Cái chết của quân nhân trẻ Trần Đức Đô như là một hồi chuông cảnh báo những rạn nứt trầm trọng và tệ nạn trong nội bộ của một đội quân "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu", đã từng "đánh bại các đế quốc sừng sỏ".
Quân đội Việt Nam dưới chế độ cộng sản, từ rất lâu tồi, đã dần bị tha hóa và mất đi bản chất của nó, vốn với mục đích ban đầu là bảo vệ an ninh quốc gia.
Đầu tiên là vết rạn về lý tưởng phục vụ của lực lượng vũ trang. Quân đội trở thành một "công ty vệ sĩ riêng" cho đảng cộng sản trước những áp lực đòi hỏi thay đổi đến từ người dân hay quốc tế. Lý tưởng của "quân đội nhân dân" là bảo vệ Đảng cộng sản chứ tuyệt nhiên không hề đếm xỉa đến quyền lợi quốc gia. Nếu họ có bảo vệ quyền lợi quốc gia thì "quyền lợi" đó phải được "đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản".
Các nhà lý thuyết và lãnh tụ cộng sản luôn quan niệm quân đội là một công cụ bạo lực của Đảng. Đã là công cụ thì hiển nhiên không biết, không cần suy nghĩ. Chủ muốn thiến, muốn hoạn, muốn giết chết cũng không được kêu ca hay phản ứng lại. Đó là bản chất của công cụ. Cái chết của tân binh Trần Đức Đô xét cho cùng với các nhà lãnh đạo cộng sản cũng chỉ như sự đào thải của một vật dụng đã hết hạn. Hãy nhìn cách mà các sĩ quan cao cấp cho đến chính phủ đối xử với cái chết của tân binh này là thấy rõ.
Vết nứt thứ hai là hình tượng quân đội đã suy giảm nghiêm trọng trong lòng người dân. Quân đội từ chỗ là nhà trường để rèn luyện con người - như nhân dân quan niệm, đã trở thành ngục tù kìm hãm con người với nạn bạo lực, đánh đập, bắt nạt, ức hiếp, lạm dụng...Quân đội có phải là một "nhà trường xã hội chủ nghĩa" như bộ máy tuyên truyền vẫn nói hay không? Các bậc làm cha mẹ liệu có còn yên tâm khi cho con cái mình đi vào một nơi mà mục đích ban đầu là để phục vụ quốc gia nhưng rồi lại bị biến thành một dạng công cụ, hay tệ hơn là bị đối xử tàn tệ, thậm chí chết bất đắc kỳ tử không rõ nguyên nhân?
Sứ mạng của quân đội nhân dân là bảo vệ tổ quốc chứ không phải công ty vệ sĩ riêng của Đảng cộng sản Việt Nam.
Một vấn nạn nghiêm trọng nữa trong môi trường đáng ra phải chuyên nghiệp và tử tế như quân đội đó là sự tham nhũng. Quân đội cộng sản Việt Nam từ lâu đã quá nổi tiếng với tệ mua quan bán chức, đút lót chạy chỗ chạy quyền. Khoảng những năm 2010 - 2015 gì đó, giá của một suất để vào thẳng trường sĩ quan là ngót nghét nửa tỉ. Giá để phong tướng cũng hàng chục tỉ. Giá để chạy từ đơn vị này sang đơn vị khác, với vị trí ngon hơn, có màu hơn...cũng tính theo tiền chục, tiền trăm triệu. Ta nên quan niệm như thế nào về một đội quân vừa có súng, vừa có quyền làm kinh tế với bên ngoài, lại vừa có quyền làm kinh tế lẫn nhau bên trong?
Việc quân đội và công an làm kinh tế cũng rất vô lý và làm suy giảm khả năng chiến đấu của họ. Những tướng tá và các đơn vị quân đội làm kinh tế có điều kiện sống xa hoa, khác hẳn hoàn toàn với cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn của đa số quân nhân khác. Chưa kể việc quân đội và công an kinh doanh đã làm méo mó và hủy hoại các nguyên tắc và qui luật vận hành của nền kinh tế thị trường.
Hai vết nứt lớn trên dẫn đến vết nứt cuối cùng của quân đội - mà cũng biến thành điểm yếu của đảng cộng sản: Quân đội thực sự đã suy yếu trầm trọng, nó không thể đóng vai trò là lực lượng bảo vệ quốc gia. Tiền bạc, lợi ích gắn kết được con người nhưng cũng chính tiền bạc và lợi ích làm chia rẽ con người. Một tập thể suy yếu thì chính nó cũng không đảm bảo được sự tồn tại của bản thân chứ chưa nói đến nhiệm vụ làm lá chắn, thanh kiếm để bảo vệ một nhóm người khác. Đây chính là điểm yếu cũng như ảo tưởng lớn của đảng cộng sản rằng quân đội sẽ bảo vệ được họ.
Trên đây là những báo động đỏ từ sự tha hóa của quân đội dẫn đến những báo hiệu về một tương lai không mấy lạc quan của đảng cộng sản. Tôi nghĩ các quan chức cao cấp có lương tri trong đảng cộng sản nên biết cần phải làm gì trong thời thế như thế này. Chọn lựa chỉ có một: Đứng về phía nhân dân bằng cách dân chủ hóa đất nước, ủng hộ cho giải pháp dân chủ đa nguyên và lập trường hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Việt Thủy
(10/07/2021)