Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

13/03/2017

Việt Nam sẽ "khốn đốn" với Donald Trump ?

Việt Hoàng

Việc Donald Trump đắc cử và trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ đã và đang gây ra một cú sốc cho toàn thế giới. Tất nhiên là như vậy vì Mỹ là cường quốc số 1 thế giới. Mọi thay đổi chính sách của chính quyền Mỹ đều ảnh hưởng lớn và làm thay đổi cục diện của thế giới. Đầu tiên là kinh tế.

vietmy1

Tổng thống Donald Trump và khẩu hiệu "Hoa Kỳ trên hết"

Khẩu hiệu được Donald Trump nhắc đi nhắc lại đó là "nước Mỹ trên hết", ông hứa sẽ đem công việc về cho người Mỹ và làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Một "cuộc chiến thương mại" giữa Mỹ với thế giới sẽ được phát động, đương nhiên là Mỹ sẽ chiến thắng và có lợi trong cuộc chiến này, vì thị trường Mỹ và Châu Âu là hai thị trường tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất thế giới. Hàng năm Mỹ thâm thủng ngoại thương rất lớn với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, với khoảng 350 tỉ USD.

Tiến trình "toàn cầu hóa" và "tự do thương mại" đã đem lại rất nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển. Hàng hóa được tự do lưu thông khắp thế giới và đem lại nhiều công ăn việc làm, thậm chí là sự giàu có cho nhiều quốc gia. Trong tiến trình toàn cầu hóa này thì Mỹ vừa có lợi vừa không có lợi. Mỹ có lợi là hàng hóa kỹ thuật cao của Mỹ có mặt khắp nơi và đem về cho các công ty tài chính và công nghệ cao của Mỹ những khoản lợi nhuận khổng lồ. Ví dụ, theo tạp chí Forbes, trong năm 2016 công ty Apple có doanh thu 233 tỷ USD, lợi nhuận 53 tỷ USD và khối tài sản 239 USD, giá trị vốn hóa thị trường lên tới 586 tỷ USD. Trong danh sách 25 công ty có doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường lớn nhất thế giới thì Mỹ có đến 14 công ty (1).

Tuy nhiên, ở phía ngược lại, Mỹ cũng là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Mỹ nhập khẩu mọi thứ nhưng chủ yếu vẫn là hàng hóa sử dụng nhiều lao động với kỹ nghệ thấp. Các nước nghèo và đang phát triển phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ. Về một mặt nào đó thì có thể nói rằng Mỹ đang "hy sinh" và giúp đỡ cho các nước khác. Sự "hy sinh" cho tiến trình toàn cầu hóa của Mỹ giúp người dân các nước đang phát triển có cơ hội cải thiện cuộc sống của mình và thoát nghèo, đồng thời người dân Mỹ có cơ hội tiếp cận với sự phong phú của các loại hàng hóa giá rẻ. Mặt trái của toàn cầu hóa là tạo ra một sự cạnh tranh không lành mạnh (phá giá) của các nước đang phát triển, điều đó gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ và kéo theo là sự thất nghiệp của một số ngành nghề tại Mỹ.

Các chính trị gia thiển cận, mị dân tại Mỹ và Châu Âu đã khai thác tối đa mặt trái mà toàn cầu hóa mang lại. Sự "hy sinh" của Mỹ và Châu Âu trong tiến trình toàn cầu hóa đã mang lại phồn vinh và hòa bình cho thế giới suốt 70 năm qua và đó là cái giá hoàn toàn xứng đáng. Để thuyết phục và động viên người dân hiểu rõ vấn đề và chấp nhận mặt trái của toàn cầu hóa là một công tác đòi hỏi nhiều thời gian, sự bền bĩ và một "tư tưởng chính trị" dẫn đường của các nhà lãnh đạo lương thiện, đặc biệt là các chính trị gia có bản lĩnh và có viễn kiến. Rất tiếc là khi "làn sóng dân chủ thứ ba" đang dâng lên mãnh liệt sau khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên xô tan rã, thì Mỹ dưới thời tổng thống Clinton, với chính sách thực tiễn đặt kinh tế lên trên các giá trị tự do và dân chủ, đã làm khựng lại làn sóng này.

Việc phát triển kinh tế bằng mọi giá và sẵn sàng hy sinh các giá trị đạo đức của Mỹ và Châu Âu đã dẫn đến kết quả buồn mà ngày hôm nay chúng ta đang chứng kiến là việc Anh rời EU và Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

"Thêm vào đó, thể hiện kinh tế của chủ nghĩa thực tiễn là chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích tiêu thụ, ngay cả với cái giá phải trả là cán cân thương mại thâm thủng nặng, song song với đầu cơ bất động sản và chứng khoán. Chính sách này trong một thời gian dài đã hỗ trợ các chế độ độc tài bạo ngược tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác. Các chế độ này đã có thể thực hiện chính sách mở cửa kinh tế để khai thác sự nghèo khổ mà chính chúng là nguyên nhân : bóc lột tối đa công nhân để xuất khẩu thật nhiều với giá thật rẻ, lôi kéo du khách nhờ dịch vụ du lịch rẻ. Chủ nghĩa thực tiễn đã cho phép các chế độ độc tài còn lại, kể cả các tàn dư của chủ nghĩa cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, tiếp tục tồn tại thậm chí mạnh lên về kinh tế" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Với việc Mỹ và EU "rút lui" khỏi quá trình toàn cầu hóa thì số phận của các chế độ độc tài coi như đang kết thúc. Lý do duy nhất để biện minh cho sự tồn tại của các chế độ độc tài là phát triển kinh tế nay đã không còn nữa. Nền kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn cực kỳ khó khăn và sẽ có tác động không nhỏ đến tình hình chính trị thế giới. Việt Nam sẽ là một trong những nước gặp khủng hoảng lớn dưới thời tổng thống Donald Trump. Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được xem xét lại, dù rằng không lớn với Mỹ nhưng lại là tất cả đối với Việt Nam : 30 tỉ USD mỗi năm.

vietmy2

Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn đặt những giá trị tự do dân chủ lên trên quyền lợi kinh tế

Nhiều người đã cố gắng tìm hiểu các chính sách của chính quyền Mỹ xem nó tác động thế nào đến Việt Nam nhưng vẫn chưa thấy có gì rõ ràng. Sự thật thì Donald Trump không có thời gian và bất cứ một ưu tư nào dành cho một nước nhược tiểu như Việt Nam. Với sự tố cáo mạnh mẽ của các tổ chức bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự Mỹ thì sự gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam trong thời gian vừa qua sẽ là cái cớ (tuyệt vời và chính đáng) để chính quyền Mỹ cắt giảm và hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng như đóng băng mọi khoản vay mượn tiền bạc từ các định chế tài chính Mỹ và quốc tế. Châu Âu cũng đang gây sức ép tương tự như vậy lên Việt Nam, một thông điệp khá rõ ràng mà phái đoàn Quốc hội Châu Âu tại Hà Nội ngày 23/2/2017 gửi đến chính quyền Việt Nam là : Không nhân quyền sẽ không phê chuẩn Hiệp ước Tự do Thương mại Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (2).

Chính quyền Việt Nam chớ vội mừng và phong trào dân chủ Việt Nam chớ phải lo rằng tình hình có vẻ tốt lên hay xấu đi trong thời gian tới vì chính quyền Trump không quan tâm gì đến nhân quyền. Mỹ, Châu Âu và các nước dân chủ đang trong giai đoạn "xét lại" đau nhức về toàn cầu hóa, về tự do thương mại và về các giá trị nền tảng tạo ra sự thịnh vượng cho thế giới (là tự do và dân chủ). Sau sự vấp ngã này các nước dân chủ sẽ điều chỉnh lại sinh hoạt kinh tế toàn cầu và tôn vinh trở lại các giá trị đạo đức nền tảng đã bị lãng quên sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ.

Trái ngược với nhiều ý kiến bi quan, anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rất lạc quan và tin rằng làn sóng dân chủ thứ 4 vẫn đang trào dâng mãnh liệt và sẽ quét đi các nước độc tài còn lại trên thế giới. Việt Nam đã sai lầm khi chọn đứng về phía Trung Quốc, vì bản thân Trung Quốc cũng đang khốn đốn và bế tắc. Những hành động gia tăng đàn áp người dân gần đây như bỏ tù Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), Nguyễn Văn Đài, Trần Thị Nga, đánh đập mục sư Nguyễn Trung Tôn (Hội Anh Em Dân Chủ), tấn công và hành hung các thành viên Hội Đồng Liên Tôn tại Vĩnh Long ngày 13/02, hành hung Linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc tại Nghệ An ngày 14/02 và ông bà Huỳnh Anh Tú - Phạm Thanh Nghiên tại Hải Phòng ngày 28/02… chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam đang lâm vào bế tắc và bất lực. Họ không còn khả năng để thay đổi.

Đã đến lúc trí thức Việt Nam trong, cũng như ngoài đảng cộng sản cần tập hợp lực lượng và đứng cùng nhau trong một tổ chức hoặc một liên minh dân chủ để làm một cuộc "cách mạng dân chủ" thay thế cho giải pháp cộng sản đã hết thời và bế tắc.

Việt Hoàng

(13/03/2017)

(1) http://genk.vn/forbes-apple-van-dung-top-dau-25-cong-ty-gia-tri-nhat-hanh-tinh-2016053021452894.chn

(2) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/02/phai-oan-quoc-hoi-chau-au-en-viet-nam.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 13372 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)