Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/02/2017

Hòa giải hòa hợp dân tộc, một lập trường thuần túy vì tình cảm ?

Yến Vương

danchu3

Tổ chức là một hình thái của sự đoàn kết có cơ cấu rõ ràng.

Ngay từ khi mới thành lập năm 1982, chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ, số người không quá mười, thậm chí không có tên, chúng tôi đã lấy lập trường hòa giải hòa hợp dân tộc. Trong lúc mà tất cả mọi tổ chức, kể cả Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam - tiền thân của Đảng Việt Tân - tổ chức lớn nhất với hàng ngàn thành viên, cũng đều chọn lập trường tận diệt người cộng sản, nói không với hòa giải.

Đến ngày hôm nay, từ một nhóm vô danh không quá 10 người bị tất cả các lực lượng chống chế độ phản đối, lập trường hòa giải hòa hợp dân tộc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã được nhiều tổ chức chấp nhận.

Tuy nhiên vẫn còn một số tổ chức chưa chấp nhận nó.

Có nhiều lí do mà các tổ chức này đưa ra để từ chối lập trường đó. Trong đó có một lí do đã thuyết phục được rất nhiều người từ chối lập trường này, đó là "Hòa giải hòa hợp dân tộc chỉ là việc cố tỏ ra đạo đức đến mức thái quá, là việc tình cảm và vô ích, vì chẳng giúp gì cho công cuộc chống lại chế độ".

Cá nhân tôi không cho là vậy.

Việc có một lập trường hòa giải hòa hợp dân tộc là nên có, không chỉ vì vấn đề đạo đức hay tình cảm, mà nó còn giúp ích rất nhiều trong cả con đường tạo dựng dân chủ và làm lại đất nước.

Trước hết, nếu bạn tỏ ra rằng bạn muốn diệt cỏ tận gốc đối với chính quyền , bạn sẽ chỉ làm họ thêm gắn bó với nhau để bảo vệ tính mạng họ. Đây là điều dễ thấy nhất.

Thứ hai, đây là một điều rất khó nhận thấy nếu không có một sự quan sát tinh tế. Đó là chính quyền cộng sản luôn khơi dậy sự chia rẽ dân tộc, trái ngược với sự hòa giải hòa hợp dân tộc.

Đây là một điều có trong logic của chế độ. Chế độ biết nó là thứ độc hại và cần phải biến mất, nên nó luôn lo sợ những sự kết hợp, những người đấu tranh có tổ chức thường được "chăm sóc" tận tình hơn người không có tổ chức, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đặc biệt kêu gọi công an không để hình thành tổ chức đối lập.

Nhưng họ không chỉ sợ tổ chức. Tổ chức là một hình thái của sự đoàn kết có cơ cấu rõ ràng. Có những sự đoàn kết theo hình thái khác, và nó cũng khiến chính quyền lo sợ-như một kẻ bất lương luôn có tật giật mình.

Vì lẽ đó, chính quyền phải luôn tìm cách khợi động những tị hiềm và chia rẽ quần chúng để giữ quần chúng trong thế bất lực.

Logic này, nếu giải thích sẽ rất dễ hiểu.

Quần chúng gồm nhiều thành phần khác nhau, sự khác nhau này tự nó đã là một nguyên nhân chia rẽ, chưa kể là còn có thể có những tị hiềm do lịch sử để lại.

Trong khi đó thì cuộc nổi dây nào của quần chúng cũng bắt đầu từ một biến cố khởi động xẩy ra cho một tập thể quần chúng, nếu tập thể này không được sự hưởng ứng của các tập thể khác, thậm chí còn bị chống đối, thì biến cố này không thể trở thành khởi điểm cho một cuộc nổi dậy của toàn dân.

Đáng lẽ người ta phải để ý thấy điều này từ lâu, qua những ví dụ rõ nét như biến cố Tam Tòa tại Quảng Bình năm 2009, chính quyền cộng sản đã khơi động tinh thần bài công giáo để huy động những phần tử quá khích hành hung các linh mục và giáo dân.

Đẩy xa lí luận hơn nữa, thì chính quyền luôn thuyết phục người dân rằng có những giải pháp riêng rẽ cho các vấn đề, chẳng hạn anh muốn được yên thân thì anh chỉ cần chấp nhận những khoản "tiền bồi dưỡng" cho công an và cán bộ, trong khi đối lập kêu gọi phải có giải pháp chung - tức là thay đổi chế độ.

Chính quyền cố gắng phân tán tối đa đối lập bằng mọi phương tiện, kể cả mua chuộc một số thành phần chống đối hay thành lập những tổ chức đối lập giả hiệu.

Chính quyền cũng cố gắng tạo tâm lý lo sợ những trả thù báo oán để đoàn kết nội bô trong phản xạ tự vệ. Đây là điều mà ta dễ thấy qua những sự kiện như sổ hưu bị đem ra để đe dọa cán bộ già.

Sau cùng, kể cả khi mâu thuẫn kinh khủng đến mức người ta dùng tới bạo lực mà làm cách mạng dân chủ, thì chúng ta cũng chỉ có được dân chủ trên một đống hoang tàn.

Chúng ta có được dân chủ sau khi đã tự bắn vào mình. Việt Nam có được dân chủ sau khi cơ thể đã đầy máu. Nếu muốn một ví dụ, chúng ta có Rumania - một trong những quốc gia kém nhất Châu Âu hiện nay.

Chúng ta khó hình dung ra được chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu nếu có dân chủ theo cách đó.

Vì vậy, chúng tôi kết luận rằng, hòa giải và hòa hợp dân tộc là ngôn ngữ bắt buộc của một đối lập thông minh.

Yến Vương

(Việt Nam, tháng 12/2016)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Yến Vương
Read 907 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)