Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

22/02/2019

Po Dharma không còn nữa

Nguyễn Văn Huy

Ban biên tập Thông Luận vô cùng thương tiếc thông báo cùng quý độc giả Thông Luận tin buồn :

Nhà văn hóa sử học Po Dharma vừa từ trần ngày 21/02/2019 tại thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp, sau một cơn bạo bệnh, hưởng thọ 74 tuổi.

Lễ hỏa thiêu sẽ được cử hành tại Toulouse ngày 26/02/2019.

Ban biên tập Thông Luận chân thành chia buồn cùng gia đình Po Dharma, một thân hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tại Pháp.

podharma1

Di ảnh Phó Giáo sư Tiến sĩ Po Dharma

Po Dharma tên thật là Quảng Văn Đủ, sinh năm 1945 (trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp ghi năm sinh của ông là 1948) tại thôn Chất Thường (palei Baoh Dana), xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là một nhà nghiên cứu văn hóa sử người Chăm.

Sau khi gia nhập tổ chức Fulro tại Campuchia năm 1968, ông Quảng Đại Đủ đổi tên thành Po Dharma. Po theo tiếng Phạn cũ là tên gọi tôn kính một cấp lãnh đạo hay một chức sắc, Dharma ở đây không mang nghĩa Phật giáo mà chỉ là ký hiệu tiếng chăm của tên Đại Đủ. Từ đó Po Dharma trở thành tên gọi chính thức của Quảng Đại Đủ trong mọi giao dịch và tác phẩm nghiên cứu. Tại Pháp, tên chính thức của ông la Po Dharma Quang.

Xuất thân từ một gia đình nông dân gồm 7 anh chị em, Po Dharma là người duy nhất trong gia đình tốt nghiệp đại học. Tháng 9/1972 ông được đưa sang Pháp du học và theo đuổi nghiệp nghiên cứu sử và văn hóa người Chăm vùng Phan Rang cho đến khi từ trần.

Sinh trưởng trong lãnh thổ của vương triều Panduranga-Champa cũ (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay), Po Dharma đã dành trọn thời gian của đời mình để nghiên cứu và phục hồi bản chất chăm trong lãnh vực lịch sử và văn hóa. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu trong lãnh vực này.

Trong thời gian còn là học sinh, từ 1966 đến 1968, Po Dharma là thành viên tích cực trong phong trào bảo vệ văn hóa chămpa trong môi trường Việt Nam ở Phan Rang. Trốn sang Campuchia tháng 9/1968, Po Dharma tham gia phong trào Fulro và là thành viên tích cực của lực lượng này tại xứ Chùa Tháp. Tốt nghiệp trường liên quân Cao Miên (Ecole Militaire Interarmes du Cambodge) năm 1969 và sau nhiều thương tích trong chiến đấu võ trang, tháng 9/1972 Po Dharma được chính quyền Lon Nol cho sang Pháp du học. Năm 1978 ông tốt nghiệp cử nhân tại Phân khoa Lịch sử và văn tự học (Sciences historiques et philologiques) thuộc Đại học Sorbonne, năm 1980 đậu cao học tại Trường Cao đẳng thực hành (Ecole pratique des hautes études-EPHE) và năm 1986 tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Paris-III (Sorbonne).

Năm 1972, Po Dharma gia nhập Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole française de l'Extreme-Orient-EFEO) với tư cách là cộng tác viên kỹ thuật chuyên về lịch sử và nền văn minh Chămpa và năm 1982 trở thành thành viên khoa học biên chế của trường. Năm 1987, ông được gửi sang Mã Lai để mở và tổ chức điều hành chi nhánh của trường EFEO tại Kuala Lumpur. Trở về lại Paris năm 1993, Po Dharma là giảng viên tại Trường Cao đẳng khoa học xã hội (Ecole des hautes études en sciences sociales-EHESS).

Năm 1999, Po Dharma được cử làm giám đốc chi nhánh của trường EFEO tại Kuala Lumpur. Năm 2003, ông lên chức Phó Giáo sư của trường EFEO và giảng dạy tại nhiều trường đại học Pháp (EFEO, EHESS, INALCO) và nước ngoài như đại học Malaya, đại học Kebangsaan (Mã Lai), đại học Tokyo (Nhật Bản), đại học Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Tây (Trung Quốc). Ông cũng thường có mặt trên các diễn đàn khoa học quốc tế ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ để trình bày những đề tài liên quan đến Chămpa.

Về hưu năm 2016, Po Dharma đã cùng gia đình dọn nhà từ Sarcelles, một thành phố ngoại ô phía bắc Paris, về Toulouse, một thành phố nắng ấm miền Nam nước Pháp dưới chân núi Pyrénées.

Bên cạnh chuyên đề nghiên cứu và giảng dạy, Po Dharma còn nằm trong phái bộ trực thuộc Bộ Ngoại giao Pháp ở Kuala Lumpur để điều hành chương trình hợp tác song phương Pháp-Mã Lai về vấn đề xã hội và nhân văn, đào tạo sinh viên cấp thạc sĩ và tiến sĩ chuyên về lịch sử và văn hóa Chămpa và tổ chức hơn 15 hội thảo quốc tế về mối liên hệ giữa Chămpa và thế giới Mã Lai, đặc biệt là các nguồn phương ngữ Đông Dương (Indochina), Mã Lai và Nam Á (Austronesian).

Trong hơn 40 năm làm việc trong ngành nghiên cứu khoa học và xã hội Chămpa, Po Dharma đã xuất bản 14 tác phẩm khoa học về lịch sử và văn hóa Chămpa ; tập trung hơn 2.565 trang viết bằng tiếng Pháp và song ngữ Pháp-Mã Lai. Ông cũng từng làm chủ biên của 7 công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa Chămpa và thế giới Mã Lai, tổng cộng hơn 1.283 trang, 45 bài khảo luận đăng rải rác trên mặt báo chí khoa học trên thế giới tập trung gần 700 trang.

Các tác phẩm của Po Dharma, dựa trên tài liệu lưu trữ và bản thảo viết bằng chữ viết tay, tập trung vào lịch sử và nền văn minh Chămpa từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX. Ông đã cùng với Giáo sư Pierre-Bernard Lafont thực hiện một bản danh mục gồm các bản thảo thư viện Pháp và thư mục về Chămpa và Chăm, một bài phê bình về các tác phẩm của những người tiên phong nghiên cứu về chữ chăm. Ngoài ra Po Dharma còn cho xuất bản một tài liệu văn hóa bằng tiếng chăm cổ. Nhưng công trình đóng góp phục hồi và lưu trữ lịch sử và văn hóa chăm đáng kể nhất của Po Dharma là đã vi tính hóa các bản thảo và tài liệu lưu trữ bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của thời gian (Bộ sưu tập nghiên cứu các bản thảo chăm, bản sao lại các bản thảo chăm).

Đối với những nhà sử học và dân tộc học, công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử lãnh địa Panduranga-Champa cổ (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) của Po Dharma rất là quí giá vì tính khoa học và khách quan của nó. Po Dharma đã đối chiếu của nguồn sử liệu của hoàng gia Chămpa với biên niên sử Việt Nam, biên niên sử Khmer, biên niên sử Malay cũng như những câu chuyện về du khách Châu Âu.

Đài SBTN phỏng vấn Tiến sĩ Po Dharma

Bên cạnh những công trình khoa học viết bằng tiếng Pháp và Mã Lai, Po Dharma còn là tổng biên tập của Tập San Chămpaka viết bằng tiếng Việt dành cho độc giả Chăm và Việt Nam muốn tìm hiểu lịch sử và nền văn minh Chămpa. Hình thành vào năm 1999 do IOC-Chămpa ấn hành, Tập San Chămpaka ra mắt cho đến hôm nay là 14 số, tập trung những bài viết có giá trị khoa học của những nhà nghiên cứu trên thế giới và một số trí thức Chăm ở hải ngoại, tổng cộng hơn 2.000 trang.

Song song với trách nhiệm điều hành Tập san Chămpaka, Po Dharma còn là sáng lập viên của trang web champaka.info, ra mắt vào ngày 1/4/2012, cơ quan ngôn luận duy nhất của dân tộc Chăm trên thế giới nhằm bảo vệ danh dự, quyền lợi và di sản văn hóa của dân tộc này. Website champaka.info còn là trung tâm tư liệu chứa đựng hàng ngàn trang của bài viết về lịch sử và nền văn minh Chămpa.

Công trình lớn nhất mà Po Dharma đã thực hiện tái bản Archives royales du Champa viết từ năm 1702 cho đến triều đại Tự Đức (1847-1883) tập trung 4.402 trang viết bằng ký tự Akhar Thrah Chăm được chứng thực bởi 408 ấn triện mà nhà Nguyễn ban cho vương quốc Chămpa. Mục tiêu của chương trình này nhằm trình bày mỗi trang tư liệu hoàng gia có hình nguyên gốc, kèm theo bản chuyển ngữ Latin và phần tóm tắt về nội dung.

Sự ra đi của Po Dharma là một mất mát lớn cho dân tộc Việt Nam, ông là một trí thức, một nhà nghiên cứu làm việc có phương pháp, những công trình nghiên cứu của ông mang tính khách quan và khoa học xứng đáng là những tài liệu tham khảo có giá trị.

Đối với cộng đồng người Chăm, sự ra đi của Po Dharma còn hơn một sự mất mát, đó là sự hụt hẫng về lãnh đạo tinh thần và văn hóa. Cũng may là Po Dharma đã để lại cho các thế hệ trẻ chăm một gia tài văn hóa khổng lồ cần phải giữ gìn và vinh danh trong lòng dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Văn Huy

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 2229 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)