Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/10/2019

Mỹ lại phản bội đồng minh

Thạch Đạt Lang

Tin chính thức cho biết, cùng với sự tấn công bằng không quân, lực lượng bộ binh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ tư 09/10/2019 đã vượt biên giới, tràn vào phía Đông Bắc của Syria tấn công tiêu diệt người Kurd trong chiến dịch mang tên Mùa Xuân Hòa Bình (Peace Spring) , gây ra nhiều thương vong cho người dân Kurd trong khu vực.

kurd1

Chiến dịch Mùa Xuân Hòa Bình gây nhiều thương vong cho người dân Kurd trong khu vực.

Chiến dịch này được tổng thống Thổ, Recep Tayyip Erdogan phát động - sau cuộc nói chuyện với tổng thống Donald Trump bằng điện thoại và được Trump cam kết không can thiệp - nhằm tiêu diệt dân Kurd, một đồng minh đắc lực của Mỹ trong việc tiểu trừ, ngăn chận quân khủng bố ISIS.

Người Kurd bao gồm khoảng 25-30 triệu dân, không có đất nước hay lãnh thổ chính thức dù có quốc kỳ và ngôn ngữ riêng. Người Kurd sống rải rác trong các vùng đồi núi nằm giữa biên giới các nước Thổ, Iran, Iraq, Syria, Armenia cũng như trong lãnh thổ các nước này.

Họ đã chiến đấu trong nhiều thập niên cho việc thành lập một quốc gia riêng biệt, chính thức được quốc tế công nhận nhưng chưa đạt được mục đích. Hiện nay chưa có nước nào trên thế giới công nhận sự hiện hữu của một nước mang tên Kurd.

Trong cuộc chiến chống quân khủng bố ISIS, người Kurd là đồng minh thân cận, hữu hiệu nhất của Mỹ nhưng hiện đã bị Mỹ bỏ rơi không thương tiếc vào ngày 08/10/2019 sau tuyên bố đứng ra bên ngoài cuộc tranh chấp Turkey-Kurd của Donald Trump.

Không bàn đến những tuyên bố rỗng tuếch, chỉ có tính cách trấn an của Donald Trump sau khi bị quốc hội Mỹ chỉ trích gay gắt về quyết định đơn phương trong việc rút quân khỏi Đông-Bắc Syria, bỏ mặc vùng này cho quân đội Thổ hành động.

Sự bỏ rơi đồng minh người Kurd của ông Donald Trump nhắc lại bài học Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam gần 45 năm trước. Tuy nhiên, việc bỏ rơi đồng minh của Mỹ ở thời điểm năm 1975 và 2019 có những nguyên nhân khác nhau.

Bỏ rơi miền Nam Việt Nam năm 1975 về thực chất khác với việc bỏ rơi người Kurd mới đây.

Sự tham chiến chính thức của Mỹ ở Việt Nam kéo dài hơn một thập niên từ 1963 đến 1973 không mang lại kết quả mong muốn cho chính quyền Mỹ khiến người dân cũng như chính phủ Mỹ mệt mỏi, chán nản. Hơn 58.000 lính Mỹ tử trận và nhiều thương binh đã tạo thành sức ép mạnh mẽ khiến chính quyền Nixon phải tìm cách chấm dứt chiến tranh bằng mọi cách.

Từ những trận đấu giao hữu bóng bàn đến các cuộc gặp gỡ bí mật của Kissinger với Mao Trạch Đông, hiệp định Paris được ký kết sau hơn 4 năm đàm phán, người Mỹ rút khỏi Việt Nam trong nhục nhã. Kissinger và Lê Đức Thọ với hỗn danh Sáu Búa chia nhau giải Nobel Hòa Bình năm 1973 để rồi hơn 2 năm sau miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản Hà Nội.

linh_my_roi_viet_nam_1

Sự bỏ rơi đồng minh người Kurd của ông Donald Trump nhắc lại bài học Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam gần 45 năm trước.

Người Kurd bị bỏ rơi vì nguyên nhân khác. Không có những cuộc đàm phán dai dẳng, không có trả giá, không có những cuộc đi đêm, gặp gỡ riêng như giữa Kissinger và Lê Đức Thọ để thêm bớt điều kiện…

Khác với Richard Nixon, Donald Trump cũng không bị sức ép của Quốc hội, của đảng Dân chủ, không bị người dân Mỹ biểu tình, không bị báo chí hạnh họe, chống đối, không bị quốc tế lên án vì sự hiện diện của quân đội Mỹ trong vùng.

Hơn thế nữa, người Kurd là đồng minh hữu hiệu, đắc lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ISIS. Vậy tại sao Donald Trump đột ngột bỏ rơi đồng minh chỉ sau một cuộc nói chuyện bằng điện thoại với Erdogan ?

Ai cũng biết chính quyền Thổ từ lâu vẫn xem người Kurd với đảng PKK (Đảng Công nhân Kurd) là thành phần khủng bố. Chính quyền Thổ cũng như các nước Iran, Iraq, Syria luôn tìm cách ngăn cấm việc phổ biến văn hóa, ngôn ngữ của người Kurd. Một số nước Châu Âu, kể cả Đức, Pháp... cũng đánh giá PKK là một trong những tổ chức sử dụng bạo lực cần phải ngăn cấm.

Tuy nhiên đây không phải là lý do để ông Donald Trump "bán ngồi" đồng minh Kurd. Việc Trump bỏ mặc cho chính quyền Erdogan xóa xổ người Kurd chi có thể là một trong hai - hoặc cả hai - lý do sau đây :

1. Trump rút quân khỏi Syria theo một thỏa thuận nào đó với Putin, vì Nga là một trong những nước có lợi rất nhiều từ việc bán vũ khí cho Thổ, khai thác dầu hỏa... khi người Kurd bị tiêu diệt và Mỹ không còn ảnh hưởng trong khu vực.

2. Erdogan cam kết cho Trump một số quyền lợi kinh doanh, lập các nhà máy sản xuất các mặt hàng mang thương hiệu Trump.

Do đó, dù hăm dọa sẽ trừng phạt nặng nề kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ tấn công người Kurd, cho đến giờ phút này, ông Trump vẫn chưa hề có một hành động cụ thể nào để thực hiện những lời đe dọa của mình ngoài việc lên án hành động quân sự của chính quyền Erdogan với những dòng tweet ấm ớ, vô nghĩa, không có tác dụng.

Chưa kể việc đơn phương bỏ rơi người Kurd gây ra chia rẽ ngay trong đảng Cộng hòa, hành động của Trump còn đem khủng bố đến gần nước Mỹ hơn. Những tên khủng bố của lực lượng ISIS chạy thoát khỏi các trại giam giữ do người Kurd thiết lập ở Đông Bắc Syria trong cuộc tấn công của quân đội Thổ sẽ có khả năng chạy qua Châu Âu, Mỹ.

Nước Mỹ dưới thời Donald Trump đã có chính sách mới về Trung Đông. Người Việt, những người chống cộng, tranh đấu cho tự do, dân chủ, học được gì từ hai bài học kể trên ?

Thạch Đạt Lang

(10/10/2019)

******************

Donald Trump bỏ rơi dân Kurd !

Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 08/10/2019

Tổng thống Donald Trump tính toán việc bang giao theo lối một người làm thương mại. Các vị chủ khách sạn và chủ sòng bài thường nghĩ rằng người nào làm ăn với mình chỉ nghĩ đến mối lợi cho chính họ. Việc nào có lợi thì làm, không thì bỏ. Tại sao mình phải nghĩ theo cách khác ?

kurd2

Các chiến binh, thương binh và dân người Kurd ở Bắc Syria biểu tình trước văn phòng Liên Hiệp Quốc để phản đối đe dọa tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/10/2019. (Hình : Delil Souleiman/AFP via Getty Images)

Ông Trump đã áp dụng quy tắc này trong quyết định rút quân khỏi miền Bắc xứ Syria.

Đêm Chủ Nhựt, ông Trump tuyên bố ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi vùng biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều đại biểu Quốc hội Mỹ phản đối. Họ lo số mệnh dân quân người Kurd ở đó sẽ phó mặc ông tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ định đoạt.

Mà nước Mỹ có duyên nợ lâu đời với dân Kurd ; bỏ rơi họ thì tàn nhẫn quá !

Người Kurd từng chiến đấu cùng các chính phủ Mỹ, từ thời Chiến Tranh Lạnh khi họ cùng chống Cộng Sản với Mỹ ; qua đến thời chống khủng bố ISIS trong các nước Iraq, Syria, vân vân. Rút quân Mỹ đi, quân Kurd có thể bị quân Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt. Vì ông tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tố cáo người Kurd ở Syria cùng âm mưu với người Kurd trong nước Thổ muốn tách ly lập một vùng tự trị, bất chấp uy quyền của chính phủ Thổ.

Hiện nay có khoảng 1.000 lính Mỹ ở vùng Bắc Syria, và một giới chức cao cấp Mỹ nói rằng họ sẽ rút khỏi hai khu vực, và có thể sẽ ra khỏi nước Syria, nếu có giao tranh lớn giữa quân đội Thổ và người thiểu số Kurd.

Bỏ rơi dân Kurd là phản bội một lực lượng đồng minh chung thủy nhất, gần một thế kỷ, trong vùng Trung Đông.

Các đại biểu Quốc hội Mỹ, từ Cộng hòa đến Dân chủ, ào ào phản đối.

Nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng hòa-Kentucky), trưởng khối đa số Cộng hòa, báo động rằng rút quân Mỹ về sẽ chỉ giúp cho Nga, Iran và chế độ Assad được lợi. Hơn nữa, quân khủng bố ISIS sẽ nhân cơ hội tái tổ chức vì tàn quân của họ vẫn ẩn nấu nằm vùng.

Nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hòa-South Carolina), một người vẫn ủng hộ ông Trump hết mình, nói rằng quyết định này sẽ dẫn tới một thảm họa ! Ông nói, "Tôi thương những quân nhân Mỹ và đồng minh đã hy sinh đánh quân ISIS, bởi vì quyết định (rút quân) này chắc chắn giúp quân ISIS quay trở lại. Thật buồn ! Thật nguy hiểm".

Nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hòa-Texas) nói mạnh hơn : "Chúng ta không thể ngồi yên nhục nhã khi quân Thổ Nhĩ Kỳ làm thịt dân Kurd, như ông Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã nói với Tổng thống Trump, theo tin các báo".

Nghị sĩ Ben Sasse (Cộng hòa-Nebraska) nói rằng quyết định của Tổng thống Trump nhiều phần sẽ có hậu quả là các đồng minh từng chiến đấu bên nước Mỹ sẽ bị làm thịt, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Theo Cao ủy Cứu cấp Liên Hiệp Quốc thì nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan làm đúng kế hoạch của ông, ông sẽ bắt khoảng 300.000 người dân ở vùng biên giới phải di tản, trong đó đại đa số là người Kurd. Nước Thổ Nhĩ Kỳ muốn người Kurd trong nước họ và người Kurd ở Syria không thể hỗ trợ nhau.

Trên đây là lời phản đối của các nhà chính trị Cộng hòa. Còn phía đảng Dân chủ, bà Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân chủ-California) kêu gọi ông Trump hãy "rút lại quyết định nguy hiểm này", vì phản bội đồng minh Kurd, đe dọa an ninh khu vực và báo cho Iran, Nga cũng như các đồng minh Mỹ, thấy rằng nước Mỹ không còn là người bạn đáng tin cậy nữa.

Trước nỗi lo lắng và thương xót số phận của các người Kurd đồng minh dũng cảm của nước Mỹ, có lẽ muốn trấn an họ, sang ngày thứ Hai ông Trump giải thích hành động của mình bằng một câu "tuýt" ngụ ý rất công bằng, sòng phẳng. Ông Trump nói : "Dân Kurd đã chiến đấu cùng với chúng ta, nhưng chúng ta đã trả cho họ biết bao nhiêu là tiền và vũ khí để làm công việc đó". Đó là cách tính toán làm ăn sòng phẳng theo lối các con buôn.

Từ thế kỷ trước dân quân người Kurd đã giúp Mỹ đánh và tiêu diệt các toán khủng bố ở Syria, Iraq, gần đây nhất họ diệt trừ các căn cứ của ISIS. Nước Mỹ và người Kurd có những kẻ thù chung. Dân Kurd muốn giành nhiều quyền tự trị, nếu chưa được độc lập với chính phủ các nước Iraq, Syria, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga, là những nước có hàng triệu người Kurd sinh sống. Nước Mỹ thì muốn phá những căn cứ địa khủng bố ngay tại gốc để họ ngưng chuẩn bị đánh nước Mỹ như đám al-Qeada đã làm. Vì thế hai bên cộng tác. Mỹ giúp khí giới, yểm trợ không lực. Người Kurd chiến đấu, riêng ở Syria họ đã hy sinh hàng chục ngàn mạng sống để đánh bại quân ISIS.

Bây giờ, những bạn đồng minh đó được ông Trump mô tả như đám "lính đánh thuê", được trả tiền hậu hĩnh. Đây có lẽ là điều sỉ nhục nhất đối với họ. Mà dân Kurd là một sắc dân rất hãnh diện về bản sắc và quá khứ chiến đấu của họ !

Kurd là đám dân thiểu số anh dũng nhất sống rải rác tại ba bốn quốc gia trong vùng trong hàng ngàn năm qua. Dân tộc này vẫn khao khát lập một quốc gia riêng, nhưng bị ngăn cản suốt ngàn năm qua. Đất sống của người Kurd dần dần bị sáp nhập vào các nước Iraq, Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, vân vân. Họ luôn luôn bị chính quyền tất cả các nước chung quanh nghi ngờ nuôi âm mưu ly khai !

Nhưng họ từng là những chiến sĩ dũng cảm nhất trong đế quốc Hồi giáo.

Saladin, lãnh tụ xứ Ai Cập, người chỉ huy các đoàn quân Hồi giáo đánh đuổi các đạo quân Thập Tự Chinh sau cùng ra khỏi vùng thánh địa Jerusalem và vùng Trung Đông tên thật là Salah ad-Din. Ông ta vốn là một người Kurd, sanh ra ở Tikrit, một tỉnh thuộc xứ Iraq, bây giờ vẫn là nơi người Kurd sinh sống.

Dân Kurd không phải là những đám lính đánh thuê. Và họ đang báo trước nếu Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tiêu diệt các lực lượng Kurd ở Syria, dân Kurd sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng !

Ông Trump đã "chữa cháy" quyết định của mình bằng một lời đe dọa không cho Thổ Nhĩ Kỳ làm bậy. Ông tweet, "…nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm điều gì mà tôi, với óc thông thái vĩ đại không ai sánh bằng của tôi (in my great and unmatched wisdom), thấy là vượt qua giới hạn, thì tôi sẽ phá hủy và tiêu diệt hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ".

Không biết Tổng thống Erdogan xứ Thổ Nhĩ Kỳ nghe ông Trump nói thế có sợ hãi hay không sau khi ông Trump đã từng dọa tiêu diệt Bắc Hàn trước đây. Người ta còn tin được những lời hứa hẹn hoặc những lời đe dọa của chính phủ Mỹ nữa hay không ?

Trước hết, Tổng thống Donald Trump cần phải tỏ ra biết kính trọng các đồng minh của nước Mỹ. Ông cần học lịch sử để hiểu rằng nước Mỹ không chiến đấu một mình mà thắng được những cuộc chiến tranh thế giới trước đây, cũng như ngăn chặn được không để các chế độ cộng sản bành trướng suốt thời Chiến Tranh Lạnh.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 08/10/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thạch Đạt Lang
Read 839 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)