Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/12/2019

Bắc Kinh áp đặt điều kiện trong mọi quan hệ quốc tế

RFI tiếng Việt

Reuters bị chính nhà cung cấp thông tin cho thị trường Trung Quốc kiểm duyệt

Dưới sức ép của chính quyền Bắc Kinh, nhà cung cấp thông tin và dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv, thuộc sở hữu của một tập đoàn đa quốc gia Mỹ Blackstone, đã cho chặn hơn 200 bản tin của hãng tin Anh Reuters, đặc biệt về Hồng Kông, không cho khách hàng của họ tại Trung Quốc tiếp cận với các thông tin này.

backinh1

Logo Refinitiv trên một màn hình tại Canary Wharf ở Luân Đôn. Ảnh chụp ngày 01/08/2019. Reuters/Toby Melville/File Photo

Ngoài hãng Reuters, 97 nguồn cung cấp thông tin khác sử dụng dịch vụ của Refinitiv cũng bị tập đoàn này kiểm duyệt trước, không đến được Trung Quốc.

Trong một phóng sự điều tra công bố ngày 12/12/2019, Reuters đã cho biết chi tiết về các vụ kiểm duyệt, khởi sự từ tháng 8/2019, với hơn 200 bản tin về Hồng Kông hay Trung Quốc không có lợi cho Bắc Kinh bị tập đoàn Refinitiv xóa ngay từ đầu, không cho đưa lên mạng Eikon chuyên về giao dịch và phân tích tài chính truy cập được từ Trung Quốc.

Đối với Reuters, nếu các bản tin trên bị chính quyền Bắc Kinh kiểm duyệt thì không có gì đáng nói, nhưng vấn đề ở đây là chính tập đoàn Refinitiv đã thực hiện điều này, trong lúc công việc của tập đoàn này chỉ là phân phối ra toàn thế giới các thông tin của Reuters và các thực thể khác có hợp đồng với Refinitiv thông qua mạng Eikon của tập đoàn này.

Điều đáng ngại, theo Reuters, là các tài liệu nội bộ của Refinitiv cho thấy là từ mùa hè vừa qua, tập đoàn Mỹ này đã cài đặt một hệ thống lọc tự động để cho việc kiểm duyệt dễ dàng hơn. Hệ thống này bao gồm việc tạo ra một mã mới để đính kèm vào một số bản tin có liên quan đến Trung Quốc, được gọi là mã "Restricted News", tức là "tin tức bị hạn chế".

Hậu quả của việc kiểm duyệt tận gốc này là các khách hàng tại Trung Quốc dùng dịch vụ của nhà cung cấp dữ liệu tài chính hàng đầu thế giới này, đã không theo dõi được thông tin về Hồng Kông, trong đó có hai bản tin của Reuters về việc Hồng Kông bị các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế đánh sụt hạng. Bộ lọc kiểm duyệt này cũng được áp dụng cho gần 100 nhà cung cấp tin tức khác sử dụng mạng Eikon ở Trung Quốc.

Theo ghi nhận của Reuters, chế độ kiểm duyệt ở Trung Quốc ngày càng gắt gao thêm từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Bắc Kinh. Các doanh nghiệp phương Tây làm ăn với Trung Quốc đã càng lúc càng bị Bắc Kinh gây sức ép là phải ngăn chặn thông tin, bài phát biểu và sản phẩm bị Trung Quốc coi là nguy hiểm về mặt chính trị. Tập đoàn Refinitiv có hàng chục triệu đô la doanh thu mỗi năm ở Trung Quốc, và đã bắt đầu nỗ lực kiểm duyệt kể từ đầu năm sau khi bị một cơ quan quản lý Trung Quốc đe dọa đình chỉ hoạt động.

Bị Reuters chất vấn, Refinitiv đã trả lời rằng họ "phải tuân thủ luật lệ của quốc gia nơi họ hoạt động".

Một điều đáng lo ngại khác được Reuters nêu lên nếu hiện nay, Refinitiv chỉ chặn thông tin trên thị trường Trung Quốc, nhưng tập đoàn này hoàn toàn có thể bị Bắc Kinh gây sức ép để chặn thông tin bất lợi cho Trung Quốc trên các thị trường ngoài Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

********************

Trung Quốc : Vận động viên nước ngoài thi đấu thuê bị phạt vì không chào cờ (RFI, 11/12/2019)

Tại Trung Quốc, khi tinh thần dân tộc chủ nghĩa lên đến mức cực đoan thì hệ quả ra sao ? Một vận động viên bóng rổ Pháp đấu thuê cho một câu lạc bộ ở Nam Kinh (Trung Quốc) vừa cảm nhận được điều này một cách cay đắng : Bị phạt chỉ vì chào cờ không chuẩn trước một trận đấu.

backinh2

Cầu thủ bóng rổ Pháp Guerschon Yabusele chơi cho một đội tuyển Mỹ

Hôm thứ Bảy 07/12/2019, Liên Đoàn Bóng Rổ Trung Quốc đã ra quyết định phạt tuyển thủ người Pháp Guerschon Yabusele (từng đấu thuê cho câu lạc bộ Mỹ Boston Celtics) một khoản tiền 10.000 nhân dân tệ (tương đương với gần 1300 €) chỉ vì không nhìn về phía quốc kỳ Trung Quốc nhân thủ tục chào cờ trước một trận đấu của giải vô địch quốc gia.

Giống như ở Hoa Kỳ, các sự kiện thể thao tại Trung Quốc thường được bắt đầu bằng một lễ chào cờ với việc phát quốc ca. Tại Trung Quốc, các tuyển thủ trên nguyên tắc phải đứng nghiêm và nhìn về phía lá cờ. Thế nhưng Guerschon Yabusele, đấu thủ trước đây cũng đã chơi cho hai câu lạc bộ Pháp Roanne và Rouen, nhưng đang đấu thuê cho câu lạc bộ Hầu Vương Nam Kinh, đã bị phát hiện là chỉ cúi đầu mà thôi.

Liên đoàn bóng rổ Trung Quốc ngay hôm sau đã ra quyết định phạt tiền cầu thủ Pháp, kèm theo một lời "cảnh báo nghiêm trọng" vì đã không tuân thủ quy định "chào cờ bằng ánh mắt".

Trên mạng xã hội Vi Bác, những lời đả kích vận động viên Pháp không thiếu. Một người giận dữ : "Anh ta rất vui khi nhận tiền của Trung Quốc, nhưng lại không tôn trọng Trung Quốc". Một người khác thì cho rằng : "Cầu thủ này phải bị trục xuất ngay lập tức và câu lạc bộ của anh ta phải bị loại khỏi ra khỏi giải vô địch !".

Tuy nhiên, cũng có người rất ngạc nhiên trước cách xử phạt quá năng dành cho Guerschon Yabusele. Một cư dân mạng viết : "Quả là vớ vẩn ! Anh ta đâu phải là người Trung Quốc ! Hơn nữa, anh ta cũng đứng dậy khi chào cờ và không hề có những cử chỉ xúc phạm. Anh ta đã cúi đầu khi chào cờ. Liên Đoàn Bóng Rổ Trung Quốc đang sống vào thời kỳ nào vậy ? Đã lạc hậu 50 năm rồi !".

Theo hãng tin Pháp AFP, đây không phải là lần đầu tiên ở Trung Quốc mà một vận động viên thể thao nước ngoài bị phạt như vậy.

Vào năm 2018, Liên Đoàn Bóng Đá Trung Quốc đã treo giò trong một trận cựu tuyển thủ quốc tế người Brazil Diego Tardelli, chơi cho câu lạc bộ hạng nhất Sơn Đông Lỗ Năng của Trung Quốc vì đã nhìn xuống đất và đưa tay lên mặt trong lúc phát quốc ca.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 496 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)