Pháp : Vô địch thế giới về… đình công !
Phong trào đình công rầm rộ tại Pháp chống kế hoạch cải tổ hệ thống hưu bổng bùng lên từ ngày 05/12/2019 dĩ nhiên đã được các tuần báo Pháp thông tin và bình luận rộng rãi, đặc biệt với trang bìa và hồ sơ chính trên hai tờ L’Express và Le Point.
Biểu tình, đình công tại Marseille, hôm 12/12/2019, ngày thứ 8 liên tục để phản đối dự luật hưu bổng của chính phủ Pháp. Reuters/Jean-Paul Pelissier
Trong lúc L’Express khoe một hồ sơ độc quyền "Mặt khuất của công cuộc cải tổ", thì Le Point cố tìm cách giải thích sự kiện "Nước Pháp đã nổi điên như thế nào". Với những số liệu cụ thể, Le Point không ngần ngại châm biếm : Nước Pháp quả không hổ danh là "Vô địch thế giới về môn đình công".
Dựa trên số liệu trong giai đoạn 2008-2016 đối với Pháp, và 2008-2017 đối với các nước khác, Le Point ghi nhận là số ngày đình công bình quân mỗi năm cho mỗi 1.000 người làm công ăn lương tại Pháp lên đến 118 ngày, đứng hạng nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE).
Đây là một con số cao hơn rất nhiều so với các láng giềng của Pháp, như Bỉ chỉ có 88 ngày đình công, Tây Ban Nha (57 ngày), hay Anh Quốc, chỉ 21 ngày, hoặc Đức 16 ngày. Ít đình công nhất là Thụy Sĩ, vỏn vẹn 1 ngày, hay Mỹ chỉ có 5 ngày mà thôi.
Bài nhận định chung của Le Point đã tìm cách giải thích lý do vì sao mà nước Pháp lại trở thành "điên khùng" như vậy, và đã tìm thấy nguyên nhân ở trong một lịch sử hàng thế kỷ đấu tranh đọ sức giữa hai loại chủ quyền : chủ quyền Nhà nước và chủ quyền Nhân dân.
Theo François-Guillaume Lorrain, tác giả bài nhận định, một ca sĩ Pháp nổi tiếng (cụ thể là Michel Sardou trong bài Vladimir Ilich) đã từng kêu gọi Lênin đội mồ "Đứng dậy đi, họ đã điên rồi", trước những sai lệch của lý tưởng cộng sản. Thế nhưng người Pháp thì phải kêu ai mỗi khi diễn ra "cảnh tượng ngoạn mục của một nước Pháp phát sốt mỗi khi có một cải cách được công bố.
Theo Le Point, Pháp đúng là một đất nước có hai nhân cách, giống như tình trạng của nhân vật bác sĩ Jekyll và ông Hyde trong tiểu thuyết của Robert Louis Stevenson. Về mặt tươi cười thì đó là một nước hiếu khách, lịch sự, phong phú về nghệ thuật và phong cảnh, nhưng mặt tối khiến người khác phải sững sờ lại là tính dễ nổi nóng, dễ rơi vào bạo lực, thái độ bất lực trong việc đối thoại xây dựng.
"Pháp là thiên đường với cư dân tin rằng mình sống trong địa ngục"
Tác giả bài báo đã trích dẫn một câu nói của nhà văn Pháp Sylvain Tesson, nổi tiếng về những chuyến du hành vòng quanh thế giới, theo đó thì "Nước Pháp là một thiên đường có cư dân là những người tin rằng họ đang sống trong địa ngục".
Như để minh họa cho nhận định đó, Le Point đã trích dẫn một loạt số liệu thống kê, cho thấy là người Pháp đâu phải là khổ cực gì so với những nước khác.
Về thời gian lao động thực thụ chẳng hạn, trong vòng 40 năm gần đây, người Pháp nói chung càng lúc càng làm việc ít đi. Theo số liệu của viện thống kê Pháp Insee, nếu năm 1978, một người Pháp phải làm việc 1.943 giờ mỗi năm, thì đến năm 2018, họ chỉ còn phải làm việc thực thụ trong 1.609 giờ mà thôi.
So sánh với nhiều nước khác, thì người Pháp không hề phải nai lưng làm việc như thường nghĩ. Theo số liệu năm 2018 của Liên Hiệp Châu Âu, thì trong suốt cuộc đời của mình, người Pháp chỉ phải làm việc khoảng 35,4 năm, đứng thứ 19 trong số các nước Châu Âu. Trong khi đó thì người Đức phải làm 38,7 năm, người Anh, 39,2 năm, người Thụy Sĩ 42, 7 năm và đứng đầu bảng về số năm phải lao động là người Iceland, với 46,3 năm.
Dù làm việc ít hơn như thế, nhưng người Pháp thì lại thấy là mình rất khổ sở. Trong bảng xếp hạng theo chỉ số "hạnh phúc" năm 2018 của Liên Hiệp Quốc, người Pháp đứng thứ 18, trong lúc Iceland thì được xếp thứ 4, Thụy Sĩ xếp thứ 6, Đức xếp thứ 9 và Anh xếp thứ 10. cho dù những quốc gia này phải làm việc nhiều hơn.
Từ năm 1995 đến nay đã có 5 lần phản đối cải tổ hưu bổng
Để chống kế hoạch cải cách hệ thống hưu bổng mà chính phủ Pháp chuẩn bị ban hành, ngoài việc đình công, người dân Pháp cũng xuống đường biểu tình. Theo Le Point, từ thời thủ tướng Juppé vào năm 1995 đến nay, đã có 5 kế hoach cải tổ hưu bổng, và lần nào cũng bị đông đảo người dân xuống đường phản đối.
Truyền thông báo chí đã nói nhiều về tính chất rầm rộ của phong trào biểu tình ngày 05/12 vừa qua chống kế hoạch Delevoye, với hơn 1,5 triệu người tham gia theo các công đoàn, hay 806.000 người theo số liệu cảnh sát.
Theo Le Point, con số này tính ra vẫn còn thấp hơn cuộc biểu tình ngày 12/12/1995, với con số tham gia khổng lồ là từ 1 triệu (theo Bộ Nội vụ) cho đến 2,2 triệu người tham gia, theo các công đoàn.
Tuy nhiên, dù mọi người thường hay nhắc đến thời điểm năm 1995, nhưng theo tạp chí Pháp, kỷ lục tuyệt đối về lượng người xuống đường là vào ngày 12/10/2010, với từ 1,23 đến 3,5 triệu người biểu tình chống kế hoạch Woerth. Trước đó 7 năm, ngày 13/05/2003, kế hoạch Fillon cũng đã bị từ 1,13 cho đến 2 triệu người xuống đường phản đối.
Quá trình hình thành kế hoạch cải tổ hưu bổng Delevoye
Cũng chú ý đến phong trào phản đối cải cách hưu bổng đang diễn ra, tạp chí L’Express đã dành tựa trang bìa và một hồ sơ 10 trang để nói về những điều chưa được tiết lộ về sự hình thành của kế hoạch mang tên ông Jean Paul Delevoye, người đứng tên cho chương trình cải tổ.
Dưới tựa đề câu khách "Hưu bổng : Lịch sử bí mật của công cuộc cải cách", L’Express cho rằng lẽ ra đây phải là kế hoạch cải cách tiêu biểu nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Emmanuel Macron. Thế nhưng việc chuyển qua một chế độ hưu bổng phổ quát tính theo điểm đã biến thành một cơn địa chấn xã hội.
Theo tạp chí Pháp, quá trình hình thành kế hoạch cải tổ này bao gồm 9 bước, mà chính quyền muốn quảng bá thành một công trình đầy tính sáng tạo, cách mạng và công bằng. Thế nhưng, theo tờ báo, việc thực hiện một cam kết của ông Macron khi tranh cử tổng thống đó, đã gây nên một tình trạng hỗn loạn về mặt xã hội và chính trị.
Đối với L’Express, lý do đến từ những bất đồng ngay trong nội bộ chính phủ, cũng như một công tác tuyên truyền giải thích vừa thiếu nhất quán, vừa mơ hồ.
Hưu bổng : Chính phủ gặp khó khăn, nhưng đối lập cũng lúng túng
Việc cải tổ hưu bổng đang đẩy chính phủ Pháp vào tình thế lúng túng, thế nhưng, theo L’Express, các đảng đối lập, tả cũng như hữu, vẫn chưa tìm ra chiến lược rõ ràng để tranh thủ thời cơ.
Theo tuần báo Pháp, hô vang ý kiến bất đồng với kế hoạch cải cách mà ông Emmanuel Macron đã hứa là một điều tốt, nhưng đề ra một giải pháp thay thế rõ ràng còn tốt hơn nữa. Thế nhưng việc đó lại không dễ dàng chút nào.
Đối với đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (Les Républicains - LR), việc xác định được một đường hướng chung của đảng về vấn đề lương hưu đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và nhượng bộ.
Còn bên cánh tả, lãnh đạo của các đảng khác nhau, từ Jean-Luc Mélenchon của Nước Pháp bất khuất (La France insoumise - LFI) cho đến Olivier Faure của đảng Xã hội, thì vẫn mỗi bên một cách tiến. Để có mặt trận chung thì phải chờ thêm nữa.
Sau cùng, bên cánh cực hữu, bà Marine Le Pen, đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement national - RN) thì khéo léo nuôi dưỡng một lập trường mơ hồ về chủ đề này, ngay cả khi điều đó có làm sứt mẻ phần nào uy tín của bà. Đối với L'Express, quan điểm của bà Le Pen rất rõ : Dại gì xây dựng một chương trình khi ta có thể lợi dụng được sự bất mãn chung mà không cần phải cực nhọc ?
Chiến thắng tuyệt đối của Boris Johnson
Chủ đề thời sự thứ hai được các báo chú ý là cuộc bầu cử ở Anh ngày 12/12. Chiến thắng của thủ tướng Boris Johnson đã được tuần báo Anh The Economist, lên khuôn vào thứ Sáu 13/12, kịp thời nêu bật ngay trang bìa, trong lúc Courrier International, dù cũng dành trang bìa và hồ sơ đặc biệt cho sự kiện này, nhưng vì ra trước ngày bầu cử nên chỉ nêu được những nhận định chung chung.
Trang bìa The Economist chỉ mang đơn giản một chữ "Victory – Chiến thắng", với bức biếm họa cho thấy ông Boris Johnson hả miệng cười toe, hai ngón tay giơ lên thành hình chữ V.
Đối với tuần báo Anh, kết quả cuộc bầu cử vừa rồi là một điều khó lường nhất trong nhiều năm gần đây, nhưng rốt cuộc lại là một chiều. Đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson, đã gặt hái được thắng lợi lớn nhất kể từ thời cố thủ tướng Margaret Thatcher, trong lúc Công đảng Anh bị thất bại tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Riêng đối với ông Johnson, người có khả năng trở thành một trong những thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất nước Anh, giờ đây đã biến thành một lãnh đạo chính phủ toàn năng.
Hệ quả trước mắt là, lần đầu tiên kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nước Anh rõ ràng sẽ rời Liên Hiệp Châu Âu, vào cuối tháng Giêng tới đây, cho dù tiến trình Brexit, như ông Johnson từng hứa hẹn, sẽ còn lâu mới hoàn tất.
Thế nhưng chiến thắng của đảng Bảo thủ cũng phản ánh một sự sắp xếp lại một cách sâu sắc đời sống chính trị Anh Quốc. Đảng của ông Johnson đã chiếm được các lãnh địa trong tay Công đảng từ gần một thế kỷ nay, tức là khu vực miền Bắc với đa số cử tri thuộc tầng lớp lao động và trung lưu.
Sau một thập kỷ mà các chính phủ đều phải điều hành với một đa số xít xao, thậm chí không có cả đa số, Anh Quốc giờ đây có được một thủ tướng với quyền lực cá nhân to lớn và hầu như nắm toàn quyền tại Quốc hội.
Giống như hai thủ tướng Thatcher và Tony Blair trước đây, đều đã có một đa số rộng rãi ở Hạ viện, ông Johnson giờ đây có cơ hội đưa Anh Quốc vào hướng đi mới, nhưng chỉ với điều kiện là chính phủ của ông giải quyết được với một số nhiệm vụ thực sự khó khăn.
Anh Quốc không chỉ có Brexit !
Như nói ở trên Courrier International cũng dành trang bìa cho thời sự nước Anh với cuộc bầu cử sắp diễn ra. Tuy nhiên tờ báo lại chạy tựa lớn "Trong đầu người Anh" với lời giải thích : "Hoàng gia, óc khôi hài, môn thể thao cricket : Chân dung của một nước Anh không chỉ tóm gọn trong vấn đề Brexit".
Đối với tạp chí Pháp, nói đến cuộc bầu cử tại nước Anh, không thể không nói đến câu chuyện dài nhiều tập Brexit đã thu hút sự chú ý của mọi người từ ba năm nay. Thế nhưng vì đây là đề tài đã được nhai đi nhai lại đến mức nhàm chán, do đó Courrier International đã quyết định thay đổi cách tiếp cận nước Anh nhân cuộc bầu cử ngày 12/12.
Thay vì kể lại những tình tiết mới nhất của cuộc vận động tranh cử hay nhắc lại các kịch bản về việc nước Anh rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, tạp chí Pháp đã tập trung phân tích những điều đã tạo thành bản sắc Anh. Và đấy chính là ý nghĩa của tựa lớn hồ sơ trong tuần của Courrier International được nêu bật ở trang bìa.
Trọng Nghĩa
Pháp : SNCF khai màn đọ sức với chính phủ
Nhân viên hỏa xa đình công nhằm phản đối chương trình cải cách ngành đường sắt của chính phủ Pháp bắt đầu ngày 03/04/2018. Cuộc đọ sức giữa các nghiệp đoàn hỏa xa với chính phủ được dự báo là sẽ rất "dai dẳng". Chủ đề này thống lĩnh hầu hết các nhật báo lớn của Pháp trong ngày.
Công đoàn Sud Rail của nhân viên ngành đường sắt tuần hành tại Paris ngày 03/04/2018. Reuters
Nếu như người sử dụng phải chuẩn bị nhiều phương án để có thể đi làm hay đi du lịch, chính phủ Pháp cũng cho biết sẵn sàng đối mặt với "cuộc chiến tiêu hao" của SNCF (Société nationale des chemins de fer française-Công ty quốc doanh đường sắt Pháp) như ghi nhận Le Figaro trên trang nhất.
Tiêu hao là vì các nghiệp đoàn ngành đường sắt đã đưa ra một chiến lược đấu tranh khá là "khôn ngoan" : hai ngày đình công, rồi quay lại làm việc ba ngày. Chiến lược hành động "đứt đoạn" này sẽ được kéo dài trong vòng ba tháng.
"Một cuộc đình công để ngăn chặn cải cách", Les Echos ngao ngán. La Croix cũng có cùng cảm nhận khi cho rằng "Đình công, chuyện của nước Pháp". Báo chí Pháp chia thành hai phe bên chống và bên ủng hộ các nghiệp đoàn SNCF.
Chính phủ trật rày ?
Nhật báo thiên tả Libération lẻ loi trong tuyến đầu bảo vệ cuộc biểu tình của nhân viên hỏa xa. Bài xã luận của nhật báo chỉ trích chính phủ đã "Bẻ ghi sai" về mục đích và phương pháp cải cách Công ty quốc doanh đường sắt Pháp SNCF.
Tờ báo khẳng định với lập luận "tốn kém", chính phủ thủ tướng Philippe đang cố tình bôi đen bức tranh của ngành hòng dìm chết nhân viên hỏa xa. Thế nhưng tờ báo cho rằng SNCF không phải là doanh nghiệp đang ở bên bờ vực thẳm như các vị bộ trưởng đã nhiều lần tuyên bố. Công ty này làm ăn có lãi, hoàn thành nghĩa vụ là dịch vụ công cộng và đa số dân Pháp hài lòng.
So sánh với các công ty hỏa xa Châu Âu khác, SNCF không hề đứng ở cuối bảng. Phải chăng doanh nghiệp cần chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh ? Đương nhiên, điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực, tìm cách nâng cao năng suất và dịch vụ tốt hơn. Có thể đánh cược rằng các nhân viên hỏa xa ý thức được điều này, ngoại trừ một thiểu số mong muốn giữ nguyên trạng.
Vẫn theo tờ báo, với quyết tâm hành động phũ phàng, "khoa trương", ầm ĩ, chính phủ muốn thúc đẩy công luận chống lại "những ưu đãi" của nhân viên hỏa xa mà thực ra những ưu đãi này có được với cái giá là giờ giấc và điều kiện làm việc cực nhọc.
Do vậy, chính phủ đã thúc đẩy các công đoàn đoàn kết chống lại chính phủ và chĩa mũi nhọn vào đại đa số các cán bộ trong ngành trong lúc bản thân những cán bộ này không hề muốn bị toàn nước Pháp chỉ trích (…).
Nhật báo thiên tả cho rằng có rất nhiều khả năng cải cách SNCF mà không cần phải có cuộc tổng đọ sức như vậy. Tương lai sẽ cho thấy phải chăng lần này là một sự sai lầm bẻ ghi tàu. Trong khi chờ đợi câu trả lời, toàn nước Pháp vui mừng chuẩn bị đi bộ và đi chung xe hơi.
"Hãy vững tay chèo !"
Quan điểm này của Libération không được các đồng nghiệp khác chia sẻ. Le Figaro ủng hộ chính phủ "Hãy đứng vững" trong cuộc đối đầu này. Nhật báo cánh hữu nhận thức được rằng tổng thống Macron và chính phủ đang đánh một ván bài lớn.
Nếu nhượng bộ, họ có thể nói lời từ biệt hoặc gần như vậy, đối với hàng loạt cải cách mà chính phủ Pháp đang muốn tiến hành trên nhiều lĩnh vực. Nhất là cải cách chế độ hưu bổng. Do vậy, chính phủ không có sự lựa chọn nào khác là phải cầm cự, đứng vững.
Nếu so với cuộc tổng đình công năm 1995, buộc chính phủ phải lùi bước, do SNCF vẫn nhận được sự ủng hộ của công luận thì tình hình nay đã khác. Tâm thế và tâm lý của người dân Pháp cũng đã thay đổi.
Quy chế của nhân viên hỏa xa và hàng loạt các ưu đãi dành cho họ bị coi như là một sự lố bịch ngày càng khó chấp nhận, trong lúc những người về hưu thì phàn nàn về việc phải tăng mức đóng góp xã hội, giới sinh viên thì khó chịu bởi chương trình cải cách tuyển chọn đại học, giới công chức thì lo ngại.
Do vậy, mỗi giới đều biểu tình để bảo vệ quyền lợi của mình. Và cho đến lúc này, việc hội tụ các cuộc đấu tranh xã hội nói trên vẫn chỉ là điều mong muốn của công đoàn CGT (Confédération générale du travail-Tổng liên đoàn lao động) Pháp mà thôi.
Khi áp dụng cách thức bãi công chưa từng thấy - 2 ngày đình công, rồi 3 ngày quay lại làm việc và nhịp độ này kéo dài trong vòng 3 tháng - giới công đoàn muốn tạo ra một ảo giác, đánh lừa. Nguy cơ xáo trộn các phương tiện giao thông rất lớn, thậm chí có thể làm cho người sử dụng giao thông bất bình mạnh mẽ về chất lượng phục vụ giao thông, vốn dĩ đã yếu kém từ lâu nay.
SNCF, doanh nghiệp biểu trưng của dịch vụ công theo kiểu Pháp, không còn gì để tự hào. Giá vé thì cao, thường xuyên có sự cố, giờ giấc thì phập phù. Giới công đoàn sẽ khó có thể thuyết phục được công luận chấp nhận sự ương ngạnh của họ chống lại các thay đổi. Các lĩnh vực khác như viễn thông, vận tải hàng không hay lĩnh vực truyền thông nghe nhìn đều đã mở cửa chấp nhận cạnh tranh và dân Pháp không phàn nàn về những thay đổi này.
Le Figaro kết luận : "Mùa xuân năm nay, nước Pháp đang đứng trước một bước ngoặt. Nếu không vượt được chướng ngại này, nước Pháp sẽ còn bất động dài lâu, tiếp tục đứng bên lề các cải cách".
Nước Pháp, vô địch đình công
Nhật báo kinh tế Les Echos ngán ngẩm cho một nước Pháp, quán quân về đình công. Mỉa mai thay ngày hôm nay cơ quan tư vấn kinh tế Pháp, Business France theo dự kiến sẽ công bố bản tổng kết hàng năm về đầu tư nước ngoài tại Pháp, một trong những chỉ số rất được mong đợi, cho thấy nước Pháp đang trở nên hấp dẫn đối với giới đầu tư.
Vậy mà vào thời điểm công bố, giao thông bị đình trệ vì các cuộc đình công : không tầu, không máy bay. Tổng liên đoàn lao động Pháp kêu gọi nhiều ngành nghề khác cùng đình công (điện lực, thu gom rác…) để hội tụ các cuộc đấu tranh xã hội và lên kế hoạch đình công liên ngành vào ngày 19/04.
Tờ báo chua cay nhận xét bất chấp việc tổng thống Emmanuel Macron không ngừng quảng bá đất nước đang thay đổi, nhưng nước Pháp vẫn giữ vị trí vô địch thế giới về đình công. Cho dù không có các chỉ số đáng tin cậy - vì mỗi nước có định nghĩa khác nhau về xung đột xã hội - nhưng kinh tế Pháp vẫn có số ngày mà người lao động từ chối làm việc cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, Les Echos cũng nhìn nhận có một số yếu tố làm giảm bớt bức tranh đen này : trong lĩnh vực tư nhân, các cuộc đình công thường suy yếu đi sau một thời gian ; trong lĩnh vực công, số các cuộc xung đột xã hội cũng giảm kể từ năm 2010 ; trong nhiệm kỳ tổng thống trước (thời tổng thống François Hollande), các vụ đình công cũng giảm cho dù Nhà nước không tăng lương cho công chức trong một thời gian dài.
Dù vậy, điểm đen đậm nhất vẫn là ngành giao thông, đặc biệt là Công ty quốc doanh đường sắt Pháp - SNCF - nơi liên tục có các cuộc đình công (từ 2002 đến nay, công đoàn Sud-rail đã đưa ra gần 200 thông báo đình công) và dường như đây là cửa ải-thử thách cần vượt qua. Các công đoàn ngành hỏa xa có khả năng huy động đình công cũng như gây phiền nhiễu rất cao.
Tuy đình công chưa lan tỏa như vết dầu loang - điều mong muốn của công đoàn CGT - nhưng cuộc đình công của giới hỏa xa bắt đầu hôm nay là một trắc nghiệm chính trị và sẽ còn kéo dài và sẽ là dấu ấn của nhiệm kỳ tổng thống. Trong hoàn cảnh này, Les Echos chỉ biết ngao ngán thốt lên rằng "Tại đất nước của các cuộc đình công".
Tương lai nào cho SNCF ?
Về phần mình, xã luận của La Croix hòa dịu hơn kêu gọi các nghiệp đoàn nên "Xây dựng tương lai cho SNCF". Nhật báo công giáo cho rằng nếu như Công ty quốc doanh đường sắt Pháp hoạt động tốt, làm hài lòng mọi người thì chẳng có lý do gì phải cải cách.
Rất tiếc là chi phí cho dịch vụ đường sắt này lại cao, nợ của công ty rất lớn, việc bảo dưỡng hệ thống đường sắt không đủ, chất lượng phục vụ kém… Giả sử không phải đối mặt với cạnh tranh trong những năm tháng tới, thì SNCF cũng không thể tiếp tục giữ "nguyên trạng" như vậy được.
Trong tình hình đó, phải chăng quy chế "ưu đãi" dành nhân viên hỏa xa là yếu tố duy nhất làm cho công ty yếu kém ? Chắc chắn là không. Món nợ khổng lồ của SNCF phần lớn là do các quyết sách mang tính chính trị. Do các dân biểu địa phương muốn bằng mọi giá là tỉnh vùng của họ phải có các tuyến đường sắt cao tốc TGV, bất chấp thua lỗ, các chính phủ liên tiếp đã tỏ ra yếu kém trong quản lý và đổ nợ lên đầu SNCF.
Tuy nhiên, quy chế ưu đãi mà các nhân viên hỏa xa được hưởng cũng có phần trách nhiệm. Vấn đề chính đối với SNCF không phải là tài chính mà là sự cứng nhắc trong vận hành, làm cho doanh nghiệp này mất đi khả năng thích ứng với những mong đợi của người sử dụng.
Bảo vệ bằng mọi giá quy chế này, như các công đoàn tuyên bố, thông qua các cuộc đình công liên tiếp trong ba tháng tới, chắc chắn không phải là cách thức tốt nhất để bảo vệ trên nguyên tắc, quy chế của nhân viên hỏa xa và sự trường tồn của SNCF với tư cách là doanh nghiệp Nhà nước. Trên thực tế, tốt nhất là SNCF nên đàm phán điều chỉnh các quy định quyền lợi xã hội và đổi lại, Nhà nước đứng ra gánh chịu khoản nợ khổng lồ cho doanh nghiệp.
Các tin khác
Về thời sự quốc tế, một số báo Pháp đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. "Bắc Kinh đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ", tựa của Les Echos, hay như "Bắc Kinh trả đũa Washington bằng cách đánh thuế 128 sản phẩm Hoa Kỳ", bài viết của Le Figaro.
Nước Nga của Putin vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm theo dõi của báo chí Pháp. Les Echos có bài phân tích đề tựa "Putin IV, triều đại mới với rủi ro cao". Bất chấp việc tái đắc cử với tỷ lệ cao, nhưng nhiệm kỳ thứ tư của ông Vladimir Putin sẽ không như là dòng sông êm đềm. Nỗi hụt hẫng xã hội, bối cảnh địa chính trị và vấn đề người kế thừa sẽ là gánh nặng bất định mà ông phải đối mặt.
Libération có bài nói về cuộc triển lãm đáng chú ý tại Berlin, tường thuật những mối liên hệ đầy mâu thuẫn người dân Đông Đức với vấn đề tính dục. Giữa một bên là sự kiểm soát của chính phủ và bên kia là chủ nghĩa hoan lạc. Trên nền ảnh bìa của tập sách FKK, Libération đề tựa "Đức : Cộng hòa dân chủ Đức, một đất nước theo chế độ tình dục".
Cuối cùng, Le Figaro đưa ra một thông báo không mấy lạc quan về môi trường : "Sahara đã rộng thêm 10% trong vòng một thế kỷ". Vùng sa mạc lớn nhất và nóng nhất hành tinh, có diện tích gần bằng nước Mỹ không ngừng mở rộng ở phía bắc cũng như ở phía nam. Hiện tượng tự nhiên này đã gia tăng cường độ do khí hậu ấm dần.
Minh Anh