Đạt được số phiếu kỷ lục, đảng cực hữu Pháp "trúng số"
Le Figaro ngày 02/07/2024 phân tích, với số phiếu bầu kỷ lục, Tập Hợp Dân Tộc (RN) coi như trúng số độc đắc. Sau cuộc bầu cử, đảng cực hữu sẽ nhận được tài trợ từ ngân sách đến 25 triệu euro mỗi năm, trong khi trước đó luôn bị nợ nần vây phủ.
Biểu tình chống đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) tại quảng trường République, Paris ngày 30/06/2024 sau khi có kết quả vòng 1 bầu cử Quốc Hội. Biểu ngữ ghi "Đừng để nước Pháp rơi vào tay bọn phát-xít !" / Reuters - Fabrizio Bensch
Chặn bước cực hữu, đó là mối quan tâm chính được các báo dùng làm tít trang nhất : các ứng cử viên có thời hạn đến tối nay để đăng ký tranh cử hoặc rút lui. Le Monde đưa tít lớn "Cực hữu ở ngưỡng cửa quyền lực : Thách thức cho mặt trận cộng hòa". Libération kêu gọi các ứng cử viên về thứ ba hãy rút lui để tăng thêm cơ hội đánh bại cực hữu. Tương tự, La Croix nhấn mạnh "Đây là lúc chứng tỏ trách nhiệm". Les Echos cho biết đang có vô số thương lượng để ngăn chặn cực hữu, cụ thể theo Le Figaro là giữa Macron và khối cánh tả.
Một mặt trận thống nhất để cản đường cực hữu ?
Le Monde nhận định còn vỏn vẹn sáu ngày nữa để ngăn cản Tập Hợp Dân Tộc (RN) đạt đa số tuyệt đối ở Quốc Hội, chỉ có một mặt trận đoàn kết mạnh mẽ mới có thể làm được điều này. Cực hữu đang ở ngưỡng cửa quyền lực. Không tin tưởng vào chính giới, chống nhập cư, lo lắng về an ninh khiến làn sóng ủng hộ cực hữu gia tăng, không chỉ ở Pháp. Nhưng đối với một đất nước vốn tự tin rằng vững vàng hơn các quốc gia khác với truyền thống cộng hòa, các định chế, thể thức bầu cử hai vòng, thì cú sốc là vô cùng lớn.
Marine Le Pen, đắc cử ở thành trì cố hữu Hénin-Beaumont (Pas-de-Calais) với 58% số phiếu, là người chiến thắng. Không kể đồng minh cánh hữu, đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) chiếm được 29,3%, tức 9,4 triệu phiếu bầu - một kỷ lục. Tình hình càng nguy hiểm hơn vì thời gian quá gấp để đối phó với một đảng có chủ trương phân biệt đối xử.
Trung thành với truyền thống chống cực hữu, cánh tả nhanh chóng kêu gọi lập một mặt trận cộng hòa. Ở phía đảng cầm quyền vẫn bối rối. Thủ tướng Gabriel Attal tuyên bố ở vòng hai, "không một lá phiếu nào cho Tập Hợp Dân Tộc", nhưng cựu thủ tướng Edouard Philippe nói thêm rằng cũng "không một lá phiếu nào cho đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI)" cực tả ; ông François Bayrou thì cho rằng "tùy theo từng trường hợp".
Đáng trách nhất theo Le Monde là phía các chính khách đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) không liên minh với cực hữu, vẫn từ chối kêu gọi rút lui. Nhật báo thiên tả Libération nhấn mạnh "Bị đóng đinh trên thập giá, phe Macron cần phải hy sinh". Ngược lại nhật báo thiên hữu Le Figaro chỉ trích những kẻ đạo đức giả nên ngưng giảng đạo, vì bản thân họ chẳng mẫu mực gì. Trước hết là thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon, rồi những nhân vật như François Ruffin, người từng nói : "Chúng ta đang có một tên điên đứng đầu Nhà nước" (nhưng lại nhận được sự ủng hộ của đảng Macron tại đơn vị bầu cử của mình). Một liên minh với vô số hiệp hội sinh thái, tân nữ quyền, "chống phát-xít" mà điểm chung duy nhất là mập mờ về Hamas, bài Do Thái, căm ghét cảnh sát. Quảng trường République tối Chủ nhật đầy cờ Palestine chứng tỏ đấu tranh chống cực hữu chỉ là cái cớ.
Đang nợ nần, RN nay tiền bạc rủng rỉnh nhờ lá phiếu
Le Figaro phân tích, với số phiếu kỷ lục, RN đã "trúng số". Sau cuộc bầu cử, đảng cực hữu sẽ nhận được tài trợ từ ngân sách đến 25 triệu euro mỗi năm. Làn sóng phiếu bầu trên toàn quốc giúp RN nhận được 1,60 euro cho mỗi lá phiếu - với điều kiện ít nhất 50 ứng cử viên của đảng vượt quá 1% tổng số phiếu trên cả nước, trừ lãnh thổ hải ngoại.
Gói tài trợ thứ hai tùy thuộc vào số đại biểu được bầu : mỗi dân biểu và thượng nghị sĩ mang lại cho đảng trên 37.000 euro. Với trên 9 triệu phiếu trong vòng một, đảng cực hữu được ngân sách tài trợ trên 10 triệu euro một năm. Trong khi xưa nay vẫn nợ nần, RN nợ trên 20 triệu euro đến nỗi Le Pen phải đi mượn tiền một ngân hàng Nga.
Khi Emmanuel Macron bước vào điện Élysée năm 2017, cực hữu chỉ có hai dân biểu là Gilbert Collard và Marion Maréchal - cháu gái của bà Marine Le Pen. Họ cô độc trong nghị trường, không thuộc một nhóm nào. Năm năm sau, tức 2022, một làn sóng 90 dân biểu RN, vừa giúp bình thường hóa đảng cực hữu, vừa khiến tài chánh của đảng thêm khả quan.
Lần này theo tính toán của Le Figaro, sau vòng hai RN sẽ nhận được ít nhất 20 triệu euro mỗi năm kể từ 2025, còn nếu đạt đa số tuyệt đối sẽ là 26 triệu euro một năm. Marine Le Pen thỏa sức tranh cử tổng thống năm 2027 : tranh cử vòng một tốn khoảng 15 triệu euro, và nếu lọt vào vòng hai chi phí tổng cộng là 20 triệu euro.
Nước Pháp thay đổi hẳn sau hai thế hệ
Trên Le Figaro, tiến sĩ sử học Pierre Vermeren rút ra sáu bài học cho cuộc bỏ phiếu lịch sử, có vẻ như đi ngược lại với kỳ bầu cử năm 1981 đã đưa François Mitterrand lên làm tổng thống. Thế giới cũng như nước Pháp đã thay đổi nhiều so với cách đây 43 năm.
Trong hai thế hệ, thành phần dân số đã khác, quá trình phi kỹ nghệ hóa và lệ thuộc vào bên ngoài tăng lên. Pháp không còn là cường quốc giữ an ninh cho Châu Phi và nhân tố chính ở Trung Đông. Vai trò nghệ thuật và khoa học giảm sút dù kỹ nghệ hàng xa xỉ và thời trang vẫn giữ ưu thế. Đa số người Pháp không còn tin vào tôn giáo đã làm nên nền văn hóa của mình, sự dung tục thay cho các giá trị truyền thống.
Lần đầu tiên thế hệ boomer đã thay đổi nước Pháp - sinh từ 1942 đến 1962 - đứng ngoài lề việc chỉ định người đại diện. Bài học thứ hai, là bước ngoặt dân túy. Thứ ba là người ta làm nên lịch sử một cách mù quáng - giới trưởng giả cả tả lẫn hữu không hiểu được tâm trạng của tầng lớp dưới. Thứ tư, là tính cố định của những đại biểu. Thứ năm, cực đoan không còn là điều cấm kỵ. Cuối cùng, giới tinh hoa không nhận thấy điều kiện sống thực tế của người dân đang sa sút, lớp trung lưu dần trở thành giới lãnh lương tối thiểu.
Trump ít rủi ro hơn Biden khi tranh luận
Tại Hoa Kỳ, các báo đều chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Dù tỏ ra lép vế trước đối thủ Donald Trump trong cuộc tranh luận vừa qua, ông Joe Biden vẫn là ứng cử viên với sự ủng hộ của đảng Dân Chủ. Trong khi ông Trump vừa có được một thắng lợi : Tòa án Tối cao công nhận một phần quyền đặc miễn của ông trong vụ bạo loạn ngày 06/01/2021. Libération lưu ý là ba thẩm phán cấp tiến đã phản đối quyết định này bằng văn bản "vì lo sợ cho nền dân chủ" Mỹ.
Le Figaro cho biết hôm Chủ nhật, tổng thống Joe Biden và gia đình đã họp lại ở Camp David, và những người thân cận khẳng định không có việc ông rút lui, hăng hái nhất là phu nhân Jill và contrai Hunter. Đảng Dân Chủ và các nhân vật chủ chốt công khai lên tiếng ủng hộ Biden, tuy cú sốc trước thất bại của cuộc tranh luận vẫn chưa phai nhạt. Một tác giả trên trang Ý kiến cho rằng Biden lẽ ra không nên chấp nhận cuộc so găng này vì chịu rủi ro nhiều hơn Trump, do cử tri của Donald Trump vốn trung thành, bất chấp vụ bạo loạn, các xì-căng-đan tình dục và án hình sự.
Khó thay ngựa giữa dòng, đảng Dân Chủ bênh vực Biden
Tình trạng thể chất của Biden khiến phe của ông lo ngại về cơ hội thắng cử, những lời kêu gọi thay đổi ứng cử viên liên tiếp được truyền thông đưa ra từ cuối tuần qua. New York Times chạy tít "Để phục vụ đất nước, tổng thống Biden cần từ bỏ chiến dịch". Ngay cả những người bạn của ông như Joe Scarborough, người điều khiển chương trình mà Biden ưa thích là "Morning Joe", hay nhà bình luận Tom Friedman cũng có cùng ý kiến. Trước đó hôm thứ Bảy, khi tiếp một nhà tỉ phú đóng góp nhiều cho việc tranh cử, Biden một lần nữa khẳng định vẫn tin tưởng vào khả năng chiến thắng.
Bênh vực Biden, Barack Obama nói rằng "một cuộc tranh luận không tốt là chuyện bình thường", Kamala Harris, Nancy Pelosi đều bác bỏ ý định thay đổi ứng cử viên. Gavin Newsom, thống đốc California thường được nêu tên như một người thay thế Biden ra tranh cử, cũng bênh vực : "Đừng nhìn vào chỉ 30 phút, mà ba năm rưỡi dưới sự lãnh đạo của Joe Biden". Kịch bản thay ứng cử viên trong lúc chỉ còn năm tháng nữa đến bầu cử, là hết sức rủi ro.
Trang Ý kiến của Le Figaro đặt vấn đề "Ai có thể thay thế được ông Joe Biden ?". Theo tác giả bài viết, mặc cho những khuyết điểm, Joe Biden đại diện cho cánh trung của đảng Dân Chủ. Ông luôn là một khuôn mặt Dân Chủ ôn hòa, đây không phải là trường hợp của Gavin Newsom, và thống đốc California cũng đã nhiều lần trách cứ Biden không đủ cứng rắn. Đây có thể là lợi thế, vì cử tri cực đoan đi bầu nhiều hơn cử tri ôn hòa, một ứng cử viên Dân Chủ cực đoan đáng ngại với Donald Trump hơn là một nhân vật trung dung ; thu hút cánh trung đồng thời bảo đảm sự ủng hộ của nhiều người cứng rắn trong đảng, trong khi Donald Trump mất đi số ôn hòa, hy vọng rằng số cử tri cực đoan đã đủ để thắng.
Tù binh Ukraine trong địa ngục Nga
Liên quan đến Ukraine, Le Monde có bài phóng sự nói về số phận "Những tù binh chiến tranh trong địa ngục trại giam Nga". Những người may mắn được trao trả thuật lại những hành động bạo lực đã phải chịu đựng trong thời gian bị tù tội. Tình báo quân đội Ukraine (HUR) cho phép Le Monde gặp gỡ những cựu tù nhân muốn kể lại thời gian bị giam giữ, điều kiện duy nhất là không được tiết lộ địa điểm gặp cũng như tên trại tù, để tránh việc trả thù nhắm vào những bạn tù đang còn bị nhốt. Họ trao đổi thoải mái với nhà báo, không có ai bên cạnh.
Phái bộ giám sát nhân quyền ở Ukraine (HRMMU) của Liên Hiệp Quốc, nhân Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn 26/06, đã báo cáo "Mỗi tù nhân được phỏng vấn đều khẳng định họ bị tra tấn dã man, như dùng dùi cui điện đánh vào bộ phận kín và bị cho chó tấn công". Bên cạnh đó tù binh còn bị bỏ đói thường xuyên và không được chăm sóc y tế. HRMMU đã phỏng vấn 600 trong số 3.300 tù binh chiến tranh Ukraine được trao đổi kể từ sau cuộc xâm lăng.
Le Monde nêu ra một số trường hợp. Volodymyr, 26 tuổi, vệ binh quốc gia bị bắt ở mặt trận Mariupol, cho biết khi nhập trại, người tù bị lãnh một trận đòn phủ đầu, đó là thông lệ. Sĩ quan và tình nguyện quân càng bị đối xử tệ hại hơn. Roman, 29 tuổi, bị bắt ngay ngày đầu quân Nga tràn vào nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl nói, tù nhân luôn phải đứng, mỗi lần quản giáo vào hai ngày một lần đều bị đánh, cũng như khi thẩm vấn.
Yuriy, 31 tuổi kể về đồ ăn - thường dính đất, có côn trùng, bánh mì có mùi diesel ; và bạo lực – bị đánh đập thường xuyên, bị xua chó cắn. Oleksandr, bị sụt 33 ký lô trong tù, không còn giống chút nào với những tấm hình trước chiến tranh, bị bỏ đói thường xuyên và bị tra tấn nhưng không cho kêu la… Quản ngục càng thô bạo mỗi lần Ukraine giành được chiến thắng. Một sĩ quan HUR khẳng định theo truyền thống Nga, "người tù không có bất cứ một quyền gì".
Thụy My
Pháp : Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc bị "gậy ông lại đập lưng ông"
Chủ đề trang nhất các tờ báo lớn ra hôm 02/06/2023 tại Pháp rất đa dạng, từ cuộc sống ở Hồng Kông dưới ách cai trị của Bắc Kinh trên La Croix, cuộc khủng hoảng trong ngành thực phẩm sinh học "bio" trên Le Monde, cho đến nguy cơ nước Pháp lại bị hạ điểm tín nhiệm trên Le Figaro, và đặc biệt là kết luận của một cuộc điều tra của Quốc hội Pháp, theo đó đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc đã bị Nga thao túng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nữ ứng viên tổng thống Pháp, Marine Le Pen tại Matxcơva ngày 24/03/2017. Mikhail Klimentyev / Sputnik
Ngay trên trang nhất của mình, dưới một bức ảnh chụp bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (tên tắt tiếng Pháp là RN) bắt tay tổng thống Nga Vladimir Putin, tờ báo thiên tả Libération chạy tựa : "RN : Dấu ấn Nga". Tờ báo giải thích : "Một báo cáo của Quốc hội Pháp đã chỉ ra rằng đảng cực hữu là một "trung gian truyền tải hữu hiệu" cho các lập luận của Putin".
RN : Công cụ tuyên truyền cho Putin
Trong bài phân tích chính bên trong mang tựa đề "Sự can thiệp của nước ngoài : Sai lầm ngớ ngẩn liên quan đến Nga của đảng RN", Libération nói rõ thêm : "Bản báo cáo được một ủy ban điều tra của Quốc hội thông qua hôm thứ Năm (01/06), mà Libération đã tham khảo được, một lần nữa chỉ ra ảnh hưởng của chế độ Vladimir Putin trên phe cực hữu Pháp. Bà Marine Le Pen (hiện là chủ tịch nhóm dân biểu RN tại Quốc hội Pháp) đã tố cáo một văn bản "không trung thực" và đã bị "chính trị hóa".
Libération nhắc lại rằng chính đảng Tập Hợp Dân Tộc là bên đã đề nghị thành lập ủy ban điều tra của quốc hội về sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ các đảng phái chính trị ở Pháp. Sau nhiều tháng làm việc và khoảng năm mươi phiên điều trần, bản báo cáo do dân biểu Constance Le Grip thuộc đảng Phục Hưng Renaissance (của tổng thống Macron) đã nêu bật các mối quan hệ được "đặc biệt ưu ái" giữa phong trào của bà Le Pen với Nga, tương tự như trường hợp của nhiều đảng chính trị cực hữu khác ở châu Âu.
Bản báo cáo ghi nhận: "Đảng RN thể hiện sự ngưỡng mộ và ủng hộ đối với một chế độ mà đảng này đã cho biết cùng chia sẻ các giá trị và quan điểm. Năm 2011, khi lên lãnh đạo đảng lúc đó còn mang tên Mặt Trận Quốc Gia FN, Marine Le Pen đã tuyên bố ngưỡng mộ Vladimir Putin. […] Trong cuộc điều trần trước ủy ban điều tra, Marine Le Pen không hề phủ nhận các điều đã nói, thậm chí còn xác nhận thêm, tuyên bố chia sẻ các giá trị chung với người Nga".
Theo tác giả bản báo cáo, "hành động truyền tải trực tiếp các lập trường chính thức của Nga, làm trung gian truyền tải hữu hiệu đó…, rõ ràng là đã được đánh giá cao ở Moskva : Phiên điều trần của Marine Le Pen vừa kết thúc, vào ngày 24/5, báo chí Nga đã hả hê giật tít về lời khẳng định lời khẳng định chính đã được Marine Le Pen lập lại : Crimea đang là và luôn luôn là của Nga".
Theo Libération, thái độ thân Nga của đảng RN đã chiếm 20 trong số hơn 210 trang của bản báo cáo, với nhiều ví dụ đã từng được biết đến : "Mỗi khi xẩy ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị do Nga kích động, đảng FN và sau đó là RN đều đảm bảo với Putin về sự ủng hộ của họ. […] Khi Nga sáp nhập bất hợp pháp Crimea vào tháng 3/2014, Marine Le Pen đã nhập tâm lập luận chính thức của Moskva". Trong bản báo cáo, bà Le Grip còn nhắc lại rằng "vào năm 2017, bà Le Pen còn đi xa đến mức phủ nhận việc đã có 'một cuộc xâm lược Crimea'", và một lần nữa tuyên bố rằng Crimea "luôn luôn thuộc về Nga".
Cứ tưởng rằng mình sẽ được minh oan, nào ngờ !
Trong bài xã luận mang tựa đề dí dỏm là "Đầu Têu" (Instigatrice) Libération đặc biệt nêu bật sự kiện là với kết luận của ủy ban điều tra Quốc hội, đảng RN bị rơi vào tình trạng "gậy ông lại đập lưng ông".
Theo Libération, ngay sau khi báo cáo của ủy ban điều tra bị rò rỉ, quy kết đảng của bà là tay sai của Nga, Marine Le Pen đã giảm nhẹ giá trị của báo cáo, và cực lực tố cáo tác giả bà Le Grip. Đây quả là một điều oái ăm vì Marine Le Pen đã bị buộc phải biện minh cho mình, về một ủy ban điều tra do chính nhóm nghị sĩ của mình yêu cầu thành lập và chủ trì. Mục tiêu của đảng RN khi lâp ủy ban điều tra là "bạch hóa" quá khứ đáng ngờ của mình, nào ngờ kết quả lại hoàn toàn ngược lại.
Libération khẳng định đã không tìm thấy bất kỳ tiết lộ mới nào trong bản báo cáo vì mối quan hệ "đặc biệt" giữa đảng RN với điện Kremlin đã được biết rõ từ lâu. Thế nhưng sau khi tuyên bố "kinh hoàng" trước các kết luận của cuộc điều tra, một thành viên đảng RN trong ủy ban đã lên án một bản báo cáo "lạc đề", còn bản thân bà Marine Le Pen thì tố cáo "một phiên tòa chính trị".
Vấn đề, theo Libération, là kẻ chủ mưu chính trong vụ này lại chính là Marine Le Pen. Ủy ban điều tra này do chính nhóm của bà đòi thành lập để cố gắng phản bác những cáo buộc về ảnh hưởng từ Moskva. Dụng tâm của RN khi yêu cầu tập trung vào khả năng "có sự can thiệp của nước ngoài" vào tất cả các đảng phái chính trị là làm loãng các cáo buộc, một biện pháp khá cổ điển trong lĩnh vực chính trị.
RN tự "vạch áo cho người xem lưng"
Cùng một nhận định với Libération, nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng thấy rằng trong khi tận dụng quyền hạn của mình để thành lập ủy ban điều tra về sự can thiệp của nước ngoài, đảng cực hữu Pháp đã tự "vạch áo cho người xem lưng".
Le Figaro nhắc lại khi đưa ra đề xuất thành lập ủy ban điều tra vào mùa thu vừa qua, dân biểu Jean-Philippe Tanguy của đảng RN tin rằng đây là một sáng kiến tuyệt vời. Thường xuyên bị buộc tội duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, đảng Tập Hợp Dân Tộc hy vọng xóa được tiếng xấu từ việc nhận một khoản vay từ một ngân hàng Czech-Nga vào năm 2014, cũng như từ việc ửng cử viên tổng thống của họ đã liên tục ca ngợi Vladimir Putin.
Ủy ban điều tra đã được thành lập vào tháng 12 năm ngoái với dân biểu Tanguy làm chủ tịch. Trong sáu tháng, các nghị sĩ đã phỏng vấn hàng chục người, trong đó có Marine Le Pen và những người bạn đồng hành của bà, với mục đích "xác định xem liệu có các mạng lưới gây ảnh hưởng từ nước ngoài mua chuộc và thao túng các đại biểu dân cử, quan chức nhà nước, lãnh đạo của 'các công ty chiến lược hoặc phương tiện truyền thông nhằm phổ biến các luận điệu tuyên truyền, hoặc đạt được các quyết định trái với lợi ích của nước Pháp hay không".
Báo cáo của cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, do dân biểu Constance Le Grip thuộc đảng Phục Hưng soạn thảo sẽ được công bố vào ngày 8/6. Nhưng một số yếu tố đã bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông Pháp vào hôm qua, cáo buộc đảng RN là cái loa tuyên truyền cho Nga sau khi nhận được một khoản vay từ một ngân hàng Séc-Nga.
Sau khi báo cáo bị tiết lộ, bà Le Pen cũng như ông Tanguy đều đã phản ứng mạnh mẽ, tố cáo một báo cáo "bè phái, không trung thực và hoàn toàn bị chính trị hóa". Tuy nhiên, theo Le Figaro, trong nội bộ đảng RN, nhiều người lại có cảm giác là đảng đã tự đưa gậy ra để cho người khác đánh mình. Họ thấy rằng ý tưởng triệu tập một ủy ban với các phiên điều trần thật là ngớ ngẩn khi biết rõ rằng điều này sẽ khơi dậy trở lại sự quan tâm của công luận về những nghi vấn liên quan đến sự gần gũi của đảng RN với nước Nga của Putin.
Hồng Kông mất tự do dưới ách Bắc Kinh
Vài hôm trước ngày kỷ niệm phong trào Thiên An Môn 04/06, nhật báo công giáo La Croix đã đặc biệt chú ý đến tình trạng Hồng Kông ba năm sau khi bị Bắc kinh áp đặt luật an ninh quốc gia cực kỳ khắc nghiệt.
Trên trang nhất của mình, La Croix chạy hàng tựa lớn : "Hồng Kông trong vòng kềm tỏa của Trung Quốc". Tờ báo giải thích : "Ba năm sau khi Bắc Kinh siết chặt quyền kiểm soát trên Hồng Kông, đời sống dân chủ ở thuộc địa cũ này của nước Anh đã bị bóp nghẹt.
Trong bài "Những vết thương được che giấu của Hồng Kông mới", đặc phái viên Dorian Malovic của tờ báo ghi nhận là "ba năm sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đã chận đứng một cách thô bạo các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, Hồng Kông đã mất tất cả các quyền tự do chính trị. Bên cạnh đó, các ấn phẩm bị coi là phản động đã bị rút ra khỏi các thư viện, các nhà đối lập bị truy tố ra tòa, trong lúc các trường học bị buộc phải dậy tiếng Quan Thoại.
Năm nay là năm thứ ba liên tiếp mà chính quyền đã cấm cử hành lễ kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989 vào Chủ Nhật tới đây.
Tuy nhiên theo đặc phái viên La Croix, trong toàn cảnh không mấy sáng sủa đó, vẫn còn tồn tại một vài ốc đảo tự do, được một nhúm nhà đấu tranh nhân quyền kiên quyết bảo vệ
Trong bài "Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), sự phản kháng thầm lặng", phóng viên La Croix đã phác họa chân dung của người phụ nữ đầu tiên được bầu vào nghị viện Hồng Kông thông qua hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp vào năm 1991. Năm nay đã 72 tuổi, bà Lưu Tuệ Khanh vẫn không ngừng bảo vệ nhân quyền, pháp quyền và tự do báo chí. Dù bị giám sát chặt chẽ, bà vẫn tiếp tục ủng hộ những người ủng hộ dân chủ đang ở trong tù và ngày nào cũng đi dự các phiên tòa xét xử họ.
Ngành thực phẩm bio bị khủng hoảng
Trong hàng tựa lớn trang nhất Le Monde ghi nhận : "Lạm phát nhận chìm ngành thực phẩm bio trong một cuộc khủng hoảng gay gắt". Theo tờ báo, việc giá cả tăng đang khiến lượng tiêu thụ sản phẩm bio giảm ở Pháp, với tỷ lệ trong chế độ ăn đã giảm từ 6,4% xuống 6% vào năm 2022.
Đà giảm tốc mạnh khiến tất cả các ngành sản xuất nông nghiệp bị bất ngờ, đồng thời làm nản chí những ai muốn chuyển đổi, trong bối cảnh trợ cấp nhà nước không nhiều.
Đối với các cửa hàng bán sản phẩm bio, việc thị trường đảo chiều báo hiệu sự kết thúc của việc mở rộng. Nhiều thương hiệu đang đóng cửa, đặc biệt là những thương hiệu có màng lưới phân phối nhỏ. Các cửa hàng chuyên biệt cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ lớn và sự bùng nổ của các sản phẩm địa phương hoặc sản phẩm được dán nhãn "không dùng thuốc trừ sâu".
Không chỉ ở Pháp, theo Le Monde, tại Đức, lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số ngành thực phẩm bio sụt giảm 3,5% vào năm 2022.
Pháp và nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm
Thời sự kinh tế Pháp được Le Figaro hôm nay nêu bật trong tựa lớn trang nhất : "Nợ và thâm hụt ngân sách : Pháp bị giám sát chặt chẽ".
Theo Le Figaro, từ nhiều ngày qua, chính phủ đã lo sợ trước khả năng cơ quan thẩm định tài chánh quốc tế Standard & Poor's đưa ra phán quyết về vấn đề nợ công của Pháp. Vào tháng 12 năm ngoái, cơ quan này đã Pháp vào vòng kiểm soát với một "triển vọng tiêu cực".
Ngoài việc bị mắc nợ quá nhiều, khiến lãi suất tăng thêm gây thêm gánh nặng, Pháp còn đang lo ngại trước tình trạng bất lực trong việc khởi sự các cải cách cơ cấu.
Trọng Nghĩa