Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

22/08/2021

Sau Việt Nam 1975, thông điệp Afghanistan 2021

Nguyễn Gia Kiểng

Ngày 9/7 vừa qua tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ rút khỏi Afghanistan vì đã đạt được các mục tiêu đề ra sau 20 năm can thiệp. Ông quả quyết chính quyền Kabul sẽ không sụp đổ. Đầu tháng 8 ông vẫn khẳng định như vậy. Nhưng chỉ một tuần sau, chủ nhật 15/8, tổng thống Ashraf Ghani đã bỏ chạy và Taliban làm chủ thủ đô Kabul mà không gặp chống cự nào.

Làm sao một tổng thống Mỹ có thể sai lầm đến thế trong một quyết định quan trọng như vậy ? Câu hỏi này sẽ hiện diện mãi mãi trong tương lai chính trị của Biden và cả ký ức về ông sau này.

kabul1

Trực thăng di tản nhân viên Sứ quán Mỹ tại Kabul ngày 16/08/2021 - Ảnh minh họa

Một cái nhìn tổng quát về Afghanistan

Mọi tóm lược về Afghanistan đều rất thiếu sót nhưng đó là điều vẫn phải làm để có thể hiểu những gì đang và sẽ xảy ra.

Rộng gần gấp hai lần Việt Nam (652.000 km2) với dân số chỉ hơn 1/3 (khoảng 35 triệu), Afghanistan là một nước thuần túy đại lục, hoàn toàn không có bờ biển. Năm nước vây quanh là Pakistan, Trung Quốc, Tadjikistan, Turmenistan, và Iran. Người Afghanistan gồm nhiều sắc tộc trong đó Pashtun là sắc tộc đông nhất với khoảng 40% dân số. Đất nước khô cằn, mùa hè rất nóng và mùa đông rất lạnh. Nguồn lợi chính là thuốc phiện (hơn 2/3 sản lượng thế giới). Bù lại với địa lý bạc bẽo đó là một số mỏ đồng, than, sắt, cobalt, thủy ngân và dầu khí với trị giá tổng cộng được ước lượng khoảng 1.000 tỷ USD. Năm 2019 công ty CNPC của Trung Quốc đã trúng thầu 450 triệu USD để khai thác dầu.

Về lịch sử, tuy nghèo xơ xác nhưng vì nằm trên Đường Tơ Lụa -con đường giao thương Đông – Tây trong hàng ngàn năm- nên Afghanistan đã được nhiều đế quốc thăm dò và chinh phục, tất cả sau cùng đều bỏ cuộc. Mới đầu là đế quốc Ba Tư, rồi đế quốc Hy Lạp dưới thời Alexander, rồi đế quốc Maurya (Ấn Độ) đời vua Ashoka, sau đó là đế quốc Mông Cổ. Gần đây là đế quốc Anh, rồi Liên Bang Xô Viết.

Từ thế kỷ III trước công nguyên, sau cuộc chinh phục của Ashoka, Afghanistan theo đạo Phật và sau đó trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới. Từ thế kỷ 13 sau công nguyên, sau cuộc chinh phục của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) Afghanistan dần dần trở thành một nước hoàn toàn Hồi giáo. Nội chiến bộ tộc liên tục vẫn là một hằng số, Afghanistan chưa bao giờ thống nhất và cũng chưa bao giờ có hòa bình. Hoàn cảnh nghèo khổ và chiến tranh triền miên có lẽ đã khiến người Afghanistan luôn luôn sùng đạo, dù là đạo Phật hay đạo Hồi. Những con người đau khổ cần một đức tin tôn giáo như một hy vọng và một an ủi.

Afghanistan không phải là một quốc gia đúng nghĩa mà chỉ là một thực thể địa lý bởi vì chưa hề có một tinh thần quốc gia. Người Afghanistan chủ yếu chỉ có quan hệ tôn giáo và bộ tộc.

Điều cần biết là tuy chưa hề có bất cứ một tiếp xúc nào với Việt Nam trong suốt dòng lịch sử nhưng số phận hiện nay của Afghanistan lại là hậu quả của lịch sử cận đại của Việt Nam.

Trong chiến tranh lạnh, cho tới năm 1978, Afghanistan là một đồng minh của Mỹ. Phi trường và căn cứ quân sự Bagram (mà Mỹ vừa bỏ đi trong phong cách tháo chạy ngày 02/07 mở đầu cho sự rã hàng của quân đội chính quyền Kabul) đã được thành lập từ năm 1950 và là căn cứ quân sự lớn nhất trong vùng của Mỹ. Sự kiện Mỹ bỏ Việt Nam và chiến thắng cộng sản năm 1975 đã làm rúng động cả thế giới và phong trào cộng sản bùng lên như diều gặp gió khắp nơi. Trong cơn hoảng loạn này khoảng mười quốc gia đã theo nhau rơi vào quỹ đạo Liên Xô trong đó có Afghanistan. Năm 1978, 5 năm sau khi chế độ quân chủ bị lật đổ nhường chỗ cho một giai đoạn hỗn loạn, Đảng cộng sản Afghanistan cướp chính quyền, hành quyết cả gia đình tổng thống đương nhiệm và thiết lập chế độ cộng sản dưới quốc hiệu Cộng Hòa Dân Chủ Afghanistan. Để phản công, Mỹ và các nước dân chủ, sau khi đã trấn tĩnh lại, khuyến khích các lực lượng Hồi giáo, được gọi chung là Mujahideen, nổi lên chống lại chế độ cộng sản này khiến Liên Xô phải trực tiếp can thiệp để rồi sa lầy và sụp đổ. Đất nước Afghanistan nghèo nàn và lạc hậu đã là nguyên nhân cuối cùng của biến cố lớn nhất thế kỷ 20, vì thất bại tại đây đã góp phần quyết định làm sụp đổ cả Liên Bang Xô Viết lẫn chủ nghĩa cộng sản. Dĩ nhiên chế độ cộng sản Afghanistan cũng sụp đổ theo Liên Xô và một chính quyền liên hiệp của phe Mujahideen được thành lập năm 1992, nhưng ngay sau đó là chia rẽ và nội chiến.

Điều cần được ghi nhận là các lực lượng khủng bố Hồi giáo đang được coi là mối nguy cho thế giới hiện nay, nhất là Châu Âu và Mỹ, đã ra đời như là những thành phần của Mujahideen được Mỹ trợ giúp, kể cả lực lượng Al Qaeda sau này đã tổ chức cuộc tấn công kinh hoàng vào World Trade Center tại New York ngày 11/9/2001. Lý do của sự đổi bạn thành thù này là vì sau khi kết hợp lại trong cuộc thánh chiến chống Liên Xô nhân danh Hồi giáo, nhiều thành phần của Mujahideen nhận ra rằng mối nguy lớn nhất của Hồi giáo từ nay đến từ các nền dân chủ thế quyền Phương Tây.

Trong cuộc nội chiến đó lực lượng Taliban, một bộ phận nhỏ rất ít được biết đến của Mujahideen, đã mạnh lên nhờ được Pakistan bảo trợ và trở thành áp đảo. Taliban -có nghĩa là "học sinh" trong tiếng Afghanistan- là lực lượng của những thành phần học tập siêng năng giáo lý Hồi giáo và chiến đấu vì lý tưởng Hồi giáo toàn nguyên. Ngoài sự cuồng tín quá khích, Taliban là lực lượng lương thiện và có kỷ luật nhất trong liên minh Hồi giáo đã đánh bại Liên Xô. Chính vì thế mà năm 1996, sau bốn năm nội chiến, Taliban đã đánh bại các lực lượng khác và lên cầm quyền tại Kabul. Tuy vậy Taliban cũng không thống nhất được đất nước. Một lực lượng với danh xưng là Liên Minh Miền Bắc, do Ahmad Shah Massoud được gọi là "Tư lệnh Massoud" cầm đầu, vẫn còn giữ được vùng đất phía Bắc chung quanh thung lũng Panjshir. Massoud là một tướng tài có uy tín và có trình độ văn hóa cao đồng thời cũng có ít nhiều tư tưởng dân chủ. Chính quyền Taliban sau cùng gần như đã từ bỏ tham vọng chinh phục vùng đất này. Massoud bị ám sát hai ngày trước biến cố World Trade Center ngày 11/9/2001.

Về bản chất, Taliban không hẳn là một lực lượng khủng bố nhưng sau khi giành được chính quyền đã thực hiên một chính sách thần quyền Hồi giáo cực kỳ hung bạo và vẫn dung túng nhiều tổ chức khủng bố trong đó có Al Qaeda của Bin Laden. Afghanistan vì vậy trở thành sào huyệt của một số tổ chức khủng bố. Sau ngày 11/09/2001, Mỹ với sự tiếp sức của đồng minh NATO và Liên Minh Miền Bắc ào ạt tấn công và sau hai tháng chiếm được thủ đô Kabul thành lập chế độ Cộng Hòa Hồi giáo Afghanistan. Taliban rút lui về tử thủ trong các vùng sâu vùng xa và nhất là trong vùng biên giới Pakistan. Taliban chủ yếu kháng cự bằng những hoạt động khủng bố, hầu như không có giao tranh. Sức kháng cự của Taliban bền bỉ trước hết nhờ nó có tổ chức, lý tưởng và quyết tâm nhưng cũng nhờ nó có phương tiện khá dồi dào. Theo nhiều ước lượng tài chính của Taliban, vào khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, đến từ ba nguồn chính : thuốc phiện, thuế đánh vào hàng hóa biên giới và tại những nơi mà Taliban kiểm soát hoặc có hiện diện và đóng góp từ các thế lực Hồi giáo Trung Đông. Trong những khoản thuế này có cả tiền của những công ty Mỹ đấu thầu cho quân đội Mỹ trả tiền cho Taliban để được yên thân, điều này chính bà Hillary Clinton đã tố giác năm 2009 vào lúc bà đang là ngoại trưởng Mỹ. Taliban không thiếu vũ khí, đại bộ phận là vũ khí Mỹ hoặc cướp được hay mua được, hoặc do Pakistan cung cấp. Chính quyền và quân đội Pakistan rất chia rẽ, một phần chống Taliban, một phần ủng hộ.

Một sự phản bội trắng trợn và tàn nhẫn

Trong gần 20 năm Mỹ đã chi cho cuộc chiến này tổng cộng gần 2.000 tỷ USD và thiệt hại khoảng 2.400 binh sĩ. Gánh nặng của cuộc chiến thực ra không lớn đối với Mỹ. Con số 2.000 tỷ USD tuy lớn với một nước bình thường nhưng chỉ là một nửa số tiền mà 1% những người Mỹ giầu nhất đã có được chỉ bằng sự lên giá của các cổ phần chứng khoán trong một năm 2020. Số 2.400 binh sĩ thiệt mạng cũng không thấm vào đâu so với con số hơn 300.000 người Mỹ bị bắn chết tại Mỹ trong cùng thời gian bởi những tên khùng có súng. Hơn nữa hai con số 2.000 tỷ USD chi phí và 2.400 binh sĩ thiệt mạng là những con số gộp cho thời gian 20 năm từ 2001 đến 2021 ; kể từ 2014 tình hình đã tương đối khả quan và quân đội Mỹ chỉ hỗ trợ về huấn luyện và hậu cần chứ không còn tham chiến nữa. Số quân Mỹ cũng chỉ còn 3.500 người. Số binh sĩ Mỹ tử trận và chi phí cho cuộc chiến Afghanistan không còn đáng kể nữa. Có khi trong nhiều ngày liên tiếp Afghanistan không được nhắc tới trên báo chí và truyền hình Mỹ. Chính vì thế mà quyết định rút khỏi Afghanistan của Mỹ rất khó hiểu.

Càng khó hiểu hơn về phong cách triệt thoái. Trong nhiệm kỳ Donald Trump, Mỹ đơn phương thương thuyết riêng với Taliban, một xúc phạm lớn đối với chính quyền Kabul và làm tan vỡ những cuộc thương thuyết đang diễn ra giữa chính quyền Kabul và Taliban, để đi đến Thỏa hiệp Doha tháng 02/2019 theo đó Mỹ sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan trước tháng 5/2021 đổi lại với việc Taliban hứa sẽ không chứa chấp các tổ chức khủng bố. Thật giống như một thỏa hiệp khai tử chính quyền Kabul và bàn giao đất nước Afghanistan cho Taliban. Đã thế, Donald Trump còn dự định mời đại diện Taliban đến tòa Nhà Trắng để khoe khoang thỏa hiệp này như một thành tích vinh quang. Thật không tưởng tượng nổi.

Joe Biden khác Donald Trump nhiều nhưng cũng giống Donald Trump ít nhất ở một điểm : trong suốt đời hoạt động ông luôn luôn chống lại mọi can thiệp quân sự bên ngoài. Ông đã chống lại can thiệp của Mỹ tại Việt Nam trước năm 1975, đã ủng hộ quyết định rút quân Mỹ khỏi Iraq một cách hấp tấp của Barack Obama (với kết quả là lực lượng khủng bố ISIS bùng lên làm cả vùng Trung Đông bốc cháy, khiến một nửa triệu người chết, 4 triệu người phải di tản với một nửa qua Châu Âu để rồi lại phải vội vã đem quân trở lại). Mặc dù thông thạo về bang giao quốc tế, Biden không thể rút kinh nghiệm đúng bởi vì hình như chống can thiệp quân sự là một bản năng và một phản xạ nơi ông.

Các tiết lộ mới đây từ Nhà Trắng cho biết trong quyết định về Afghanistan Biden đã bất chấp ý kiến của các tướng lãnh, kể cả tổng tham mưu trưởng Mark Milley. Ông là một chính trị gia Mỹ lão luyện và hiểu rằng rất ít khi một tổng thống Mỹ được lòng dân vì can thiệp quân sự bên ngoài ngay cả vì một lý do cao quý, trừ khi chính an ninh hoặc quyền lợi của Mỹ bị trực tiếp đe dọa. Chính quyền Kabul và nhân dân Afghanistan chỉ là nạn nhân mới nhất của tâm lý cố hữu America First của người Mỹ. Với quyết định thỏa hiệp với Taliban để rút lui an toàn Mỹ đã khai tử chế độ Kabul do chính họ lập ra. Và trong lúc rút ra họ không hề chứng tỏ một quan tâm nào hay một sự nể nang nào đối với đồng minh mà họ phản bội. Một cách hợp lý dưới mắt đa số viên chức và binh sĩ của chính quyền Kabul, cuộc chiến đã trở thành vô ích. Số phận chính quyền Kabul đã được an bài, tất cả vấn đề chỉ còn là sự cáo chung sẽ đến như thế nào và vào lúc nào thôi.

Thế giới đã ngạc nhiên vì sự sụp đổ quá nhanh chóng của chính quyền và quân đội Kabul. Một trong những người ngạc nhiên nhất là chính tổng thống Joe Biden. Vài ngày trước khi Taliban làm chủ Kabul ông vẫn quả quyết rằng chuyện đó sẽ không xảy ra. Người ta chỉ có thể tìm hiểu những lý do. Lý do chính là cách rút quân của Mỹ mà trong cuộc họp báo ngày 9/7 ông Biden đánh giá là rất "chuyên nghiệp", nghĩa là rút một cách chớp nhoáng và bất ngờ. Điển hình là vụ tháo chạy khỏi căn cứ Bagram ngày 2/7 bỏ lại hàng ngàn xe, hơn 3 triệu "vật liệu" bao gồm cả vũ khí và hơn 5.000 tù binh Taliban mà không hề báo cho chính quyền Kabul và đồng minh NATO. Không cần phải là chuyên gia quân sự để hiểu rằng trong chiến tranh không gì khó bằng triệt thoái ở quy mô lớn bởi vì hậu quả khó tránh khỏi là gây hốt hoảng, hỗn loạn và rã hàng. Càng rút lui vội vã bao nhiêu hậu quả càng tai hại bấy nhiêu. Kinh nghiệm trong mọi cuộc chiến tại mọi nơi và mọi thời đều cho thấy như vậy. Đã thế, cách rút quân của chính quyền Biden còn vượt mọi mức độ của sự tồi tệ. Thêm vào đó việc di tản ồ ạt hàng chục ngàn người Afghanistan từng hợp tác với Mỹ còn gây hoảng sợ và giáng một đòn ơn huệ vào tinh thần chiến đấu còn lại của số ít người trong quân đội còn có ý chí chiến đấu.

Hậu quả sẽ ra sao ?

Thắng lợi của Taliban chắc chắn là một thất bại lớn cho nước Mỹ. Thể diện và uy tín của nước Mỹ đã liên tục suy giảm từ gần một nửa thế kỷ qua bây giờ còn lại gì ? Mỹ đã một lần nữa tỏ ra thiếu cả sáng suốt lẫn danh dự. Riêng tổng thống Biden đã thất bại ê chề ngay trong địa hạt mà người ta thường nghĩ là ông có khả năng nhất : đối ngoại.

Lập luận biện minh của Biden theo đó Mỹ không đến Afghanistan để xây dựng một quốc gia rất khó chấp nhận, nhất là nếu cứ được nhắc lại. Dù hành động vì lý do gì chăng nữa thì một nước có danh dự cũng phải có trách nhiệm về tình trạng mà mình đã tạo ra và với những đồng minh của mình. Lập luận mà nhiều người đưa ra để biện hộ cho chính quyền Biden là Mỹ luôn luôn đặt quyền lợi của mình lên trên hết lại càng khó chấp nhận hơn. Nó mô tả Mỹ như một nước đểu cáng nhưng nó cũng sai về quyền lợi bởi vì cái vốn lớn nhất của một quốc gia -cũng như một công ty và một con người- là uy tín. Mất uy tín và lòng tự hào là mất nhiều nhất. Một cách cụ thể vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã chấm dứt, với hậu quả là trong một tương lai không xa đồng Dollar sẽ không còn giữ được vai trò của đồng tiền dự trữ quốc tế nữa và kinh tế Mỹ sẽ chao đảo. Nếu có những trường hợp mà sự ích kỷ là kẻ thù độc hại nhất cho chính mình thì đây là một.

Quyết định bỏ rơi chính quyền Kabul của Mỹ không phải là không có lý do chiến lược, dù là lý do chiến lược thiển cận. Trong ngắn hạn Mỹ không mất mát gì nhiều ngoài thể diện và danh dự nhưng bối cảnh địa chính trong vùng sẽ thay đổi lớn. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều đang lo ngại một chính quyền Hồi giáo toàn nguyên tại Afghanistan vì cả hai nước đều có vấn đề Hồi giáo. Đặc biệt là Afghanistan tiếp giáp với tỉnh Tân Cương nơi Bắc Kinh đang bị lên án về tội diệt chủng đối với người Hồi giáo. Nước Pakistan cũng đang phải chờ đợi một tương lai đầy ẩn số. Vừa là đồng minh của Mỹ vừa lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, vừa chống Taliban trên mặt chính thức theo yêu cầu của Mỹ vừa yểm trợ Taliban trên thực tế, không ai biết Pakistan thực sự có những đồng minh nào. Những gì vừa xảy ra đang chứng tỏ Taliban không còn muốn phụ thuộc vào Pakistan nữa. Điều chắc chắn là Pakistan rất nợ nần, rất chia rẽ nội bộ vả rất bị tham nhũng tàn phá. Hầu như mọi cấp lãnh đạo đều đã thủ sẵn một hộ chiếu nước ngoài. Pakistan có thể là một trái bom nổ chậm rất lớn.

Còn tương lai của Afghanistan ?

Các biến cố dồn dập khiến người ta quên rằng thực ra Taliban chưa kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Vùng Đông Bắc chung quanh thung lũng Panjshir -hiện do Ahmad Massoud con trai của cố Tư lệnh Massoud trấn giữ- vẫn còn kháng cự và có khả năng kháng cự dai dẳng vì Liên Minh Miền Bắc vừa được tăng cường bởi những thành phần trung kiên của chính quyền Kabul, kể cả phó tổng thống Amrullah Saleh trên nguyên tắc hiện là người lãnh đạo hợp pháp của chính quyền Kabul. Liên Minh này cởi mở hơn với những giá trị dân chủ và nhân quyền và có hy vọng được Châu Âu yểm trợ. Taliban có thể sẽ chấp nhận thỏa hiệp với Liên Minh này thay vì tấn công.

Đất nước Afghanistan đã thay đổi nhiều sau 20 năm và sẽ còn tiếp tục thay đổi theo chiều hướng dân chủ thế quyền. Một nửa dân số Afghanistan sinh ra sau ngày Mỹ đến đây và lớn lên trong một nước Afghanistan dân chủ, dù là một nền dân chủ đầy khuyết tật. Chính Taliban cũng đã thay đổi. Nó không còn toàn nguyên và quá khích như trước đây nữa. Nó đã tuyên bố chấp nhận một số quyền của phụ nữ. Nhưng sức mạnh chính của Taliban là tinh thần toàn nguyên Hồi giáo, là lý tưởng xây dựng một nước Afghanistan tuyệt đối thần quyền. Không còn toàn nguyên và quá khích nữa thì Taliban cũng không còn đoàn kết và sức mạnh đã giúp nó chiến thắng. Mặc dù thắng lợi kinh ngạc của nó, về lâu về dài Taliban là một lực lượng sẽ yếu dần vì đại diện cho một quá khứ bắt buộc phải qua đi.

Thông điệp Afghanistan 2021

Câu hỏi nền tảng thực sự đáng được đặt ra là tại sao chính quyền Kabul không chống cự được với Taliban dù có quân đội đông đảo và phương tiện dồi dào hơn nhiều ? Vô tình chính Joe Biden đã cho câu trả lời khi ông tuyên bố -và nhắc lại nhiều lần- rằng Mỹ không đến Afghanistan để giúp xây dựng một quốc gia. Phải khẳng định một lần cho xong là một chính quyền và một quân đội chỉ có thể được xây dựng và duy trì để phục vụ một quốc gia. Khi không có quốc gia thì chính quyền và quân đội không có lý do tồn tại, không khác gì một chiếc xe không có động cơ chỉ chạy được nhờ sức kéo bên ngoài, khi sức kéo này không còn nữa thì xe cũng ngừng chạy.

Nhưng quốc gia là gì nếu không phải là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung ? Quan trọng nhất là một dự án tương lai chung, điều mà trong suốt 20 năm những người kế tiếp nhau cầm quyền tại Kabul đều không có để đề nghị với nhân dân Afghanistan và chính quyền Mỹ cũng không nghĩ tới việc thúc giục và giúp đỡ họ để có. Không có dự án chính trị thì cũng không thể có lý tưởng và đội ngũ nòng cốt. Một dự án tương lai chung cho một quốc gia không thể là sáng tác của một người hay một vài người mà chỉ có thể là đúc kết của nhiều cố gắng nghiên cứu, suy tư và thảo luận rất công phu và trăn trở trong nhiều năm của nhiều người gắn bó với nhau để cùng theo đuổi một lý tưởng phục vụ và thăng tiến một đất nước mà họ cùng yêu và quyết chí phục vụ. Lý tưởng đó là sức mạnh chính của họ, các phương tiện tài chính và quân sự chỉ là thứ yếu. Đó là điều mà chính quyền Kabul không có. Nó chỉ là những cá nhân có thể có bằng cấp, kiến thức, thiện chí và hỗ trợ của Mỹ nhưng không có đội ngũ và một dự án tương lai cho đất nước. Trước mặt họ là tổ chức Taliban có một lý tưởng và một dự án tương lai cho Afghanistan, dù là một lý tưởng và một dự án lỗi thời. Vì thế họ phải thua và Taliban phải thắng, ít nhất trong một thời gian.

Người ta thường chê chính quyền Kabul là tham nhũng. Rất đúng, nhưng tham nhũng chủ yếu là gì nếu không phải là lấy của chung làm của riêng ? Afghanistan đâu đã phải là một quốc gia để có thể nói đến "của chung" ? Tham nhũng là đương nhiên và không tránh khỏi.

Việt Nam và Afghanistan

Sau những gì vừa xẩy ra tại Afghanistan nhiều người Việt Nam đang phân vân tự hỏi Afghanistan bây giờ có phải là Việt Nam 1975 lặp lại không. Dĩ nhiên là không, hoàn cảnh của hai nước rất khác nhau, dù là về địa lý, lịch sử, văn hóa. Bối cảnh thế giới tại hai thời điểm cũng rất khác nhau. Chính vì thế mà những điểm chung của hai biến cố lịch sử này càng có giá trị định luật. Nếu chúng ta không để cho cây che khuất rừng, để chi tiết che khuất tổng thể, thì thông điệp Afghanistan 2021 và thông điệp Việt Nam 1975 chỉ là một.

Cũng như chính quyền Kabul bây giờ, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 đã tan rã nhanh chóng sau khi bị Mỹ bỏ rơi dù có quân đội đông đảo, có chế độ dân chủ và không thiếu những người có khả năng và thiện chí. Tuy vậy, cũng như Afghanistan ngày nay, Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ nhanh chóng bởi vì nó không có một dự án chính trị cho tương lai đất nước và do đó không có ý chí chung. Những người có khả năng và thiện chí vì thế chỉ là những cá nhân chứ không phải là một đội ngũ và do đó không thể có sức mạnh. Cũng như Afghanistan bây giờ, Việt Nam Cộng Hòa ngày trước thiếu một truyện thuyết giải thích hiện tại đen tối, vạch ra một tương lai tươi sáng và một lộ trình thuyết phục và khả thi để tiến tới tương lai đó. Và dĩ nhiên cũng thiếu một đội ngũ nòng cốt của những con người gắn bó với nhau trong truyện thuyết đó. Trước mặt họ là Đảng cộng sản với những người lãnh đạo thiển cận, những phương tiện kém hơn và một dự án độc hại -dự án cộng sản hóa đất nước- nhưng là một lực lượng kiên trì vì có dự án chính trị chung. Kết quả là, cũng như Taliban ngày nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã chiến thắng nhanh chóng, chỉ để đưa đất nước vào tai họa.

Thông điệp Afghanistan bây giờ cũng như thông điệp Việt Nam ngày trước là phải có một dự án chính trị đúng đắn -một truyện thuyết- cho tương lai cho đất nước và một đội ngũ nòng cốt thì mới có tổ chức và sức sống. Cố gắng này có thể đòi hỏi rất nhiều kiên trì nhưng sau đó thắng lợi sẽ chắc chắn và có thể rất nhanh chóng. Còn nếu không thì vô vọng, không thể giành được chính quyền và dù tình cờ may mắn được một thế lực bên ngoài đưa lên cầm quyền thì cũng sẽ bị đánh bại dễ dàng, ngay cả bởi một lực lượng lạc hậu theo đuổi một dự án tệ hại.

Cho tới lúc này nhiều người Việt vẫn còn nghĩ rằng có thể đấu tranh cho dân chủ mà không cần có tổ chức và dự án chính trị, hay vẫn nghĩ rằng tổ chức có thể thành lập được trong một vài năm và dự án chính trị có thể soạn thảo ra trong một vài tuần. Họ chưa hiểu bài học 1975 mà thảm kịch Afghanistan vừa nhắc lại.

Nguyễn Gia Kiểng

(22/08/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2988 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)