Làm thế nào để Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối phó với áp lực phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ? Đâu là những thách thức chính về an ninh quốc gia và kinh tế của Việt Nam khi Việt Nam tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ? Để có góc nhìn về những vấn đề này, Jongsoo Lee đã phỏng vấn Lê Hồng Hiệp, thành viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam và Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.
Đâu là những thách thức chính về an ninh quốc gia và kinh tế của Việt Nam khi Việt Nam tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ?
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng ASEAN trở nên giống Liên minh Châu Âu hơn trong việc phát triển một chính sách đối ngoại chung ? Các quốc gia thành viên ASEAN muốn hội nhập sâu rộng hơn trong những lĩnh vực nào ?
Các nước thành viên ASEAN không mấy mặn mà với việc biến ASEAN thành một tổ chức siêu quốc gia như EU do nỗi ám ảnh của họ về chủ quyền quốc gia. Sự kiện Brexit càng củng cố niềm tin đó. Vì vậy, ngay cả khi quá trình hội nhập ASEAN tăng tốc với việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, vẫn có những giới hạn đối với việc ASEAN có thể tiến xa tới đâu trong vấn đề này. Cho đến nay, hội nhập kinh tế vẫn là ưu tiên số một, trong khi hội nhập chính trị và an ninh, bao gồm cả việc phát triển một chính sách đối ngoại chung, vẫn là một quá trình khó khăn. Mục tiêu chung là sử dụng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN. Chúng ta nên thực tế ở đây vì ngay cả những nỗ lực nhằm đạt được sự đồng thuận nội khối về một số vấn đề chính trị và an ninh khu vực cũng đã không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, đúng là nếu ASEAN thực sự muốn đóng một vai trò lớn hơn và thực chất hơn trong các vấn đề an ninh khu vực, thì việc có một chính sách đối ngoại chung sẽ là điều cần thiết cho cả khối.
Nhiều quốc gia phải đối mặt với tình thế lưỡng nan khi họ bị cuốn vào cạnh tranh Mỹ – Trung và chịu áp lực phải chọn bên. Có sự đồng thuận trong ASEAN về cách ASEAN nên ứng xử với Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không ? Hay từng quốc gia thành viên ASEAN sẽ theo đuổi lợi ích và chính sách riêng của họ ?
ASEAN và các quốc gia thành viên đều không muốn chọn bên. Nhìn chung, nhận thức phổ biến là ASEAN và các nước thành viên cần duy trì lập trường trung dung để có thể hưởng lợi từ mối quan hệ với cả hai cường quốc. Tuy nhiên, nếu sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng đến mức họ buộc các nước trong khu vực phải chọn bên, mỗi nước sẽ phải làm bất cứ điều gì phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là do cạnh tranh Mỹ – Trung thiên về lợi ích chiến lược hơn là ý thức hệ, hai nước sẽ không cố gắng – ít nhất là trong vòng 10 đến 20 năm tới – buộc các nước trong khu vực phải gia nhập các khối liên minh có tính chất cứng nhắc như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Làm thế nào để Việt Nam theo đuổi lợi ích của mình khi đối mặt với tình trạng đối đầu Mỹ – Trung ? Khi theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, Hà Nội có thể làm gì để trấn an Bắc Kinh rằng họ không xích lại quá gần Washington tới mức không thể chấp nhận được ?
Giống như các nước ASEAN khác, Việt Nam cũng muốn duy trì sự cân bằng giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, do sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đang cố gắng tăng cường quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ và các cường quốc khác để cân bằng lại sức ép này. Nhưng Việt Nam đã hành động thận trọng, tăng cường các mối quan hệ đó một cách từ từ và lặng lẽ. Trung Quốc có thể cảm thấy không thoải mái nếu Việt Nam theo đuổi các mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các nước đồng minh, nhưng chính những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã đẩy Việt Nam đi theo hướng đó. Trung Quốc nên điều chỉnh cách tiếp cận của mình nếu không sẽ có nguy cơ đẩy Việt Nam và các nước khác trong khu vực xa hơn về phía Hoa Kỳ.
Để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, những quốc gia nào khác ngoài Mỹ có thể giúp ích cho Việt Nam ?
Việt Nam đang đa dạng hóa các quan hệ chiến lược và cố gắng không phụ thuộc vào bất kỳ đối tác duy nhất nào để đối phó lại Trung Quốc ở Biển Đông. Cho đến cuối năm 2020, Việt Nam đã thiết lập ba quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 14 quan hệ đối tác chiến lược và 13 quan hệ đối tác toàn diện với các nước, trong đó có nhiều nước có lợi ích mạnh mẽ ở Biển Đông. Tất cả các nước này đều quan trọng đối với chính sách Biển Đông của Việt Nam theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, nếu xét về mặt xây dựng năng lực biển và đẩy lùi sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp và Đức có vẻ quan trọng đối với Việt Nam hơn các đối tác khác.
Ngoài Biển Đông, những thách thức chính đối với an ninh quốc gia của Việt Nam là gì ? Đâu là nguyên nhân chính của những căng thẳng với các nước láng giềng ? Làm thế nào để giải quyết những căng thẳng này ?
Tranh chấp Biển Đông hiện là thách thức an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam do sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở đây trong khoảng 10 năm qua. Quản lý biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và Campuchia cũng từng là một thách thức lớn đối với Việt Nam, nhưng các đường biên giới này đã được phân định nên không còn là vấn đề lớn nữa. Tuy nhiên, các vấn đề biên giới với Campuchia có thể bùng phát trở lại nếu có những thay đổi chính trị đáng kể ở Campuchia và tình cảm chống Việt Nam được một số chính trị gia Campuchia khơi dậy để phục vụ mục đích chính trị trong nước của họ. Trong những năm gần đây, vấn đề sông Mekong ngày càng nổi lên như một thách thức an ninh đối với Việt Nam, đặc biệt là từ góc độ an ninh phi truyền thống. Ở trong nước, việc duy trì ổn định chính trị, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, là những thách thức an ninh khác. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ Việt Nam đã khá thành công trong việc xử lý các thách thức này.
Khi Việt Nam tìm cách tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng, liệu sự phát triển kinh tế liên tục của Trung Quốc là một điều có lợi hay bất lợi cho Việt Nam ?
Sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc mang lại cả lợi ích và thách thức đối với Việt Nam. Vì hai quốc gia có hệ thống chính trị tương đồng nên những cải cách kinh tế của Trung Quốc mang lại những bài học hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Quyết định đổi mới kinh tế của Việt Nam năm 1986 bị ảnh hưởng một phần bởi các quyết định tương tự của Trung Quốc tám năm trước đó. Quan trọng hơn, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam được hưởng lợi từ quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 133 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy tại Việt Nam. Với việc Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới, quan hệ thương mại và đầu tư song phương sẽ tiếp tục được tăng cường. Mối quan hệ kinh tế hai bên cùng có lợi như vậy có xu hướng khuyến khích hai bên không thực hiện các hành động có thể làm gián đoạn trao đổi kinh tế song phương. Tuy nhiên, khi Trung Quốc biến sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của mình thành sức mạnh quân sự, họ đặt ra một thách thức an ninh ngày càng lớn đối với Việt Nam. Việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự ở Biển Đông là một ví dụ điển hình. Việt Nam không còn cách nào khác là phải sống chung với thực tế này, cố gắng duy trì quan hệ kinh tế song phương trong khi đứng lên đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông khi buộc phải làm như vậy.
Sự cạnh tranh Mỹ – Trung có khiến các công ty nước ngoài chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng hay không ? Sự cạnh tranh này đã mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế Việt Nam ?
Nhiều nhà đầu tư đã và đang đa dạng hóa cơ sở sản xuất của họ ra bên ngoài Trung Quốc trong một thời gian qua và sự cạnh tranh gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ càng đẩy nhanh xu hướng này. Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng này khi nhiều nhà đầu tư quyết định chuyển một phần hoạt động sang Việt Nam do các yếu tố nhất định, chẳng hạn như Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc, chính trị ổn định, có lực lượng lao động tương đối trẻ và chi phí còn thấp, cơ sở hạ tầng được cải thiện, cũng như có nền tảng kinh tế khá vững chắc đi kèm các ưu đãi đầu tư mà chính phủ Việt Nam đưa ra. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các nước khác về thu hút các nhà đầu tư như vậy, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Thách thức đặt ra là Việt Nam phải nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đồng thời giải quyết một số hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như việc Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, và thặng dư thương mại với Mỹ gia tăng do năng lực sản xuất và xuất khẩu được cải thiện.
Làm thế nào để Hoa Kỳ, EU và các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam theo những cách có thể thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam và giúp đa dạng hóa các nguồn vốn, công nghệ và bí quyết sản xuất ?
Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất Châu Á nếu xét về tỷ lệ thương mại trên GDP (khoảng 200%), chỉ sau Hồng Kông và Singapore. Điều này một phần là do Việt Nam từ lâu đã nhấn mạnh chiến lược đa dạng hóa các đối tác kinh tế. Cho đến nay, Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhiều hiệp định đầu tư khác nhau, bao gồm cả với Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Gần đây nhất là Hiệp định FTA Việt Nam – Liên hiệp Anh được ký vào ngày 29 tháng 12 năm 2020. Những mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng này đã giúp Việt Nam duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế khá mạnh mẽ và giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Mặc dù độ mở lớn như vậy có thể khiến Việt Nam đối mặt một số thách thức nhất định, nhưng cho đến nay chiến lược này đã phát huy tác dụng. Ví dụ, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19 một phần là nhờ vào năng lực xuất khẩu được cải thiện và dòng vốn đầu tư nước ngoài được duy trì thông qua các hiệp định như vậy.
Việt Nam gần đây đã có sự chuyển đổi lãnh đạo. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của Việt Nam trong việc thực hiện các cải cách chính trị và kinh tế – xã hội cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển ?
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Điều này có nghĩa là 10 năm tới là khoảng thời gian rất quan trọng đối với Việt Nam. Chúng ta vẫn còn phải chờ xem ban lãnh đạo mới sẽ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội như thế nào, nhưng ít nhất việc đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng như vậy có nghĩa là họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục theo đuổi các cải cách, đổi mới kinh tế để hiện thực hóa các mục tiêu đó. Về mặt chính trị, họ cũng có thể thăm dò một số cải cách nhất định, nhưng chủ yếu là để tinh gọn bộ máy và tăng hiệu quả của hệ thống chính trị, chứ không phải để dân chủ hóa. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, vì vậy họ sẽ không khoan nhượng với bất kỳ diễn biến nào có thể gây mất ổn định hệ thống chính trị. Niềm tin của họ càng được củng cố bởi những diễn biến gần đây trong khu vực, chẳng hạn như cuộc đảo chính ở Myanmar vào tháng trước. Vì vậy, Việt Nam có thể sẽ trở thành một nền kinh tế tự do hơn nữa trong những thập niên tới, nhưng về mặt chính trị, Việt Nam sẽ ít nhiều giống như hiện nay nếu Đảng Cộng sản Việt Nam có thể đối phó được với những căng thẳng tiềm tàng phát sinh từ sự không đồng bộ giữa tự do hóa kinh tế và tự do hóa chính trị.
James Jongsoo Lee thực hiện
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 15/03/2021
James Jongsoo Lee là thành viên liên kết tại Trung tâm Davis của Đại học Harvard về Nghiên cứu Nga và Á – Âu, và là biên tập viên cộng tác của The Diplomat.
Thanh Phương, RFI, 24/10/2020
Hôm 23/10/2020, Hoa Kỳ thông báo gởi các tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Mỹ đến vùng Thái Bình Dương để chống lại các hoạt động "gây mất ổn định" của Trung Quốc tại các vùng đánh cá đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Theo hãng tin AFP, trong một thông cáo, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Robert O’Brien, cáo buộc Bắc Kinh "đánh bắt trái phép" và "sách nhiễu" các tàu cá của những nước láng giềng, đồng thời thông báo là lực lượng tuần duyên đang triển khai các tàu tuần tra nhanh đến khu vực tây Thái Bình Dương.
Ông O’Brien nói rõ là các tàu tuần tra lớp Sentinel sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh hàng hải, nhất là hỗ trợ cho các ngư dân, qua việc cộng tác với các đối tác trong khu vực mà khả năng giám sát biển còn hạn chế. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng cho biết thêm là lực lượng tuần duyên Mỹ, trực thuộc bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ, dự trù sẽ đặt thường xuyên các tàu tuần tra này tại vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ, nằm ở vùng nam Thái Bình Dương.
Washington thường xuyên tố cáo Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế khi điều động các chiến hạm để hộ tống những tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động tại ngư trường của các nước khác. Hồi tháng 07/2020, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper đã lên án những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cáo buộc hải quân Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam, quấy nhiễu các công ty thăm dò dầu khí của Malaysia và hộ tống các tàu cá Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Vào tháng 09, Jakarta đã phản đối vụ một tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Trong khi đó, hôm qua, Philippines và Nhật Bản đã nhấn mạnh là các quốc gia phải ngưng mọi hoạt động có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đông. Trong một cuộc họp trực tuyến, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana và đồng nhiệm Nhật Nobuo Kishi, cũng đã nêu bật tầm quan trọng của tự do hàng hải tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Thanh Phương
***********************
Mỹ, Nhật, Úc tập trận trên Biển Đông
VOA, 21/10/2020
Hoa Kỳ, Nhật Bản và nước Úc tiến hành các cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đông hôm 19/10, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba 20/10.
Tàu chiến Mỹ, Nhật, Úc tham gia tập trận ở Biển Đông, ngày 20/10/2020. (Courtesy Photo)
Tham gia cuộc diễn tập có tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ, tàu JS Kirisame của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản, và tàu Hải quân Hoàng gia Úc HMAS Arunta.
Đây là lần thứ 5 trong năm nay, ba nước tiến hành hoạt động chung trong khu vực hạm đội 7 phụ trách, hạm đội 7 cho biết trong một tuyên bố.
Các hoạt động này diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ và các đồng minh tăng cường kêu gọi một khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.
************************
Thùy Dương, RFI, 23/10/2020
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 23/10/2020 tham gia lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh.
Trong tràng vỗ tay tán thưởng của hàng ngàn quân nhân và cựu chiến binh, Tập Cận Bình phát biểu : "Sau một cuộc giao tranh ác liệt, quân đội Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã đánh bại đối thủ được trang bị đến tận răng và phá tan huyền thoại về sự bất khả chiến bại của quân đội Mỹ". Ông Tập còn nói thêm là Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên khi chủ quyền bị đe dọa và sẽ không bao giờ để bất kỳ đội quân nào xâm lược hoặc chia cắt đất nước. Theo AFP, phát biểu này nhằm ám chỉ Đài Loan và Mỹ.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc xung đột đầu tiên và cho đến nay vẫn là xung đột duy nhất mà quân đội Trung Quốc và Mỹ giao tranh trực tiếp với nhau. Tại Trung Quốc, cuộc xung đột với Mỹ vẫn được gọi là "Cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của Mỹ và viện trợ cho Triều Tiên". Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn là đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng.
Hiện giờ quan hệ của Trung Quốc với chính quyền Mỹ Donald Trump đang ở mức xấu nhất, nhiều nhà bình luận cho rằng Tập Cận Bình tận dụng lễ kỷ niệm này để đưa ra thông điệp trực tiếp nhắm vào Washington. Theo một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, những lễ tưởng niệm kiểu này nhằm đáp trả áp lực tối đa mà chính quyền Donald Trump gây ra đối với Trung Quốc và nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự quy mô hạn chế có thể xảy ra với Hoa Kỳ.
Còn trong ngày hôm qua, truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên đưa tin lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những người lính Trung Quốc đã cứu đất nước ông khỏi bị bại trận. Ông Kim cũng đến đặt vòng hoa tưởng niệm lên mộ của con trai nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông vì người này đã bỏ mạng trong chiến tranh Triều Tiên.
Thùy Dương
Tổng thống Mỹ ký ban hành luật tăng cường vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương (RFA, 01/01/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai, ngày 31/12/2018 đã ký ban hành dự luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương trước những thách thức đang lên từ phía Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore hôm 14/11/2018 - AFP
Đây là dự luật đã được Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Ed Markey, Marco Rubio và Ben Cardin giới thiệu vào tháng Tư năm 2018, trong đó kêu gọi một đối thoại giữa bốn nước là Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, hay còn được biết đến là Tứ giác kim cương.
Luật mới nhìn nhận vai trò đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ trong việc củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, kêu gọi việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh.
Dự luật cũng bao gồm cam kết về nguồn lực của Mỹ ở hu vực bao gồm một ngân khoản gồm 1,5 tỷ đô la mỗi năm trong 5 năm để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, và 150 triệu đô la mỗi năm trong năm năm cho dân chủ, pháp quyền, hỗ trợ xã hội dân sự.
Tứ giác kim cương đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra từ 10 năm trước nhưng gần đây mới gây sự chú ý đặc biệt, nhất là sau cuộc gặp của lãnh đạo 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ bên lề hội nghị ASEAN ở Philippine vào tháng 11 năm 2017.
Ý tưởng này sống lại vì những lo ngại do thách thức đang lên từ phía Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông và Ấn Độ Dương. Ý tưởng này cũng là một đối trọng với kế hoạch Vành đai Con đường mà Trung Quốc đưa ra với hàng loạt dự án hạ tầng cơ sở trải dài từ Châu Âu đến Nam Á nhằm gây dựng ảnh hưởng lâu dài cho Trung Quốc, hướng tới mục tiêu trở thành siêu cường và nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong hai thập kỷ tới như Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại đại hội đảng hồi tháng 10 năm ngoái.
**********************
Tập Cận Bình nhắm đến ''đồng bào Đài Loan'' trong năm mới 2019 (RFI, 01/01/2019)
Trung Quốc chuẩn bị khởi động một năm mới với các đợt kỷ niệm lớn, và trong bài diễn văn quan trọng ngày mai 02/01/2019, chủ tịch Tập Cận Bình đặt trọng tâm vào Đài Loan, vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, Bắc Kinh, 18/12/2018. Reuters/Jason Lee
Tân Hòa Xã hôm qua cho biết ông Tập Cận Bình sẽ đọc bài diễn văn tại Đại sảnh đường Nhân Dân nhân kỷ niệm 40 năm chính sách tan băng trong quan hệ với Đài Loan, mang tên "Thông điệp gởi đến đồng bào ở Đài Loan". Hãng tin Nhà nước Trung Quốc không cho biết thêm chi tiết.
Ngày 01/01/1979, Trung Quốc tuyên bố kết thúc các đợt oanh kích thường trực vào khu vực do Đài Loan kiểm soát, và đề nghị mở đối thoại giữa hai bên sau nhiều thập niên thù địch. Tuy nhiên tổng thống Đài Loan lúc đó là ông Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching Kuo) đã từ chối. Mãi đến năm 1987, ông Tưởng mới cho phép người Đài Loan sang thăm thân nhân ở Hòa lục.
Sau thời gian hòa hoãn với phe Quốc Dân Đảng ở Đài Bắc, nay Trung Quốc gia tăng áp lực lên đương kim tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến kể từ khi bà đắc cử năm 2016. Đối thoại bị cắt đứt, các đồng minh ít ỏi của Đài Bắc bị Bắc Kinh mua chuộc để cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, dùng sức mạnh kinh tế để buộc các công ty hàng không phải dùng từ "Đài Loan Trung Quốc" trên trang web, ép các tổ chức quốc tế loại Đài Loan khỏi các cuộc hội thảo…
Hôm nay, tổng thống Thái Anh Văn trong bài diễn văn mừng năm mới tuyên bố Trung Quốc cần sử dụng các phương pháp hòa bình để giải quyết những bất đồng.
Bà kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận "sự hiện hữu thực tế của Trung Hòa Dân Quốc" (tức Đài Loan), "Trung Quốc phải tôn trọng ý nguyện tự do dân chủ của 23 triệu dân Đài Loan". Bà Thái Anh Văn khẳng định chính sách can thiệp của Bắc Kinh là "thách thức đáng quan ngại nhất của Đài Loan hiện nay".
Trong năm 2019, có ít nhất 6 dịp kỷ niệm quan trọng, đặc biệt tháng 10/2019 kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đồng thời cũng có những sự kiện nhạy cảm gây lúng túng cho chế độ Bắc Kinh, chẳng hạn ngày 30/6 là kỷ niệm vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn 1989. Tuy nhiên hòn đảo Đài Loan dân chủ mới là cái gai lớn nhất trong mắt của ông Tập Cận Bình.
Thụy My