Không đẩy được quân đội Ukraine khỏi Kursk, Nga sẽ hành động ra sao ?
Les Echos ngày 22/08/2024 dẫn nguồn từ tình báo quân đội Ukraine cho biết đang chuẩn bị cho việc Moskva trả đũa lại chiến dịch Kursk. Kiev nhận định Kremlin sắp trả thù cho nỗi nhục phải chịu đựng từ khi quân đội Ukraine tiến vào Kursk hôm 06/08.
Ảnh vệ tinh của Planet Labs PBC cho thấy đám cháy từ một kho xăng dầu của Nga gần Proletarsk sau khi bị drone Ukraine tấn công, ngày 19/08/2024. AP - Planet Labs PBC
Quân Nga ở Kursk và Belgorod vẫn chưa chặn nổi Ukraine
Sau hơn hai tuần lễ chiến đấu, Ukraine vẫn luôn kiểm soát trên 1.200 km² lãnh thổ Nga, và hôm qua Moskva chịu đựng một làn sóng tấn công của drone cảm tử. Ông Vadym Skibitsky, nhân vật số hai của tình báo quân đội Ukraine khẳng định "Nga có kế hoạch, chúng tôi biết", và từ chối nói thêm chi tiết. Nhưng không thể loại trừ việc Nga lại tung ra một đợt oanh kích quy mô trong những ngày tới, vì Ukraine mừng Quốc khánh ngày thứ Bảy 24/08.
Trong khi chờ đợi, quân Nga ở Kursk và Belgorod vẫn không chận nổi bước tiến của Ukraine dù đã chậm lại trong những ngày gần đây. Với tình trạng như hiện nay, có vẻ Nga không thể lấy lại được vùng đất đã bị Ukraine chiếm trong hai tuần qua. Hầu hết là lính quân dịch ít được huấn luyện và trang bị sơ sài, cùng với các lực lượng trực thuộc Bộ Nội vụ, rất nhiều lính Nga đã bị bắt làm tù binh ngay trong những giờ đầu tiên xâm nhập, và có thể đang bị giam tại Sumy. Tổng thống Volodymyr Zelensky hàm ý số tù binh này có thể trao đổi lấy những người Ukraine bị bắt.
Theo tướng Oleksandr Syrsky, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, quân của ông đã vào sâu từ 28 đến 35 kilomet tại tỉnh Kursk, đến thứ Ba đã kiểm soát 1.263 km² đất và 93 khu định cư. Moskva điều nhiều đơn vị từ các mặt trận khác về để tăng cường và như vậy theo Ukraine, Nga thiếu lực lượng dự bị có thể phản ứng nhanh trong trường hợp khẩn cấp. Trên 122.000 dân Kursk đã phải di tản. Nhưng chiến lược đưa chiến tranh sang đất Nga không chỉ nhắm vào Kursk. Hôm qua theo Bộ Quốc phòng Nga, 45 drone Ukraine tấn công Moskva đã bị bắn hạ - những con số không thể kiểm chứng độc lập. Về phía Ukraine khẳng định đã tiêu diệt 50/69 drone Nga nhắm vào nhiều thành phố trong đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư.
Moskva và Kiev đều đang chuẩn bị những đòn tầm cỡ ?
Trả lời phỏng vấn của Libération, nhà chính trị học Tatiana Stanovaia cho rằng tuy việc Ukraine xâm nhập vào Kursk và dùng drone tấn công Moskva khiến Kremlin tức tối, nhưng về căn bản không thay đổi được ván cờ. Dù sao đi nữa Ukraine cũng không thể tấn công đại quy mô, Moskva không thể chiếm Kiev, phương Tây không giúp nổi Ukraine tống xuất được quân Nga chiếm đóng. Tất cả đều trong ngõ cụt, nên lối thoát là phải thương lượng. Nhưng thế trận mới đã làm tắt hy vọng này. Tại sao Putin phản ứng chậm như vậy ? Theo bà Stanovaia, chắc chắn là ông ta chuẩn bị một cuộc trả đũa tầm cỡ. Các blogger chiến trường cũng nghi ngờ việc tiến đánh Kursk chỉ nhằm đánh lạc hướng, Kiev thực ra sắp sửa làm một cú rất lớn ở Crimea.
Dưới cái nhìn của Moskva, để giữ hơn 1.000 cây số vuông chiếm được, Kiev khó thể tìm được nguồn lực cho một mặt trận thứ hai. Nga cho rằng đây chỉ là hoạt động truyền thông, vấn đề đối với Kremlin mang tính chiến thuật là phải hành động như thế nào ? Vấn đề lính quân dịch hết sức gai góc. Putin không thể gởi các tân binh này lên tuyến đầu, nhưng tập trung họ tại các vùng biên giới. Đã hai tuần quân đội Ukraine ở trên đất Nga, nhưng cuộc sống vẫn bình thường nhất là tại thủ đô. Một khi mà cư dân vẫn tiếp tục đi xem hát, đi nhà hàng, đi làm, đưa con đến trường mà không có nguy cơ bị tử thương thì chẳng có gì thay đổi, và sẽ còn kéo dài.
Đối với Kremlin tình trạng hiện nay hết sức khó chịu, ảnh hưởng đến uy tín. Nhưng trong đầu Putin vẫn tin rằng có phương Tây phía sau. Biết rằng Ukraine giăng ra cái bẫy để làm giảm áp lực ở Donbass, Putin không rút bớt quân tại đây. Và theo cách nghĩ của Putin thì Kiev đã làm mất đi cơ hội thương lượng.
Lo ngại cho nhà máy điện nguyên tử Kursk
Trong khi đó đặc phái viên Le Figaro cho biết "Ở cách vùng chiến sự 50 kilomet, nhà máy điện nguyên tử Kursk trong tình trạng báo động". Từ hai tuần qua, địa điểm được xây dựng cùng lúc với Tchernobyl đang được bảo vệ an ninh chặt chẽ. Nhà máy này cung cấp điện cho Kursk và cả Belgorod, Briansk. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Nga khẳng định Ukraine đang chuẩn bị tấn công, "kêu gọi Liên Hiệp Quốc và AIEA lên án những hành động khiêu khích của chế độ Kiev", tuy quân Nga đang chiếm nhà máy điện nguyên tử Zaporijia của Ukraine từ tháng 3/2022.
Thị trưởng Igor Korpunkov nói rằng "có vài drone nhỏ" rơi xuống gần nhà máy, không gây thiệt hại gì nhưng dù sao cũng nguy hiểm. Ít thấy sự hiện diện của lính tráng, có lẽ cũng như ở Kursk, chính quyền không muốn dân chúng sợ hãi. Trên đường từ Kursk đến Kurchatov, phải vượt qua nhiều trạm kiểm soát, có những toán tuần tra suốt đêm. Những trận đụng độ dữ dội gần nhà máy Zaporijia tuần trước khiến Rafael Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế phải cảnh báo. Tuy nhiên Kursk khác hẳn Zaporijia : chưa có dấu hiệu gì cho thấy lực lượng Ukraine muốn chiếm nhà máy điện nguyên tử này.
Tình báo Nga tìm cách xâm nhập điện thoại ngoài mặt trận
Trên trận địa, tại Ukraine điện thoại thông minh vừa là vũ khí vừa là mục tiêu của chiến tranh mạng, và Nga tìm cách xâm nhập smartphone của các chiến binh Ukraine. Đối với lính Nga, từ cuối tháng 7 Duma (Quốc hội) đã cho phép các chỉ huy đơn vị trừng phạt những ai dùng thiết bị điện tử trên mặt trận ngoài khuôn khổ các chiến dịch quân sự. Năm ngoái, quân đội Ukraine đã định vị được một cuộc tập hợp ở Rohove nhờ liên lạc điện thoại của quân Nga, và dùng ATACMS tấn công làm mấy chục người chết.
Theo Le Figaro, điện thoại di động luôn rất cần để truyền lệnh và trao đổi, điều khiển và phát hiện drone. Từ đầu cuộc chiến, một sĩ quan Pháp nhận định "Người chiến binh của tương lai cần được trang bị súng và điện thoại". Tuy nhiên điện thoại di động đã trở thành mục tiêu khai thác dữ liệu. Nhà nghiên cứu Dan Black cho biết các đơn vị tin tặc Nga không chỉ muốn làm rối loạn mạng lưới và cơ sở hạ tầng Ukraine, mà còn xâm nhập vào các thiết bị ngoài mặt trận, để giành lợi thế chiến thuật ngắn hạn.
Chẳng hạn Center 16 của FSB tìm cách bẻ khóa ứng dụng Signal, Sandworm của GRU cung cấp cho các đơn vị Nga phương tiện để khai thác các điện thoại lấy được của Ukraine. Bên cạnh đó là nguy cơ tin tặc Nga chiếm quyền kiểm soát các camera giám sát. Các quân đội phương Tây và đại tập đoàn công nghệ như Microsoft, Amazon, Google đã trợ giúp Kiev từ đầu cuộc xâm lăng, và theo một nguồn tin quân sự Pháp, thì "phòng thủ đã chiếm lợi thế so với tấn công".
Chính thống giáo và nguy cơ "đội quân thứ năm" ở Ukraine
Về mặt tôn giáo, La Croix và Les Echos cùng giải thích vì sao Ukraine cấm giáo hội Chính thống giáo liên kết với Moskva hoạt động, theo một dự luật vừa được Quốc hội thông qua. Với 265 phiếu thuận và chỉ có 29 phiếu chống, đây là một quyết định lịch sử. Tổng thống Ukraine hoan nghênh một đạo luật bảo đảm "độc lập về tín ngưỡng" của đất nước.
Từ đầu cuộc xâm lăng, các đại diện giáo hội Chính thống giáo Ukraine liên quan đến Tòa thượng phụ Moskva nói rằng đã tách rời khỏi giáo quyền Nga, đặc biệt là thượng phụ Kirill, người ủng hộ nhiệt thành của Vladimir Putin, rao giảng biện minh cho việc xâm lược. Nhưng tác giả Jean-François Colosimo cho biết thật ra họ vẫn giữ liên hệ. Tình hình này khó thể chấp nhận đối với Ukraine, vì một số hàng giáo phẩm từng có bạn học là tình báo Nga FSB, muốn Moskva chiến thắng. Họ là kẻ thù từ bên trong.
Với luật mới, giáo hội Chính thống giáo Ukraine sẽ phải ra khỏi vùng xám. Khoảng 20 thành viên đã bị lãnh án vì nhận tiền hay vũ khí của kẻ xâm lăng, hoặc tuyên truyền cho Nga. Các tổ chức tôn giáo có 9 tháng để chứng minh họ không có quan hệ lệ thuộc dù là về chính trị, hành chánh, tín ngưỡng, tài chánh hay ý thức hệ với Moskva. Nhà nghiên cứu Antoine Arjakovsky, nhấn mạnh, tự do tín ngưỡng ở Ukraine không hề bị đe dọa, mà chỉ cấm đội quân thứ năm đột lốt tôn giáo để hoạt động.
Chất độc da cam : Cuộc chiến không mệt mỏi của bà Trần Tố Nga
La Croix nói về "Cuộc chiến đấu lâu dài của bà Trần Tố Nga chống lại chất độc màu da cam". Hôm nay tòa phúc thẩm Paris ra phán quyết về vụ kiện 14 tập đoàn hóa chất nông nghiệp Mỹ trong đó có Monsanto đã sản xuất ra chất diệt cỏ chứa dioxine dùng trong chiến tranh Việt Nam.
Người phụ nữ 82 tuổi mang hai quốc tịch Việt-Pháp nói rằng dù quyết định của tòa ra sao đi nữa, bà sẵn sàng hy sinh thêm vài năm trong cuộc sống. Từ miền bắc vào nam kháng chiến trong chiến khu, một hôm bà ra khỏi hầm trú ẩn khi máy bay đang rải hóa chất. Bà mất đứa con đầu tiên lúc 17 tháng tuổi, hai đứa sau đều dị tật về tim, còn bà bị phát hiện ung thư vú, tiểu đường và lao. Mãi sau này bà mới cho là do chất độc da cam, báo cáo Stellman năm 2003 cho biết 4 triệu người Việt bị nhiễm chất này.
Ông Võ Đình Kim, người sáng lập hội Vietnam Dioxine năm 2004 cho biết ông rất sốc khi biết con số nạn nhân. Năm 2009, một tòa án dư luận được Vietnam Dioxine tổ chức, bà Trần Tố Nga lên kể lại câu chuyện của mình và gặp luật sư Pháp William Bourdon. Nếu ở Hoa Kỳ, mọi dự định kết án các tập đoàn Mỹ đều thất bại, luật sư và Vietnam Dioxine muốn kiện tại Pháp nhưng phải có một nạn nhân Pháp. Bà Nga chính là tiếng nói để vận động.
Luật sư William Bourdon cảnh báo là sẽ rất khó khăn, nhưng bà Nga suy nghĩ nếu mình không hành động, tội ác về chất độc da cam sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn trong lịch sử. Phiên tòa đầu tiên năm 2021 tại Évry (Essonne), nơi Trần Tố Nga cư ngụ, nhưng tòa bác vì không thể xác định yếu tố các công ty này "hành động theo lệnh Nhà nước Hoa Kỳ". Bertrand Repolt, một trong các luật sư của bà nói, nếu lần này tòa phúc thẩm chấp nhận, sẽ mở ra một phiên tòa thực sự. Trong mười năm qua, bà Nga trở thành biểu tượng cho cuộc tranh đấu, bà khẳng định mình không có quyền mệt mỏi vì các nạn nhân đang trông cậy.
Kamala Harris, thành lũy chặn Donald Trump
Thời sự hôm nay khá phong phú, nên tít trang nhất các báo cũng đa dạng. Le Figaro đưa tít "Sau sự hưng phấn Thế vận hội, nước Pháp chuẩn bị cho một làn sóng các môn thể thao". Các liên đoàn bơi lội, judo... sắp sửa đón nhận thêm nhiều người đăng ký, với mối băn khoăn làm thế nào cơ sở hạ tầng đáp ứng được.
Về y tế, Le Monde cho biết các bệnh viện đang căng thẳng : từ tháng 11 sẽ thiếu 1.000 bác sĩ nội trú. Dù tình hình sẽ không kéo dài quá một năm, nhưng cần có những cải cách. Bên cạnh đó, khoa cấp cứu của khoảng 50 bệnh viện đang quá tải, đây sẽ phải là hồ sơ hàng đầu của chính phủ mới. Về lãnh thổ hải ngoại, Les Echos báo động "Tân Calédonie bên bờ vực sụp đổ kinh tế", giới kinh doanh lo ngại một đợt nổi loạn mới. Tại Châu Âu, La Croix nhận xét dù còn một số trở ngại, nhiều hành khách vẫn thích dùng xe lửa để di chuyển.
Đề cập đến bầu cử Mỹ, Libération đăng ảnh hai ứng cử viên tổng thống, chạy tít "Kamala xuất hiện, Donald run rẩy". Trong khi đại hội đảng Dân Chủ đầy hào hứng với Harris, ông Trump chật vật chưa thích ứng được chiến dịch tranh cử. Xã luận Libération dẫn lời cựu tổng thống Barack Obama tối thứ Ba ở Chicago, nhấn mạnh ứng cử viên Dân Chủ là thành lũy duy nhất chống lại một nước Mỹ của Donald Trump vốn sẵn sàng làm mọi cách để tránh thất bại, trong một đất nước mà ông góp phần làm chia rẽ.
Tờ báo nhắc lại hồi 2004 trong bài diễn văn đầu tiên tại đại hội đảng Dân Chủ, Obama khẳng định "không có một nước Mỹ bảo thủ hay cấp tiến, nhưng một đất nước duy nhất là Hoa Kỳ". Tuy nhiên đó là cách đây 20 năm, mà như nhiều thế kỷ. Lần này Obama nói ngược lại, nhằm củng cố tính chính danh cho Kamala Harris - phó tổng thống bỗng chốc được đẩy lên thành đối thủ của một ứng cử viên có tính cách mạnh mẽ. Bà Harris cần chứng tỏ xứng đáng với làn sóng hy vọng mới này.
Thụy My