Chi Phương, RFI, 26/11/2021
Bộ quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp và Hoa Kỳ không nên có "bất cứ ảo tưởng nào" đối với Đài Loan. Đây là phản ứng mới nhất về vấn đề Đài Loan mà Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình.
Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar (trái) phát biểu trong cuộc gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Đài Bắc, ngày 10/08/2020. Pool/AFP
Trả lời về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề về Đài Loan, trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, 25/11/2021, người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Cường, nhấn mạnh rằng cả hai bên đều có lợi nếu duy trì quan hệ lành mạnh và ổn định. Tuy nhiên, theo Aljazeera, ông Ngô Cường cho biết thêm, "trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã có những tuyên bố vô trách nhiệm và có hành động khiêu khích ở Đài Loan, trên Biển Đông, và thậm chí còn thực hiện do thám bằng tàu chiến trong khu vực".
Đại diện bộ quốc phòng Trung Quốc cũng khẳng định rằng chủ quyền của Trung Quốc không thể bị xâm phạm. "Đặc biệt là vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp, và Hoa Kỳ không nên có bất cứ ảo tưởng nào".
Cũng trong ngày 25/11, một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đến Đài Loan. Theo AFP, đây là phái đoàn thứ hai đến Hoa Kỳ trong tháng 11. Chuyến thăm lần này kéo dài hai ngày, đề cập đến quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan, an ninh khu vực và các vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm. Đây là một dấu hiệu mới về sự ủng hộ của Mỹ chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden mời Đài Bắc tham dự hội nghị thượng đỉnh về dân chủ.
Aljazeera nhận định rằng Mỹ duy trì chính sách chiến lược "mơ hồ" đối với Đài Loan, cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự và "thường xuyên ca ngợi Đài Bắc là ngọn hải đăng của nền dân chủ". Washington vẫn là đồng minh quan trọng và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Bắc, mặc dù chỉ công nhận một nước Trung Hoa duy nhất từ năm 1979.
Chi Phương
**********************
Trung Quốc : ‘Mỹ chớ nên có bất kỳ ảo tưởng nào về Đài Loan’
VOA, 26/11/2021
Dứt khoát không có chuyện thỏa hiệp về Đài Loan và Hoa Kỳ chớ nên có bất kỳ ảo tưởng nào về việc này, Bộ quốc phòng Trung Quốc hôm 25/11 tuyên bố, và nói rằng Washington đã có một loạt ‘khiêu khích’ trên nhiều vấn đề.
Phát ngôn nhân Bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm
Trung Quốc nói rằng Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc về họ, là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Mỹ, nước cung cấp vũ khí quan trọng nhất và hậu thuẫn lớn nhất cho Đài Loan.
Những khác biệt sâu sắc về Đài Loan vẫn tiếp diễn trong cuộc gặp thượng đỉnh qua màn hình hồi đầu tháng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập nói rằng những người đòi độc lập ở Đài Loan, và những ai ủng hộ họ ở Mỹ, đang ‘đùa với lửa’.
Tại một cuộc họp báo hàng tháng ở Bắc Kinh, khi được yêu cầu bình luận về mối quan hệ quân sự Trung-Mỹ nhìn từ cuộc đối thoại Biden-Tập, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói điều tốt cho cả hai nước là mối quan hệ lành mạnh và ổn định và đó cũng là điều thế giới mong đợi.
Trung Quốc sẵn sàng duy trì trao đổi và hợp tác với Mỹ, ông nói thêm.
“Tuy nhiên, có lúc, phía Mỹ đã nói rất nhiều điều vô trách nhiệm và khiêu khích rất nhiều về Đài Loan, Biển Đông, thực hiện các chuyến trinh sát gần bằng chiến hạm và phi cơ,” ông Ngô nói.
Trung Quốc có nguyên tắc cho sự phát triển quan hệ giữa quân đội hai nước, và nguyên tắc đó nói rằng chủ quyền, phẩm giá và lợi ích cốt lõi của họ không thể bị xâm phạm, ông Ngô nói thêm.
“Nhất là vấn đề Đài Loan, Trung Quốc không có chỗ cho thỏa hiệp và phía Mỹ không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về điều này”.
Đài Loan lên án Trung Quốc tăng cường áp lực ngoại giao và quân sự để ép buộc hòn đảo này chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tuyên bố sẽ bảo vệ hòn đảo và nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai hòn đảo.
Tỉ lệ ủng hộ Đài Loan "chính thức độc lập" cao kỷ lục : Dân Đài sợ bị bắt khi qua Hồng Kông
Công ty du lịch Đài Loan từ bỏ toàn bộ các tuyến bay có chặng quá cảnh Hồng Kông để đề phòng Trung Quốc bắt người, trong bối cảnh tỉ lệ người Đài Loan ủng hộ "độc lập chính thức" tăng ở mức chưa từng có. Nghị Viện Châu Âu thông qua Luật về khí hậu, tăng mạnh mức cắt giảm khí thải. Nước Pháp triển khai xét nghiệm đại trà "kháng thể", phát hiện người đã nhiễm Covid trước khi tiêm chủng Covid-19, để hy vọng đẩy nhanh tốc độ chích ngừa.
Người ủng hộ tổng thống Thái Anh Văn giương cao khẩu hiệu : Đài Loan là một quốc gia độc lập", Đài Bắc, ngày 11/01/2020 - Reuters/Tyrone Siu
Bộ Tư pháp Mỹ phản công, kiện các bang do đảng Cộng hòa nắm quyền, ra luật "kỳ thị" để ngăn cản cử tri đi bầu. Vatican khởi sự lộ trình "phong thánh" cho Robert Schuman, cha đẻ của dự án xây dựng Liên Hiệp Châu Âu. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tuần này.
***
Eo biển Đài Loan nóng lên từng ngày
Eo biển Đài Loan nóng lên từng ngày. Một thăm dò dư luận của Taiwanese Public Opinion Foundation (TPOF), công bố ngày 22/06/2021, cho thấy hơn 54% dân Đài Loan ủng hộ việc tuyên bố chính thức độc lập, cao chưa từng có kể từ khi TPOF tiến hành điều tra năm 1991, cao hơn 8% so với cuộc điều tra năm ngoái. Một trong những công ty du lịch lớn nhất Đài Loan quyết định bỏ hẳn chặng quá cảnh Hồng Kông, vì lo ngại du khách ủng hộ độc lập cho Đài Loan bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ khi sang Hồng Kông, sau khi Luật an ninh quốc gia có hiệu lực.
Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :
"Hồng Kông sẽ không còn nằm trong danh sách các điểm đến mà công ty du lịch Kai-Wen giới thiệu với khách hàng. Người đàn ông 31 tuổi làm việc cho một trong các công ty du lịch lớn nhất Đài Loan, xin ẩn danh vì lý do an ninh, giải thích :
"Chúng tôi có rất nhiều tuyến đi với chặng trung chuyển ở Hồng Kông, tuy nhiên, với luật này, nhiều người Đài Loan không còn cảm thấy an toàn khi tới Hồng Kông. Vì vậy chính sách mới của chúng tôi sẽ là tránh mọi quá cảnh Hồng Kông. Nguy cơ là quá lớn !".
Do luật An ninh Quốc gia Trung Quốc áp đặt tại Hồng Kông nhắm vào cả những ai ủng hộ Đài Loan tự trị. Đây là trường hợp của đảng Dân Tiến cầm quyền tại Đài Loan. Ông Lâm Phi Phàm (Lin Fei-Fan) là phó tổng thư ký của đảng này. Ông Lâm cho biết : "Chúng tôi yêu cầu người Đài Loan tránh tới Hồng Kông, bởi trong quá khứ, đã có một số nhà tranh đấu Đài Loan bị Bắc Kinh bắt, họ bị chính quyền Trung Quốc coi như tội phạm".
Luật về An ninh Quốc gia của Trung Quốc gây lo ngại tại Đài Loan, hòn đảo vốn đang bị Bắc Kinh đe dọa. Tuy nhiên, phó tổng thư ký đảng cầm quyền Dân Tiến tỏ ra tin tưởng, ông nói : "Sau khi Trung Quốc áp đặt luật này, ngày càng có nhiều người Đài Loan tự thấy chính họ phải bảo vệ đất nước mình chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc, vì vậy, tôi tin rằng rốt cuộc việc này sẽ làm cho chúng tôi vững mạnh hơn !".
Các cuộc thăm dò dư luận dường như chứng minh cho niềm tin của ông Lâm. Theo một điều tra công bố hồi tuần trước, 67% người Đài Loan không còn coi mình là Trung Quốc : Một kỉ lục".
67% dân Đài không coi mình là người Trung Quốc, điều đó có nghĩa là gần như sẽ không thể có chuyện thống nhất quốc gia như Bắc Kinh muốn. 54% ủng hộ Đài Loan chính thức độc lập là một áp lực không nhỏ với các chính trị gia muốn duy trì "nguyên trạng" hiện nay, tức Đài Loan độc lập trên thực tế, nhưng không chính thức tuyên bố. Mà, đối với Trung Quốc, Đài Loan chính thức độc lập đồng nghĩa với chiến tranh. Khu vực eo biển Đài Loan hơn bao giờ hết đang trở thành một trong những điểm nóng nhất hành tinh.
Châu Âu thông qua Luật Khí hậu : Trách nhiệm lịch sử của người cầm lái
Khu vực eo biển Đài Loan nóng lên từng ngày, nhưng vấn đề Trái đất cũng đang nóng lên nhanh chóng, đe dọa sự tồn vong của nhân loại, trong những thập niên tới, nếu nhiệt độ Trái đất vượt quá 2°C so với thời tiền công nghiệp. Các cường quốc Châu Âu đang đối mặt với trách nhiệm lịch sử : Liệu xứ sở quê hương của công nghiệp hóa có bẻ lái kịp cho đoàn tàu nhân loại trước các thảm họa không thể cứu vãn hay không ?
Hôm 24/06/2021 tại Bruxelles, trong một phiên họp toàn thể, Nghị Viện Châu Âu đã chính thức thông qua Luật về Khí hậu, quy định các mục tiêu từ đây đến năm 2050. Với mục tiêu trung hạn 2030, Liên Âu quyết định tăng mức cắt giảm (so với năm 1990), từ 40% trước đây thành 55%. Con số nói trên vẫn còn thấp hơn nhiều so với đề xuất của đảng Xanh (65%), bởi chỉ với tốc độ cắt giảm như vậy, Liên Âu mới có thể thực thi được mục tiêu giới hạn Trái đất không tăng quá 2°C, theo Thỏa thuận Paris 2015.
Thông tín viên Joana Hostein tường trình từ Bruxelles :
"Với 442 phiếu thuận, 203 phiếu chống và 51 vắng mặt, Nghị Viện Châu Âu vừa thông qua luật về khí hậu. Cánh hữu Châu Âu, đa số các nghị sĩ Xã hội, và các nghị sĩ của nhóm Renew đã ủng hộ văn bản này. Cánh tả triệt để, cánh cực hữu và đảng Xanh chống.
Đối với các nghị sĩ đảng Xanh, mục tiêu vừa được thông qua tương ứng với việc giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 2 đến 3°C so với thời tiền công nghiệp. Đảng Xanh nhấn mạnh là mục tiêu này là "không đủ", và cảnh báo : nếu như vậy, trong những năm tới, có đến 420 triệu người sẽ phải sống trong không khí nóng bức chết người, tương tự như đợt nóng khủng khiếp năm 2018.
Ủy Ban Châu Âu giờ đây có trách nhiệm trình ra một loạt các văn bản pháp lý, để thực thi mục tiêu vừa được Nghị Viện thông qua hôm nay. Trong số các biện pháp được trông đợi có việc đánh thuế năng lượng. Ông Pascal Canfin, chủ tịch ủy ban Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu, cảnh báo : "Đừng tin tưởng vào luận điểm của những kẻ mỵ dân ở cánh tả, cũng như cánh hữu, cho rằng chúng ta sẽ bù một phần ngân sách của kế hoạch chấn hưng bằng việc tăng thuế đánh vào hệ thống lò sưởi và vào xăng dầu đối với toàn bộ dân cư. Làm như vậy sẽ là tự sát, cả về mặt chính trị cũng như về mặt khí hậu ! Chúng ta đã trải qua những hệ quả như vậy tại Pháp, và điều này đã dẫn đến phong trào Áo Vàng".
Ủy Ban Châu Âu sẽ chuyển các mục tiêu mang tính bắt buộc này của Nghị Viện thành các biện pháp hành động cụ thể. Một loạt các cải cách sẽ được trình ra vào ngày 14/07 tới".
Pháp : "Xét nghiệm kháng thể" đại trà để tăng tốc tiêm chủng
Sau ba tuần làm thí điểm, kể từ ngày 21/06/2021, ngành y tế Pháp bắt đầu áp dụng "xét nghiệm kháng thể" đại trà để phát hiện người có kháng thể với Covid-19, khi người dân đến tiêm chủng lần đầu, theo khuyến cáo của Hội đồng Cấp cao về Y tế (HAS). Nếu có kháng thể với Covid-19 trong người, người đến tiêm sẽ chỉ cần tiêm một liều, và được chứng nhận ngay tại chỗ là đã hoàn thành tiêm chủng.
Việc xét nghiệm kháng thể theo cách này được hy vọng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại Pháp, cũng như tiết kiệm được hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu liều vac-xin. Xét nghiệm kháng thể nhanh (TROD) được thực hiện nhanh chóng và đơn giản, chỉ với một giọt máu, và người đến tiêm chủng lần một chỉ cần chờ khoảng 15 phút là có kết quả.
Số lượng vac-xin tiết kiệm được ước tính sẽ rất lớn. HAS ước tính, khoảng 23% cư dân Pháp đã nhiễm virus, nhưng chỉ có 8% là được phát hiện dương tính nhờ các xét nghiệm PCR, hoặc xét nghiệm kháng nguyên. Theo nghiên cứu của Viện Pasteur, riêng tại vùng thủ đô Ile-de-France, có đến từ 35% đến 45% cư dân đã nhiễm virus. Tiết kiệm vac-xin, nhưng cũng đồng thời tiết kiệm cả nhân lực và cơ sở vật chất được huy động để tiêm chủng. Nhiều người mong muốn được "xét nghiệm kháng thể", để nếu đã có kháng thể, thì ngay lập tức sau mũi tiêm thứ nhất có được giấy chứng nhận hoàn thành tiêm chủng. Nhu cầu này có thể sẽ thúc đẩy việc triển khai xét nghiệm TROD rộng rãi.
Khuyến nghị của HAS gây ngạc nhiên với nhiều người, bởi cũng chính định chế này cách đây gần 4 tháng, đã từng khẳng định việc xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm chủng lần một là không cần thiết, do giới y khoa không biết việc từng nhiễm virus sẽ cho phép đương sự miễn dịch trong bao lâu. Tuy nhiên, trong 4 tháng qua đã có rất nhiều thay đổi với các nghiên cứu mới.
Trong khuyến nghị lần này, giáo sư Daniel Floret, phó chủ tịch ban kỹ thuật tiêm chủng của Hội đồng Cấp cao về Y tế (HAS) giải thích rõ : "Số lượng kháng thể đạt được sau khi tiêm chủng một lần duy nhất với người đã nhiễm virus, là cao hơn nhiều so với người không bị nhiễm nhưng được tiêm ngừa hai lần". Những người đã qua các xét nghiệm khác, để chứng minh từng nhiễm virus, cũng chỉ cần tiêm chủng một lần. Hay nói cách khác, đã nhiễm virus và đã khỏi có tác dụng bảo vệ cao hơn vac-xin.
Mỹ - Cải cách bầu cử : Chính quyền Biden phản công
Tại Hoa Kỳ, cuộc chiến liên quan đến luật bầu cử đang bước vào cao trào. Hy vọng của chính quyền Biden tìm được thỏa hiệp với đối lập Cộng hòa liên quan đến bầu cử bị dập tắt, sau khi phe Cộng hòa tại Thượng Viện, hôm thứ Hai 22/06/2021, bác bỏ một đề xuất cải cách bầu cử, cho phép tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri đi bầu, mà không cần xem xét các biện pháp cụ thể trong đề xuất.
Dự luật vốn đã được Hạ Viện, nơi đảng Dân chủ chiếm đa số áp, thông qua hồi tháng 3. Theo tổ chức bảo vệ quyền bầu cử Voting Rights Lab, được Le Monde trích dẫn, dự luật này liên quan đến 36 triệu cử tri, tương đương 15% cử tri Mỹ. Dự luật được đưa ra nhằm đối phó với việc các bang do phe Cộng hòa kiểm soát vừa ra luật riêng "giới hạn đáng kể" các quyền cử tri đi bầu. Theo Le Monde, đảng Cộng hòa đã chọn con đường đối đầu thay vì thương lượng để tìm thỏa hiệp, với việc bác bỏ đề xuất của phía Dân chủ, ngay sau khi thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin rút khỏi một số nội dung bị phe Cộng hòa phản đối dữ dội ra khỏi dự luật. Con đường tìm thỏa hiệp bị chặn đứng, ngày thứ Năm 25/06, Bộ Tư pháp Mỹ quyết định khởi kiện, chống lại bang Georgia, vì cản trở quyền bỏ phiếu.
Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington :
"Khiếu kiện do Bộ Tư pháp đệ nạp khẳng định rằng các thay đổi mới đây trong luật bầu cử của bang Georgia đã được ban hành, "có mục tiêu phủ nhận hoặc giới hạn quyền bỏ phiếu của các cử tri da đen tại Georgia, vì chủng tộc, hay màu da của họ". Đây là một hành động vi phạm luật bầu cử liên bang. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland tuyên bố : "Chúng tôi sẽ không lưỡng lự hành động khi nào chúng tôi tin rằng các quyền dân sự của công dân Mỹ đang bị xâm phạm".
Bộ trưởng Merrick Garland cho biết ông cũng sẽ xem xét lại toàn bộ các luật đã được thông qua tại các bang khác ngoài Georgia. Kể từ đầu năm đến nay, ít nhất 14 cuộc cải cách bầu cử đã được thông qua tại một số bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo. Chính quyền các bang nói trên khẳng định muốn chống lại nạn gian lận bầu cử, mà ông Donald Trump từng lên án, nhưng chưa bao giờ đưa ra được các bằng chứng.
Hồi tuần trước, đảng Cộng hòa đã ngăn chặn tại Thượng Viện một dự luật quy mô có mục tiêu bảo vệ quyền bầu cử. Với khiếu nại này, chính quyền Joe Biden khẳng định kiên quyết bảo vệ quyền bỏ phiếu của toàn thể cử tri Mỹ".
Vatican trên đường "phong thánh" cho cha đẻ của dự án xây dựng Liên Âu
Robert Schuman (1886 - 1963), một trong những người được coi là cha đẻ của Liên Hiệp Châu Âu, vừa được giáo hoàng Phanxicô tôn vinh làm "Đấng Đáng Kính" hôm 19/06/2021, khi phê chuẩn một sắc lệnh của Thánh Bộ Phong Thánh, công nhận "những phẩm chất anh hùng" của chính trị gia. Hướng đến hòa giải, hòa hợp, cộng tác, hết lòng vì dân nghèo là những phẩm chất của người có thể sẽ trở thành vị Thánh tương lai của Giáo hội Công giáo.
Thông tín viên Eric Sénanque tường trình từ Vatican :
"Hồ sơ phong thánh của Robert Schuman đã được khởi sự từ năm 1990, rồi khép lại vào năm 2004, sau một cuộc điều tra tại giáo phận Metz, nơi chính trị gia người Pháp qua đời vào năm 1963. Sau khi được phong làm Đấng Đáng Kính, giai đoạn đầu tiên trên con đường phong Thánh, Giáo hội Công giáo còn phải công nhận có một phép lạ, để Robert Schuman được phong làm Chân Phước, hay Á Thánh, và một phép lạ thứ hai nữa để chính trị gia này được tuyên Thánh.
Là người hòa giải hai nước Pháp và Đức, chính trị gia Robert Schuman, ra đời tại Luxembourg năm 1886, được biết đến như một người có đức tin Công giáo sâu sắc, khiêm tốn và kín đáo. Tình thương mà ông dành cho dân nghèo cũng là điều được công chúng biết rõ. Robert Schuman là người đã hết mình vì nhiều người tị nạn vùng Alsace - Lorraine, bị trục xuất khỏi quê hương bản quán.
Kể từ Tuyên bố Schuman ngày 05/05/1950, các giáo hoàng và Vatican thường xuyên thể hiện sự gắn bó của họ đối với Châu Âu và Robert Schuman, một trong những kiến trúc sư của Châu Âu. Vào năm ngoái, trước dịp kỷ niệm 70 năm Tuyên bố ra đời, đặt nền tảng cho việc xây dựng Châu Âu, giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi các lãnh đạo Châu Âu tìm về tinh thần "hòa hợp và cộng tác" của vị cha đẻ của Châu Âu, để đối phó tốt hơn với các hậu quả của đại dịch hiện nay".
Trọng Thành