Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/08/2024

Xe hơi điện Trung Quốc tìm "đất tị nạn"

RFI tiếng Việt

Tìm "đất tị nạn" : Phương án B của các hãng xe hơi điện Trung Quốc để tránh thuế Châu Âu

Hôm 20/08/2024, Ủy Ban Châu Âu đã khẳng định quyết tâm tăng thêm thuế nhập khẩu, tối đa là 38%, đối với xe hơi điện chế tạo tại Trung Quốc, nhằm bảo vệ thị trường nội địa Liên Âu. Hôm qua, để đáp trả, Bắc Kinh thông báo cho điều tra việc một số chế phẩm từ sữa sản xuất tại Liên Âu được trợ giá. Trong khi đó các nhà sản xuất xe hơi của Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn phương án B để tránh bị Liên Âu áp thêm thuế.

xehoidien1

Khách tham quan gian hàng của hãng xe BYD tại Triển lãm xe hơi Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2024. AP - Tatan Syuflana

Trong chuyên mục Giải Mã, báo Pháp Le Figaro ngày 20/08/2024 cho biết, các hãng xe hơi của Trung Quốc, thậm chí các công ty phương Tây sản xuất xe tại Trung Quốc, từ nhiều tháng nay đã đề ra chiến lược để tránh bị Liên Âu áp thêm thuế nhắm vào xe hơi điện "Made in China" và trên thực tế họ có đủ phương tiện thực hiện chiến lược đó.

Kể từ khi Ủy Ban Châu Âu bắt đầu cuộc điều tra "chống trợ giá" cách đây một năm nhằm làm rõ khả năng hãng sản xuất xe điện tại Trung Quốc hưởng lợi do được Bắc Kinh trợ giá, các tập đoàn xe hơi Trung Quốc đã "đi những quân tốt" trên bàn cờ. Hiện tại, chỉ một số ít hãng Trung Quốc bán xe hơi điện ở Châu Âu và hiếm khi công khai ra mặt. Tuy rất quan tâm đến thị trường Châu Âu, họ đều kiên nhẫn chờ thời.

Le Figaro nhắc lại là trong nửa đầu năm 2024, trong số 5,7 triệu xe hơi (xe hơi điện hay xe thường) được bán ra tại thị trường Liên Âu, tập đoàn SAIC, công ty hàng đầu của Trung Quốc tại Châu Âu với thương hiệu MG, chỉ bán được hơn 80.000 xe hơi điện và xe thường. Năm ngoái, đại tập đoàn BYD thậm chí còn không bán đến 16.000 xe ở Châu Âu. Công ty Jato Dynamics hồi tháng 04/2024 nhắc lại các thương hiệu xe Trung Quốc ở Châu Âu chỉ mới chiếm 2,55% thị phần (so với 2,22% hồi tháng 04/2023). Riêng đối với xe 100% chạy bằng bình điện thì thị phần chỉ tăng 6,6%.

MG của Trung Quốc là thương hiệu xe hơi duy nhất đã thành công trong cuộc chinh phục Châu Âu. Được hãng SAIC của Trung Quốc mua lại hồi năm 2007, MG hồi năm ngoái đã khiến mọi đối thủ cạnh tranh phương Tây phải bất ngờ, với mẫu xe hơi điện MG4 có giá rẻ hơn 1/3 so với xe của đối thủ. Tuy nhiên, thành công thương mại này sẽ khiến SAIC bị áp thêm thuế. Theo Ủy Ban Châu Âu, SAIC, công ty sở hữu thương hiệu xe MG, là tập đoàn Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nhất, sẽ bị Bruxelles đánh thuế bổ sung 36,3%, do công ty nhận được nhiều trợ cấp Nhà nước. Trong bối cảnh này, liệu tới đây SAIC còn có thể tiếp tục bán mẫu xe với giá rẻ nhất trên thị trường xe hơi điện ?

"Tị nạn" ngay tại Liên Âu

Các hãng xe Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của SAIC đã chọn "vùng đất tị nạn" là các nhà máy ở Châu Âu để lắp ráp xe hơi. Đây được xem là cách duy nhất để tránh bị Liên Âu áp thêm thuế. BYD, chịu mức thuế áp thêm 17%, đã mở nhà máy tại Hungary từ cuối năm 2023. Nhà máy đầu tiên của BYD ở Châu Âu sẽ bắt đầu sản xuất xe điện từ năm 2027. Cách nay một tháng, hãng tranh giành danh hiệu nhà chế tạo xe hơi điện hàng đầu thế giới với tập đoàn Mỹ Tesla cũng đã mở nhà máy sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. BYD chọn Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì nước này đã ký một thỏa thuận với Liên Âu về miễn thuế quan. Hãng BYD của Trung Quốc sẽ đầu tư 1 tỷ euro và dự tính lắp ráp 150.000 xe hơi mỗi năm tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi tháng 4, tập đoàn Chery, bị đánh thuế thêm 21,3% như hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc, đã liên kết với các công ty Châu Âu, ký kết với hãng Ebro của Tây Ban Nha để thành lập công ty liên doanh ở Zona franca, gần Barcelona, dự kiến vào năm 2029 sẽ lắp ráp 150.000 xe. Chery, vốn là một doanh nghiệp Nhà nước, đã bán được 1,88 triệu xe trong năm 2023, 900.000 xe trong số đó chủ yếu xuất khẩu sang các nước ngoài Liên Âu.

Trong khi đó, Geely, chủ sở hữu thương hiệu xe Volvo và một số thương hiệu Thụy Điển được sản xuất tại Trung Quốc, sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang các nhà máy tại Bỉ. Giống như tập đoàn Mỹ Tesla phải mở nhà máy ở Berlin của Đức cho dù họ chỉ bị đánh thuế 9%.

Đông Phương (Dongfeng), một đại tập đoàn trong ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc, đối tác và cổ đông của PSA, đã bắt đầu thảo luận với Roma để chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Ý. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni quyết tâm đưa một nhà sản xuất xe Trung Quốc vào nước mình để thúc đẩy ngành công nghiệp xe hơi nội địa và kích thích hãng xe Stellantis, vốn bị xem là quá rụt rè ngay trong nước.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý là chính hãng Stellantis, mà Carlos Tavares là tổng giám đốc, đã khơi mào ván bài mà các hãng xe Trung Quốc đang chơi : cách nay 1 năm, Stellantis đã trở thành "đại lý xuất khẩu" của hãng Trung Quốc Leapmotor. Stellantis nắm 20% vốn của hãng xe Trung Quốc và nắm phần lớn vốn của công ty liên doanh chuyên xuất khẩu ra ngoài Trung Quốc. Vì vậy, vào cuối tháng 7, Leapmotor International đã xuất khẩu lô xe điện đầu tiên sang Châu Âu (dòng xe cỡ nhỏ T03 và xe SUV C10 cho gia đình). Carlos Tavares khẳng định : "Tôi tin chắc rằng xe điện Leapmotor sẽ được nhiều khách hàng Châu Âu chấp nhận".

Leapmotor giờ đây có thể tin tưởng vào đồng minh mới. Stellantis sau này sẽ mở thêm các nhà máy lắp ráp xe Trung Quốc tại Châu Âu, không chỉ tập trung ở Ý, mà ưu tiên hướng đến Ba Lan. Việc lắp ráp thậm chí đã được bắt đầu cho các mẫu xe Fiat hoặc Jeep, có thể sẽ được bán ra sớm hơn mẫu xe xe hơi điện nhỏ ë-C3 của Citroën, hiện đang bị chậm tiến độ nhiều tháng.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 143 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)