Tổng thống Mỹ ký ban hành luật tăng cường vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương (RFA, 01/01/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai, ngày 31/12/2018 đã ký ban hành dự luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương trước những thách thức đang lên từ phía Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore hôm 14/11/2018 - AFP
Đây là dự luật đã được Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Ed Markey, Marco Rubio và Ben Cardin giới thiệu vào tháng Tư năm 2018, trong đó kêu gọi một đối thoại giữa bốn nước là Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, hay còn được biết đến là Tứ giác kim cương.
Luật mới nhìn nhận vai trò đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ trong việc củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, kêu gọi việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh.
Dự luật cũng bao gồm cam kết về nguồn lực của Mỹ ở hu vực bao gồm một ngân khoản gồm 1,5 tỷ đô la mỗi năm trong 5 năm để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, và 150 triệu đô la mỗi năm trong năm năm cho dân chủ, pháp quyền, hỗ trợ xã hội dân sự.
Tứ giác kim cương đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra từ 10 năm trước nhưng gần đây mới gây sự chú ý đặc biệt, nhất là sau cuộc gặp của lãnh đạo 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ bên lề hội nghị ASEAN ở Philippine vào tháng 11 năm 2017.
Ý tưởng này sống lại vì những lo ngại do thách thức đang lên từ phía Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông và Ấn Độ Dương. Ý tưởng này cũng là một đối trọng với kế hoạch Vành đai Con đường mà Trung Quốc đưa ra với hàng loạt dự án hạ tầng cơ sở trải dài từ Châu Âu đến Nam Á nhằm gây dựng ảnh hưởng lâu dài cho Trung Quốc, hướng tới mục tiêu trở thành siêu cường và nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong hai thập kỷ tới như Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại đại hội đảng hồi tháng 10 năm ngoái.
**********************
Tập Cận Bình nhắm đến ''đồng bào Đài Loan'' trong năm mới 2019 (RFI, 01/01/2019)
Trung Quốc chuẩn bị khởi động một năm mới với các đợt kỷ niệm lớn, và trong bài diễn văn quan trọng ngày mai 02/01/2019, chủ tịch Tập Cận Bình đặt trọng tâm vào Đài Loan, vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, Bắc Kinh, 18/12/2018. Reuters/Jason Lee
Tân Hòa Xã hôm qua cho biết ông Tập Cận Bình sẽ đọc bài diễn văn tại Đại sảnh đường Nhân Dân nhân kỷ niệm 40 năm chính sách tan băng trong quan hệ với Đài Loan, mang tên "Thông điệp gởi đến đồng bào ở Đài Loan". Hãng tin Nhà nước Trung Quốc không cho biết thêm chi tiết.
Ngày 01/01/1979, Trung Quốc tuyên bố kết thúc các đợt oanh kích thường trực vào khu vực do Đài Loan kiểm soát, và đề nghị mở đối thoại giữa hai bên sau nhiều thập niên thù địch. Tuy nhiên tổng thống Đài Loan lúc đó là ông Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching Kuo) đã từ chối. Mãi đến năm 1987, ông Tưởng mới cho phép người Đài Loan sang thăm thân nhân ở Hòa lục.
Sau thời gian hòa hoãn với phe Quốc Dân Đảng ở Đài Bắc, nay Trung Quốc gia tăng áp lực lên đương kim tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến kể từ khi bà đắc cử năm 2016. Đối thoại bị cắt đứt, các đồng minh ít ỏi của Đài Bắc bị Bắc Kinh mua chuộc để cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, dùng sức mạnh kinh tế để buộc các công ty hàng không phải dùng từ "Đài Loan Trung Quốc" trên trang web, ép các tổ chức quốc tế loại Đài Loan khỏi các cuộc hội thảo…
Hôm nay, tổng thống Thái Anh Văn trong bài diễn văn mừng năm mới tuyên bố Trung Quốc cần sử dụng các phương pháp hòa bình để giải quyết những bất đồng.
Bà kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận "sự hiện hữu thực tế của Trung Hòa Dân Quốc" (tức Đài Loan), "Trung Quốc phải tôn trọng ý nguyện tự do dân chủ của 23 triệu dân Đài Loan". Bà Thái Anh Văn khẳng định chính sách can thiệp của Bắc Kinh là "thách thức đáng quan ngại nhất của Đài Loan hiện nay".
Trong năm 2019, có ít nhất 6 dịp kỷ niệm quan trọng, đặc biệt tháng 10/2019 kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đồng thời cũng có những sự kiện nhạy cảm gây lúng túng cho chế độ Bắc Kinh, chẳng hạn ngày 30/6 là kỷ niệm vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn 1989. Tuy nhiên hòn đảo Đài Loan dân chủ mới là cái gai lớn nhất trong mắt của ông Tập Cận Bình.
Thụy My