Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/12/2019

Điểm báo Pháp - Vô địch thế giới về… đình công !

RFI tiếng Việt

Pháp : Vô địch thế giới về… đình công !

Phong trào đình công rầm rộ tại Pháp chống kế hoạch cải tổ hệ thống hưu bổng bùng lên từ ngày 05/12/2019 dĩ nhiên đã được các tuần báo Pháp thông tin và bình luận rộng rãi, đặc biệt với trang bìa và hồ sơ chính trên hai tờ L’Express và Le Point.

greve1

Biểu tình, đình công tại Marseille, hôm 12/12/2019, ngày thứ 8 liên tục để phản đối dự luật hưu bổng của chính phủ Pháp. Reuters/Jean-Paul Pelissier

Trong lúc L’Express khoe một hồ sơ độc quyền "Mặt khuất của công cuộc cải tổ", thì Le Point cố tìm cách giải thích sự kiện "Nước Pháp đã nổi điên như thế nào". Với những số liệu cụ thể, Le Point không ngần ngại châm biếm : Nước Pháp quả không hổ danh là "Vô địch thế giới về môn đình công".

Dựa trên số liệu trong giai đoạn 2008-2016 đối với Pháp, và 2008-2017 đối với các nước khác, Le Point ghi nhận là số ngày đình công bình quân mỗi năm cho mỗi 1.000 người làm công ăn lương tại Pháp lên đến 118 ngày, đứng hạng nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE).

Đây là một con số cao hơn rất nhiều so với các láng giềng của Pháp, như Bỉ chỉ có 88 ngày đình công, Tây Ban Nha (57 ngày), hay Anh Quốc, chỉ 21 ngày, hoặc Đức 16 ngày. Ít đình công nhất là Thụy Sĩ, vỏn vẹn 1 ngày, hay Mỹ chỉ có 5 ngày mà thôi.

Bài nhận định chung của Le Point đã tìm cách giải thích lý do vì sao mà nước Pháp lại trở thành "điên khùng" như vậy, và đã tìm thấy nguyên nhân ở trong một lịch sử hàng thế kỷ đấu tranh đọ sức giữa hai loại chủ quyền : chủ quyền Nhà nước và chủ quyền Nhân dân.

Theo François-Guillaume Lorrain, tác giả bài nhận định, một ca sĩ Pháp nổi tiếng (cụ thể là Michel Sardou trong bài Vladimir Ilich) đã từng kêu gọi Lênin đội mồ "Đứng dậy đi, họ đã điên rồi", trước những sai lệch của lý tưởng cộng sản. Thế nhưng người Pháp thì phải kêu ai mỗi khi diễn ra "cảnh tượng ngoạn mục của một nước Pháp phát sốt mỗi khi có một cải cách được công bố.

Theo Le Point, Pháp đúng là một đất nước có hai nhân cách, giống như tình trạng của nhân vật bác sĩ Jekyll và ông Hyde trong tiểu thuyết của Robert Louis Stevenson. Về mặt tươi cười thì đó là một nước hiếu khách, lịch sự, phong phú về nghệ thuật và phong cảnh, nhưng mặt tối khiến người khác phải sững sờ lại là tính dễ nổi nóng, dễ rơi vào bạo lực, thái độ bất lực trong việc đối thoại xây dựng.

"Pháp là thiên đường với cư dân tin rằng mình sống trong địa ngục"

Tác giả bài báo đã trích dẫn một câu nói của nhà văn Pháp Sylvain Tesson, nổi tiếng về những chuyến du hành vòng quanh thế giới, theo đó thì "Nước Pháp là một thiên đường có cư dân là những người tin rằng họ đang sống trong địa ngục".

Như để minh họa cho nhận định đó, Le Point đã trích dẫn một loạt số liệu thống kê, cho thấy là người Pháp đâu phải là khổ cực gì so với những nước khác.

Về thời gian lao động thực thụ chẳng hạn, trong vòng 40 năm gần đây, người Pháp nói chung càng lúc càng làm việc ít đi. Theo số liệu của viện thống kê Pháp Insee, nếu năm 1978, một người Pháp phải làm việc 1.943 giờ mỗi năm, thì đến năm 2018, họ chỉ còn phải làm việc thực thụ trong 1.609 giờ mà thôi.

So sánh với nhiều nước khác, thì người Pháp không hề phải nai lưng làm việc như thường nghĩ. Theo số liệu năm 2018 của Liên Hiệp Châu Âu, thì trong suốt cuộc đời của mình, người Pháp chỉ phải làm việc khoảng 35,4 năm, đứng thứ 19 trong số các nước Châu Âu. Trong khi đó thì người Đức phải làm 38,7 năm, người Anh, 39,2 năm, người Thụy Sĩ 42, 7 năm và đứng đầu bảng về số năm phải lao động là người Iceland, với 46,3 năm.

Dù làm việc ít hơn như thế, nhưng người Pháp thì lại thấy là mình rất khổ sở. Trong bảng xếp hạng theo chỉ số "hạnh phúc" năm 2018 của Liên Hiệp Quốc, người Pháp đứng thứ 18, trong lúc Iceland thì được xếp thứ 4, Thụy Sĩ xếp thứ 6, Đức xếp thứ 9 và Anh xếp thứ 10. cho dù những quốc gia này phải làm việc nhiều hơn.

Từ năm 1995 đến nay đã có 5 lần phản đối cải tổ hưu bổng

Để chống kế hoạch cải cách hệ thống hưu bổng mà chính phủ Pháp chuẩn bị ban hành, ngoài việc đình công, người dân Pháp cũng xuống đường biểu tình. Theo Le Point, từ thời thủ tướng Juppé vào năm 1995 đến nay, đã có 5 kế hoach cải tổ hưu bổng, và lần nào cũng bị đông đảo người dân xuống đường phản đối.

Truyền thông báo chí đã nói nhiều về tính chất rầm rộ của phong trào biểu tình ngày 05/12 vừa qua chống kế hoạch Delevoye, với hơn 1,5 triệu người tham gia theo các công đoàn, hay 806.000 người theo số liệu cảnh sát.

Theo Le Point, con số này tính ra vẫn còn thấp hơn cuộc biểu tình ngày 12/12/1995, với con số tham gia khổng lồ là từ 1 triệu (theo Bộ Nội vụ) cho đến 2,2 triệu người tham gia, theo các công đoàn.

Tuy nhiên, dù mọi người thường hay nhắc đến thời điểm năm 1995, nhưng theo tạp chí Pháp, kỷ lục tuyệt đối về lượng người xuống đường là vào ngày 12/10/2010, với từ 1,23 đến 3,5 triệu người biểu tình chống kế hoạch Woerth. Trước đó 7 năm, ngày 13/05/2003, kế hoạch Fillon cũng đã bị từ 1,13 cho đến 2 triệu người xuống đường phản đối.

Quá trình hình thành kế hoạch cải tổ hưu bổng Delevoye

Cũng chú ý đến phong trào phản đối cải cách hưu bổng đang diễn ra, tạp chí L’Express đã dành tựa trang bìa và một hồ sơ 10 trang để nói về những điều chưa được tiết lộ về sự hình thành của kế hoạch mang tên ông Jean Paul Delevoye, người đứng tên cho chương trình cải tổ.

Dưới tựa đề câu khách "Hưu bổng : Lịch sử bí mật của công cuộc cải cách", L’Express cho rằng lẽ ra đây phải là kế hoạch cải cách tiêu biểu nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Emmanuel Macron. Thế nhưng việc chuyển qua một chế độ hưu bổng phổ quát tính theo điểm đã biến thành một cơn địa chấn xã hội.

Theo tạp chí Pháp, quá trình hình thành kế hoạch cải tổ này bao gồm 9 bước, mà chính quyền muốn quảng bá thành một công trình đầy tính sáng tạo, cách mạng và công bằng. Thế nhưng, theo tờ báo, việc thực hiện một cam kết của ông Macron khi tranh cử tổng thống đó, đã gây nên một tình trạng hỗn loạn về mặt xã hội và chính trị.

Đối với L’Express, lý do đến từ những bất đồng ngay trong nội bộ chính phủ, cũng như một công tác tuyên truyền giải thích vừa thiếu nhất quán, vừa mơ hồ.

Hưu bổng : Chính phủ gặp khó khăn, nhưng đối lập cũng lúng túng

Việc cải tổ hưu bổng đang đẩy chính phủ Pháp vào tình thế lúng túng, thế nhưng, theo L’Express, các đảng đối lập, tả cũng như hữu, vẫn chưa tìm ra chiến lược rõ ràng để tranh thủ thời cơ.

Theo tuần báo Pháp, hô vang ý kiến bất đồng với kế hoạch cải cách mà ông Emmanuel Macron đã hứa là một điều tốt, nhưng đề ra một giải pháp thay thế rõ ràng còn tốt hơn nữa. Thế nhưng việc đó lại không dễ dàng chút nào.

Đối với đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (Les Républicains - LR), việc xác định được một đường hướng chung của đảng về vấn đề lương hưu đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và nhượng bộ.

Còn bên cánh tả, lãnh đạo của các đảng khác nhau, từ Jean-Luc Mélenchon của Nước Pháp bất khuất (La France insoumise - LFI) cho đến Olivier Faure của đảng Xã hội, thì vẫn mỗi bên một cách tiến. Để có mặt trận chung thì phải chờ thêm nữa.

Sau cùng, bên cánh cực hữu, bà Marine Le Pen, đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement national - RN) thì khéo léo nuôi dưỡng một lập trường mơ hồ về chủ đề này, ngay cả khi điều đó có làm sứt mẻ phần nào uy tín của bà. Đối với L'Express, quan điểm của bà Le Pen rất rõ : Dại gì xây dựng một chương trình khi ta có thể lợi dụng được sự bất mãn chung mà không cần phải cực nhọc ?

Chiến thắng tuyệt đối của Boris Johnson

Chủ đề thời sự thứ hai được các báo chú ý là cuộc bầu cử ở Anh ngày 12/12. Chiến thắng của thủ tướng Boris Johnson đã được tuần báo Anh The Economist, lên khuôn vào thứ Sáu 13/12, kịp thời nêu bật ngay trang bìa, trong lúc Courrier International, dù cũng dành trang bìa và hồ sơ đặc biệt cho sự kiện này, nhưng vì ra trước ngày bầu cử nên chỉ nêu được những nhận định chung chung.

Trang bìa The Economist chỉ mang đơn giản một chữ "Victory – Chiến thắng", với bức biếm họa cho thấy ông Boris Johnson hả miệng cười toe, hai ngón tay giơ lên thành hình chữ V.

Đối với tuần báo Anh, kết quả cuộc bầu cử vừa rồi là một điều khó lường nhất trong nhiều năm gần đây, nhưng rốt cuộc lại là một chiều. Đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson, đã gặt hái được thắng lợi lớn nhất kể từ thời cố thủ tướng Margaret Thatcher, trong lúc Công đảng Anh bị thất bại tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.

Riêng đối với ông Johnson, người có khả năng trở thành một trong những thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất nước Anh, giờ đây đã biến thành một lãnh đạo chính phủ toàn năng.

Hệ quả trước mắt là, lần đầu tiên kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nước Anh rõ ràng sẽ rời Liên Hiệp Châu Âu, vào cuối tháng Giêng tới đây, cho dù tiến trình Brexit, như ông Johnson từng hứa hẹn, sẽ còn lâu mới hoàn tất.

Thế nhưng chiến thắng của đảng Bảo thủ cũng phản ánh một sự sắp xếp lại một cách sâu sắc đời sống chính trị Anh Quốc. Đảng của ông Johnson đã chiếm được các lãnh địa trong tay Công đảng từ gần một thế kỷ nay, tức là khu vực miền Bắc với đa số cử tri thuộc tầng lớp lao động và trung lưu.

Sau một thập kỷ mà các chính phủ đều phải điều hành với một đa số xít xao, thậm chí không có cả đa số, Anh Quốc giờ đây có được một thủ tướng với quyền lực cá nhân to lớn và hầu như nắm toàn quyền tại Quốc hội.

Giống như hai thủ tướng Thatcher và Tony Blair trước đây, đều đã có một đa số rộng rãi ở Hạ viện, ông Johnson giờ đây có cơ hội đưa Anh Quốc vào hướng đi mới, nhưng chỉ với điều kiện là chính phủ của ông giải quyết được với một số nhiệm vụ thực sự khó khăn.

Anh Quốc không chỉ có Brexit !

Như nói ở trên Courrier International cũng dành trang bìa cho thời sự nước Anh với cuộc bầu cử sắp diễn ra. Tuy nhiên tờ báo lại chạy tựa lớn "Trong đầu người Anh" với lời giải thích : "Hoàng gia, óc khôi hài, môn thể thao cricket : Chân dung của một nước Anh không chỉ tóm gọn trong vấn đề Brexit".

Đối với tạp chí Pháp, nói đến cuộc bầu cử tại nước Anh, không thể không nói đến câu chuyện dài nhiều tập Brexit đã thu hút sự chú ý của mọi người từ ba năm nay. Thế nhưng vì đây là đề tài đã được nhai đi nhai lại đến mức nhàm chán, do đó Courrier International đã quyết định thay đổi cách tiếp cận nước Anh nhân cuộc bầu cử ngày 12/12.

Thay vì kể lại những tình tiết mới nhất của cuộc vận động tranh cử hay nhắc lại các kịch bản về việc nước Anh rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, tạp chí Pháp đã tập trung phân tích những điều đã tạo thành bản sắc Anh. Và đấy chính là ý nghĩa của tựa lớn hồ sơ trong tuần của Courrier International được nêu bật ở trang bìa.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 495 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)