Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/01/2017

Hành Trình về Dân Chủ Đa Nguyên

Bùi Quang Vơm

Hành trình về dân chủ đa nguyên (Bùi Quang Vơm)

hanhtrinh1

Đền Athena Parthenos, nơi khai sinh nề nếp sinh hoạt dân chủ Hy Lạp thế kỷ thứ 5 trước công nguyên

Phần I

Hành trình cuối cùng, hành trình về phía con người
Chủ nghĩa cộng sản thế giới đang chứng kiến những năm tháng cuối cùng trong cuộc hành trình gian khổ hàng ngàn năm của xã hội loài người. Lý tưởng cộng sản đã trở thành một triết lý trống rỗng, đạo đức giả, không che đậy được ai, không còn sức sống và đang trở thành một thứ trở lực, ngăn cản chu trình tiến hóa chung của nhân loại.

Ở đâu còn tồn tại chủ chĩa cộng sản, ở đó có hận thù và chia rẽ. Ở đâu còn tư tưởng cộng sản thống trị, ở đó xã hội còn bị phân chia thành các giai cấp đối kháng, mâu thuẫn xã hội, từ những ganh đua dù lành mạnh và cần thiết, cũng bị đẩy lên thành xung đột giữa các thế lực đối địch, chỉ giải quyết được bằng công cụ trấn áp vũ lực, tiêu diệt lẫn nhau.

Ở những quốc gia còn do đảng cộng sản cầm quyền, dân chúng bị phân chia thành các loại hạng có những tiêu chuẩn giá trị và quy phạm xã hội khác nhau. Từ sự phân loại ý thức hệ, xã hội bị phân hóa thành các tầng lớp theo quy phạm đạo đức và văn hóa khác nhau, có các quyền lợi được chế độ phân phát khác nhau, chịu tác động và ứng xử của luật pháp khác nhau, có các cơ hội và quyền khai thác tài sản chung, tài nguyên quốc gia và thành quả phát triển khác nhau. Chế độ tồn tại dựa trên căn cứ chia rẽ dân chúng, đẩy dân chúng thành những lực lượng tự xung đột, kiềm chế lẫn nhau, buộc phải có nhu cầu dựa vào chế độ, buông quyền điều hành xã hội cho thế lực cầm quyền và tìm kiếm đặc quyền theo mức độ thiện cảm của chế độ.

Ở tột đỉnh quyền lực, đảng cộng sản đồng nhất hóa đảng với nhà nước, lái hướng nguyện vọng của đông đảo quần chúng theo khuôn khổ ý chí của chế độ, biến các công cụ quyền lực của Nhà nước thành công cụ chuyên chính khống chế tự do, trấn áp sáng kiến cá nhân và khác biệt ý thức hệ, chỉ nhằm bảo vệ chế độ và lợi ích của đảng.

Đó là loại chế độ sinh ra từ tiêu diệt đối kháng và tồn tại dựa trên nguyên tắc nuôi dưỡng mâu thuẫn đối kháng. Nếu trong lòng xã hội, những mâu thuẫn nảy sinh giữa các bộ phận thành phần có thể tự điều tiết, tự hòa giải thì vai trò của chế độ sẽ mất dần. Phải có mâu thuẫn đối kháng, phải có lực lượng chống đối để chính danh hóa lý do chuyên chế và tăng cường các công cụ trấn áp bạo lực, độc quyền hóa quyền sử dụng quân đội và cảnh sát. Dưới chế độ cộng sản, ổn định xã hội được duy trì bằng áp lực cưỡng chế. Đó là thứ ổn định giả, ổn định bề mặt. Chỉ nới lỏng áp lực cưỡng chế, ổn định đó tự tan vỡ.

Chủ nghĩa cộng sản ra đời từ một sản phẩm ý thức hệ nhân tạo và phản khoa học, một tư tưởng hận thù giai cấp vị kỷ, khi trở thành một trào lưu, đã đẩy nhân loại thành hai nửa đối kháng, nuôi dưỡng hận thù và nguy cơ chiến tranh hủy diệt, cuối cùng đang chết dần và sẽ biến mất như một hiện tượng bất thường của tiến hóa.
 Chủ nghĩa cộng sản mà đặc trưng của nó là chế độ độc đảng cực quyền, cưỡng chế xã hội thành một thực thể độc nhất, gồm một thành phần duy nhất, một phương thức tồn tại đồng nhất, một xã hội đơn nguyên, duy ý chí, trái quy luật vũ trụ. Những cải cách giả hiệu chỉ là những giải pháp tình thế bắt buộc tìm kiếm tăng trưởng, nhằm xoa dịu những bức bối nghèo đói, che đậy bản chất phản dân chủ, đánh lạc hướng dư luận và áp lực xã hội, những tăng trưởng bề mặt đó sẽ nhanh chóng hết đà và bộc lộ những mâu thẫn không thể khắc phục. Hơn một thế kỷ tồn tại, chủ nghĩa cộng sản thế giới đánh dấu khúc quanh cuối cùng trong hành trình tìm kiếm phẩm giá nhân cách của loài người.

Nhân loại đi về đâu, đang đi về đâu và cuối cùng sẽ về đâu ? Câu hỏi luôn day dứt những con người lương thiện này, tưởng chừng phức tạp, nhưng thực ra lại đơn giản.

Bản chất tự nhiên của xã hội loài người, giống như vạn vật tự nhiên khác, có bản chất đa nguyên. Xuất phát từ tính đa nguyên của điều kiện sinh tồn, tính đa nguyên của môi trường sinh thái, vạn vật có cơ hội xuất hiện và phát triển đồng thời và độc lập lẫn nhau. Đó là một thế giới đa nguyên.

Cộng đồng loài người, ngay từ buổi ban đầu sơ khai là một cộng đồng đa nguyên. Con người sinh ra bình đẳng trước tạo hóa, ngay từ sơ khai, loài người đã bình đẳng về cơ hội và sở hữu giá trị. Xã hội loài người, trước khi bị biến dạng do chính những tác động sai lầm, ấu trĩ của mình, là một xã hội đa nguyên.

Con người sinh ra tự do, bởi con người không sinh ra từ một mệnh lệnh áp đặt nhân tạo, vì vậy con người là chủ nhân duy nhất và tuyệt đối cuộc sống và số phận của mình. Con người có quyền sở hữu tối cao và hoàn toàn những tài sản tự có của cá nhân như tiếng nói, trí tuệ và những sản phẩm do chính lao động của mình làm ra, là chủ nhân tối cao và duy nhất đối với các quyết định, các lựa chọn của mình. Con người có khả năng và ý chí thích ứng và hòa hợp với môi trường vì chính sự tồn tại và phát triển của chính cá nhân mình. Con người chỉ hành động vì lợi ích của bản thân, nhưng con người cũng tự ý thức và có khả năng thích ứng hòa hợp lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng. Mọi cá thể trong cộng đồng xã hội đều theo đuổi truy tìm một lợi ích cao nhất cho riêng mình. Như vậy, lợi ích cá nhân cao nhất có thể, trong một cộng đồng xã hội, là lợi ích cao nhất đạt được mà không vi phạm lợi ích cao nhất có thể của các cá nhân khác. Đó chính là nguyên tắc đồng thuận đa nguyên. Con người có bản năng tự vệ và có quyền tự tìm kiếm và lựa chọn phương thức bảo vệ cuộc sống và lợi ích của chính mình. Ngay bản thân luật pháp, khi không còn giá trị bảo vệ cá nhân, luật pháp đó không còn chính danh và không còn hiệu lực, ít nhất với cá nhân đó.

Xã hội với tư cách là cộng đồng của những cá thể tự do, tự nhiên và tất nhiên có tính đa nguyên, bắt buộc phải đa nguyên. Tính đa nguyên phản ánh bản chất của xã hội.

Lịch sử thế giới từ khi xuất hiện loài người là lịch sử trưởng thành của chính con người, là lịch sử phát triển từ những quan hệ sơ khai tới cấu trúc xã hội, từ một cấu trúc xã hội đơn giản tới một kết cấu xã hội đa tầng, đa diện. Nhưng từ sơ khai tới hoàn chỉnh, xã hội là một cấu trúc đa nguyên, khởi thủy và kết thúc đa nguyên. Những mô thức khác chỉ là những biến dạng có tính trung chuyển, quá độ, dù có thể có những giai đoạn kéo dài nhiều nghìn năm.

Đó là lịch sử đấu tranh sinh tồn của chính con người. Động lực và mục tiêu tự thân của lịch sử nhân loại là sự hoàn thiện chính mình, hoàn thiện những giá trị và phẩm chất của chính con người.

Cuộc đấu tranh cho chính sự hoàn thiện của mình là một cuộc vật lộn không ngừng nghỉ chống lại mọi thế lực chướng ngại, cản trở tiến trình truy tìm lợi ích và hạnh phúc cá thể trên nền tảng cộng hưởng và giao thoa sự hài hòa cộng đồng.

Trong những chướng ngại ngăn cản quá trình tiến hóa tới hoàn thiện của loài người, trước hết và thường xuyên gắn kết với quá trình tiến hóa hàng triệu năm của nhân loại là thế lực thiên nhiên. Nhưng, cùng với sự tiến hóa, sự trưởng thành đã giúp loài người dần dần làm chủ thiên nhiên thông qua nhận thức các quy luật địa - vật lý- vũ trụ. Thiên tai đã từ lâu không còn là một thế lực thần bí và toàn năng. Con người đã đạt tới trình độ biến sức mạnh của thiên nhiên thành đồng minh, thành tài sản phục vụ lợi ích của mình.

Tuy nhiên, chính trong quá trình trưởng thành dần dần của mình, con người đã tự tạo ra những trở ngại, khiến lịch sử có lúc như dừng lại, có lúc đi lùi, ngược chiều, lặp lại quá khứ, tự tiêu diệt những mầm mống phôi thai của sự hoàn thiện.

Lịch sử đã chứng minh, từ khi hình thành xã hội, chính sự phát triển trí tuệ khập khiễng, mất cân đối đã đưa loài người vào các khúc quanh, khiến con đường tiến hóa trở nên gập ghềnh khúc khủyu. Sự gian truân đó con người phái trả giá cho chính mình

Loài người là sinh vật ở tột đỉnh của quá trình tiến hóa. Năng lực tự ý thức được việc làm của mình đã tách con người khỏi thế giới hoang dã. Loài người nhận thức được chính mình, nhận thức được xung quanh, hiểu việc mình làm và phát hiện các quy luật vật lý của vũ trụ. Nhưng chính cái trí khôn trong lúc phát triển mất cân đối, chưa đầy đủ đã đẩy con người tới việc vi phạm quy luật của vũ trụ, tự mê hoặc, phá hủy chính mình.

Nhận thức chân lý là một quá trình liên tục, không có điểm cuối cùng. Con người, dù có một năng lực đặc biệt, chỉ tiếp thu được các chân lý tương đối, chân lý tại từng thời đọan, nó đúng khi chưa trở thành sai, mặc dù trên thực tế, đang dần trở thành sai. Như vậy, quá trình tiến hóa tới trưởng thành và hoàn thiện của loài người là một qúa trình những sai lầm gối đầu nhau liên tiếp. Tuy nhiên, đó cũng là quá trình tiệm cận chân lý, là quá trình gối tiếp nhau của sự tự điều chỉnh tiến dần tới hoàn thiện.

Trong lịch sử hơn hai nghìn năm của dân tộc, con người Việt nam đã phải đi qua bao nhiêu cuộc hành trình. Từ những cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền tới Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, ba lần kháng chiến chống quân Nguyên của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cuộc kháng chiến bền bỉ mười năm của Lê Lợi chiến thắng quân Minh, chiến tích tiêu diệt hai mươi vạn quân Thanh tại gò Đống Đa của Quang Trung Nguyễn Huệ. Đó là những cuộc hành trình đầy xương và máu, tìm kiếm giành giật tự do, nhân dạng của dân tộc Việt Nam. Nhưng sau mỗi cuộc đi, thành quả của sự hy sinh xương máu của người dân lại bị các thế lực cầm quyền tước đoạt. Vinh quang và phú quý lọt vào tay vua chúa quan lại. Tài nguyên quốc gia và lao động của số đông chỉ trở thành tài sản của thiểu số những thế lực đặc quyền. Số phận người dân chỉ thay đổi từ nô lệ cho nước ngoài thành nô lệ cho chính những đồng bào của mình.

Cuộc kháng chiến 35 năm, từ 1945 tới 1975, do đảng cộng sản dẫn dắt với danh nghĩa độc lập và giải phóng dân tộc, ruộng đất về tay dân nghèo, vì mục tiêu tự do và dân chủ công bằng, khiến gần 6 triệu người chết, hàng triệu người tàn phế, hàng vạn gia đình tan hoang, thất tán, hàng trăm nghìn trẻ mồ côi, nhưng cuối cùng, "đất đai do nhà nước thống nhất quản lý", tự do đi lại, cư trú, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do ý kiến, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do chính trị, tự do đoàn thể, tự do hội họp, mọi thứ tự do đều bị tước đoạt, cấm đoán và hình sự hóa. Thành quả của cách mạng lại một lần nữa lọt vào tay một nhóm người cầm quyền, tác oai quyền lực, bòn rút và vơ vét tài nguyên quốc gia. Một dân tộc khao khát tự do, nhân bản, giàu can đảm và lòng hy sinh một lần nữa lại bị tập đoàn một nhóm người lừa gạt.

Nhưng cuộc hành trình lần này là cuộc hành trình không theo một thứ chủ nghiã nhân tạo nào, không chịu sự dẫn dắt của bất cứ ý chí chủ quan nào. Đây là cuộc hành trình quay trở về nguồn gốc của vạn vật, quay trở về bản chất của chính mình, rũ bỏ mọi sự biến dạng do ý chí chủ quan. Ở cuối con đường này là tự do cá nhân và sự phồn thịnh, là ước nguyện bất biến và bất khả xâm phạm.

Chúng ta đang cùng bước trên con đường chối bỏ chế độ độc đảng. Sức mạnh của chúng ta không phải là loại sức mạnh được tạo ra từ sự mê muội do một thiểu số nhỏ bé những phần tử bệnh hoạn và lạc hậu dẫn dắt. Sức mạnh của chúng ta đến từ ước nguyện bản năng, đó là tự do của cá nhân mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Không có loại hạnh phúc do người khác đem đến bằng cách tước đoạt tự do của mình. Không có loại tự do dân chủ do một thiểu số người ban phát. Không có loại tư tưởng của một người hay một nhóm người có thể trở thành quy phạm của mọi tiêu chuẩn. Chúng ta là chủ thể duy nhất quyết định số phận của mình. Chúng ta là chủ sở hữu tối thượng và bất khả tước đoạt những tài sản do Thượng đế ban phát đều nhau cho tất cả, là chủ sỡ hữu duy nhất những sản phẩm được tạo ra từ chính sức lao động của mình.

Chủ nghĩa cộng sản đã chết. Chế độ độc đảng cộng sản chỉ còn sống sót ở một vài nơi trên mặt địa cầu, sớm hay muộn cũng sẽ chết. Xã hội phải quay về bản chất đa nguyên tự có của nó. Nhưng xã hội loài người là cộng đồng phức hợp của những sinh vật có trí khôn đã tiến hóa tới mức có tư tưởng. Chúng ta phải xây dựng những thiết chế cần có để những quái thai sinh ra từ những tư tưởng bệnh hoạn không thể một lần nữa quay trở lại.

Cuộc hành trình mà chúng ta đang dấn bước là hành trình tiến tới thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên, một chế độ tôn vinh tự do và trách nhiệm cá nhân, tôn trọng tính đa thể, đa dạng, đa năng, tôn trọng sự tồn tại tự nhiên bình đẳng của mọi thành tố xã hội, vĩnh viễn thay thế chế độ đơn nguyên độc đảng.

Chúng ta không chủ trương lật đổ bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng hay hình thái tổ chức chính trị và xã hội nào đang tồn tại, nhưng chúng ta có quyền chuẩn bị để tiếp nhận một cách có trách nhiệm sự sắp đặt của lịch sử.

Trong cuộc đồng hành này, chúng ta sẽ có cơ hội thảo luận về mô hình tổ chức xã hội, lần lượt xem xét từng thành phần của hệ thống chính trị trong một thể chế đa nguyên dân chủ. Với tư cách là những môn đồ của chủ nghĩa đa nguyên, với chúng ta, mọi tiếng nói từ bất cứ đâu, bất cứ ai, bất cứ lực lượng nào đều có giá trị và được quý trọng ngang nhau. Nguyên tắc của chúng ta là không một ý kiến nào bị ấm nêu ra, không một đề tài nào bị cấm bàn đến, không một tư tưởng nào là thống soái.

Đa nguyên là gì ?

Đa nguyên, âm hán việt của việc chuyển nghĩa của thuật ngữ pluralisme, bắt nguồn từ chữ latin pluralis có nghĩa là đa, nhiều, ngược lại với nghĩa của từ đơn hay độc.

Tính đa nguyên phản ánh tính đa dạng của vật thể trong thế giới tự nhiên và trong xã hội loài người cùng tồn tại độc lập với nhau, có thể có những đặc tính chung hoặc khác biệt với nhau. Tính đa nguyên là đặc trưng tự nhiên của thế giới, bắt nguồn từ tính đa dạng của các điều kiện nảy sinh, tồn tại và phát triển của vạn vật.

Có đa nguyên sinh thái, có đa nguyên chủng tộc, có đa nguyên văn hóa, nghệ thuật, đa nguyên tôn gíáo, đa nguyên chính trị, v.v.

Đa nguyên chủ nghĩa (pluralisme) là một hệ thống chính trị thừa nhận và chấp nhận các khác biệt trong các ý kiến và các chủ thể đại diện của những ý kiến đó.

Trong sinh hoạt chính trị, tính đa nguyên biểu hiện bằng tính đa đảng. Cơ chế đơn đảng, thậm chí lưỡng đảng là những cơ chế chính trị trong đó hàm lượng ý chí chủ quan chiếm ưu thế.

Đa nguyên là khuôn khổ tương tác trong đó các nhóm khác nhau thể hiện đầy đủ sự tôn trọng và bao dung cùng tồn tại và hoạt động tương tác trong không khí coi trọng ôn hòa hơn xung đột, không có ý chí triệt tiêu, loại bỏ nhau.

Thuật ngữ Đa nguyên chỉ mới được dùng gần đây. Nhà triết học người Đức Christian Wolff là người sử dụng thuật ngữ này lần đầu tiên khoảng năm 1720. Mãi tới năm 1932 nó mới xuất hiện trong các từ điển tiếng Pháp. Khái niệm hiện đại của thuật ngữ đa nguyên còn nhiều tranh cãi, nhưng cốt lõi của nó hầu như được thực thể hóa cả trên lý luận và thực hành trong các quốc gia phát triển nhất, đại diện nhất của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, ý niệm về đa nguyên đã có dấu tích trong Hy Lạp cổ đại. Chủ nghĩa đa thần đã cho phép sự đa dạng các mô thức tồn tại, đa dạng trong nhận thức thế giới. Sự thống nhất trong đa dạng chính là sự tóm lược ý niệm của Đa nguyên.

Đa nguyên khác độc nguyên hay đơn nguyên và không phải là nhị nguyên, tức là nhiều hơn nhị nguyên.

Chủ nghĩa đa nguyên với tư cách là triết lý về hình thái cấu trúc xã hội có thể có những đặc điểm sau :

1. Chủ nghĩa đa nguyên chỉ đơn thuần là phản ánh của thế giới vào nhận thức có khả năng phê phán của con người. Chủ nghĩa đa nguyên không phải là một phát minh nhân tạo, không phải là một sản phẩm của tư tưởng có tên tác giả, nhóm tác giả hoặc có thể truy nguyên nguồn gốc từ con người. Chủ nghĩa đa nguyên chống lại mọi học thuyết có nguồn gốc nhân tạo. Tác giả của các quy luật vận động của vạn vật, trong đó có loài người là thế giới thiên nhiên, là sự chuyển động của vũ trụ, con người chỉ nhận thức các quy luật và hành động theo các quy tắc thuận chiều với quy luật. Con người không sáng tạo ra quy luật thiên nhiên và điều khiển chuyển động của nó.

2. Chủ nghĩa đa nguyên thừa nhận tính bình đẳng của mọi thành tố tạo nên xã hội, cả những thành phần hình thành từ nhu cầu tự thân, lẫn những cơ cấu nhân tạo do chính ý tưởng của con người làm ra từ bất cứ nguyên nhân nào và vì bất cứ một mục đích gì. Mọi thành phần, mọi sản phẩm có tư cách pháp lý ngang nhau. Cơ chế sàng lọc duy nhất của xã hội đa nguyên là hệ thống pháp chế. Vì vậy, hệ thống pháp chế phải đảm bảo thật sự là ý chí của toàn thể xã hội, được hình thành trên nguyên tắc đồng thuận, phản ánh quyền và lợi ích của mọi thành phần, bất kể quy mô và đặc điểm.

3. Nguyên tắc bất biến của chủ nghĩa đa nguyên là giải phóng các áp lực tự phát.

Thiên nhiên và xã hội loài người phát triển tiến hóa theo quy luật tự hoàn thiện, tối ưu hóa các nhân tố có đặc tính thích ứng cao nhất đối với điều kiện tồn tại. Những cái có đặc tính thích ứng vượt trội, vừa ra khỏi chiến thắng những cái lạc hậu, là những cái đang tồn tại. Nhưng những đặc tính thích ứng đó xuất hiện từ những điều kiện trong quá khứ, đang thay đổi và luôn thay đổi. Vì vậy, chính những cái đang tồn tại đang trở thành lạc hậu, xuất hiện những nhân tố mới có khả năng thích ứng tốt hơn với những điều kiện môi trường hiện hữu. Mâu thuẫn giữa cái cũ lạc hậu và cái mới tiên tiến xuất hiện. Áp lực tiến hóa sinh ra từ trong lòng sự vận động. Đó là một áp lực sinh ra ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, mọi không gian và thường trực vĩnh cửu. Chủ nghĩa đa nguyên thừa nhận các mâu thẫn và áp lực đó.

Chủ nghĩa đa nguyên không tìm cách cản trở, ngăn chặn các mâu thuẫn tự thân bằng các biện pháp cưỡng chế nhân tạo, duy ý chí. Các mâu thuẫn bị ức chế sinh ra xung đột, như một bộ phanh hãm ma sát, tiêu hao năng lượng của xã hội một cách vô ích. Thiết chế xã hội phải có cơ cấu của một van súp-páp tự động. Nó phải tự mở để giải phóng áp lực, hóa giải các xung đột trong hòa bình.

Paris, 08/09/2016

Bùi Quang Vơm

******************

Hành trình về dân chủ đa nguyên

Phần II

hanhtrinh2

Đa nguyên - Ảnh minh họa

Những biểu hiện của thể chế dân chủ đa nguyên
Những biểu hiện bề ngoài của một thể chế xã hội đa nguyên là những gì bộc lộ ra bề mặt của những vận động nội tại, từ sự hình thành và những tương tác từ bên trong giữa các thành tố xã hội, thể hiện ra bề mặt thành những đặc điểm nhận dạng. Có những biểu hiện mang tính chất chung tồn tại ở mọi loại thể chế, nhưng có những biểu hiện chỉ có thể có, nếu tính chất đa nguyên của thể chế được đảm bảo. Qua những biểu hiện bên ngoài có thể nhận dạng một thể chế thực sự là đa nguyên hay chỉ là sự biến dạng dưới tác động của ý chí.

- Sở hữu tư nhân

Trong thể chế chính trị Đa nguyên, sỡ hữu tư nhân là nền tảng cơ sở của chế độ sở hữu.

Một trong những ý thức đầu tiên khi thoát khỏi thế giới động vật của loài người là ý thức về sở hữu. Những ký hiệu ngôn ngữ đầu tiên của loài người là dấu hiệu xác định quyền sở hữu. Theo các nhà nghiên cứu cổ sinh ngữ, từ "của tôi" nằm trong nhóm từ vựng đầu tiên của ngôn ngữ con người. Như vậy, cơ sở của các tương tác xã hội có xuất sứ từ các quan hệ sở hữu. Quyền sở hữu cá thể là một quyền thuộc các quyền tự nhiên, quyền của Tạo hóa, thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Mọi xung đột trong các tương tác xã hội từ sơ khai cho đến hiện đại, đều có nguồn gốc từ quyền sỡ hữu. Trong cuộc sống hàng ngày, những cố gắng sáng tạo đầu tiên của con người chính là cố gắng chuyển những của cải chưa có chủ sở hữu thành sở hữu của mình. Những va chạm, giành giật và những xung đột đầu tiên trong cộng đồng người là tranh giành quyền sở hữu.

Trong lịch sử, mọi cuộc chiến tranh đều có nguồn gốc từ khát vọng chiếm đọat, chiếm đoạt đất đai, rừng biển, chiếm đoạt tài nguyên, của cải, chiếm đoạt phụ nữ, v.v.

Sở hữu tư nhân là nền tảng, là cơ sở tồn tại không thể chối bỏ của xã hội. Các tương tác giữa các chủ sở hữu cụ thể của từng tài sản tạo ra các tương tác xã hội, hình thành nên các hình thái kết cấu khác nhau của xã hội, có mục đích gia tăng tài sản thuộc sỡ hữu của từng cá thể thành phần.

Trong một xã hội đa nguyên, vì vậy, tồn tại tất cả mọi loại hình sỡ hữu khác nhau, xuất phát từ tính đa dạng của sự hình thành tài sản và sản phẩm lao động. Mọi hình thức sở hữu khác, sở hữu gia đình, sỡ hữu nhóm, sở hữu tập thể, sở hữu hội đoàn, sở hữu công xã, sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, v.v. đều có nguồn gốc xuất phát từ sở hữu tư nhân, thúc đẩy bởi mục đích cá thể, có mục đích thỏa mãn nhu cầu sở hữu tư nhân, chỉ tồn tại và có giá trị khi trong các loại sở hữu đó, sở hữu tư nhân không bị phá hoại.

Trong mọi hình thái xã hội, nền tảng của ổn định trật tự là sự rõ ràng, minh bạch của sở hữu. Nếu tất cả mọi thứ tài sản trong xã hội đều có chủ sở hữu được xác định rành mạch, hợp lý, xác đáng, được bảo vệ bằng luật pháp độc lập, xung đột chiếm đoạt, một loại xung đột có màu sắc bạo lực sẽ không có môi trường phát triển. Tài sản công, tài sản toàn dân hay tài sản thuộc sở hữu nhà nước là loại tài sản mà chủ sở hữu của nó chỉ là một khái niệm, một chủ thể vô hình, trên thực tế là những tài sản vô chủ, là nguồn gốc của sự phát sinh tư tưởng chiếm đoạt, tư hữu hóa, trước hết của các cá nhân có cơ hội, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các loại tài sản vô chủ, có quyền lực chi phối đối với các tài sản đó, tạo ra các xung đột giành giật, dẫn đến sự tan vỡ tính nhất quán của tinh thần xã hội, tha hóa nền đạo đức của hệ thống, phát sinh nguy cơ dẫn đến sự tan rã, sụp đổ của chế độ. Còn có tài sản chưa được định rõ chủ sỡ hữu, còn tài sản chưa được gắn với một điều luật cụ thể, còn có nguy cơ kích thích thèm khát chiếm đoạt, gây ra sự phân hóa, tiềm ẩn rối loạn, bất ổn định.

Các thể chế chính trị, trong đó quy định các chế độ sở hữu không dựa trên nền tảng sở hữu cá thể, hủy bỏ và không thừa nhận sở hữu tư nhân, là những thể chế duy ý chí, trái quy luật. Trong mọi hình thái xã hội, mọi cấp độ văn hóa, khi sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người còn tồn tại, xu thế chiếm hữu tư nhân hóa là xu thế tự phát, tự nhiên, không một thứ lý tưởng nào, không một áp lực nhân tạo nào ngăn cản được. Mọi hình thức sở hữu nếu không đáp ứng nhu cầu tư nhân hóa, cá thể hóa, nó sẽ tự tạo ra những rào cản ngay trong cơ chế hoạt động, cản trở phát triển, tiêu hao năng lượng chung của xã hội.

Chủ nghĩa cộng sản với chủ trương xóa bỏ mọi loại sở hữu là một chủ nghĩa không tưởng, phản khoa học. Còn con người, thì còn sở hữu. Nhu cầu sở hữu là thuộc tính của con người, và quyền sở hữu là quyền tự nhiên của loài người. Không thể có xã hội loài người mà không có sở hữu. Không còn sở hữu sẽ không còn các hoạt động tương tác giữa các cá thể, xã hội trở nên bất động và chết cứng. Chủ nghĩa cộng sản khi chủ trương hướng tới mộ̣t xã hội không còn sở hữu là tự đào mồ chôn mình. Xã hội xã hội chủ nghĩa, giai đoạn quá độ tiến tới xã hội cộng sản, chỉ thừa nhận các hình thức sở hữu khác nhau với tư cách là các hình thức sở hữu quá độ, trong một chu trình lần lượt biến mất, đầu tiên và trước hết là sở hữu tư nhân, sau đó là sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước và cuối cùng là sở hữu toàn dân. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội khi hoàn thành giai đoạn tạo dựng cơ sở vật chất, sẽ hủy bỏ sở hữu cá thể. Các chủ doanh nghiệp tư nhân, các chủ sở hữu cá thể của các phương tiện sản xuất sẽ là những đối tượng đầu tiên bị thanh lọc khỏi hệ thống kinh tế xã hội.

Xã hội đa nguyên là sự thống nhất hài hòa lợi ích của toàn bộ cộng đồng trên cơ sở thỏa mãn cao nhất quyền sở hữu của từng cá thể riêng biệt. Mỗi cá thể riêng biệt có quyền sở hữu hoàn toàn tài sản của mình trên nguyên tắc không xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Khát vọng sở hữu trong thể chế đa nguyên là một loại động lực của phát triển. Quyền sở hữu hoàn toàn và tuyệt đối với sản phẩm lao động của mình chính là nguồn kích thích sự sáng tạo không mệt mỏi của mỗi cá thể, nguồn năng lượng đổi mới không ngừng của tiến bộ xã hội.

- Tự do cá nhân

Nếu nguyên tử là thành phần cơ sở tạo ra vật chất, thì cá nhân con người là cơ sở hình thành nên xã hội. Cá nhân là nguyên tử của xã hội. Xã hội không thể tồn tại và phát triển dựa trên nguyên tắc phủ nhận cá nhân.
Tương tác đầu tiên của loài người là tương tác giữa các cá thể khác giới, tạo ra tế bào đầu tiên của xã hội loài người là gia đình. Công xã nguyên thủy là sự kết hợp đầu tiên giữa các cá thể có chung lợi ích và nhu cầu liên kết. Loài người tiến hóa, các kết cấu đơn giản từ bộ tộc, bộ lạc tiến dần tới các hình thức xã hội đa tầng, đa dạng, đa diện, các mối liên kết, các hoạt động tương tác giữa các cá thể trở nên đan xen, chồng chéo, các va chạm lợi ích phát triển phức tạp dần, tạo ra các xung đột có tính chất và quy mô vượt khả năng tự giải quyết, xuất hiện nhu cầu trung gian của lực lượng hòa giải, độc lập về lợi ích và cùng có thỏa thuận ủy nhiệm của các phía xung đột. Đó là vai trò trọng tài, khởi thủy là cá nhân, hoặc một nhóm cá nhân có uy tín, dần trở thành một bộ phận xã hội, thoát ly khỏi sản xuất, chuyên nghiệp và quan liêu hóa. Đây chính là nguồn gốc và là chu trình rút gọn của lịch sử hình thành của Nhà nước.

Như vậy, quá trình tiến hóa của loài người, khởi đầu và cuối cùng đều do và bằng các hoạt động cá nhân. Chất lượng của tiến hóa hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng và năng lực từng cá thể. Tất cả các thể chế chính trị trong đó tồn tại những chính sách khống chế và kiểm soát tự do cá nhân, kiềm chế phát triển năng lực cá nhân là những chính thể phản khoa học, chống lại tiến hóa của nhân loại.

Tự do cá nhân bao gồm toàn bộ các quyền gắn kết với sự ra đời của con người như một thực thể của thiên nhiên vũ trụ, một sản phẩm của Tạo hóa. Đó là quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do kiếm kế sinh nhai, tự do tìm kiếm và tổ chức lao động, tự do mưu cầu tương lai, tự do tìm kiếm cứu cánh và phương tiện tự vệ, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, tự do thờ tự, tự do tư tưởng, tự do ý kiến, tự do truyền bá và phổ biến thông tin, tự do báo chí, ngôn luận, tự do hội họp, tự do tìm kiếm thông tin và bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, tự do phát triển cá nhân, là quyền gắn với sinh mệnh của cá nhân như một thực thể của Tự nhiên. Vì vậy, về nguyên tắc, không có một thế lực nhân tạo nào có quyền quy định các quy tắc khống chế, kiểm soát và điều chỉnh quyền tự do cá nhân của con người. Mọi điều luật hạn chế và kiểm soát quyền tự do cá nhân dựa vào quyền lực, không có sự tự nguyện của các cá thể, là những điều luật trên thực tế không có hiệu lực, tự bị vô hiệu hóa và là nguồn gốc của phản kháng xã hội.

Nhà nước cộng sản chủ trương xây dựng một xã hội không giai cấp, không sở hữu, không tiền tệ, không hàng hóa, không trao đổi. Xã hội là một cộng đồng nhất thể hóa, đơn nguyên, trong đó không có gì là thuộc về cá nhân. Vai trò cá nhân bị xóa bỏ, tính cách cá nhân bị hòa tan.

Chế độ cộng sản là chế độ chuyên chế độc đảng. Xã hội được quản trị bằng quyền lực chuyên chính của đảng cầm quyền. Bằng chính sách "trăm năm trồng người", đảng cộng sản chủ trương thông qua hệ thống giáo dục từ mẫu giáo tới đại học, bằng hệ thống các phương tiện thông tin tuyên truyền, tạo ra thế hệ những cá thể không còn tư tưởng riêng, nhân sinh quan và quan niệm đạo đức đồng nhất, ước vọng và ý chí trùng khớp với lý tưởng của đảng cầm quyền. Giá trị cá nhân được đánh giá bằng lòng trung thành với lý tưởng của đảng, với ý thức hệ cộng sản. Lợi ích cá nhân được gắn với sự tận tụy và phục tùng vô điều kiện trật tự kỷ cương do hệ thống đảng thiết lập. Xã hội không còn những cá thể có tính cách riêng biệt, trở thành một cộng đồng thụ động, xơ cứng. Điều này giải thích một thực tiễn tại Việt Nam từ nhiều năm dưới quyền cai trị của đảng cộng sản, là hiện tượng Việt Nam có rất nhiều thần đồng, nhiều tài năng khi nhỏ tuổi, nhưng không có nhân tài, không có tên tuổi khi trưởng thành.Tất cả các nhân tài khi bị ghép thành bộ phận của guồng máy chế độ đã hoàn toàn bị tan biến.

Tài năng vượt cấp trên và tư duy độc lập là mầm mống của phản loạn. Xã hội chỉ được quyền phục tùng, không được phép nghĩ, quyền nghĩ là độc quyền duy nhất của bộ chính trị, trung ương của bộ máy cầm quyền. Mọi tài năng phải thoát được ra khỏi Việt Nam, thoát khỏi chế độ cộng sản chuyên chế mới có thể thành đạt.

Vì vậy, trong xã hội đa nguyên, mọi quy định liên quan tới quyền tự do cá nhân được bắt buộc thông qua bằng nguyên tắc trực tiếp, cá nhân người chịu sự chi phối của quy định phải là người có tiếng nói cuối cùng. Đó là nguyên tắc đồng thuận và trực tiếp. Các cơ chế đại diện hay đa số không có giá trị đối với các quyền tự nhiên của con người.

Trong xã hội hiện đại, tự do cá nhân được hiểu là quyền tự do hành động theo những gì người đó quan niệm là đúng. Như vậy, hành vi cá nhân chỉ có nguy cơ bị phán xét khi cố tình làm trái ngay với chính quan niệm đúng của mình.

Tuy nhiên, xã hội là một tổng thể thống nhất của các cá thể. Xã hội đa nguyên bảo vệ và bảo đảm cao nhất quyền tự do cá nhân trên nguyên tắc không vi phạm quyền tự do cá nhân của các cá thể khác. Lợi ích xã hội là lợi ích bao trùm, trong đó lợi ích cá nhân được bảo đảm. Sự dung hòa giữa các lợi ích cá thể được vận hành theo nguyên tắc đảm bảo tăng trưởng cho lợi ích bao trùm, trong đó mọi lợi ích thành phần đều tăng trưởng. Mọi sự dàn xếp xung đột không dẫn đến tăng trưởng chung, trong đó tăng bên này tạo ra giảm của bên kia sẽ không được luật pháp thừa nhận.

- Luân phiên cầm quyền

Một biểu hiện khác về bản chất so với các thể chế chính trị khác, vừa có tính tự nhiên vừa là điều kiện cần có của một thể chế dân chủ đa nguyên, là sự luân phiên cầm quyền một cách hòa bình của các lực lượng chính trị khác nhau trong xã hội.

Khái niệm cầm quyền của tổ chức đảng cộng sản vẫn còn là khái niệm cai trị, một khái niệm phong kiến lạc hậu gắn cầm quyền với tên tuổi triều đại, trong đó dân chúng là đối tượng cai trị của chế độ, là số đông dân chúng bị trị, có lợi ích đối nghịch và tình cảm đối kháng với thế lực cầm quyền.

Trong tư duy chính trị hiện tại của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam, chính quyền và chế độ không phải là hai thiết chế khác nhau, có tính độc lập tương đối với nhau, mà chính quyền chỉ là công cụ của chế độ, có chức năng cai trị dân, trấn áp đối kháng và bảo vệ sự tồn tại của chế độ. Thay đổi chính quyền là thay đổi chế độ, cuộc chiến thay đổi chính quyền là cuộc chiến lật đổ của lực lượng thù địch với chế độ. Lật đổ gắn liền với đổ máu và thù hận. Lịch sử cách mạng đẫm máu dưới sự lãnh đạo của chính đảng cộng sản đã trở thành nỗi sợ bị cướp quyền, nỗi sợ thanh toán nợ trong não trạng các lãnh đạo cộng sản.

Đa nguyên chính trị là tự do chính trị. Tự do chính trị là quyền tự do tư tưởng và quyền tự do lập hội kết hợp với nhau, chính là tự do đảng phái. Quyền tự do tư tưởng và tự do chính trị được bảo đảm trong xã hội dân chủ đa nguyên là nguồn gốc của tính đa đảng phái trong sinh hoạt chính trị xã hội. Tất cả mọi đảng phái, bất kể nội dung, hình thức, bất kể quy mô lớn nhỏ, đều được tôn trọng như nhau, có tư cách pháp nhân bình đẳng.

Hoạt động chính trị là những hoạt động thực tiễn của các đảng chính trị nhằm biến các triết lý tư tưởng của đảng phái mình thành các chính sách giải pháp được áp dụng vào đời sống xã hội của cộng đồng, trong đó có các hoạt động cổ động khuếch trương ảnh hưởng của triết lý tư tưởng mà mình tôn vinh.

Giành quyền được áp dụng các chính sách của mình vào thực tế cuộc sống trở thành một nhu cầu chính đáng của mọi tổ chức chính trị.

Quyền cầm quyền là quyền bình đẳng của mọi tổ chức chính trị. Quyền cầm quyền không phải quyền cai trị của một thiểu số đối với đám đông dân chúng, mà ngược lại là quyền được cống hiến sản phẩm trí tuệ của mình, quyền được dùng cố gắng của mình phục vụ cho lợi ích cộng đồng, coi sự thắng lợi của triết lý là sự vinh quang của tổ chức.

Chế độ chính trị của một quốc gia trong quan niệm của chủ nghĩa đa nguyên là hệ thống các giá trị được toàn thể công dân quốc gia, trong đó có các tổ chức chính trị, thừa nhận bằng cơ chế trưng cầu trực tiếp, là hệ thống những giá trị nền tảng, bất khả xâm phạm. Chế độ chính trị có nghĩa vụ trung thành với hệ thống giá trị đó và có chức năng bảo vệ tính bất khả xâm phạm của các giá trị đó. Vì vậy chế độ chính trị, một khi đã được quyết định lựa chọn trên nền tảng hệ thống giá trị, là một chế độ ổn định với mọi tổ chức chính trị cầm quyền. Chế độ không thay đổi theo chính phủ cầm quyền, mà chỉ thay đổi khi thay đổi hệ thống giá trị. Thời gian cầm quyền của chính phủ có thể dài ngắn tùy theo năng lực và uy tín, các tổ chức chính trị có tư tưởng và triết lý khác nhau có thể luân phiên cầm quyền, nhưng chế độ thì liên tục. Chế độ dân chủ đa nguyên là lựa chọn của chúng ta.

Luân phiên cầm quyền là một cơ chế đáp ứng nhu cầu cạnh tranh chính trị của các lực lượng chính trị, các đảng phái khác nhau. Nhưng luân phiên cầm quyền cũng là một đảm bảo cần thiết cho ổn định chính trị và thúc đẩy tiến bộ. Trong khi ở các thể chế phi dân chủ, sự khác biệt về tư tưởng triết lý, sự đối đầu về đường lối chính sách thường tạo ra bất ổn định xã hội, thì cơ chế luân phiên cầm quyền tạo không gian cạnh tranh lành mạnh và minh bạch, giải tỏa các mâu thuẫn đối kháng, biến chúng thành các xung lực thúc đẩy tiến bộ. Trong cố gắng nỗ lực phục vụ hệ thống giá trị chung, các đảng chính trị dần trở thành đồng minh, các khác biệt chỉ còn là biện pháp và cấp độ sáng tạo.

Trên một phương diện khác, cơ chế luân phiên cầm quyền luôn tạo ra lực lượng chính trị đối lập, trên thực tế là tổ chức chính trị không chiếm được đa số phiếu để lập ra chính phủ cầm quyền. Bị thúc ép bởi cạnh tranh uy tín, đảng đối lập tự trở thành tổ chức phản biện các chính sách của đảng cầm quyền, một lực lượng gíám sát tự nguyện không bỏ sót một hành vi có tính chất tham nhũng hay lạm dụng quyền lực của đảng cầm quyền, khai thác triệt để các khuyết tật, các nhược điểm của đảng cầm quyền để tuyên truyền các ưu thế của mình, với mục địch không giấu giếm là giành phiểu cử tri cho muà bầu cử tới. Cuối cùng thì xã hội là người hưởng lợi. Vì vậy, tồn tại đảng đối lập là một cơ chế mang tính nguyên tắc được thừa nhận trong một thể chế dân chủ đa nguyên, được luật pháp bảo vệ và đạo đức xã hội khuyến khích. Nguyên tắc cạnh tranh chính trị và quyền cạnh tranmh chính trị là quyền được ghi trong hiến pháp, như một thứ tài sản thuộc hệ thống gía trị quốc gia.

Paris, 16/09/2016

Bùi Quang Vơm

***********************


Hành trình về dân chủ đa nguyên

Phần III

hanhtrinh3

Lộ trình tiến tới dân chủ

Đối thoại và lựa chọn

Bài viết này nằm trong chuỗi bài theo chủ đề "Hành trình về dân chủ đa nguyên", với ý tưởng vừa đi vừa thảo luận, nhằm tìm hiểu bản chất và kết cấu của một thể chế dân chủ đa đảng, như đích đến của hành trình.

Nội dung bài này đề cập "Lộ trình tới dân chủ đa đảng", đáng lẽ được đưa ra sau khi xem xét các chủ đề khác, như Hiến Pháp, Hệ thống giá trị, Kết cấu Nhà nước, Cấu trúc nền Dân chủ, Hệ thống bầu cử... Nhưng nhân tiện có bài viết "Đã đến lúc cần phải đối thoại" của Giáo sư Chu Hảo, đăng trên AnhBaSam ngày 23/08/2016 và bài "Đối thoại và lòng tin" của Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, đăng ba kỳ liên tiếp từ ngày 31/08/2016 cũng trên AnhBaSam.

Bài viết này đưa ra lộ trình năm bước, dựa trên tư tưởng đối thoại, có thể là một ý kiến đóng góp thêm cho cuộc thảo luận rộng rãi. Đối thoại có thể đã trở thành một lựa chọn được khẳng định.

Tuy vậy, cũng nên nhắc lại nguyên tắc của chúng ta là "không một ý kiến nào bị cấm nêu ra, không một chủ đề nào cấm bàn đến và không tư tưởng nào là thống soái". Tự do tư tưởng là nguyên tắc của sinh hoạt dân chủ. Trang AnhBaSam có một phương ngôn : "tôi không đồng ý với điều bạn nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói ra điều đó của bạn".

Đối thoại với đảng cộng sản cầm quyền là con đường ngắn nhất, thực tế và khả thi nhất. Không có con đường nào dẫn đến thay đổi chế độ một cách hòa bình, thân thiện và tiết kiệm hơn con đường chính đảng cầm quyền tự nguyện hòa giải thông qua đối thoại với các thành phần chính trị khác của xã hội. Không có đập bỏ, không có loại trừ, không có ân oán, thù hận. Cầm quyền không phải là một cuộc tranh đoạt quyền lợi, không phải là cuộc chiến giành giật quyền áp đặt ý thức hệ. Cầm quyền là một vinh dự, niềm kiêu hãnh được cống hiến và trước hết là một trách nhiệm với dân tộc.

Nhưng để đối thoại, nói đúng hơn để đảng cộng sản có thế chấp nhận đối thoại, có hai việc cần làm, một là làm cho đảng viên, nhất là các đảng viên cao cấp trong bộ máy lãnh đạo đảng cộng sản nhận thức thực chất nhu cầu bức thiết và chính đáng phải thay đổi thể chế chính trị, từ bỏ độc đoán chuyên chế, thứ hai, phải tạo bằng được áp lực buộc đảng cộng sản phải chấp nhận đối thoại vì lợi ích của chính đảng cộng sản trên nền lợi ích quốc gia dân tộc. Đây sẽ là cuộc cách mạng cuối cùng.

Lộ trình chỉ bao gồm Năm bước đi, xuất phát từ nhận định tại thời điểm hiện tại, năm 2016, những biểu hiện trong phong trào quần chúng bộc lộ qua các cuộc biểu tình chống xả thải của nhà máy thép Formosa, bảo vệ môi trường biển, phản đối nhà cầm quyền bao che tội phạm. Mặc dù mang tính tự phát nhưng thể hiện rất rõ có sự nhảy vọt về trình độ nhận thức chính trị của quần chúng và phong trào ít nhiều được điều khiển dưới một sự chỉ đạo thống nhất và có ý thức, gần với một lực lượng có tổ chức, Lộ trình Năm bước bỏ qua những bước đi ban đầu cần thiết của một cuộc vận động quần chúng thông thường, lấy khởi điểm bằng sự tìm kiếm một tiếng nói thống nhất , một Liên minh các tiếng nói dân chủ, tạo môṭ đối trọng thống nhất duy nhất đối thoại với đảng cộng sản cầm quyền.

Chúng ta sẽ thảo luận công khai cho từng bước, tuy nhiên, cuộc đấu tranh đang còn ở phía trước, trong lúc chưa đủ giác ngộ để tin rằng trong một xã hội dân chủ, sự khác biệt tư tưởng, khác biệt ý thức hệ không tạo ra đối kháng, không tạo ra kẻ thù, có thể thái độ và hành xử của nhà cầm quyền vượt ra ngoài giới hạn, chưa kể trong số những kẻ cuồng tín mông muội mà còn nắm quền lực, không thể lường trước tất cả. Vì vậy, sẽ có những nội dung phải thảo luận chi tiết trong một phạm vi hẹp hơn. Người viết xin không nêu ra ở đây. Đó cũng là nguyên tắc thông thường.

Lộ trình Năm bước tới dân chủ đa nguyên

I. Bước một : Làm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, từ chế độ độc đảng chuyên chính sang chế độ dân chủ đa đảng theo tiêu chí Tự Do-Công lý- Tiến bộ.

Bước đi này có hai nội dung :

A. Tạo áp lực, bao gồm các nội dung sau :

A1. Thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất, là Liên minh hay Ủy ban Liên minh các tổ chức, các lực lượng dân chủ và xã hội dân sự cả trong nước và nước ngoài, tổ chức vận động xây dựng và tổ chức quần chúng.

- Thảo luận và công bố tuyên bố chung của Mặt trận.

- Bầu chủ tịch và thường vụ Mặt trận.

- Bầu ban kiểm tra.

- Thông qua quy ước sinh hoạt.

A2. Cung cấp phương tiện và tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho quần chúng với mục tiêu thành lập Mặt trận dân tộc theo phương châm toàn bộ và toàn diện.

A3. Tổ chức tập dượt các hình thức biểu dương lực lượng.

A4. Hình thành các ủy ban tự quản do dân bầu trực tiếp tại địa phương cơ sở có quy mô tăng dần từ cấp làng, xóm, thôn, xã, tổ dân, tiểu khu, phường.

A5. Tổ chức biểu tình ôn hòa, quy mô từng bước lớn dần, phản đối các chính sách sai trái của chính phủ, phản ứng kịp thời các diễn biến chính trị xã hội có biểu hiện tiêu cực.

A6. Tiến tới tẩy chay chính sách, bất tuân pháp luật, làm tê liệt từng phần của hệ thống.

B. Vận động đối thoại :

B1. Vô hiệu hóa các công cụ chuyên chính của chế độ bằng các biện pháp dân sự, tập trung các vụ án chính trị, các biện pháp đàn áp biểu tình. Tiếp cận vận động đối tượng.

B3. Tổ chức đối thoại bàn tròn, giải tỏa và điều chỉnh khác biệt.

B4. Thỏa thuận Quy trình hình thành chính phủ chuyển tiếp.

II. Bước hai : Thành lập chính phủ chuyển tiếp

- Chính phủ chuyển tiếp là quy ước thỏa thuận sau đối thoại, là chính phủ đương quyền, nhưng chịu sự giám sát của Hội đồng chính phủ có sự tham gia của các đại diện chính của Mặt trận.

- Chủ tịch Hội đồng Chính phủ chuyển tiếp là Tổng bí thư đảng cộng sản, hoặc một đại diện toàn quyền của đảng cộng sản cầm quyền.

- Nghị quyết của Hội đồng lâm thời có hiệu lực pháp lý cao nhất trong giai đoạn chuyển tiếp.

Chính phủ chuyển tiếp có ba nhiệm vụ chính :

- Thành lập Hội đồng soạn thảo Hiến Pháp

- Thành lập Ủy ban An ninh quốc gia, chống đảo chính và bạo loạn.

- Thành lập Ủy ban chuẩn bị Tổng tuyển cử, thảo thư mời Liên Hợp Quốc.

III. Bước Ba : Bầu cơ quan lập pháp

- Quốc hội hay Hạ viện, theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín và có sự giám sát của Liên Hợp Quốc.

- Quốc hội phê chuẩn và công bố Hiến pháp.

IV. Bước Bốn : Bầu cơ quan Nhà nước

- Tổng thống hay Chủ tịch nước theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp bỏ phiếu kín và có giám sát quốc tế.

- Thượng viện hay Hội đồng Nhà nước, theo thể thức gián tiếp đại diện, bỏ phíếu kín theo quy tắc số phiếu từ trên xuống.

V. Bước Năm : Quốc hội

- thông qua quyết định công nhận Thủ tướng chính phủ, do đảng hay liên minh đảng chiếm quá bán số ghế trong Quốc hội đề cử, cùng với cơ cấu nội các do Thủ tướng chính phủ đề nghị.

- biểu quyết quy trình phê chuẩn các luật do chính phủ kiến nghị.

******

Trong lộ trình này, rõ ràng, bước một, có ý nghĩa quyết định. Bước đi này có thể tóm tắt như sau : Muốn làm thay đổi từ chế độ độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng, phải có đối thoại. Muốn có đối thoại phải tạo được áp lực. Muốn tạo được áp lực phải tạo ra tổng hợp lực của tất cả các tổ chức chính trị và xã hội, quy tụ, giáo dục và tổ chức quần chúng. Đảng cầm quyền sẽ chỉ chịu chấp nhận đối thoại khi không còn năng lực kiểm soát xã hội, khi quyền kiểm soát xã hội nằm trong tay phong trào quần chúng.

Trong lời kêu gọi đối thoại, Giáo sư Chu Hảo nói : "Vì chưa có điều kiện xuất hiện những tổ chức chính trị đối lập, cũng như chưa hình thành được một xã hội dân sự đủ mạnh để làm đối trọng với chính quyền, nên cuộc Đối thọai này phải do phía đảng độc quyền lãnh đạo chủ động mời gọi để tránh một cuộc xung đột không được kiểm sóat không thể không xảy ra nếu có thêm nhiều tiếng súng nữa tương tự như 9 tiếng mới phát nổ ở Yên Bái vừa qua".

Thực ra ông Chu Hảo không muốn xảy ra chuyện bạo lực quá khích không thể kiểm soát, chẳng hạn như chuyện những tiếng súng tương tự Yên Bái khác, nhưng có thể không dừng lại chỉ nhằm vào quan đầu tỉnh, mặc dù rõ ràng mong muốn của ông là "xuất hiện những tổ chức chính trị hay dân sự đủ mạnh để đối trọng với đảng". Vũ khí tự tạo trong dân chúng đã là một thực tế mà chính quyền không có khả năng kiểm soát. Vũ khí đó nếu trong tầm với của những hành vi manh động tự phát như ví dụ Đoàn Văn Vươn, thì mức độ khủng hoảng xã hội sẽ khó lường hết được.

Bà Từ Huy có lẽ còn sốt ruột hơn, "để có một cuộc đối thoại với chính quyền trong tương lai, phải bắt đầu bằng việc mở ra không chỉ một mà nhiều cuộc đối thoại giữa các nhóm, các tổ chức, đảng phái nhỏ lẻ hiện nay của người Việt. Một liên minh, nếu muốn được hình thành thì các nhóm phân tán hiện nay cần có nhu cầu đối thoại và cần mở ra được các cuộc đối thoại. Để có thể đối thoại được với chính quyền, người Việt cần có khả năng đối thoại với nhau và cần nhanh chóng đi tới tiến hành đối thoại với nhau".

Khi nhìn vào thực trạng, bà Từ Huy thất vọng, "phải chăng một lý do nữa khiến người Việt không tập hợp lại được với nhau là vì ai cũng tự thấy mình giỏi, người này tự thấy mình giỏi hơn những người khác, nhóm này tự thấy mình giỏi hơn các nhóm khác ? Phải chăng vì thế mà các nhóm người Việt đấu tranh cho dân chủ, nhóm nào nhóm nấy đi con đường riêng của mình, chia rẽ, tách rời, tồn tại trong manh mún nhỏ lẻ ? Lẽ nào cứ mãi manh mún rời rạc như vậy mà bất lực nhìn con tàu Việt Nam từ từ chìm xuống Biển Đông".

Đó là một sự thực thật đáng tiếc. Trong khi không một tổ chức nào, khi công bố thành lập, không tuyên bố rằng tổ chức của mình lấy dân chủ hóa xã hội làm mục đích, nhưng lại thấy một tổ chức khác đấu tranh cho dân chủ theo lối của họ là không thể chấp nhận và không thể hợp tác. Nếu những người cùng tôn thờ dân chủ mà không chịu được sự khác biệt trong phương sách hành động của nhau, nếu những người cùng trận tuyến với nhau còn không thể đối thoại tìm kiếm sự thống nhất với nhau, thì kẻ đối diện với chúng ta, những lãnh đạo cộng sản thủ cựu, giáo điều và ngạo mạn trên chiếc ngai quyền lực, có thể chấp nhận đối thoại với chúng ta không, trong khi điều chúng ta cần không chỉ là đối thoại chung chung, mà là đối thoại để đi đến chấp nhận các yêu sách và chương trình của chúng ta.

Dù khác biệt đến đâu, những khác biệt đó có thể đến từ nhiều nguyên nhân, từ lịch sử hình thành tổ chức, từ quan niệm cuộc sống, từ thói quen, từ cá tính… nhưng cái chung của chúng ta là văn hóa dân chủ, điều có thể khẳng định rằng chúng ta hơn hẳn những kẻ mê muội chủ nghĩa cộng sản. Nếu gạt bỏ những khác biệt bề ngoài, nhiều khi vặt vãnh ấy, chúng ta sẽ chỉ là những bộ phận gắn liền trên một cơ thể. Mỗi người, mỗi tổ chức, dù hoạt động nhiều hay ít hiệu quả khác nhau, thủ lĩnh của nó có thể nhiều hay ít năng lực, nhưng dù ít còn hơn không, và nhất là dù vô ích nó cũng sẽ không có hại.

Với lại, cũng nên nói rõ một điều rằng, phần bánh của ai, tất nhiên phụ thuộc vào cống hiến và đóng góp của người đó. "Gái có công, chồng không phụ". Tuy nhiên, trước hết phải có bánh. Không lẽ giành nhau chiếc bánh vẽ ? Phải có bò đã rồi mới cãi nhau về cách mổ chứ !

Nếu trong chúng ta, ai cũng chỉ thấy mình to, mình quan trọng, và cách khôn ngoan hơn người là tìm cách chiếm phần hơn về mình, bất chấp lợi ích chung, thì chính chúng ta đang bị "diễn biến", nhưng là diễn biến cộng sản hóa, một ngày nào đó, lại có người gọi lầm mình là "Trọng Lú".

Cho nên, thú thực, tôi rất thông cảm khi bà Từ Huy buộc phải đưa ra đề nghị : "Nếu trong hàng ngũ cao cấp đương nhiệm có một vị lãnh đạo cộng sản đủ năng lực, đủ can đảm và đặt lợi ích quốc gia cao hơn lợi ích cá nhân và lợi ích của đảng, để tiến hành các thao tác cần thiết nhằm chuyển đổi thế chế chính trị một cách ôn hòa theo xu hướng dân chủ, thì vị lãnh đạo đó xứng đáng được người dân bầu làm Tổng thống của một nước Việt Nam dân chủ".

Ở bước thứ hai trong lộ trình năm bước mà chúng ta đang thảo luận cũng có một đề nghị tương tự. Tổng thống lâm thời, hay Chủ tịch Hội đồng chính phủ chuyển tiếp cần, và có thể buộc phải là Tổng bí thư hay một đại diện toàn quyền của đảng cộng sản cầm quyền. Vì chỉ có thế mới tránh được đổ máu, hoặc ít nhất là tránh được hỗn loạn, tiết kiệm tiền của của dân.

Phía trước đang là những bước đi khó khăn nhất, nhưng chúng ta hoàn toàn tự tin, vì chúng ta đang đi đúng hướng. Tiếng súng Yên Bái, vụ trộm cắp Trịnh Xuân Thanh báo hiệu những đổ vỡ từng mảng. Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng, Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh... những trái bom nổ chậm đang còn đó. Chúng sẽ nổ. Việc của chúng ta là chuẩn bị tốt hành trang và với tư thế sẵn sàng. Cơ hội có thể đến nhanh hơn sự hình dung của chúng ta, nhanh hơn rất nhiều.

Paris, 25/09/2016

Bùi Quang Vơm

********************

Hành trình về dân chủ đa nguyên

Phần IV

hanhtrinh4

Pháp quyền và Pháp trị - Ảnh minh họa

Pháp quyền và Pháp trị

Trong các cuộc thảo luận, việc thống nhất nhận thức hai khái niệm Pháp quyền và Pháp trị có một ý nghĩa thực tiễn cũng như lý luận quan trọng. Các khái niệm này xuất hiện trong lịch sử sinh hoạt chính trị phương Tây từ nhiều thế kỷ trước, nhưng ý nghĩa của nó chỉ mới được xác định gần đây.

Tuy nhiên, trong chúng ta, ngay cả nhiều người thuộc giới học thức, khái niệm Pháp quyền và Pháp trị nhiều khi được dùng không đúng nghĩa và giải thích một cách lẫn lộn.

Sự nhầm lẫn này có nguồn gốc từ sự suy diễn giản đơn, lẫn lộn cấu trúc ngữ pháp của bản thân các cặp danh từ ghép có âm Hán Việt này.

Pháp quyền được giải thích là dùng quyền lực để biến các biện pháp cai trị thành pháp luật, có nghĩa là nhà cầm quyền cai trị xã hội bằng quyền lực nắm trong tay, thao túng và lũng đoạn pháp luật. 

Pháp trị lại được cho là cai trị bằng Pháp luật với cách hiểu rằng nhà nước Pháp trị là nhà nước thượng tôn Pháp luật, cai trị bằng pháp luật, không phải cai trị bằng quyền, không dùng quyền lực để làm luật hay thao túng luật. Như vậy, nhà nước Pháp trị mới xứng đáng được tôn vinh. 

Nếu hiểu như trên thì bản chất của hai khái niệm Pháp quyền và Pháp trị đã bị hóan đổi cho nhau, nghĩa là bị hiểu theo nghĩa ngược lại. Vì là hiểu theo nghĩa ngược, nên nhiều luận giải lý thuyết trở thành những luận chứng mâu thuẫn, đôi lúc tệ hại.

Nhiều người, trong đó có cả những nhà chính trị, quy cho chế độ chuyên chế độc đảng cộng sản hiện nay tại Việt Nam là chế độ Pháp quyền, ngụ ý đảng cộng sản lấy quyền làm luật. Quyền là luật. Đảng đang cầm quyền nên luật là của đảng, và họ suy ra cần phải đánh đổ chế độ Pháp quyền cộng sản. Một sai lầm tệ hại.

Đúng là luật ở Việt Nam hiện nay là luật của đảng cộng sản, do đảng cộng sản dựng lên để trấn áp dân chúng, bảo vệ sự sống còn của đảng cộng sản, phục vụ cho lợi ích của đảng cộng sản. Nhưng gọi Nhà nước này là nhà nước Pháp quyền là sai, bởi vì thực ra, đây là một hình thức biến thái của một Nhà nước Pháp trị.

Theo cấu trúc tiếng Hán, tính từ đứng trước danh từ. Trong danh từ ghép "pháp quyền", "quyền" mang tính "pháp", hay có tính chất "pháp", phải được được hiểu là quyền được pháp hóa, tức là pháp luật hóa. Quyền thành Luật.

Tương tự như vậy, trong từ "pháp trị", "trị", hay biện pháp cai trị được luật hóa, biện pháp cai trị trở thành luật.

Như vậy, trong cả hai khái niệm này, Pháp, hay Pháp luật đều là Quy tắc tối cao của sinh hoạt xã hội. Tức là Pháp luật được coi là quyền lực tối cao, bất khả xâm phạm.

Nhưng một bên, Pháp quyền tức là quyền của dân, của cá thể trong xã hội hay là quyền công dân trong một Nhà nước, được Pháp luật hóa, tức là thành các quy tắc sinh hoạt tối cao, trong khi, Pháp trị là các biện pháp cai trị hay thủ thuật cai trị, hay ý chí của thế lực cai trị được Pháp luật hóa, tức là thành các quy tắc cao nhất điều khiển xã hội.

Nhà nước Pháp trị là một đặc trưng của một nhà nước phong kiến dưới thể chế Quân chủ chuyên chế, nói nôm na là một nhà nước trong đó quốc gia là của Vua, Vua tượng trưng Quốc gia, giá trị Quốc gia, uy quyền Quốc gia trùng với uy quyền của Vua. Pháp của Vua là Pháp của Quốc gia. Vua là người ra luật. Ý Vua là luật.

Trong lịch sử triết học Trung quốc, Pháp trị là một học thuyết cai trị do Hàn Phi Tử (281-233 trước công nguyên) khai sinh trên nền tảng phát triển những lý thuyết cai trị của Quản Trọng, Thân Bất Hại, Thương Ưởng từ đầu thế kỷ tứ ba trước công nguyên. Về sau này, khái niệm Pháp trị được dùng để phân biệt với thuyết Nhân Trị hay Đức trị mà Mạnh Tử, một môn sinh của Khổng Tử là người suốt đời du hành để truyền bá.

Hàn Phi chủ trương cai trị quốc gia bằng Pháp luật. Pháp luật là tối thượng, bất vị quyền, bất vị thân. Từ dân đến quan, từ tiểu dân tới quý tộc, luật pháp bất phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Nhưng những điều luật khắt khe đó là ý chí của Vua, theo ý nguyện của Vua mà ban bố thành pháp luật. Thuật cai trị của Vua hóa thành luật trong dân.

Sử ký Tư Mã Thiên có ghi chuyện một người có tài dò đoán ý Vua thời tiền Tần, ở Trung Hoa là Công Tôn Ưởng. Ưởng là con một người hầu của một quý tộc nước Vệ. Sau ba lần đưa ra ba thuyết cai trị là Đế đạo, Bá đạo rồi đến Vương đạo, Ưởng đã hiểu thấu, và biết cách thỏa mãn ý nguyện của Vua Tần Hiếu Công và trở thành tể tướng của nhà Tần.

"...Ưởng sai chia dân thành từng nhóm năm hộ, mười hộ, ai đi phải báo, ai đến phải ghi danh, phải kiểm soát lẫn nhau và bị ràng buộc lẫn nhau. Ai không tố cáo kẻ gian thì bị tội chém ngang lưng, ai tố cáo kẻ gian được thưởng ngang với có công chém đầu quân địch. Người che giấu quân gian bị phạt ngang với người đầu hàng quân địch... Mọi người bình đẳng trước pháp luật, lấy thưởng phạt làm nguyên lý trị nước, không cần giáo dục".

"Luật của Thương Ưởng đưa ra làm Vua Tần hài lòng, được hưởng thuế vạn hộ. Nhưng khi Tần Hiếu Công chết, Thái tử lên ngôi, bọn công tử Kiền báo Thương Quân làm phản. Vua sai người lùng bắt. Thương Quân bỏ trốn, đến cửa quan, xin vào ngủ trọ. Người nhà trọ không biết mặt Thương Ưởng, nói :

- Theo phép của Thương Quân, cho người trọ không có giấy chứng nhận, thì bị phạt liên lụy cả họ.

Tương Ưởng thở dài :

- Than ôi, cái tệ hại của người làm pháp đến thế ư.

Rồi bị bắt và thân thì bị nhà Vua cho xe xé xác, nhà thì bị giết cả ba họ".

Đó là một ví dụ đặc trưng có tính cổ điển của thể chế Pháp trị.

Luật giám sát hành vi của người dân, truy bức tư tưởng của người dân, từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên này, đang được chế độ công sản áp dụng trở lại, dưới danh xưng Xã Hội Chủ Nghiã, bằng chế độ quản lý hộ khẩu, tổ dân thôn và tổ dân phố. Đó là nền Pháp trị chuyên chế và độc tài, mang màu sắc man rợ của thời trung cổ.

Cặp khái niệm này, trong tiếng Anh, Rules of Law được dịch là Nhà nước Pháp quyền, và Rules by Law là Nhà nước Pháp trị.

Đối với người Anh và người Mỹ, Rules được hiểu là Quy tắc hoạt động trong một cộng đồng, một dạng các quy ước thỏa thuận trước, như luật chơi của một trò chơi. Chẳng hạn như trong bóng đá, các quy định như : chỉ có một quả bóng cho cả hai đội, mỗi bên 11 người, và chỉ đá bằng chân mà không được dùng tay. Nếu vi phạm các quy tắc này thì không còn là bóng đá nữa.

Như vậy, Rules là các quy ước có tính đồng thuận của một cộng đồng, một Quốc gia, hay chính là Hệ thống giá trị của một Quốc gia là Hệ thống bất khả xâm phạm, bền vững và có tính cố định tương đối, trong khi đó, Law là luật có thể thay đổi theo các chính sách của các lực lượng chính trị cầm quyền. Vì vậy Luật có tính đảng. Mỗi đảng khi cầm quyền bắt buộc phải làm thành luật các chính sách, đường lối nhằm thực hiện các chương trình chính trị của

Các chính sách được luật hóa này tương đương các biện pháp cai trị theo quan niệm truyền thống của văn hóa phương Đông.

Như vậy, Rules of Law là Quy tắc của Luật, nghĩa là luật, hay đúng hơn là các chính sách đã luật hóa sau khi Quốc hội biểu quyết, phải chịu sự giám định của Quy tắc, tức là Hệ thống giá trị quốc gia, cụ thể hóa của các quyền cơ bản của con người. Và như vậy, luật pháp ban hành ra bị điều chỉnh bởi Quy tắc, tức là chịu sự khống chế và điều chỉnh bởi hệ thống giá trị Quốc gia. Đấy là thể chế Nhà nước Pháp quyền. 

Rules by Law là Quy tắc bởi Luật (tức là hệ thống giá trị quốc gia, hay các quyền con người, quyền công dân) chịu sự điều chỉnh bởi chính sách, nghĩa là chịu sự điều chỉnh của đường lối và chính sách của chính đảng cầm quyền, sau khi được chính phủ do đảng chính trị cầm quyền này chuyển thành luật. Có thể hiểu điều rằng khi giành được đa số phiếu để lập Chính phủ, đảng cầm quyền thường đồng thời giành đa số trong các Nghị viện của Quốc hội, là cơ quan lập pháp, bởi vậy các chính sách của họ thường được luật hóa dễ dàng.

Trong tiếng Pháp, Nhà nước pháp quyền được gọi là Etat de Droit. Cụm từ này phản ánh đặc trưng của lối tư duy Pháp. Etat (Nhà nước), với truyền thống chính trị Pháp, là cơ chế quyền lực cao nhất của một Quốc gia và được hiểu rằng, Etat (Nhà nước) tượng trưng cho hệ thống giá trị quốc gia. Hệ thống giá trị này là cơ chế quyền lực cao nhất. Hệ thống đó, là các quyền Tự nhiên và quyền Xã hội của con người, bao gồm quyền kinh tế và quyền chính trị. Nhà nước, hay cơ quan quyền lực cao nhất Quốc gia, hay là Luật được "làm" ra từ các quyền cơ bản phổ quát, chịu sự điều chỉnh và giám sát của hệ thống các quyền cơ bản phổ quát đó của con người. Mark Twain từng nói, "les Anciens parlaient de droit en termes de politique, nous parlons aujourd'hui de politique en termes de droit". Trước đây, trong chế độ pháp trị, quyền của công dân do chính sách cầm quyền quy định, bây giờ, dưới chế độ pháp quyền, chính sách của nhà cầm quyền do quyền của công dân quy định.

Trong Nhà nước Pháp quyền, tất cả các điều luật luôn được đối chiếu với các quyền cơ bản hay những giá trị cơ bản của Quốc gia. Tất cả các điều luật, hay bộ luật được ban hành bởi các Chính phủ trong thời gian cầm quyền đều bị vô hiệu hóa nếu vi phạm các quyền cơ bản đã được xác định thành hệ thống giá trị Quốc gia. Hệ thống giá trị nền tảng của quốc gia trong một nền dân chủ chân chính hiện đại, bao gồm các giá trị được trịnh trọng ghi trong Tuyên bố Quốc tế về Nhân quyền và Dân Quyền Phổ cập do Liên Hợp Quốc công bố năm 1948, và Tuyên bố Quyền Kinh tế và Quyền Chính trị và Xã hội do Liên Hợp Quốc thông qua năm 1966. Không một cái gì, không một cá nhân, không một thành tố xã hội nào, không một định chế quyền lực nào, kể cả Tổng thống, Quốc hội, Chính Phủ và Tòa Án tối cao, được phép vượt ra ngoài khuôn khổ hệ thống giá trị Quốc Gia đó.

Ở các nước dân chủ đích thực hiện nay trên thế giới, hệ thống Giá trị Phổ cập đó, là các giá trị nền tảng của công dân, được ghi một cách long trọng trong Hiến Pháp, khung của pháp luật, là một Hệ Giá trị đặc trưng của nền văn minh Nhân lọại của Thế kỷ XXI, đã trở thành chuẩn mực cho một thể chế chính trị chân chính, một thứ tiêu chuẩn định tính cấp bậc văn minh của một dân tộc trên thang bậc tiến hóa của loài người.

Chế độ độc đảng độc tài mà đảng cộng sản đang áp đặt trên xã hội Việt Nam hiện nay, là một thể chế pháp trị chuyên chế, dấu vết của một tư duy phong kiến lạc hậu, một thứ rác rưởi của lịch sử nhân loại còn sót lại hiếm hoi trên mặt địa cầu, là nỗi ô nhục đối với một dân tộc có trên hai nghìn năm văn hiến như dân tộc Việt Nam.

Paris, 03/12/2016

Bùi Quang Vơm

*********************

Hành trình về dân chủ đa nguyên

Phần V

hanhtrinh5

Tác phẩm Tinh thần Pháp luật (de l'Esprit des lois) của Montesquieu xuất bản năm 1748.

Tam quyền phân lập

Mặc dù thế giới đã từng có các chế độ cộng hòa như thành bang Athens và cộng hòa Roma, tồ̀n tại từ 509-44 trước công nguyên, cho đến trước các cuộc cách mạng dân chủ tư sản vào cuối thế kỷ 18, có thể nói, lịch sử loài người trong gần hai nghìn năm, nằm dưới chế độ quân chủ tuyệt đối, hay còn gọi là quân chủ chuyên chế.

Trong chế độ quân chủ tuyệt đối, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung trong tay nhà Vua. Ý chí của Vua là luật. Mọi công cụ quyền lực quốc gia chỉ được sử dụng để bảo vệ ngai vàng của Vua. Đây chính là nguồn gốc của sự độc tài, chuyên chế trong việc thực thi các quyền lực nhà nước.

Cùng với sự phát triển lực lượng sản xuất, sự lớn mạnh của giai cấp tư sản đòi hỏi quyền tự do thoát khỏi sự trói buộc của chế độ chuyên chế, dẫn đến các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, kết liễu sự thống trị hàng ngàn năm của chế độ quân chủ chuyên chế.

Để chấm dứt vĩnh viễn sự quay lại của chế độ chuyên chế độc tài và đặt nền móng cho sự hình thành các thể chế tự do, dân chủ, một học thuyết của nhiều học giả tư sản đã được nêu ra, đó là thuyết Tam quyền phân lập. Theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không phải là một thể thống nhất, mà phân chia thành 3 quyền : quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau.

Tư tưởng phân quyền được các nhà triết học đặt ra từ thời cổ La Mã, mà vị đại diện đặc sắc nhất là triết gia Hy Lạp Aristote (384 - 322 trước công nguyên). Aristote đã chia quy trình hoạt động của nhà nước thành ba bước chính : Quy ước, Thực hành và Xét xử. Tuy nhiên, tư tưởng của ông mới chỉ dừng ở việc phân biệt các lĩnh vực hoạt động của nhà nước như một thứ trình tự, ông chưa chỉ rõ phương thức vận hành cũng như mối quan hệ tương tác giữa các thành phần đó.

Tư tưởng về phân quyền chỉ trở thành một lý thuyết toàn diện và độc lập trong thời kỳ Khai sáng. Người khai sinh ra học thuyết này là triết gia người Anh, John Locke (1632-1704) và người có đóng góp lớn nhất, thậm chí có thể nói là hoàn chỉnh nó, là nhà luật học người Pháp S. Montesquieu (1689-1755), với tác phẩm Tinh thần Pháp luật (de l'Esprit des lois) xuất bản năm 1748.

Nội dung cơ bản của học thuyết Montesquieu xuất phát từ một là quy luật có tính tiên đề : quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự bành trướng, tự tăng cường. Bất cứ ở đâu có quyền lực, ở đấy sẽ xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, bất kể quyền lực ấy thuộc về ai.

Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước, phải thiết lập cơ chế pháp lý nhằm giới hạn quyền lực. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng chính công cụ quyền lực. Luân lý và đạo đức không phải là công cụ kiềm chế quyền lực. Chỉ có quyền mới chặn được quyền, "seul le pouvoir arrête le pouvoir" (Montesquieu).

Theo học thuyết này, công cụ quyền lực của Nhà nước bao gồm, Quyền lập pháp, Quyền hành pháp, và Quyền tư pháp. Nói một cách nôm na là Quyền lập ra quy ước, quy tắc, quy phạm, Quyền thực thi và vận hành các quy tắc quy phạm đó lên sinh hoạt xã hội, và Quyền giám sát,̀ phán xét việc thực thi đó. Ba quyền này phải được tách biệt và độc lập với nhau, ràng buộc, giám định và khống chế lẫn nhau.

Trong một nền dân chủ, hoạt động của Nhà nước chỉ có mục đỉch là bảo vệ quyền làm chủ của công dân. Nhưng những công cụ quyền lực trong tay các thiết chế công quyền luôn có xu hướng bành trướng, lấn át các quyền cơ bản của công dân, nhằm giảm nhẹ và lẩn tránh trách nhiệm và vì các lợi ích tự thân, thuận tiện cho thực hành của chính thiết chế quyền lực đó.

Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chia chỉ được phép hoạt động trong phạm vi lãnh địa của mình, không chiếm dụng, dẫm đạp, lấn át các quyền thuộc phạm phi khác. Montesquieu khẳng định : "Trong mỗi quốc gia đều có ba thứ quyền lực : Quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều trong luật dân sự". Montesquieu chủ trương phân quyền để chống lại chế độ chuyên chế, triệt tiêu nạn lạm quyền, để chính quyền không thể gây trở ngại cho người bị trị và đảm bảo quyền tự do cho người dân. Ông viết : "Khi quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện (Nguyên Lão), thì sẽ không còn tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính các chủ thể đó chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách rời khỏi quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân ; quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Tất cả sẽ mất hết, nếu cả ba thứ quyền lực nói trên đều nằm trong tay một người, một nhóm quan chức, nhóm quý tộc, hoặc thậm chí ngay cả một nhóm dân chúng" [Tinh thần pháp luật, Montesquieu].

Với một cơ chế tam quyền phân lập, các thiết chế quyền lực Nhà nước được chia tách độc lập, không chỉ để tạo điều kiện chuyên môn hóa các quyền mà quan trọng hơn là để giữa các quyền có sự giám sát, chế ước lẫn nhau, tạo nên sự cân bằng về quyền lực giữa chúng với nhau. Mỗi cơ quan được quyền hoạt động trong lĩnh vực của mình, không có quyền trong lĩnh vực khác, nhưng trong khi giữ tính độc lập của mình, nó ngăn chặn nguy cơ lạm quyền của các cơ quan khác.

Quyền lực ngăn chặn quyền lực chính là điểm cốt yếu trong chủ trương phân chia quyền lực. Trong tác phẩm "Tinh thần pháp luật" Montesquieu cho rằng "Cơ quan lập pháp có hai bộ phận ràng buộc nhau bằng chức năng ngăn cản bên này đối với bên kia. Cả hai bộ phận lập pháp và tư pháp đều bị ràng buộc bởi quyền hành pháp, mà quyền hành pháp bị khống chế bởi quyền lập pháp, trong khi cả hai thứ quyền này đều chịu sự giám sát của quyền tư pháp".

Cả John Locke và Montesquieu đều mong muốn một xã hội tốt đẹp, trong đó quyền tự do của con người được đề cao, xã hội không phải gánh chịu những lộng hành của Nhà nước. Họ kỳ vọng vào sự kiểm soát quyền lực nhà nước ngay trong hệ thống quyền lực.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Quốc hội là cơ quan độc quyền lập pháp, Tổng thống chỉ có thể đề nghị Quốc hội soạn thảo, không có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, nghĩa là không có quyền sáng lập luật pháp, nhưng Tổng thống có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết một dự luật đã thông qua bởi Quốc hội.

Pháp viện tối cao Hoa Kỳ có quyền tuyên bố một đạo luật là vô hiệu nếu trái ngược với Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng không có quyền thay đổi hoặc huỷ bỏ đạo luật đó.

Ở các nước dân chủ hiện đại, cơ cấu nhà nước theo thể chế chính trị đa nguyên bắt buộc các thiết chế quyền lực phải độc lập với nhau.

Quyền lập pháp là quyền lực cao nhất. Trong một quốc gia có chế độ dân chủ đích thực, quyền lập pháp thuộc về toàn thể dân chúng. Vì vậy, cơ quan quyền lực cao nhất là Trưng cầu dân ý. Đây là cơ chế thể hiện trực tiếp ý chí của toàn thể công dân. Không có một thết chế nào cao hơn Trưng cầu dân ý. Dân là người có tiếng nói cuối cùng. Trong những trường hợp không thể tổ chức được trưng cầu dân ý, thì cơ quan đại diện ý chí của dân là Quốc hội. Ở những quốc gia, do tính chất phân bố địa lý, điều kiện kinh tế và xã hội không có luật trưng cầu dân ý, thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quôć hội là nơi thông qua Hiến Pháp-bộ luật tối thượng của một quốc gia. Quốc hội là nơi bầu và quyết định phê chuẩn các định chế công quyền cao nhất, như Tổng thống, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội và Chánh án Tòa án tối cao. Tuy vậy, quyền lực thực tế hay còn gọi là quyền hành pháp nằm trong tay Tổng thống và Chính phủ. Quyền lực của Quốc hội nếu lấn át Tổng thống hay Thủ tướng, gây khó khăn, làm chậm các quyết định của Tổng thống hay Thủ tướng, chính là làm giảm khả năng thích ứng tình huống và làm giảm tính hiệu quả các chính sách quốc gia.

Dưới một chế độ chính trị đa nguyên, quyền cầm quyền hay quyền lập chính phủ được luân chuyển thường xuyên giữa các lực lượng chính trị cạnh tranh nhau, quyền hành pháp nằm trong tay Chính phủ luôn có xu thế lạm dụng quá mức để khai thác cường độ và hiệu quả tối đa của hệ thống công lực quốc gia để thực hiện các cam kết trong chương trình kinh tế xã hội mà họ đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Chính phủ luôn có xu hướng vi phạm quyền tự do và các quyền cơ bản khác của công dân.

Chính phủ do đảng chính trị thắng cử lập ra nhưng do Quốc hội phê chuẩn, các bộ luật do Chính phủ đề nghị và soạn thảo phục vụ các chính sách tương ứng, nhằm thực thi chương trình, đều phụ thuộc vào sự phê chuẩn của Quốc hội đối chiếu với các điều luật bảo vệ quyền công dân và lợi ích cộng đồng, đồng thời chịu sự giám sát và đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã được cam kết. Vì vậy trên thực tế, Chính phủ chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội và việc thực hành pháp luật dưới sự giám sát của Quốc hội.

Hệ thống giá trị quốc gia, và hệ thống các quyền cơ bản của công dân được đảm bảo bởi Tổng thống trong chế độ Tổng thống hay Bán tổng thống, hoặc bởi nhà Vua trong chê ́độ quân chủ lập hiến. Vì vậy, ngoài Quốc hội, Chính phủ luôn chịu sự quản chế và khống chế củaTổng thống hay của nhà Vua.

Tổng thống, với chức danh là người đảm bảo cao nhất chủ quyền quốc gia, người đại diện và đảm bảo cao nhất hệ thống giá trị quốc gia và hệ thống các quyền cơ bản của công dân, được bầu trực tiếp theo chế độ phổ thông đầu phiếu, không phụ thuộc và không chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội. Tổng thống có thể xuất phát từ một đảng phái chính trị, nhưng khi nhậm chức, buộc phải tuyên thệ trung thành với Hệ thống giá trị quốc gia, trung lập hóa và phi chính trị hóa công cụ quyền lực thuộc phạm vi quản trị của tổng thống.

Tòa án tối cao, có thể do Tổng thống bổ nhiệm nhưng phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội và Thượng viện, hoặc Hội đồng Địa phương. Thẩm phán tối cao có nhiệm kỳ suốt đời và có một mức thu nhập đủ để ngăn chặn tha hóa. Tòa án tối cao có quyền xét xử tất cả mọi thiết chế quyền lực công cộng, trong đó có Tổng thống, thủ thướng chính phủ và chủ tịch quốc hội.Tuy nhiên, Thẩm phán tối cao có thể bị bãi nhiệm bởi tổng thống và Quốc hội khi có biểu hiện vi phạm luật nghiêm trọng.

Quy chế Tam quyền phân lập là một đặc trưng chỉ có trong thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên. Xuất phát từ mục đích tối thượng bảo vệ quyền tự do dân chủ của người dân, trong đó có các quyền tự do tư tưởng và tự do hội họp, đa đảng chính trị trong sinh hoạt xã hội là một tất yếu. Khi đã đa đảng, quyền lực chi phối xã hội buộc phải mang tính trung lập. Từ đó các cơ chế giám sát, kiểm soát và chế ước, không chế lẫn nhau trở thành một nhu cầu không thể tách rời, như một thuộc tính gắn với bản chất chế độ.

Trong thể chế chính trị dân chủ đa nguyên đích thực, quyền lực xuất phát từ dân và có ̣ mục đích hướng tới dân.

Khác với các tổ chức thuần túy giáo phái, hay hội kín có cơ cấu theo hình thức đầu lĩnh, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay thủ lĩnh và giảm từng nấc từ trên xuống, một tổ chức chính trị lấy dân chủ làm triết lý nền tảng và nguyên tắc cho moị sinh hoạt, thì giống như một nhà nước dân chủ, cấu trúc quyền lực của tổ chức được xây dựng từ dưới lên. Điều này có nghĩa là quyền lực cao nhất của tổ chức là Đại hội toàn thề thành viên, nơi hình thành và phê chuẩn Cương lĩnh chính trị, Quy ước sinh hoạt và Chương trình hành động từng giai đọan của tổ chức. Nghị quyết của Đại hội là mệnh lệnh chính trị tối thượng mà mọi thành viên có trách nhiệm thực thi vô điều kiện. Mệnh lệnh chính trị đó được Đại hội ủy nhiệm cho một định chế có tính chất trung chuyển, gọi là Ban chấp hành hay Ban điều hợp có trách nhiệm tổ chức, điều phối các bộ phận của tổ chức nhằm thực thi các nghị quyết của Đại hội.

Ban chấp hành có quyền đề xuất cơ cấu cần thiết nhưng phải đựơc Đại hội toàn thể hay đại hội đại biểu thông qua. Ban chấp hành chịu sự giám sát, có trách nhiệm giải trình trước Đại hội và bất cứ thành viên nào.

Trong các tổ chức kinh doanh cũng vậy, chẳng hạn như trong một Công ty cổ phần đại chúng, cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội cổ đông. Đại hội cổ đông bầu và bãi miễn Hội đồng quản trị, Điều lệ và phê duyệt các cơ cấu nhân sự, các kế hoạch phát triển chiến lược kinh doanh ngắn và dài hạn, các chính sách phân chia lợi nhuận, trích lập các quỹ, v.v.

Ở Việt Nam, dưới chế độ cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay thì không như vậy. Tại điều 2, chương 1, hiến pháp 1992 quy định : Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng thống nhất về mặt chính trị. Có nghĩa là chỉ phân công và cùng chịu một cây gậy chỉ huy chung là đảng cộng sản.

Trong hiến pháp không có điều nào nói về tính độc lập, sự giám sát, kiềm chế, chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực đó. Vì vậy ở Việt Nam, tham nhũng có đất sống ngay trong hệ thống tư pháp (xem báo điện tử chính thống Vietnamnet ngày 28/3/2013 "Cán bộ tòa án ăn hối lộ, chạy án").

Trên thực tế, bộ máy nhà nước được tổ chức tập trung vào một đảng duy nhất, vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền . Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối mọi hoạt động của nhà nước, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Điều này được quy định tại điều 4 hiến pháp 1992 và hiến pháp 2013.

Mọi chức vụ quan trọng trong quốc hội, trong bộ máy nhà nước, trong tòa án đều do các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ. Quốc hội là cơ quan lập pháp có trên 94% thành viên là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Chính phủ là cơ quan hành pháp có 100% thành viên là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Từ thủ tướng đến các bộ trưởng đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Tòa án tối cao là cơ quan tư pháp có 100% thành viên là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ hội đồng thẩm phán của tòa án tối cao và chánh án tòa án tối cao.

Đảng cộng sản được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung, nghĩa là đảng viên có nghĩa vụ bắt buộc chấp hành tuân thủ nghị quyết của cấp trên trực tiếp. Cấp dưới phục tùng cấp trên, cấp cơ sở phục tùng trung ương.

Cầm đầu các cơ quan quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp, từ cơ sở cho tới trung ương là các cán bộ đảng được cấp ủy đảng cấp trên trực tiếp phân công từ dưới lên cho đến cấp trung ương, những người đứng đầu các cơ quan quyền lực tối cao, như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ, Viện Kiểm soát và Tòa án Tối cao đều do sự phân công của đảng và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của bộ chính trị.

Như vậy Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ toàn bộ 3 nhánh quyền lực của nhà nước. Mọi quyết định của bất cứ cơ quan quyềǹ lực nào, đều có thể bị vô hiệu hóa hoàn toàn bởi một nghị quyết của đảng ủy cấp trực tiếp. Ở cấp tối cao bởi một nghị quyết Ban bí thư hay của bộ chính trị. Do vậy không thể thực hiện việc kiểm soát, giám sát, kiềm chế giữa các nhánh quyền lực của nhà nước. Quyền lực không thể bị giám sát chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi sự tha hóa quyền lực, lạm quyền để chiếm các đặc quyền đặc lợi, coi thường pháp luật, suy đồi đạo đức. Trên thực tế, một bí thư huyện ủy có thể quyết định mức án của bất cứ phạm nhân nào thuộc thẩm quyền xử của Tòa án nhân dân Huyện. Bộ chính trị, hay cá nhân Tổng bí thư có thể quyết định moị phán xét của Chánh án Tòa án tối cao.

Tình trạng độc đảng cộng sản đang nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối và cầm quyền ở Việt Nam hiện nay chính là lý do chủ yếu giải thích vì sao học thuyết lập hiến tam quyền phân lập chưa thể áp dụng ở Việt Nam. Muốn áp dụng thì trước tiên phải xóa bỏ tình trạng độc quyền lãnh đạo và cầm quyền. Như vậy có nghĩa là phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng trong chính trị và đời sống xã hội, chấp nhận sự giám sát thực sự của nhân dân và luật pháp, chấp nhận sự cạnh tranh về phẩm chất và năng lực đảm đương sứ mệnh được nhân dân giao phó là người lãnh đạo.

Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức theo mô hình tổ chức đảng chuyên chế, do một nhóm độc tài cầm đầu, nắm trong tay toàn bộ hế thống quyền lực bao gồm cả ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì theo học thuyết Phân quyền của Montesquieu, người dân Việt Nam sẽ "mất hết, không còn gì cả".

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương nói : "Trong hệ thống của ta có một tật xấu là hay quy chụp. Nếu cứ quy chụp thì làm sao phát triển được tư duy… Không bỏ đi cái bệnh hay quy chụp nhau, không chịu nghe nói thẳng, nghe những ý kiến khác mình thì mọi thứ sẽ cằn cỗi, không vươn nhanh lên được. Phải tuyệt đối kiên định với quan điểm quyền lực là của dân chứ không phải quyền lực của tài phiệt, cũng không phải quyền lực của cá nhân ai, của gia đình nào, của nhóm người nào".

Vậy tại sao cả dân tộc cứ phải đi theo định hướng của một nhóm người mà nhóm người đó không chắc đúng và sẽ không ai chịu trách nhiệm ? Ông Võ Văn Kiệt cũng đã nói : "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức chính trị phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng Việt Nam thoát khỏi chế độ độc đảng chuyên chế, xây dựng một chế độ xã hội dân chủ đích thực, dựa trên nền tảng đa đảng chính trị và Tam quyền phân lập, đảm bảo mọi quyền công dân, vì một nền kinh tế phát triển thịnh vượng, một xã hội nhân bản và tiến bộ, phù hợp và hòa đồng với nền văn minh nhân loại.

Paris, 17/12/2016

Bùi Quang Vơm

******************

Hành trình về dân chủ đa nguyên

Phần VI



hanhtrinh6

Quyến lực từ dân và bởi dân - tranh minh họa

Trong cuộc hành trình chắc chắn không ít khó khăn này, chúng ta đã cùng thảo luận với nhau về các điều kiện nhất thiết phải có để một nền dân chủ đa nguyên có thể ra đời và được bảo đảm là Tự do cá nhân và Sở hữu tư nhân. Chúng ta cũng đã ít nhiều thống nhất các khái niệm rất cơ bản của lý thuyết dân chủ đa nguyên là Pháp quyền và Pháp trị, về Tam Quyền Phân lập. Trong phần này, chúng ta thảo luận về một định chế đặc trưng của thể chế dân chủ đa nguyên là Nhà nước Trung tính. Người viết luôn chỉ là người nêu ra một ý kiến.

Nhà nước Trung tính

Tính Trung tính hay gọi là tính trơ, neutre, của một vật thể là tính chất không phản ứng hóa học với các vật thể khác, không bị thay đổi về chất bởi xung đột với các vật thể khác, trơ trước các tác động của ngoại cảnh.
Nhà nước trung tính là nhà nước không có tính định hướng (vectorial), là nhà nước phi tôn giáo, phi đảng phái, phi dân tộc, phi giai cấp, là nhà nước trung gian, độc lập với mọi lực lượng chính trị xã hội, là nhà nước thế tục, độc lập với mọi đức tin, moị tôn giáo, mọi ý thức hệ tư tưởng.

Nhà nước trung tính là nhà nước đại diện quyền lợi của mọi công dân, mọi thành phần, mọi tầng lớp, mọi sắc tộc, mọi nguồn gốc xuất thân, mọi cấp bậc kinh tế, chính trị và xã hội, mọi ngôn ngữ, mọi tập quán và tnguồn gốc văn hóa.

Nhà nước trung tính không có lợi ích tự thân. Lợi ích của nhà nước trung tính là lợi ích tổng thể bao trùm của xã hội, là nhà nước trơ với mọi tác động thiên vị, có hướng và có mục đích cục bộ riêng rẽ.

Nhà nước trung tính là công cụ công cộng của toàn xã hội, thuộc sở hữu toàn dân, phục vụ cho lợi ích của mỗi công dân và lợi ích bao trùm của toàn xã hội.

Khái niệm nhà nước nói chung và nhà nước trung tính nói riêng chỉ mới xuất hiện như một thuật ngữ chính trị xã hội học từ những nghiên cứu cơ bản của các nhà chính trị xã hội học hiện đại như Montesquieu vào khoảng thế kỷ 15-16 và Rousseau vào thế kỷ 18- 19.

Tuy nhiên nhà nước trung tính hay bản chất trung gian phi tôn giáo và phi chính trị của bộ máy quyền lực công cộng là bản chất khởi thủy của Nhà nước. Nó có nguồn gốc là sản phẩm tự nhiên và tự thân của xã hội đa nguyên. Nó ra đời trong môṭ cộng đồng xã hội, trong đó mọi thành tố đều bình đẳng, có quyền và có lợi ích ngang nhau.

Chức năng có tính khởi thủy của Nhà nước là chức năng trọng tài, hòa giải xung đột và xét xử các vi phạm quy ước sinh họat chung. Chính vì vậy, lịch sử hình thành nhà nước gắn liền với sự hình thành luật pháp với tư cách là các quy tắc sinh hoạt, khuôn mẫu của phép hành xử trong sinh hoạt cộng đồng. Các bộ luật được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện theo sự hoàn thiện của thể chế và cơ cấu nhà nước.

Bộ phận phôi thai của công quyền có xuất sứ từ những cá nhân được ủy nhiệm vai trò trọng tài, hòa giải và xét xử các va chạm sinh hoạt, các xung đột lợi ích giữa các cá thể, các hội nhóm hay tập thể công dân. Trong xã hội nguyên thủy, thông thường những cá nhân này là những tù trưởng, các tộc trưởng hay các bô lão, trưởng lão có kinh nghiệm, có trí tuệ, học vấn, có tài sản và đức độ hơn người.

Cùng với sự phát triển của sản xuất, của năng suất lạo động, sự dư thừa của cải từ sản xuất nông nghiệp tạo ra quá trình trình phân công lao động xã hội ngày một cao, cho phép bộ phận trung gian thoát ly dần khỏi sản xuất, chuyên nghiệp hóa và quan liêu hóa. Đó là những phần tử đầu tiên của bộ máy Nhà nước, với chức năng ban đầu duy nhất là Trọng tài, Hòa giải và Xét xử các vụ kiện tụng, các xung đột sinh hoạt và các xung đột lợi ích giữa các thành tố của cộng đồng. Bộ phận này sống bằng đóng góp tự nguyện của các thành phần trong cộng đồng và nhận được ủy nhiệm, thừa nhận tư cách và uy lực quan tòa trên toàn thể cộng đồng.

Để tăng cường quyền lực và hiệu lực xét xử, dàn xếp trật tự công cộng, Nhà nước khởi thủy thiết lập cảnh sát và điều tra, hình thành chức năng thứ hai của Nhà nước là duy trì trật tự và an ninh nội bộ. Cho đến khi các bộ tộc, bộ lạc phát triển lớn mạnh dần, số lượng công dân và lãnh thổ lan rộng, xuất hiện những va chạm đụng độ với các cộng đồng bộ lạc khác. Nguy cơ bị đe doạ an ninh từ bên ngoài làm xuất hiện nhu cầu hình thành lực lượng vũ trang, tự vệ. Đó là quân đội, có chức năng chủ yếu là bảo vệ an ninh lãnh thổ, an ninh quốc phòng, chủ quyền cương vực. Chức năng thứ ba ra đời như vậy. Nhà nước cho đến trước thời kỳ chuyên chế phong kiến, chỉ có ba chức năng chính, Tòa án xét xử, Trật tự nội địa và An toàn cương giới.

Trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa có kể chuyện Bàng Thống, một nhân vật được coi là cùng với Khổng Minh Gia Cát Lượng, "nếu được một trong hai người, đủ bình được Thiên hạ". Khi bỏ Ngô về với Lưu Bị, lúc đầu được giao làm tri huyện, chỉ cả ngày uống rượu say khướt. Một lần, khi Trương Phi đi thanh tra, khiển trách bê trễ việc quan, Bàng Thống chỉ một buổi sáng, miệng phán, tay phê, xử êm xuôi tất cả các vụ kiện tụng tồn đọng suốt ba tháng. Lý Quỳ trong Thủy Hử, thế kỷ thứ bảy, không biết chữ cũng một ngày làm quan tri phủ nhờ xử kiện. Cho nên Nhà nước cho đến tận thời trung cổ, việc của chính quyền vẫn chỉ là quan tòa.

Cùng với sự phát triển tiến bộ của loài người, công cụ lao động và kỹ năng làm chủ các nguồn lực ngày càng hoàn thiện cho phép tăng vọt năng suất lao động. Từ chỗ sản phẩm nông nghiệp của một lao động chỉ đủ tự túc, tới nuôi một vài người, tiến tới đủ cho hàng trăm người, lực lượng có thể thoát ly sản xuất nông nghiệp ngày một tăng. Phân công lao động và chuyên nghiệp hóa lao động ngày một cao, hình thành nên các thành phần khác của xã hội, thợ thủ công, người buôn bán, thầy thuốc, nhà giáo, nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu v.v. sinh hoạt xã hội ngày càng đa dạng, sự phân hóa lợi ích ngày càng giãn rộng, các chức năng khác của Nhà nước vì thế, không ngừng được bổ sung, đồng thời cũng trở thành phức tạp và chuyên nghiệp hóa cao dần.

Lý thuyết về Nhà nước, về khoa học quản trị quốc gia dần dần thoát ra ngoài trình độ văn hóa phổ cập của cộng đồng dân cư đã phân hóa mỗi ngày một sâu sắc. Hoạt động của Nhà nước trở thành khu vực giành riêng cho lực lượng thuộc thành phần tinh hoa của cộng đồng xã hội, xa xôi và siêu hình đối với đa số quần chúng lao động, làm biến mất dần ý niệm làm chủ có nguồn gộ́c lịch sử xa xăm, và mất dần ý thức chính trị của dân chúng.

Quy mô xã hội ngày một lớn, các hoạt động quản trị hành chính của nhà nước ngày càng chuyên môn hóa và chuyên sâu hóa, trở thành một bộ máy quan liêu, tách rời ý niệm khởi thủy là công cụ phục vụ được ủy nhiệm và trở thành công cu riêng của thế lực cầm quyền.

Đấy chính là nguyên nhân mà nhà nước từ môṭ công cụ ủy nhiệm của dân, sống bằng sự đóng góp của dân, có chức năng chủ yếu là phục vụ các nhu cầu trong cuộc sống của dân, lần lượt trở thành công cụ bóc lột của các chủ nô lệ, của Vua chúa, của các tầng lớp địa chủ giầu có, của tầng lớp tư sản quý tộc, các tư bản tài chính. Nhà nước mất dần tính trung tính, trung gian, cân bằng lợi ích, giải tỏa xung đột, bảo vệ lợi ích bao trùm, phai dần và mất dần chức năng phục vụ công cộng.

Tổ chức Nhà nước hình thành do nhu cầu sinh họat xã hội trong các công xã nguyên thủy hàng chục nghìn năm trước khi xuất hiện giai cấp với ý nghĩa là các tầng lớp xã hội có lực lượng và quyền lợi khác nhau, trong đó có một phần xã hội có cấu tạo bởi hai giai cấp đại diện, có mâu thuẫn đối kháng nhau là tầng lớp lao động bị bóc lột và tầng lớp bóc lột như chủ nô, chuá đất hay chủ tư bản. Nhà nước không có bản chất cai trị hay trấn áp. Nhà nước là nơi dung hòa lợi ích, hạt nhân quy tụ và cố kết cộng đồng công dân.

Học thuyết Mác Lênin định nghĩa Nhà nước chỉ ra đời và tồn tại trong xã hội có giai cấp, là công cụ chuyên chính của giai cấp thống trị là học thuyết phản khoa học, nguồn gốc của chia rẽ xã hội và quy kết xã hội thành các thành phần đối kháng và trấn áp lẫn nhau, giành giật quyền lợi và tiêu diệt lẫn nhau, biến xã hội thành các thành phần tự nó gây xung đột bất khả điều hòa, nguyên nhân của mọi mâu thuẫn và mất ổn định từ trong lòng xã hội. Lý thuyết giai cấp của Mác là lý thuyết tội ác, nguồn gốc của chiến tranh và thảm họa.
Nhà nước tại Việt Nam do đảng cộng sản Việt nam dựng nên từ hơn 70 năm cho đến hiện nay là nhà nước chuyên chính vô sản, công cụ trong tay bộ máy lãnh đạo của đảng cộng sản, để trấn áp các tầng lớp khác còn lại trong xã hội. Các công cụ quyền lực nhà nước có nhiệm vụ trước nhất và duy nhất là bảo vệ sự tồn tại trên vị trí cầm quyền của đảng, dựa trên việc tước đọat hầu hết các quyền tự do các quyền dân chủ căn bản của công dân, trấn áp mọi tiếng nói đối kháng ôn hòa phi bạo lực của công chúng

*******

Nhà nước trung tính là nhà nước kiểu mẫu của xã hội trong thể chế Dân chủ Đa nguyên. Chỉ có dưới một chế độ dân chủ đa nguyên mới tồn tại một Nhà nước được gọi là trung tính. Trong một xã hội Dân chủ thực sự, tính Đa nguyên trong xã hội được tôn trọng. Quyền tự do, quyền tồn tại bình đẳng trước pháp luật là quyền bất khả xâm phạm.

Tư duy đa nguyên là tư duy luân phiên cầm quyền. Chỉ có một xã hội tôn trọng bản chất đa nguyên của cộng đồng công dân, thì mới hiểu ổn định xã hội chính là sự luân phiên cầm quyền trong hòa bình thông qua tranh cử dân chủ và minh bạch.

Trong một xã hội mà nguyên tắc đa nguyên được tôn trọng, hệ thống chính trị quốc gia không phải là hệ thống chân rết hay vòi bạch tuộc của một đảng chính trị duy nhất. Trong một thể chế đa nguyên, tính chất đa đảng phái trong sinh hoạt chính trị quốc gia vừa là sự hình thành tự nhiên, vừa là yêu cầu bắt buộc phải có để bảo đảm tính cạnh tranh trong môi trường chính trị.

Các thành tố của cấu tạo xã hội có quyền và nghĩa vụ tham gia hoạt động và tổ chức thành các đảng chính trị nhằm nuôi dưỡng và duy trì cân bằng, trung hòa các xung đột, đảm bảo một môi trường cạnh tranh thường xuyên, thúc đẩy tính tích cực tiến bộ của xã hội và ngăn cản quá trình tha hóa của các cơ chế quyền lực.

Hiến pháp và luật pháp quốc gia phải quy định chế độ hoạt động của các đảng chính trị. Các cơ chế Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ điều kiện để các tổ chức chính trị, các đảng phái hoạt động lành mạnh, hợp pháp và phục vụ tốt cho lợi ích quốc gia. Ở các quốc gia dân chủ phát triển, quy chế đa đảng được ghi vào hiến pháp và luật hóa như một bộ phận hữu cơ của thể chế. Luật quy định ngân sách nhà nước đảm bảo tổ chức đảng được tồn tại với một mức tối thiểu.

Như vậy, trong một quốc gia tồn tại chế độ chính trị đa nguyên, bắt buộc phải hình thành và tách biệt hai thiết chế quyền lực hành pháp khác nhau, có tính độc lập tương đối với nhau, có chức năng và trách nhiệm khác nhau đối với lợi ích quốc gia. Hai thiết chế hành pháp này là Tổng thống và Chính phủ.

Tại các quốc gia, trong đó Tổng thống do dân bầu trực tiếp, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ do quốc hội bầu ra, gọi là chế độ Cộng hòa Bán tổng thống.

Ngược lại, nếu cả Tổng thống và Chính phủ đều do Quốc hội bầu ra và có quyền bãi miễn, thì Tổng thống chỉ là nguyên thủ hình thức, không có trách nhiệm và quyền hạn hành pháp thực tế nào, đây là chế độ Cộng hòa Đại nghị.

Tuy nhiên, việc phân chia cách gọi chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Mỗi quốc gia theo chể chế này hay khác đều có những cơ chế riêng, không nước nào giống nước nào. Căn cứ để phân biệt chỉ là dựa vào các đặc điểm, nếu Nguyên thủ có tính cha truỳn con nội thì là quân chủ, nếu nguyên thủ được bầu ra theo nhiệm kỳ thì là Cộng hoà. Nhà nước có cơ quan Hành pháp được bầu bởi Quốc hội là chệ́ độ̣ Đại nghị.

Tổng thống hay người đứng đầu quốc gia là người đại diện cho giá trị tổng thể quốc gia, bao gồm quyền chủ quyền quốc gia, tức là chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền với tài nguyên khoáng sản trong phạm vi lãnh thổ, chủ quyền đối với các tài sản vô hình của quốc gia như lịch sư dân tộc̉, phong tục tập quán, ngôn ngữ, tài sản văn hóa. Cùng với quyền chủ quyền như một thủ lĩnh quốc gia, Tổng thống còn là người đại diện và bảo vệ các quyền căn bản của mọi công dân thuộc cộng đồng sinh sống trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Hệ thống quyền chủ quyền và quyền căn bản của công dân taọ thành hệ thống giá trị quốc gia. Đó là hệ thống giá trị dần trở thành cố định, ít nhiều bất biến được xác định như một phần hữu cơ trong hiến pháp nhà nước. Dù xuất phát từ đảng phái nào,Tổng thống buộc phải tuyên thệ phi đảng phái, phi tôn giáo, trung thành tuyệt độ́i vô điều kiện với Hiến pháp. Tổng thống đại diện một thiết chế trung tính, là người đảm bảo tính hợp hiến của mọi điều luật.

Trong lịch sử, tính hợp hiến của luật pháp đã được xét đến từ lâu. Tại Pháp, ngay từ thế kỷ XVI, Nghị Viện đã tách biệt giữa "luật của Vua, có thể thay đổi và có thể chết", trong khi "Luật của Vương Quốc là̀ bất khả thay đổi và bất tử". Luật Vương Quốc chính là Hiến pháp theo thuật ngữ hiện đại, và luật của Vua chính là luật của Chính phủ, là người chấp chính hay là người thực hành quyền cai trị, quản trị xã hội.

Trong một thể chế Cộng hòa Đại nghị, tổng thống là biểu tượng của chủ quyền quốc gia, người bảo đảm các hệ thống gía trị quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự nội địa, quyền lợi thống nhất và bao trùm của toàn xã hội, nhưng không nắm quyền hành pháp trực tiếp. Trên thực tế, quyền hành pháp nằm trong tay chính phủ.

Nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hoà đại nghị không khác nào địa vị của nhà vua hoặc nữ hoàng trong chính thể quân chủ đại nghị, theo nguyên tắc :
"Nhà Vua trị vì nhưng không cai trị". Nhưng khi có khủng hoảng chính trị, hoặc khủng hoảng an ninh, lợi ích quốc gia bị đe dọa, thì Nguyên thủ Quốc gia, hay Tổng thống là người toàn quyền và là người quyết định cuối cùng.

Nguyên thủ quốc gia như là một chế định tiềm tàng của nhà nước cho những tình huống khẩn cấp.

Chính phủ, mà người đứng đầu là Thủ tướng, đại diện cho một đảng chính trị hay một lực lượng chính trị, giành được quyền lập Chính phủ thông qua chương trình và các chính sách kinh tế xã hội, chiếm được đa số phiếu trong chiến dịch bầu cử lập pháp và nhờ vậy chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Tiêu chí cạnh tranh giành quyền chính danh của Chính phủ là Tăng trưởng kinh tế và Tăng trưởng phúc lợi xã hội. Trong khuôn khổ Hiến pháp, Chính phủ được quyền sử dụng, và tổ chức tối ưu các công cụ quyền lực công cộng nhằm khai thác tốt nhất moị nguồn lực có sẵn và tiềm ẩn của quốc gia, hướng tới các mục tiêu cam kết trong chương trình tranh cử.

Trong một hệ thống chính trị của một Nhà nước Pháp quyền (Etat de Droit), các chính sách của Chính phủ bắt buộc phải chuyển hóa thành luật và được hợp hiến hóa sau khi được Quốc hội thông qua và Tổng thống phê chuẩn. Các chính sách được thực thi khi chưa có luật ban hành hợp hiến đều có thể bị truy tố. Bộ trưởng của chính sách liên quan sẽ buộc phải từ chức hay bãi nhiệm bởi tổng thống.

Vì tính chất luân phiên của Chính phủ, tức là tính luân phiên cầm quyền của các đảng chính trị, hai yêu cầu đặt ra phải được thiết chế hóa :

1. Tính ổn định của hệ thống giá trị quốc gia.

2. Tính liên tục bền vững của các định chế quản trị.

Từ hai yêu cầu này, đặt ra các yêu cầu có tính nguyên tắc là tính chất độc lập tương đối giữa tổng thống đối với chính phủ. Nhiệm kỳ của tổng thống hay người đứng đầu Nhà nước, không bắt buộc phài trùng khớp với nhiệm kỳ Quốc hội hay nhiệm kỳ Chính phủ, có nghĩa là có thể dài hơn. tổng thống không nhất thiết cùng đảng với thủ tướng, thậm chí không cần phải tham gia chính đảng nào nếu có khả năng tự lưc về kinh tế và đủ uy tín chính tri trong xã hội.

Các đảng chính trị khi tham gia cầm quyền phải cam kết nhất trí với nhau và trung thành với chính sách quốc phòng và đường lối đối ngoại. Những chính sách này mang tính chiến lược, nên buộc phải đảm bảo tính liên tục. Điều này dẫn tới các gợi ý chuyển bộ Quốc phòng và bộ Ngoại giao trực thuộc phủ tổng thống, cũng chính là nhu cầu phi chính trị hóa quân đội.

Do tính luân chuyển cầm quyền, bộ máy quản trị của Chính phủ có cấu tạo đặc biệt, bao gồm bộ máy quản trị chính trị và bộ máy quản trị công vụ. Bộ máy quản trị chính trị bao gồm các bộ trưởng, thuộc đảng chính trị cầm quyền, là bộ máy ra lệnh. Bộ máy công vụ là bộ máy hành chính sự nghiệp chuyên nghiệp, là công cụ trong tay chính quyền, có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ vô điều kiện và thi hành với hiệu suất cao nhất các mệnh lệnh từ bộ máy chính trị, tức là từ bộ trưởng. Bộ trưởng quốc phòng không nhất thiết là quân nhân hay được đào tào quân sự.

Mỗi lần luân chuyển cầm quyền, Bộ máy quản trị chính trị thay đổi, người cầm đầu bộ máy quản trị thay đổi, nhưng bộ máy công vụ vẫn giữ nguyên. Như vậy trong chế độ đa đảng, bộ máy công vụ mang tính chất trung tính, phi đảng phái, phi tôn giáo. Luật pháp nghiêm cấm các hành vi chính trị hóa hệ thống công vụ chuyên nghiệp. Bổ nhiệm một quan chức công vụ thành bộ trưởng là có ý đồ tham nhũng.

Tính chất luân chuyển cầm quyền và điều kiện cạnh tranh lành mạnh và khả năng thay thế liên tục, vừa giú tính chuyên nghiệp trong sinh hoạt chính trị, vừa giải tỏa mọi mâu thũân trong sinh hoạt xã hội, làm biến mất các đối kháng giai cấp, tạo ra nền tảng của ổn định bền vững, điều mà nhà nước cộng sản độc đảng hiện nay không thể có được.

Như vậy, trong một Nhà nước dưới chế độ dân chủ đa nguyên,Tổng thống là trung tính. Quốc hội Đa đảng. Quân đội và Cảnh sát phi chính trị. Tòa án và Công tố độc lập. Cơ quan công quyền mang tính đảng hay tính chính trị duy nhất là Chính phủ, nhưng chỉ là bộ phận quản trị chính trị và chỉ có tính nhiệm kỳ, phần cốt lõi của Chính phủ là bộ phận quản trị hành chính công vụ là bộ máy chuyên nghiệp và trung tính.

Đó chính là Nhà nước Trung tính hiện đại, Nhà nước của chế độ Dân chủ, chính trị Đa nguyên.

Paris, 05/01/2017

Bùi Quang Vơm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Quang Vơm
Read 1585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)