả tự do".
Trong khi đó, nghi phạm Đoàn Thị Hương vẫn phải đối mặt với bản án tử hình nếu tòa tuyên có tội đã sát hại ông Kim Jong-nam bằng chất độc thần kinh VX.
"Tôi bị sốc, đầu óc trống rỗng", Đoàn Thị Hương nói thông qua người phiên dịch tại Tòa thượng thẩm Shah Alam với vẻ mặt thất thần sau khi Aisyah được đưa rời khỏi phòng xét xử, theo AP.
Đoàn Thị Hương cho đến nay vẫn khẳng định cô không biết gì về âm mưu giết người này, mà tưởng rằng mình đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế.
Ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư của Hương, nói họ sẽ tìm cách hoãn lại phiên tòa. Ông nói Hương không giữ được bình tĩnh và cảm thấy việc hủy bỏ cáo buộc đối với Aisyah là bất công đối với thân chủ của ông.
Chính phủ Indonesia cho hay nỗ lực kiên trì vận động cấp cao đã mang đến kết quả có hậu cho Siti Aisyah.
Bộ Ngoại giao Indonedia nói trong một tuyên bố rằng Aisya "đã bị lừa và không nhận ra rằng cô đang bị tình báo Bắc Triều Tiên thao túng".
Ông Kim Jong-nam được cho là đã chết vì trúng phải chất độc thần kinh VX không lâu sau khi bị hai phụ nữ xịt một chất lỏng vào mặt tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur ngày 13/2/2017.
*********************
Đoàn Thị Hương bị sốc khi thẩm phá ta cho nghi phạm Indonesia (RFA, 11/03/2019)
Công dân Việt Nam, Đoàn Thị Hương, người bị cáo buộc tham gia trong vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, được báo chí mô tả là bị ‘sốc’ khi thẩm phán tuyên cô Siti Aisyah người Indonesia trong cùng vụ được tự do.
Cô Đoàn Thị Hương bị giải ra tòa ở Malaysia, 11/2/2019. AFP
Tin tức cho biết Thẩm phán tòa án ở Malaysia vào ngày 11 tháng 3 hủy bỏ cáo trạng đối với cô Siti Aisyah mà không nêu rõ lý do.
Trong khi đó thì Reuters loan tin khi có quyết định của thẩm phán đối với cô Sity Aisyah, luật sư của cô Đoàn Thị Hương cũng có yêu cầu hủy bỏ mọi cáo buộc đối với thân chủ Đoàn Thị Hương.
Theo các luật sư bào chữa cho cả hai cô thì họ chỉ là những người bị mật vụ Bắc Hàn dụ tham gia vào vụ ám sát mà họ không hề hay biết.
Bản thân hai cô cũng đều nói là mình vô tội, và bị các điệp viên Bắc Hàn dụ dỗ. Cả hai cô từng bị cho xát chất cực độc làm tê liệt thần kinh VX lên mặt ông Kim Jong-nam khi ông này đang chuẩn bị lên máy bay ở phi trường Kuala Lumpur. Ông Kim Jong-nam chết trên đường được chở tới bệnh viện.
Hai cô cho biết họ cứ ngỡ những người Bắc Hàn thuê họ diễn trong một chương trình truyền hình thực tế.
Chưa có người Bắc Hàn nào bị bắt giữ trong vụ án này. Bắc Hàn bác bỏ cáo buộc họ tổ chức cuộc ám sát.
Tòa đồng ý phiên xử đối với cô Đoàn Thị Hương sẽ được tái tục vào thứ năm tới đây.
*********************
Vụ giết Kim Jong-nam : Bị cáo Siti Aisyah được trả tự do (BBC, 11/03/2019)
Chính phủ Indonesia cho biết việc Malaysia thả bà Siti Aisyah là kết quả của việc liên tục vận động hành lang cấp cao.
Siti Aisyah có thể rời tòa án ngay lập tức
Bà Siti Aisyah, từng bị buộc tội giết Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, bằng chất độc thần kinh VX, được trả tự do.
Công tố viên cầu hủy bỏ cáo buộc giết người đối với bà Siti Aisyah, mà không đưa ra lý do. Thẩm phán đã phê chuẩn yêu cầu, nói rằng "Siti Aisyah được tự do". Tuy nhiên, điều này không dẫn đến tha bổng, theo hãng tin APF.
Phóng viên BBC Jonathan Head, người đang có mặt tại tòa án ở Kuala Lumpur, nói rằng dường như có ít bằng chứng chống lại bà Aisyah hơn là chống lại Đoàn Thị Hương của Việt Nam.
Theo The Guardian, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người đang phải đối mặt với một cuộc bầu cử vào tháng tới, đã gặp Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir, vào tháng Bảy năm ngoái để giải quyết vụ việc của bà Siti, và sau đó gặp một lần nữa với ông Mahathir, Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas và cảnh sát trưởng.
Chính phủ Indonesia cho biết việc thả bà Siti là kết quả của việc vận động hành lang cấp cao liên tục.
Bà Siti Aisyah, cùng với Đoàn Thị Hương của Việt Nam đã bị cáo buộc bôi chất độc thần kinh lên mặt của ông Kim tại sân bay Kuala Lumpur năm 2017.
Bà Hương ban đầu dự kiến sẽ đọc lời khai trước tòa vào thứ Hai 11/3, đây sẽ là lần đầu tiên một trong hai người đưa ra lời khai. Tuy nhiên, vụ việc của cô hiện đã được hoãn lại theo yêu cầu của luật sư.
Cả hai trước đó đều phủ nhận việc giết người, nói rằng họ đã nghĩ mình chỉ đang tham gia vào một trò chơi trên truyền hình.
Nếu bị tuyên có tội, bà Aisyah có thể đã phải đối mặt với án tử hình.
Siti Aisyah (khăn trùm sáng màu) (Indonesia) và Đoàn Thị Hương (khăn trùm nâu) (Việt Nam) được cảnh sát Malaysia dẫn độ sau phiên tòa đặc biệt tại Tòa án tối cao Shah Alam, bên ngoài Kuala Lumpur 14/12/2018 với cáo buộc ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Vụ án diễn ra như thế nào ?
Ông Kim, anh em cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, đang chờ lên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Macau vào ngày 13/2/2017 khi hai phụ nữ tiếp cận ông ở khu vực chờ bay.
Cảnh quay CCTV cho thấy một trong số họ đặt tay lên mặt ông ta, sau đó cả hai người phụ nữ rời khỏi hiện trường.
Ông Kim chết trên đường đến bệnh viện do tiếp xúc với chất độc thần kinh VX, một trong những chất độc nhất trong tất cả các tác nhân hóa học được biết đến.
Bắc Hàn phủ nhận liên quan đến vụ giết người, nhưng bốn người đàn ông - được cho là người Bắc Hàn đã trốn khỏi Malaysia vào ngày xảy ra vụ án mạng - cũng bị buộc tội trong vụ án.
Những người này vẫn đang tại ngoại dù có "truy nã đỏ" của Interpol, tương đương với lệnh truy nã quốc tế.
Hai phụ nữ nói gì ?
Hai người phụ nữ - đều ở độ tuổi 20 - đã nói rằng họ là nạn nhân vô tội của một âm mưu công phu của Bắc Hàn.
Theo các luật sư của hai người này, trong những ngày trước khi ông Kim qua đời, họ được trả tiền để tham gia một trò chơi bôi một chất lỏng vào khách tại sân bay, khách sạn và trung tâm mua sắm.
Họ nghĩ sân bay chỉ là một trò đùa khác. Luật sư của họ đã bày tỏ sự tin tưởng rằng tòa án sẽ thấy họ không có động cơ giết ông Kim.
Sau quyết định bất ngờ của tòa án hôm thứ Hai 11/3, đại sứ Indonesia tại Malaysia nói với các phóng viên rằng họ sẽ "cố gắng đưa Siti trở lại Indonesia ngay hôm nay hoặc sớm nhất có thể", theo AFP.
Kim Jong-nam là ai ?
Kim Jong-nam là anh trai cùng cha khác mẹ của nhà cai trị độc tài của Bắc Hàn, Kim Jong-un.
Ông từng được coi là một nhà lãnh đạo tương lai của đất nước bị cô lập này, nhưng khi cha ông Kim Jong-il qua đời, ông bị ' thất sủng' trước một Kim Jong-un trẻ hơn.
Ông Kim Jong-nam gần như xa cách với gia đình và chủ yếu sống ở nước ngoài tại Macau, Trung Quốc đại lục và Singapore.
Trước đây, ông đã lên tiếng chống lại sự kiểm soát 'gia đình trị' của chính gia đình mình đối với Bắc Hàn. Và trong một cuốn sách năm 2012, ông được dẫn lời nói rằng ông tin người anh em cùng cha khác mẹ của mình thiếu phẩm chất lãnh đạo.
***********************
Bố Đoàn Thị Hương : ‘Mong con được thả, mong nhà nước giúp cháu’ (VOA, 11/03/2019)
Tin tức phát đi từ Malaysia hôm 11/3 cho hay một tòa án nước này quyết định trả tự do và hủy cáo trạng đối với nữ nghi phạm người Indonesia Siti Aisyah trong vụ án ông Kim Jong-nam bị giết cách đây 2 năm.
Cô Đoàn Thi Hương khi ra tòa hồi cuối tháng 6/2018
Nghi phạm còn lại, cô Đoàn Thị Hương, người Việt Nam, vẫn còn bị giam giữ và sẽ ra tòa lần tiếp theo vào hôm 14/3 tới. Các bản tin nước ngoài nói cô Hương "bị sốc" sau khi nghe phán quyết của tòa.
Hai cô Aisyah và Hương bị cáo buộc là đã bôi chất độc thần kinh VX lên mặt ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un, làm ông Kim Jong-nam tử vong. Cả hai đều phủ nhận cáo buộc đó và nói rằng họ tưởng họ chỉ tham gia vào một trò chơi trên truyền hình.
Đã có những phản ứng ban đầu ở Việt Nam về tin tức kể trên. Từ Nam Định, quê nhà của cô Hương, bố của cô, ông Đoàn Văn Thạnh, cho VOA biết ông đã nghe tin Aisyah được trả tự do trong khi Hương vẫn bị giam, và suy nghĩ của ông về điều này là :
"Cô người Indonesia được thả mình cũng mừng cho họ rồi cũng muốn để cho con mình được thả".
Các bản tin nói chính phủ Indonesia đã "nỗ lực", "kiên trì vận động cấp cao" và những động thái đó đã mang đến kết quả có hậu cho Siti Aisyah. Bộ Ngoại giao Indonesia cho hay trường hợp của Aisyah liên tục được nêu ra trong mỗi cuộc họp song phương giữa Indonesia và Malaysia trong hai năm qua, theo các bản tin.
Ông Thạnh, bố cô Hương, nói với VOA về điều mà ông trông đợi ở chính phủ Việt Nam :
"Mình muốn là cấp nhà nước, Bộ Ngoại giao giúp đỡ cháu [Đoàn Thị Hương]".
Ông cho biết thêm rằng lâu nay và gần đây không có bất cứ liên lạc gì của phía nhà nước với gia đình ông về vụ của Hương, và gia đình cũng chưa có kế hoạch đi lên Hà Nội trong những ngày sắp tới để gặp Bộ Ngoại giao về vụ này.
Cô Siti Aisyah tại cuộc họp báo sau khi được tòa trả tự do hôm 11/3
Thông qua mạng xã hội, nhóm những người từng vận động sự giúp đỡ pháp lý cho cô Hương cách đây hai năm bày tỏ rằng họ cảm thấy "nghẹn đắng" hoặc "ức phát khóc" về kết quả mới đây tại tòa Malaysia.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, một người trong nhóm, cũng là một giảng viên đại học được biết đến rộng rãi trên Facebook, nói với VOA bà và cả nhóm "lặng người" khi nghe tin. Bà nói thêm :
"Khi nhận được tin ấy, mình cảm thấy sự bất công quá lớn với Hương nói riêng và người mang hộ chiếu Việt Nam nói chung. Bởi vì hoàn cảnh của hai người không có gì khác nhau cả, nhưng mà Siti Aisyah được thả là nhờ vụ vận động của bên quốc gia của họ".
Bà Hoàng Ánh cùng nữ doanh nhân nổi tiếng Lê Hoài Anh và các bạn bè khác đã tích cực quyên góp để đưa một số người thân của cô Hương đến dự phiên tòa đầu tiên hồi năm 2017 nhằm tạo sự động viên tinh thần cho cô.
Nhưng sau đó, một số thành viên nhóm cho biết trên mạng xã hội rằng những nỗ lực của họ "bị hạn chế", "bị ngăn cản", dù không đi vào chi tiết là ai, cơ quan nào đã làm như vậy.
Theo lời bà Hoàng Ánh trong cuộc phỏng vấn hôm 11/3 với VOA, hồi năm 2017 nhóm của bà được ông Đoàn Văn Thạnh nói lại rằng đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia đã gọi điện "cảnh báo" ông không nên đi dự phiên tòa vì ông có thể "bị nguy hiểm đến tính mạng". Kể từ lúc đó, gia đình cô Hương "sợ", "tránh né" và "không liên lạc lại" với nhóm của bà Ánh một lần nào nữa, bà cho hay.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều muộn ngày 11/3 để tìm hiểu phản ứng của họ về phán quyết mới nhất liên quan đến Đoàn Thị Hương và Aisyah, tuy nhiên đến thời điểm bản tin này được đăng vào tối cùng ngày, chưa có hồi đáp từ phía bộ.
Dự kiến phiên tòa xét xử cô Hương sẽ nối lại hôm 14/3. Tin cho hay tại phiên tòa vừa qua, cô Hương phát biểu qua thông dịch viên rằng cô cảm thấy "khủng khiếp" về tình trạng hiện nay của cô.
"Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với tôi trong giai đoạn hiện nay. Tôi vô tội. Xin hãy cầu nguyện cho tôi", cô Hương nói, theo tin của các hãng quốc tế.
Nữ giảng viên đại học Nguyễn Hoàng Ánh nói với VOA rằng nếu phiên tòa sắp tới "vẫn không đem lại một sự công bằng" cho cô Hương, bà và các bạn bè sẽ một lần nữa phải lên tiếng "kêu gọi nhà nước phải có biện pháp gì mạnh mẽ hơn" để giúp cho cô.
Nguyên thủ các nước dọc sông Mekong kêu gọi hành động (RFA, 05/04/2018)
Các quốc gia trong lưu vực sông Mekong nên xem lại mô hình phát triển của mình.
Thủ tướng Kampuchia Hunsen phát biểu tại Hội nghị cấp cao Ủy ban sông Mekong tổ chức tại Siem Reap, Kampuchia, đầu tháng 4/2018. Courtesy of Ủy ban sông Mekong
Đó là nội dung trong tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mekong đưa ra ngày 5 tháng tư tại Siem Reap, Kampuchia.
Nội dung này muốn nói đến việc xây dựng quá nhiều các đập thủy điện trên dòng chính và các chi lưu quan trọng của sông Mekong.
Tuyên bố chung này dựa trên ngiên cứu của Ủy hội sông Mekong về tác động môi trường của các đập nước lên nguồn nước, nguồn hải sản dọc theo sông Mekong.
Mặc dù nội dung của tuyên bố chung được cho là rõ ràng và trung lập, tuy nhiên tuyên bố của các quốc gia tham dự hội nghị cũng có khác nhau, ngoài Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia tham gia nhiều vào tài liệu nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, Lào nói rằng mình luôn tuân thủ những qui trình của Ủy hội sông Mekong, Trung Quốc thì nói rằng Bắc Kinh hiểu những quan ngại hợp lý của các quốc gia dọc sông Mekong về những đập nước thủy điện.
Lào và Trung Quốc là những quốc gia có nhiều đập thủy điện lớn chận ngang dòng chính sống Mekong, được cho là gây tác động nghiêm trọng đến nguồn cá, nguồn nước trên Sông Mekong, đặc biệt là gây hạn hán, nhiễm mạn nặng nề tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Trung Quốc là quốc gia cung cấp vốn nhiều nhất cho các đập thủy điện như thế.
Tổ chức có tên Các dòng sông quốc tế ra kêu gọi nhân Hội nghị cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) tại Siem Reap, Campuchia vào ngày 5 tháng tư.
Theo tổ chức Các dòng sông quốc tế thì mặc dù có những tác động đáng kể đối với an ninh lương thực và sinh kế của người dân sống dọc sông Mekong khi xây dựng hệ thống đập thủy điện trên dòng chính cũng như chi lưu của con sông này, qui trình ra kế hoạch và đi đến quyết định thiếu sự tham gia của công chúng, thiếu sự minh bạch cũng như giải trình trách nhiệm.
Tính đến nay, quyết định xây dựng những dự án thủy điện trên sông Mekong chỉ do chính phủ của những nước thành viên thuộc Ủy hội sông Mekong trên cơ sở từng dự án một mà không hề xem xét đến tác động toàn lưu vực.
Tổ chức Các dòng sông quốc tế nêu rõ công tác tham vấn tất cả những đối tượng liên quan khi tiến hành dự án đập thủy điện là thiết yếu cho những cuộc đàm phán được thành công và đạt được giải pháp bảo tồn sự phong phú, đa dạng môi trường của lưu vực Sông Mekong trong khi vẫn hỗ trợ được cho sinh kế của cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế của các nước dọc sông Mekong.
********************
Công tố Malaysia tổng kết vụ hai nữ nghi phạm ám sát Kim Jong-nam (RFA, 05/04/2018)
Thời hạn tranh tụng tại tòa liên quan vụ án 2 nữ bị cáo người Indonesia và Việt Nam tham gia ám sát ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng Hai năm ngoái, đến lúc kết thúc và dự kiến Tòa án tối cao Malaysia sẽ bắt đầu tuyên án từ ngày 27 tháng 6 tới đây.
Cô Đoàn Thị Hương (bìa phải) và Siti Aysyah (thứ ba từ phải) bị cảnh sát Malaysia áp giải tại sân bay Kuala Lupur, 24/10/2017. AFP
AP loan tin vừa nêu vào ngày 5 tháng 4, dẫn lời của các công tố viên thông báo với Tòa án tối cao Malaysia rằng họ vừa hoàn tất hồ sơ tranh tụng sau khi chất vấn 34 nhân chứng trong vòng 6 tháng qua.
Thẩm phán của Tòa án Tối cáo Malaysia nói rằng thời hạn tranh tụng kết thúc và sẽ xem xét hai nữ bị cáo này có tội hay không. Trong trường hợp họ vô tội, thì sẽ được trả tự do ngay lập tức. Còn nếu bị buộc tội, thì hai nữ bị cáo sẽ được có thời gian vài tháng để bào chữa cho mình.
Thẩm phán Tòa án tối cao Malaysia cho biết nếu như hai nữ nghi phạm bị buộc tội ám sát ông Kim Jong-nam thì họ sẽ bị tuyên án treo cổ.
Luật sư bào chữa của cô Đoàn Thị Hương, ông Hisyam Teh Poh Teik nói với báo giới ông sẽ tranh cãi tại buổi kết thúc tranh tụng rằng thân chủ của ông không được xét xử một cách công bằng vì cảnh sát đã điều tra vụ án một cách tùy tiện và thiên vị cùng với sự vắng mặt rõ ràng của bốn nghi phạm người Bắc Triều Tiên.
Luật sư Teik nói thêm là công tố viên đã không đưa ra đủ bằng chứng thuyết phục để buộc tội các bị cáo. Ông nhấn mạnh rằng ông rất tự tin là cô Đoàn Thị Hương vô tội, vì đó là sự thật.
Cô Đoàn Thị Hương, 29 tuổi và cô Siti Aisyah, 25 tuổi bị cáo buộc tham sát hại ông Kim Jong-nam bằng chất độc thần kinh VX, nhưng họ nói là chỉ tham gia một trò đùa trong chương trình truyền hình thực tế.
Vào ngày 4 tháng 4, tờ New Strait Times của Malaysia cho biết Thượng viện Malaysia khẳng định Chính phủ Kuala Lumpur không cho phép bất cứ bên thứ 3 nào can thiệp và tác động vào hồ sơ vụ án sát hại ông Kim Jong-nam, trước quan ngại rằng có khả năng can thiệp từ Bắc Hàn.
***********************
Mỹ tịch thu hàng trăm căn nhà trồng cần sa liên quan tới tội phạm Trung Quốc (VOA, 05/04/2018)
Hàng trăm cơ quan chấp pháp cấp liên bang và địa phương tịch thu gần 100 căn nhà ở miền Bắc California được một tổ chức tội phạm tại Trung Quốc chuyển tiền sang mua dùng để trồng cần sa bất hợp pháp, nhà chức trách Mỹ cho biết ngày 4/4.
Mỹ phá mạng lưới trồng cây cần sa trong nhà quy mô lớn ở Sacramento
Chiến dịch theo sau nhiều tháng điều tra tập trung vào hàng chục công dân Trung Quốc bỏ tiền ra mua nhà cửa tại 7 quận hạt trong bang. Đa số từ các tiểu bang xa xôi như Georgia, Illinois, New York, Ohio và Pennsylvania và tới Mỹ hợp pháp.
Hầu hết cần sa được chuyển ngược lại sang các tiểu bang này qua hướng Atlanta, Chicago và thành phố New York. Tại California, cần sa không bất hợp pháp nhưng phải có giấy phép mới được trồng và theo luật liên bang, chất này là bất hợp pháp.
Nhà chức trách tịch thu các căn nhà, nhưng những người đứng tên mua nhà chưa bị bắt. Công tố viên yêu cầu các thẩm phán chuyển giao quyền sở hữu các tài sản này sang cho chính quyền.
Giới hữu trách đang điều tra xem những người chủ nhà có phải được đưa sang Mỹ vì mục đích này hay không và liệu họ có mắc nợ tổ chức tội phạm vừa kể hay không.
Tiền đặt cọc mua nhà được chuyển ngân từ Trung Quốc. Những người mua dùng cùng các môi giới địa ốc giống nhau ở Sacramento, mượn tiền từ các ngân hàng tư nhân, và những người mua là đứng ra mua dùm nhân danh các chủ sở hữu thực thụ.
Hơn 500 nhân viên công lực triển khai chiến dịch truy quét trong vòng 2 ngày, lùng sục và tịch thu khoảng 75 căn nhà và hai doanh nghiệp buôn bán bất động sản. 25 ngôi nhà còn lại bị tịch thu trong đợt truy quét trước.
Theo AP