Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

04/04/2021

Khủng hoảng Myanmar ảnh hưởng thế nào đến đảng cộng sản Việt Nam ?

Việt Hoàng

1. Khủng hoảng Myanmar và nguy cơ nội chiến

Hai tháng sau cuộc đảo chính của quân đội Myanmar (1/2/2021), tình hình tại đây vẫn bất ổn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến hôm nay quân đội đã giết chết hơn 500 người biểu tình trong đó có nhiều trẻ em. Các sắc tộc thiểu số có vũ trang đã đứng về phía người biểu tình bằng cách tấn công nhiều đồn cảnh sát của quân chính phủ. Quân đội trả đũa bằng cách ném bom vào khu vực do các sắc tộc thiểu số kiểm soát. Bạo lực lập tức leo thang, hôm 1/4 nhóm phiến quân người Kachin đã tấn công giết chết 20 binh lính chính phủ.

Nguy cơ nội chiến bùng nổ khiến quân đội Myanmar đơn phương thông báo ngừng bắn trong một tháng. Tại các thành phố lớn, người dân vẫn tiếp tục biểu tình phản đối đảo chính. Các sứ quán nước ngoài bắt đầu sơ tán khỏi Myanmar và tất nhiên các công ty đa quốc gia cũng đã rút phần lớn nhân viên của mình khỏi đây. Sức ép quốc tế ngày càng tăng, nguy cơ quân đội sắp hết tiền vì công ty Đức chuyên cung cấp nguyên liệu in tiền cho Myanmar tuyên bố ngừng hợp tác.

Một sự kiện gây xúc động mạnh mẽ cho dư luận là việc hoa hậu Myanmar Han Lay khóc và kêu gọi quốc tế ủng hộ cuộc tranh đấu cho dân chủ của người dân nước này tại cuộc thi sắc đẹp tổ chức tại Thái Lan hôm 27/3/2021.

my1 (3)

Hoa hậu Han Lay kêu gọi quốc tế ủng hộ cuộc tranh đấu cho dân chủ của người dân Myanmar.

Lối thoát cho Myanmar là phải loại bỏ tướng Min Aung Hliang và nhanh chóng tổ chức đối thoại với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) để thiết lập hòa bình.

2. Vai trò của Liên Hợp Quốc ở đâu ?

Trước sự đàn áp dã man của quân đội Myanmar, đã có nhiều quốc gia dân chủ yêu cầu Liên Hợp Quốc can thiệp mạnh mẽ vào Myanmar. Phải thừa nhận là Liên Hợp Quốc đã phản ứng rất yếu ớt và chậm chạp trong tình trạng khẩn cấp tại quốc gia này. Lý do cũng dễ hiểu. Trung Quốc, Nga và cả Việt Nam đã phản đối mọi hành động lên án và can thiệp của Liên Hợp Quốc. "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", các nước độc tài phải ủng hộ nhau là đương nhiên. Thật ra các nước độc tài đang lo sợ cho chính họ. Họ không muốn tiền lệ Liên Hợp Quốc can thiệp vào nội tình các quốc gia thành viên. Có lẽ phải chờ đến lúc Trung Quốc và Nga sụp đổ thì Liên Hợp Quốc mới có thể cải tổ và cho phép đội quân gìn giữ hòa bình can thiệp vào các nước thành viên khi có đảo chính, nội chiến, diệt chủng hay đàn áp nhân quyền trên diện rộng.

3. Quân đội Việt Nam có nổ súng vào người biểu tình như Myanmar không ?

Nhiều người đặt câu hỏi Đảng cộng sản Việt Nam và quân đội sẽ hành động như thế nào khi lâm vào trường hợp như Myanmar ? Không ít người cho rằng quân đội Việt Nam sẽ nổ súng vào người biểu tình.

Theo chúng tôi, điều đó chưa chắc đã xảy ra. Quân đội Myanmar là một nhà nước trong nhà nước. Họ có cơ sở kinh doanh sản xuất, nhà băng, khai thác khoáng sản, trường học, bệnh viện... Binh lính Myanmar và gia đình họ sống biệt lập trong những khu vực riêng và tách biệt khỏi người dân, trong khi quân đội Việt Nam không như thế. Họ vẫn sống và sinh hoạt bình thường như mọi người dân Việt Nam khác. Dù họ bị tẩy não thường xuyên và yêu cầu trung thành với Đảng cộng sản nhưng không ít người trong họ biết rõ những gì đang xảy ra trên thế giới và Việt Nam. Họ biết và chứng kiến nhiều chuyện bất công, ngang trái xảy ra trong chính gia đình và người thân của họ.

Quan trọng hơn cả là các cấp lãnh đạo Đảng cộng sản nói chung và giới lãnh đạo quân đội Việt Nam nói riêng có rất nhiều tài sản cất giấu ở nước ngoài, chưa kể con cái họ đang sinh sống và học tập tại các nước dân chủ. Đây là gót chân Asin (Achilles) của chế độ. Mọi hành động đàn áp dân chúng bằng bạo lực sẽ khiến thế giới lên án và sau đó là trừng phạt bằng cách phong tỏa tài sản và nhiều chế tài khác. Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hliang và các đồng phạm không chỉ bị phong tỏa tài sản mà sớm muộn cũng sẽ bị đem ra xét xử tại Tòa án Hình sự quốc tế vì tội diệt chủng.

my2

Quân đội Việt Nam có nổ súng vào người biểu tình như ở Myanmar không, đó là một dấu hỏi lớn.

Đảng cộng sản sẽ tìm mọi cách để dập tắt mọi mầm mống chống đối từ trong trứng nước chứ không để xảy ra như Myanmar. Khi đám cháy quá lớn thì sẽ không thể dập tắt. Đến lúc đó Đảng cộng sản, có thể, sẽ tìm cách rút lui hay thỏa hiệp chứ không đàn áp đến cùng như đám tướng lĩnh Myanmar.

Các quốc gia độc tài vẫn còn trụ được đến ngày hôm nay như Bắc Triều Tiên, Cuba hay Belarus là vì giới lãnh đạo của họ không có tài sản và thân nhân ở nước ngoài. Đừng quên sự kiện cựu tổng thống Ukraine, Viktor Yanukovich bị lật đổ năm 2014. Quân đội và công an đã không còn nghe lệnh của ông ta trong việc dùng bạo lực trấn áp người dân tham gia biểu tình. Tất cả quan chức chính phủ của Yanukovich đều có tài sản gửi ở nước ngoài nên họ đã chọn cách bỏ chạy thay vì đàn áp người dân.

4. Khủng hoảng Myanmar gây sức ép rất lớn lên Đảng cộng sản Việt Nam

Chúng ta đều biết là các nhà đầu tư quốc tế, các công ty đa quốc gia sẽ không bao giờ đầu tư vào một quốc gia bất ổn chính trị. Đảng cộng sản cũng biết điều đó. Vậy Việt Nam có phải là quốc gia ổn định chính trị không ? Câu trả lời là không.

Nhưng trước hết phải hiểu thế nào là "ổn định chính trị". Ổn định có hai nghĩa :

"Nghĩa thứ nhất là ổn định dân sự, nghĩa là ổn định trong cuộc sống của mỗi công dân, là đảm bảo không bị bắt bớ, tịch thu tài sản, cấm kinh doanh, không là nạn nhân của những thay đổi luật pháp đột ngột và thường xuyên, hay những quyết định tùy tiện của chính quyền. Ổn định này rất cần thiết cho phát triển kinh tế, vì có như thế người dân mới có thể yên trí để tiên liệu và hoạch định sinh hoạt của mình. Ổn định này đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp trị.

Nghĩa thứ hai là ổn định của tập đoàn cầm quyền, hay nói khác đi là sự kéo dài của một chính quyền với cùng những người cầm quyền. Sự kéo dài này, nếu không do bầu cử tự do mà là do một chế độ độc tài bạo ngược, còn rất mâu thuẫn với ổn định dân sự và do đó hoàn toàn mâu thuẫn với phát triển, bởi vì người dân luôn luôn phải sống trong sợ sệt, không dám và không thể lập những kế hoạch kinh doanh lâu dài.

Kinh nghiệm cho thấy ổn định dân sự rất cần cho phát triển, trong khi ổn định của tập đoàn cầm quyền hoàn toàn không cần thiết, thậm chí còn có ảnh hưởng xấu vì các chính quyền kéo dài quá lâu gần như chắc chắn đưa tới lạm quyền và tham nhũng. Tại Nhật, từ sau Thế Chiến II tới nay, ít có chính phủ nào kéo dài được hai năm. Tại Ý, tuổi thọ trung bình của các chính phủ còn ngắn hơn nhiều. Mặc dầu vậy kinh tế của cả hai nước này đều phát triển nhanh chóng, họ đều là thành viên của nhóm bảy nước phát triển nhất. Trong khi các nước có những chính quyền kéo dài như Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên và nhiều nước thuộc Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh lại rất trì trệ và lạc hậu.

Khi các tập đoàn độc tài - như ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam - nói cần phải có ổn định để phát triển, nhiều người đồng ý với họ vì hiểu đó là ổn định dân sự trong khi họ thực hiện ổn định theo nghĩa thứ hai, nghĩa là ổn định của tập đoàn cầm quyền. Đó là một sự gian trá cần được tố giác".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương VI : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng Hòa Việt Nam)

Khủng hoảng tại Myanmar đã khiến các công ty đa quốc gia tháo chạy khỏi nơi đây, thiệt hại cho họ và cho người dân Myanmar là rất lớn. Cuộc khủng hoảng này sẽ khiến cho các tập đoàn và các công ty đa quốc gia phải xem xét lại việc đầu tư vào các nước chưa có dân chủ như Việt Nam. Sức ép của các quốc gia như Mỹ, EU và các nước có đầu tư nhiều vào Việt Nam như Nhật, Hàn, Đài Loan... sẽ gia tăng. Việt Nam phải có lộ trình dân chủ hóa đất nước nếu muốn hợp tác và làm ăn lâu dài với các nước dân chủ.

5. Vì sao Đảng cộng sản gia tăng đàn áp ?

Đảng cộng sản đã lấy quyết định "xoay trục" sang Mỹ và các nước dân chủ nhưng mặt khác họ lại không muốn dân chủ hóa đất nước vì sợ mất quyền lực. Trái với lo âu của nhiều người là nếu Việt Nam có dân chủ thì Đảng cộng sản vẫn được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền. Chúng tôi (và cả Đảng cộng sản Việt Nam) không cho là như thế. Nếu biết chắc chắn điều đó thì Đảng cộng sản đã dân chủ hóa đất nước từ lâu rồi. Nếu có bầu cử tự do thì chưa chắc Đảng cộng sản đã có ghế nào trong Quốc hội. Đảng cộng sản có thể không có tương lai nhưng các đảng viên đảng cộng sản vẫn có tương lai như bao người dân Việt Nam khác.

Đảng cộng sản không muốn từ bỏ quyền lực. Họ muốn mọi thay đổi tại Việt Nam phải do họ "tự biên, tự diễn" trong một trật tự do họ kiểm soát. Khổ nỗi là họ không thể làm được điều đó. Mong muốn của họ là "dân chủ hóa đất nước một mình", tuy nhiên chưa có một đảng cộng sản nào trên thế giới có thể tự thay đổi. Cố tổng thống Nga Boris Yeltsin từng nói "chế độ cộng sản không thể sửa chữa mà phải đào thải".

Dù vậy, Đảng cộng sản vẫn "cố đấm ăn xôi" bằng cách gia tăng đàn áp và bắt bớ những ai dám phê phán hay có hành vi chống đối chế độ và chính quyền. Họ muốn "dọn sạch" trước khi phải thay đổi.

my03

Đã đến lúc người dân Việt Nam cần lên tiếng ủng hộ cho những tổ chức chính trị đứng đắn, viễn kiến và bao dung.

6. Phong trào dân chủ Việt Nam phải làm gì ?

Sau sự kiện Donald Trump và bầu cử Mỹ 2020 thì phong trào dân chủ Việt Nam đã lắng xuống và bớt ồn ào. Điều này rất có lợi cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Đã đến lúc tiếng nói nghiêm túc của các tổ chức chính trị đứng đắn cần được lắng nghe. Phương pháp tranh đấu theo kiểu nhân sĩ đã lỗi thời. Việc cần làm và thiết thực nhất bây giờ là thay đổi tư duy và định kiến để góp phần xây dựng và ủng hộ những tổ chức chính trị thực sự có viễn kiến và trách nhiệm. Tuyệt đối đoạn tuyệt với việc cổ xúy cho bạo lực và bất dung. Nên ủng hộ cho những tổ chức có viễn kiến, bao dung và tinh thần hòa giải dân tộc.

Việt Nam sẽ sớm thay đổi vì làn sóng dân chủ thứ tư đang trào dâng mãnh liệt. Mỹ, EU và các nước dân chủ sẽ chấm dứt làm ăn và hợp tác với các nước độc tài hoặc chỉ duy trì ở mức tối thiểu, nhất là Nga và Trung Quốc. Kinh tế hai nước này sẽ rơi vào khủng hoảng khi nguồn đầu tư tư bản ngừng chảy vào đất nước họ. Thời gian ân huệ cho Đảng cộng sản Việt Nam không còn nhiều, một là họ phải chủ động tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước hai là làm nạn nhân của một sự thay đổi bắt buộc phải đến.

Việt Hoàng

(04/04/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1551 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)