Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

26/04/2021

Hai quyết định gây thất vọng của Joe Biden

Việt Hoàng

1. Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

Afghanistan là một quốc gia Hồi giáo nằm ở cả Trung và Nam Á, có diện tích hơn 650.000 km vuông (gấp đôi Việt Nam) nhưng dân số chỉ hơn 30 triệu người. Afghanistan là quốc gia có nhiều đồi núi, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, bao gồm nhiều sắc tộc trong đó sắc tộc lớn nhất là Pashtun chỉ chiếm 42% dân số. Thế kỷ thứ 3, Afghanistan đã từng bị sát nhập vào Ấn Độ và trở thành một nước Phật giáo.

Afghanistan là một quốc gia nghèo và lạc hậu nhất thế giới, nhưng lại sản xuất đến 90% lượng thuốc phiện trên toàn cầu. Trong lịch sử, Afghanistan chưa bao giờ là một quốc gia thống nhất, và từng bị nhiều đế quốc xâm lược như Ba Tư, Ấn Độ, Mông Cổ, Anh, Liên Xô (1978-1988), Mỹ không tính vì không có ý định chiếm đóng lâu dài.

Sau khi Liên Xô rút đi thì Afghanistan bị nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban nổi dậy chiếm quyền kiểm soát đất nước. Taliban đã áp đặt và thực thi bộ luật Sharia hà khắc và ủng hộ cho các nhóm khủng bố Hồi giáo như Al-Qaeda của Bin Laden.

Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 do Al-Qaeda thực hiện làm chết gần 3.000 người ở New York, chính quyền Mỹ đã lấy quyết định đem quân vào Afghanistan nhằm mục đích tiêu diệt khủng bố và lật đổ chính quyền Taliban. Ngoài ra Mỹ còn cam kết thiết lập và xây dựng một nhà nước dân chủ tại đây với tên gọi "Tự do bền vững".

Cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan chính thức kết thúc vào ngày 28/12/2014. Tuy nhiên vẫn còn vài nghìn quân Mỹ và lính NATO ở lại để đào tạo và cố vấn cho chính phủ Afghanistan. Số tiền gần 2.000 tỉ USD mà Mỹ chi cho cuộc chiến và 2.448 lính Mỹ tử trận chủ yếu là ở giai đoạn này. Năm 2019 chỉ có 22 lính Mỹ thiệt mạng, năm 2020 con số đó chỉ còn 10. Đa số họ bị tử nạn chứ không phải do chiến đấu với quân Taliban. Tính trung bình mỗi năm Mỹ mất khoảng 125 lính tại đây. Một con số để so sánh, mỗi năm nước Mỹ có 20.000 người chết vì súng đạn.

joe1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 9/11/2021

Mục tiêu của Mỹ là tiêu diệt Taliban vẫn chưa hoàn thành, hiện nay Taliban vẫn kiểm soát được gần một nửa lãnh thổ. Sở dĩ Taliban vẫn mạnh, một phần là do được Nga cung cấp vũ khí (trước đây Mỹ và NATO cũng từng cung cấp vũ khí cho phe du kích để đánh Liên Xô) và do địa hình của Afghanistan rất phức tạp.

2. Vì sao Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan ?

Lý do mà ông Biden đưa ra để biện luận cho việc rút quân tại Afghanistan là chính phủ Mỹ cần tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc và do cuộc chiến đã kéo dài quá lâu. Cả hai lý do này hoàn toàn không thuyết phục. Mỹ đóng quân ở Châu Âu, Nhật, Hàn... hơn 70 năm nay nhưng có rút đâu. Số quân của Mỹ tại Afghanistan rất nhỏ và chi phí là không đáng kể so với 850 căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp thế giới và hơn 700 tỉ USD chi cho quốc phòng mỗi năm. Sự có mặt của Mỹ trên khắp thế giới là để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ và nhất là để bảo vệ đồng đôla Mỹ. Nên biết Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể in tiền thoải mái mà không sợ lạm phát. Đúng ra là có lạm phát nhưng sự lạm phát đó đã được chia đều cho cả thế giới.

Quân số 2.500 lính Mỹ đóng tại Afghanistan là rất nhỏ nhưng có tác dụng lớn là duy trì sự hiện diện và răn đe của Mỹ tại khu vực Trung Đông, một khu vực bất ổn và nguy hiểm nhất trên thế giới. Việc rút quân làm Mỹ mất uy tín rất lớn. Đừng quên là 80% người dân Afghanistan ủng hộ việc Mỹ đem quân vào lật đổ Taliban năm 2001 cũng như sự hiện diện của người Mỹ tại đây. Các nước đang cạnh tranh và có ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông như Nga, Trung Quốc và Iran sẽ vui mừng khi biết Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Trong quá khứ, Mỹ đã từng bỏ rơi đồng minh như Việt Nam Cộng Hòa, Đài Loan rồi Iraq, Syria, người Kurd, và bây giờ là Afghanistan. Nhiều nước trên thế giới sẽ thấy Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy. Đây là một mất mát lớn cho uy tín của nước Mỹ.

Sức mạnh của Mỹ không chỉ ở số lượng vũ khí và quân đội mà còn là sức mạnh mềm đến từ niềm tin của các nước trên thế giới. Các giá trị phổ quát về nhân quyền và tự do được Mỹ xiển dương và bảo vệ góp phần xây dựng nên sức mạnh mềm cho nước Mỹ. Việc Mỹ bỏ chạy khỏi Afghanistan khiến chúng ta nhớ lại việc Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 đã gây ra một thảm họa nhân đạo cho người dân Miền Nam Việt Nam sau đó.

3. Joe Biden giảm số lượng di dân vào Mỹ

joe2

Không hề có khủng hoảng di dân ở biên giới Mỹ như các dân biểu đảng Cộng hòa la lối... Ảnh minh họa di dân xếp hàng xin vào biên giới Hoa Kỳ - Mễ Tây Cơ

Ngoài quyết định rút quân đáng buồn này ra thì Biden còn một quyết định khác cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận và ngay trong nội bộ đảng Dân chủ đó là việc Nhà Trắng vừa mới công bố quyết định giữ nguyên số lượng người tị nạn được nhận vào Mỹ năm nay ở mức thấp nhất như dưới thời Donald Trump là 15.000 người. Trước đó, trong thời gian tranh cử Biden từng hứa con số nhập cư sẽ là 62.500 người trong năm 2021 và có thể nâng lên 125.000 người trong năm tiếp theo.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc thì có hơn 80 triệu người tị nạn trên toàn thế giới, trong đó 85% muốn tị nạn ở các nước phát triển. Tại biên giới EU luôn có khoảng 500 - 600.000 người chờ xin được tị nạn. Tại biên giới Mỹ - Mexico vào lúc cao điểm nhất có hơn 170.000 người di cư. Bình thường con số này chỉ khoảng 15.000 người. Hoàn toàn không có chuyện khủng hoảng di dân ở biên giới như đảng Cộng hòa la lối. Năm 2015, Đức với gần 84 triệu dân đã tiếp nhận hơn 1,1 triệu người tị nạn sau khủng hoảng tại Syria và họ đã giải quyết mọi việc rất êm đẹp và ổn thỏa.

Vì sao ông Biden phải lấy hai quyết định đáng buồn đó ? Câu trả lời là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 sắp tới. Biden cần tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri bảo thủ trong đảng Cộng hòa nếu không muốn mất Hạ viện và cả Thượng viện. Phe đa số của đảng Dân chủ tại hai viện đều rất mong manh. Cuộc "nội chiến" giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn gay gắt khiến họ luôn chống đối bất cứ một kế hoạch nào của đảng kia đưa ra. Người dân Mỹ hiểu biết về chính trị khá sơ sài nên họ chỉ nghe theo lời các dân biểu của họ. 74 triệu phiếu bầu cho Donald Trump năm 2020 là một sức ép rất lớn đối với Joe Biden. Nếu mất Hạ viện và Thượng viện thì Biden sẽ bị trói tay, không thể làm gì được.

Chế độ chính trị theo mô hình tổng thống của Mỹ ngày càng bộc lộ rõ những nhược điểm. Các tổng thống đều phải lấy những quyết định dân túy để lấy lòng cử tri. Biden đã phải làm những việc mà chắc chắn ông ấy không muốn như cắt giảm số người tị nạn vào Mỹ và rút quân khỏi Afghanistan.

4. Tương lai nào cho Afghanistan ?

Tình hình tại Afghanistan sẽ ra sao sau khi Mỹ rút đi ? Hy vọng sẽ không đến nỗi tồi tệ như Việt Nam Cộng Hòa vì chính phủ Kabul vẫn nhận được vũ khí và hậu thuẫn của Mỹ. Mặt khác Taliban cũng chưa chắc đã giành được chiến thắng bằng giải pháp quân sự. Có thể họ sẽ dùng phương pháp ngoại giao hoặc đối thoại để chiếm ưu thế và giành chính quyền. Taliban cũng sẽ rút kinh nghiệm, không dung dưỡng các nhóm khủng bố để Mỹ có lý do quay lại. Nhóm khủng bố Al - Qaeda hiện nay cũng đã rất yếu.

Tuy nhiên đó là phương án không có gì chắc chắn vì Taliban vốn là một tổ chức khủng bố, họ quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thay vì đối thoại. Nếu Taliban quyết định dùng giải pháp bạo lực để kiểm soát đất nước thì Afghanistan sẽ tiếp tục rơi vào một cuộc nội chiến vô tiền khoáng hậu như suốt chiều dài lịch sử của nó. Vụ đánh bom mới nhất do Taliban gây ra tại một khách sạn ở Pakistan, sát biên giới với Afghanistan (hôm 21/4/2021), nơi đại sứ Trung Quốc đang lưu trú là một báo hiệu xấu cho tương lai của Afghanistan và khu vực.

joe3

Taliban đánh bom tại một khách sạn ở Pakistan nơi có đại sứ Trung Quốc lưu trú hôm 21/4/2021 - Ảnh minh họa France24

Nếu Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan thì có thể họ sẽ gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc. Mặc dù biên giới giữa hai nước chỉ có 76 km nhưng lại giáp với khu vực Tân Cương đầy bất ổn. Không rõ Taliban sẽ giúp những người đồng đạo Tân Cương như thế nào nhưng nếu muốn thì họ sẽ khiến Bắc Kinh mất ngủ. 

Thế giới đã thay đổi và nước Mỹ cũng đã thay đổi. Uy tín, hình ảnh và sức mạnh mềm của nước Mỹ xây dựng trong hàng trăm năm đã bị tiêu xài hoang phí dưới thời Donald Trump và sẽ tiếp tục suy giảm. Dự trữ ngoại hối của thế giới bằng đồng USD đang giảm, hiện tại chỉ còn 59% trong khi đó cách đây 10 năm con số đó là 75%. Đồng Euro tăng từ 5% lên 25% và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ là 1%. Mỹ đang từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới. Từ nay trở Mỹ sẽ đảm nhiệm vai trò thứ nhất trong số những đối tác ngang hàng chứ không còn đơn phương quyết định mọi việc như trước nữa.

Việt Hoàng

(26/04/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1938 times

4 comments

  • Comment Link VH lundi, 03 mai 2021 17:23 posted by VH

    Độc giả Bùi Quang Lưu thân mến.
    Về ngày 30 tháng 4 có rất nhiều cách nhìn và đánh giá khác nhau. Quan điểm của Tập Hợp về biến cố này được anh Nguyễn Gia Kiểng trình bày trong hơn chục bài viết mà chúng tôi có đăng lại trên Facebook của Tập Hợp. Anh có thể tham khảo.
    Chủ đề này rất rộng lớn nên không thể thảo luận trong một stt.
    Cám ơn anh đã góp ý kiến và theo dõi Thông Luận.
    Việt Hoàng

  • Comment Link VH dimanche, 02 mai 2021 14:26 posted by VH

    Độc giả Bùi Quang Lưu thân mến.
    Comment của anh lạc đề rồi. Bài viết này nêu ra hai quyết định khá thất vọng của Joe Biden mặc dù anh em Tập Hợp đánh giá rất cao tân tổng thống 46 của Mỹ.
    Việt Hoàng

  • Comment Link VH lundi, 26 avril 2021 16:45 posted by VH

    Cám ơn anh Tuấn Trần đã góp ý.
    Những ý kiến của anh về sự yếu kém của VNCH là hoàn toàn đúng. Theo chúng tôi thì ban lãnh đạo của VNCH không phải là một tổ chức chính trị nên họ không có nhân sự chính trị. Cũng như Mỹ hiện nay, VNCH có các chuyên gia và cán bộ rất giỏi nhưng ban lãnh đạo, là những người có quyết định sau cùng lại quá kém. VNCH thua là vì thế.
    Rất tiếc là cho đến tận bây giờ nhiều người VN vẫn chưa nhận ra điều đó.
    Việt Hoàng

  • Comment Link Tuấn Trần lundi, 26 avril 2021 14:03 posted by Tuấn Trần

    Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ vì họ biết nhân dân, quốc hội và chính quyền Mỹ bỏ rơi họ( nhân dân MỸ phản chiến, quốc hội giảm viện trợ và chính quyền Nixon đàm phán với TQ áp đặt họ tuân thủ)..Afghanistan sẽ đứng vững vì họ biết Mỹ và khối NATO đứng sau lưng ho.Cái đó quan trọng gấp ngàn lần 2500 quân của Mỹ.
    Một trong những nguyên nhân sâu xa và quan trọng khiến Mỹ và chính quyền miền nam sụp đổ là sự yếu kém trong công tác tuyên truyền. Họ không biết bác bỏ các luận chứng tuyên truyền của cộng sản. Hãy xem xét cụ thể
    Một là, CS bắc việt cho rằng Mỹ xâm lược VN. Hoàn toàn sai, vì xâm lược là phải chiếm và xác nhập lãnh thổ, chẳng hạn như Irac đánh chiếm và nhập nước Cô-ét thành một tỉnh . Về mặt luật quốc tế, chính quyền TT Thiệu có quyền yêu cầu một nước khác giúp đỡ( tương tự miền bắc nhờ các chuyên gia và quân tình nguyện của TQ, Nga vào miền bắc…). Mặt khác, một thực tế dễ thấy rõ là, toàn bộ cuộc chiến đều xảy ra ở miền nam, là khu vực CQ miền nam quản lý hợp pháp theo hiệp định Giơnevơ 1954. Điều ấy chứng tỏ chính quyền miền bắc đã vi phạm hiệp định khi tấn công miền nam bất hợp pháp.
    Hai là, họ cho rằng tiến hành cuộc chiến để thống nhất đất nước. Điều này cũng sai. Hiệp định giơnevơ tạm chia ngôi nhà VN làm hai phần để hai anh em khỏi đâm chém nhau vì ý thức hệ. Ai thích cộng sản thì tập kết ra bắc. Ai thích cộng hoà thì di cư vào nam. Khi nào hai anh em thấy có thể sống chung lại với nhau thì tổ chức tổng tuyển cử. Việc cưỡng chiếm miền nam vừa vi phạm pháp luật, vừa phi đạo đức làm người khi anh em một nhà mà cố tàn sát nhau.
    Ba là, họ cho rằng đánh chiếm miền nam là để giải phóng miền nam. Điều này cũng vô lý vì giải phóng là đem cái tốt, cái sung túc, cái văn minh để thay thế cái lạc hậu, cái xấu,cái đói nghèo. Những tiêu chí này miền bắc kém xa miền nam.
    Bác bỏ những luận điểm này không khó khăn lắm. Rất tiếc, thời đó Mỹ và chính quyền miền nam đã không làm được.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)