Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

12/12/2021

Nhân quyền không phải là miếng ăn

Phạm Đình Trọng

Trong chuyến công cán châu Âu cuối tháng mười, đầu tháng mười một, năm 2021 vừa rồi, tại nước Anh, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nhà ta đầy tự tin cao giọng : "Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau".

nhanquyen1

"Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau". Hình minh họa : Bữa cơm của gia đình nữ công nhân Đặng Thị Thủy. Lao Động online - Ảnh : Việt Lâm

Chưa bàn đến điều ông Thủ tướng quá chủ quan, quá kiêu ngạo cộng sản, quá tự mãn đến hợm hĩnh khi ông tự nhận đã lo cho cả trăm triệu dân không ai thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ ai lại phía sau. Có quá nhiều sự thật nghiệt ngã trái ngược điều ông Thủ tướng cao ngạo nói. Chẳng cần dẫn chứng đâu xa. Cả thế giới bị hoạ dịch bệnh Covid-19 nhưng không ở đâu dân bị bỏ rơi, cả triệu người phải đói khát, bơ vơ, hốt hoảng, nháo nhào, thục mạng chạy trốn cái chết dịch bệnh, chạy trốn cái chết vì không còn miếng ăn như ở Việt Nam hồi tháng tám, tháng chín vừa qua.

Chạy xe máy. Chạy xe đạp. Không có xe máy, xe đạp thì chạy bộ vài trăm cây số, cả ngàn cây số. Nếu không bị bỏ rơi, không bị đói, việc gì người dân phải ôm con thơ mới sinh chưa được mười ngày chạy cả ngàn cây số trong nắng mưa, đói khát, cơ cực và đầy bất trắc. Có người chết thảm trên đường nhưng dòng người chạy đói, chạy dịch bệnh vẫn nối dài. Còn quá nhiều chuyện đau lòng dân đói, dân bị bỏ rơi nhưng ở đây không bàn chuyện đó.

nhanquyen2

Rất đông người dân An Giang di chuyển bằng xe máy về quê tập trung tại chốt kiểm soát dịch bệnh T2 của thành phố Long Xuyên – Báo Tin Tức, 03/10/2021

Điều đáng bàn hơn là ông Thủ tướng có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ mà hiểu về Nhân Quyền thô thiển, nông cạn đến mức coi Nhân Quyền lớn nhất chỉ là cơm ăn, áo mặc : "Nhân Quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân". Lời ông Thủ tướng nói trước truyền thông thế giới còn lưu trên giấy trắng mực đen, trên băng ghi âm, ghi hình tiếng Anh, tiếng Việt. Hạ thấp con người xuống hàng loài vật, coi con người cũng chỉ như mọi loài vật chỉ cần có miếng ăn, cũng cho thấy hình hài con người văn hóa, con người nhân văn và nền tảng văn hóa thực sự của ông Thủ tướng có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ.

Thưa ông Thủ tướng có học hàm ngất ngưởng phó giáo sư, có học vị chót vót tiến sĩ. Miếng ăn chỉ là nhu cầu bé nhỏ, tầm thường và đương nhiên của con người thể xác như mọi loài vật đều cần có miếng ăn để sống.

Ngoài con người cơ thể bé nhỏ chỉ là phần xác, phần vật chất tầm thường của mọi loài động vật, con người chỉ thực sự là Người khi có hình hài con người cá nhân, con người văn hóa, con người nhân văn trong hình hài con người thể xác. Con người cá nhân, con người nhân văn là giá trị văn hóa, tinh thần, là phần Người cao quí đến thiêng liêng. Chỉ có con người cơ thể, chỉ cần có miếng ăn nuôi sống phần xác vật chất thì con người cũng chỉ là một loài động vật cấp thấp.

Giá trị phi vật chất lớn nhất, tổ chức xã hội cao nhất của loài vật là bầy đàn. Bầy đàn cho con vật có thêm sức mạnh số đông để tồn tại. Miếng ăn để tồn tại thể xác. Bầy đàn cũng chỉ để tồn tại thể xác. Dù đã tập hợp thành bầy đàn, loài vật vẫn chỉ là loài vật.

nhanquyen3

Dù đã tập hợp thành bầy đàn, loài vật vẫn chỉ là loài vật. Hình minh họa : Bữa ăn của đàn sói - Ảnh minh họa 

Con người dù đã biết đứng bằng hai chân, đã biết lao động bằng hai bàn tay và có trí khôn tạo ra của cải, có trí khôn thay hang động tối tăm bằng ngôi nhà nguy nga tràn ngập ánh sáng, thay hái lượm bằng trồng trọt và chăn nuôi nhưng trong xã hội bầy đàn nguyên thủy hay bầy đàn hiện đại, con người chưa có cá nhân tách ra khỏi bầy đàn thì chưa thoát khỏi bầy đàn loài vật, vẫn chưa thực sự là Người.

Thời bầy đàn nguyên thủy, thời nô lệ - chủ nô, thời thần dân – vua chúa, số đông người dân trong xã hội chỉ là đám đông, là bầy đàn, chưa có cá nhân. Nô lệ, thần dân chỉ mong có miếng ăn để sống, không biết đến ý thức cá nhân, không dám khẳng định sự có mặt của cá nhân. Chủ nô, vua chúa cũng không thèm biết đến cá nhân mà chỉ biết đến đám đông công cụ. Chủ nô và vua chúa chỉ cần thí cho đám đông nô lệ, thần dân công cụ có miếng ăn đủ sống để sử dụng, khai thác sức lao động và khai thác cả máu.

Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng Nhân Quyền lớn nhất là cơm ăn, áo mặc thì ông Thủ tướng cũng chỉ là một chủ nô, một lãnh chúa thời dã man tăm tối mà thôi và nhận thức xã hội, kiến thức văn hóa của ông Thủ tướng còn chìm đắm, còn ngụp lặn trong dã man của thời hồng hoang, trong tăm tối của thời trung cổ.

Con người cá nhân chỉ có được khi mỗi cá nhân tự biến kiến thức văn hóa, kiến thức xã hội của loài người thành tài sản của riêng mình, thành hình hài con người văn hóa xã hội trong con người thể xác của mình. Có kiến thức văn hóa xã hội của loài người, con người cá nhân ý thức được giá trị, vị trí của của mỗi con người có mặt trong cuộc đời, trong xã hội.

Ý thức cá nhân đòi hỏi phải được khẳng định sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội. Ý thức cá nhân cũng đòi hỏi xã hội phải nhìn nhận giá trị con người, quyền của mỗi cá nhân có mặt trong cuộc đời, trong xã hội. Cá nhân có quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do, trong đó quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là quan trọng nhất. Cá nhân cũng có quyền phải được thể hiện sự có mặt của mình, khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình với loài người, với xã hội. Những quyền không thể thiếu của con Người đó chính là Nhân Quyền, Quyền Con Người.

Xã hội đã được tổ chức thành nhà nước. Loài người đã bước vào thời dân chủ văn minh. Thần dân của nhà nước phong kiến đã trở thành công dân trong nhà nước dân chủ. Quyền Con Người luôn luôn đi cùng Quyền Công Dân. Trong nhà nước dân chủ, người dân là chủ thể đất nước và Quyền Công Dân cao nhất là quyền làm chủ đất nước. Người dân phải có quyền bình đẳng và tự do ứng cử và bầu cử vào vị trí lãnh đạo, quản lí đất nước.

Nhân Quyền, Quyền Con Người chính là những quyền cơ bản không thể thiếu kể trên của mỗi cá nhân chứ không phải là cơm ăn. Cơm ăn chỉ là lương thực của con người thể xác. Quyền Con Người mới là lương thực của con người văn hóa xã hội trong mỗi con người. Không có cơm ăn, con người thể xác sẽ chết. Không có Quyền Con Người, con người văn hóa xã hội cũng sẽ chết. Chỉ có cơm ăn mà không có Quyền Con Người thì con người cũng chỉ là bầy cừu. Ông Thủ tướng coi cơm ăn là Nhân Quyền lớn nhất của trăm triệu dân Việt Nam là ông Thủ tướng đã coi trăm triệu dân Việt Nam chỉ là bầy cừu trăm triệu con phải trông chờ vào người chăn dắt là ông Thủ tướng lo cho miếng ăn !

nhanquyen4

Nhân quyền lớn nhất là cơm ăn (Phạm Minh Chính) – Hình minh họa : Bữa cơm đạm bạc của nhóm lao động tự do mắc kẹt trong khu lán trại ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh : Tất Thảo

"Nhân Quyền Lớn Nhất Là Cơm Ăn" không phải chỉ là nhận thức của ông Thủ tướng. Trong Quốc hội của đảng, trong đảng của ông Thủ tướng, trong Chính phủ của ông Thủ tướng, trong thần dân của ông Thủ tướng còn nhiều người ở tầm nhận thức như ông Thủ tướng, chưa có con người cá nhân, chưa biết ý thức về cá nhân như ông Thủ tướng. Vì vậy những việc man rợ, phản văn minh, phản con người mới diễn ra hàng ngày trong xã hội như là điều bình thường. Xin điểm vài sự việc.

Quốc hội của đảng cài đặt trong bộ luật Hình sự 2015 các điều luật 109, 117, 331 buộc tội người dân khi người dân thực hiện Quyền Con Người, Quyền Công Dân.

Các điều luật vi hiến tước đoạt quyền Con Người, quyền Công Dân 109. 117, 331 cho công an được quyền đàn áp đổ máu dân, tuỳ tiện bắt bớ, tống ngục người dân khi người dân thực hiện Quyền Con Người, Quyền Công Dân, khi người dân biểu tình hợp pháp phản đối Tàu cộng xâm lược biển Đông, phản đối Formosa giết hại sự sống dải biển miền Trung, phản đối luật An ninh mạng tước đoạt quyền tự do ngôn luận của dân, phản đối luật đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân phong, Phú Quốc rước hoạ an ninh quốc phòng cho đất nước.

Điều 25 Hiến pháp 2013 bảo đảm cho công dân quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các điều luật hình sự vi hiến 109. 117, 331 tước đoạt quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận của công dân đã cho các toà án được quyền xé toạc hiến pháp, biến toà án của nhà nước tự xưng là dân chủ thành toà án dị giáo thời Trung cổ, tuyên những bản án hà khắc man rợ với người dân thực hiện quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận. Bản án tử hình với người nông dân giữ đất chính đáng Lê Đình Công, Lê Đình Chức cũng man rợ như giữa đêm công an xông vào tận giường ngủ xả súng giết chết lão nông vô tội Lê Đình Kình. Cũng man rợ như toà án dị giáo Roma kết tội hoả thiêu với nhà khoa học trung thực Giordano Bruno.

Nhà nước chưa có con người cá nhân, chưa biết đến ý thức cá nhân thực chất vẫn là nhà nước phong kiến của đám vua chúa. Nhà nước đó đã tạo ra quá nhiều thần dân là những nô lệ thời hiện đại. Nhà báo Lê Phú Khải viết bài trên mạng xã hội vạch ra tội ác của công an nhà nước cộng sản bắn giết dân Đồng Tâm, một nô lệ thời hiện đại tỏ lòng thương hại nhà báo già dại dột liền khuyên rằng viết làm gì ! Có tác dụng gì đâu mà viết. Viết vạch ra sai trái của nhà nước rồi lại bị bắt, bị tù tội mút mùa như nhà báo tự do Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thì khổ thân già. Giận dữ vì lời khuyên nhỏ nhen, thấp hèn của người chỉ có con người thân xác, nhà báo Lê Phú Khải liền quát : Tôi viết để tôi được làm Người.

Đúng vậy. Con người chỉ thực sự là Người khi có những giá trị cao hơn, quí giá hơn cả miếng ăn. Những giá trị đó chính là Nhân Quyền, là Quyền Con Người. Một trong những quyền cơ bản của con người, nâng con người lên cao hơn loài vật là quyền tự do ngôn luận, quyền được nói, quyền được bộc lộ tư tưởng, chính kiến. Từ thế kỉ 18, nhà triết học Pháp Voltaire đã viết : Je désapprouve ce que vous dites, mais je me battrai jusqu’à la mort pour que vous ayez le droit de le dire. (Tôi không đồng ý điều anh nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để anh có quyền anh được nói).

Từ thế kỉ 18, thế giới bước vào văn minh công nghiệp, loài người đã có quyền tự do ngôn luận. Tự do báo chí, người dân được quyền ra báo tư nhân là thể hiện rõ nhất, lớn nhất quyền tự do ngôn luận. Ba thế kỉ sau, đến tận thế kỉ 21, người dân Việt Nam vẫn chưa có quyền tự do ngôn luận,

Nền sản xuất công nghiệp đã giải phóng cá nhân khỏi bầy đàn. Đến văn minh công nghiệp con người mới ý thức được sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời và trong xã hội. Văn minh công nghiệp cũng là văn minh đô thị đã thực sự nhìn nhận sự có mặt của cá nhân trong xã hội. Ghi nhận sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội là những văn bản pháp luật bảo đảm quyền của cá nhân trong xã hội.

Công nghiệp là khoa học kĩ thuật. Khoa hoc kĩ thuật mở ra kỉ nguyên công nghiệp. Công nghiệp phát triển lại thúc đẩy trở lại với khoa học, tạo ra nhiều ngành khoa học mới. Đến văn minh công nghiệp đã xuất hiện khoa học chính trị. Khoa học chính trị chỉ ra rằng trong ánh sáng văn minh công nghiệp, sức mạnh giành độc lập dân tộc là dân trí và luật pháp chứ không phải là khởi nghĩa bạo lực và máu như thời tối tăm phong kiến trung cổ.

Từ đầu thế kỉ hai mươi, Việt Nam đã thực sự bước vào ngưỡng cửa văn minh công nghiệp, hoà nhập với tiến trình công nghiệp hóa của loài người khi Việt Nam đã có nhiều đô thị, nhiều nhà máy công nghiệp, nhiều nhà tư sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thành đạt, đã xuất hiện một tầng lớp tinh hoa mới của kỉ nguyên công nghiệp là đông đảo những nhà tư sản và trí thức giầu của cải, giầu trí tuệ.

Trong đội ngũ tinh hoa của văn minh công nghiệp có cụ Phan Châu Trinh, nhà khoa học chính trị đầu tiên của Việt Nam. Nhà khoa học chính trị Phan Châu Trinh chỉ ra con đường giành độc lập dân tộc của Việt Nam là khai dân trí, chấn dân khí. Khai dân trí để người dân ý thức được quyền con người. Chấn dân khí để tập hợp sức mạnh người dân, để sử dụng công cụ luật pháp đấu tranh giành độc lập. Khai dân trí, chấn dân khí thì trí thức phải đi đầu, dẫn dắt, lãnh đạo dân chúng, dẫn dắt lãnh đạo đất nước. Chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ trí thức cần thiết dẫn dắt xã hội Việt Nam đi vào công nghiệp hoá, đi vào văn minh công nghiệp.

Nhưng cách mạng tháng tám 1945 nổ ra đưa giai cấp vô sản, bần cố nông, nghèo của cải, nghèo trí tuệ lên nắm quyền dẫn dắt đất nước, đưa đất nước vào bạo lực chiến tranh máu và nước mắt, làm đứt gãy tiến trình công nghiệp hóa của đất nước Việt Nam, đưa xã hội Việt Nam trở lại thời tối tăm phong kiến, con người không còn cá nhân, chỉ có bầy đàn, đưa dân tộc vào lầm than để đến nông nỗi sang thế kỉ 21, loài người đã bước vào kỉ nguyên văn minh tin học mà ông Thủ tướng Phạm Minh Chính của chính quyền vô sản công nông Việt Nam khi ra thế giới vẫn tự tin và hồn nhiên nói giữa thế giới văn minh rằng Nhân Quyền lớn nhất là cơm ăn, áo mặc !

Phạm Đình Trọng

(12/12/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 956 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)