Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

01/05/2021

Nhìn lại cuộc vận động dân chủ

Nguyễn Gia Kiểng

46 năm sau ngày 30-4-1975, nhìn lại cuộc vận động dân chủ

Chế độ cộng sản là một truyện thuyết đặt nền tảng trên tư tưởng của Karl Marx, để hướng tới giấc mơ một xã hội bình đẳng bằng phương pháp khủng bố nhân danh vô sản chuyên chính của Lenin. Truyện thuyết này đã chứng tỏ sự độc hại và trên thực tế đã sụp đổ nhưng chế độ cộng sản vẫn còn đó bởi vì một truyện thuyết ngay cả đã sụp đổ cũng chỉ có thể thay thế được bằng một truyện thuyết khác, nếu không nó vẫn còn đó dù đã chết lâm sàng. Đất nước đang chờ một truyện thuyết dân chủ đa nguyên.

vanhoi1

Dịp kỷ niệm thứ 46 biến cố 30-04-1975 năm này diễn ra trong một bối cảnh nghịch lý. Đất nước đang đứng trước một vận hội rất lớn trong khi cả chính quyền lẫn đối lập dân chủ đều kiệt quệ.

Nhìn lại, vì sao ?

Trước hết là một cái nhìn lại. Ngày 30-4-1975 đã là một trong những ngày lịch sử lớn nhất của nước ta. Gọi nó là ngày quốc hận hay ngày thống nhất đều đúng nhưng đều không đúng hẳn. Đã có nhiều phim, sách và bài viết về biến cố này nhưng sẽ không bao giờ đủ. Mỗi lần nhìn lại đều thấy vẫn còn nhiều điều phải nói.

Kẻ thua, chế độ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam, đã rất xứng đáng để thua nhưng kẻ thắng, chế độ cộng sản miền Bắc hoàn toàn không xứng đáng để thắng. Cuộc chiến đã dài và khốc liệt, cuối cùng kẻ yếu và dốt đã toàn thắng trong khi kẻ mạnh và hiểu biết hơn nhiều đã thảm bại. Phải hiểu lý do để có thể ra khỏi một tình trạng đáng xấu hổ đã kéo dài quá lâu.

Sau ngày 30-04-1975 trong vòng bẩy năm rưỡi, một nửa ở tù và một nửa làm chuyên viên trong chế độ cộng sản, tôi đã thấy rất rõ sự dốt nát quá đáng của các cấp lãnh đạo cộng sản. Các bài diễn văn dài và đắc thắng của những Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng v.v. vớ vẩn đến nỗi tôi có cảm tưởng đất nước đã lùi về thế kỷ 19. Đa số những người được coi là chuyên gia cao cấp tốt nghiệp tại Liên Xô cũng chỉ có những kiến thức rất sơ sài và những công thức khuôn sáo đã học thuộc lòng. Ngay sau khi đã thành thân quen và bức màn ngăn cách giả tạo đã gỡ đi nhường chỗ cho tình bạn, đa số đã tâm sự rằng họ không ưa gì chủ nghĩa và chế độ cộng sản, chỉ bị lôi cuốn bởi guồng máy. Một người từng được huân chương đảng viên gương mẫu và được chọn làm đại biểu tham dự đại hội lần thứ 5 của Đảng Cộng Sản nói với tôi : "mình hèn nhát không dám chống lại nên đành làm anh hùng". Qua các bạn này tôi hiểu rằng một số nhỏ cán bộ cốt cán đã gây kinh sợ cho đại đa số đảng viên cộng sản và sử dụng họ làm dụng cụ để trấn áp và gây kinh hoàng cho cả nước. Đảng Cộng Sản có sức mạnh ghê rợn của một tổ chức khủng bố, một tổ chức có quyết tâm, có kỷ luật thép trong nội bộ và không bị ràng buộc bởi bất cứ quy ước nào, dù là pháp lý hay đạo đức. Một chính quyền bình thường dù mạnh gấp hai hay ba lần cũng không thắng nổi một tổ chức khủng bố.

Sức mạnh khủng bố này phe quốc gia –Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa- dĩ nhiên không có nhưng cũng không ý thức sự nguy hiểm của nó để chống lại. Trừ vài năm chót, khi Mỹ đã lấy quyết định bỏ cuộc, phe quốc gia đã có những phương tiện hơn hẳn và những còn người có trình độ hiểu biết hơn hẳn phe cộng sản nhưng sau cùng đã thua vì thiếu ý chí, thiếu ý thức chính trị và thiếu khả năng đấu tranh chính trị. Nói tóm lại là phe quốc gia thiếu những cán bộ chính trị. Tình trạng này có thể thấy rõ ngay sau ngày 30-04-1975. Hàng chục ngàn cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, quân đội cũng như hành chính, kế cả các cựu tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, tướng lãnh, đã đào thoát được ra nước ngoài trong tuổi xuân của đời, nhưng có bao nhiêu người tiếp tục tranh đấu ? Rất ít, và thiểu số này cũng không biết phải đấu tranh như thế nào. Thường thường cũng chỉ là để lập những tổ chức vô vọng và vô duyên như hội đồng quân lực Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ lưu vong, mặt trận phục quốc v.v. Một vài cố gắng nghiêm chỉnh lại thiếu tầm nhìn.

Việt Nam Cộng Hòa đã là một thử nghiệm dân chủ lãnh đạo bởi những người không hiểu biết gì nhiều về dân chủ, dù có thể có những bằng cấp chuyên môn cao và cũng không cảm thấy cần phải học hỏi thêm, bởi vì họ không quan tâm tới chính trị hay tin rằng làm chính trị không cần phải học. Ngay cả với những cấp lãnh đạo chính trị cao nhất, dân chủ cũng chỉ giản dị là không chính thức cấm đoán các tổ chức, có tam quyền phân lập hình thức, bầu cử không gian lận trắng trợn. Họ chỉ được huấn luyện và đào tạo để phục vụ trong một chính quyền chứ không phải để thiết kế hay điều khiển một chính quyền. Một số đông là những viên chức hay sĩ quan của chế độ Pháp thuộc để lại. Chính trị đối với họ chỉ là tranh giành chức vụ và nhiều người, kể cả ở những vị trí chính trị cao nhất, nói một cách rất tự nhiên và tự hào là không thích và không làm chính trị. Tuy vậy họ cũng rất hân hoan nếu được làm bộ trưởng, thậm chí thủ tướng. Tôi đã gặp một ông cựu thủ tướng như vậy. Thực ra ai cũng làm chính trị nhưng làm chính trị kiểu nhân sĩ, nghĩa là tạo tiếng tăm và uy tín cho mình và tin rằng như thế là mình có tư cách lãnh đạo.

Đặc tính của các chính quyền quốc gia trong suốt thời gian tồn tại 1948 – 1975 là những người đã kế tiếp nhau cầm quyền hầu như không biết gì về chính trị, nhưng họ vẫn an nhiên vì không biết rằng mình không biết. Thí dụ không ai nhìn thấy mâu thuẫn rằng ngọn cờ chính nghĩa của phe quốc gia là dân chủ nhưng văn hóa nền tảng vẫn là văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa hoàn toàn trái ngược với dân chủ. Phải nói rằng Khổng Giáo đã là nền tảng của xã hội Việt Nam trong suốt dòng lịch sử. Một người Việt Nam có thể theo Phật Giáo hay Công Giáo, hay Tin Lành, hay theo đạo thờ ông bà nhưng ai cũng sống theo đạo lý Khổng Giáo. Khổng Giáo mới thực sự là quốc giáo của Việt Nam cho tới rất gần đây, một điều mà các cấp lãnh đạo phe quốc gia ở mọi cấp bậc hoàn toàn không ý thức được. Khi phê phán và bác bỏ Khổng Giáo, chính tôi đã bị ném đá dữ dội và mất nhiều người bạn vì bị cho là đã xúc phạm tới tổ tiên và văn hóa dân tộc. Ngày nay ảnh hưởng của văn hóa Khổng Giáo đã giảm nhiều nhưng vào thời điểm 1975 và ở miền Nam nó là văn hóa nền tảng của nhân sự chính trị. Người ta chỉ chấp nhận cải tiến nó để thích nghi với tình huống mới chứ vẫn tôn sùng "Đức Khổng Phu Tử". Đây chính là lý do đã làm chết chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bởi vì nếu chỉ muốn cải tiến Khổng Giáo thì chế độ cộng sản chính là giải đáp lý tưởng. Chế độ cộng sản về bản chất là một chế độ Khổng Giáo nhưng hiện đại hơn, xã hội hơn và cũng nhân bản hơn.

Trong suốt cuộc nội chiến, phe cộng sản mặc dù chỉ là một phiên bản mới của Khổng Giáo lại phê phán khá thẳng thắn và khá chính xác văn hóa Khổng Giáo trong khi phe quốc gia đáng lẽ phải bác bỏ Khổng Giáo một cách quả quyết và dứt khoát lại tôn sùng nó. Phải nói về mặt chính trị, các cấp lãnh đạo cộng sản hơn hẳn các đối thủ của họ. Phe cộng sản có một ưu thế lý luận và tuyên truyền hơn hẳn phe quốc gia. Ưu thế này cộng với hiệu lực của một tổ chức khủng bố khiến họ có thể đánh bại nhanh chóng chế độ Việt Nam Cộng Hòa nếu không có Mỹ yểm trợ.

Nhờ những phương tiện kinh tế cũng như quân sự áp đảo, đặc biệt là độc quyền không quân, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã gây cho phe cộng sản những tổn thất rất nặng về cả khả năng chiến đấu lẫn tinh thần chiến đấu. Với thời gian, một lớp người trẻ cũng đã xuất hiện trong hàng ngũ Việt Nam Cộng Hòa, năng động hơn, hiểu biết hơn, có tinh thần dân tộc và dân chủ hơn ; nhưng họ chỉ mới tới được ngưỡng cửa quyền lực thì lịch sử đã sang trang. Nếu chế độ Việt Nam Cộng Hòa kéo dài thêm được năm hay mười năm nữa thì kịch bản 30-4 có thể đã không xẩy ra, thay vào đó có thể là một kịch bản tương tự như Đức, nhưng Mỹ đã quyết định bỏ Việt Nam Cộng Hòa rồi. Và họ đã bỏ một cách rất tàn nhẫn. Không chỉ rút quân đi, họ còn cắt viện trợ để Việt Nam Cộng Hòa chết thật nhanh. Trước năm 1973 viện trợ Mỹ là trên 10 tỷ USD mỗi năm, năm 1974 chỉ còn 700 triệu, năm 1975 zero. Trong khi đó Liên Xô ồ ạt gia tăng viện trợ cho Hà Nội. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hầu như đã không kháng cự trong cuộc tổng tấn công cuối cùng kết thúc ngày 30-4-1975 vì đã hoàn toàn kiệt quệ. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chết sau khi đã không tận dụng kịp thời được một giai đoạn đầu thuận lợi.

vanhoi2

Đấu tranh thế nào để giành thắng lợi ?

Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua rồi. Nhiều người sinh ra sau ngày 30-04-1975 nay đã thành ông bà, nhắc lại vài nét chính của biến cố lịch sử này chỉ là để rút ra những bài học lớn.

Câu hỏi đang được đặt ra trong lúc này là làm thế nào để vực dậy phong trào dân chủ. Dưới mắt nhiều người phong trào dân chủ Việt Nam đang suy yếu, gần như tan rã. Tôi không chia sẻ cái nhìn bi quan này. Phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ mạnh cả, trừ khi ta đồng hóa sức mạnh với sự nhốn nháo. Nhiều người nghĩ mình cũng có thể thành lập và lãnh đạo một tổ chức, nhiều người cho rằng đấu tranh chủ yếu là lên tiếng phản đối chế độ độc tài và cũng có những người chỉ cố gắng để gây tiếng vang. Các nhóm và tổ chức thi nhau ra đời và đua nhau lên tiếng, kể cả để công kích lẫn nhau. Người ta nói nhiều hơn nghe và thực ra cũng ít có gì đáng nghe. Kết quả là một sự nhốn nháo khiến những cố gắng nghiêm túc không lôi kéo được sự hưởng ứng đáng lẽ phải có. Sự nhốn nháo này bây gi đã lắng xuống. Đây là một thời điểm thuận lợi cho những ai thực sự muốn đấu tranh đem lại tự do và dân chủ cho đất nước. Chúng ta nên lạc quan.

Cuộc đấu tranh cho dân chủ phải được coi là thiêng liêng và bắt buộc. Với một địa lý khá thuận lợi và một dân tộc đông đảo và cần mẫn đáng lẽ chúng ta phải là một quốc gia giầu mạnh nhưng thực tế là chúng ta chỉ là một nước nghèo khổ, tụt hậu, ô nhiễm sau khi đã chịu những thiệt hại kinh khủng trong một cuộc nội chiến ngu xuẩn. Tệ hơn nữa, chúng ta vẫn chưa có được điều mà hầu hết các dân tộc đều đã có : tự do. Các sĩ quan trong quân đội và công an, các chức vụ từ phó phòng trở lên trong các cơ quan nhà nước, kể cả các bệnh viện và trường học, đều chỉ dành riêng cho đảng viên cộng sản. 95% người Việt còn lại chỉ là thứ dân. Đảng Cộng Sản không tự coi là người Việt Nam, họ cư xử như một lực lượng chiếm đóng. Họ thống trị và làm nhục nhân dân Việt Nam. Đấu tranh giành tự do và dân chủ vì thế phải được coi là quan trọng nhất, trên và trước tất cả mọi quan tâm khác.

Nhưng phải đấu tranh thế nào để giành thắng lợi ? Tại sao gần một nửa thế ký đã trôi qua rồi mà Đảng Cộng Sản, dù đã thất bại trên tất cả mọi phương diện, trong tất cả mọi địa hạt và theo tất cả mọi tiêu chuẩn, vẫn chưa phải đối diện với một đối lập dân chủ có tầm vóc ? Câu hỏi càng nhức nhối vì Đảng Cộng Sản đã rã rượi và biến chất. Ra đời như là đảng của giai cấp vô sản nó đã biến thành đảng của những người giầu sụ ; từ một đảng hô to khẩu hiệu chống bóc lột nó đã trở thành một đảng bóc lột. Các cấp lãnh đạo thù ghét nhau vì tranh giành quyền lực và quyền lợi. Chẳng còn ai tin vào chủ nghĩa cộng sản, họ đã phải chà đạp lên nội quy của đảng để bầu vào nhiệm kỳ thứ ba một ông tổng bí thư yếu bệnh chỉ vì ông là người Việt Nam duy nhất còn sót lại có thể nói kiên trì với chủ nghĩa Mác-Lênin mà không thấy ngượng.

Lý do chính là văn hóa Khổng Giáo mà chúng ta vẫn chưa rũ bỏ được. Từ bỏ một nền văn hóa rất khó, nhất là Khổng Giáo đã là văn hóa chính trị duy nhất của chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Một người Việt Nam có thể không biết một câu nào trong Tứ Thư Ngũ Kinh, có thể chưa bao giờ nhìn thấy một cuốn Luận Ngữ, thậm chí có thể ghét Khổng Giáo, nhưng vẫn theo cách ứng xử Khổng Giáo vì sinh ra và lớn lên trong một xã hội Khổng Giáo. Chế độ cộng sản đã sống dai tại Trung Quốc và Việt Nam vì nó phù hợp vói Khổng Giáo và chỉ là một phiên bản cải tiến của Khổng Giáo. Không phải là một sự tình cờ mà cả ba nước lớn nhất trong số bốn chế độ cộng sản còn lại đều là những nước theo văn hóa Không Giáo. Cũng không phải là một sự tình cờ mà Bắc Kinh muốn phục hồi lại Khổng Giáo và lập các Viện Khổng Tử tại khắp nơi. Văn hóa Khổng Giáo thể hiện trong chính trị qua chủ nghĩa nhân sĩ đã giết chết chế độ Việt Nam Cộng Hòa và đang cản trở cuộc vận động dân chủ.

Cần ý thức thật rõ rệt rằng cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước là một cuộc cách mạng rất lớn bởi vì trong suốt dòng lịch sử chúng ta chưa bao giờ có dân chủ (ngoại trừ một thử nghiệm miễn cưỡng, vụng về và ngắn ngủi trong giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa). Mặt khác, lịch sử thế giới đã chứng tỏ rằng một cuộc cách mạng chính trị chỉ có thể thành công nếu đã có một cuộc cách mạng văn hóa đi trước dọn đường. Đây là một định luật không có ngoại lệ. Cũng không có ngoại lệ là một thắng lợi về tư tưởng và lý luận sớm hay muộn cũng biến thành một thắng lợi chính trị.

Như vậy cố gắng đầu tiên của chúng ta là phải tìm ra một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị -gọi chung là một truyện thuyết chính trị- giải thích tại sao chúng ta lại như ngày nay, chúng ta có thể có tương lai nào và phải theo lộ trình nào. Rất cần. Chế độ cộng sản là một truyện thuyết đặt nền tảng trên tư tưởng của Karl Marx, để hướng tới giấc mơ một xã hội bình đẳng bằng phương pháp khủng bố nhân danh vô sản chuyên chính của Lenin. Truyện thuyết này đã chứng tỏ sự độc hại và trên thực tế đã sụp đổ nhưng chế độ cộng sản vẫn còn đó bởi vì một truyện thuyết ngay cả đã sụp đổ cũng chỉ có thể thay thế được bằng một truyện thuyết khác, nếu không nó vẫn còn đó dù đã chết lâm sàng. Đất nước đang chờ một truyện thuyết dân chủ đa nguyên.

vanhoi3

Vất bỏ chủ nghĩa nhân sĩ và tiến tới văn hóa thảo luận

Vì về bản chất là một cuộc cách mạng văn hóa cuộc vận động dân chủ phải do trí thức khởi xướng và lãnh đạo, nhưng trở ngại của di sản Khổng Giáo là trí thức Việt Nam, hậu duệ của giai cấp sĩ, không hề biết khởi xướng và lãnh đạo.

Cho tới nay trong lịch sử Việt Nam cũng như Trung Quốc tất cả những thay đổi triều đại và chính quyền đều do các đại thần, võ tướng, hào phú hay loạn tướng. Kẻ sĩ chỉ biết chỉ biết quỳ gối cúi đầu phục tùng để làm dụng cụ cho kẻ cầm quyền. Giấc mơ của kẻ sĩ là giấc mơ được làm tay sai. Cách làm chính trị nhân sĩ là cách làm chính trị một mình hay với vài người bạn thân để cùng giúp nhau có danh tiếng và hy vọng như thế sẽ được trọng đãi. Trong sự thiển cận của họ, các nhân sĩ và những người mong ước được coi là nhân sĩ tưởng rằng họ tự hào nhưng thực ra họ tự ti. Cái khó của cuộc cách mạng dân chủ là những người phải khởi xướng và lãnh đạo nó lại chính là những trở ngại. Văn hóa nhân sĩ vẫn còn rất mạnh trong tâm lý người Việt ở mọi lứa tuổi, trong cũng như ngoài nước. Chính vì thế mà các nhóm nhỏ cứ hợp rồi lại tan sau một thời gian gây ồn ào có hại cho cuộc đấu tranh dân chủ trong khi các đảng kỳ cựu tàn dần vì không đổi mới được tư tưởng nền tảng. Thái độ phải có của những người dân chủ là không khuyến khích lối đấu tranh nhân sĩ, không ủng hộ những người muốn làm anh hùng dù chưa có lực lượng, trái lại nên kiên nhẫn thuyết phục họ thoát khỏi tâm lý nhân sĩ để lớn lên và đóng góp cho cuộc vận động dân chủ. Cần liên tục nhắc lại : đấu tranh chính trị không bao giờ có thể là đấu tranh cá nhân cả mà chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức. Đối thủ chính của cuộc vận động dân chủ không còn là chủ nghĩa cộng sản nữa, nó đã chết rồi, mà là chủ nghĩa nhân sĩ.

Truyện thuyết dân chủ và phương thức đấu tranh đã là cố gắng của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong hơn ba thập niên qua nhưng đã chỉ có một kết quả giới hạn. Lý do là vì người Việt chúng ta còn cần trước hết một tiến bộ khác. Những cuộc tranh cãi hung dữ và khiếm nhã về Donald Trump không chỉ đặt ra một câu hỏi lớn về ước vọng dân chủ thực sự của nhiều người Việt mà còn chứng tỏ rằng chúng ta chưa biết thảo luận. Tại sao một khác biệt quan điểm về một người Mỹ lại có thể khiến người Việt Nam mạt sát nhau, ngay cả giữa những người từng là bạn ?

Chúng ta cần nhắc nhở nhau rằng thái độ đúng trong một cuộc thảo luận là sự tò mò muốn khám phá ra những sự kiện và ý kiến khác hoặc mới, sẵn sàng nhận ra cái sai của mình và thay đổi quan điểm. Mỗi lần như vậy là một lần chúng ta nâng cao kiến thức và trí tuệ.

vanhoi4

Chuẩn bị cho một ngày vui

Có một người trong phe thắng cuộc đã một lần nói rằng ngày 30-04-1975 có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn. Đây là một trong những phát biểu bao dung và cởi mở hiếm hoi từ bên thắng cuộc. Ngày 30-04-1975 chắc chắn đã là ngày buồn tủi cho những người thuộc phe quốc gia nhưng bây giờ nó cũng không còn là ngày vui ngay cả đối với những người thiện chí trong hàng ngũ cộng sản. Thay vì là ngày thống nhất đất nước, hòa giải và hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng và chia sẻ một tương lai Việt Nam chung nó đã mở đầu cho một giai đoạn lịch sử đầy rẫy sai lầm và đổ vỡ mà chúng ta phải hàn gắn.

Mặc dù thái độ tự tin giả tạo của nó, chế độ cộng sản đã đến hồi cáo chung. Chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu và chuẩn bị cho một ngày vui thực sự. Lần này trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc chân thực, trong tiếng cười vồn vã của tình anh em. Để cùng nhau hân hoan bắt đầu kỷ nguyên dân chủ.

Nguyễn Gia Kiểng

(30/04/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2142 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)