Ngày 9/6/2021 tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến thăm Châu Âu 8 ngày. Mọi ánh mắt của thế giới đều tập trung vào chuyến công du đầu tiên của tổng thống Mỹ vì tầm quan trọng đặc biệt của nó. Món quà đầu tiên của Joe Biden và nước Mỹ là lời hứa tặng 500 triệu liều vắc xin chống Covid-19 cho các nước đang phát triển. Cả thế giới đã hoan nghênh cử chỉ cao đẹp và nhân văn của Mỹ như nó đã từng có.
Châu Âu và G7 hân hoan chào đón Joe Biden vì thế giới cần Mỹ và Mỹ cũng cần thế giới.
Lịch trình của Joe Biden tại Châu Âu rất bận rộn, đầu tiên ông dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh với các chủ đề lớn như cung cấp vắc xin phòng chống Covid-19 cho thế giới, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và cuối cùng là cách ứng phó của các nước dân chủ đối với Nga và Trung Quốc. Ba ngày sau, Joe Biden có các cuộc gặp gỡ với thủ tướng Anh Boris Johnson và Nữ hoàng Anh. Sau đó ông sẽ tới Brussels, Bỉ hội đàm với các lãnh đạo NATO và EU để củng cố quan hệ giữa hai bên sau những đổ vỡ nghiêm trọng dưới thời Donald Trump. Cuối cùng ông sẽ đến Geneva gặp tổng thống Nga Putin.
Joe Biden đã được chào đón nồng nhiệt tại Châu Âu. Theo thăm dò của Pew thì tỉ lệ tín nhiệm của nước Mỹ tăng vọt sau 5 tháng cầm quyền của Joe Biden, từ khoảng 15% tăng lên 60%. Những ánh mắt, nụ cười và vòng tay thân ái đã tràn ngập hội nghị G7 lần này. Không ai có thể làm tốt hơn Joe Biden vì ông là một lãnh đạo có hiểu biết, chuyên nghiệp, tận tâm và cố gắng. Ông đã phần nào hòa giải được Mỹ và NATO, tức Châu Âu. Nên biết rằng NATO rất quan trọng với Mỹ. Hợp tác quân sự giữa Mỹ và NATO đã giúp giữ cho đồng USD được ổn vững. Điều đó đồng nghĩa với sự ổn định của nước Mỹ.
Chuyến thăm Châu Âu của Joe Biden sẽ thành công tốt đẹp vì thế giới cần Mỹ và Mỹ cũng cần thế giới. Những thách thức mà Mỹ đang gặp phải đến từ bên trong nội bộ chứ không phải từ bên ngoài. Mỹ là quốc gia đặc biệt khi được xây dựng và hình thành bởi lý tưởng tự do và dân chủ thay vì dựa trên sắc tộc, địa lý hay tôn giáo. "Nền tảng cơ bản của nước Mỹ, tất cả chúng ta đều được sinh ra trong bình đẳng và xứng đáng được đối xử như vậy trong suốt cuộc đời của chúng ta". Joe Biden đã nhắc lại điều này trong ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong hôm 5/1/2021 và sau đó ông nói thêm "nền dân chủ đang bị đe dọa ngay tại trong nước và trên toàn thế giới". Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì nước Mỹ đang phải đương đầu với bốn thách thức lớn.
1. Bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn
Từ xưa đến nay và trong cả tương lai, sự bất bình đẳng luôn tồn tại và thậm chí còn cần thiết cho sự phát triển của xã hội loài người. Bất bình đẳng là động lực cho sự cố gắng vươn lên trong mọi quốc gia. Một xã hội mà ai cũng như ai thì sẽ không còn sự tranh đua. Tuy nhiên phát triển làm gia tăng sự bất bình đẳng, người giàu càng giàu thêm và người nghèo càng nghèo thêm.
Giới siêu giàu Mỹ không đóng thuế hoặc đóng thuế rất ít - Ảnh minh họa Jeff Bezos (Amazon), Warren Buffett (Berkshire Hathaway), Elon Musk (Tesla)
Mỹ là quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới nhưng sự bất bình đẳng cũng rất cao. Hố giàu nghèo ngày càng lớn. "Trong 30 năm qua, số 1% những người giầu nhất đã giầu thêm 21.000 tỷ USD trong khi khối 50% thuộc "nửa dưới" đã nghèo đi 900 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế đã chỉ phục vụ cho người giầu. Bất công xã hội đã tạo ra một khối người ngày càng đông cảm thấy rằng nước Mỹ không còn là của họ nữa. Một số bất mãn đến độ muốn đập phá và nhìn thấy ở Trump con người để đập phá cái nước Mỹ này và tìm lại nước Mỹ mà họ cảm thấy đã mất" (1).
Tờ báo mạng ProPublica, Mỹ vừa công bố một tin tức gây phẫn nộ cho nhiều người đó là các tỉ phú, giàu có nhất nước Mỹ đóng thuế rất ít hoặc không đóng thuế. Giáo sư Nguyễn Đình Minh Quốc đã phân tích rất chi tiết về sự kiện này trên kênh Hoàng Bách ngày hôm nay, 14/6/2021.
Joe Biden đang cố gắng sửa chữa sự bất công này bằng cách trợ giúp cho y tế và giáo dục, giúp đỡ các gia đình có con nhỏ và tăng lương tối thiểu cho người lao động. Mỹ và EU đã đạt được đồng thuận trong việc đánh thuế tối thiểu 15% đối với những tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động trên khắp thế giới.
2. Mỹ đã sai lầm trong việc lôi kéo giới tinh hoa của thế giới
Nước Mỹ luôn dẫn đầu thế giới về công nghệ tin học và các phát minh mới nhờ chính sách thu hút giới tinh hoa trên khắp thế giới. Nhờ chính sách ưu đãi đặc biệt này mà hầu hết các nhân tài của thế giới đều tìm đến Mỹ làm việc và lập nghiệp. Chủ nhân và giám đốc (CEO) của các đại công ty công nghệ cao có nhiều người gốc nước ngoài như Sundar Picha, gốc Ấn Độ (tổng giám đốc Google), Elon Musk, gốc Nam Phi (Tesla), Jan Koum, gốc Ukraine (người sáng lập Whatsapp), Sergey Brin, gốc Nga (chủ tịch Alphabet Inc, công ty mẹ của Google), hay Ngô Bảo Châu của Việt Nam...
Những nhân tài này đã đóng góp rất nhiều cho nước Mỹ và nhân loại nhưng mặt trái của nó là làm gia tăng sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa giới tinh hoa và người dân Mỹ. Thu nhập của những người này cao gấp nhiều lần người lao động bình thường của Mỹ. Các công ty công nghệ Mỹ trả lương theo năng lực chứ không trả lương theo màu da. Điều này là đương nhiên và không có gì sai hay bất hợp lý nhưng nó làm cho nhiều người Mỹ da trắng cảm thấy bị bỏ rơi. 55% người Mỹ da trắng ủng hộ cho Donald Trump vì họ cảm thấy nước Mỹ mà cha ông họ đã tìm được và xây dựng nên như ngày hôm nay không còn là của họ. Tinh thần cảm thông, bao dung và ý chí chung sống của nhiều người Mỹ không còn như trước.
Luật sư Steven Điêu, khách mời thường xuyên của kênh Youtube Hoàng Bách Channel trích dẫn một điều tra công phu của đại học Chicago cho biết hơn 90% người Mỹ tham gia cuộc bạo động hôm 6/1/2021 tại điện Capitol là những người Mỹ da trắng có công ăn việc làm ổn định và không hề tham gia vào các tổ chức cực đoan. 33% người dân Mỹ cho rằng cuộc bầu cử tổng thống 2020 là có gian lận và 4% cho rằng cần phải sử dụng bạo lực để giành lại chính quyền cho Donald Trump. Nên biết 33% dân số Mỹ là hơn 80 triệu người, bằng dân số của nước Đức.
Joe Biden đang sửa chữa sai lầm này bằng cách đánh thuế những người có thu nhập trên 400.000 USD/năm, tăng thuế thu nhập các công ty từ 21% lên 28%. Tăng cường liên đới xã hội để giảm thiểu sự bất mãn của những người thu nhập thấp trong xã hội Mỹ.
3. Cơ cấu dân số Mỹ đang thay đổi
Vào đầu thế kỷ 20 tỉ lệ dân da trắng tại Mỹ là khoảng 80% nhưng hiện nay tỉ lệ này chỉ còn 55% và dân da màu (bao gồm da đen, Mỹ Latinh, Châu Á) là 45%. Theo dự báo, các sắc dân da màu sẽ sớm vượt sắc dân da trắng tại Mỹ trong một tương lai gần. Điều này đang làm cho nhiều người Mỹ da trắng lo lắng. Mặc dù sự lo lắng này là không cần thiết nhưng đây là hệ quả không mong muốn đến từ sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội. Chưa bao giờ mà tin giả và các thuyết âm mưu lại nở rộ như hiện nay. Sự xuất hiện của Donald Trump càng làm cho sự chia rẽ tại Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Tư tưởng chính trị rất quan trọng cho mọi quốc gia, kể cả với một siêu cường như nước Mỹ - Ảnh minh họa Tổng thống Joe Biden : "Nền dân chủ (Mỹ) đang bị đe dọa".
Donald Trump là một chính trị gia dân túy, cơ hội và vô trách nhiệm. Không thể đòi hỏi sự lương thiện, đạo đức, bao dung và tôn trọng lẽ phải ở một chủ sòng bài (casino) như Donald Trump. Ông ta đã lợi dụng và thổi bùng sự bất mãn của người Mỹ da trắng để đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Đừng quên khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump là "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Nước Mỹ vĩ đại trước đây là nước Mỹ của người da trắng. Donald Trump và các dân biểu, nghị sĩ Đảng Cộng hòa không phải không biết họ đang nói dối một cách trắng trợn nhưng họ vẫn nói vì những người Mỹ da trắng bảo thủ muốn như thế. Trump là đại diện, nói lên tiếng nói của những người Mỹ da trắng xem nước Mỹ là của riêng họ.
Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và thiển cận của Hit-le và Đức quốc xã khi đề cao giới da trắng thượng đẳng đã hủy hoại nước Đức trong thế chiến thứ hai. Bài học này bị lãng quên và che lấp bởi những lời lẽ cực đoan và lớn tiếng của Donald Trump. Joe Biden đã im lặng và tập trung làm việc thật tốt để người dân Mỹ nhận ra đâu là sự thực nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Không phải tự nhiên Biden phải thốt lên rằng : "Nền dân chủ (Mỹ) đang bị đe dọa".
4. Vai trò của tôn giáo tại Mỹ ngày càng giảm
Nước Mỹ từ lúc ra đời gần như mặc định Ki tô giáo là tôn giáo chính thống. Câu kết thúc trong các bài diễn văn quan trọng của nước Mỹ luôn là "Chúa phù hộ cho nước Mỹ". Bất cứ tổng thống Mỹ nào lúc tuyên thệ nhậm chức đều phải đặt tay trên cuốn kinh thánh, kể cả Obama, tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
Xã hội càng phát triển chừng nào thì vai trò và chỗ đứng của các tôn giáo càng suy giảm chừng đó. Các nhà thờ ngày càng thưa thớt và đó là tình trạng chung trên toàn thế giới. Thượng đế từng là "phát minh" vĩ đại của con người trước đây nhưng các phát minh về khoa học kỹ thuật, nhất là internet và mạng xã hội đã làm lu mờ thượng đế.
Một sự thật buồn là "thượng đế đã chết" như lời triết gia người Đức Friedrich Nietzsche. Châu Âu giã từ thượng đế bằng cách khẳng định chỗ đứng và phẩm giá của con người đồng thời tăng cường liên đới xã hội, đề cao sự bình đẳng bên cạnh tự do, tôn trọng môi trường, con người và nhân phẩm. Nước Mỹ dù có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa mang hẳn tôn giáo ra khỏi chính trị như Châu Âu đã làm.
Người Mỹ hôm nay theo nhiều các tôn giáo khác nhau như Ki-tô giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Hindu giáo...việc xem Ki-tô giáo như là tôn giáo chính thống không còn phù hợp và điều đó thay vì hàn gắn sẽ làm chia rẽ thêm người Mỹ với nhau.
Câu hỏi để kết thúc bài viết, vì sao nước Mỹ đã rất thành công nhưng vẫn rơi vào khủng hoảng? Câu trả lời là nước Mỹ đã ngủ quên trên chiến thắng. Các giá trị dân chủ và tự do đã biến nước Mỹ, từ một quốc gia mới thành lập với lịch sử hơn 200 năm trở thành siêu cường số một thế giới. Tư tưởng chính trị của những người Mỹ lập quốc đã không được cập nhật. Nước Mỹ gần như đã không có những thay đổi lớn về chính trị trong đó có thể chế chính trị theo mô hình "tổng thống chế".
Chế độ tổng thống đã hủy hoại các chính đảng vì thế tư tưởng chính trị đã không đến được với người dân. Các chính đảng là cỗ xe chuyên chở tư tưởng chính trị đến với người dân thông qua hàng triệu đảng viên của mình. Khi người dân không cập nhật tư tưởng chính trị thì dân trí sẽ xuống thấp và họ không còn nhận ra được những điều đúng đắn và cần thiết cho đất nước. 1/4 dân số Mỹ vẫn tin Trump mới là tổng thống còn Joe Biden chỉ là người thay thế tạm thời.
Bốn thách thức trên là rất lớn và nghiêm trọng đối với nước Mỹ. Hy vọng người dân Mỹ sẽ biết cách để vượt qua những thử thách này.
Việt Hoàng
(14/06/2021)
(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Xâu xé nhau vì Trump ?, Thông Luận, 30/07/2020