Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/05/2017

Hòa giải và hòa hợp dân tộc

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

LTS : Trong dịp nhớ lại ngày 30/4/1975, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đã có nhiều bài viết về biến cố này. 42 năm đã trôi qua, vết thương vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều nhân vật cấp tiến và cởi mở của chế độ cộng sản Việt Nam cũng đã viết nhiều bài về biến cố này. Có thể đây là những ý tốt của người người viết, nhưng sau khi đọc kỹ lại những người bạn cấp tiến này người đọc cảm thấy họ đã chỉ lặp những khuôn sáo cũ : kêu gọi hòa hợp dân tộc và nhắc nhở mọi người phải quy phục Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam.

Trước tình thế khó khăn hiện nay của chế độ, Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam một lần nữa yêu cầu toàn dân hãy đoàn kết sau lưng Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt lần này những thông điệp kêu gọi đích danh cộng đồng người hải ngoại.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Phó Trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo trung ương, than : "Trong khi chiến tranh đã kết thúc lâu rồi, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành đối tác toàn diện của nhau, các cựu thù là người Việt và người Mỹ đã từng xáp chiến quyết tử năm xưa nay đã thành bạn và đối tác của nhau. Vậy mà người Việt với nhau vẫn chưa xóa bỏ xong ngăn cách".

Ông Vũ Mão, một đảng viên cao cấp, cựu ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt, Ủy ban Thường vụ quốc hội, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992, nói rõ hơn : "Cũng phải nói rằng vì những vấn đề diễn ra trong quá khứ nên vẫn còn có một bộ phận nhỏ người dân chưa thực sự hiểu biết rõ về chính sách của Đảng, Nhà nước. Thậm chí họ còn bị những thế lực xấu lợi dụng để chống lại đất nước, gây ảnh hưởng tới hòa hợp dân tộc".

Nói chung, khi làm sai hay gặp khó khăn Đảng và Nhà nước cứ đổ lỗi cho "những thế lực thù dịch". Điệp khúc thô sơ và giản dị này ngày nay không còn ăn khách nữa, phải phát minh ra một cái gì mới. Vấn đề là Ban tuyên gáo trung ương đảng cộng sản không còn gì để phát minh nên đã sử dụng lại vế sau của cụm từ hòa giải hòa hợp dân tộc, nghĩa là hòa hợp mà thôi.

Để giải thích rõ lập trường của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về lập trường hòa giải hòa hợp dân tộc, chúng tôi cho đăng lại một đoạn trong dự án chính trị dân chủ đa nguyên, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2.  

Rất mong đón nhận những đóng góp của đọc giả về đề tài này. Xin lưu ý, chúng tôi không đăng những bài viết vô danh có tính mạ lỵ, phỉ báng và văn phong bất nhã.

Kính mến,

Nguyễn Văn Huy  

 

********************

hghhdt0

 Những hình ảnh khó quên trong ký ức người Việt miền Nam sau ngày 30/04/1975

********************

Hòa giải và hòa hợp dân tộc

Trong hơn bốn thế kỷ qua, kể từ khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê hồi đầu thế kỷ 16, nước ta liên tiếp đi từ cuộc chiến tranh này đến cuộc xung đột khác. Đất nước bị chia cắt nhiều lần trong hơn hai thế kỷ, bị đô hộ và bị đặt dưới những chế độ hành chánh khác nhau trong gần một trăm năm. Chiến tranh, nội loạn, trả thù, báo oán, bách hại đã là những yếu tố thường trực trong lịch sử cận đại của ta. Khốc liệt nhất là cuộc chiến sau cùng 1945-1975 trong đó lần đầu tiên chúng ta xung đột với nhau cả về ý thức hệ, và sau đó phe chiến thắng thi hành chính sách bỏ tù và hạ nhục, cùng với vô số biện pháp phân biệt đối xử.

Do hoàn cảnh lịch sử, chất liệu nhân xã của chúng ta đã bị tổn thương nặng nề. Những đổ vỡ đòi hỏi một thời gian hàn gắn rất lâu dài, do đó tinh thần căn bản của mọi chính sách cho nhiều thế hệ tới sẽ phải là hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hòa giải dân tộc để xóa bỏ những hận thù và hiềm khích của quá khứ để đi đến hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng một tương lai chung.

Trong một thế giới thay đổi dồn dập như hiện nay, quốc gia nào cũng phải chịu những xáo trộn không ngừng. Ngành này tiến lên trong khi ngành kia suy thoái, khu vực này bành trướng trong khi khu vực khác trì trệ. Những chênh lệch xã hội liên tiếp xuất hiện và các chính sách dù hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể nào thỏa mãn được tất cả mọi người. Cho nên quốc gia nào, dân tộc nào cũng liên tục phải hòa giải với nhau vì các mối xung đột quyền lợi và căng thẳng luôn luôn xảy ra. Hòa giải đã trở thành triết lý điều hành quốc gia.

Hòa giải là bắt buộc của mọi dân tộc dù ở trình độ nào và có lịch sử nào. Nhưng dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc cần hòa giải hơn cả.

Chúng ta cần hòa giải cộng đồng quốc gia nói chung với các sắc tộc ít người đã có mặt trên đất nước này từ ngày mở nước và luôn luôn bị chà đạp và hắt hủi trong suốt dòng lịch sử.

Chúng ta cần hòa giải các tôn giáo, nhất là Phật Giáo và Công Giáo, hai tôn giáo đã bị các nhà cầm quyền Việt Nam cũng như ngoại bang bách hại, đàn áp, phân biệt đối xử và đặt vào thế đối đầu với nhau. Đã thế, các hiềm khích, hậu quả của một hoàn cảnh lịch sử trong đó cả hai tôn giáo đều là nạn nhân, thay vì được giải tỏa còn đôi khi bị thổi phồng và khai thác cho những tham vọng bất chính.

Chúng ta cần hòa giải và hòa hợp hai miền Nam - Bắc đã thường xuyên bị chia cắt và đặt vào thế tương tranh và kể từ 1975 bị chia rẽ bởi một chính sách không khác gì một sự chiếm đóng của Đảng Cộng Sản.

Chúng ta cần hòa giải đất nước với cộng đồng người Việt hải ngoại đã phải bỏ người thân, tài sản, mồ mả tổ tiên ra đi vì không thể chấp nhận được một chính quyền hà khắc, đã phải chịu đựng những khổ đau và mất mát rất lớn do hải tặc, sóng gió và công an.

Chúng ta cũng cần hòa giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam. Phải nhìn nhận rằng làm người Việt Nam cho đến nay đã là một điều không may. Đất nước đã chỉ là hy sinh. Hơn thế nữa, các tập đoàn lãnh đạo kế tiếp nhau còn nhân danh đất nước để phạm những tội ác rất nghiêm trọng. Dĩ nhiên, đất nước không đồng hóa với người cầm quyền, nhưng vẫn được thể hiện qua người cầm quyền. Vì thế, khi trong một thời gian quá dài chỉ có những người cầm quyền gian trá hay bạo ngược, hay vừa gian trá vừa bạo ngược, thì chính hình ảnh của đất nước cũng bị tổn hại và lòng yêu nước cũng bị suy giảm. Hòa giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam là điều phải làm để phục hồi lòng yêu nước, một yếu tố không thể thiếu nếu chúng ta còn muốn một tương lai cho Việt Nam. Muốn như thế nhà nước, người đại diện đất nước, phải là một nhà nước khiêm tốn, hiền hòa và tuyệt đối lương thiện. Tổ quốc Việt Nam phải được cảm nhận như một tình yêu và một dự án tương lai chung.

Nhưng gần nhất và cũng đau đớn nhất, chúng ta vừa tàn sát nhau trong một cuộc tương tranh kéo dài ba mươi năm. Cuộc chiến này là một cuộc nội chiến vì tuyệt đại đa số những người chủ trương, những người cầm vũ khí tàn sát nhau và những nạn nhân đều là người Việt. Một cuộc nội chiến hổ nhục vì cả hai phe lâm chiến đều nhận mệnh lệnh và phương tiện từ nước ngoài. Sự kiện đảng cộng sản không nhìn nhận đây là một cuộc nội chiến chỉ làm cho tính nội chiến khốc liệt hơn vì họ không nhìn nhận cả tư cách đồng bào của những người trước mặt. Cần ý thức rằng nội chiến tàn phá hơn hẳn chiến tranh với nước ngoài bởi vì ngoài những thiệt hại sinh mạng và vật chất nó còn hủy hoại cả tinh thần dân tộc và ý chí sống chung, nghĩa là chính nền tảng của quốc gia. Cho tới nay chưa có dân tộc nào trở lại được bình thường sau một cuộc nội chiến trong vòng một hay hai thế hệ, ngay cả với những cố gắng hòa giải tận tình và dù nội chiến chỉ kéo dài vài năm. Cuộc nội chiến của chúng ta dài và khốc liệt hơn nhiều. Những vết thương vẫn còn chảy máu và thay vì được hàn gắn đã bị trầm trọng hóa bởi một chính sách phân biệt đối xử thô bạo sau đó.

Trong cuộc xung đột vừa qua chúng ta đã không có chọn lựa tốt nào. Chúng ta đã chỉ có những chọn lựa đau buồn, giữa cái dở và cái mà một cách chủ quan chúng ta thấy là còn dở hơn. Chúng ta đã chỉ chịu đựng chứ không làm chủ các biến cố. Rất ít người Việt Nam nào đã thực sự tranh đấu cho cái mà mình ưa thích. Trong tuyệt đại đa số, người Việt Nam, quốc gia cũng như cộng sản, đã chỉ chống lại phe mà mình thấy là còn tồi tệ hơn hàng ngũ mình đang đứng. Người không chịu đựng được sự thối nát của các chính quyền quốc gia thì đứng vào hàng ngũ cộng sản, mặc dầu cũng biết bản chất bạo ngược của nó, còn người thấy rằng để đất nước lọt vào tay cộng sản là một tai họa quá lớn thì đứng vào hàng ngũ quốc gia, mặc dầu cũng chán ghét sự tồi dở của nó. Anh em ruột thịt, bạn bè thân thích đã chỉ vì một sự lượng định nặng nhẹ khác nhau, hay đã chỉ bị hoàn cảnh xô đẩy, thậm chí bị bắt buộc, mà phải quay lưng lại với nhau, mạt sát nhau, bắn giết nhau. Cho nên, ngoài những đổ vỡ về vật chất và sinh mạng, còn có một đổ vỡ lớn hơn trong lòng mỗi người Việt Nam.

Để rồi, kẻ thì đã thua trận, bị tù đày và nhục mạ, người thì nhận ra tất cả những hy sinh của mình chỉ là để đóng góp cho một công trình đập phá đất nước. Chẳng có ai có lý do gì để bắt lỗi ai, tất cả chúng ta đều đã thất bại bẽ bàng. Chúng ta đều là nạn nhân. Chúng ta phải bắt tay nhau cùng làm lại lịch sử.

Thách đố trước mắt chúng ta là một tập đoàn cầm quyền đã gây đổ vỡ trầm trọng cho đất nước, đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt, nhưng vẫn xấc xược tự cho mình độc quyền cai trị đất nước vô thời hạn và đàn áp thô bạo mọi tiếng nói đối lập, dù là ôn hòa. Tập đoàn này dùng mọi biện pháp để ngăn chặn hòa giải và hòa hợp dân tộc vì họ biết rằng chỉ có thể duy trì được sự thống trị của họ nếu dân tộc Việt Nam bất lực vì hận thù và chia rẽ. Không những không xoa dịu những vết thương của cuộc chiến họ còn mở rộng hiềm khích tới nhiều thành phần dân tộc và kéo dài hận thù tới thế hệ vừa lớn lên bằng những biện pháp đàn áp chính trị, xếp loại dân chúng và phân biệt đối xử.

Ngày hôm nay khát vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam là dân chủ. Nhìn lại anh em, nhận lại bạn bè phải là tinh thần chỉ đạo của một tập hợp dân tộc mới, trong đó không có kẻ đúng người sai mà chỉ có những người anh em bình đẳng cùng ngậm ngùi cho đất nước và cùng kết hợp trong một cuộc vận động dân chủ. Hòa giải và hòa hợp dân tộc chính là điều kiện cốt lõi để cô lập và đánh bại tập đoàn độc tài ngoan cố.

Nhưng vượt lên trên những sôi động nhất thời, hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng là một đoạn tuyệt lịch sử cần thiết để bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn của hận thù và chia rẽ đã giam hãm chúng ta từ nhiều thế kỷ qua, nhất là từ nửa thế kỷ nay. Đây là một đoạn tuyệt lịch sử rất khó khăn vì ý niệm hòa giải dân tộc hoàn toàn thiếu vắng trong tập quán chính trị Việt Nam. Trong gần tám thế kỷ, kể từ nhà Trần, nhổ cỏ tận gốc, tru di tam tộc, tiêu diệt toàn bộ vẫn là những biện pháp được người cầm quyền sử dụng thay cho hòa giải. Dần dần cách ứng xử hung bạo đó đã ăn rễ vào tâm lý tập thể và làm cho ý niệm hòa giải trở thành xa lạ đối với người Việt Nam. Vì thế nhiều người đã nói rằng dân tộc Việt Nam không có nhu cầu hòa giải trong khi thực sự chúng ta là một trong những dân tộc cần hòa giải nhất. Chính vì thiếu tinh thần hòa giải mà chúng ta đã bị tù hãm trong hận thù. Cái vòng oan nghiệt đó đã khiến chúng ta không động viên được mọi sinh lực của đất nước để vươn lên và giải thích tại sao chúng ta đã phải quằn quại mãi trong nghèo khổ và thua kém.

Hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều kiện cần cho thắng lợi của cuộc vận động dân chủ hiện nay và cũng là điều kiện cần cho thành công của cố gắng phục hưng đất nước ngày mai.

Thực thi hòa giải dân tộc không phải chỉ đơn thuần là một tình cảm mà còn đòi hỏi những biện pháp cụ thể. Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ đặt con người tự do làm đối tượng phục vụ cao nhất. Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ coi đa nguyên như một giá trị tuyệt đối. Đa nguyên về mọi mặt tâm linh, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội. Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ chế tài nghiêm khắc mọi ngôn ngữ và thái độ xúc phạm với mọi sắc tộc, mọi cộng đồng, mọi tín ngưỡng, mọi quan điểm. Ngược lại nhà nước sẽ khuyến khích và giúp đỡ tận tình mọi sáng kiến và cố gắng đem mọi người Việt Nam thuộc mọi vùng, mọi sắc tộc, mọi tôn giáo, mọi nhân sinh quan, mọi chính kiến đến gần nhau hơn trong tinh thần tôn trọng mọi khác biệt. Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ phải phục hồi danh dự cho những người đã bị hạ nhục, phải bồi thường thiệt hại, dù chỉ là một cách không đầy đủ, cho những nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới. Xóa bỏ hận thù có nghĩa là sẽ không có những vụ án chính trị, ngược lại sẽ có một đạo luật cấm nhà nước truy tố bất cứ ai vì chức vụ mà họ đã giữ, trừ khi họ đã vi phạm một cách rất nghiêm trọng ngay chính những luật lệ đương hành lúc họ tại chức. Mọi công dân có quyền tố cáo những hà hiếp mà mình đã là nạn nhân, và nhà nước sẽ xử lý những tranh tụng đó như những tranh tụng giữa những công dân bình đẳng trước pháp luật trong tinh thần hòa giải dân tộc.

Những biện pháp đó, được thực hiện với thành tâm hàn gắn những vết thương do lịch sử để lại, sẽ giúp chúng ta dần dần tiến tới hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng và chia sẻ một tương lai Việt Nam chung. Chúng ta sẽ khép lại một trang sử đau buồn của đất nước và mở ra một trang sử mới viết bằng tình tự dân tộc. Hoà giải và hòa hợp dân tộc sẽ phải là chính sách quả quyết của đất nước ta trong nhiều thế hệ.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguồn : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, 2015

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Read 8255 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)