Sự kiện người dân làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) "tạm giữ" 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin sau khi các nỗ lực kêu cứu nhằm bảo vệ 46 hecta đất canh tác không thành đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời sống chính trị và xã hội Việt Nam.
Dân Đồng Tâm giăng biểu ngữ và dựng chốt ngăn chặn lực lượng an ninh tiến vào thôn
Được biết 46 hecta đất này nằm ở đồng Sênh và người dân vẫn canh tác hàng chục năm qua. Công ty viễn thông quân đội Viettel đã được Bộ quốc phòng giao cho chổ đất này, người dân không đồng ý và muốn làm rõ việc thu hồi đất một cách minh bạch. Ngày 15/4 công an Hà Nội đã bắt 4 người dân Đồng Tâm để điều tra việc "gây rối trật tự công cộng", trong đó có ông Nguyễn Đình Kình 82 tuổi. Ông Kình bị đả thương và phải điều trị (mổ chân) tại bệnh viện. Người dân phản ứng dữ dội bằng cách bắt giữ 38 cán bộ làm con tin. Họ phong tỏa mọi con đường vào làng, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và yêu cầu "đối thoại" với lãnh đạo cao nhất của Hà Nội là ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Cuối cùng, sau một tuần lễ đầy căng thẳng, ngày 22/4 ông Nguyễn Đức Chung đã xuống Đồng Tâm để "đối thoại" với bà con nơi đây. Ông Chung đã viết một bản cam kết 3 điều với người dân. Thứ nhất, ông cam kết sẽ trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra để họ làm việc khách quan và đúng pháp luật về việc "khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật".
Thứ hai "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm". Thứ ba "cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình theo quy định của pháp luật".
Sự kiện Đồng Tâm tạm khép lại một cách có hậu cho cả đôi bên. Hiện tại cả chính quyền lẫn người dân đều "chiến thắng". Cách "xử lý" của chính quyền Việt Nam trọng vụ này hoàn toàn đúng đắn và văn minh. Đây là một việc làm chưa từng có trong tiền lệ lịch sử các đảng cộng sản.
Chúng ta cùng nhớ lại cách xử lý khủng hoảng khi chính quyền có con tin bị "bắt giữ" trong lịch sử các đảng cộng sản. Đầu tiên là vụ phát xít Đức bắt được con trai cả của Stalin, thượng úy Yakov trong chiến tranh thế giới lần 2, Hít-le muốn đổi Yakov lấy tướng Đức Friedrich Paulus nhưng Stalin đã từ chối "tôi sẽ không đổi một thống tướng lấy một thượng úy" và cuối cùng Yakov đã tự sát trong nhà tù Đức. Putin cũng đã chọn phương án tấn công thay vì đối thoại với bọn khủng bố trong hai cuộc bắt giữ con tin, một vào trường học ở Beslan Cộng hòa Ossetia thuộc Nga năm 2004 khiến 333 người, chủ yếu là học sinh thiệt mạng, một vào nhà hát Dubrovka-Moskva năm 2002 khiến 129 con tin và 42 tên khủng bố thiệt mạng.
Trung Quốc cũng đã xử lý vụ Thiên An Môn bằng xe tăng và súng máy khiến hàng ngàn sinh viên biểu tình ôn hòa bị thiệt mạng. Hơn 100 triệu người bị giết hại trên thế giới là do các chế độ cộng sản gây ra và đã vượt xa số nạn nhân trong hai cuộc thế chiến. Bản chất của các đảng cộng sản là dựa trên bạo lực và khủng bố.
Lần đầu tiên chính quyền Việt Nam đã "đối thoại" thay cho đàn áp. Ngoài nguyên nhân chính là do sự quyết tâm và đoàn kết của người dân Đồng Tâm thì có lẽ sự ủng hộ và quan tâm mạnh mẽ của dư luận Việt Nam thông qua các mạng xã hội đã buộc chính quyền chọn phương án hòa bình là "đối thoại" với người dân nơi đây.
Chắc chắn là đã diễn ra nhiều cuộc họp căng thẳng trong nội bộ đảng suốt một tuần đó và có lẽ là không ai dám đưa ra quyết định đàn áp nên mới có sự xuất hiện của ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại Đồng Tâm. Nội bộ đảng cộng sản đang phân hóa mạnh mẽ và lần đầu tiên phe cấp tiến ôn hòa đã chiến thắng phe bảo thủ. Ông Chung đã không đơn độc vì ông chủ tịch nước nước Trần Đại Quang đã lên tiếng ủng hộ việc "đối thoại" với người dân qua buổi tiếp xúc với cử tri Thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/4 : "Nếu biết lắng nghe dân, tìm hiểu nguyên nhân sự việc thì chắc chắn không có vụ Đồng Tâm. Phải đối thoại, trao đổi ; ai vi phạm phải xử lý ; chỗ nào đúng cần bảo vệ" (1).
Hai chân trụ chính của đảng cộng sản là tuyên truyền dối trá và khủng bố bằng bạo lực đều đã hết thiêng. Sở dĩ không một ai trong bộ chính trị dám lấy quyết định đàn áp là vì họ không còn "vô sản" như trước đây nữa. Họ có quá nhiều thứ để mất, họ có một gia đình lớn và nhiều tài sản gửi ở nước ngoài. Ra lệnh đàn áp người dân biểu tình ôn hòa đồng nghĩa với việc họ bị phong tỏa mọi tài sản trên khắp thế giới và họ sẽ bị xét xử như những tội phạm với tội danh "chống lại loài người" trong một tương lai gần. Hơn ai hết các vị lãnh đạo cao cấp của đảng đều hiểu rõ "sức mạnh" của đảng chỉ là đèn treo trước gió, không sớm thì muộn sẽ bị thổi tắt. Không ai dại gì dơ đầu chịu báng, làm tội nhân thiên cổ, hy sinh cho thằng khác hưởng. Lý tưởng cộng sản đã chết từ lâu.
Khi cựu tổng thống Ukraine Yanukovich bị lật đổ năm 2014, nhiều người Việt Nam cho rằng ông ta đã "ngu" khi không ra lệnh cho công an và quân đội đàn áp những người biểu tình để rồi phải bỏ chạy như một tên tội phạm… Những người này quên rằng ông ta từng là đảng viên cộng sản và ông ta thừa sức để hiểu điều đó nhưng ông ta không làm được vì các tướng lĩnh và quan chức dưới quyền đều từ chối tuân lệnh tổng thống trong việc đàn áp dân chúng. Tất cả quan chức của Yanukovich đều tham nhũng và có nhiều tiền của gửi ở nước ngoài nên không ai muốn mất tiền và bị truy tố.
Quan chức Việt Nam ngày nay đang cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Đa số họ đều gửi con cái ra nước ngoài cùng nhiều tài sản. Cùng lắm thì "hạ cánh an toàn" ra nước ngoài cùng con cháu chứ không ai dại gì chống lại dân chúng để mất tất cả.
Từ Lộc Hà đến Đồng Tâm cho chúng ta thấy rõ một điều là sức mạnh của chính quyền cộng sản rất mong manh và dễ tan vỡ.
Ngân sách của chính quyền cũng đã cạn kiệt. Không chỉ mỗi "quĩ hưu" sẽ vỡ mà cả nền kinh tế Việt Nam cũng đã phá sản, vấn đề là khi nào họ công bố mà thôi.
Sở dĩ đảng cộng sản vẫn còn tồn tại được là vì trước mặt nó chưa có một lực lượng chính trị nào nên nó vẫn tiếp tục sống lay lắt cho đến khi đổ gục bởi sức nặng của chính nó.
Đã đến lúc người dân Việt Nam và phe cấp tiến trong đảng cộng sản nên hành động để, trước là cứu lấy mình và sau đó là cứu lấy dân tộc Việt Nam.
Người dân Việt Nam đã đến lúc lựa chọn cho mình một người đại diện mới thay thế cho đảng cộng sản vì đảng cộng sản không còn khả năng để làm bất cứ một điều gì tốt đẹp cho người dân và cho cả chính họ. Bất cứ một việc lớn nhỏ gì họ đều đẩy lên cho thủ tướng "giải quyết", các nhóm lợi ích sẵn sàng chặt hàng trăm hecta rừng phòng hộ để tổ chức một cuộc thi hoa hậu mà chính quyền không làm gì được. "Người đại diện" đó là một tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn, có viễn kiến và một kế hoạch canh tân đất nước rõ ràng, dễ hiểu và khả thi.
Phe cấp tiến trong đảng cần đoàn kết lại với nhau để tạo nên một lực lượng chính trị mới và cần bắt tay với một tổ chức đối lập ôn hòa để xây dựng một liên minh dân chủ, thay thế đảng cộng sản nhằm vực dậy đất nước. Một mình phe cấp tiến xuất phát từ đảng cộng sản không đủ uy tín để động viên quần chúng nên phải kết hợp với một tổ chức đối lập dân chủ. Một tổ chức đối lập dân chủ có đứng ra nhận lãnh và chia sẻ trách nhiệm với phe cấp tiến cũng là vì bổn phận với đất nước và người dân Việt Nam chứ không tổ chức nào muốn đi "đổ vỏ" cho đảng cộng sản. Một núi nợ nần và đổ vỡ mà đảng cộng sản để lại cho chính quyền kế tiếp khó l òng giải quyết được trong một thời gian ngắn và rất cần có một sự thông cảm, chia sẻ và đồng thuận lớn từ người dân Việt Nam. Một tổ chức lẻ loi không thể gánh vác nổi di sản khủng khiếp này. Cần có sự chung tay và tiếp sức của rất nhiều thành phần dân chúng.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm nặng nề này cùng với các lực lượng tiến bộ trong đảng cộng sản Việt Nam với tất cả lo lắng và vì bổn phận của mình đối với tương lai dân tộc. Chúng tôi cũng mong nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam. Đàng nào thì đảng cộng sản cũng đã kết thúc vai trò lịch sử của mình. Đã đến lúc người dân Việt Nam chọn lựa cho mình một lực lượng chính trị khác để thay thế cho đảng cộng sản. Càng muộn chừng nào hậu quả sẽ càng tồi tệ chừng đó.
Việt Hoàng
(01/05/2017)