Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

26/01/2021

Vũ khí của Donald Trump

Nguyễn Gia Kiểng

Ngoặc đơn Donald Trump vừa khép lại sau một kỷ lục : Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội hai lần dù chỉ tại chức một nhiệm kỳ, không những thế còn bị Thượng Viện xét xử sau khi đã rời chức vụ. Thành tích phi thường này có mọi triển vọng sẽ không bao giờ được lập lại. Tuy vậy, chỉ trừ tuần lễ tại chức cuối cùng, Trump đã có thể liên tục thách thức Quốc hội và dư luận Mỹ mà không sợ bị kết tội và bãi chức, khác với Richard Nixon 47 năm trước phải từ chức trước khi bị Hạ Viện truy tố dù tội trạng nhẹ hơn rất nhiều.

Có một khác biệt rất lớn và rất quan trọng cần được nhìn rõ.

trump1

Donald J. Trump hô hào những người ủng hộ ông tập trung lại để đến Quốc hội phản đối việc sắp chứng nhận Joe Biden làm tổng thống tại Ellipse ở Washington, DC, Hoa Kỳ, ngày 6 tháng 1 năm 2021. [Shawn Thew / EPA / EFE]

Nước Mỹ không còn như nửa thế kỷ trước

Sự khác biệt giữa Richard Nixon ngày trước và Donald Trump bây giờ là Nixon tin rằng mình sẽ bị kết tội trong khi Trump dù tội nặng hơn rất nhiều nhưng tin là tuyệt đại đa số các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa sẽ không dám biểu quyết chống lại ông. Nước Mỹ bây giờ không còn như nửa thế kỷ trước. Vì sao ?

Lý do đầu tiên hiện ra trong đầu óc chúng ta là các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa đã thay đổi. Một nửa thế kỷ trước đây họ hành động và biểu quyết theo luật pháp và lương tâm, ngày nay họ chỉ bầu theo thẻ đảng và coi chiếc ghế dân biểu hay nghị sĩ quan trọng hơn lẽ phải và danh dự. Điều này đúng và ai cũng có thể thấy. Nó chứng tỏ một sự xuống cấp rõ rệt và nguy hiểm của văn hóa chính trị Mỹ không chỉ trong đảng Cộng Hòa mà ngay cả trong đảng Dân Chủ. Các dân biểu và nghị sĩ Dân Chủ trước đây cũng đã từng liên kết bảo vệ Bill Clinton (dù ông này chỉ có tội đã hành xử vô liêm sỉ chứ không gây thiệt hại cụ thể nào).

trump2

Lawrence Lessig, giáo sư Luật và Lãnh Đạo (Law and Leadership) tại Đại Học Havard

Rất nhiều nhà tư tưởng Mỹ đã lên tiếng báo động về sự băng hoại của sinh hoạt chính trị Mỹ. Năm 2015, trước khi Donald Trump đắc cử tổng thống, Lawrence Lessig, giáo sư Luật và Lãnh Đạo (Law and Leadership) tại Đại Học Havard, trong một bài thuyết trình được phổ biến rộng rãi đã báo động về sự biến chất của nền dân chủ Mỹ mà nguyên nhân chính là sự gia tăng chênh lệch giầu nghèo. Lessig đưa ra những sự kiện thuyết phục để chứng minh rằng quyền chỉ định những người lãnh đạo Mỹ –tổng thống, thống đốc, dân biểu, nghị sĩ v.v.- thực ra chỉ nằm trong tay 0,02% -hay khoảng 60.000 người- giầu nhất. Không ai có thể đắc cử nếu không có sự bảo trợ của họ. 99,98% cử tri Mỹ chỉ được chọn trong số ứng cử viên đã được họ chấp nhận trước. Không khác bao nhiêu với các chế độ "đảng cử dân bầu". Các dân biểu phải phục tùng đảng, dù Dân Chủ hay Cộng Hòa, vì đó là những bộ máy tranh cử và gây quỹ (mỗi đảng có một số nhà tài trợ). Không mấy ngạc nhiên nếu đa số bầu theo thẻ đảng thay vì theo luật pháp và lẽ phải. Dĩ nhiên họ cũng phải thỏa mãn yêu cầu của những người giầu tài trợ cho họ hoặc trực tiếp hoặc qua bộ máy gây quỹ của đảng. Đó gần như là một bắt buộc đối với các dân biểu và nghị sĩ để có thể tái đắc cử. Vẫn theo giáo sư Lessig các dân biểu và nghị sĩ phải dành một nửa thời gian làm việc của họ chỉ để giao thiệp với các nhà tài trợ.

Vũ khí của Trump

Trường hợp Donald Trump còn có một lý do khác quan trọng hơn. Ông khuất phục được cả đảng Cộng Hòa lẫn đa số các thống đốc, nghị sĩ và dân biểu của đảng. Lý do là vì ông đã nắm chắc được một khối 60% cử tri Cộng Hòa, tương đương với 30% cử trị Mỹ. Khối người này ủng hộ Trump không điều kiện và Trump biết như vậy và lộng hành vì thế. Ông ta từng tự hào là có thể ra trung tâm New York bắn chết một người mà cũng không mất một phiếu nào. Một dân biểu, nghị sĩ hay thống đốc Cộng Hòa nào dám chống lại Trump sẽ lãnh ngay một loạt thông điệp Tweet hung dữ của Trump và mất đi ít nhất một nửa khối cử tri này trong khi sự thắng bại của các cuộc bầu cử thường chỉ do khác biệt một vài phần trăm. Chống lại Trump tương đương với chấp nhận thất cử. Họ sợ Trump vì thế chứ trong thâm tâm họ chẳng coi ông ta ra gì. Hai thí dụ cụ thể là hai ông nghị sĩ Ted Cruz và Lindsey Graham. Cả hai vẫn còn công khai ủng hộ Trump ngay trong lúc này dù trong quá khứ họ đã mạt sát Trump bằng những lời lẽ thậm tệ chứng tỏ họ biết rõ con người thực của Trump.

Khối cử tri cơ sở không điều kiện của Trump là những ai ?

Một cách ngắn gọn đó là khối người Mỹ bị gạt ra ngoài lề và đàng sau trong một xã hội Mỹ thay đổi quá nhanh chóng mà không đầu tư đủ vào văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Họ không phải là những thành phần gian ác hay hung bạo mà trong đa số chỉ vì đã hụt hẫng rồi phẫn nộ vì thua kém. Họ hãnh diện là con cháu của những người di dân từ Châu Âu đã tạo ra nước Mỹ giầu mạnh nhất thế giới. Sự thỏa mãn đó đã khiến họ không cảnh giác và cố gắng để theo kịp đà tiến bộ để rồi nhận ra một cách muộn màng là mình đã trở thành những công dân hạng thứ trong chính nước Mỹ đó. Đa số thuộc thành phần được gọi một cách đúng nhưng tàn nhẫn là những người da trắng không học đại học (non college whites). Họ là những người sa cơ lỡ bước không thích nghi kịp với một sinh hoạt kinh tế thay đổi quá nhanh chóng và một thế giới toàn cầu hóa. Mỹ đã chuyển hóa từ một cường quốc sản xuất thành một cường quốc tiêu thụ. Nhiều ngành nghề cũ đã di chuyển sang các nước khác với lương công nhân rẻ trong khi những ngành nghề mới đòi hỏi những kỹ năng mới mà họ không có. Nhiều người không chỉ không có việc làm mà còn không thể có việc làm.

trump3

Những người da trắng không học đại học là những người sa cơ lỡ bước không thích nghi kịp với một sinh hoạt kinh tế thay đổi quá nhanh chóng và một thế giới toàn cầu hóa.

Theo nhà báo được giải Pulitzer Chris Hedges nếu kể cả những người chỉ có công việc tạm bợ và không toàn thời gian thì tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trước dịch Covid-19 không phải là 4% mà thực ra có thể lên đến 17%. Một nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng 40% gia đình Mỹ không có tới 400 đô la có thể sử dụng ngay. Trong một bài diễn văn vài ngày trước khi nhận chức tổng thống Joe Biden đã đưa một con số khác về hiện trạng xã hội Mỹ : 43 triệu người Mỹ thiếu thực phẩm. Dĩ nhiên không phải những người nghèo đều là những người ủng hộ Donald Trump. Nói chung đó là trường hợp của những người da trắng lâm vào bế tắc kinh tế. Nhiều người Mỹ gốc Châu Phi hoặc Châu Mỹ La Tinh còn nghèo hơn nhưng ủng hộ đảng Dân Chủ.

Văn hóa Mỹ cũng đã thay đổi nhiêu. Một số đông đảo người Mỹ da trắng vẫn sống với niềm tin ở những giá trị truyền thống mà theo họ phải được coi là tối cao và chưa được chuẩn bị để chấp nhận một thế giới không phân biệt tôn giáo, màu da và giới tính. Họ cũng còn mang nặng tinh thần dân tộc hẹp hòi và những thành kiến đã lỗi thời như đối với hôn nhân đồng tính. Những giá giá trị mà họ trân trọng đó ngày nay họ không thể nói ra vì chúng bị phản bác một cách dứt khoát và khinh bỉ bởi thành phần tinh hoa và các trí thức.

Người ta có thể thành bất mãn và uất ức vì một trong hai hay cả hai lý do trên. Đó là khối cử tri cơ sở của Trump.

Cảm giác thua kém và bị coi thường khiến họ thấy nước Mỹ ngày càng xa lạ. Dần dần họ tự cô lập trong một ốc đảo riêng, ốc đảo của những người không đọc sách báo, tẩy chay những đài tivi và radio "dòng chính" (mainstream). Ngoài gia đình và bạn bè, thế giới bên ngoài đối với họ chỉ thể hiện qua những chương trình truyền hình thể thao và giải trí, những phim tập Tivi reality. Gần đây sự phát triển của các mạng xã hội đã giúp họ thành lập những cộng đồng trên FaceBook, Twitter, Instagram. Họ dần dần thấy mình là một khối người đông đảo và có thể có sức mạnh. Rồi họ nhìn thấy ở Trump, một người đã quen thuộc với họ qua các chương trình truyền hình giải trí, cũng chia sẻ những giá trị của họ, cũng suy nghĩ và nói năng như họ, cũng cùng một trình độ văn hóa với họ mà lại thành công, là tỷ phú rồi trở thành tổng thống Mỹ. Họ thấy mình cũng có thể thành công lớn. Họ được giải phóng khỏi mặc cảm tự ti và thua kém. Nhất là Trump lại dứt khoát đề cao và bênh vực họ, nói những điều họ muốn nghe. Hơn nữa Trump lại có sức thu hút của một kịch sĩ tài ba. Rất khó lý luận với khối người này vì họ vừa không có thông tin chính xác vừa bị đầu độc bởi nhưng báo đài xuyên tạc, thậm chí những thuyết âm mưu, như QAnon.

Ngoài ra Trump cũng có những người ủng hộ khác. Có những người trong thâm tâm khinh và ghét Trump nhưng phải miễn cưỡng ủng hộ ông vì quyền lợi cá nhân của mình như một đa số các thống đốc, dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa, nhưng cũng có những người có thiện chí ủng hộ Trump vì thiếu thông tin hoặc kiến thức chính trị. Và cũng có những người ủng hộ Trump vì nhìn ông như một phương tiện để bênh vực một khối đông đảo đồng bào họ bị bỏ rơi.

Đó là lý do khiến Trump trở thành tổng thống Mỹ và sau bốn năm cầm quyền với vô số sai lầm và gian trá vẫn còn được hơn 74 triệu phiếu, gần 48% số phiếu. Nếu hiểu rằng dân trí là những gì người dân biết và những gì người dân tin thì phải nói rằng nước Mỹ đang có vấn đề dân trí nghiêm trọng.

Một định hướng mới cho nước Mỹ ?

Cuộc bầu cử sôi động vừa qua cho thấy nước Mỹ đã chia rẽ như chưa bao giờ thấy. Gần như trong tình trạng nội chiến với hai nửa nước kình địch nhau. Tương lai của nước Mỹ đang có những dấu hỏi rất lớn.

Trump có bị Thương Viện kết tội và sau đó mất quyền ứng cử hay không có lẽ không quan trọng lắm. Điều có nhiều xác xuất sẽ xẩy ra, dù Trump có bị kết án hay không, là chế độ lưỡng đảng của Mỹ sẽ cáo chung vì đảng Cộng Hòa sẽ vỡ làm hai, thành một đảng Công Hòa và một đảng của Trump. Đảng Dân Chủ sẽ là đảng vượt trội và cầm quyền trong một thời gian dài, trừ khi chính nó cũng sẽ vỡ đôi thành một đảng Dân Chủ và một đảng Xã Hội, một giả thuyết không thể loại bỏ ngay. Tuy vậy đe dọa Donald Trump có thể không kéo dài như nhiều người có thể nghĩ. Khối hậu thuẫn cơ sở của Trump có thể suy giảm khá nhanh chóng. Ông ta đã già và không còn sức thu hút như trước. Các con ông sẽ không thể tiếp nối bởi vì sức quyến rũ là điều người ta không thể để lại cho con. Càng ngày càng nhiều người đã nhận ra Trump là một người dối trá và không giúp gì được cho họ. Hào quang của Trump là thành công, nhưng bây giờ ông đã thua, ông không còn là một winner mà chỉ còn là một loser. Trump sau cùng cũng đã bỏ rơi những người nồng nhiệt nhất đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông mà tấn công điện Capitol. Nhất là Joe Biden tỏ ra thực sự muốn thực hiện chính sách hòa giải dân tộc.

trump4

Joe Biden, Tổng thống thứ 46 của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ

Nước Mỹ đã rất may mắn có được một tổng thống như Joe Biden vào một thời điểm đặc biệt nguy hiểm. Tuy vậy nước Mỹ mà ông tiếp nhận từ Donald Trump đang quá yếu bệnh. Trước hết là dịch Covid-19 còn đang tàn phá dữ dội sau khi đã khiến gần nửa triệu người thiệt mạng. Hậu quả kinh tế của nó vẫn chưa lường hết được nhưng nước Mỹ sẽ rất may mắn nếu phục hồi được tình trạng cuối năm 2019, trước Covid-19, trong ba năm.

Joe Biden đã nhìn rất đúng khi cho rằng Mỹ không thể phục hồi các công nghiệp cổ điển mà chỉ có thể phát triển những công nghiệp kỹ thuật cao và muốn như thế phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Ông cũng nhìn rất đúng khi cho rằng phải hòa giải với các đồng minh trong một mặt trận dân chủ toàn cầu để ngăn chặn Trung Quốc, Nga và các chế độ độc tài dân túy.

Càng đúng hơn khi Biden nhìn hòa giải dân tộc như là vấn đề quan trọng và khó khăn nhất của nước Mỹ. Muốn như thế khối cử tri cơ sở của Trump cần được giúp đỡ và, quan trọng hơn, họ cần được bảo đảm rằng nước Mỹ kính trọng và quý mến họ.

Nguyễn Gia Kiểng

(26/01/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)