Trang nhất báo Pháp ra ngày 09/02/2022 đều mỗi tờ một vẻ, chủ yếu đề cập đến các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội tại Pháp. Tuy nhiên, nội dung các bài bên trong lại xoay quanh hai sự kiện chính : Chuyến "đông du" của tổng thống Pháp vừa kết thúc hôm qua, và nhất là thượng đỉnh quốc tế về đại dương One Ocean Summit mở ra kể từ hôm nay tại thành phố cảng Brest ở miền tây nước Pháp.
Tầu cá mang cờ Trung Quốc Lu Rong Yuan Yu 609 chuẩn bị đánh bắt gần quần đảo Galapagos thuộc Ecuador, ngày 19/07/2021. AP - Joshua Goodman
Libération đã dành cho hội nghị về đại dương một hồ sơ quan trọng được giới thiệu ngay trên trang nhất bằng một hàng tựa nhỏ : "One Ocean Summit : Đáy biển biện minh cho phương tiện" - Les fonds justifient les moyens - mô phỏng thành ngữ Pháp quen thuộc "La fin justifie les moyens", thường được dịch là "Cứu cánh biện minh cho phương tiên".
Trong bài phân tích : "One Ocean Summit : Biển khơi, một vùng ‘đất’ không được biết đến", nhật báo thiên tả Pháp cho rằng hội nghị thượng đỉnh tại Brest hy vọng thúc đẩy được việc sớm thông qua một hiệp ước nhằm bảo vệ và quản lý tình trạng đa dạng sinh học của các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Đây là những khu vực bao phủ gần một nửa bề mặt của Trái Đất, nơi mà các nguồn tài nguyên, phần lớn vẫn chưa được biết rõ, ngày càng kích thích lòng ham muốn.
Libération cũng phỏng vấn nhà địa chất học Pháp Ewan Pelleter thuộc viện nghiên cứu biển Ifremer, người sẽ tiến hành một chuyến đi thứ hai nhằm khám phá đáy biển sâu ở vùng Bắc Đại Tây Dương vào tháng Bảy tới đây. Nhà nghiên cứu này cũng sẽ sử dụng chiếc tàu ngầm nhỏ Nautile đã từng được dùng vào năm 1987 để khảo sát chiếc du thuyền Titanic bị chìm dưới đáy biển. Nhóm của ông sẽ tìm cách xác định các nguồn khoáng sản tiềm tàng và quan sát tình trạng đa dạng sinh học của vùng này.
Trả lời nhật báo Pháp, chuyên gia Pelleter giải thích : "Hiện vẫn rất khó biết được nguồn tài nguyên thực thụ nắm dưới đáy biển sâu".
Bản cáo trạng nhắm vào đội tàu đánh cá Trung Quốc
Đáng chú ý nhất trong hồ sơ của báo Libération là một bản cáo trạng nhắm vào đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc mang tựa đề : "Trên biển cả, Bắc Kinh đánh bắt hơi quá nhiều".
Theo tờ báo, lợi dụng khuôn khổ pháp lý còn lỏng lẻo, và chính sách tài trợ đáng kể từ các cơ quan chức năng, đội tàu đánh cá Trung Quốc, đông đảo nhất thế giới, đã góp phần làm hủy hoại tình trạng đa dạng sinh học và làm cạn kiệt các nguồn thủy sản. Libération nêu bật thía độ dối trá của Bắc Kinh, khẳng định rằng đội tàu đánh cá biển khơi của họ chỉ có khoảng 2.500 chiếc, trong khi một nghiên cứu gần đây cho rằng hạm đội này có thể có đến 17.000 tàu.
Một ví dụ về mức độ tàn phá mà đội tàu cá Trung Quốc gây ra được tờ báo nhắc lại : Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2020, hơn 300 tàu cá Trung Quốc đã tập trung ở vùng biển quốc tế xung quanh khu bảo tồn biển được bảo vệ của quần đảo Galapagos, nằm cách bờ biển Ecuador 1.000 km và được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới. Chỉ trong một tháng, đội tàu khổng lồ này đã thực hiện không dưới 73.000 giờ đánh bắt, mang về hàng nghìn tấn thủy sản, nhất là cá mực vốn rất cần thiết cho chế độ ăn của các loài bị nguy cơ tuyệt chủng như rùa khổng lồ và cá mập đầu búa.
Tắt thiết bị định vị để tránh bị phát hiện
Theo tổ chức phi chính phủ Oceana, tàu cá Trung Quốc đã ngừng kích hoạt các thiết bị theo dõi của họ để không bị phát hiện. Theo Marla Valentine, nhà phân tích về tệ nạn đánh bắt bất hợp pháp tại Oceana : "Nỗ lực đánh bắt lớn và liên tục này của hạm đội Trung Quốc đe dọa quần đảo Galapagos, đe dọa các giống loài hiếm hoi đang sinh sống tại đấy cũng như tất cả những ai sống phụ thuộc vào nơi đó".
Vấn đề đáng ngại hơn, theo nhà phân tích này, nằm ở chỗ vụ Galapagos chỉ là "chỉ là phần nổi của tảng băng khi nói đến tác hại của đội tàu đánh cá biển khơi khổng lồ của Trung Quốc đối với các đại dương của chúng ta". Ở các vùng biển khơi, chiếm 64% tổng diện tích biển và đại dương trên hành tinh, Trung Quốc có thể hoạt động mà không bị trừng phạt do khung pháp lý còn quá rời rạc.
Đối với Libération, việc tàu cá Trung Quốc tăng cường các hoạt động ở các vùng biển xa xôi không phải là ngẫu nhiên. Sau nhiều thập kỷ đánh bắt quá mức trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, đội tàu lớn nhất thế giới hiện phải đi xa hơn bao giờ hết để bảo đảm an ninh lương thực cho khoảng 1,4 tỷ người, cũng như xuất khẩu.
Từ Vịnh Guinea đến bán đảo Triều Tiên, đội tàu Trung Quốc đã di chuyển đến những các vùng biển xa hơn, đôi khi làm cạn kiệt nguồn cá và đe dọa an ninh lương thực của người dân ở các nước thu nhập thấp. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dệt mạng lưới của mình ở vùng Nam Thái Bình Dương, nơi số lượng tàu treo cờ Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần từ năm 2009 đến năm 2020, và ở khu vực Nam Đại Tây Dương.
Đội tàu có thể lên đến 17.000 chiếc !
Về mặt chính thức, Trung Quốc đã báo cáo khoảng 2,26 triệu tấn cá đánh bắt ở các vùng biển xa - tức là ở vùng biển khơi hoặc trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác - trong năm 2018, nhưng chỉ nêu rõ số lượng loài và khu vực được đánh bắt đối với các loại được bán trên thị trường Trung Quốc, tức là 40% tổng sản lượng khai thác.
Bắc Kinh khẳng định đội tàu đánh cá biển khơi của họ có khoảng 2.500 tàu - vốn đã lớn hơn rất nhiều so với Mỹ - nhưng một nghiên cứu gần đây của Viện Phát Triển Hải Ngoại - Overseas Development Íntitute - cho biết Trung Quốc có thể có tới 17.000 tàu. Trong số đó, ít nhất 1.800 tàu đánh cá, nhiều tàu bị nghi ngờ dùng lưới kéo đáy, một kỹ thuật cạo đáy biển bị các tổ chức phi chính phủ coi là có hại nhất đối với môi trường và khí hậu.
Đánh bắt quá mức, nhắm vào các loài có nguy cơ tuyệt chủng, lao động cưỡng bức… Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới theo chỉ số đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát năm 2021.
Dù Bắc Kinh đã quyết định kiểm soát chặt chẽ hơn hạm đội của mình trong những năm gần đây, việc đánh bắt quá mức của Trung Quốc tiếp tục góp phần làm mất đa dạng sinh học và cạn kiệt nguồn cung. Pascal Ausseur, tổng giám đốc của Quỹ Nghiên Cứu Địa Trung Hải, giải thích : "Các tàu nhà máy Trung Quốc hiện đã có mặt trên tất cả các vùng biển trên thế giới và cá thì không biết biên giới".
Hồ sơ lớn thứ hai được tất cả các báo nêu bật dĩ nhiên là chuyến công du Nga và Ukraine của tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc hôm qua, với kết quả nhìn chung là không mấy tốt đẹp do thái độ cứng rắn của tổng thống Nga Vladimir Putin.
Le Monde đã dành tựa quan trọng thứ hai trên trang nhất cho sự kiện này, nói đến mục tiêu của tổng thống Pháp : "Giữa Moskva và Kiev, Macron tìm đường hòa giải". Tờ báo nhắc lại rằng nguyên thủ Pháp đã nói chuyện với đồng nhiệm Nga trong ròng rã 5 tiếng đồng hồ vào hôm 07/02, quyết đẩy mạnh con đường ngoại giao để có được một thỏa hiệp từ Điện Kremlin.
Tờ báo nhân dịp này điểm qua quan điểm của các ứng viên tổng thống Pháp về Nga và ghi nhận rằng cả hai đại diện cực hữu là Marine Le Pen và Eric Zemmour đều thiên về Putin.
Kết quả chuyến công du : Chỉ thành công một nửa
Trong bài phân tích mang tựa đề châm biếm "Macron trở về sau chuyến thăm những người không phải là bạn bè", nhật báo thiên tả Libération đánh giá rằng các cuộc tiếp xúc với hai tổng thống Putin và Zelensky không tạo ra bất kỳ tiến triển cụ thể nào liên quan đến cuộc xung đột giữa hai nước. Tuy nhiên, theo tờ báo, tổng thống Pháp đã trở về nước với một thành công nửa vời : Đối thoại tiếp sẽ tiếp diễn giữa các bên.
Nhật báo công giáo La Croix cũng ghi nhận trong hàng tựa "Emmanuel Macron đóng vai trò là người hòa giải trên đường chéo góc Moskva-Kiev". Theo tờ báo, ông Macron đã cho rằng có thể "thúc đẩy các cuộc đàm phán" để thực hiện các thỏa thuận Minsk ở miền đông Ukraine, và phô bày thái độ lạc quan về "các giải pháp cụ thể thiết thực" để giảm leo thang.
Như đã nói ở trên, tựa lớn trang nhất các báo hôm nay rất đa dạng và chủ yếu được dành cho các vấn đề liên quan đến nước Pháp, đặc biệt là mức thâm thủng thương mại kỷ lục trong năm 2021 trên Le Figaro, và khả năng hồi sinh mạnh mẽ của ngành năng lượng nguyên tử
Dưới hàng tựa lớn "Ngoại thương : Lý do một vụ "đắm tàu", Le Figaro ghi nhận sự kiện thâm hụt thương mại của Pháp đã tăng thêm vào năm ngoái 2021 và đạt mức kỷ lục 84,7 tỷ euro, thêm 20 tỷ so với năm 2020, một năm vốn đã rất đen tối đối với hoạt động ngoại thương.
Nước Pháp bị tác hại từ sự gia tăng nhập khẩu, đặc biệt là năng lượng, nhưng sự suy giảm cán cân thương mại này trước hết là hậu quả của việc các công ty mất khả năng cạnh tranh : Thị phần của Pháp trong thương mại thế giới tiếp tục giảm so với Đức, Ý và Tây Ban Nha. Để khôi phục khả năng cạnh tranh, các liên đoàn công nghiệp lớn đang kêu gọi giảm mạnh thuế sản xuất và tiếp tục cắt giảm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội.
Tờ báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến kinh tế Pháp, nhưng ghi nhận trong hàng tựa : "Hạt nhân : Kịch bản cho một cuộc hồi sinh lớn".
Theo tờ báo tổng thống Macron sẽ khởi động một chương trình hạt nhân lớn. Để đạt được tình trạng không carbon vào năm 2050, nguyên thủ quốc gia sẽ phải chọn sự hồi sinh dứt khoát của điện hạt nhân ở Pháp. Một số kịch bản đã được đưa ra, bao gồm cả việc xây dựng đến 14 lò phản ứng EPR thế hệ mới.
Trọng Nghĩa
Hội nghị quốc tế về thiên nhiên khai mạc tại Marseille hôm 03/09/2021 là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp. Bão lũ lịch sử, khô hạn, cháy rừng cực lớn… "Sự sụp đổ" của các hệ sinh thái đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Đó là ám ảnh bao trùm hội nghị của IUCN/UICN (International Union for Conservation of Nature/Union internationale pour la conservation de la nature), tổ chức có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực môi trường. IUCN là tên viết tắt tiếng Anh).
Bản đồ các khu vực đa đạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng (màu đỏ). AFP/File
Le Monde chạy trang nhất hàng tựa : "Đa dạng sinh học : một hội nghị để giới hạn thảm họa". Tiêu đề trang nhất của nhật báo công giáo La Croix : "Đa dạng sinh học, một tài sản sống". Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng nói đến "Một hội nghị tại Marseille để cứu thiên nhiên". Báo kinh tế Les Echos dành nhiều bài cho chủ đề này, với hồ sơ chính : "Đa dạng sinh học : Chính quyền các nước và các tổ chức phi chính phủ cùng chung một trận tuyến".
Hội nghị quốc tế về Thiên nhiên, do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (UICN / IUCN) tổ chức bốn năm một lần (bị hoãn lại một năm do đại dịch), có chủ đề chính "Đa dạng sinh học".
"Đa dạng sinh học" trước hết là để nói về các nỗ lực để bảo vệ tương lai của các hệ động - thực vật đứng trước nguy cơ diệt vong, với khoảng một triệu giống loài đã tuyệt chủng trong những thập niên qua.
Theo La Croix, đằng sau thuật ngữ hơi trừu tượng và mang tính chuyên ngành này là các mệnh lệnh hành động khẩn thiết, "ba vấn đề có ý nghĩa sống còn" đối với nhân loại : Khí hậu, y tế và thực phẩm.
Các hệ sinh thái tự nhiên không chỉ là những "giếng cất giữ carbon" quý giá, góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hâm nóng Trái đất, mà "các hệ sinh thái tự nhiên (…) là giải pháp cần thiết cho các thách thức khí hậu", giúp cho các xã hội con người thích nghi được tốt hơn với biến đổi khí hậu, như điều mà phủ Tổng thống Pháp nhấn mạnh. Bảo vệ Đa dạng Sinh học, bảo vệ thiên nhiên hoang dã, bảo vệ rừng cũng có nghĩa là ngăn ngừa được sự xuất hiện của rất nhiều bệnh truyền nhiễm, các đại dịch, mà đại dịch Covid-19 do virus corona SARS-CoV-2 gây ra là một ví dụ. Có đến 75% các bệnh truyền nhiễm tấn công xã hội con người xuất phát từ động vật. Bảo vệ Đa dạng Sinh học cũng góp phần quan trọng cho An ninh thực phẩm của hành tinh, nơi có đến một tỉ người thường xuyên bị đói.
Theo Le Monde vấn đề chủ yếu trong các thương lượng tại Hội nghị ở Marseille lần này là tài trợ như thế nào cho việc bảo tồn thiên nhiên. "Ai trả tiền để bảo vệ thiên nhiên ?" là hồ sơ chính của Le Monde. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos) năm 2020 ước tính "hơn một nửa tổng sản phẩm toàn cầu có sự góp phần căn bản hoặc rất căn bản của thiên nhiên", bởi vậy Đa dạng Sinh học và sự suy thoái của các hệ sinh thái gây tổn hại vô cùng lớn cho nền kinh tế thế giới.
Ông Gilles Kleitz, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), ghi nhận, từ hai ba năm trở lại đây, "có một sự lo lắng thực sự từ phía giới tài chính", giới doanh nhân ngày càng thiên về hướng cần phải đưa rủi ro do Đa dạng Sinh học bị hủy diệt gây ra vào các tính toán chiến lược làm ăn. Le Monde điểm lại hàng loạt nghiên cứu, điều tra quan trọng trong lĩnh vực này thời gian gần đây.
Để có chiến lược đúng, cần điểm lại tổng thể tình hình để cân nhắc thiệt hơn. Theo một kết quả nghiên cứu (dài 600 trang) gây sốc, do Bộ Tài chính Anh đặt hàng, nếu như mỗi năm các quốc gia chi ra trung bình 68 tỉ đô la để bảo vệ thiên nhiên, thì ngược lại, có đến 4.000 tỉ được chi để tài trợ cho các hoạt động hủy diệt thiên nhiên, trong đó có các hoạt động như khai khoáng, hay nông nghiệp thâm canh. Le Monde nhấn mạnh là thái độ của Bộ Tài chính Anh ắt hẳn sẽ được lãnh đạo cùng ngành tài chính của các quốc gia khác chú ý và lắng nghe.
Riêng về việc bảo vệ thiên nhiên, báo cáo độc lập Waldron đưa ra số tiền ước tính để bảo vệ thiên nhiên : "từ 722 đến 976 tỉ đô la/năm, từ nay đến 2030, trong đó ba phần tư là để hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình kinh tế hiện nay" sang hướng đưa bảo tồn thiên nhiên trở thành một mục tiêu của nền kinh tế. Và "một phần tư của khoản tiền này sẽ được dành để trực tiếp đầu tư cho các khu bảo tồn".
Lấy đâu ra khoản kinh phí khổng lồ này ? Theo Le Monde, chỉ nguyên việc phát triển và mở rộng các khu bảo tồn đã góp phần tạo nguồn tài chính. Hiện tại các không gian bảo tồn trên Trái đất chiếm 16% diện tích đất liền và 7,4% diện tích biển. Mục tiêu đang được thúc đẩy hiện nay là nâng diện tích bảo tồn lên 30%. Theo văn phòng McKinsey, nếu tăng đầu tư cho bảo tồn lên từ 24 tỉ đô la hiện nay lên 124 tỉ, sẽ tạo thêm được 30 triệu việc làm trong các ngành du lịch sinh thái và đánh cá bền vững, khoảng nửa triệu việc làm trong ngành bảo tồn.
Riêng về bảo vệ thiên nhiên ở khu vực Địa Trung Hải, đầu tư từ chính quyền các nước và các nhà tài trợ hiện tại chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu, theo người sáng lập Vertige Lab. Để thu hút thêm các nguồn đầu tư, các không gian được bảo vệ phải phát triển "các chiến lược thu hút tài chính" riêng, trong đó đặc biệt quan trọng được hy vọng là phần đóng góp của du khách, những người được thụ hưởng tài sản thiên nhiên bảo tồn này.
Bên cạnh đó là phần trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp. Theo Maelle Pelisson, Business for Nature, cần phải hội nhập các ảnh hưởng đến Đa dạng Sinh học của các doanh nghiệp vào việc đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, để đo lường và xác định phần đóng góp của doanh nghiệp. "Xây dựng hệ quy chiếu và các chỉ báo" để theo dõi, đánh giá và kiểm soát tác động môi trường của các hoạt động doanh nghiệp hiện là một mảng trống trong hiện tại, theo kinh tế gia môi trường Harold Levrel, giáo sư ở AgroParisTech. Đây là điều vốn đã làm đuợc trong lĩnh vực khí hậu và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Một khi các tiêu chuẩn này được xác lập, chính quyền các nước có nghĩa vụ phải "xác lập các hành lang pháp lý để chuyển các luồng đầu tư tài chính hướng về các hoạt động có lợi cho môi trường và Đa dạng Sinh học".
Le Monde cũng có bài "Các ''trái phiếu xanh'' còn quá mơ hồ !" của phóng viên Joel Morio chuyên về tài chính, cho biết cụ thể hơn về thực trạng đầu tư tài chính cho bảo vệ Đa dạng Sinh học hiện nay. Theo tác giả, "nhiều công cụ khuyến khích đầu tư đang dần được xác lập", cho dù những lợi hại về mặt kinh tế gắn với Đa dạng Sinh học là đều vẫn còn khá xa lại với giới đầu tư.
Nhật báo Le Figaro trong một bài viết về chủ đề này lưu ý đến tầm quan trọng của Hội nghị bảo tồn Thiên nhiên tại Marseille, như một "thời điểm quốc tế" có ý nghĩa quan trọng, cho phép các tác nhân khác nhau lên tiếng trước thượng đỉnh Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc tại Côn Minh, Trung Quốc, tháng Tư 2022. Thượng đỉnh được chờ đợi sẽ xác định các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên trong thập niên bản lề này.
Nhật báo kinh tế Les Echos có chùm ba bài viết về sự kiện đặc biệt này, với hồ sơ "Đa dạng sinh học : Chính quyền các nước và giới phi chính phủ cùng chung một trận tuyến". Theo Les Echos, trong hội nghị này, tiếng nói của các tổ chức phi chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng, khác với các thượng đỉnh về môi trường do Liên Hiệp Quốc tổ chức, tác nhân chính là các quốc gia.
Les Echos có bài "IUCN, tổ chức được chính quyền các nước lắng nghe" giới thiệu tóm lược về những đóng góp của IUCN, sau hơn 70 năm tồn tại. IUCN (tên viết tắt tiếng Anh) được thành lập năm 1948 tại Pháp, có trụ sở tại Thụy Sĩ. Ông Yann Wehrling, đại sứ Pháp phụ trách các thương thuyết quốc tế về môi trường, ghi nhận ảnh hưởng to lớn của định chế này, cho dù các quyết định đưa ra "hoàn toàn không mang tính cam kết và cưỡng chế". Dấu ấn cụ thể của IUCN là "danh sách đỏ các giống loài và các hệ sinh thái bị đe dọa", "kiểm soát quốc tế đối với việc buôn bán động vật"… cũng như "danh sách xanh các không gian được bảo vệ hay các khái niệm phát triển bền vững" và "các giải pháp dựa trên thiên nhiên"…
Theo bà Maud Lelièvre, chủ tịch Ủy ban Pháp của IUCN, ủy ban lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, với 60 thành viên, hội nghị IUCN (với 1.400 thành viên) sẽ thông qua khoảng 20 biện pháp trong đợt làm việc quan trọng này (sẽ diễn ra đến ngày 11/09). Les Echos cũng cho biết thêm, để được tham gia vào định chế bảo vệ môi trường danh giá này, các thành viên đều phải chứng tỏ là đã có các hành động thực sự và hiệu quả, được đông đảo giới bảo vệ môi trường xác nhận.
Tình hình Afghanistan tiếp tục là một tâm điểm chú ý của báo chí Pháp. Le Figaro phỏng vấn ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, với chủ đề chính "Khủng hoảng Afghanistan không đồng nghĩa với sự suy yếu của nước Mỹ". Về can thiệp quân sự Mỹ, Libération phỏng vấn nhà chính trị học Bertrand Badie, với một tổng kết lịch sử không chỉ riêng cuộc can thiệp của Hoa Kỳ tại Afghanistan, với hàng tít "Không cuộc can thiệp quân sự nước ngoài nào đạt kết quả".
Về phần mình, Le Monde có bài phân tích của nhà báo Alain Frachon, ghi nhận sự thất bại của học thuyết can thiệp vũ trang của phương Tây. Cuộc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan "trong máu và nước mắt, bất công và hỗn loạn" thời Joe Biden "đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ".
Hôm qua là ngày tựu trường tại Pháp. Đòi hỏi thu hẹp bất bình đẳng trong nhà trường là chủ đề chính của nhiều báo. "Bình đẳng trong nhà trường, một lời hứa bị bỏ quên" là chủ đề xã luận Le Monde. Bài viết mở đầu với ghi nhận đau xót : "Hãy nói cho tôi biết bạn sống ở khu phố nào, cha mẹ bạn kiếm được bao nhiêu, họ sinh ra ở đâu, tôi sẽ nói với bạn là bạn sẽ thành công trong học tập hay không".
Le Monde nhấn mạnh là, từ 20 năm nay, các cuộc điều tra của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) cho thấy, trong khối các nước phát triển, Pháp là một trong những quốc gia mà nguồn gốc xuất thân ảnh hưởng đậm nét nhất đến thành tích học tập trong nhà trường, khác với hình ảnh mà một thời nước Pháp thường tin tưởng là có hệ thống giáo dục bình đẳng, khu vực trường công lớn, việc phân bổ giáo viên không phụ thuộc vào cơ sở đào tạo… Đơn cử một con số : 80% sinh viên của 10% các trường đại học danh tiếng nhất là con cái các gia đình viên chức và giáo viên. Theo Le Monde, đã không có bất cứ chính phủ nào, từ tả đến hữu, thực sự tấn công vào sự bất công lớn này.
Le Monde cũng ghi nhận chính quyền của tổng thống Macron hiện nay đã có nhiều chính sách để giải pháp một số khía cạnh của vấn đề, như tăng gấp đôi số lượng các lớp 1 và lớp 2, thay đổi thành phần học sinh được hưởng học bổng sau phổ thông, hay thay thể trường hành chính ENA, đào tạo giới tinh hoa cho bộ máy Nhà nước, bằng một cơ chế mở rộng hơn cho các thành phần nghèo… Tuy nhiên, theo Le Monde, để giải quyết được vấn đề, tình trạng bất bình đẳng trầm kha này phải được coi là ưu tiên quốc gia.
Xã luận La Croix về ngày tựu trường cũng nêu bật vấn đề cần thu hẹp bất bình đẳng, và hy vọng là nhiệm kỳ tổng thống mới sẽ coi đây là một ưu tiên.
Chủ đề chính của Le Figaro hôm nay là "Tại sao người Pháp sẽ phải làm việc nhiều hơn ?". Nhật báo thiên hữu ủng hộ một trong các chủ trương của tổng thống Pháp là dân Pháp sẽ phải làm việc lâu hơn trước khi được nghỉ hưu, bởi so với dân các nước Châu Âu khác, người Pháp làm việc ít nhất : về hưu sớm hơn hai năm và làm việc ít giờ hơn. Theo Le Figaro, nước Pháp từng được coi là nơi cư dân có năng suất làm việc cao, nhờ làm việc ít, nhưng điều này nay không còn đúng. Le Figaro có bài xã luận "Hãy xắn tay áo lên !".
Bạo lực gia đình là một chủ đề trang nhất khác của Le Figaro thiên hữu. Theo nhật báo, các biện pháp được đề tại tại hội nghị toàn quốc về bạo lực gia đình, sau hai năm thực hiện chưa mang lại nhiều kết quả. Bạo lực gia dình cũng là chủ đề chính của Libération. Xã luận Libération thiên tả mang tựa đề "Tiếng thét", kêu gọi hành động khẩn cấp, bởi số người cần được hỗ trợ khẩn cấp là 20.000, trong lúc chính quyền mới chỉ cung cấp được 7.800 chỗ tạm trú cho những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình đe dọa tính mạng, chủ yếu là phụ nữ.
Nhân dịp sơ kết hai năm hội nghị chống bạo lực gia đình, báo Libération phỏng vấn bộ trưởng phụ trách Bình Đẳng, bà Elisabeth Moreno. Libération nêu ra con số 102 phụ nữ bị giết hại bởi bạo lực gia đình trong năm 2020, con số thấp nhất từ 15 năm nay. Theo bộ trưởng phụ trách Bình Đẳng, đã đến lúc phải chấm dứt hoàn toàn thái độ dung túng với bạo lực gia đình.
Trong bài phỏng vấn mang tựa đề "Một thay đổi văn hóa sâu sắc đã bắt đầu", bộ trưởng Elisabeth Moreno điểm lại các nỗ lực của chính quyền nhằm đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, với nhiều biện pháp căn bản sẽ triển khai trong thời gian từ đây đến tháng 11, như cung cấp nhanh chóng các "vòng đeo tay báo động" chống lại gần, 3.000 điện thoại báo động khẩn. Việc phối hợp chặt chẽ giữa tư pháp và cảnh sát cho phép lập danh sách đầy đủ các thủ phạm bạo lực gia đình, để theo dõi và kịp thời can thiệp. Trong bốn năm, đã có bốn luật được thông qua về vấn đề này, trong đó có luật cho phép giảm thời gian có được lệnh bảo vệ, "6 ngày tối đa" sau khi đương sự khiếu nại.
Trọng Thành