Từ khi Hồ Chí Minh cướp được chính quyền năm 1945, ông quyết định xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Ai có ý kiến khác biệt sẽ bị triệt. Các đồng chí kế thừa sự nghiệp cách mạng của ông càng tỏ ra quyết liệt hơn nữa. Họ khắc lên trán mẹ Việt Nam danh xưng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Niềm tin thấp thõm vì chưa có cơ sở vào tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội là khiếm khuyết tâm lý khiến tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam ra sức ca ngợi chủ nghĩa xã hội suốt gần 80 năm qua. Nhưng thực tiễn thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa đến nay đã có gì đâu. Lý do, nói theo đương kim Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta hy vọng mãi đến năm 2045 mới có thể ‘hoàn chỉnh được lý luận xã hội chủ nghĩa’. Lời thú nhận trước bình minh của ông Trọng đưa đến suy luận tất yếu. Cái nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam chỉ là tạm thời, tạp nhạp, đầu cua tai nheo chẳng ra hình dạng gì. Nó như một vỡ tuồng tự biên tự diễn tự do vì chưa có kịch bản.
Đảng ta hy vọng mãi đến năm 2045 mới có thể ‘hoàn chỉnh được lý luận xã hội chủ nghĩa’ – Bình minh đỏ xã hội chủ nghĩa sẽ ló dạng !
Dù vậy, theo lý thuyết cộng sản Mác-Lê, chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ là nấc thang, là trạm chuyển tiếp từ xã hội tư bản lên thiên đường cộng sản. Chủ nghĩa xã hội là mắt xích bất phân ly của chủ nghĩa cộng sản. Điều này giải thích phản xạ tâm lý của đa số người Việt chống cộng, hễ ai nói đến chủ nghĩa xã hội đều là cộng sản. Trên thực tế, ‘socialism’ như là một cái ô dù che cho nhiều trường phái chính trị, kinh tế nghiêng về phục vụ xã hội. Sự khác biệt là ở sự giải thích vai trò của nền kinh tế, cách thức kiểm soát phương tiện sản xuất, vai trò quản trị công nhân và vai trò của nhà nước trong quản trị nền kinh tế. Ngoài chủ nghĩa xã hội gắn liền với chủ nghĩa cộng sản ra còn có nền Dân chủ xã hội (Social democracy) và Chủ nghĩa xã hội dân chủ (Democratic socialism).
Chủ nghĩa xã hội là hệ thống kinh tế chính trị trong đó Nhà nước sở hữu mọi phương tiện sản xuất như nhà máy, xí nghiệp, tập đoàn sản xuất, kinh doanh, công nghệ, nông nghiệp, tài nguyên… Con người trong xã hội được quyền sử dụng phương tiện sản xuất làm ra của cải nhưng tài sản và lợi tức phải do Nhà nước quản lý và phân phối. Trên lý thuyết, Nhà nước sẽ san bằng khoảng cách giữa người giàu và nghèo, hỗ trợ những thành phần bị thiệt hại kinh tế nặng nề và người giàu phải chịu thuế cao và chịu sự kiểm soát của nhà nước trong các hoạt động kinh tế. Như vậy, chủ nghĩa xã hội phủ nhận quyền tư hữu, phủ nhận cá nhân và vì thế phủ nhận luôn mọi hệ thống kinh tế không theo chủ nghĩa xã hội.
Dân chủ xã hội
Hệ thống dân chủ xã hội lý thuyết rằng nền kinh tế và xã hội phải được quản trị một cách dân chủ để có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng chứ không phải làm giàu cho một thiểu số. Để đạt được một xã hội công bằng hơn, các cơ chế của Nhà nước và kinh tế phải được cải cách mạnh mẽ qua đó, những thành phần bình thường trong xã hội có thể tham gia vào các quyết định tác động đến đời sống của họ. Hệ thống dân chủ xã hội không có ý định tiến lên chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa xã hội dân chủ
Là một hệ thống kinh tế chính trị ‘thỏa hiệp’ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Đây không nằm trong dạng xã hội chủ nghĩa nhưng chia sẻ một số giá trị của nó. Hệ thống chấp nhận quyền tư hữu tài sản cá nhân, nhưng Nhà nước sẽ đánh thuế cao người giàu để chia sẻ với người nghèo, thường nằm dưới dạng những chương trình an sinh xã hội. Như vậy, chủ nghĩa xã hội dân chủ và dân chủ xã hội dù chia sẻ một số giá trị với chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn giữ y nguyên hệ thống kinh tế tư bản mà chỉ cải thiện thêm. Sự khác biệt có chăng là những người theo dân chủ xã hội sẽ ngừng cải cách chủ nghĩa tư bản khi thấy sự cải cách đã đạt được mục đích trong khi chủ nghĩa xã hội dân chủ sẽ không ngừng cải thiện dù chủ nghĩa tư bản đã đến đỉnh điểm.
Sự lẫn lộn trong khái niệm về dân chủ xã hội, hệ thống chủ nghĩa xã hội dân chủ và chủ nghĩa xã hội càng sâu sắc khi những nước theo hệ thống chính trị kinh tế tư bản nhưng nỗ lực vươn tới gần nhất có thể được những mục tiêu an sinh xã hội. Thí dụ, các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch… cho đến Bắc Mỹ như Canada và ở châu Thái Bình Dương như Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan đều đang có hệ thống an sinh xã hội đáng mơ ước hiện nay. Tại các quốc gia trên, công dân được chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi xuống nấm mồ. Trên mặt giáo dục, công dân được hưởng nền giáo dục nhân bản miễn phí từ lớp mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp đại học. Người già được chăm sóc tử tế miễn phí ở nhà hay trong các viện dưỡng lão. Người thất nghiệp hay phụ nữ không thể đi làm vì phải chăm sóc con cái, người bị khuyết tật… đều được giúp đỡ có một cuộc sống tương đối trong lúc chờ đợi một cơ hội thích hợp tái tham gia vào lực lượng lao động. Môi trường sống được bảo vệ và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp đồng đều cho mọi người trong xã hội. Những quốc gia này không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng cộng sản nào.
Dù thực tiễn vận hành xã hội hiện nay đã làm cho biên giới giữa các trường phái chính trị xã hội mờ nhạt nhưng người ta không thể nhầm lẫn với khái niệm xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa cộng sản. Có hai lý do khiến các nhà nhà nước xã hội chủ nghĩa đứng ra tách biệt, không thể thành công mà còn vô lý.
Thứ nhất, chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ là giai đoạn tạm thời để chuyển tiếp lên chế độ cộng sản. Chế độ cộng sản, theo đó, là cứu cánh của xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhưng lịch sử thế giới cuối thế kỷ 20 đã chứng kiến Liên Xô và các chư hầu Đông Âu lần lượt sụp đổ tiếp theo sau cơn bão cách mạng dân chủ quét qua Bắc Phi và Trung Đông. Thế thì câu hỏi cần đặt ra là tại sao các nhà nước cộng sản như Việt Nam vẫn hứa hẹn ‘hoàn thiện lý luận xã hội chủ nghĩa’ làm chi khi chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung ? Hoàn thành xã hội xã hội chủ nghĩa rồi đi đâu ? Một người cố gắng leo cây để hái một quả chín, nhưng quả chín đã héo rụng thúi dưới gốc cây thì còn leo để làm gì ? Trả lời lương thiện câu hỏi này người ta sẽ thấy lời kêu gọi của ông Trọng chỉ là chiêu bài tuyệt vọng của một tập đoàn cầm quyền bá đạo cố gắng duy trì tính tương liên (relevance) với dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, mọi nhà nước dù theo đuổi chủ thuyết chính trị nào cũng không thể phủ nhận những thành tựu về mặt an sinh xã hội của các nước Bắc Âu, Châu Mỹ và Châu Úc. Dù phải luôn cải thiện khá hơn nữa nhưng nó là ước mơ của mọi quốc gia đang phát triển, kể cả các nước xã hội chủ nghĩa. Vì thế, vai trò của Nhà nước trong nhiệm vụ điều hành, quản trị quốc gia là cực kỳ quan trọng.
Quan sát các nước phần nào đạt đươc thành tựu an sinh xã hội, người ta thấy đều là những nhà nước dân chủ. Những nhà nước này được người dân đồng thuận ủy nhiệm qua lá phiếu cái uy thế đại diện cho dân trong việc điều hành quốc gia nên họ thành công. Trong khi đó, các tổ chức chính trị độc tài như Đảng cộng sản Việt Nam dùng bạo lực và khủng bố cướp đoạt chính quyền, tổ chức các cuộc bầu cử gian lận, cưỡng đoạt sự ủy nhiệm của người dân, đều thất bại. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đại diện cho tầng lớp gắn liền mạng sống với chế độ nên mọi phúc lợi xã hội phải được ưu tiên cho đảng viên. Đây là lý do giải thích vì sao khi lãnh đạo cộng sản hô hào xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa trên thực tế đều đưa đến các chế độ tư bản rừng rú.
Hiện Giải đá banh thế giới đang đi vào vòng loại 3, trong đó đội tuyển Việt Nam sẽ đụng độ với đội Trung Quốc ngày 7/10/2021 rất hấp dẫn. Trên mặt thể thao, không biết đội tuyển Việt Nam có dám dốc toàn lực đá bại đội Trung Quốc hay không vì sẽ không tránh khỏi các hệ lụy tâm lý quần chúng sau đó. Nhưng trên sàn đấu chính trị, điều kiện căn cơ, cốt cán để một chế độ có chính danh thực hiện các chính sách là phải được dân cử. Dù cơ hội, vận may lịch sử đã đưa Đảng cộng sản Việt Nam vào vị trí đá phạt đền từ năm 1946 cho đến nay, đảng cộng sản Việt Nam vẫn chết đứng tại chấm phạt đền dân cử này.
Sơn Dương
(03/07/2021)