Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

27/01/2019

Tự do vũ trang và thảm sát trên nước Mỹ

Thạch Đạt Lang

Lại một vụ thảm sát với năm nạn nhân ở 2 giáo xứ cách nhau khoảng gần 50 km, bên ngoài thành phố Baton Rouge, tiểu bang Louisiana.

batonrouge1

Hung thủ đã tấn công đám đông bằng một khẩu tiểu liên AR-15 và một súng ngắn bán tự động - Ảnh minh họa

Theo nguồn tin của cảnh sát Livingston, 2 trong số 5 nạn nhân là Keith và Elizabeth Theriot (cả hai 50 tuổi) được tìm thấy ở giáo xứ Ascension, Gonzales là bố mẹ của kẻ bị tình nghi là hung thủ Dakota Theriot (21 tuổi), 3 người còn lại là Billy Ernest, 43, Tanner Ernest, 17, Summer Ernest, 20 được tìm thấy ở giáo xứ Livingston. Cảnh sát ở Livingston tin rằng vụ thảm sát ở 2 giáo xứ cách nhau gần 50km có liên quan với nhau.

Cảnh sát cũng cho biết đang truy tầm hung thủ và cảnh báo người dân nên cẩn thận vì hung thủ có vũ khí và rất nguy hiểm (1).

Không kể đến những vụ bắn giết nhau bằng vũ khí cá nhân chỉ có 1-2 người chết, chỉ nói đến những vụ thảm sát nhiều nạn nhân để cho thấy khuyến khích tự do vũ trang của ông Donald Trump là một nguy hiểm cho xã hội Mỹ.

Cách đây khoảng hơn một năm rưỡi, it nhất đã có 50 người bị bắn chết và trên 50 người khác bị thương trong một vụ tàn sát tại Pulse Night Club, một hộp đêm của giới đồng tính luyến ái (gay) ở Orlando, tiểu bang Florida vào lúc 2 giờ sáng chủ nhật 12/06/2016.

Đây là vụ bắn giết bằng vũ khí nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hung thủ đã tấn công đám đông bằng một khẩu tiểu liên AR-15 và một súng ngắn bán tự động.

Theo nguồn tin của cảnh sát, hung thủ tên Omar Mateen, 29 tuổi, gốc Hồi giáo, sinh tại New York năm 1986, cư ngụ tại Port Saint Lucie, một thành phố ở phía Nam, cách Orlando khoảng 200 km. Tuy nhiên, theo ông Seddique Mir Mateen, bố của Omar Mateen, vụ bắn giết do Omar, con trai ông gây ra không liên quan gì đến tôn giáo hoặc đạo Hồi. Omar đã tỏ ra vô cùng giận dữ khi thấy hai người đàn ông hôn nhau ít tháng trước ở Miami.

Omar Mateen là một nhân viên an ninh năng nổ, có giấy phép mang vũ khí, theo lời của thân nhân, Mateen đang làm việc cho một công ty phụ trách an ninh.

Theo nguồn tin của FBI tiết lộ với NBC News, họ đã để ý đến Omar Mateen từ năm 2013, sau khi Omar phải làm một tờ khai về những tuyên truyền quá khích về đạo Hồi.

Đặc vụ Ron Hopper, người chịu trách nhiệm điều tra về cuộc thảm sát nói rằng, họ bắt đầu lưu ý đến Omar Mateen khi hắn có những ý kiến công kích hung bạo các đồng nghiệp. Tuy nhiên hồ sơ sau đó bị đóng lại vì FBI không thể chứng minh được Omar Mateen có liên hệ chặt chẽ với những người Hồi giáo cực đoan, quá khích.

Năm 2014, FBI lại thẩm vấn Mateen một lần nữa và họ đước biết rằng có thể Mateen đang có liên hệ đến một kẻ có ý định nổ bom tự sát. Nhưng hồ sơ sau đó cũng bị đóng vì FBI thấy rằng những liên lạc quá lỏng lẻo và không thuyết phục.

Theo lời cơ quan hữu trách, Mateen đã thề trung thành với ISIS trong một cuộc gọi điện thoại, đồng thời Mateen cũng nhắc đến hai anh em Dzhokhar Tsarnaev và Tamerlan Tsarnaev, những kẻ đã đặt bom trong cuộc chạy đua Marathon ở Boston ngày 15/04/2013 làm chết 3 người, bị thương 264 người khác.

Trevor Velinor, phụ tá điều tra của phòng đặc nhiệm về rượu, thuốc, chất nổ, vũ khí, cho biết Mateen đã mua hai khẩu súng trong tuần lễ trước đó một cách hợp pháp.

Mateen có quốc tịch Mỹ nhưng một số thân nhân của hắn thì không. Sở cảnh sát cho biết, nhưng không tiết lộ những thân nhân này từ đâu tới.

Seddique Mir Mateen, bố của thủ phạm, ngỏ lời ân hận về hành động của con trai mình, đồng thời chia buồn với toàn thể mọi người. Ông nói : Tôi bị chấn động như tất cả mọi người cũng như không thể chấp nhận những hành động con trai tôi làm.

Trong lúc đó, người trả lời điện thoại ở địa chỉ của Mateen, Mustafa Abasin nói với NBC News :- Chúng tôi bị sốc và rất buồn vì biến cố.

Mustafa không không nói đã quen Mateen như thế nào nhưng cho biết đã giúp đỡ cảnh sát.

Alan Grayson, một đảng viên Cộng Hòa ở khu vực bị thảm sát nói rằng : - Cuôc bắn giết không phải là tình cờ, nó đã được chuẩn bị từ nơi chốn đến địa điểm. Đây là một hành động của tội ác, xuất phát từ lòng căm thù (2).

Vụ thảm sát này xẩy ra chỉ hơn 6 tháng sau vụ bắn giết ở San Bernardino ngày 02/12/2015.

Hai kẻ khủng bố, Syed Rizwan Farook 28 tuổi và vợ Tashfeen Malik 27 tuổi đã dùng súng tiểu liên M&P15, A15 để bắn chết 14 người, làm bị thương 21 người khác.

Hai kẻ sát nhân sau đó chạy trốn trên một chiếc xe SUV Ford Explorer và bị bắn chết trong một cuộc chạm súng ngắn ngủi 45 giây với 21 cảnh sát.

Trong 45 giây đồng hồ giao tranh, cảnh sát đã bắn tất cả 380 viên đạn, hai vợ chồng Syed Farook bắn 76 viên. Sau khi cả hai bị bắn chết, cảnh sát tìm thấy trên chiếc Ford Explorer của họ còn 1.600 viên đạn. Hai tên khủng bố đã chuẩn bị một cuộc tàn sát khủng khiếp với số đạn này.

Cha mẹ Syed Farook là người Pakistan nhưng Syed sinh trưởng ở Mỹ, Tashfeen Maalik cũng là người Pakistan, qua Mỹ theo diện hứa hôn với Syed Farook.

Theo lời kể của cha Syed Farook, một người Muslim, thì con trai ông cũng theo đạo muslim và là kẻ rất ngoan đạo, chỉ biết cầu nguyện, đi làm, cầu nguyện.

Trước đó 2 tháng, một vụ thảm sát khác tại khuôn viên trường đại học cộng đồng Umpqua (Umpqua Community College) ở Oregon vào ngày thứ năm 01.10.2015 khiến cho 10 người chết và 20 người khác bị thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nguyên nhân của vụ thảm sát vẫn chưa được xác định rõ rệt, nhưng theo lời kể của các nhân chứng thì nguyên nhân có thể là lý do tôn giáo, bởi sát thủ, trước khi bắn nạn nhân đã hỏi rằng họ có phải là người Thiên chúa giáo không ? CNN thuật lại lời của một sinh viên 18 tuổi bị trúng đạn vào lưng.

Những nhân chứng khác cũng thuật lại lời họ nghe được từ kẻ sát nhân như sau :

"Nếu tụi bay là người Thiên chúa giáo thì Chúa sẽ đến với tụi bay trong vài giây tới".

Nói xong, tên sát nhân xả súng bắn vào họ. Cũng có nhân chứng thuật lại rằng khi bị hỏi có phải là người Thiên Chúa giáo không, nếu câu trả lời là „Yes" thì bị bắn vào đầu, nếu là „No" thì bị bắn vào chân. Trong số người chết cũng có một giảng sư (Lecturer) trúng đạn vào đầu.

Cả 3 vụ thảm sát nói trên đều có nguyên nhân tôn giáo, nhưng nguyên nhân chính là ở Mỹ, để có một khẩu súng giết người hàng loạt trong tay là một điều không quá khó khăn.

Tổng thống Obama, người đã cố gắng tìm cách thay đổi đạo luật sử dụng, tàng trữ vũ khí cá nhân, một lần nữa nhân vụ thảm sát ngày 02/12/2015, đã kêu gọi quốc hội phải xem xét lại luật lệ này. Ông nói :

"Chúng ta là cường quốc duy nhất trên thế giới cứ vài tháng lại xẩy ra một vụ bắn giết. Chúng ta đã không có hành động gì cụ thể để có thể ngăn chặn những sự việc đau buồn này tái diễn, để rồi ngồi than khóc các người thân của chúng ta".

Cả 3 vụ thảm sát nói trên đều có nguyên nhân tôn giáo, nhưng nguyên nhân chính là ở Mỹ, để có một khẩu súng giết người hàng loạt trong tay là một điều không quá khó khăn.

Khi nào những công ty sản xuất vũ khí Mỹ vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trong quốc hội Hoa Kỳ bởi những Lobbyist, thì lời tuyên bố của Tổng thống Obama vẫn không có tác dụng gì để có thể thay đổi được đạo luật nhất là khi tổng thống đương nhiệm Donald Trump lại khuyến khích người dân nên tự do vũ trang.

Thạch Đạt Lang

(27/01/2019)

(1) https://www.huffingtonpost.com/entry/louisiana-parish-shooting_us_5c4cc27be4b0e1872d445c46?ncid=fcbklnkushpmg00000013&section=politics&utm_medium=facebook&utm_source=politics_fb&utm_campaign=hp_fb_pages&fbclid=IwAR1qLd5r1XjdW1_b7TlOs6szZEPdWFk-7gTAa_cK5vUbXF4W2anNwWywzlc

(2) http://www.nbcnews.com/storyline/orlando-nightclub-massacre/orlando-nightclub-shooting-emergency-services-respond-reports-gunman-n590446

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thạch Đạt Lang
Read 1369 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)