Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nước Nga và cú sốc động viên quân cho chiến trường Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh động viên một phần quân dự bị cho cuộc chiến tranh tại Ukraine và những hệ quả thấy liền ; đảng cực hữu ngấp nghé lên nắm quyền tại Ý khiến Châu Âu lo lắng, đó là những chủ đề chính của nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay.

tuyenquan1

Một trạm tuyển quân chuyên nghiệp lưu động tại thành phố Rostov trên sông Don (Nga) ngày 17/09/2022. Reuters - Sergey Pivovarov

Hầu hết các báo tập trung phân tích, bình luận về hệ quả xung quanh quyết định của ông Putin động viên quân cho cuộc chiến tranh tại Ukraine cùng với những hăm dọa phương Tây bằng vũ khí hạt nhân.

Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất ghi nhận ông "Putin đang phải đối mặt với giới hạn" trong quyết định leo thang căng thẳng của mình. Le Monde dành nhiều bài viết để cho thấy, với thông báo huy động 300 nghìn quân dự bị, Nga chứng tỏ đang gặp khó khăn tại Ukraine, nhưng đồng thời quyết định đang gây một cú sốc trong xã hội Nga. Chỉ sau vài giờ, thông báo lệnh động viên của ông Putin đã làm náo động xã hội Nga, trên mạng xã hội, tràn ngập các dòng thông điệp từ bất ngờ, lo sợ đến phản đối lệnh động viên quân dự bị cho chiến trường tại Ukraine. Nhiều người thì khẳng định : "Tôi không sẵn sàng chết để tàn phá Donbass hay cho Putin", nhưng cũng có những ý kiến của những người ủng hộ chế độ như để trấn an và cố gắng giải thích : "Trong số 2 triệu, người ta mới lấy 300 nghìn, những người được huấn luyện phù hợp sẽ được điều đến đó trong vòng 3 tháng thôi… chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta vì không thể nào khác được". Ngoài đường phố đã có hàng loạt các cuộc biểu tình chống lệnh động viên và phản đối chiến tranh và các cuộc trấn áp bắt bớ cũng đã diễn ra liền ngay sau đó.

Một quyết định động viên, dù là bán phần, không hề là chuyện đơn giản. Trong bài "Động viên từng phần, ván cược còn lâu mới thắng", Le Monde cho thấy trên 300 nghìn quân dự bị liên quan đến quyết định vừa được tổng thống Nga ban bố, có rất ít người được đào tạo cho các trận chiến cường độ cao. Như vậy, trên thực địa chiến trường, Moskva sẽ phải giải quyết được vấn đề làm sao tung số quân dự bị mà khả năng chiến đấu rất hạn chế vào chiến trận, trong khi mà tại Ukraine, cuộc chiến tranh đang tiếp trục trong giai đoạn khốc liệt.

Hiệu ứng ngược : Gậy ông đập lưng ông

Cùng góc nhìn với Le Monde, Le Figaro ghi nhận ngắn gọn bằng hàng tựa trang bìa : "Tại Nga, chính quyền Putin đang bị áp lực". Tờ báo nhận xét, "hành động leo thang quân sự của ông Putin đã không diễn ra như mong muốn. Bị sốc, dân chúng Nga đã phản kháng theo nhiều cách để tránh không bị động viên vào cuộc chiến tranh.

Theo Le Figaro, với người dân Nga lúc này, thà chịu đi tù còn hơn bị đẩy vào cuộc chiến tại Ukraine. "Người Nga hoảng hốt vì lệnh động viên", Le Figaro nhận xét. Tờ báo cho thấy, ngay từ hôm thứ Tư ở Nga, người ta thấy hàng dài xe xếp hàng ở cửa biên giới với Phần Lan hay Gruzia, những người khá giả đổ xô mua vé máy bay đến Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Dòng người chạy khỏi nước Nga đang hình thành từ sau khi có quyết định động viên 300 nghìn quân dự bị để đưa vào chiến đấu, giải phóng miền Đông Ukraine, như mục tiêu tổng thống Putin đã đề ra.

Cùng ngày, các cuộc biểu tình chống sắc lệnh động viên quân đã diễn ra ở bốn chục thành phố Nga. Ít nhất 1300 người đã bị bắt, chủ yếu là tại thủ đô Moskva và Saint-Petersburg. Tờ báo cũng ghi nhận, những phản ứng lo sợ không chỉ có ở Nga. Trong một bài phóng sự, Le Figaro cho thấy, ngay sau khi nghe thông báo của Putin, nhiều người dân trong vùng lực lượng ly khai Ukraine đang kiểm soát đã chuẩn bị hành trang ra đi, để khỏi bị bắt buộc phải chiến đấu dưới lá cờ của Nga.

Xã luận của Le Figaro nhận thấy lệnh động viên từng phần mà Vladimir Putin ký hôm 21/09 đã có hiệu ứng không như mong đợi. Với bên ngoài, không gây những phản ứng cụ thể nào với kẻ thù của ông ta, ngoài những lời lên án chỉ trích. Với Ukraine và các đồng minh phương Tây, hành động lên gân của Kremlin cùng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân không làm thay đổi gì. Nếu như mục tiêu của Moskva là răn đe các nước ủng hộ Ukraine thì mục tiêu này đã không thành.

Trái lại, ở trong nước, đợt động viên quân đầu tiên từ sau Thế chiến thứ 2 lại đang làm náo động xã hội Nga. Thế hệ trẻ Nga không muốn chết vì Putin hay chết cho ý tưởng ngông cuồng muốn phục dựng đế chế Nga của ông ta. Người thì xuống đường biểu tình bất chấp có thể bị phạt tù, người có thể thì chạy ra nước ngoài.

Theo Le Figaro, Kremlin đang bị hiệu ứng gây ông đập lưng ông từ quyết định động viên, do tình thế bắt buộc trên chiến trường.

Tuy nhiên xã luận của Le Figaro cũng nhận thấy bộ máy trấn áp của Putin tự tin có khả năng dập tắt mọi manh nha nổi dậy trong nước. Tờ báo kết luận còn phải chờ xem khi các bà mẹ lính nổi giận trước những chiếc quan tài của con mình thì Putin mới có phản ứng ra sao.

Ở một khía cạnh khác, Libération đánh giá đòn lên gân với vũ khí hạt nhân của tổng thống Nga hôm 21/09 vừa qua là một thấy bại. Trước hết nó gây ra những rạn nứt trong lập trường những nước không phải đồng minh nhưng vẫn có mối liên hệ lợi ích với Nga, mà cho đến giờ vẫn ủng hộ ông hoặc đứng ngoài quan sát các hành động của Nga tại Ukraine với một thái độ trung lập thận trọng.

Lãnh đạo các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay Ấn Độ đều bắt đầu tỏ ái ngại về bước leo thang quân sự mới của chủ nhân điện Kremlin. Nhưng những hoảng sợ và phẫn nộ đang lên cao trên đất Nga. Người ta đang tìm mọi cách để chạy khỏi lệnh động viên này, hay nói chính xác là trốn khỏi cuộc chiến tranh mà họ không hiểu nổi. "Đó không phải là sự phản kháng mà là sự khởi đầu của một cuộc cách mạng", Libération nhận định.

Ván bài poker của Putin với phương Tây ?

Trở lại với những tuyên bố đe dọa phương Tây của Vladimir Putin, Le Figaro có bài phân tích cho thấy đòn lên gân của ông chủ điện Kremlin nhằm hăm dọa phương Tây thế nào ?

Trong bài diễn văn hôm 21/09, ông Putin đã tuyên bố : "Nếu các vị động đến lãnh thổ của chúng tôi, các vị sẽ chịu sấm sét của kho vũ khí hạt nhân của chúng tôi". Theo bài báo, Vladimir Putin thực sự không có sự lựa chọn nào khác ngoài leo thang căng thẳng cũng như ông ta đã "đặt tất cả uy tín của mình trong cuộc phiêu lưu xâm lược Ukraine. Để không bị chết chìm cùng vũ khí và hành trang chính trị của mình, ông ta nhất quyết phải tiếp tục". Để cho Kiev lấy lại đất như trong những tuần qua tức là đặt dấu chấm hết cho hình ảnh của một con người cứng rắn của ông ta.

Tờ báo nhận định tiếp : Nếu Putin chọn cách lên gân, cũng là vì cho đến giờ ông ta vẫn thành công với cách này, giống như điều ông đã làm ở Syria. Lần này vị Nga hoàng đang suy yếu cho rằng còn có thể phục hồi lại vị thế bằng các đặt cược nhiều hơn vào Ukraine. Đây là ván bài poker đầy rủi ro của Putin, theo tờ báo, bởi đối thủ của ông cũng có những lá bài chủ của họ. Cuối cùng của ông ta tung lá bài cuối cùng : hăm dọa phương Tây bằng vũ khí hạt nhân với hy vọng như vậy sẽ làm phương Tây chia rẽ, chùn bước rồi cuối cùng sẽ bỏ rơi Ukraine. Nhưng làm như vậy chỉ càng làm cho phương Tây nhận rõ hơn thực tế mối đe dọa Putin.

"Trong ván bài thấu cáy Nga đang chơi này, thách thức không chỉ là Ukraine mà còn là an ninh của thế giới", bài báo kết luận.

Ý : Cực hữu trước ngưỡng cửa quyền lực, Liên Âu lo lắng

Chuyển qua với một thời sự nóng trong Liên Hiệp Châu Âu. Ngày chủ Nhật tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử lập pháp ở Ý, một kỳ bầu cử đang thu hút sự chú ý của các nước Châu Âu không kém gì người dân Ý.

Lý do là ở nước này, phe cực hữu, đảng Fratelli d'Italia đang có nhiều khả năng thắng cử. Nếu điều đó xảy ra thì nước Ý sẽ dưới sự lãnh đạo của một lực lượng chính trị vẫn được gọi là đảng hậu phát xít. Đây là hồ sơ sự kiện chính của nhật báo công giáo La Croix. Tờ báo cho hay, dưới sự lãnh dạo của bà Giorgia Meloni, đảng Fratelli d'Italia đang có nhiều khả năng thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 25/09 tới. Đây là một đảng cực kỳ bảo thủ, tự nhận là một lực lượng chính trị hiện đại, bình dân và chủ trương chống nhập cư, bảo vệ quyền lợi của người dân và nước Ý là trên hết, sẵn sàng từ bỏ các giá trị chung của Liên Âu vì mục đích đó. Cả Liên Hiệp Châu Âu đang dán mắt vào nước Ý để theo dõi cuộc bầu cử này với lo ngại phe cực hữu lên nắm quyền.

Nhật báo Le Monde có bài : "Những lo sợ của EU trong trường hợp Giorgia Fratelli thắng cử".

Theo Le Monde, nếu đúng như các cuộc thăm dò dư luận, bà Giorgia Meloni thắng cử và lên lãnh đạo chính phủ Ý thì đây là lần đầu tiên phe cực hữu cầm quyền ở một nước là đồng sáng lập Liên Hiệp Châu Âu. Trong khi đó Châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng, việc nước Ý có một chính phủ cực hữu sẽ càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của Liên Hiệp Châu Âu.

Nhật báo Libération có bài : Bầu cử lập pháp tại Ý: "Những người hậu phát xít đang trong phòng chờ lên cầm quyền" để khẳng định rằng kết quả bầu cử ở Ý vào Chủ nhật tới nếu đúng như dự báo thì sẽ là một cơn địa chấn lớn ở Châu Âu.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế

Huy động quân dự bị không chắc sẽ giúp Nga tăng cường sức chiến đấu tại Ukraine

Trọng Nghĩa, RFI, 22/09/2022

Quyết định huy động khoảng 300.000 quân dự bị để tung vào chiến trường Ukraine, được tổng thống Nga Vladimir Putin loan báo hôm 21/09/2022, đã được xem là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới phân tích rất hoài nghi về hiệu quả của lệnh "động viên một phần", trong bối cảnh quân đội Nga cho đến nay đã bộc lộ nhiều khuyết điểm quan trọng trong lãnh vực hậu cần và huấn luyện.

dongvien1

Một chiếc xe tuyển mộ lính của Nga tại vùng Rostov trên sông Đông, Nga, ngày 17/09/2022 © Reuters – Sergey Pivovarov

Theo hãng tin Pháp AFP, chuyên gia phân tích James Rand, công ty tình báo tư nhân Janes, ghi nhận rằng con số 300.000 quân dự bị mà Nga muốn huy động quả là lớn so với tổng số 220.000 lượt binh sĩ được gửi đến mặt trận kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24/02.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, Nga sẽ phải mất ít nhất là ba tháng từ khi bắt đầu tuyển mộ cho đến khi có thể tung các tân binh ra chiến trường Ukraine.

Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có thời gian để huấn luyện binh sĩ, trong bối cảnh mà theo ông Christopher Miller, một chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế (FPRI) ở Philadelphia, Quân đội Nga nổi tiếng thường gặp khó khăn cả trong lãnh vực tuyển mộ và huấn luyện tân binh, lẫn trong việc triển khai lực lượng ra mặt trận với các trang thiết bị cần thiết.

Lệnh "động viên một phần" vừa được ban hành trên nguyên tắc chỉ nhắm vào những người trong diện quân dự bị, tức là những người đã đi nghĩa vụ, từng thực sự phục vụ trong các lực lượng võ trang và đã kinh qua huấn luyện quân sự.

Theo nhật báo Pháp Le Monde, giới chuyên gia ước tính rằng ở Nga, hiện có khoảng 200.000 người đã trải qua một khóa huấn luyện quân sự kể từ khi rời quân ngũ. Có điều, như chuyên gia Dimitri Minic, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), ghi nhận, "chỉ có 5.000 người trong số này được huấn luyện thường xuyên và có thể được coi là có khả năng quân sự thực sự". Do đó, việc huấn luyện trở lại cho hàng trăm nghìn quân dự bị kia sẽ đòi hỏi thời gian và nguồn lực, điều mà Nga không nhất thiết có được.

Một yếu tố khác, quân đội Nga trong lịch sử luôn thiếu hạ sĩ quan và tình trạng đã trở nên nghiêm trọng hơn với cuộc chiến Ukraine, vì rất nhiều hạ sĩ quan đã tử trận. Trả lời báo Le Monde, ông Yohann Michel, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết : "Nga đã lãng phí các cán bộ quân sự của mình và sẽ gặp khó khăn trong việc điều động lực lượng quân dự bị sắp được tuyển mộ".

Theo chuyên gia này, nếu có thời gian sáu tháng để chuẩn bị thì có thể là không sao, nhưng tránh một thảm bại quân sự trong ba tuần lễ tới đây thì quả là phức tạp.

Theo AFP, ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột, quân đội Nga đã bộc lộ những thiếu sót rất lớn trong việc phối hợp giữa ba binh chủng (bộ binh, hải quân, không quân) và giữa các đơn vị với nhau, cũng như trong việc triển khai hậu cần vật chất cần thiết cho việc tiến hành chiến đấu, truyền đạt mệnh lệnh từ trên xuống dưới và phản hồi thông tin theo chiều ngược lại.

Câu hỏi đặt ra là khi có thêm 300.000 quân, Quân đội Nga sẽ phải nỗ lực như thế nào để tránh được những khuyết điểm truyền thống đó.

Tóm lại, theo AFP, nếu xét riêng khía cạnh quân sự của cuộc xung đột, lệnh động viên của Vladimir Putin đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn là mang lại những giải pháp cho vấn đề Nga đang bị thiếu quân tại Ukraine.

Trọng Nghĩa

***********************

Dân Nga biểu tình phản đối, trốn khỏi nước sau lệnh huy động lính dự bị sang Ukraine

Thanh Hà, RFI, 22/09/2022

Đến lượt người dân Nga bị kéo vào vòng xoáy chiến tranh. Cảnh sát Nga hôm 21/09/2022, đã câu lưu hơn 1.300 người biểu tình phản đối chiến tranh Ukraine và nhất là phản đối việc tổng thống Vladimir Putin huy động lính dự bị ra chiến trường Ukraine. Trong khi đó, nhiều dân Nga tìm mọi cách tháo chạy bằng đường bộ hay đường hàng không, để tránh bị đưa sang chiến đấu ở Ukraine.

dongvien2

Cảnh sát Nga bắt giữ người biểu tình chống chiến tranh xâm lược Ukraine tại Moskva. AFP – NATALIA

Lính biên phòng Phần Lan được Reuters trích dẫn cho biết số người Nga đi qua đường biên giới giữa hai nước đã "đột ngột tăng mạnh" trong 24 giờ qua, kể từ khi tổng thống Vladimir Putin thông báo lệnh động viên lính dự bị tham chiến tại Ukraine. Một số hình ảnh cho thấy trong ngày hôm qua, người Nga ồ ạt tìm đường sang Phần Lan. Cả một đoàn xe dài hơn 30 cây số xếp hàng trước cửa khẩu. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan cho biết Helsinki "theo dõi sát diễn biến tình hình". Cũng hôm qua, không còn vé cho các chuyến bay từ Nga đến Serbia, hay Thổ Nhĩ Kỳ và nhất là đến các quốc gia Trung Á.

Từ thủ đô Moskva, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin tổng kết tình hình tại Nga sau khi tổng thống Vladimir Putin thông báo huy động lính dự bị và tuyên bố Moskva sẽ dùng "mọi phương tiện có trong tay" để bảo vệ nước Nga và nhân dân Nga :

"Hưởng ứng lời kêu gọi của nhóm Vesna, quy tụ những phong trào phản đối ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ tại Ukraine, hàng ngàn người Nga hôm qua đã xuống đường biểu tình chống Vladimir Putin. Trên đường phố tại thủ đô Moskva, Saint-Petersburg hay Perm, Ekaterinburg… đã vang lên những khẩu hiệu phản đối lệnh động viên lính dự bị vừa được tổng thống Nga ban hành. ‘Putin, hãy cút đi’, ‘Putin, ông hãy ra chiến tuyến, hãy lao vào các chiến hào’, đó là những khẩu hiệu mà người biểu tình đã hô vang. Dù vậy phong trào biểu tình tương đối yếu, chỉ diễn ra tại 22 thành phố, hay cùng lắm là vài chục thành phố trên toàn quốc. Lực lượng an ninh, hiện diện khắp nơi, đã câu lưu hơn 1.300 người biểu tình, theo ghi nhận của tổ chức phi chính phủ OVD-INFO. 

Về lệnh động viên của tổng thống Putin, phản ứng trong xã hội Nga là rất đa dạng. Nhà đối lập Alexeï Navalny lên án ông Vladimir Putin muốn lôi kéo toàn dân vào 'tội ác chiến tranh'. Trái lại, trên các mạng xã hội, phe diều hâu hài lòng trước viễn cảnh ‘giải quyết dứt điểm với chính quyền Kiev và đồng minh, tương tự như Liên Xô xưa kia đã từng đánh bại Đức Quốc Xã’.

Có một điều chắc chắn đó là những ai còn có phương tiện không ngần ngại tìm cách chạy thoát khỏi nước Nga. Giá vé máy bay đi nước ngoài tăng vọt từ sáng Thứ Ba. Các chuyến bay đến Beograd, hay Istanbul không còn chỗ cho những ngày tới".

Thanh Hà

***********************

Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Nga Putin huy động lực lượng dự bị

Thanh Phương, RFI, 21/09/2022

Hôm 21/09/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo lệnh "động viên một phần" những người Nga trong độ tuổi có thể chiến đấu. Đây được xem là một bước leo thang lớn trong cuộc chiến tranh Ukraine.

dongvien3

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva, Nga ngày 21/09/2022. AP

Trong một bài phát biểu được ghi trước và được phát trên đài truyền hình, tổng thống Putin tuyên bố sắc lệnh về "động viên một phần" đã được ký và có hiệu lực ngay từ hôm nay. Ông nhấn mạnh đây chỉ là "động viên một phần", chứ không phải là lệnh "tổng động viên" như những lời đồn đoán trong những giờ qua.

Trong bài phát biểu, ông Putin còn cảnh cáo, trước mối "đe dọa" từ "chế độ phát xít Kiev", được phương Tây yểm trợ về tài chính và quân sự, "chúng ta chắc chắn sẽ sử dụng mọi phương tiện có trong tay để bảo vệ nước Nga và nhân dân chúng ta", ám chỉ đến khả năng sử dụng cả vũ khí nguyên tử. Ông Putin còn tố cáo phương Tây muốn " làm suy yếu, chia rẽ và phá hủy nước Nga". Cuối cùng, tổng thống Nga tuyên bố :"Các mục tiêu của chiến dịch quân sự đã và vẫn không thay đổi". 

Nga đã mở cuộc tấn công vào Ukraine để gọi là "bảo vệ" các cộng đồng dân nói tiếng Nga bị chính quyền "phát xít" Kiev đàn áp, và để "phi quân sự hóa" nước láng giềng.

Về phần bộ trưởng quốc phòng Nga Serguei Choigou, ông cho biết cụ thể là sẽ huy động 300.000 quân dự bị để tăng viện cho lực lượng ở Ukraine. Theo lời ông Choigou, đây chỉ là một phần rất nhỏ, cụ thể là chỉ chiếm 1,1%, của tổng số lính dự bị có thể được huy động ở Nga.

Bộ trưởng quốc phòng Nga nói rõ là lực lượng dự bị sẽ được triển khai để "củng cố" và "kiểm soát" chiến tuyến dài hơn 1.000 km ở miền nam và miền đông Ukraine.

Đối với đại sứ Mỹ tại Kiev, việc tổng thống Putin ra lệnh động viên một phần là "một dấu hiệu suy yếu" của Moskva, hiện đang gặp tình trạng thiếu hụt quân số nên không thể tiếp tục tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. 

Tổng thống Putin đã có những tuyên bố như trên sau khi quân đội Nga bị mất nhiều lãnh thổ vào tay lực lượng Ukraine hiện đang phản công dữ dội ở các vùng Kherson (miền nam) và vùng Kharkiv (miền đông bắc). Hôm nay, bộ trưởng quốc phòng Choigou cho biết đã có tổng cộng 5.937 lính Nga tử trận kể từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine, một con số cao hơn nhiều so với thông báo trước đó của Moskva, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thẩm định của Ukraine và phương Tây là hàng chục ngàn quân Nga đã bỏ mạng trên chiến trường.

Trong khi đó, hôm qua, bộ Ngoại Giao Nga ra thông cáo khẳng định là "không thể chấp nhận được" việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev để giúp quân Ukraine phản công. Thông cáo được đưa ra sau khi một thứ trưởng Ngoại Giao Nga tiếp đại sứ Pháp tại Moskva Pierre Lévy.

Thanh Phương

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa, Thanh Hà, Thanh Phương,
Published in Quốc tế