Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/09/2019

Tiếp nhận, thực hành sai - Biệt tài của người Việt

Việt Nghĩa

Chúng ta có rất nhiều cơ hội chứng kiến, tham khảo những biến cố lịch sử mang tính bước ngoặt của nhân loại. Nhưng thay vì rút ra những bài học đúng đắn, hữu ích cho dân tộc, chúng ta lại rút ra những nhận định, bài học sai trái, đối lập hoàn toàn với những giá trị tốt đẹp mà lẽ ra chúng ta phải được thừa hưởng. "Tiếp nhận, thực hành sai" không chỉ là hi hữu trong lịch sử Việt Nam, mà nó còn được lặp đi lặp lại, đến mức trở thành một trong những ưu điểm "ngược đời"của người Việt. Đương nhiên, với những sai lầm vô cùng nghiêm trọng, nó không chỉ khiến người đương thời lãnh đủ, mà còn ảnh hưởng khủng khiếp đến vận mệnh và tương lai của dân tộc. Hơn bao giờ hết, ngay bây giờ chúng ta cần phải xét lại sự ấu trĩ này một cách nghiêm túc nhất.

lythuyet0

Thực hành đúng, không dễ nhưng không khó

Trường hợp phương Tây

Với lợi thế bờ biển dài không thể thuận tiện hơn, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên của Châu Á được tiếp xúc với nền văn minh phương Tây. Đặc biệt, khi phương Tây đã đạt được những thành tựu rực rỡ về văn hóa, kinh tế và chính trị, thì cũng chính là lúc người Việt có cơ hội thường xuyên tiếp xúc, mua bán và làm việc với người phương Tây. Phương Tây với nền tảng triết học Hy Lạp nổi trội, phong phú và tinh thần Kito giáo bao dung, rộng lượng, là phương cách tổ chức xã hội tiến bộ nhất cho đến tận bây giờ. Nếu người Việt không có cái biệt tài "dở hơi"nêu trên, chúng ta đã tiếp thu được những giá trị tốt đẹp nhất mà nhân loại từng có được. Tuy nhiên, qua giao lưu với phương Tây, người Việt rút ra tối sách là phải tiêu diệt giá trị phương Tây một cách tàn bạo nhất. Những người theo đuổi bất kỳ giá trị phương Tây nào cũng bị kỳ thị, mạt sát, thậm chí là thủ tiêu. Điển hình là việc cấm, và thảm sát hàng ngàn người chỉ vì theo đạo công giáo. Ngay cái từ "người lương", dùng để gọi những người không theo công giáo, cũng là một sự xúc phạm, nó buộc tội người công giáo là bất chính, vì "lương" ở đây tức là lương thiện. 

Trường hợp 1945

Gần 100 năm trước khi thế chiến thứ 2 kết thúc, tại nơi khai sinh chủ nghĩa cộng sản, Đức quốc, đã diễn ra sự kiện loại bỏ hoàn toàn hệ tư tưởng này ra khỏi đời sống văn hoá, kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh và đồng bọn lại đứng tên độc quyền nhận định "người Đức sai lầm", quyết tâm đem thứ chủ nghĩa vô tưởng này về đầu độc dân tộc. Kết quả như thế nào thì chúng ta đã biết, chủ nghĩa cộng sản phá hủy gần như tất cả, từ văn hoá, kinh tế đến chính trị. Tận đến nay, chúng ta vẫn còn quằn quại trong cơn đau mang tên cộng sản.

Trường hợp Việt Nam Cộng Hòa

Miền Nam là nơi đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay ở Việt Nam, có điều kiện và cơ hội để thử nghiệm chủ nghĩa tư bản. Với kinh nghiệm từ nhiều nước tư bản thành công với mô hình này, lẽ ra Việt Nam Cộng Hòa phải trở thành đầu tàu của Châu Á, là hình mẫu tiên phong cho các quốc gia Châu Á khác muốn xây dựng một đất nước thịnh vượng. Nhưng kỳ lạ thay, Việt Nam Cộng Hòa không những không học hỏi được những gì tinh tuý từ chủ nghĩa này, mà ngược lại còn rút ra bài học phản dân chủ (duy trì chế độ độc tài trong nền Đệ nhất cộng hoà) hay quân sự hoá chính trị (trong nền Đệ nhị cộng hòa). Chính vì sự tồi dở này, kết cục gục ngã trước cộng sản Việt Nam là điều không thế tránh khỏi. Đây là một trong những đáng tiếc lớn nhất của người Việt, khi đã lãng phí một trong những cơ hội lớn nhất lịch sử, chỉ vì thói quen "tiếp nhận, thực hành sai".

Trường hợp Hồng Kông 2019

Ác mộng "tiếp nhận, thực hành sai" một lần nữa hiện diện trong giấc mơ Hồng Kông 2019. Khi một luật sư nổi tiếng trong giới đấu tranh, cho rằng Hong Kong là minh chứng thành công của phương pháp đấu tranh không cần tổ chức, hay có thể nói là đấu tranh kiểu nhân sĩ. Nhận định được thực hiện rất quyết đoán, không cần dẫn chứng hay lập luận thuyết phục. Tệ hơn nữa, có rất nhiều người đồng tình. Họ cho rằng quần chúng cứ tập trung thật đông, xuống đường thật nhiều, là đương nhiên sẽ thắng lợi.

Họ ngây thơ đến mức không biết phía sau những Hoàng Chí Phong, Chu Đình, Lương Kế Bình,… là hàng loạt các trí thức lớn tuổi, các doanh nhân giàu sụ, các tổ chức xã hội dân sự và cả các đảng phái chính trị. Các tổ chức này rất khôn khéo khi dùng phương pháp ẩn mình kín đáo, hỗ trợ các cuộc phản kháng một cách âm thầm nhưng rất hiệu quả. Nó khác hẳn cách thông báo rầm rộ, tiền hô hậu ủng, tung tin đầy mạng xã hội của các nhóm đấu tranh Việt Nam, dù nhiều cuộc phản kháng chỉ qui tụ một hội, nhóm, với qui mô vài người. Việc các trí thức lớn tuổi cố vấn, hướng dẫn và đẩy các bạn trẻ lên sân khấu, để được vinh danh thật rất đáng ngưỡng mộ. Nó đối tập hoàn toàn việc chúng ta sợ thiệt thòi, kém nổi bật hơn những anh em đấu tranh khác. Nó đạt được hiểu quả truyền thông cực cao, trở thành niềm cảm hứng không chỉ của Hong Kong, mà cả nhân loại. Vì nhất cử nhất động của những người trẻ dám phản kháng, dám đương đầu với cường quyền, luôn có sức thu hút, hấp dẫn cao độ.

Mong muốn người Việt xuống đường đông như Hong Kong, hoặc bằng một phần của Hong Kong, ban đầu có vẻ hợp lý, không quá đáng. Nhưng nếu ngẫm nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy nhận định trên là sai lầm. Làm sao Việt Nam có những điều kiện như Hong Kong ? Người Hong Kong đã sống với một trong những nền dân chủ đầu tiên và tiến bộ nhất thế giới, vương quốc Anh, hàng trăm năm, trình độ dân trí cao hơn hẳn Việt Nam. Do đó, họ đã mang trong mình tinh thần bất bạo động, tính kỷ luật,và khả năng kết hợp nhuần nhuyễn. Điều gì sẽ xảy ra nếu hàng triệu người đến từ một đất nước, mà chồng giết vợ, anh giết em, con giết bố mẹ,… như cơm bữa, hùng hổ xuống đường ? Chắc chắn thảm kịch bạo lực là khó tránh khỏi, nếu không có một tổ chức lãnh đạo và hướng dẫn. Sự đàn áp của lực lượng an ninh Hong Kong có lẽ chỉ bằng 1/10 so với sự dã man, đê hèn của an ninh Việt Nam. Do đó, cho rằng người Việt Nam hèn nhát hơn người Hong Kong thì thật không công bằng. Minh chứng là chúng ta vẫn có những bạn trẻ như Phương Uyên, Minh Mẫn,... đã vô cùng dũng cảm, khi đối mặt với sự đàn áp của cộng sản Ba Đình. Nhưng có lẽ vì óc "sùng ngoại" kết hợp với chuyên môn "tiếp nhận, thực hành sai", nên chúng ta luôn có những nhận định độc nhất vô nhị. Và nếu điều này còn tiếp tục, thì tương lai Việt Nam vô cùng mù mịt.

Việt Nghĩa

(18/09/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Nghĩa
Read 1064 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)