Liên Âu thông qua quyết định tăng thuế đối với xe hơi điện Trung Quốc
Trong cuộc biểu quyết hôm nay, 04/10/2024, Liên Hiệp Châu Âu thông qua đề xuất tăng thuế nhắm vào xe hơi điện Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Pháp và Ý ủng hộ việc tăng thuế để bảo vệ nền công nghiệp xe hơi tại châu lục này. Trái lại Đức bỏ phiếu chống vì sợ phải lao vào một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Berlin.
Xe điện Trung Quốc BYD đang chờ được đưa lên tàu tại Cảng quốc tế Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/09/2023. AFP - -
Theo các nguồn tin ngoại giao, trong cuộc bỏ phiếu sáng nay, 10 trên tổng số 27 thành viên Liên Âu ủng hộ việc tăng thuế đánh vào xe Trung Quốc ; 5 nước bỏ phiếu chống, và 12 quốc gia không tham gia bỏ phiếu. Bước kế tiếp Ủy Ban Châu Âu sẽ thảo luận và ấn định mức thuế đánh vào xe hơi điện Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường chung. Mức thuế sắp tới có thể lên tới 35% thay vì 10% như hiện tại.
Bộ Tài chính Đức lập tức lên tiếng kêu gọi Liên Âu "tránh lao vào một cuộc chiến thương mại" với Bắc Kinh. Các hãng xe Đức Voklswagen và Mercedes cho rằng Liên Âu đã "đi lầm đường" khi tăng thuế đánh vào xe hơi điện của Trung Quốc. Bruxelles giải thích việc tăng thuế đánh vào xe của Trung Quốc là để bảo vệ việc làm cho 14 triệu lao động trong ngành công nghiệp xe hơi của Châu Âu. Canada và Mỹ hiện áp dụng mức thuế 100% vào xe hơi điện "Made in China".
Trong một thông cáo chung, Ủy Ban Châu Âu khẳng định đã "hội đủ sự ủng hộ cần thiết của các thành viên" để đánh thuế xe Trung Quốc. Điều đó không cấm cản Bruxelles tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh "tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng và phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới".
Về phần mình, Bắc Kinh dọa sẽ có những biện pháp "đáp trả", tăng thuế đánh vào hàng của Châu Âu xuất khẩu sang Trung Quốc. AFP nhắc lại Bắc Kinh đòi tăng thuế đánh vào rượu vang và các loại rượu mạnh của Pháp, vào thịt heo của Tây Ban Nha, vào nông phẩm của Ba Lan… Ngoài ra, Trung Quốc đã dự trù mở nhiều nhà máy sản xuất xe hơi điện ngay tại Châu Âu để lách thuế nhập khẩu.
Thanh Hà
Tìm "đất tị nạn" : Phương án B của các hãng xe hơi điện Trung Quốc để tránh thuế Châu Âu
Hôm 20/08/2024, Ủy Ban Châu Âu đã khẳng định quyết tâm tăng thêm thuế nhập khẩu, tối đa là 38%, đối với xe hơi điện chế tạo tại Trung Quốc, nhằm bảo vệ thị trường nội địa Liên Âu. Hôm qua, để đáp trả, Bắc Kinh thông báo cho điều tra việc một số chế phẩm từ sữa sản xuất tại Liên Âu được trợ giá. Trong khi đó các nhà sản xuất xe hơi của Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn phương án B để tránh bị Liên Âu áp thêm thuế.
Khách tham quan gian hàng của hãng xe BYD tại Triển lãm xe hơi Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2024. AP - Tatan Syuflana
Trong chuyên mục Giải Mã, báo Pháp Le Figaro ngày 20/08/2024 cho biết, các hãng xe hơi của Trung Quốc, thậm chí các công ty phương Tây sản xuất xe tại Trung Quốc, từ nhiều tháng nay đã đề ra chiến lược để tránh bị Liên Âu áp thêm thuế nhắm vào xe hơi điện "Made in China" và trên thực tế họ có đủ phương tiện thực hiện chiến lược đó.
Kể từ khi Ủy Ban Châu Âu bắt đầu cuộc điều tra "chống trợ giá" cách đây một năm nhằm làm rõ khả năng hãng sản xuất xe điện tại Trung Quốc hưởng lợi do được Bắc Kinh trợ giá, các tập đoàn xe hơi Trung Quốc đã "đi những quân tốt" trên bàn cờ. Hiện tại, chỉ một số ít hãng Trung Quốc bán xe hơi điện ở Châu Âu và hiếm khi công khai ra mặt. Tuy rất quan tâm đến thị trường Châu Âu, họ đều kiên nhẫn chờ thời.
Le Figaro nhắc lại là trong nửa đầu năm 2024, trong số 5,7 triệu xe hơi (xe hơi điện hay xe thường) được bán ra tại thị trường Liên Âu, tập đoàn SAIC, công ty hàng đầu của Trung Quốc tại Châu Âu với thương hiệu MG, chỉ bán được hơn 80.000 xe hơi điện và xe thường. Năm ngoái, đại tập đoàn BYD thậm chí còn không bán đến 16.000 xe ở Châu Âu. Công ty Jato Dynamics hồi tháng 04/2024 nhắc lại các thương hiệu xe Trung Quốc ở Châu Âu chỉ mới chiếm 2,55% thị phần (so với 2,22% hồi tháng 04/2023). Riêng đối với xe 100% chạy bằng bình điện thì thị phần chỉ tăng 6,6%.
MG của Trung Quốc là thương hiệu xe hơi duy nhất đã thành công trong cuộc chinh phục Châu Âu. Được hãng SAIC của Trung Quốc mua lại hồi năm 2007, MG hồi năm ngoái đã khiến mọi đối thủ cạnh tranh phương Tây phải bất ngờ, với mẫu xe hơi điện MG4 có giá rẻ hơn 1/3 so với xe của đối thủ. Tuy nhiên, thành công thương mại này sẽ khiến SAIC bị áp thêm thuế. Theo Ủy Ban Châu Âu, SAIC, công ty sở hữu thương hiệu xe MG, là tập đoàn Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nhất, sẽ bị Bruxelles đánh thuế bổ sung 36,3%, do công ty nhận được nhiều trợ cấp Nhà nước. Trong bối cảnh này, liệu tới đây SAIC còn có thể tiếp tục bán mẫu xe với giá rẻ nhất trên thị trường xe hơi điện ?
"Tị nạn" ngay tại Liên Âu
Các hãng xe Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của SAIC đã chọn "vùng đất tị nạn" là các nhà máy ở Châu Âu để lắp ráp xe hơi. Đây được xem là cách duy nhất để tránh bị Liên Âu áp thêm thuế. BYD, chịu mức thuế áp thêm 17%, đã mở nhà máy tại Hungary từ cuối năm 2023. Nhà máy đầu tiên của BYD ở Châu Âu sẽ bắt đầu sản xuất xe điện từ năm 2027. Cách nay một tháng, hãng tranh giành danh hiệu nhà chế tạo xe hơi điện hàng đầu thế giới với tập đoàn Mỹ Tesla cũng đã mở nhà máy sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. BYD chọn Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì nước này đã ký một thỏa thuận với Liên Âu về miễn thuế quan. Hãng BYD của Trung Quốc sẽ đầu tư 1 tỷ euro và dự tính lắp ráp 150.000 xe hơi mỗi năm tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng 4, tập đoàn Chery, bị đánh thuế thêm 21,3% như hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc, đã liên kết với các công ty Châu Âu, ký kết với hãng Ebro của Tây Ban Nha để thành lập công ty liên doanh ở Zona franca, gần Barcelona, dự kiến vào năm 2029 sẽ lắp ráp 150.000 xe. Chery, vốn là một doanh nghiệp Nhà nước, đã bán được 1,88 triệu xe trong năm 2023, 900.000 xe trong số đó chủ yếu xuất khẩu sang các nước ngoài Liên Âu.
Trong khi đó, Geely, chủ sở hữu thương hiệu xe Volvo và một số thương hiệu Thụy Điển được sản xuất tại Trung Quốc, sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang các nhà máy tại Bỉ. Giống như tập đoàn Mỹ Tesla phải mở nhà máy ở Berlin của Đức cho dù họ chỉ bị đánh thuế 9%.
Đông Phương (Dongfeng), một đại tập đoàn trong ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc, đối tác và cổ đông của PSA, đã bắt đầu thảo luận với Roma để chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Ý. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni quyết tâm đưa một nhà sản xuất xe Trung Quốc vào nước mình để thúc đẩy ngành công nghiệp xe hơi nội địa và kích thích hãng xe Stellantis, vốn bị xem là quá rụt rè ngay trong nước.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý là chính hãng Stellantis, mà Carlos Tavares là tổng giám đốc, đã khơi mào ván bài mà các hãng xe Trung Quốc đang chơi : cách nay 1 năm, Stellantis đã trở thành "đại lý xuất khẩu" của hãng Trung Quốc Leapmotor. Stellantis nắm 20% vốn của hãng xe Trung Quốc và nắm phần lớn vốn của công ty liên doanh chuyên xuất khẩu ra ngoài Trung Quốc. Vì vậy, vào cuối tháng 7, Leapmotor International đã xuất khẩu lô xe điện đầu tiên sang Châu Âu (dòng xe cỡ nhỏ T03 và xe SUV C10 cho gia đình). Carlos Tavares khẳng định : "Tôi tin chắc rằng xe điện Leapmotor sẽ được nhiều khách hàng Châu Âu chấp nhận".
Leapmotor giờ đây có thể tin tưởng vào đồng minh mới. Stellantis sau này sẽ mở thêm các nhà máy lắp ráp xe Trung Quốc tại Châu Âu, không chỉ tập trung ở Ý, mà ưu tiên hướng đến Ba Lan. Việc lắp ráp thậm chí đã được bắt đầu cho các mẫu xe Fiat hoặc Jeep, có thể sẽ được bán ra sớm hơn mẫu xe xe hơi điện nhỏ ë-C3 của Citroën, hiện đang bị chậm tiến độ nhiều tháng.
Thùy Dương
Châu Âu ra đòn sấm sét vào xe hơi điện Trung Quốc
Nhật báo kinh tế Les Echos và Le Figaro ngày 13/06/2024 cùng chú ý đến việc Ủy Ban Châu Âu đánh thuế nặng nề vào xe điện Trung Quốc, với các mức thuế lên đến 48%, do Bắc Kinh trợ giá quy mô cho các hãng xe để cạnh tranh bất chính. Xe hơi điện Trung Quốc bán phá giá ồ ạt đổ vào, gây thiệt hại đáng kể cho kỹ nghệ Châu Âu.
Ảnh minh họa : Xe hơi Trung Quốc tại cảng Yên Đài (Yantai) tỉnh Sơn Đông (Shandong) chuẩn bị xuất khẩu, ngày 10/01/2024 via Reuters – China Daily
Lần đầu tiên EU thẳng tay với Bắc Kinh
Từ tháng tới, mức thuế tạm tính dành cho các nhà sản xuất hợp tác với cuộc điều tra là 21%, những hãng không hợp tác là 38,1%. Ủy ban đang xem xét trường hợp Tesla có các nhà máy tại Hoa lục. Tổng cộng số thuế thu được sẽ khoảng 2 tỉ euro. Đây là quyết định chưa từng thấy của Liên Hiệp Châu Âu (EU), trong khuôn khổ cuộc điều tra "chống trợ giá" mở ra ngày 04/10.
Ủy viên thương mại Valdis Dombrovskis giải thích : "Cạnh tranh phải công bằng, chúng tôi không có chọn lựa nào khác là phải hành động trước sự tăng vọt xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc được trợ giá quy mô". Năm 2023, Trung Quốc đã bán trên 10 tỉ đô la xe điện vào EU. Mức thuế chính thức sẽ được ấn định vào đầu tháng 11, có giá trị trong 5 năm và có thể gia hạn. Từ nay cho đến lúc đó chính quyền và các hãng xe Trung Quốc vẫn có thể thương lượng để giải quyết. Bắc Kinh đã đe dọa trả đũa vào nông sản, hàng không, xe hơi, trước mắt là rượu cognac của Pháp.
Chưa bao giờ Châu Âu cương quyết như vậy trước Trung Quốc. Tuy nhiên đáp trả trước "kẻ xâm lăng" vẫn còn quá thấp so với ngón đòn mà Hoa Kỳ giáng xuống : tháng trước đã tăng thuế hải quan 100% trên một loạt hàng Trung Quốc nhập khẩu trong đó có xe điện. Mức thuế của EU có đủ răn đe Trung Quốc hay không ? Đối với Moritz Schularick của Viện Kiel, sẽ có "tác động đáng kể", giảm được khoảng 25% xe hơi điện Trung Quốc nhập khẩu, tương đương 4 tỉ đô la. Các nhà phân tích của Morgan Stanley thì cho rằng các hãng xe Hoa lục có thể tăng giá và vẫn có lời dù giảm mất phân nửa lợi nhuận. Các quốc gia thành viên có thời hạn đến 15/07 để nêu quan điểm. Pháp, Tây Ban Nha hẳn sẽ ủng hộ quyết định của EU, nhưng Đức vốn bán nhiều xe cho Trung Quốc thì lo sợ bị trả đũa.
"Muộn còn hơn không" hay "quá ít và quá trễ" ?
Về việc trợ giá, Le Figaro nêu ra cụ thể : Trung Quốc cạnh tranh bất chính bằng cách ưu đãi thuế, bán đất giá rẻ, dành lãi suất thấp... đi ngược lại các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tràn ngập thị trường thế giới bằng hàng hóa sản xuất quá thừa. La Croix mô tả hàng mấy chục ngàn chiếc xe hơi điện Trung Quốc tại các bãi đậu ở cảng Bỉ, Đức, Hà Lan, hình ảnh này cho thấy mối đe dọa lớn lao đang rình rập kỹ nghệ Châu Âu, trước viễn cảnh xe động cơ nhiệt bị cấm từ 2035.
Thẳng tay với xe hơi Trung Quốc, muộn còn hơn không hay quá ít và quá trễ ? Các chuyên gia có ý kiến khác nhau. Người thì nhận định rốt cuộc Châu Âu ngây thơ đã phải dùng đến biện pháp mạnh với Bắc Kinh, nhưng hợp lý và chừng mực. Bên cạnh tính răn đe mạnh mẽ hơn dự kiến, đã giúp chận đường nhà vô địch bán phá giá. Người khác lo sợ một vòng xoáy trả đũa nguy hiểm, nhất là không đi xa đến đánh thuế 100% như Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể tránh né phần nào, đặc biệt là loại xe hybrid vẫn tiếp tục bán phá giá.
Les Echos cho rằng nếu hãy còn quá sớm để nói rằng quyết định của EU sẽ thay đổi ván cờ, thì vẫn chưa quá trễ để dùng đến một con đường khác. Trước Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện không ngần ngại trợ giúp kỹ nghệ trong nước, EU có thể thành lập các khu vực miễn thuế, tạo điều kiện cho sản xuất bình điện, tài trợ cho các xe lắp ráp tại Châu Âu. Vì nếu hệ quả là người tiêu thụ phải trả giá cao hơn nhưng không cải thiện được hiệu năng của ngành kỹ nghệ, thì châu lục sẽ thiệt hại gấp đôi.
Hùng An, thành phố "tương lai" của Tập Cận Bình
Đến thăm Tân khu Hùng An (Xiong’an), chỉ cần nhìn lướt qua thông tín viên Le Figaro đã nhận thấy khoảng bốn chục cần cẩu đang hoạt động, tại một trong những công trường lớn nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 21. "Thành phố của tương lai" mà chủ tịch Tập Cận Bình mơ đến đang được xây dựng ngày và đêm, ở cách Bắc Kinh khoảng 100 kilomet về phía tây nam. "Singapore của Hà Bắc" dự định đón nhận 7 triệu dân được chọn lọc kỹ càng, là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn lớn Trung Quốc để làm biểu tượng cho "hiện đại hóa cao độ xã hội chủ nghĩa".
Những nhà máy dệt may hay giày dép cũ kỹ nhường chỗ cho những tòa tháp bằng kính và thép trang bị 5G, các đầm lầy muỗi mòng biến thành hồ nước. Một nhà ga tàu cao tốc mang hình dáng dĩa bay nối liền thủ đô trong 50 phút, một sân vận động 30.000 sẽ được xây dựng. Các trường đại học, bệnh viện nổi tiếng đầu tư xây chi nhánh, tập đoàn điện thoại China Mobile hay dầu khí Sinopec đều đặt văn phòng ở đây, và tất cả đại gia của tư bản đỏ đang được chờ đợi. Dự án khổng lồ này tốn kém 95 tỉ đô la : nhà lãnh đạo 70 tuổi muốn để lại dấu ấn trong lịch sử Trung Hoa.
Từ khi dự án được loan báo, các nhà đầu tư đã vội vã lao đến. Nhưng nay trên các đại lộ hoang vắng, khách bộ hành rất hiếm hoi cũng như các tiệm buôn ; trông như một thành phố ma nhưng với camera giám sát dày đặc. Hầu hết các căn hộ đều không có người ở. Nhân dân Nhật báo quả quyết, sau Thâm Quyến của thập niên 80, Phố Đông thập niên 90 sẽ là Hùng An của thế kỷ 21. "Hùng mạnh" và "An bình", liệu ông Tập có đạt được khi tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc thấp chưa từng thấy ?
AMTI : Việt Nam cũng xây đảo nhân tạo trên Biển Đông
Liên quan đến Việt Nam, Les Echos dẫn báo cáo của Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI – Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á) cho rằng cũng như Bắc Kinh, gần đây Hà Nội nỗ lực xây dựng các đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng quân sự tại Trường Sa, nhưng không bị quốc tế chú ý hay chỉ trích.
Dựa vào các hình ảnh vệ tinh của Maxar, AMTI nhận thấy từ sáu tháng qua Việt Nam đã lợi thêm được gần 2,8 km2 đất, tại 10/14 đảo chính của Trường Sa. Tuy diện tích này có vẻ không đáng kể, nhưng tương đương với 11 tháng của năm (1,6 km2) hay toàn bộ 2022 (1,4 km2), có nghĩa là Hà Nội đã tăng tốc. Các hoạt động đào đắp của Việt Nam bằng phân nửa của Trung Quốc, so với chưa đầy 1/10 cách đây ba năm. Hà Nội kín tiếng hơn Manila, và ít có những vụ đụng độ thường xuyên với tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông như Philippines.
Trong số các đảo được củng cố, AMTI đặc biệt chú ý đến Bãi Thuyền Chài (Récif Barque Canada) được Việt Nam chiếm đóng từ 1987. Đây là điểm tiền phương lớn nhất của Việt Nam ở Trường Sa, diện tích đã tăng gấp đôi trong nửa năm qua. Tại Bãi Thuyền Chài có thể xây dựng phi đạo đủ lớn để đón nhận phi cơ vận tải quân sự hay oanh tạc cơ, có thể cạnh tranh với các cơ sở khác của Trung Quốc. Ở nhiều đảo nhỏ khác, ngoài việc lấn biển Hà Nội còn xây thêm cầu tàu, cảng mới, chiến hào và dường như cả nơi đặt khẩu đội bảo vệ bờ biển. Việc xây dựng được tiến hành âm thầm để không gây chú ý, nhưng theo AMTI có thể gây phức tạp thêm tình hình trong tương lai.
Pháp : Cánh hữu bên bờ vực tan rã, cánh tả chật vật liên kết
Thời sự trong nước tiếp tục là mối quan tâm chính của các nhật báo Pháp. Le Monde chạy tít "Thỏa thuận với Tập Hợp Dân Tộc (RN) : Cánh hữu bên bờ vực tan rã". Le Figaro chú ý đến việc "Emmanuel Macron kêu gọi một sự tỉnh thức trước các đảng cực đoan". La Croix cho biết tại Bretagne, thành trì của phe dân chủ Thiên Chúa giáo, những lá phiếu cho RN đã làm đảo lộn sự thăng bằng.
Xã luận nhật báo thiên hữu Le Figaro chế giễu "Mặt trận bình dân" mới của cánh tả là "Mặt trận của sự xấu hổ". Cực tả, cộng sản, xã hội, sinh thái sau khi cấu xé nhau nay đứng chung, bất chấp các xung khắc, các tuyên bố bài Do Thái, thân Hamas, thân Putin của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI). Trong khi Raphaël Glucksmann, ứng cử viên đã thành công trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, giúp cánh tả hồi sinh nay bị gạt ra ngoài.
Về phía tờ báo thiên tả Libération trên trang web cho biết thương lượng giữa phe xã hội và cực tả đang bế tắc vì bất đồng về hồ sơ Ukraine và đòi hỏi loại Adrien Quatennens, đại biểu đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đã bị kết án vì bạo lực gia đình, không được chấp nhận. Phe xã hội cũng đòi hỏi ủng hộ đảng của Macron nếu cực hữu lọt vào vòng hai, hiện chưa được cực tả đồng ý.
Chủ tịch đảng cánh hữu LR bị khai trừ đảng : Một ngày lịch sử !
Sự kiện đầy kịch tính là ông Éric Ciotti, chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa (LR) bị khai trừ đảng vì tự ý liên minh với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), đi ngược lại chủ trương xưa nay. Les Echos và Libération kể lại một ngày đầy xáo động nơi trụ sở đảng cánh hữu hôm qua.
Phản ứng tương xứng với cuộc khủng hoảng mà đảng này đang trải qua. "Bộ Chính trị" nhất trí khai trừ chủ tịch đảng và François-Xavier Bellamy, người đứng đầu danh sách LR trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu cùng với Annie Genevard, tổng thư ký sẽ tạm thời đảm nhiệm chiến dịch tranh cử Quốc hội. Éric Ciotti khẳng định vẫn là chủ tịch, đe dọa thưa kiện vì quyết định trên không có giá trị.
Trước đó vào buổi sáng, ông Ciotti ra lệnh khóa cửa trụ sở đảng vì "lý do an ninh", Bộ Chính trị phải họp cách đó vài trăm mét. Tất cả khuôn mặt kỳ cựu của LR đều đả kích vị chủ tịch thất sủng. Bà Valérie Pécresse, người đứng đầu LR tại Paris và vùng phụ cận nói rằng : "Không có chỗ trong đảng cho những kẻ phản bội, cũng như việc bất ngờ đảo chánh". Ông Ciotti hoàn toàn bị cô lập. Hôm thứ Ba hầu như toàn bộ văn phòng ông đều từ chức trừ hai cộng sự, các nhân viên trong trụ sở cố gắng không cho đăng nhập vào mạng xã hội.
"Cựu" chủ tịch đảng chỉ được duy nhất một dân biểu mãn nhiệm ủng hộ, vẫn tuyên bố thu thập được 10.000 chữ ký đồng thuận liên minh với cực hữu. Tuy nhiên một cuộc thăm dò OpinionWay công bố hôm qua, thứ Tư cho thấy đến 72% cử tri cánh hữu phản đối LR liên kết với RN. Vào cuối cái ngày sẽ đi vào lịch sử của đảng cánh hữu, cánh cửa trụ sở được mở lại : bà Annie Genevard có chìa khóa dự phòng !
Françoise Hardy, đóa hồng vừa khuất bóng
Libération dành ảnh trang nhất và sáu trang trong để tưởng niệm nữ ca sĩ Françoise Hardy vừa qua đời. Những bài viết về thần tượng nhạc pop thập niên 60 của nước Pháp cũng chiếm lĩnh rất nhiều trang trên các báo khác, thường mang tựa đề những bài hát để đời của nữ ca sĩ. Libération chọn tít trang nhất "Françoise Hardy, Le temps de l’amour" (Thời của yêu thương). Le Figaro chạy tựa "Françoise Hardy, comment te dire adieu" (Làm thế nào nói lời vĩnh biệt), Les Echos nói về "Cái chết của đóa hồng", gợi nhớ bài hát "Mon ami la rose" (Bạn tôi, hoa hồng).
Mùa hè 1967, phong trào yéyé bắt đầu thời thượng, truyền hình Pháp trình diện một khuôn mặt trẻ. "Tous les garçons et les filles" (Tất cả những chàng trai và những cô gái), bài hát do Françoise Hardy tự sáng tác và trình bày lập tức chiếm lĩnh trái tim khán giả và thành công lớn tại nhiều nước trên thế giới với những phiên bản khác nhau. Nhưng cô chưa bao giờ tự hài lòng với chính mình, và với bản tính nhút nhát, không thích những buổi diễn hoành tráng. Bằng vẻ duyên dáng tự nhiên, sắc vóc người mẫu, giọng ca quyến rũ, Françoise Hardy khiến cả một thế hệ không thể quên đi thần tượng của mình.
Thụy My