Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

30/04/2019

Bài học chính trị lớn từ nước Pháp

Nguyễn Gia Kiểng

Buổi thuyết trình và họp báo của tổng thống Macron đã thất bại. Cũng như cái gọi là "cuộc thảo luận lớn trên quy mô quốc gia" mà ông muốn đúc kết. Lý do là vì Pháp, cũng như mọi nước dân chủ lớn, đang trải qua một cuộc khủng hoảng tư tưởng đòi hỏi xét lại những khái niệm và giá trị nền tảng sau khi trong một thời gian dài tư tưởng chính trị đã không theo kịp các đảo lộn về khoa học, kỹ thuật và nếp sống. Cuộc thảo luận đã chỉ tập trung vào những vấn đề cụ thể trong khi người ta không thể thỏa hiệp trên những biện pháp cụ thể nếu chưa nhìn rõ những vấn đề nền tảng.

 

 

macron0

Từ ngày 15/01/2019, nước Pháp đã có một cuộc Thảo luận quốc gia lớn - Le Grand Débat National - về hiện tình và tương lai đất nước…

Trong ba tháng qua, chính xác là từ ngày 15 tháng 01, nước Pháp đã có một cuộc Thảo luận quốc gia lớn - Le Grand Débat National - về hiện tình và tương lai đất nước. Các cuộc thảo luận được tổ chức ở mọi tỉnh và thành phố. Tổng thống Emmanuel Macron cũng đi khắp nơi tham gia giải thích và đối thoại, như thủ tướng và các bộ trưởng của ông. Chưa bao giờ nước Pháp có một cuộc thảo luận chính trị lớn và kéo dài như thế. Tuy vậy tất cả các bạn Pháp của tôi, kể cả những trí thức quan tâm đến tình hình chính trị, đều có cùng một câu trả lời khi tôi hỏi họ đã ghi nhận được những gì qua cuộc thảo luận này. Họ đều nói "không có gì hết", rien du tout. Con voi đã đẻ ra con chuột. Có một cái gì đó rất không bình thường cần được nhìn rõ.

Thảo luận để nhượng bộ và chữa cháy

Trước hết cần nhắc lại lý do và hoàn cảnh của cuộc "thảo luận quốc gia lớn" này. Từ ngày 17/11/2018 nước Pháp đã sôi động với những cuộc biểu tình của những người mặc "áo vàng", áo không tay, bằng vải nhựa của các công nhân công trường hay những người hư xe bên đường đang sửa xe hoặc chờ được cứu trợ. Lý do tức khắc của các cuộc biểu tình này là để phản đối quyết định tăng thuế xăng dầu. Những cuộc biểu tình này không do một chính đảng, hay một công đoàn, hay ngay cả một tổ chức xã hội dân sự nào kêu gọi và tổ chức. Chúng thuần túy tự phát, do những người dân thường dùng mạng xã hội rủ nhau và hẹn nhau đi biểu tình.

Điều ngạc nhiên là họ đã tập trung được hàng trăm nghìn người trên một lý do không mấy quan trọng bởi vì giá xăng chỉ tăng khoảng 2%, dầu tuy tăng gần 10% nhưng vẫn còn rẻ hơn xăng. Hơn nữa biện pháp tăng thuế xăng dầu đã được chuẩn bị từ lâu về mặt tâm lý như là một biện pháp giới hạn sử dụng xe ôtô, nhất là ôtô chạy bằng dầu, để giảm ô nhiễm và có vẻ đã ít nhiều được chấp nhận. Thì ra việc tăng giá xăng dầu chỉ là giọt nước làm tràn bình. Các băng rôn và khẩu hiệu Macron dégage ! (Macron, cút đi !) cũng cho thấy là cuộc biểu tình này nhắm trước hết chống tổng thống Macron bị một thành phần khá đông nhìn như là le président des riches (tổng thống của người giầu). Cách nhìn này hơi oan. Macron tuy sinh ra trong một gia đình giầu có, làm việc trong giới ngân hàng và được giới tài phiệt hỗ trợ nhưng là một người hiểu biết, yêu nước, có viễn kiến và có trách nhiệm. Tuổi trẻ và sự thành công đôi khi làm ông lạc lối vào sự cao ngạo -như khi tự ví với Jupiter, khi nói có những người thất nghiệp vì làm biếng, hay khi bảo một thanh niên đang thất nghiệp rằng anh ta chỉ cần "qua bên kia đường", hàm ý làm một cố gắng nhỏ, là có việc làm ngay- nhưng Emmanuel Macron hoàn toàn không giống Donald Trump. Hai việc làm gây chú ý nhất của ông là bãi bỏ thuế người giầu chỉ giữ lại thuế trên tài sản nhà đất và nhất là làm lại luật lao động mới. Cả hai đều đúng và cần thiết nhưng đều được nhìn như nhắm phục vụ các công ty, hay giới chủ nhân, hơn là giới công nhân.

macron2

Khải Hoàn Môn Paris và nhiều công trình, cửa hàng tại nhiều nơi bị những người mặc áo vàng đốt phá.

Trong cuộc biểu tình đầu tiên ngày 17/11/2018 họ tập hợp được gần 300.000 người trên cả nước. Đúng là một thành công kỷ lục đối với những người chỉ biết nhau trên mạng. Một cuộc thăm dò dư luận ngay sau đó cho thấy là hơn 80% người Pháp ủng hộ họ. Trong thứ bẩy sau đó số người tham gia biểu tình còn đông hơn và bắt đầu có bạo lực. Khải Hoàn Môn Paris và nhiều công trình, cửa hàng tại nhiều nơi bị đốt phá. Phản ứng của Macron và chính phủ của ông, như thường lệ, là không nhượng bộ gì hết. Họ dõng dạc tuyên bố là vẫn giữ vững lập trường. Trong thâm tâm chắc chắn họ nghĩ rằng những cuộc biểu tình không có tổ chức này sẽ mất khí thế nhanh chóng. Họ đã lầm to. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục mỗi thứ bảy và ngày càng gay cấn hơn. Số người chết và bị thương ngày càng nhiều (cho đến nay đã có 11 người chết và hơn 4.000 người bị thương, hơn 10.000 người bị bắt trong đó hơn 2.000 bị giải tòa và hơn 400 bị tù giam). Thêm vào đó các cuộc biểu tình của giáo chức và học sinh, của các bác sĩ và y tá, của nông dân và cả cảnh sát càng đóng góp gây ra tình trạng hỗn loạn mà những người biểu tình áo vàng mong muốn, trong khi đại đa số người Pháp vẫn ủng hộ họ. Chính phủ Macron bối rối thấy rõ. Riêng tổng thống Macron, thông thường đầy tự tin, hoàn toàn im lặng, gần như biến mất trong gần một tháng. Rồi tái xuất hiện không những nhượng bộ trên tất cả các biện pháp thuế khóa mà còn nhận khuyết điểm, tăng lương, thêm tiền thưởng. Gần như đầu hàng. Các nhượng bộ được ước lượng là sẽ gây tốn kém cho ngân sách hơn 10 tỷ Euro mỗi năm, sau những thiệt hại trên 15 tỷ Euro do các cuộc biểu tình gây ra. Đồng thời ông Macron cũng thông báo là sẽ mở một cuộc thảo luận lớn trên quy mô quốc gia về tất cả những vấn đề lớn của đất nước bắt đầu từ ngày 15/01/2019.

Lớn thực nhưng vô ích

Câu hỏi đầu tiên mà người ta có thể và phải đặt ra là có thể nào tổ chức được một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh, chưa nói là "thảo luận lớn trên quy mô quốc gia", trong không khí sôi động và đốt phá như vậy không ?

Và rồi thế nào là những vấn đề lớn ? Đó là những vấn đề nền tảng hay chỉ là những vấn đề đang gây căng thẳng ? Đâu là những vấn đề lớn của nước Pháp ? Thảo luận theo nhật thứ nào? Những ai được ưu tiên phát biểu ? v.v.

Sau một tuần lễ lúng túng. Chính quyền quy định cuộc thảo luận sẽ tập trung vào bốn chủ đề chính : chuyển tiếp môi sinh, thuế và chi tiêu công cộng, dân chủ và tư cách công dân, tổ chức bộ máy nhà nước và các dịch vụ công cộng.

Vào ngày 18/03, khi cuộc thảo luận được coi là đã kết thúc vì thời gian thảo luận dự trù đã hết, một thống kê cho biết là đã có 10.452 cuộc họp và gần hai triệu ý kiến được phát biểu, chính xác là 1.932.884 góp ý được ghi lại trong 16.000 sổ góp ý và hơn 10.000 điện thư. Nếu căn cứ vào những con số này thì đúng là một cuộc thảo luận rất lớn. Tuy vậy, như đã nói ở đầu bài này, không ai ghi nhận được một ý kiến quan trọng nào cả. Các chủ đề đều không được tôn trọng. Các cuộc thảo luận chủ yếu chỉ xoay quanh những vấn đề thường ngày đã được tranh cãi từ rất lâu rồi và trên đó không thể có đồng thuận vì ai cũng có lý : thuế, mãi lực, các trường học, các nhà hộ sin,h v.v. Đa số các nhóm áo vàng tuyên bố ngay từ đầu là không tham dự vì nguyện vọng của họ là đòi tổng thống Macron từ chức chứ không phải là những yêu cầu cụ thể.

Tổng thống Macron tuyên bố sẽ đúc kết cuộc thảo luận quốc gia này trong một diễn văn vào ngày thứ hai 15/04, sau đó sẽ họp báo ngày 17/04 để trả lời mọi thắc mắc. Ngày 15/04, một giờ trước diễn văn, nhà thờ Notre Dame de Paris, di sản lịch sử quý nhất của nước Pháp và được thăm viếng nhiều nhất trên thế giới, bốc cháy. Diễn văn được hoãn lại. Sau cùng diễn văn được gom lại với cuộc họp báo ngày 25/04 trong đó ngoài cố gắng lấy lại cảm tình của quần chúng, ông công bố những biện pháp cụ thể như đóng cửa trường Quốc Gia Hành Chính (ENA), giới hạn số học trò tiểu học ở mức tối đa 24 em mỗi lớp v.v. Biến cố này được đưa lên các đài truyền hình cho cả nước Pháp trực tiếp theo dõi. Kết quả là không một nhà báo nào hài lòng và một thăm dò dư luận sau đó cho thấy 80% người Pháp cho rằng đúc kết của Macron sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng, 64% còn cho rằng các biện pháp mà ông công bố sẽ không thể thực hiện được một cách đúng đắn. Những người Áo Vàng tuyên bố sẽ "đi tới cùng" và một nửa người Pháp cho biết vẫn ủng hộ họ.

Những lý do của một thất bại biết trước

Buổi thuyết trình và họp báo của tổng thống Macron như vậy đã thất bại. Cũng như cái gọi là "cuộc thảo luận lớn trên quy mô quốc gia" mà ông muốn đúc kết. Lý do là vì Pháp, cũng như mọi nước dân chủ lớn, đang trải qua một cuộc khủng hoảng tư tưởng đòi hỏi xét lại những khái niệm và giá trị nền tảng sau khi trong một thời gian dài tư tưởng chính trị đã không theo kịp các đảo lộn về khoa học, kỹ thuật và nếp sống. Cuộc thảo luận đã chỉ tập trung vào những vấn đề cụ thể trong khi người ta không thể thỏa hiệp trên những biện pháp cụ thể nếu chưa nhìn rõ những vấn đề nền tảng mà cuộc cách mạng 4.0 và phong trào toàn cầu hóa đang đòi hỏi phải nghĩ lại một cách triệt để.

Cả bốn chủ đề thảo luận -chuyển tiếp môi sinh, thuế và chi tiêu công cộng, dân chủ và tư cách công dân, tổ chức bộ máy nhà nước và các dịch vụ công cộng- đều chưa phải là những vấn đề nền tảng và chỉ có thể thảo luận một cách nghiêm chỉnh khi những vấn đề thực sự nền tảng -về triết lý và đạo đức chính trị- đã được nhận định rõ, ngay cả nếu chưa có đồng thuận. Thí dụ như : thế nào là một quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này ? Tinh thần quốc gia và lòng yêu nước phải được quan niệm lại như thế nào ? Làm thế nào để bảo đảm mọi người đều được trân trọng trong một xã hội mà chỗ đứng và tầm quan trọng của các ngành nghề không ngừng thay đổi và đồng tiền ngày càng hống hách ? Thỏa hiệp nào là tối ưu giữa liên đới xã hội và tăng trưởng kinh tế ? Thế nào là một quốc gia thành công trong thời đại này ? Chính trị là gì và đâu là những đức tính cần thiết và đáng được tôn vinh nơi một cấp lãnh đạo chính trị ? Thể chế chính trị nào phù hợp nhất với nhu cầu thảo luận và thỏa hiệp thường trực từ nay ? Bảo vệ môi trường cần được dành chỗ đứng nào trong chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế ? v.v. Chỉ sau khi những câu hỏi đó được đặt ra và thảo luận nghiêm túc, ngay cả nếu chưa có đồng thuận, thì những vấn đề cụ thể như sức mua, thuế và chi tiêu công cộng mới có thể tìm được thỏa hiệp chấp nhận được và hòa bình trong xã hội và giữa các quốc gia mới được bảo đảm.

Một thí dụ là Donald Trump đang gây bất hòa tại Mỹ và trên thế giới vì quan niệm quốc gia như một lãnh thổ, một chính quyền và một khối người tranh hùng với các dân tộc khác như hồi đầu thế kỷ 20, trong khi quan niệm đúng của thời đại này là định nghĩa quốc gia như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung, với ước vọng đóng góp cho một thế giới ngày càng lành sạch và thân thiện hơn (*).

Và phải thảo luận như thế nào ?

Ba đặc tính chung của các vấn đề nền tảng, nghĩa là thuộc phạm trù triết lý và đạo đức chính trị, là :

Một là, chúng lúc nào cũng đặt ra và quyết định cách mà chúng ta giải quyết những vấn đề cụ thể. Không thảo luận để cố tìm giải đáp cho chúng chỉ đồng nghĩa với chấp nhận chia rẽ và bế tắc, dọn đường cho các thế lực dân túy.

Hai là, chúng đòi hỏi một chuẩn bị chu đáo về kiến thức và tư tưởng để có thể thảo luận, do đó không thể bắt đầu từ quần chúng.

Ba là, chúng phải được quần chúng hiểu và chia sẻ để đi vào văn hóa quốc gia và được thể hiện trong sinh hoạt xã hội.

Vì thế chúng phải được đặt ra và thảo luận lúc ban đầu bởi các chuyên gia và các nhà tư tưởng, được đào sâu hơn trong các trường đại học và các nhóm trí thức trước khi được phổ biến vào quần chúng để ghi nhận những phản ứng và điều chỉnh nếu cần.

Khó khăn lớn nhất là đưa các nhận thức vào quần chúng. Và đây chủ yếu là vai trò của các chính đảng. Các chính đảng tham gia trong suốt tiến trình hình thành của tư tưởng chính trị -mọi chính đảng đều phải có các chuyên gia, các nhà tư tưởng và các ủy ban nghiên cứu- nhưng vai trò quan trọng nhất của các chính đảng là đưa tư tưởng chính trị vào quần chúng.

Một ảo tưởng sai lầm là cho rằng các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng -truyền thanh, truyền hình, sách báo- có thể thay thế được các chính đảng. Các phương tiện này có thể phổ biến các ý kiến đúng nhưng cũng có thể truyền bá những ý kiến sai và độc hại. Chúng cũng có thể là dụng cụ của những người không có kiến thức và thiện chí mà chỉ có nhu cầu tự thể hiện. Quần chúng cần những tiếp xúc trực tiếp mà chỉ có các chính đảng mới cống hiến được. Các chính đảng là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến chính trị và đồng thời tìm ra cách diễn đạt mà quần chúng có thể tiếp thu. Nhưng quan trọng hơn hết đó là khối hàng triệu hay hàng trăm nghìn người chuyên chở kiến thức và tư tưởng chính trị đến quần chúng bằng ngôn ngữ của quần chúng. Đó là những động cơ không thể thiếu của các thảo luận quốc gia trên những chọn lựa quan trọng.

Cuộc thảo luận chính trị vừa qua tại Pháp đã đi ngược hẳn với tinh thần và các tiêu chuẩn của các cuộc thảo luận chính trị lớn. Thực ra nó chỉ là một sự triệt thoái lúng túng của một chính quyền hoảng hốt trước sự bùng nổ của những bất mãn tích lũy. Thất bại là tự nhiên.

Điều ngạc nhiên là vấn đề thể chế chính trị đã không được đặt ra trong cuộc "thảo luận lớn" này dù chế độ tổng thống của Pháp đã là một nguyên nhân quan trọng đưa đến khủng hoảng và đáng lẽ phải được nhìn lại. Có lẽ vì nó không thực sự lớn. Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (*) chúng tôi đã phân tích những khuyết tật của chế độ tổng thống : khuyến khích các khuynh hướng dân túy và mỵ dân, dễ đưa tới độc tài vì tập trung quá nhiều quyền lực vào một người, nguy cơ xung đột bế tắc giữa lập pháp và hành pháp (như trường hợp nước Mỹ hiện nay). Nhưng tác hại lớn nhất của chế độ tổng thống là vô hiệu hóa và làm suy sụp các chính đảng. Lý do là vì chế độ tổng thống khiến các thảo luận trong các chính đảng trở thành không quan trọng, thậm chí không cần thiết, khi quyền quyết định thuộc một tổng thống mà đảng không thể thay thế và do đó không cần tuân thủ các kết luận của đảng. Các cuộc thảo luận chính trị vì vậy xuống cấp và đàng nào cũng không còn được chuyên chở một cách đầy đủ tới quần chúng khi các chính đảng đã suy yếu. Nếu hiểu rằng thế giới từ nay thay đổi từng ngày và thảo luận chính trị trở thành nhu cầu thường trực của mọi quốc gia thì cũng phải hiểu rằng chế độ tổng thống không còn phù hợp.

Người ta cũng có thể nhận xét là đa số các chế độ khủng hoảng nhất hiện nay -dù là Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Brasil, Philippines hay Syria và Algeria- là những chế độ tổng thống. Các chế độ đại nghị cũng gặp những khó khăn do tình trạng chung trên thế giới -là tư tưởng chính trị không thích ứng đủ nhanh với các thay đổi xã hội- nhưng ở một mức độ ít nghiêm trọng hơn nhiều.

Merci la France

Nước Pháp không chỉ đã lập một kỷ lục là vận động thành công một chuỗi những cuộc biểu tình lớn bằng mạng xã hội mà còn cống hiến cho thế giới một bài học chính trị lớn với ba điểm rất quan trọng :

Một là thảo luận trên các vấn đề triết lý chính trị là điều tối cần thiết để sau đó có thể thảo luận nghiêm chỉnh và đạt tới thỏa hiệp trên những chính sách cụ thể, tránh xung đột bế tắc.

Hai là thảo luận trên những vấn đề này phải đi theo một lộ trình phương pháp trong đó vai trò của các chính đảng là cốt lõi.

Sau cùng là chế độ tổng thống không còn phù hợp với bối cảnh thế giới hiện nay. Cho tới nay Mỹ vẫn được coi là ngoại lệ duy nhất mà chế độ tổng thống đã thành công nhờ tản quyền, nhưng ngoại lệ đó cũng đang chấm dứt. Chế độ đại nghị, trong đó đa số các đại biểu quốc hội được bầu theo thể thức đơn danh, dù không hoàn hảo, vẫn là thể chế chính trị tương đối lành mạnh nhất.

Nguyễn Gia Kiểng

(30/04/2019)

(*) Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2623 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)