Trước hết, thế nào là tình yêu ?
Đây có đây lẽ là từ khó định nghĩa nhất trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại. Ai cũng có thể cảm nhận và hiểu được 'tình yêu' là gì nhưng để có một định nghĩa chung và cô đọng thì hình như chưa ai làm được. Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách 'định nghĩa' về tình yêu. Quả thật hai chữ 'tình yêu' rất rộng lớn và bao la, giản dị nhất là tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, con cái rồi đến tình yêu quê hương, đất nước rồi cao hơn nữa là tình yêu con người, yêu động vật, yêu thiên nhiên…
Môi trường sống của người Việt là đất và nước đang bị hủy diệt từng ngày, từng giờ bởi sự tiếp tay của chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Đặc điểm cơ bản để nhận ra tình yêu là khi chúng ta quan tâm đến ai đó, cái gì đó và luôn nghĩ về 'đối tượng' đó, mong muốn làm những điều tốt đẹp cho nó và sẵn sàng hy sinh vì nó… Trong bài viết này chúng tôi muốn nói đến "tình yêu đất nước".
Đúng là ai cũng yêu đất nước mình, nơi "chôn nhau cắt rốn", nơi ta khóc tiếng khóc chào đời và đã trải qua những năm tháng vui buồn của tuổi ấu thơ. Sau này khi lớn lên, dù đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều gì thì chúng ta cũng luôn nhớ về quê hương. Nỗi niềm nhớ nhung đó đã đi vào thơ ca và tiềm thức của mỗi người tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt. Tình cảm đó là tự nhiên và mặc định như chúng ta đang hít thở khí trời.
Tuy nhiên tình yêu đó chỉ là tình yêu ở mức độ thấp nhất, mức độ cao nhất của tình yêu đất nước là phải làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn, con người yêu thương và kính trọng lẫn nhau… cái đó người Việt Nam chúng ta chưa làm được.
Trong cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn" ông Nguyễn Gia Kiểng có viết :
"Lòng yêu nước của người Việt Nam không phải là không có nhưng rất mờ nhạt. Nó đã chỉ được thổi phồng lên do sự chia rẽ trầm trọng của dân tộc Việt Nam. Nó không phải là một tình yêu vì người ta chỉ nhân danh tổ quốc để giết nhau chứ có bao giờ nhân danh tổ quốc để tha thứ và nhường nhịn nhau đâu. Sự xung đột đã khiến mọi phe phái đều phải đề cao một điều duy nhất mà mọi người có thể chấp nhận, đó là lòng yêu nước. Nhưng sự xung đột này tự nó cũng là bằng cớ rằng người Việt Nam không yêu nước. Nếu thực sự yêu nước thì người Việt Nam trước hết phải thương yêu nhau đã, chứ không thể phủ nhận, mạt sát, lên án, tiêu diệt nhau một cách dễ dàng như vậy. Có thể nào tưởng tượng được một gia đình trong đó mọi người đều tha thiết yêu gia đình, nhưng lại xung đột, xâu xé nhau và sẵn sàng giết nhau hay không ?
Một bằng cớ khác chứng tỏ người Việt Nam không yêu nước lắm là có một số đông vẫn chống lại tinh thần hòa giải dân tộc. Vấn đề giản dị như thế này : khi một dân tộc đã có xung đột gay gắt thì chỉ có hai chọn lựa, một là hòa giải với nhau để quốc gia tiếp tục tồn tại và đi tới, hai là không hòa giải và chấp nhận tan vỡ" (1).
Đứng trên cái nhìn của ông Nguyễn Gia Kiểng, yêu nước trước hết chúng ta phải yêu thương nhau, yêu thương đồng bào mình… Trong thực tế, người Việt Nam hôm nay không những không yêu nhau mà còn 'căm thù nhau' đến kinh khủng. Bạo lực đang lên ngôi. Mọi vấn đề đều được 'ưu tiên' giải quyết bằng bạo lực. Từ "bạo lực học đường", học sinh cấp 1-2 đã biết "đánh hội đồng" bạn và quay clip tung lên mạng, rồi "bạo lực đường phố", chỉ cần một va quệt nhỏ là có thể rút dao đâm chết người. Đáng nói hơn cả là bạo lực từ chính quyền đối với người dân. Các cuộc cưỡng chế thu hồi đất đai đầy máu và nước mắt diễn ra hàng ngày trên mọi miền của tổ quốc. Biến cố Đồng Tâm chỉ là giọt nước tràn ly. Sỡ dĩ bạo lực lên ngôi là do bản chất của các chế độ cộng sản luôn đặt trên nền tảng khủng bố bằng bạo lực.
Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ là một đảng yêu nước vì nếu yêu nước thì phải yêu thương và quí trọng con người Việt Nam. Đằng này chỉ vì một ý thức hệ ngoại lai mà đảng cộng sản sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tương tàn "còn cái lai quần cũng đánh", "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập"…
Việc du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam đã phá hủy tình yêu của con người Việt Nam với đất nước Việt Nam.
Chưa bao giờ tình yêu con người và đất nước của người Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng đến như vậy. Ai cũng tìm mọi cách để ra đi khỏi đất nước. Từ quan chức cao cấp cho đến những người dân tộc thiểu số, ai cũng tìm cách bỏ nước ra đi vì không chịu nổi hiện tại đầy nhức nhối. Mọi người luồn lách và cố tìm các giải pháp cá nhân cho bản thân mình bất chấp việc đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
Việc du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam đã phá hủy tình yêu của con người Việt Nam với đất nước Việt Nam. Một chủ nghĩa, một chế độ mà luôn chọn giải pháp bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội sớm muộn gì cũng sẽ hủy hoại dân tộc Việt Nam. Từ một tu sĩ Phật giáo kiêm Đại biểu quốc hội Thích Thanh Quyết cho đến ông tướng công an, kiêm giáo sư, tiến sĩ, giám đốc học viện công an Trương Giang Long đều có một ước muốn kinh hoàng là Việt Nam phải có quân đội hùng mạnh như Bắc Triều Tiên và vũ khí hạt nhân để cho 'kẻ thù' phải khiếp sợ ?! Ở cấp thấp nhất như công an phường hay dân phòng thì họ cũng luôn dùng bạo lực để bức cung và đánh đập nghi can khiến bao nhiêu người mất mạng trong đồn công an.
Môi trường sống của người Việt là đất và nước đang bị hủy diệt từng ngày, từng giờ bởi sự tiếp tay của chính quyền từ trung ương đến địa phương. "Rừng vàng" về cơ bản đã bị chặt hết, "biển bạc" không còn cá để bắt và bị ô nhiễm trầm trọng. Các quan chức chính quyền đua nhau vơ vét và bán mọi thứ, từ cát ở tận Phú Quốc đến tài nguyên khoáng sản giá trị thấp như quặng bô-xít ở Tây Nguyên…
Đất nước đang lâm nguy nhưng người Việt vẫn đang chọn những giải pháp cá nhân cho riêng mình, với hy vọng mình sẽ thoát nạn còn người khác thì mặc kệ. Trí thức Việt Nam vẫn bất động, ai cũng thấy và hiểu rằng nếu chế độ cộng sản còn tiếp tục cai trị đất nước này thì sớm muộn Việt Nam cũng bị xóa sổ trên bản đồ thế giới về quyền txj chủ và độc lập. Những người khá nhất thì lên tiếng phản đối và bày tỏ sự bất mãn trên các trang mạng xã hội rồi dừng lại ở đấy. Không ai nghĩ và tin rằng mình có thể thay đổi được gì. Cả một dân tộc 90 triệu người lầm lũi và cam chịu để một nhúm người không ra gì đè đầu cưỡi cổ suốt 71 năm qua.
Ai cũng nghĩ rằng làm chính trị và tham gia vào các hoạt động chính trị là đen tối và xấu xa vì thế ai cũng tránh né. Khi người tốt tránh né, không dây dưa vào chính trị thì kẻ xấu sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước và mặc sức hoàng hành. Đó là quy luật.
Nếu thực sự yêu quê hương, yêu đất nước và yêu người Việt Nam thì chúng ta phải đoàn kết và chung tay xây dựng những lực lượng chính trị lành mạnh để thay thế đảng cộng sản đương quyền. Đó là con đường duy nhất để cứu lấy đất nước này. Đến bao giờ người dân và trí thức Việt Nam mới hiểu được điều này ? Tại sao lại phó mặc số phận và tương lai của mình cho đảng cộng sản hay một tổ chức chính trị nào đó ?
Vì tình yêu quê hương đất nước nhiều người tuyên bố sẵn sàng hy sinh thân mình. Không. Chưa cần hy sinh như vậy mà chỉ cần lên tiếng thôi là cũng đủ rồi. Lên tiếng ở đây là bày tỏ sự ủng hộ cho một tổ chức chính trị dân chủ đối lập nào đó. Chỉ có các tổ chức chính trị mới làm thay đổi được Việt Nam và tương lai của người Việt. Một chế độ dân chủ tồi dở đến mấy cũng hơn hẳn chế độ độc tài cộng sản. Thái Lan là một ví dụ. Chẳng lẽ việc lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị đối lập lại khó khăn đến thế sao ?
Có ý kiến cho rằng tại vì các tổ chức đối lập chưa thuyết phục được họ nên họ chưa tham gia và ủng hộ ? Nếu ai còn nghĩ như thế thì hãy tự mình thành lập một tổ chức mới xem việc đó khó khăn đến dường nào ? Hơn nữa các tổ chức dân chủ đối lập có đòi "độc quyền" lãnh đạo đất nước đâu mà sợ "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" ? Tất cả các tổ chức dân chủ đều phải chấp nhận 'trò chơi' dân chủ, trò chơi mà người dân sẽ quyết định và chọn lựa đảng cầm quyền, thông qua một cuộc bầu cử đàng hoàng chứ không phải các tổ chức muốn "cầm quyền" mà được.
Cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước mà chúng ta đang theo đuổi là "bất bạo động" cho nên ngoài việc tranh luận để thuyết phục đâu còn cách nào khác ? Ít nhất người dân Việt Nam cũng phải cho các tổ chức chính trị đối lập biết mình cần gì ? Và các tổ chức phải làm gì ?...
Việc không quan tâm đến các tổ chức đối lập dân chủ khiến cho các tổ chức không thể lớn mạnh được và như thế thì chỉ còn mỗi cách là chung sống với đảng cộng sản cho đến ngày… nhắm mắt xuôi tay. Không lẽ đây là lựa chọn của người Việt Nam ? Chẳng lẽ tình yêu với đất nước Việt Nam chỉ có vậy ?
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập của Việt Nam, chúng tôi đã trình bày một cách khá đầy đủ, rõ ràng và cụ thể những đề nghị của chúng tôi về phương pháp tranh đấu để dành thắng lợi cho dân chủ và cả cách thức chuyển đổi xã hội Việt Nam từ chế độ độc tài sang thể chế dân chủ. Chúng tôi tin vào sự đúng đắn, viễn kiến, nghiêm túc và khoa học của Dự án Chính trị với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Người dân và trí thức Việt Nam cần phải đọc, nghiên cứu và có thái độ đối với một dự án như vậy, hoặc khen, hoặc chê, hoặc góp ý để nó hoàn thiện hơn. Nếu tất cả đều im lặng thì chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào.
Nhiệm vụ của tầng lớp trí thức là đi trước và dẫn đường cho quần chúng thay vì chạy theo quần chúng. Tất cả các cuộc cách mạng đổi đời từ trước đến nay đều do trí thức khởi xướng và lãnh đạo. Chúng tôi đang cố gắng làm công việc khó khăn đó. Tuy nhiên nếu mọi người không đọc, không nghe, không ủng hộ, không muốn hiểu những gì chúng tôi nói thì tất cả chúng ta đều sẽ thất bại và đành phải chung sống với cộng sản suốt đời.
Khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở Miền Trung và trước sự bức xúc của người dân nơi đây thì không chỉ nhiều độc giả, thân hữu mà ngay cả các thành viên của Tập Hợp (đã ly khai) cũng đều lên tiếng yêu cầu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phải đứng dậy phất cờ lãnh đạo nhân dân nổi dậy… Chúng tôi có muốn cũng không thể làm được điều đó khi chưa đủ thế, lực và chưa nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam. Làm sao có thể nhảy trước khi có nhạc ?
Chúng tôi xin nhắc lại rằng chỉ có các tổ chức chính trị đối lập hùng mạnh và có tầm vóc mới có thể mang lại dân chủ cho Việt Nam, chỉ có các tổ chức đó mới có thể 'phất cờ' và lãnh đạo được nhân dân đứng dậy, gây sức ép, buộc đảng cộng sản chuyển hóa về dân chủ. Như vậy có thể xem việc yêu nước hiện nay là cần phải ủng hộ cho các tổ chức chính trị thay vì những cá nhân hoạt động một mình theo kiểu nhân sĩ.
Việt Hoàng
(24/04/2017)
(1) http://www.thongluan-rdp.org/t-li-u/item/308-tqan-ph-n-m-t-d-t-n-c-va-con-ng-i-2